EU: Khủng hoảng giá nhà; Bơm khí đốt vào kho; Vẫn 'nghiện' dầu Nga; Vai trò xuyên Đại Tây Dương; Nga-Pháp giành giựt Phi

KHỦNG HOẢNG GIÁ NHÀ Ở CHÂU ÂU VẪN DAI DẲNG

Tại châu Âu, từ Tây Ban Nha qua Hà Lan đến Hy Lạp, tầng lớp trung lưu ngày càng khó tìm được nhà ở trung tâm các thành phố lớn. Xây dựng không đáp ứng được nhu cầu, trong khi giá cả vẫn ở mức cao.

Giao dịch giảm mạnh

Theo tờ Le Monde, năm 2022, khi lãi suất tăng cao, kịch bản sụp đổ bất động sản lớn ở châu Âu đã được nhiều người nghĩ đến. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Mặc dù vậy, thị trường đã bước vào giai đoạn gần như đóng băng, với số lượng giao dịch giảm mạnh, trong khi thiếu các công trình xây dựng mới. Giá bất động sản mặc dù giảm nhưng vẫn ở mức rất cao trong lịch sử, làm hạn chế khả năng mua nhà của giới trẻ.

Theo dữ liệu về bất động sản toàn cầu được công bố tháng 12/2023 của Fitch, giá nhà giảm 5% ở Đức, 2% ở Anh và Pháp, tăng nhẹ từ 2% đến 3% ở Italy và Tây Ban Nha. Cơ quan xếp hạng này dự báo giá bất động sản sẽ “ổn định hoặc tăng vừa phải trong năm 2024 và 2025”. Tuy nhiên, Pháp có thể là một ngoại lệ, với mức giá dự báo sẽ giảm 2-4% trong năm nay.

Điều kiện kinh tế dẫn đến nỗi lo ngại lớn hơn nhiều. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất từ âm 0,5% lên 4% trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019-9/2023, mức tăng lớn nhất trong lịch sử đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, các khoản vay chủ yếu có lãi suất cố định trong thời gian dài. Trong những điều kiện này, việc tăng lãi suất không ảnh hưởng đến những người đã vay mà chỉ ảnh hưởng đến những người mua mới, do họ gặp nhiều khó khăn hơn khi vay tiền của ngân hàng.

Những chủ sở hữu có khoản vay với lãi suất cố định thấp tránh thay đổi vì sợ không thể vay được khoản vay mới. Điều này tác động đến thị trường theo cách giảm số bất động sản được rao bán. Chẳng hạn ở Đức, số cho vay bất động sản đã giảm một nửa trong hai năm trong khi ở Pháp, giao dịch bất động sản đã giảm 1/4. Ngoài ra, số công trình xây dựng mới không nhiều, đặc biệt là ở các nước có nhiều khách du lịch đổ xô vào mùa Hè và ở các nước đón nhận người tị nạn Ukraine kể từ đầu năm 2022.

Tình trạng thiếu nhà ở gia tăng

Việc đóng băng thị trường ở mức giá rất cao này gây ra những hậu quả xã hội khôn lường. Tại các trung tâm thành phố tràn ngập khách du lịch, tầng lớp lao động và trung lưu, vốn cũng chịu ảnh hưởng bởi lạm phát năng lượng và lương thực, đang ngày càng gặp khó khăn trong việc tìm nhà ở. Một số hộ bị đẩy ra vùng ngoại vi, thậm chí còn xa hơn.

Tại Anh, theo hiệp hội Generation Rent, tổ chức bảo vệ người thuê nhà, số người vô gia cư năm 2023 đã vượt quá số người mua lần đầu. Ở Ireland, độ tuổi trung bình của người mua hiện nay là 39 so với 35 của năm 2010. Ở Hà Lan và Cộng hòa Czech, chủ đề này đang làm dấy lên sự phẫn nộ chính trị, trong khi Italy, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đang tìm cách khắc phục tác động của tình trạng quá đông khách du lịch.

Tại Hy Lạp, quá trình đô thị hóa ở các thành phố lớn như Athens, Thessaloniki và ở một số hòn đảo được khách du lịch ưa chuộng, khiến người dân địa phương – nhất là những người đang phải vật lộn để tìm nhà ở – không khỏi bất bình. Năm 2023, giá thuê nhà ở Hy Lạp tăng trung bình 5,9% và mức tăng là 37% kể từ năm 2018. Ở một số khu vực, con số này thậm chí còn là 50%, trong khi tiền lương trong 15 năm qua chỉ tăng nhẹ.

Trong thời gian khủng hoảng nợ đầu những năm 2010, nhiều chủ nhà không đủ khả năng đóng thuế và sửa sang lại bất động sản, vì vậy đã chọn cách đóng cửa. Vấn đề là ở chỗ trong khi nền kinh tế khó khăn, các nhà đầu tư cho thuê đã lợi dụng mức giá thấp của nhà ở, cũng như các văn phòng hoặc cửa hàng nhỏ đóng cửa, để biến chúng thành những căn hộ cho thuê, chủ yếu theo dạng Airbnb.

Hoạt động kinh doanh này được cho là một lợi ích cho Hy Lạp, vốn không phải là một quốc gia công nghiệp. Theo Ngân hàng Piraeus, hiện tại cả nước đang thiếu 212.000 đơn vị nhà ở, chủ yếu là do 170.000 căn hộ hoặc nhà ở đã được đưa vào nền tảng cho thuê ngắn hạn, chẳng hạn như Airbnb.

Để hạn chế vấn đề này, chính phủ đã đưa ra một chương trình khấu trừ thuế để khuyến khích chủ sở hữu cải tạo nhà cho thuê, đặc biệt là đối với những đối tượng thuê nhà trẻ tuổi. Chính phủ cũng dự kiến tăng từ 250.000 lên 800.000 euro mức đầu tư tối thiểu vào bất động sản đối với những công dân ngoài châu Âu muốn có được “thị thực vàng” tại Hy Lạp.

Tại Italy cũng diễn ra tình trạng tương tự, khi lượng du khách đổ về và sự phát triển của dịch vụ cho thuê ngắn hạn đang gây khủng hoảng cho lĩnh vực nhà ở trên khắp cả nước. Theo dữ liệu của Liên đoàn các chủ khách sạn Federalberghi, năm 2022 đã ghi nhận 178,2 triệu lượt lưu trú qua đêm đối với các căn hộ du lịch, đạt doanh thu 11 tỷ euro và chiếm 42% thị trường.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Florence, một trong những điểm đến được ưa chuộng nhất tại Italy. Do nguồn cung giảm đáng kể nên những người hưởng mức lương trung bình (1.570 euro ròng/tháng) không thể có nhà ở thành phố này.

Theo chính quyền địa phương, nhiều sinh viên và gia đình đã bị “bật” khỏi khu vực trung tâm, nơi đang có 14.300 căn hộ cho thuê ngắn hạn, gấp đôi so với năm 2016. Lợi nhuận từ căn hộ du lịch cao hơn nhiều so với cho thuê nhà ở, dẫn đến việc đẩy giá lên cao. Từ năm 2016-2022, giá nhà đất đã tăng 42%. Theo Liên minh các nghiệp đoàn lao động Italy, chi phí sinh hoạt ở Florence, ngay cả với một căn hộ 35m2, hiện đã cao hơn mức lương trung bình của những người dưới 35 tuổi.

Trong 10 năm qua, khu vực trung tâm Florence đã mất 4.500 cư dân. Việc những người không còn khả năng trả tiền thuê nhà tăng mạnh ngày càng dẫn đến tình trạng biến nhà ở thành nhà cho thuê du lịch. Để ngăn chặn hiện tượng này, tháng 10/2023, Hội đồng thành phố Florence đã thông qua cái gọi là biện pháp “chống Airbnb”.

Văn bản quy định cấm cho khách du lịch thuê các bất động sản ở khu vực trung tâm đã được liệt vào danh sách di sản UNESCO, ngược lại khuyến khích các chủ sở hữu chấp nhận những người thuê nhà thông thường. Tuy nhiên, diện tích liên quan chỉ chiếm 5% diện tích bề mặt của thành phố.

Tại Đức, các quy định phức tạp đã góp phần làm tăng thêm tình trạng thiếu nhà ở. Tại các thành phố lớn ở Đức, bất kỳ căn hộ cho thuê với giá cả phải chăng nào cũng có danh sách xếp hàng chờ đợi dài vô tận. Cạnh tranh trên hồ sơ là vô cùng gay gắt, đặc biệt đối với những người có thu nhập khiêm tốn, sinh viên hay thậm chí là người nước ngoài, chẳng hạn như 1,1 triệu người Ukraine đến Đức từ năm 2022.

Khủng hoảng nhà ở - lực cản tăng trưởng kinh tế

Moritz Schularick, Chủ tịch Viện Kinh tế Kiel, phân tích: “Tình trạng thiếu nhà ở nghiêm trọng ngăn cản quá trình chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế và tính cơ động xã hội”.

Lãi suất cao chỉ là một phần của lời giải thích. Đối với nhiều chuyên gia, chính sách này phần lớn đã thất bại trong việc cải thiện các điều kiện pháp lý xung quanh vấn đề xây dựng.

Theo báo cáo công bố tháng Hai của Viện Kinh tế Munich (Ifo), Đức dự kiến chỉ giao 200.000 ngôi nhà mới vào năm 2026, giảm 40% so với năm 2022. Ludwig Dorffmeister, chuyên gia bất động sản tại Viện Ifo, cho biết: “Việc xây dựng nhìn chung quá phức tạp và tốn kém. Việc tồn tại quá nhiều quy định, đặc biệt về năng lượng, đã liên tục làm tăng chi phí xây dựng trong ba thập kỷ qua”.

Chuyên gia Dorffmeister, cũng là tác giả của báo cáo nêu trên, cho rằng việc phát triển các dự án bất động sản – chẳng hạn như quy hoạch không gian và thủ tục cấp phép – đã trở nên rất phức tạp và mất nhiều thời gian.

Năm 1994 có tổng cộng 710.000 giấy phép xây dựng được cấp, nhưng đến năm 2021, con số này đã giảm xuống còn 380.000. Nếu không thể giảm thiểu các quy định xây dựng, thì giải pháp duy nhất là tái lập trợ cấp cho việc xây dựng mới. Tuy nhiên, điều này không có hiệu quả ngay lập tức và cũng khá tốn kém.

Tại Tây Ban Nha, gần một năm sau khi Luật về quyền nhà ở được thông qua (tháng 5/2023), các biện pháp then chốt kiềm chế và kiểm soát giá thuê nhà vẫn chưa được áp dụng.

Cho đến nay, Catalonia là vùng duy nhất có kế hoạch ban hành “các khu vực căng thẳng” về nhà ở, cụ thể liên quan đến 140 thành phố và thị trấn, nơi giá thuê trung bình vượt quá 30% thu nhập trung bình của hộ gia đình và có hiệu lực từ ngày 13/3.

Trước khi sụp đổ (tháng 7/2023), chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte đã có tham vọng lớn với việc đưa ra các mốc “chuyển đổi lớn” vào các năm 2030, 2050 và thậm chí là 2100. Đây sẽ là một dự án lớn, bao gồm việc xây dựng 936.000 đơn vị nhà ở vào năm 2030.

Nhà ở xã hội đã trở nên hiếm hơn trong 15 năm qua. Được quản lý bởi các tập đoàn, nhà ở xã hội chiếm 1/3 tổng nguồn cung, nhưng điều kiện tiếp cận đã bị thắt chặt và việc xây dựng đã bị chậm lại. Đồng thời, giá trên thị trường cho thuê tư nhân, vốn chỉ chiếm 7% thị trường, đã tăng mạnh, cũng như giá căn hộ và nhà để bán.

Đối với nhiều gia đình, bao gồm các gia đình trung lưu, việc sống ở trung tâm thành phố đã trở nên khó khăn.

Chính phủ Hà Lan đã đề cập đến mục tiêu nhanh chóng xây dựng nhà ở cho càng nhiều người có thể tiếp cận càng tốt, đồng thời lên kế hoạch xử phạt đối với những chủ nhà đòi tiền thuê “quá cao” và buộc các chính quyền thành phố kiểm soát tình hình.

MÙA ĐÔNG ĐÃ QUA, CHÂU ÂU SẴN SÀNG BƠM KHÍ ĐỐT VÀO KHO DỰ TRỮ

Vào đầu tháng 4, châu Âu chuyển từ khai thác khí đốt ở các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất sang bổ sung vào nguồn dự trữ.

Lượng khí đốt bơm vào kho dự trữ khí đốt của châu Âu liên tục vượt quá lượng khí đốt rút ra trong tuần đầu tiên của tháng 4, Interfax thông tin.

Nhiệt độ dự kiến ​​​​sẽ tăng hơn nữa trong những ngày tới, qua đó thúc đẩy xu hướng tăng dự trữ.

Công ty dịch vụ vận chuyển khí đốt Ukraina OGTSU cho biết, đã nhận đơn đặt hàng từ Gazprom để vận chuyển 42,4 triệu mét khối khí đốt vào 5.4. Đơn đặt hàng ngày 4.4 cũng tương tự. Lượng khí đốt này được vận chuyển qua trạm Sudzha.

Người phát ngôn của Gazprom, Sergei Kupriyanov cũng xác nhận cung cấp 42,4 triệu mét khối khí đốt Nga trung chuyển qua lãnh thổ Ukraina thông qua trạm Sudzha ngày 5.4.

Giá khí đốt giao ngay ở châu Âu tăng chưa đến 1% vào 4.4. Hợp đồng giao hàng trong ngày tiếp theo tại trung tâm TTF ở Hà Lan chốt ở mức 290 USD/nghìn mét khối.

Cách biệt giá LNG ở châu Á so với châu Âu ngày càng tăng. Hợp đồng tương lai tháng 5 cho chỉ số JKM Platts (tức Japan Korea Marker - phản ánh giá trị thị trường giao ngay của hàng hóa cung cấp cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc)) đang giao dịch ở mức 341 USD, trong khi hợp đồng tương lai của LNG cung cấp cho Tây Bắc Âu là 294 USD.

Mức dự trữ khí đốt ở châu Âu là một trong những chỉ số chính cho thị trường toàn cầu, cũng theo Interfax.

Châu Âu đã chuyển từ rút khí đốt vào mùa đông sang bơm khí đốt vào các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất trong mùa hè. Chuyển đổi diễn ra ngày 1.4 năm nay, ở mức 58,34%. Năm 2023, chuyển đổi diễn ra ngày 4.4, ở mức 55,54%.

Tỉ lệ lấp đầy trung bình của các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất ở châu Âu hiện đạt mức 59,44%, cao hơn 17% so với mức trung bình cùng ngày trong 5 năm qua, theo báo cáo của Cơ sở hạ tầng khí đốt Châu Âu.

Các kho cảng LNG của châu Âu hoạt động với năng suất trung bình 50% vào tháng 3.2024. Tải trọng trung bình của các kho này là 48% kể từ đầu tháng 4.

CHÂU ÂU VẪN CHƯA TỪ BỎ ĐƯỢC DẦU NGA?

Thay vì nhận khí đốt qua đường ống từ Nga từ phía đông, khối hiện đang nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của quốc gia này tại các cảng ở phía tây. Theo đó, khí đốt tự nhiên của Nga chưa bị EU liệt vào danh sách trừng phạt.

Kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra, lục địa này đã tăng vọt nhập khẩu LNG nhưng sụt giảm đáng kể lưu lượng khí đốt qua đường ống vào năm 2022.

Tháng 2/2024, EU đã mua gần một nửa tổng lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng, trong đó Trung Quốc đứng thứ hai, mua 21% tổng lượng xuất khẩu LNG của Nga, dữ liệu mới nhất về xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga do Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng (CREA) tổng hợp cho thấy.

Theo phân tích dữ liệu của Reuters, hơn 1/10 lượng đường ống trước đây của Nga tới EU đã được thay thế bằng LNG của Nga nhập khẩu vào các cảng ở Tây Âu, chủ yếu ở Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp.

Thậm chí, nhiều người đánh giá rằng châu Âu không đủ khả năng để loại bỏ khí đốt của Nga, ít nhất là cho đến khi khối có thể đảm bảo an ninh cung cấp năng lượng và khí đốt để tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng khác.

Các quan chức EU đã kêu gọi hành động phối hợp nhằm giảm nhập khẩu LNG của Nga và không có quốc gia nào có động thái cấm những điều này.

Trong 2 năm qua, nhập khẩu LNG của EU từ Nga đã tăng vọt kể từ khi Nga cắt đường ống khí đốt của một số nước EU vào mùa xuân và mùa hè năm 2022, và đường ống Nord Stream bị nổ tung vào tháng 9 năm đó.

Năm ngoái, các cảng EU đã nhập khẩu 15,6 triệu tấn LNG của Nga, theo ước tính của công ty phân tích dữ liệu Kpler được Reuters trích dẫn. Con số này cao hơn một chút so với năm 2022 nhưng tăng 37,7% so với lượng nhập khẩu trước chiến tranh vào năm 2021.

Theo thống kê của EU, trong khi nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Nga giảm xuống dưới 9% nguồn cung khí đốt của EU, từ mức hơn 35% trước đó, thì việc châu Âu nhập khẩu LNG từ Nga đã nâng tỷ trọng khí đốt của Nga trong nguồn cung cấp của EU lên khoảng 15%.

Từ năm 2021 đến năm 2023, nguồn cung LNG của Nga sang châu Âu đã tăng 11%, trong đó nguồn cung sang Tây Ban Nha tăng gấp đôi và tới Bỉ tăng hơn gấp ba, theo dữ liệu do Viện Phân tích Tài chính & Kinh tế Năng lượng (IEEFA) tổng hợp.

Các kho cảng châu Âu nhập khẩu khối lượng LNG lớn nhất của Nga từ năm 2021 đến năm 2023 là Zeebrugge ở Bỉ, Montoir-de-Bretagne ở Pháp, Bilbao ở Tây Ban Nha, Gate ở Hà Lan, Dunkerque ở Pháp và Mugardos ở Tây Ban Nha.

“Trong khi tổng lượng nhập khẩu LNG của Bỉ trong tháng 2 chỉ tăng 4% thì lượng nhập khẩu của họ từ Nga lại tăng đáng kể hơn nhiều, đạt 44%. Đồng thời, việc tái xuất khẩu LNG của Bỉ đã tăng tới 81% - một phần đáng kể trong số đó được chuyển đến Tây Ban Nha và Trung Quốc - cho thấy vai trò của nước này trong việc vận chuyển khí đốt của Nga trên toàn cầu”, CREA cho biết.

IEEFA cũng lưu ý vào cuối năm ngoái rằng khoảng 21% khối lượng LNG của Nga xuất sang Liên minh châu Âu là hàng trung chuyển, không được tính vào số liệu nhập khẩu chính thức và do đó bị các nhà hoạch định chính sách EU bỏ qua.

Bỉ đang tìm cách giải quyết vấn đề trung chuyển mà không gây nguy hiểm cho an ninh nguồn cung của châu Âu, người phát ngôn của Bộ năng lượng Bỉ nói với Financial Times vào tháng 11.

Về phần mình, Tây Ban Nha đang tìm kiếm sự phối hợp chặt chẽ hơn trên toàn EU trong việc xử lý việc nhập khẩu LNG của Nga, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.

EU sẽ sớm cho phép các quốc gia thành viên riêng lẻ chặn nhập khẩu LNG từ Nga mà không sử dụng các biện pháp trừng phạt bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận khí đốt của Moscow vào hệ thống năng lượng của họ.

LIÊN MINH MỸ - EU TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ LÃNH ĐẠO XUYÊN ĐẠI TÂY DƯƠNG

Trong 2 ngày 4-5/4, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã tổ chức cuộc họp lần thứ sáu của Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Mỹ (TTC) tại TP Louvain, Bỉ. Cuộc họp đã đánh giá những kết quả đạt được của TTC sau hai năm rưỡi hợp tác, đồng thời thảo luận về các bước đi mới. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Ngoại trưởng Antony Blinken đồng chủ trì cuộc họp cùng với các Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis và Margrethe Vestager.

TTC được EU và Mỹ thành lập tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Brussels ngày 15/6/2021. Đây là diễn đàn để hai bên tăng cường phối hợp trong các vấn đề về thương mại và công nghệ quan trọng, đồng thời tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương về các vấn đề cùng quan tâm. Ngoài ra, EU và Mỹ cũng luôn nỗ lực hướng tới sự minh bạch và giảm thiểu rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), thúc đẩy lợi ích của AI đối với công dân và xã hội.

Cuộc họp lần thứ lần này thể hiện cam kết mạnh mẽ của châu Âu và Mỹ trong việc thúc đẩy vai trò lãnh đạo xuyên Đại Tây Dương về các công nghệ mới nổi và môi trường kỹ thuật số, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư song phương, cũng như hợp tác về an ninh kinh tế, bảo vệ nhân quyền và các giá trị khác. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh sự tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số và sinh thái đang mở ra các triển vọng tăng trưởng và đổi mới, nhưng bên cạnh đó cũng đòi hỏi sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương hướng tới các cách tiếp cận chung.

Tại cuộc họp, hai bên tái khẳng định cam kết chung trong cách tiếp cận dựa trên rủi ro đối với AI cũng như sự hỗ trợ đối với các công nghệ AI an toàn và đáng tin cậy. Hai bên tin tưởng vào tiềm năng của AI trong việc giúp tìm ra giải pháp cho những thách thức toàn cầu. Ngoài ra, EU và Mỹ cũng đã công bố một cuộc đối thoại mới giữa Văn phòng AI của EU và Viện An ninh Mỹ về việc phát triển các công cụ, phương pháp và tiêu chuẩn để đo lường và đánh giá các mô hình AI. Hai bên cũng thông qua tầm nhìn chung cho mạng 6G, định rõ hướng đi để giữ vai trò “dẫn đầu” trong công nghệ này, đồng thời ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu.

Về lĩnh vực chất bán dẫn, EU và Mỹ quyết định gia hạn thêm 3 năm cho hai thỏa thuận hợp tác nhằm đảm bảo nhanh chóng phát hiện sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và đảm bảo tính minh bạch của các hoạt động trợ cấp. Hai bên cam kết hợp tác về các chất bán dẫn truyền thống và tiến hành nghiên cứu để tìm ra các chất thay thế cho chất per và polyfluoroalkyl (PFAS) trong chip, bao gồm cả việc tận dụng các khả năng của AI. Phó Chủ tịch điều hành EC Margrethe Vestager cho biết, trong thế giới không chắc chắn và thay đổi nhanh chóng hiện nay, mối quan hệ hợp tác giữa châu Âu và Mỹ về thương mại và công nghệ cho phép hai bên giải quyết một số thách thức quan trọng nhất của thời đại kỹ thuật số. Bà nhấn mạnh, hai đối tác sẽ tiếp tục hợp tác để tăng cường an ninh kinh tế và xây dựng môi trường kỹ thuật số công bằng, phản ánh các giá trị của châu Âu và Mỹ.

Cũng tại cuộc họp, dưới sự đồng chủ trì của Phó Chủ tịch điều hành EC Valdis Dombrovskis và Ngoại trưởng Antony Blinken, EU và Mỹ đã ra mắt Diễn đàn đối tác an ninh khoáng sản (MSP) với sự tham dự của 24 quốc gia. Trong số các quốc gia khách mời có Malawi, Angola, Philippines, Brazil, Indonesia, Ukraine, Libya, Kazakhstan và Uzbekistan. Diễn đàn MSP được xây dựng dựa trên mối quan hệ đối tác trước đó do Mỹ khởi xướng vào năm 2022 nhằm đẩy nhanh sự phát triển chuỗi cung ứng đa dạng và bền vững cho các khoáng sản năng lượng thiết yếu.

Theo ông Valdis Dombrovskis, EU và Mỹ đưa ra một đề nghị mới và có khả năng tốt hơn cho các nước đang phát triển nhằm tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho các quốc gia này. Quan chức EC nhấn mạnh lời đề nghị dựa nhiều hơn vào mối quan hệ đối tác, sự cộng tác nhằm xác định các cơ hội về dự án, tài chính và cơ sở hạ tầng cũng như hướng tới sự bền vững. Nguyên liệu thô quan trọng rất cần thiết cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và sinh thái mà EU và Mỹ đang cố gắng đạt được. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng toàn cầu cho các khoáng sản này, như lithium và coban, phần lớn phụ thuộc vào Trung Quốc.

EU đang cố gắng đạt được sự độc lập về nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng của riêng mình, một phần thông qua quan hệ đối tác trực tiếp với các quốc gia như Norway. Hơn nữa, EU sẽ sớm ký kết quan hệ đối tác về nguyên liệu thô quan trọng với Australia và sắp ký kết quan hệ đối tác sâu hơn với ít nhất ba quốc gia khác.

NGA-PHÁP & CUỘC CHIẾN GIÀNH GIẬT CHÂU PHI

Những phát biểu qua lại giữa hai ông Emmanuel Macron và Vladimir Putin liên quan đến cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine che đậy nỗi bực dọc lớn hơn nhiều của ông chủ Điện Elsyée: Nga lấn lướt Pháp ở châu Phi.

Anatolia Agency (AA), hãng tin của Thổ Nhĩ Kỳ loan tin: "Thủ lĩnh của phe đảo chánh quân sự ở Niger, Abdourahamane Tchiani, hôm 26-3 điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin... trao đổi về nhu cầu tăng cường hợp tác an ninh để đối phó với các mối đe dọa hiện tại".

Trong khi đó, website của Bộ Ngoại giao Pháp vẫn là mẩu thông báo "Tình hình an ninh ở Niger" từ ngày 3-2, theo đó "đại sứ quán Pháp tại Niamey đóng cửa cho đến khi có lệnh mới".

Pháp và cuộc đảo chánh ở Niger

Câu chuyện về sự sa sút của thế lực Pháp tại châu Phi lộ rõ qua vụ chính biến ngày 26-7-2023 ở Niger khi quân đội nước này lật đổ tổng thống được bầu cử Mohamed Bazoum.

Thay thế là tướng Tchiani, người trước đó chỉ huy lực lượng phòng vệ phủ tổng thống, tức thủ hạ lẽ ra là tin cậy nhất của ông tổng thống bị lật đổ. Nhóm tướng tá đảo chánh tuyên cáo thành lập Hội đồng Bảo vệ quốc gia (CNSP) và động thái đầu tiên của CNSP là tống giam ông Bazoum.

Ngay ngày 26-7 đó, Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố: "Nước Pháp quan ngại trước những sự kiện hiện tại ở Niger và đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình. Nước Pháp lên án mạnh mẽ mọi nỗ lực nhằm giành quyền lực bằng vũ lực, và tham gia lời kêu gọi của Liên minh châu Phi và Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) nhằm khôi phục sự vẹn toàn của các thể chế dân chủ ở Niger".

Tuyên bố tiếp theo của Bộ Ngoại giao Pháp đề ngày 28-7: "Tổng thống Mohamed Bazoum, được người dân Niger bầu cử một cách dân chủ, là tổng thống duy nhất của Cộng hòa Niger. Nước Pháp không công nhận chính quyền do cuộc đảo chính của tướng Tchiani lãnh đạo".

Qua hôm sau, Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố về các biện pháp với phe đảo chánh: "Pháp đình chỉ, có hiệu lực ngay lập tức, tất cả hoạt động viện trợ phát triển và hỗ trợ ngân sách ở Niger". Được biết, viện trợ phát triển của Pháp cho Niger là 120 triệu euro trong năm 2022, và dự kiến sẽ cao hơn một chút vào năm 2023.

Đúng hôm thứ sáu 28-7 đó, Tổng thống Pháp Macron, đang công du ở Papua New Guinea, đã lên án "một cách kiên quyết nhất cuộc đảo chính quân sự hoàn toàn bất hợp pháp và cực kỳ nguy hiểm với người dân Niger, đất nước Niger và toàn bộ khu vực".

Ông cũng kêu gọi trả tự do cho Tổng thống Bazoum và khôi phục trật tự hiến pháp (Le Monde 29-7-2023). Trước cuộc đảo chánh, Pháp cũng đang duy trì lực lượng 1.500 binh sĩ tại Niger với sứ mạng chống khủng bố Hồi giáo.

Vấn đề là Pháp khá đơn độc, nếu xét những hoạt động ngoại giao thực tế. Đảo chánh Niger nổ ra hôm 26-7, song đến ngày 17-8, tức ba tuần sau, trong cuộc họp báo hằng ngày ở Bộ Ngoại giao Pháp, một ký giả đã hỏi:

"Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã đến thăm Niamey và một đại sứ mới của Mỹ sẽ được cử đến đó. Quan điểm của Paris và Washington có khác nhau về vấn đề khôi phục chức vụ cho Tổng thống Bazoum bằng bất kỳ biện pháp nào không? Và nếu Mỹ có ý định giữ lại các căn cứ quân sự của họ, liệu Pháp có làm tương tự không?".

Đại diện Bộ Ngoại giao Pháp đã chỉ có thể trả lời ú ớ "cho có": "Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với đối tác Mỹ, vốn chia sẻ mục tiêu chung với chúng tôi là tái lập trật tự hiến pháp và dân chủ ở Niger", kèm theo một chút quạu cọ: "Còn về việc bổ nhiệm đại sứ tại Niger, chúng tôi sẽ giới thiệu bạn với chính quyền Mỹ".

Tất nhiên, phe đảo chánh đâu có nghe lời Paris. Một trong những động tác đầu tiên của chính quyền mới là tuyên bố đại sứ Pháp Sylvain Itté là người không được chào đón ở Niger.

Tờ Jeune Afrique của châu Phi nói tiếng Pháp hôm 26-9-2023 mô tả giờ phút cuối của ông Itté ở Niamey:

"Không còn các khẩu phần tác chiến, chính quyền tịch thu bánh sừng bò, thậm chí cả gà giấu dưới mui xe ô tô. Trong vài giờ nữa, Sylvain Itté, đại diện của Pháp tại Niger, sẽ rời đại sứ quán Niamey nơi ông sống ẩn dật kể từ khi những người đảo chánh tuyên bố ông là người không được hoan nghênh vào hôm 26-8".

"Nhiệm vụ bất khả thi này kết thúc với quyết định của ông Emmanuel Macron vào ngày 24-9 sau hai tháng bế tắc giữa Paris và Niamey. Pháp đã quyết định triệu hồi đại sứ. Trong những giờ tới, ông Itté sẽ trở lại Pháp cùng một số nhà ngoại giao".

Ba tháng sau, hai ngày trước Vọng Giáng sinh, Pháp rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi Niger sau khi đã hiện diện ở đây 10 năm. Truyền hình TV5 của Pháp ngậm ngùi:

"Quân đội Pháp rời Niger, sau Mali và Burkina Faso. Những người lính Pháp cuối cùng được triển khai ở Niger đã rời khỏi đây vào sáng thứ sáu 22-12. Ngày này đánh dấu cuộc ly hôn giữa Paris và chế độ quân sự Niamey, đồng thời chấm dứt hơn 10 năm đấu tranh chống thánh chiến của Pháp ở Sahel".

Pháp dạt ra, Nga bước vô

Nhật báo Le Monde 22-12-2023 còn nêu một lý giải nữa cho sự ra đi của Pháp: "Thay thế Pháp, người Nga tiến vào Sahel, đáng chú ý là thông qua nhóm bán quân sự Wagner, ngoài ra còn có cả Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự thay đổi ngoại giao này rất sâu sắc".

Thiệt ra, người Nga đã bước vô châu Phi sớm hơn. Một phúc trình của Viện Nghiên cứu phát triển chính trị Đức (Deutsches Institut für Entwicklungspolitik, DIE) nêu ra rằng từ năm 2014 cho thấy Nga đã gia tăng đáng kể sự can dự vào châu Phi.

Các nhà lãnh đạo châu Phi lúc đó chấp nhận điều này do mối lo ngại ngày càng tăng về sự phát triển thống trị của Trung Quốc và sự thoái lui của Mỹ, nên họ muốn đa dạng hóa các đối tác thương mại và an ninh. Nga có một lợi thế "bẩm sinh" là di sản của sự hỗ trợ chống thực dân và các phong trào giải phóng của Liên Xô cũ.

Đây là lợi thế so sánh của tính chính danh mà phía Nga luôn có thể dựa vào mỗi khi muốn đáp trả hay tấn công phương Tây. Đầu tháng 2-2023, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã nói rằng Pháp vẫn tiếp tục đối xử với các nước châu Phi "từ quan điểm quá khứ thuộc địa của họ".

Câu chuyện liên quan đến việc một vài nước châu Phi thân Pháp muốn bang giao với Nga song bị kỳ đà cản mũi.

Bà Zakharova nói thêm rằng nếu các nước châu Phi thấy cần thiết phải phát triển quan hệ với Nga thì điều đó "không liên quan gì đến Macron, Điện Elysée và Pháp. Chế độ thực dân Pháp ở lục địa châu Phi đã chấm dứt. Thời đại mà các nước châu Phi phải hỏi ai đó, đặc biệt là Pháp, trước khi đưa ra quyết định về chủ quyền đã chấm dứt", Hãng tin AA thuật lại.

Nga còn có một lợi thế bản chất khác tối quan trọng: Họ không "xét giấy" về dân chủ, nhân quyền hay minh bạch khi bán vũ khí. Tính đến mùa thu năm 2019, Nga đã kết thúc thỏa thuận hợp tác với 21 nước châu Phi và đang đàm phán về việc thành lập các căn cứ quân sự ở một số quốc gia: kết quả Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho lục địa này, theo phúc trình của DIE.

Cũng theo đó, nhìn chung chiến lược của Nga ở châu Phi là kết hợp giữa bán vũ khí, hỗ trợ chính trị cho các chế độ độc tài và hợp tác an ninh để đổi lấy quyền khai thác mỏ, cơ hội kinh doanh và hoạt động ngoại giao ủng hộ các ưu tiên chính sách đối ngoại của Nga.

Sự hỗ trợ của các đồng minh châu Phi đặc biệt quan trọng với Nga tại Liên Hiệp Quốc, khi các nước châu Phi chiếm 1/4 tổng số phiếu bầu tại Đại hội đồng.

Thành ra, đừng thắc mắc tại sao trong cuộc xuống đường ủng hộ đảo chính ở Niamey hôm 30-7-2023, nhiều người dân Niger hô vang tên tổng thống Nga và mạnh mẽ tố cáo cựu cường quốc thuộc địa Pháp, trên tay cầm những tấm biển ghi: "Đả đảo nước Pháp, Putin muôn năm".

Vào thời điểm đó, tập đoàn lính đánh thuê Nga Wagner đang hoạt động ở nước láng giềng Mali. Ông trùm Yevgeny Prigozhin vẫn còn sống và đã có mặt ở nhiều nước châu Phi.

Cuối tháng 2-2023, Tổ chức Hòa bình Carnegie công bố nghiên cứu có đoạn:

"Bất chấp cuộc tỉ thí quân sự ở Ukraine, trong năm qua, Nga đã tăng gấp đôi tập chú vào khu vực Sahel".

"Thông qua nhóm lính đánh thuê khét tiếng Wagner, Matxcơva đang thâm nhập vào các quốc gia như Mali và Burkina Faso, đồng thời lợi dụng những sai lầm trong chính sách của phương Tây, tình cảm chống châu Âu ngày càng gia tăng và những thất bại lâu dài của các chủ thể quốc tế và địa phương trong việc giải quyết nguyên nhân sâu xa của sự bất ổn trong khu vực".

Nguồn: Bnews; Lao Động; Công Luận; CAND; Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang