EU: Tuyên bố chung về xe đạp; Lời nguyền trở lại; Anh siết quy định thị thực; Thỏa thuận Anh-Ukraine; Anh-Mỹ-Nhật tập trận lớn

CHÂU ÂU THÔNG QUA TUYÊN BỐ CHUNG VỀ XE ĐẠP

Nhằm giảm khí thải giao thông, Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã thông qua Tuyên bố châu Âu về đạp xe, công nhận xe đạp là phương tiện giao thông bền vững, dễ tiếp cận và giá cả phải chăng.

Tuyên bố đã được ký kết vào ngày 3/4 tại Bruessels trong một cuộc họp do Bỉ tổ chức với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải các quốc gia thành viên EU. Bỉ cũng là quốc gia đang nắm giữ chức chủ tịch luân phiên tại Hội đồng châu Âu.

Dù tuyên bố trên không ràng buộc về pháp lý, những người ủng hộ đạp xe vẫn hoan nghênh trước động thái của các chính phủ và Nghị viện châu Âu trong việc biến châu lục này thành nơi thân thiện với xe đạp. Việc thừa nhận các lợi ích về sức khỏe và môi trường của xe đạp và là cột mốc quan trọng trong chính sách giao thông của EU.

Các chính phủ EU đồng thuận đạp xe là một trong những cách bền vững, lành mạnh và hiệu quả nhất để cắt giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, các nước cam kết sẽ xây dựng thêm làn đường và nơi đỗ xe để đảm bảo an toàn cho người đi xe đạp và khuyến khích người dân chuyển từ đi ô tô cá nhân sang xe đạp.

Các chính phủ cam kết tăng cường cơ sở hạ tầng an toàn trên khắp châu Âu, cụ thể bằng các phương pháp phân cách các làn xe đạp với các làn cho phương tiện cơ giới, hoặc đảm bảo tốc độ an toàn trong các làn đường hỗn hợp.

Liên đoàn những người đi xe đạp châu Âu đã hoan nghênh tuyên bố trên. "Hôm nay thực sự là một khoảnh khắc lịch sử. Tuyên bố này mở ra những lợi ích tiềm năng của đạp xe cho hàng triệu công dân châu Âu", Giám đốc Liên đoàn Jill Warren chia sẻ.

Tuyên bố trên cũng được Nghị viện châu Âu tán thành. Năm ngoái, Nghị viện đã kêu gọi cơ quan điều hành EU có chiến lược phát triển đạp xe với mục tiêu tăng gấp đôi số km đạp xe trên toàn liên minh vào năm 2030.

Trong đại dịch Covid-19, để đóng góp vào việc thúc đẩy đạp xe và bố trí các tuyến đường dành cho xe đạp, một số nước đã thống nhất với tuyên bố riêng vào năm 2022 bao gồm Bỉ, Luxembourg, Áo, Ireland, Đan Mạch và Hà Lan. Sau đó, 10 quốc gia khác tham gia tuyên bố, bao gồm Pháp và Tây Ban Nha.

Tháng 10 năm ngoái, Ủy ban châu Âu đưa ra dự thảo cho tuyên bố chung của EU. Dự thảo này đã được ký kết bởi cả ba cơ quan của EU trong tuần này. Mặc dù văn bản không như Nghị viện châu Âu kỳ vọng do thiếu mục tiêu rõ ràng và ràng buộc pháp lý, nhưng vẫn được Phó Thủ tướng Bỉ Georges Gilkinet công nhận là "một bước đi quan trọng".

"Tuyên bố là văn bản cấp châu Âu đầu tiên đưa ra chính sách chung về xe đạp. Đây là lần đầu xe đạp được công nhận là một yếu tố của chính sách giao thông châu Âu", ông Gilkinet nói thêm.

Ủy viên châu Âu phụ trách vận tải, bà Adina Valean, cho biết việc thực hiện các cam kết trong tuyên bố là vấn đề tự nguyện của các chính phủ và người dân châu Âu.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh Ủy ban đã và đang tìm cách thúc đẩy đạp xe thông qua các bộ luật, chẳng hạn như yêu cầu các nhà điều hành tàu hỏa cung cấp không gian cho người đi xe đạp.

Hội nghị cấp bộ trưởng của EU cũng đưa ra Tuyên bố Brussels về "giao thông của tương lai", trong đó điểm lại những điểm chính của thỏa thuận về xe đạp, đồng thời kêu gọi Ủy ban trong tương lai đưa vận tải đường sắt trở thành mục tiêu trọng tâm của chính sách giao thông châu Âu.

NHỮNG LỜI NGUYỀN BẮT ĐẦU TRỞ LẠI CHÂU ÂU

“Ở tuổi 75, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hùng mạnh hơn, nhưng cũng đang bị đe dọa” - hãng thông tấn Pháp AFP nhấn mạnh, đúng vào ngày Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên đường công du châu Âu. Và, có thể nói, những gì AFP đề cập trong lo lắng, cũng chính là những thách thức không dễ vượt qua đang chắn trước mặt nước Pháp nói riêng, cũng như Liên minh châu Âu (EU) nói chung

Sứ mệnh của ngài Blinken

Cũng có một chút ngạc nhiên, khi thế giới nhận ra rằng, đã gần 2 năm, mặc dù hoạt động rất năng nổ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đến Pháp. Mối quan hệ với Paris dường như đã “yên ả” trở lại sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga bùng nổ (tháng 2/2022), đủ để tạm thời hàn gắn những rạn nứt cũ (đặc biệt là việc nước Pháp cảm thấy bị “đâm sau lưng”, khi Mỹ cùng Anh và Australia thành lập liên minh AUKUS ở Thái Bình Dương và cũng đủ để ngành ngoại giao Mỹ tập trung cho những vấn đề khác. Cho đến hiện tại.

Chọn Paris làm điểm đến đầu tiên, có thể tin rằng Ngoại trưởng Mỹ muốn xác lập một “đầu cầu” vững chắc, một “điểm tựa” để siết lại mối quan hệ dường như đang trở nên lỏng lẻo dần, với những người đồng minh truyền thống bên kia Đại Tây Dương.

Trong lịch trình làm việc 5 ngày (1 đến 5/4), Ngoại trưởng Mỹ đã gặp và bàn thảo với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về những vấn đề nóng bỏng toàn cầu, như hai cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine và trên Dải Gaza, cũng như chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh cùng lễ kỷ niệm trọng đại: 75 năm ngày NATO thành lập (4/4/1949).

Rời Paris, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Brussels để tham dự Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao NATO, trước khi tham gia cuộc gặp 3 bên với các nhà lãnh đạo EU và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.

Rất nhiều nụ cười, những cái bắt tay và những ngôn từ “có cánh” đầy màu sắc ngoại giao. Nhưng, trong lúc đó, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng vẫn đang khẩn thiết kêu gọi những khoản viện trợ mới. Và, sự vụ lực lượng vũ trang Israel tấn công đoàn xe cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc làm 7 nhân viên thiệt mạng cũng đang gây chấn động. Cùng đó, dưới các gánh nặng kinh tế - xã hội, làn sóng xuống đường biểu tình của nông dân khắp châu Âu (chứ không chỉ riêng nước Pháp) đang làm hằn lên nhu cầu tái định hình các thiết chế.

Không dễ để thành thật nói về tương lai của những mối quan hệ gắn bó, hay về một lễ kỷ niệm, trong bối cảnh hỗn loạn như thế.

Châu Âu, trăm mối tơ vò

Một cách ngắn gọn, châu Âu đang đối mặt với cả những thách thức truyền thống cũng như phi truyền thống. Nhưng, không chỉ vậy, hiện tại, khi đồng thời còn phải cáng đáng các trách nhiệm và cố gắng thực hiện các cam kết trong vai trò là thành viên NATO, những nỗi hoang mang của các nước EU còn dày thêm gấp bội, đặc biệt là về cân bằng chiến lược.

Như AFP phân tích (những phân tích cũng có thể xem là thông điệp gián tiếp từ giới tinh hoa chính trị châu Âu và nước Pháp), cho dù “NATO đã được tái tạo năng lượng nhờ cuộc xung đột quân sự tại Ukraine” - theo lời James Black, Trợ lý Giám đốc quốc phòng và an ninh tại RAND Corporation, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, thì liên minh quân sự ấy, cùng lúc, vẫn phải cẩn thận tránh bị lôi kéo vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga - cuộc chiến có nguy cơ lan rộng, thậm chí dẫn đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Do đó, cho dù việc tái tập trung vào địch thủ cũ Moscow đã mang lại cho NATO một ý thức rõ ràng về mục đích, sau khi một số người đặt câu hỏi rằng “liệu liên minh này có còn cần thiết khi Chiến tranh Lạnh đã kết thúc hay không?”, cho dù quy mô thành viên của NATO đã gia tăng lên con số 32 thì điều mà họ công khai thực hiện nhằm hỗ trợ Ukraine (và qua đó hy vọng gây ra cho nước Nga những vết thương rỉ máu) vẫn chỉ có thể là các khoản viện trợ.

Vấn đề là, kể từ nửa sau năm 2023, theo dòng sóng gió chính trường nước Mỹ, những khoản viện trợ từ bên kia Đại Tây Dương dành cho Kyiv cũng đã eo hẹp dần đi, để rồi thậm chí bị “đóng băng” trong thời gian gần đây. Hạ viện Mỹ đến nay vẫn từ chối biểu quyết về dự luật cung cấp thêm 60 tỷ USD cho Ukraine. Gánh nặng trách nhiệm hỗ trợ tài chính cũng như khí tài quân sự, vì thế, dồn cả lên các thành viên châu Âu của NATO. Tuy nhiên, như vừa đề cập ở trên, chính các guồng máy kinh tế - xã hội EU cũng đang trở nên suy kiệt.

“Việc hỗ trợ Ukraine ngay bây giờ là điều cần thiết. Đó là khoản đầu tư tương lai của NATO" - James Black nhận xét. Có điều, lúc này, dường như không còn ai “dư dả” để sẵn sàng “cáng đáng” khoản đầu tư ấy. Cả Mỹ và EU đều đang phải phân bổ nguồn lực của mình cho các ưu tiên chiến lược cao hơn, thí dụ như xung đột Israel - Hamas tại Gaza.

Và, như để làm mọi thứ trở nên nặng nề hơn, theo một nghiên cứu mới đây, 68% giá trị giao dịch mua sắm vũ khí của các nước châu Âu kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine đã đi ra ngoài châu Âu và 64% trong số 68% này là đi đến... Mỹ. Nghĩa là, xung đột lợi ích đã và đang hằn rõ ngay trong nội bộ NATO, hay nói đúng hơn là giữa hai bờ Đại Tây Dương. Vì thế, Chiến lược Công nghiệp quốc phòng châu Âu (EDIS) của Ủy ban châu Âu ra đời, nhằm mục đích khắc phục tình hình này và đặt ra một loạt mục tiêu có tính định lượng. Các quốc gia thành viên được khuyến khích chi ít nhất 50% ngân sách quốc phòng cho việc mua sắm các thiết bị được sản xuất tại EU từ nay tới năm 2030 và 60% vào năm 2035. 40% thiết bị quân sự này phải là kết quả của sự hợp tác giữa các nước châu Âu.

Và những nỗi ám ảnh

Nói cách khác, châu Âu (mà Pháp và Đức là hai cường quốc dẫn đầu) vẫn rất cần dựa vào NATO - biểu tượng cho sức mạnh và trật tự thế giới do phương Tây kiểm soát. Song, bên cạnh đó, họ vẫn đang bị giằng xé bởi nhu cầu tự chủ cũng như việc nâng cao vị thế của riêng mình như một trung tâm quyền lực toàn cầu thực thụ.

Mâu thuẫn này cũng chính là nguyên nhân then chốt từng dẫn đến xung đột gay gắt giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2018-2019, đến nỗi ông chủ Điện Elysee từng phải thốt lên: NATO là một tổ chức đã “chết não”, đồng thời phác thảo kế hoạch hình thành một “Quân đội châu Âu” biệt lập.

Tuy nhiên, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, bất chấp việc châu Âu tăng chi tiêu cho quốc phòng, nhiều người tin rằng NATO sẽ không hoạt động nếu không có sức mạnh của Mỹ.

Hiện tại, những hoài nghi về cam kết của Washington với các đồng minh cựu lục địa cũng đang dấy lên, trong trường hợp cựu Tổng thống Donald Trump đánh bại Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden, trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. “Vấn đề thực sự với ông Trump, chính là tính khó đoán của ông ấy” - Camille Grand, cựu quan chức cấp cao của NATO và hiện là thành viên Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, nhận xét. Gần đây, Tổng thống Mỹ tiền nhiệm đã gây chấn động khi nói rằng ông sẽ khuyến khích nước Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn”, đối với bất kỳ quốc gia NATO nào không đáp ứng các nghĩa vụ tài chính (theo AFP).

Ngay cả trong trường hợp ông Joe Biden tái đắc cử, cũng vẫn có khả năng nước Mỹ sẽ giữ một khoảng cách nhất định với châu Âu nói chung và có thể là với cả cuộc chiến ở Ukraine. “Việc Quốc hội Mỹ hiện tại đang ngăn cản nguồn kinh phí viện trợ cho Ukraine cho thấy châu Âu không nên chờ đợi xem việc ông Donald Trump có thắng cử hay không để tiếp tục củng cố phát triển nền quốc phòng châu Âu cho riêng mình” - giới phân tích phương Tây nhận định. Mọi viễn cảnh, do đó, đều trở nên mong manh và khó nắm bắt. Sau tất cả, đến lúc này, châu Âu nói riêng cũng như toàn phương Tây nói chung vẫn chưa sẵn sàng chuyển sang trạng thái kinh tế thời chiến.

Vậy nên, dưới chân cột mốc 75 năm thành lập NATO và bên ngoài những chuyến công du hay những hội nghị thượng đỉnh ngập tràn những lời chúc tụng hoan hỉ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Để ít nhất, duy trì và củng cố niềm tin chiến lược cho những người bạn cũ châu Âu đang quay cuồng...

ANH SIẾT CHẶT QUY ĐỊNH CẤP THỊ THỰC NHẰM GIẢM LƯỢNG NGƯỜI NHẬP CƯ

Nhằm giảm lượng người nhập cư, Vương quốc Anh đã tăng mức quy định thu nhập tối thiểu để một cá nhân được bảo lãnh cho người thân trong gia đình đến nước này.

Theo đó, từ ngày 11/4, thu nhập tối thiểu cần có để bảo lãnh một thành viên trong gia đình đến Vương quốc Anh là 29.000 bảng Anh (tương đương 36.800 USD), tăng so với mức 18.600 bảng áp dụng trước đây. Kể từ đầu năm 2025, mức quy định này sẽ tiếp tục tăng lên 38.700 bảng Anh.

Động thái này là một phần trong kế hoạch của Thủ tướng Rishi Sunak nhằm "giảm di cư không bền vững và không công bằng, đồng thời đảm bảo rằng những người đến Anh không tạo gánh nặng đối với người đóng thuế".

Số người nhập cư gia tăng mạnh tại Anh trong những năm gần đây được cho là vấn đề then chốt trong cuộc tổng tuyển cử ở nước này cuối năm nay. Bộ trưởng Nội vụ Anh James Cleverly nhấn mạnh chính phủ hành động "để cắt giảm những con số không bền vững, để bảo vệ người lao động Anh và tiền lương của họ, để đảm bảo những người đưa gia đình đến Vương quốc Anh không tạo gánh nặng đối với người nộp thuế”.

Tháng 12/2023, Chính phủ Anh đã công bố một loạt biện pháp nhằm hạn chế người di cư, bao gồm việc tăng 47% mức lương tối thiểu đối với thị thực lao động có tay nghề. Nước này cũng dự định đồng bộ hóa thị thực gia đình với thị thực lao động có tay nghề trong thời gian tới.

Các quy định siết chặt đối với sinh viên và tăng 66% phụ phí y tế đối với người nước ngoài sử dụng Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) cũng là một phần của chiến lược kiểm soát nhập cư trên diện rộng tại Anh.

Theo phóng viên TTXVN tại London, Bộ Ngoại giao Anh cho biết trong năm 2023, nước này đã chi hơn 1/4 ngân sách viện trợ nước ngoài trị giá 15,4 tỷ bảng (19,3 tỷ USD) cho người tị nạn và người xin tị nạn.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Anh ngày 10/4 nêu rõ Anh đã sử dụng 4,3 tỷ bảng, tương đương 28%, từ ngân sách viện trợ nước ngoài trong năm 2023 cho các chi phí trong nước liên quan đến việc tiếp nhận người tị nạn và người xin tị nạn, tăng 600 triệu bảng so với năm 2022. Bộ Ngoại giao Anh nhấn mạnh nước này đã chi kỷ lục 2,5 tỷ bảng trong năm 2023 để đảm bảo nơi ăn ở trong khách sạn, di chuyển và đào tạo tạm thời cho người xin tị nạn đang chờ được giải quyết, tương đương 7 triệu bảng/ngày.

Theo Bộ Nội vụ Anh, hiện có 36.000 người xin tị nạn trong các khách sạn ở nước này, giảm so với con số 56.000 người hồi tháng 9 năm ngoái.

THỎA THUẬN SẢN XUẤT VŨ KHÍ ANH-UKRAINE

Theo phóng viên tại Đông Âu, ngày 10/4, giới chức Kiev xác nhận Ukraine và Anh đã ký thỏa thuận khung về hợp tác quốc phòng và lĩnh vực sản xuất vũ khí. Đây là một phần nỗ lực nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí trong nước của Ukraine thông qua tăng cường hợp tác với các đồng minh.

Thỏa thuận được ký tại một hội thảo công nghiệp quốc phòng ở Kiev. Hội thảo có sự tham dự của khoảng 30 công ty quốc phòng của Anh đến Ukraine nhằm thảo luận về tiềm năng liên doanh với các nhà sản xuất quốc phòng và vũ khí của Ukraine.

Theo Bộ trưởng Công nghiệp chiến lược Ukraine Oleksandr Kamyshin, đây là thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về hợp tác. Trong khi đó, Bộ trưởng Chính sách Thương mại Anh Greg Hands cho biết các công ty của nước này đang làm việc với các đối tác Ukraine nhằm tìm kiếm các cơ hội để sản xuất chung được nhiều vũ khí hơn. Bộ trưởng Hands cũng hy vọng thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích quốc phòng và kinh tế cho Ukraine trong lâu dài.

Hơn 2 năm kể từ cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, ngày càng có nhiều quan ngại rằng các nước phương Tây sẽ dần giảm hỗ trợ quân sự cho Kiev. Chính phủ Ukraine đang tăng cường các nỗ lực để sản xuất vũ khí nội địa và kêu gọi các nhà sản xuất phương Tây chính đến thiết lập các cơ sở sản xuất và sửa chữa tại Ukraine.

Công ty quốc phòng BEA Systems của Anh, một trong những nhà sản xuất đầu tiên của phương Tây thiết lập cơ sở tại Ukraine và kí thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Anh để tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu các loại pháo mặt đất hạng nhẹ ở Ukraine.

Các quan chức Ukraine cũng hy vọng sẽ có thêm các dự án trong lĩnh vực sản xuất máy bay không người lái (UAV) trong năm nay. Ukraine đạt mục tiêu sản xuất khoảng 1 triệu UAV trong năm nay và sẽ tăng sản xuất UAV tấn công tầm xa. Nhiều công ty tham dự hội thảo lần này là các nhà sản xuất UAV.

ANH-NHẬT-MỸ TẬP TRẬN LỚN Ở ẤN ĐỘ DƯƠNG-THÁI BÌNH DƯƠNG

Bộ Quốc phòng Anh nói hôm thứ Tư 10/4 rằng Vương quốc Anh sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung thường kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với Mỹ và Nhật Bản từ năm 2025 nhằm tăng cường an ninh trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps nói trong một bản tuyên bố: “Tiến hành các cuộc tập trận chung sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ tới bất kỳ ai tìm cách phá vỡ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp - mối quan hệ quốc phòng của chúng tôi không bị giới hạn bởi khoảng cách và chúng tôi sẵn sàng đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào trên toàn cầu”.

Bộ Quốc phòng Anh cho hay tàu sân bay HMS Prince of Wales của Hải quân Hoàng gia Anh sẽ được triển khai tới khu vực trong khuôn khổ một nhóm thực hiện các hoạt động và tập trận với các đồng minh, bao gồm cả một cuộc ghé thăm cảng ở Nhật Bản.

Trước đó trong cùng ngày 10/4, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã hứa hẹn về một “kỷ nguyên mới” trong hợp tác chiến lược Mỹ-Nhật.

Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Washington, hai bên cho biết mục tiêu của họ là xây dựng mối quan hệ đối tác an ninh toàn cầu “phù hợp với mục đích” nhằm giải quyết những thách thức phức tạp và có liên kết với nhau.

Ông Biden nhấn mạnh cam kết vững chắc của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Nhật Bản bằng cách sử dụng đầy đủ các khả năng bao gồm cả năng lực hạt nhân.

Hoa Kỳ và các đồng minh, bao gồm cả Nhật Bản, đã và đang tăng cường quân đội để chống lại những gì họ coi là mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc tại các khu vực bao gồm Biển Đông và xung quanh Đài Loan.

Hai ông Biden và Kishida cũng công bố kế hoạch nâng cấp mạng lưới liên lạc quốc phòng và kết nối năng lực phòng không giữa Mỹ, Australia và Nhật Bản để chống lại các mối đe dọa trên không và phi đạn.

Hôm 8/4, Australia, Anh và Mỹ nói rằng họ xem xét việc hợp tác với Nhật Bản thông qua Hiệp ước an ninh AUKUS.

Nguồn: Dân Trí; CAND; Báo Tin Tức; Soha; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang