EU: Giới hạn phát thải methane; Câu hỏi tìm lời đáp; Leo thang căng thẳng với TQ; TBN thành tụ điểm khí đốt Nga; Slovakia ủng hộ Ukraine

EU THÔNG QUA LUẬT ĐẶT RA GIỚI HẠN PHÁT THẢI KHÍ METHANE

Việc nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải methane trong thập niên này là rất quan trọng nếu thế giới muốn tránh biến đổi khí hậu nghiêm trọng.

Ngày 10/4, các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua luật đặt ra giới hạn phát thải khí methane đối với hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt vào châu Âu từ năm 2030, gia tăng áp lực buộc các nhà cung cấp quốc tế phải kiểm soát rò rỉ loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn cả CO2 này.

Khí methane là thành phần chính của khí tự nhiên và cũng là nhân tố lớn thứ hai gây ra biến đổi khí hậu, sau CO2. Trong ngắn hạn, loại khí thải này có tác động làm ấm lên cao hơn nhiều so với CO2.

Việc nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải methane trong thập niên này là rất quan trọng nếu thế giới muốn tránh biến đổi khí hậu nghiêm trọng.

Việc đặt ra quy định giới hạn mới với hoạt động nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt cũng là một phần của đạo luật đầu tiên tại EU nhằm cắt giảm lượng khí thải methane, bao gồm lượng khí thải methane trực tiếp từ các ngành dầu mỏ, khí hóa thạch và than đá cũng như từ khí methane sinh học khi được bơm vào mạng lưới khí đốt.

Đối với ngành dầu mỏ và khí đốt, các đơn vị khai thác phải phát hiện và sửa chữa rò rỉ khí methane.

Các hãng phải nộp chương trình phát hiện và sửa chữa rò rỉ khí methane cho các cơ quan quản lý quốc gia trong vòng 9 tháng kể từ ngày quy định có hiệu lực, thực hiện khảo sát phát hiện và sửa chữa rò rỉ lần đầu tại các địa điểm hiện có trong vòng 12 tháng.

Với than đá, các nước EU phải liên tục đánh giá và báo cáo lượng khí thải methane từ việc vận hành các mỏ dưới lòng đất và từ các mỏ trên mặt đất.

Ngoài ra, các nước sẽ phải thiết lập một bản kiểm kê công khai các mỏ đã đóng cửa hoặc bỏ hoang trong 70 năm qua và đo lượng khí thải từ các mỏ, ngoại trừ các mỏ đã bị ngập lụt hơn 10 năm.

Do nhập khẩu chiếm hơn 80% lượng dầu và khí đốt tiêu thụ ở EU nên các nhà lập pháp cũng nhất trí đặt ra các yêu cầu đối với dầu, khí đốt và than nhập khẩu. Kể từ ngày 1/1/ 2027, các nhà nhập khẩu sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về giám sát, báo cáo và xác minh tương ứng ở cấp độ sản xuất.

Ủy ban châu Âu (EC) có nhiệm vụ tạo ra một đạo luật được ủy quyền trong vòng 3 năm sau khi quy định mới có hiệu lực để phân loại các mức cường độ khí methane đối với mặt hàng dầu thô, khí tự nhiên và than đưa vào thị trường EU ở cấp độ nhà sản xuất hoặc công ty.

Từ năm 2030, các nước EU sẽ áp đặt các giới hạn về "giá trị cường độ khí methane" đối với các nhà sản xuất xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch sang EU. Quy định này có khả năng tác động đến các nhà cung cấp khí đốt lớn từ Mỹ, Algeria và Nga.

Luật mới cần được Hội đồng châu Âu chính thức thông qua trước khi đăng công khai trên Công báo chính thức EU và có hiệu lực sau đó 20 ngày.

CÂU HỎI DI CƯ TÌM LỜI ĐÁP

Nghị viện châu Âu vừa thông qua Hiệp ước châu Âu về tị nạn và di cư, với tiêu chí trọng tâm là “đoàn kết và trách nhiệm”, sự kiện được Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá là "lịch sử". Nhưng châu Âu đã tìm được giải pháp thực sự cho vấn đề di cư và thực hiện đúng với trách nhiệm của mình hay chưa vẫn là câu hỏi để ngỏ.

Được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trình bày vào ngày 23/9/2020, hiệp ước trên là cuộc cải tổ lớn nhất các quy định về nhập cư và tị nạn của Liên minh châu Âu (EU) trong hơn một thập niên. Sau quá trình đàm phán kéo dài do vấn đề cực kỳ phức tạp, gây chia rẽ và các cuộc đàm phán mang tính chính trị hóa cao, hiệp ước đã được thông qua với đa số sít sao và chủ yếu nhờ vào số phiếu trắng của những nghị sĩ không đồng ý với văn bản nhưng muốn hiệp ước được thông qua.

Hiệp ước mới là một bộ gồm 10 công cụ (6 quy định, 3 khuyến nghị và một chỉ thị) được thiết kế nhằm đạt được sự cân bằng giữa kiểm soát biên giới và tình đoàn kết trong việc tiếp nhận người di cư trên đất châu Âu, nhưng triết lý tổng thể vẫn là các quốc gia nhập cảnh chịu trách nhiệm về phần lớn việc tiếp nhận.

Cụ thể, Brussels dự định hành động dựa trên 3 yếu tố chính. Thứ nhất là xử lý nhanh hơn ở biên giới EU. Người di cư sẽ nhanh chóng biết được - trong vòng tối đa là 7 ngày - liệu họ có thể ở lại châu Âu hay phải rời đi, thông qua thủ tục "sàng lọc" khi nhập cảnh. Thứ hai là hợp tác chặt chẽ hơn với các nước xuất xứ và quá cảnh để hạn chế người di cư đến và chống lại các mạng lưới đưa người nhập cư trái phép.

Đặc biệt, EU đặt mục tiêu thay đổi cách thức xây dựng quan hệ đối tác di cư quốc tế với các nước bên ngoài và thiết lập một khuôn khổ tự nguyện hơn cho chính sách di cư lao động của châu Âu. Thứ ba là cơ chế đoàn kết mới linh hoạt hơn. Mỗi nước sẽ phải đóng góp vào cơ chế đoàn kết nhưng theo cách ít hạn chế hơn. Trong khi việc tái định cư (chuyển giao người xin tị nạn giữa các quốc gia thành viên EU) trước đây là bắt buộc thì giờ đây sẽ là tự nguyện. Họ có thể tiếp nhận người xin tị nạn, hay cung cấp tiền hoặc các nguồn lực khác cho các quốc gia “tiền tuyến” như Italy và Hy Lạp.

Trong hơn một thập niên trở lại đây, vấn đề di cư đã trở thành ưu tiên hàng đầu của tất cả các chính sách an ninh châu Âu, nhưng chưa được giải quyết do các quốc gia có tầm nhìn khác nhau. Cùng với đó, EU bị đánh giá là thiếu tầm nhìn xa và hành động vì mục tiêu bền vững, khi chỉ tập trung vào việc ngăn chặn người di cư, trong khi giải pháp căn cơ là tái định cư người di cư hầu như bị bỏ ngỏ. Chính sách di cư của châu Âu đang bị thách thức, khi dòng người di cư bất thường ồ ạt, với 46.000 người từ đầu năm 2024 đến nay và số đơn xin tị nạn kỷ lục, lên tới 1,14 triệu đơn đăng ký trong năm 2023, gây bất ổn nghiêm trọng cho sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu kế hoạch tập thể mới có thể thay thế cho các phản ứng đơn độc của các quốc gia thành viên kéo dài hàng thập niên hay không. Đối với phe cực tả, những cải cách - bao gồm xây dựng các trung tâm biên giới để giam giữ những người xin tị nạn và đưa một số người ra các quốc gia "an toàn" bên ngoài, hay thỏa thuận của EU với các nước thứ ba nhằm kiểm soát dòng người di cư - là quá cứng rắn, không phù hợp với các giá trị châu Âu về lòng nhân ái và phẩm giá con người. Còn các nghị sĩ cực hữu phàn nàn rằng cuộc cải tổ đã không đi đủ xa để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp, những người mà họ cáo buộc đã gieo rắc sự bất an và đe dọa "nhấn chìm" bản sắc châu Âu.

Trong khi đó, các chuyên gia chỉ ra rằng hệ thống mới, mặc dù dựa trên trách nhiệm chung nhưng sẽ phức tạp hơn nhiều và không phải tất cả các quốc gia thành viên đều có xu hướng nỗ lực. Ví dụ, hiệp ước mới có các thỏa thuận mới về hạn ngạch chia sẻ gánh nặng, trong đó yêu cầu các chính phủ phải bồi thường tài chính cho các quốc gia tuyến đầu nếu họ từ chối nhận hạn ngạch. Nhưng Hungary và Ba Lan đã nhanh chóng tuyên bố sẽ không chấp nhận các quy tắc đoàn kết mới, trong khi các đảng cực hữu, cực tả và đảng xanh cũng như các tổ chức phi chính phủ đã cam kết - vì những lý do khác nhau - sẽ tiếp tục đấu tranh.

Điểm gây tranh cãi khác bao gồm các điều khoản cho phép người xin tị nạn được gửi đến các nước thứ ba "an toàn" để xử lý yêu cầu của họ, giống như thỏa thuận giữa Italy và Albania mới đây. Một điểm nữa là hiệp ước mới của EU chưa nêu được chi tiết về việc sẽ trục xuất người không đủ điều kiện xin tị nạn ra sao. EU thiếu các thỏa thuận trao trả người tị nạn với nhiều quốc gia và từng rất vất vả để thuyết phục một số quốc gia ở Trung Đông, châu Phi tiếp nhận người di cư bị trục xuất.

Thêm vào đó, kế hoạch chống nhập cư trái phép của khối vẫn chưa hoàn thành. Sau khi giải quyết được phần ngọn, các nhà lãnh đạo EU muốn tăng cường nỗ lực hoàn tất các thỏa thuận với các quốc gia láng giềng ở Bắc Phi và Trung Đông để cùng giải quyết các nguyên nhân cốt lõi của việc di cư.

Tuy nhiên, mọi việc còn tùy thuộc vào kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới. Cho đến nay, EU đã ký kết các thỏa thuận với Tunisia, Mauritania và Ai Cập, liên quan đến những khoản tiền lớn để giúp các nước kiểm soát dòng di cư.

Thực tế thì việc EU đạt được thỏa thuận về một vấn đề đặc biệt nhạy cảm như di cư đã được xem là một thành công, nhất là trong bối cảnh Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) mới đây cảnh báo hành trình vượt biển từ Libya hoặc Tunisia qua Địa Trung Hải để đến châu Âu là tuyến đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới. Theo IOM, năm 2023 là năm nguy hiểm nhất đối với người di cư trong thập niên vừa qua khi có tới 8.541 người thiệt mạng, một phần do số người chết đuối ở Địa Trung Hải tăng mạnh.

Về lý thuyết, với hiệp ước mới, EU giờ đây sẽ phân bổ gánh nặng người nhập cư cho 27 quốc gia thành viên, buộc các quốc gia thành viên khác phải có nghĩa vụ giúp đỡ những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ làn sóng di cư. Hiệp ước đưa ra những quy tắc thuận lợi cho nhập cư hợp pháp, dùng nhập cư hợp pháp để chống lại nạn đưa người. Tuy nhiên, các quy định mới sẽ bắt đầu được áp dụng từ năm 2026, sau khi EC đặt ra cách thức thực hiện hiệp ước trong những tháng tới.

27 nước thành viên EU sẽ có 2 năm để đưa ra những thay đổi tương ứng trong luật pháp quốc gia của mình. Người ta vẫn cần chờ xem, liệu EU có thể cùng nhau vượt qua thách thức chung, chủ động quyết định ai sẽ đến EU và trong hoàn cảnh nào, đồng thời bảo đảm việc quản lý biên giới và các quyền cơ bản của người di cư hay không.

CĂNG THẲNG THƯƠNG MẠI TRUNG QUỐC – EU LEO THANG TRỞ LẠI

Sau một thời gian tạm thời “hạ nhiệt”, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) lại xuất hiện những dấu hiệu leo thang khi các nhà chức trách Cựu lục địa liên tiếp mở các cuộc điều tra vào xe điện và tua bin gió của Trung Quốc.

Đây được cho là một nỗ lực của EU nhằm bảo vệ một số ngành công nghiệp của mình trong cuộc cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ đến từ Trung Quốc.

Động thái của EU đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Trung Quốc cho rằng, những cuộc điều tra đang làm suy yếu niềm tin của các công ty nước này trong việc đầu tư và kinh doanh ở châu Âu, ảnh hưởng đến các nỗ lực toàn cầu nhằm phát triển công nghiệp xanh và chống biến đổi khí hậu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: “Trung Quốc vô cùng quan ngại về các biện pháp phân biệt đối xử mà EU áp dụng đối với các doanh nghiệp và thậm chí cả ngành công nghiệp Trung Quốc”. Đồng thời, bà Mao Ninh cho rằng, EU nên tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các nguyên tắc thị trường.

Từng dẫn đầu về công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo, nhưng châu Âu dần chứng kiến sự thụt lùi trước sự nở rộ của các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc từ năm 2018. Theo con số thống kê, Trung Quốc đã vượt qua EU vào năm 2020 để trở thành nhà sản xuất, lắp đặt năng lượng gió lớn nhất. Hiện nay, tua bin do Trung Quốc sản xuất, lắp đặt chiếm hơn một nửa số tua bin gió đang hoạt động trên thế giới.

Tại châu Âu, trong khi các công ty nội địa như Siemens Energy hay Vestas vẫn cung cấp phần lớn tua bin cho các trang trại gió ở châu Âu, song họ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm của Trung Quốc trong cuộc đua phát triển tua bin hiệu quả và tiết kiệm toàn cầu. Nhiều tập đoàn lớn trong ngành năng lượng gió của EU báo cáo đã bị thiệt hại hàng tỷ USD buộc họ phải cắt giảm chi phí mạnh mẽ. Còn đối với sản phẩm tấm pin mặt trời, các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm hơn 90% thị trường EU.

Đứng trước nguy cơ vị thế trên thị trường bị đe dọa, EU đã mở cuộc điều tra xem xét liệu các khoản trợ cấp của Trung Quốc có mang lại lợi thế không công bằng cho các công ty tua bin gió trong cuộc cạnh tranh giành các dự án tại 5 quốc gia thành viên: Tây Ban Nha, Hy Lạp, Pháp, Romania và Bulgaria hay không. Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Margrethe Vestager cho biết, hoạt động vận hành tua bin gió của Trung Quốc tại 5 quốc gia nói trên sẽ bị giám sát chặt chẽ. Bà Margrethe Vestager cũng kêu gọi EU tận dụng tối đa các công cụ thương mại mà mình có để bảo vệ lợi ích công nghiệp trước khi quá muộn.

Tuần trước, EU cũng công bố điều tra hai nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang đấu thầu tại dự án của một công viên năng lượng mặt trời công suất 455MW ở Romania. Bà Margrethe Vestager dự kiến sẽ đưa ra ý tưởng sử dụng rộng rãi hơn bộ đánh giá độ tin cậy, bao gồm những tiêu chí dự kiến liên quan tới an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, quyền lao động và "dấu chân sinh thái" để đánh giá trong quá trình điều tra. Hiện nay, chưa đến 3% số tấm pin mặt trời lắp đặt ở EU được sản xuất tại châu Âu. Bà Margrethe Vestager cũng lưu ý rằng, Trung Quốc đang triển khai chiến lược tương tự trên các lĩnh vực công nghệ sạch khác, bao gồm cả xuất khẩu công suất vượt mức sang phần còn lại của thế giới với giá thấp.

Những năm gần đây, EU và Trung Quốc là đối tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng trên thực tế thương mại song phương lại tiềm ẩn những cơn sóng ngầm. Theo quan điểm của EU, Trung Quốc đã giải quyết những khó khăn kinh tế trong nước bằng cách thúc đẩy sản xuất. Điều này đã tạo ra tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, khiến hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường. Nhiều doanh nghiệp EU cảnh báo, nếu các nhà lãnh đạo khối này không có hành động ngay lập tức, chẳng hạn như áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, một nửa công suất của ngành công nghiệp tái tạo EU có thể đóng cửa trong thời gian tới, thách thức các mục tiêu của EU về chuyển đổi năng lượng và tự chủ công nghiệp.

Ông Jens Eskelund - Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc nhận định, căng thẳng thương mại giữa hai bên có thể sẽ leo thang do khả năng sản xuất với chi phí rẻ trong các ngành công nghiệp chiến lược của Trung Quốc ngày càng tăng. Cuộc điều tra của EU cũng có thể kích hoạt những phản ứng đáp trả của Trung Quốc khiến căng thẳng thương mại song phương đứng trước những nguy cơ khó lường.

TÂY BAN NHA BẤT NGỜ TRỞ THÀNH TRUNG TÂM KHÍ ĐỐT CỦA PUTIN

LNG của Nga đã chiếm gần 26% lượng nhập khẩu của quốc gia này, tăng từ 14,4% của năm trước.

Theo Reuters, nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga chiếm gần 26% lượng khí đốt nhập khẩu của Tây Ban Nha trong tháng 3, tăng từ mức 14,4% một năm trước đó. Reuters cho biết con số này đã xác nhận quốc gia Iberia này là trung tâm nhập khẩu khí đốt quan trọng của Nga vào châu Âu.

Dữ liệu từ nhà điều hành lưới điện Tây Ban Nha Enagas cho thấy rằng Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai cho đất nước vào tháng trước sau Algeria. Các chuyến hàng LNG chiếm 65,5% lượng nhập khẩu của Tây Ban Nha trong khi phần còn lại đi qua đường ống.

Nhờ có các cảng nhập khẩu ổn định lớn nhất trong Liên minh châu Âu, Tây Ban Nha đã trở thành nước tái xuất khẩu nguồn cung cấp bằng đường biển hàng đầu của Nga, chiếm tổng cộng 23% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Tây Ban Nha trong quý 1/2024.

Enagas cho biết trong một tuyên bố, nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Tây Ban Nha đã giảm 23,2% trong tháng so với cùng tháng năm trước, tương ứng với 29.129 GWh. Tổng lượng khí đốt nhập khẩu từ Algeria chiếm 42% và cơ sở lưu trữ của Tây Ban Nha đạt 81%.

Con số này trái ngược hoàn toàn với mục tiêu của quốc gia này sau khi xung đột giữa Nga – Ukranie diễn ra. Cụ thể, vào tháng 3/2022, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera đã kêu gọi Ủy ban châu Âu có cách tiếp cận chung nhằm cấm khí đốt của Nga, bao gồm cả LNG trên biển để có thể từ bỏ vào năm 2027. Chính phủ sẽ tìm cách trợ giúp các nước thành viên EU khác về năng lượng và cung cấp điện, đồng thời áp dụng một số biện pháp tiết kiệm năng lượng để giúp các thị trường EU khác có nguồn cung cấp điện.

Chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua một sắc lệnh hạn chế việc sử dụng điều hòa không khí trong các tòa nhà công cộng như một phần của chiến lược bảo tồn năng lượng và giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga. Bản thân Tây Ban Nha không phụ thuộc vào khí đốt từ Nga, nhưng chính phủ nước này đang nỗ lực để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng khi Liên minh châu Âu tìm cách giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Không giống như hầu hết các nước EU, Tây Ban Nha không phụ thuộc vào đường ống dẫn khí đốt của Nga, nhưng nước này có số lượng thiết bị đầu cuối nhập khẩu LNG cao nhất ở châu Âu.

Tuy nhiên 2 năm sau mục tiêu này, LNG của Nga chiếm 1/4 lượng khí đốt nhập khẩu của Tây Ban Nha trong tháng 3, tròng 2 năm kể từ khi mục tiêu 'cai' khí đốt Nga được ban hành.

Theo Oilprice, doanh thu từ dầu khí của Nga, chiếm khoảng 1/3 tổng số tiền thu ngân sách, đã tăng 90% vào tháng trước kể từ tháng 3 năm 2023. Theo ước tính của Reuters, châu Âu đã tăng cường mua LNG của Nga trong năm 2023 để bù đắp tổn thất khí đốt qua đường ống. LNG Nga hiện chiếm 15% thị phần trên thị trường, tăng từ khoảng 8% trước năm 2022. Trong khi đó thị phần khí đốt qua đường ống của Nga trước đây là 37%.

UKRAINE NHẬN ĐƯỢC “CÁI GẬT ĐẦU” CỦA SLOVAKIA, CÒN HUNGARY THÌ SAO?

Thủ tướng Slovakia cũng tuyên bố sẵn sàng hợp tác quân sự với Ukraine trên cơ sở thương mại và đề nghị hỗ trợ trong việc rà phá bom mìn.

Ukraine đang khao khát gia nhập Liên minh châu Âu (EU) khi nước này tìm cách phá vỡ liên kết với Nga và xây dựng liên minh chặt chẽ hơn với phương Tây. Để mở được cánh cửa vào EU, Ukraine cần nhận được sự đồng thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico hôm 11/4 khẳng định đất nước ông sẽ không cản trở việc Kiev gia nhập EU. Tuyên bố trên được ông Fico đưa ra trong cuộc họp báo với Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal ở Michalovce, miền Đông Slovakia.

Được bầu vào tháng 9 năm ngoái trên nền tảng dân túy, hoài nghi Ukraine, Thủ tướng Fico đã chấm dứt cung cấp vũ khí cho Kiev từ kho quân sự của Slovakia và đã nhiều lần chỉ trích cả hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine lẫn các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Nhưng ông Fico cũng từng nói rằng ông không phản đối việc Ukraine trở thành thành viên EU nếu Kiev đáp ứng mọi tiêu chí để gia nhập.

“Đây không phải là suy đoán. Đây là sự hỗ trợ hoàn toàn tuyệt đối”, ông Fico nói. “Chúng tôi không phải là quốc gia sẽ gây trở ngại cho các vị. Ngược lại, chúng tôi muốn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi với các vị”.

Về đàm phán gia nhập EU, Bratislava muốn Kiev “nhanh chóng” trở thành thành viên của EU, “vì đây là sự đảm bảo cho triển vọng và sự phát triển hòa bình của Ukraine”, Thủ tướng Slovakia nói.

Nhà lãnh đạo này cũng cho biết Slovakia sẵn sàng hợp tác quân sự với Ukraine trên cơ sở thương mại và đề nghị hỗ trợ trong việc rà phá bom mìn.

Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 2022, chỉ vài tuần sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia Đông Âu.

Hội nghị Thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu vào tháng 12 năm ngoái, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đồng ý mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Kiev.

Giữa tháng 3 năm nay, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất dự thảo khuôn khổ cho các cuộc đàm phán tư cách thành viên với Ukraine và Moldova, một ứng cử viên khác cũng đang tìm cách gia nhập khối.

Kiev tin rằng các cuộc đàm phán về việc nước này gia nhập EU có thể bắt đầu trong nửa đầu năm 2024, Thủ tướng Ukraine Shmyhal cho biết khi phát biểu bên cạnh Thủ tướng Slovakia Fico.

Ukraine đang khao khát gia nhập EU khi nước này tìm cách phá vỡ liên kết với Nga và xây dựng liên minh chặt chẽ hơn với phương Tây. Để mở được cánh cửa vào EU, Ukraine cần nhận được sự đồng thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orban không nghĩ giống người đồng cấp Slovakia. Tại cuộc họp báo thường niên của Thủ tướng Hungary ở Budapest hồi cuối tháng 12 năm ngoái, ông Orban tuyên bố rằng ông phản đối Ukraine gia nhập EU xuất phát từ mong muốn giúp đỡ quốc gia này thông qua các biện pháp tức thời hơn.

“Nếu chúng ta muốn giúp Ukraine, chúng ta nên cung cấp điều gì đó thực tế”, ông Orban nói, giải thích rằng việc trở thành thành viên EU là không thực tế vì quá trình này sẽ kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt là khi Ukraine vẫn đang chìm trong xung đột.

Nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy của Hungary khẳng định, thay vào đó, “mối quan hệ đối tác chiến lược” giữa EU và Ukraine sẽ mang lại kết quả “ngay lập tức” và mang lại lợi ích “quan trọng nhất đối với người Ukraine và hỗ trợ họ theo cách đó”.

Ông gọi việc bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập là “một cử chỉ chính trị tốt đẹp nhưng trên thực tế chẳng giúp ích gì cho người Ukraine cả”

Nguồn: Môi trường & Đô thị; Báo Tin Tức; Hà Nội Mới; Soha; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang