EU: Xe TQ chất đầy cảng; Ngày càng nghiện dầu Nga; TBN dừng thị thực vàng; Hỗ trợ thương mại Ukraine; Tân thủ tướng Ireland

NHU CẦU SUY YẾU, XE TRUNG QUỐC CHẤT ĐẦY CÁC CẢNG CHÂU ÂU

Các cảng châu Âu đang biến thành bãi chứa xe khi nhu cầu suy yếu trong khi lượng xe nhập khẩu, đặc biệt là xe điện của Trung Quốc, tăng mạnh. Một số mẫu xe điện thương hiệu Trung Quốc nằm im ở ở các cảng châu Âu trong suốt 18 tháng.

Xe điện Trung Quốc gây ùn ứ ở các cảng của châu Âu

Xe nhập khẩu đang chất đống tại các cảng châu Âu, biến chúng thành bãi chứa xe. Điều này xảy ra khi các nhà sản xuất ô tô và nhà phân phối xoay sở ứng phó với doanh số bán hàng chậm lại và tình trạng tắc nghẽn hậu cần, bao gồm cả việc thiếu tài xế xe tải.

Các lãnh đạo ngành cảng biển và ô tô cho biết, tình trạng ùn tắc của xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính. Một số nhà nhập khẩu đặt đơn hàng mua xe từ Trung Quốc nhưng không có kế hoach vận chuyển tiếp theo từ các cảng ở châu Âu. Ngoài ra, các hãng xe cũng đang gặp khó khăn trong việc đặt hàng xe tải vì thiếu tài xế và phương tiện vận chuyển xe.

“Các nhà phân phối ô tô ngày càng sử dụng không gian đỗ xe của các cảng làm bãi chứa xe. Thay vì lưu kho xe tại các đại lý, họ để xe tại các cảng và đến lấy khi cần”, cơ quan quản lý cảng Antwerp-Bruges, nơi có cảng Bruges là cảng nhập khẩu ô tô bận rộn nhất châu Âu, cho biết. Cơ quan này lưu ý thêm, tất cả các cảng nhập khẩu ô tô lớn ở châu Âu đều đang phải vật lộn với tình trạng ùn tắc.

Theo một số lãnh đạo ngành công nghiệp ô tô, doanh số của các hãng Trung Quốc ở châu Âu không tăng nhanh như mong đợi. Họ cho rằng đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn ứ ô tô tại các cảng trong khu vực.

“Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang sử dụng các cảng ở châu Âu như bãi chứa xe”, một nhà quản lý chuỗi cung ứng ô tô nói.

Một số mẫu xe điện thương hiệu Trung Quốc đã nằm im ở các cảng châu Âu trong 18 tháng. Một số cảng đã yêu cầu nhà nhập khẩu ô tô cung cấp bằng chứng về quá trình vận chuyển tiếp theo.

Một chuyên gia hậu cần ô tô cho biết, sau khi được bốc dỡ xuống tàu, nhiều xe nhập khẩu được để lại ở các cảng cho đến khi bán cho nhà phân phối hoặc người tiêu dùng cuối.

Ông Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội xe khách Trung Quốc, cho biết các thương hiệu xe điện Trung Quốc gặp khó khăn trong việc đặt đơn hàng vận chuyển nội địa tại các thị trường châu Âu. Ông nhấn mạnh, các hãng xe Trung Quốc cần thay đổi hoạt động xuất khẩu theo kiểu hỗn loạn như thế này vì điều đó đặt họ vào vào tình thế bất lợi.

Thách thức mới của hệ thống vận chuyển ô tô toàn cầu

BLG Logistics, công ty vận hành một nhà ga xử lý ô tô tại cảng Bremerhaven của Đức, cho biết thời gian chờ bốc dỡ của các tàu vận chuyển ô tô đang tăng lên sau khi chính phủ Đức dừng trợ cấp cho việc mua xe điện vào tháng 12 năm ngoái.

Tình trạng ùn ứ ô tô tại cảng ở châu Âu diễn ra sau khi nhiều hãng xe Trung Quốc, như BYD, Great Wall, Chery và SAIC, lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc trong năm 2023 tăng 58% so với năm trước đó, giúp nước này vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới. Trong hai tháng đầu năm nay, Bỉ, Anh, Đức và Hà Lan là những thị trường xuất khẩu hàng đầu của xe thuần điện, xe lai sạc điện (hybrid) và xe chạy bằng nhiên liệu hydro từ Trung Quốc.

Hôm 7-4, tại cuộc họp với các đại điện của 10 hãng xe điện Trung Quốc ở Paris (Pháp), Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, Wang Wentao, khẳng định những cáo buộc về dư thừa công suất sản xuất xe ở Trung Quốc “vô căn cứ”.

Tuy nhiên, nhiều hãng xe Trung Quốc đang vật lộn với những thách thức hậu cần ở châu Âu. Vì mới tham gia thị trường ở đây, họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các công ty vận tải ưu tiên đơn hàng của họ. Một nguồn thạo tin cho biết, thiếu xe tải là một vấn đề rất phổ biến và nhiều xe tải đã được hãng Tesla của Mỹ đặt trước.

“Bất kỳ thương hiệu mới nào cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề này. Nếu bạn không có quy mô, nếu bạn không giao hàng thường xuyên thì bạn không phải là khách hàng lớn nhất của hãng vận tải đường bộ”, nguồn tin nói.

Tình trạng này gây tác động dây chuyền sang các tàu đang dỡ hàng ô tô. United European Car Carriers, nhà điều hành đội tàu vận chuyển ô tô của Na Uy, cho biết, do tình trạng tắc nghẽn, nhiều tàu của công ty bị trì hoãn bốc dỡ hàng ở cảng Livorno của Ý và cảng Piraeus của Hy Lạp.

Vấn đề tắc nghẽn ở các cảng là thách thức mới nhất đối với hệ thống vận chuyển ô tô toàn cầu. Ngành công nghiệp này đã phải vật lộn trong nhiều tháng với tình trạng thiếu năng lực vận chuyển sau khi xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng vọt khiến nhu cầu tàu vận chuyển ô tô đường dài tăng 17% so với năm trước. Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do sự chuyển hướng của các tàu để tránh các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Biển Đỏ, khiến hành trình vận chuyển kéo dài đáng kể.

NGHỊCH LÝ 'CÀNG CAI CÀNG NGHIỆN' KHÍ ĐỐT NGA CỦA CHÂU ÂU

Trong tháng 2/2024, Liên minh Châu Âu đã mua gần một nửa tổng lượng xuất khẩu khí đốt hóa lỏng của Nga.

Liên minh Châu Âu đã thay thế việc nhập khẩu khí đốt của Nga bằng một dạng khác. Thay vì nhận khí đốt qua đường ống từ Nga ở phía Đông, châu Âu hiện đang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga nhập khẩu tại các cảng ở phía Tây.

EU đã chứng kiến lượng nhập khẩu LNG từ Nga tăng vọt kể từ khi cuộc xung đột của Nga với Ukraine xảy ra và sự sụt giảm đáng kể lưu lượng khí đường ống từ Nga vào năm 2022.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), mặc dù khối lượng LNG không nhiều bằng lượng khí đốt qua đường ống từ Nga tới châu Âu trước cuộc xung đột, nhưng EU là nhà mua LNG lớn nhất của Nga. EU đã mua gần một nửa tổng lượng xuất khẩu LNG của Nga vào tháng 2/2024, trong khi Trung Quốc xếp thứ hai, với sức mua chiếm 21% tổng lượng xuất khẩu LNG của Nga.

Một phân tích dữ liệu của Reuters cho thấy, hơn 1/10 lượng khí đốt Nga trước đây được vận chuyển bằng đường ống tới EU đã được thay thế bằng LNG của Nga nhập khẩu thông qua các cảng ở Tây Âu, chủ yếu ở Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp.

Sự thay đổi trong dòng khí đốt của Nga cho thấy trong khi nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống đã chậm lại – và có thể giảm hơn nữa khi thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine kết thúc vào cuối năm 2024 – LNG từ Nga đang thay thế ít nhất một phần khí đốt thông qua đường ống xuất khẩu đã bị mất ở Moscow.

Điều này cũng cho thấy rằng hiện tại, châu Âu không đủ khả năng để loại bỏ khí đốt của Nga, ít nhất là cho đến khi nước này có thể đảm bảo an ninh nguồn cung năng lượng và khí đốt để tránh nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng khác

Thực tế là cả khí qua đường ống lẫn LNG của Nga đều không bị cấm vận sau hai năm kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, cho thấy sự bất ổn của EU khi mất đi bất kỳ nguồn cung cấp khí đốt nào.

EU đặt mục tiêu hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga vào năm 2027.

Các quan chức EU đã kêu gọi hành động phối hợp nhằm giảm nhập khẩu LNG của Nga và không một quốc gia thành viên nào có động thái cấm điều trên.

Nhập khẩu LNG tăng vọt

Xuất khẩu LNG của Nga vào EU đã tăng vọt trong hai năm qua kể từ khi Nga cắt bỏ đường ống khí đốt của một số nước EU vào mùa xuân và mùa hè năm 2022, cũng như đợt tháng 9 cùng năm trong vụ nổ đường ống Nord Stream.

Dựa theo ước tính của công ty phân tích dữ liệu Kpler được Reuters trích dẫn, các cảng EU đã nhập khẩu 15,6 triệu tấn LNG của Nga vào năm ngoái. Con số này nhỉnh hơn chút so với năm 2022 nhưng tăng 37,7% so với năm 2021 trước khi xảy ra chiến tranh xung đột giữa Nga-Ukraine.

Trong khi việc nhập khẩu khí đốt Nga qua đường ống giảm xuống dưới 9% từ mức trên 35% trước đó, thì việc nhập khẩu LNG của Nga đã tăng lên khoảng 15%, theo số liệu thống kê của EU và tính toán của Reuters.

Từ năm 2021 đến năm 2023, nguồn cung LNG của Nga sang châu Âu đã tăng 11%, trong đó nguồn cung sang Tây Ban Nha tăng gấp đôi và sang Bỉ tăng gấp ba, theo dữ liệu do Viện Phân tích Tài chính & Kinh tế Năng lượng (IEEFA) tổng hợp.

Dữ liệu từ Kpler cho thấy, các cảng châu Âu nhập khẩu lượng LNG của Nga lớn nhất từ năm 2021 đến 2023 lần lượt là Zeebrugge ở Bỉ, Montoir-de-Bretagne ở Pháp, Bilbao ở Tây Ban Nha, Gate ở Hà Lan, Dunkerque ở Pháp và Mugardos ở Tây Ban Nha.

Theo phân tích của CREA dựa trên dữ liệu tháng 2/2024 về xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga, phần lớn trong các thương vụ nhập khẩu của Nga, đặc biệt ở Bỉ, đều sẽ được tái nhập khẩu sang Tây Ban Nha và Trung Quốc.

Cũng theo CREA, “Trong khi tổng lượng nhập khẩu LNG của Bỉ trong tháng 2 chỉ tăng 4% thì lượng nhập khẩu từ Nga lại tăng đến 44%. Đồng thời, việc tái xuất khẩu LNG của Bỉ đã tăng tới 81% - một phần đáng kể trong số đó được chuyển đến Tây Ban Nha và Trung Quốc - cho thấy vai trò của nước này trong việc vận chuyển khí đốt của Nga trên toàn cầu”.

Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) đã ghi nhận vào cuối năm ngoái, khoảng 21% tổng lượng LNG của Nga đã được chuyển giao đến Liên minh châu Âu dưới dạng các lô hàng trung chuyển và không được tính vào số liệu nhập khẩu chính thức. Do đó chúng đã bị bỏ qua bởi các nhà hoạch định chính sách của EU.

EU rối bời

Một phát ngôn viên của Bộ Năng lượng Bỉ đã nói với tờ Financial Times vào tháng 11 rằng Bỉ đang xem xét các biện pháp để giải quyết vấn đề trung chuyển mà không đẩy an ninh nguồn cung của châu Âu vào nguy cơ.

Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera đã thảo luận với tờ Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước rằng về phần mình, Tây Ban Nha đang tìm kiếm một sự phối hợp mạnh mẽ hơn của toàn Liên minh châu Âu trong việc xử lý việc nhập khẩu LNG của Nga.

Liên minh châu Âu sắp tới sẽ cho phép các quốc gia thành viên ngăn chặn việc nhập khẩu LNG từ Nga mà không cần sử dụng các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, Ribera cho hay, Tây Ban Nha muốn EU đảm bảo rằng một quốc gia thành viên nào đó có thể chặn các lô hàng nhập khẩu mà không để chúng bị chuyển hướng sang các quốc gia láng giềng.

“Sẽ ra sao nếu tôi áp đặt lệnh cấm một cách đơn phương và chúng có thể đến tay Pháp?" Ribera nói với Reuters.

Ủy viên năng lượng châu Âu, Kadri Simson đang thúc đẩy cho một số hành động ở cấp độ toàn khối EU.

Simson đã cho biết trong tháng trước: “Tôi đã nhắc lại rằng chúng ta không đủ khả năng để khiến Nga phải đền bù một phần lượng khí đã cắt giảm thông qua việc xuất khẩu qua đường ống một cách đơn phương”.

Không rõ EU có thể thực hiện điều này trong tương lai gần mà không làm xáo trộn thị trường khí đốt, đặc biệt là khi giá khí đã giảm xuống mức trước cuộc xung đột và đã vượt qua được mùa đông với lượng khí đốt tự nhiên được lưu trữ ở mức kỷ lục.

TÂY BAN NHA SẼ HỦY BỎ CHƯƠNG TRÌNH THỊ THỰC VÀNG

Tây Ban Nha sẽ hủy bỏ chương trình thị thực vàng vốn được dùng để thu hút nhà đầu tư bất động sản bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 8/4 cho biết, trong tuần này, chính phủ của ông sẽ có những bước đi đầu tiên tiến tới hủy bỏ chương trình thị thực vàng.

Chương trình này được ra đời từ năm 2013 và đã thu hút được hàng nghìn nhà đầu tư nước ngoài vào Tây Ban Nha. Theo cơ chế "thị thực vàng", Tây Ban Nha sẽ cấp quyền cư trú 3 năm cho các cá nhân bên ngoài EU với điều kiện đầu tư ít nhất 500.000 euro vào bất động sản ở nước này.

Thủ tướng Sanchez cho hay, việc hủy bỏ chương trình thị thực vàng sẽ biến việc tiếp cận nhà ở giá rẻ trở thành "quyền thay vì hoạt động đầu cơ", giúp tăng lượng nhà ở giá rẻ cho người dân địa phương.

"Ngày nay, 94 trong số 100 thị thực như vậy có liên quan đến đầu tư bất động sản tại các thành phố lớn, nơi đang phải đối mặt với thị trường căng thẳng cao độ. Những người đã sống, làm việc và đóng thuế ở đó gần như không thể tìm được nhà ở đàng hoàng", ông nói.

Theo số liệu của chính phủ Tây Ban Nha, nước này đã cấp khoảng 5.000 chứng nhận thị thực vàng cho người nước ngoài kể từ khi chương trình bắt đầu cho đến tháng 11/2022. Trong đó, các nhà đầu tư Trung Quốc đứng đầu danh sách, tiếp đến là giới đầu tư Nga.

Những người ủng hộ việc loại bỏ sáng kiến thị thực vàng luôn nhấn mạnh rằng, chương trình thị thực vàng sẽ khiến giá nhà đất tăng vọt. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế chỉ ra, vấn đề nhà đất của Tây Ban Nha không phải do chương trình thị thực vàng mà do thiếu nguồn cung và nhu cầu tăng.

"Biện pháp được công bố hôm nay, tập trung vào người mua quốc tế thay vì khuyến khích nhà mới tung ra thị trường, lại là một sai lầm khác", trang web bất động sản Idealista nhận định.

Tây Ban Nha là nước mới nhất trong khối EU lên kế hoạch bỏ thị thực vàng. Bồ Đào Nha và Ireland đã bỏ chương trình này từ năm 2023.

Ủy ban châu Âu từ lâu đã kêu gọi hủy bỏ những chương trình như vậy do lo ngại rủi ro an ninh cũng như tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế.

CHÂU ÂU ĐẠT THỎA THUẬN TẠM THỜI MỚI HỖ TRỢ THƯƠNG MẠI UKRAINE

Ngày 8/4, Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận tạm thời mới về việc mở rộng các biện pháp thương mại tạm thời đối với Ukraine.

Hội đồng châu Âu đã đồng ý đình chỉ thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với việc xuất khẩu nông sản của Ukraine sang EU thêm một năm nữa, cho đến ngày 5/6/2025, để hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột tại nước này vẫn chưa hạ nhiệt. Các biện pháp tự do hóa thương mại đơn phương này sẽ giúp ổn định nền kinh tế Ukraine và tạo điều kiện thuận lợi cho nước này từng bước hội nhập vào thị trường nội địa của Liên minh châu Âu.

Nếu có sự gián đoạn đáng kể đối với thị trường EU hoặc thị trường của một hoặc nhiều quốc gia EU do hàng nhập khẩu nông sản của Ukraine, quy định đảm bảo việc Ủy ban châu Âu có thể hành động nhanh chóng và áp đặt bất kỳ biện pháp nào được cho là cần thiết để bảo vệ nông dân EU.

Cụ thể, có thể kích hoạt một số biện pháp đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc biệt nhạy cảm từ trứng, đường, yến mạch, ngũ cốc, ngô và mật ong...Các bên đàm phán đã đồng ý kéo dài thời gian tham chiếu được sử dụng làm cơ sở để kích hoạt biện pháp tự vệ này, nghĩa là nếu nhập khẩu các sản phẩm này vượt quá khối lượng nhập khẩu trung bình được ghi nhận trong nửa cuối năm 2021, trong cả năm 2022 và 2023, thuế quan sẽ được áp dụng lại. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng cam kết tăng cường giám sát việc nhập khẩu ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì.

Theo thỏa thuận mới này, các thành viên Hội đồng châu Âu cho rằng cần tăng cường các biện pháp bảo vệ cho người nông dân của khối, thỏa thuận này cũng là minh chứng cho sự đoàn kết của khối và sự hỗ trợ không ngừng của EU dành cho Ukraine trước cuộc xung đột hiện tại.

TÂN THỦ TƯỚNG 37 TUỔI CỦA IRELAND

Ông Simon Harris, 37 tuổi, dự kiến được quốc hội Ireland bầu làm Thủ tướng hôm nay, trở thành người đứng đầu chính phủ trẻ nhất lịch sử nước này.

Quốc hội Ireland ngày 9/4 sẽ bầu ông Simon Harris làm Thủ tướng kế nhiệm ông Leo Varadkar, 45 tuổi, người đột ngột xin từ chức hồi tháng trước vì lý do chính trị và cá nhân.

Trước đó, đảng Fine Gael, thuộc liên minh cầm quyền ba đảng ở Ireland, đã chọn ông Harris làm lãnh đạo ngay sau khi ông Varadkar từ chức. Ông Harris cam kết đưa đảng Fine Gael trở lại với những giá trị cốt lõi như hỗ trợ doanh nghiệp, nông nghiệp, thúc đẩy luật pháp và trật tự.

Ông Harris sẽ trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Ireland, vượt qua cả kỷ lục của Varadkar, người nhậm chức thủ tướng vào năm 2017 khi 38 tuổi.

Ông Varadkar trước đó nói cảm thấy bản thân không còn là người phù hợp nhất để lãnh đạo đất nước. "Chính trị gia cũng là người bình thường. Chúng tôi cũng có giới hạn của bản thân. Chúng tôi cố hết sức tới khi không thể và sau đó phải thay đổi để bước tiếp", ông cho biết.

Ông Harris gia nhập đoàn thanh niên của đảng Fine Gael từ năm 16 tuổi và nhanh chóng thăng tiến. Năm 22 tuổi, ông là ủy viên hội đồng quận và được bầu vào quốc hội Ireland khi 24 tuổi, trở thành nghị sĩ trẻ nhất với biệt danh "Em út của quốc hội".

Năm 2016, ông Harris được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế ở tuổi 29 và năm 2020 trở thành Bộ trưởng Giáo dục. Ngay cả những người chỉ trích cũng phải thừa nhận ông có tài giao tiếp.

Tân Thủ tướng Ireland cũng đặc biệt nổi tiếng trên mạng xã hội, nhất là nền tảng TikTok, giúp ông trở thành một trong những chính trị gia được quan tâm nhất đất nước.

Sau khi nhậm chức, ông Harris sẽ đương đầu loạt vấn đề như giải quyết khủng hoảng nhà ở, tình trạng vô gia cư trong lúc chính phủ Ireland đang hứng chỉ trích vì chính sách với người tị nạn.

Nguồn: The Saigon Times; Soha; Dân Trí; VOV; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang