EU: Kinh tế trớ trêu; Gazprom & cuộc chiến pháp lý; Phần Lan đóng biên giới; Chuẩn bị đưa quân tới Ukraine; Chính trường Anh rúng động

KINH TẾ EU ĐỐI MẶT HOÀN CẢNH TRỚ TRÊU

Hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc và mối đe dọa thuế quan của Mỹ nếu tỷ phú Donald Trump tái đắc cử khiến kinh tế châu Âu lâm cảnh trớ trêu.

Châu Âu luôn nổi tiếng vì sự năng động. Song ngày nay, châu lục này đã rơi vào tình trạng trì trệ. Kiệt sức vì cú sốc năng lượng sau khi Nga tấn công Ukraine, nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã không thể tăng trưởng kể từ cuối năm 2022.

Ngoài ra, kinh tế châu Âu còn phải đối mặt với làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Hàng hóa với giá cả phải chăng có lợi cho người tiêu dùng nhưng lại có nguy cơ gây tổn hại đến các nhà sản xuất trong khu vực, làm gia tăng xung đột xã hội và công nghiệp.

Và, trong vòng một năm nữa, tỷ phú Donald Trump có thể quay trở lại Nhà Trắng, mạnh tay áp thuế quan lên hàng xuất khẩu của châu Âu.

Các chính phủ châu Âu đang chạy đua để giải quyết ba rắc rối ấy, nhưng họ cần cẩn thận. Dù các cú sốc mà nền kinh tế châu Âu phải đối mặt có nguồn gốc từ nước ngoài, sai lầm của các nhà hoạch định chính sách có nguy cơ khiến thiệt hại tăng lên gấp bội.

Tin tốt là kinh tế châu Âu đã vượt qua giai đoạn đau đớn nhất vì cú sốc năng lượng của Nga. Giá khí đốt đã giảm mạnh kể từ đỉnh. Tin xấu là hai thách thức khác mới chỉ đang bắt đầu.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, Bắc Kinh đang sử dụng trợ cấp để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất, với mục tiêu dựa vào người tiêu dùng nước ngoài để kích thích tăng trưởng, theo Economist.

Trọng tâm của Trung Quốc là hàng hóa phục vụ cho nền kinh tế xanh, đáng chú ý nhất là xe điện. Tỷ trọng của Trung Quốc trên thị trường xe điện có thể tăng gấp đôi lên hơn 30% vào năm 2030.

Kịch bản đó sẽ chấm dứt thế thống trị của các công ty “quốc bảo” của châu Âu như Volkswagen và Stellantis. Từ tua-bin gió cho đến thiết bị đường sắt, các nhà sản xuất châu Âu đang nín thở theo dõi tình hình ở phương đông.

Sau tháng 11, các nhà sản xuất có lẽ cũng sẽ phải dõi theo tình hình từ phương Tây. Khi còn làm chủ Nhà Trắng, ông Donald Trump đã áp thuế quan lên thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu, dẫn đến việc EU tung đòn đáp trả lên xe máy và rượu whiskey của Mỹ. Phải đến khi ông Joe Biden lên nhậm chức vào năm 2021, hai bên mới đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại.

Cựu tổng thống Donald Trump đề xuất sẽ áp mức thuế quan 10% lên mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ nếu tái đắc cử. Một vòng thương chiến nữa sẽ là mối họa đối với các nhà xuất khẩu châu Âu. Trong năm 2023, họ bán được 500 tỷ euro (tương đương khoảng 540 tỷ USD) hàng hóa sang Mỹ.

Ông Trump rất chú ý đến cán cân thương mại song phương. Theo đó, 20 trong số 27 quốc gia thành viên EU có thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ nghiễm nhiên sẽ trở thành mục tiêu.

GAZPROM & CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ

Công ty năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga phải đối mặt với nhiều cuộc chiến pháp lý với khách hàng và nhà vận chuyển khí đốt của Nga ở châu Âu, do hậu quả của cuộc chiến tại Ukraine.

Gazprom đã tiến hành các thủ tục tố tụng tại Tòa án Trọng tài khu vực St Petersburg và Leningrad của Nga, đe dọa sẽ trừng phạt các công ty châu Âu nếu họ tiếp tục kiện tụng bên ngoài nước Nga. Tuy nhiên, một số công ty châu Âu cho biết không công nhận thẩm quyền của tòa án.

Tố tụng tòa án Nga

Gazprom đã nộp đơn yêu cầu bồi thường hơn 900 triệu USD đối với các công ty Ba Lan tại tòa án St Petersburg, theo tài liệu của tòa án hôm thứ Năm.

Gazprom đang yêu cầu Europol GAZ SA, Orlen SA, Ernst and Young Global, và Ernst and Young Corporate Finance bồi thường 710 triệu USD và 886,4 triệu zloty (224,70 triệu USD).

Tòa án Nga hôm thứ Tư cho biết công ty Net4Gas(N4G) của Cộng hòa Séc sẽ phải nộp phạt khoảng 112,96 triệu euro (122,7 triệu USD) trừ khi công ty này hủy bỏ vụ kiện Gazprom về việc không chi trả các khoản thanh toán.

Vào tháng 11/2023, cũng chính tòa án này cho biết Europol Gaz của Ba Lan sẽ phải nộp phạt khoảng 1,57 tỷ USD nếu tiếp tục theo đuổi vụ kiện 6 tỷ zloty (1,51 tỷ USD) chống lại Gazprom ở Thụy Điển.

Gazprom đã đưa ra các khiếu nại tương tự lên tòa án đối với Uniper Global Commodities SE và Metha-Methanhandel GmbH của Đức, Dịch vụ vận tải Gasunie của Hà Lan, Naftogas của Ukraine và Orlen của Ba Lan.

Vào tháng 11/2023, tòa án Nga đã ra lệnh tịch thu 13 container ISO đựng helium lỏng thuộc sở hữu của Linde, Đức và đặt chúng dưới sự kiểm soát của RusKhimAlyans, một công ty con của Gazprom.

Tòa án trước đó đã ra lệnh phong tỏa gần 500 triệu USD tài sản của Linde theo yêu cầu của liên doanh.

Deutsche Bank DBKGn.DE và Commerzbank CBKG.DE vào tháng 10 năm ngoái đã thắng phiên tòa ở London nhằm ngăn chặn RusKhimAlyans kiện những người cho vay ở Nga về dự án khí đốt bị hủy bỏ.

Vào tháng 7/2023, Alexei Miller, người đứng đầu Gazprom, đã đe dọa trừng phạt Naftogaz của Ukraine trong bối cảnh có nhiều tranh cãi về pháp lý, nói rằng công ty năng lượng có trụ sở tại Kyiv này không "có tính xây dựng" trong việc giám sát quá trình vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.

Tố tụng quốc tế

Chủ sở hữu đoạn đường ống khí đốt Yamal ở Ba Lan, Europol Gaz đang theo đuổi yêu cầu bồi thường khoảng 6 tỷ zlotys (1,45 tỷ USD) chống lại Gazprom, theo Bộ trưởng Tài sản Nhà nước Ba Lan vào tháng 5/2023.

Net4Gas đã quyết định bắt đầu thủ tục trọng tài chống lại một nhà cung cấp khí đốt lớn của Nga vì các khoản thanh toán chưa được chi trả vào tháng 4/2023. Net4Gas không nêu tên nhà cung cấp, nhưng một bộ trưởng chính phủ vào tháng 1 năm đó cho biết công ty Séc không nhận được khoản thanh toán nào từ Gazprom của Nga.

Công ty điện lực Séc CEZ đã khởi xướng quá trình tố tụng quốc tế tại Geneva chống lại Gazprom vào đầu năm 2023 để đòi khoản tiền bồi thường cho việc cung cấp khí đốt thấp hơn so với hợp đồng.

Công ty Engie của Pháp đã tiến hành tố tụng trọng tài chống lại Gazprom vào tháng 2/2023 với tuyên bố rằng công ty Nga đã không đáp ứng các nghĩa vụ cung cấp khí đốt như đã thỏa thuận.

Công ty tiện ích Uniper của Đức đã khởi động quy trình trọng tài vào tháng 11/2022 với hy vọng nhận được hàng tỷ euro tiền bồi thường từ Gazprom của Nga đối với lượng khí đốt chưa được giao.

Engie cũng bắt đầu quá trình tố tụng tại Stockholm về giá khí đốt vào tháng 1/2022, trong khi Gazprom đưa ra yêu cầu phản tố vào tháng 4 năm đó. Các phiên điều trần đã được lên kế hoạch diễn ra từ ngày 18 đến ngày 23/3/2024.

Công ty PGNiG của Ba Lan (nay là PKN Orlen) đã khởi kiệnNga vào tháng 3/2022 về các khoản thanh toán khí đốt.

Công ty năng lượng RWE của Đức đã khởi xướng thủ tục trọng tài chống lại Gazprom vào tháng 11/2022 về việc giao không đủ lượng khí đốt đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Công ty năng lượng Naftogaz của Ukraine đã tiến hành thủ tục trọng tài vào tháng 9/2022 chống lại Gazprom về việc vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu.

Naftogaz cho biết vào tháng 6/2023 rằng họ đã thực hiện hành động pháp lý tại Mỹ chống lại Nga để thu hồi 5 tỷ USD nhằm bồi thường thiệt hại và tài sản bị mất ở Crimea.

Eni của Ý bắt đầu phân xử trọng tài vào tháng 5/2022 về việc Nga yêu cầu thanh toán xuất khẩu khí đốt bằng đồng rúp. Các phiên điều trần dự kiến ​​sẽ diễn ra vào tháng 5/2024.

Nhà cung cấp năng lượng quốc doanh của Phần Lan Gasum vào tháng 5/2022 cho biết họ sẽ có hành động pháp lý đối với yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp của Gazprom.

Gazprom cho biết vào tháng 11/2022, một tòa án trọng tài ở Stockholm đã ra phán quyết rằng Gasum phải trả cho Gazprom hơn 300 triệu euro (326,82 triệu USD) để cung cấp khí đốt sau khi không tuân thủ các nghĩa vụ của mình.

Gasum cho biết tòa án đã ra phán quyết rằng họ không có nghĩa vụ phải trả cho nhà cung cấp khí đốt Gazprom của Nga bằng đồng rúp.

PHẦN LAN GIA HẠN ĐÓNG CỬA CÁC TRẠM BIÊN GIỚI VỚI NGA

Chính phủ Phần Lan cho biết sẽ gia hạn thời gian đóng cửa các trạm qua biên giới với Nga cho đến khi có thông báo mới, đồng thời bổ sung một số trạm khác vào danh sách cấm.

Chính phủ Phần Lan đã đóng cửa biên giới trên đất liền với Nga từ cuối năm 2023 do số người tị nạn từ Trung Đông và châu Phi tăng đột biến.

Helsinki cáo buộc Moscow dàn dựng cuộc khủng hoảng di cư như một phần của cuộc tấn công hỗn hợp nhằm vào nước này. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã bác bỏ mọi cáo buộc.

“Chính phủ Phần Lan xem đây là một tình huống lâu dài. Chúng tôi chưa thấy bất cứ điều gì trong mùa xuân này có thể khiến chúng tôi đưa ra kết luận rằng, tình hình đã thay đổi một cách có ý nghĩa”, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Mari Rantanen.

Trước đó, vào tháng 2, Phần Lan cho biết việc đóng cửa biên giới với Nga sẽ kéo dài đến ngày 14/4.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova từng tuyên bố quyết định đóng cửa các trạm kiểm soát biên giới của Phần Lan sẽ tạo ra những đường phân chia mới ở châu Âu. Bà khẳng định Nga sẽ đưa ra phản ứng đối với những hành động như vậy trong khuôn khổ liên ngành.

HÀNG LOẠT NƯỚC CHÂU ÂU LÊN KẾ HOẠCH ĐƯA QUÂN TỚI UKRAINE

Ông Edward Luttwak cho biết, Anh, Pháp và các quốc gia Bắc Âu đang bí mật chuẩn bị đưa quân tới Ukraine để ngăn chặn "thất bại thảm khốc" của Kiev.

Loạt nước châu Âu chuẩn bị đưa quân tới Ukraine

Hãng thông tấn TASS ngày 4/4 dẫn lại một bài viết đăng trên cổng thông tin UnHerd của Anh đề cập tới việc các nước châu Âu chuẩn bị đưa quân tới Ukraine.

Trong bài viết này, ông Edward Luttwak - cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các nước NATO - với đại diện là Anh, Pháp và các quốc gia Bắc Âu - đang bí mật chuẩn bị đưa quân tới Ukraine để ngăn chặn "thất bại thảm khốc" của Kiev.

"Các nước NATO sớm buộc phải gửi binh sĩ tới Ukraine, nếu không, họ sẽ phải thừa nhận một thất bại thảm hại" - Ông Luttwak nói. Theo lời vị cố vấn, Pháp, Anh cùng các nước Bắc Âu đã chuẩn bị đưa các đơn vị hậu cần và tinh nhuệ của họ tới Ukraine.

Song, ông lưu ý rằng, các binh sĩ NATO không nhất thiết tham chiến trực tiếp ở chiến tuyến, mà có thể thực hiện công việc đảm bảo sữa chữa, khôi phục thiết bị ở hậu phương, cũng như huấn luyện quân nhân Ukraine, để tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang Ukraine tập trung vào các hoạt động chiến đấu.

Trong khi đó, cựu cố vấn Lầu Năm Góc - Đại tá Douglas McGregor cho rằng, Pháp có thể gửi hơn 7.000 quân tới Ukraine.

"Nguồn tin trong giới quân sự Pháp nói với tôi rằng Paris có thể gửi tới Ukraine 7.700 quân. Đó là những người sẵn sàng chiến đấu ở Ukraine.

Tuy nhiên, ngay khi họ đặt chân lên lãnh thổ Ukraine, người Nga sẽ biết chuyện đó nhờ các thông tin tình báo. Nếu họ ngu ngốc đóng quân ở đâu đó, chẳng hạn như gần Odessa, thì họ có thể sẽ bị Nga loại bỏ" - Ông McGregor cảnh báo.

Vào đầu tháng 3 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, Pháp không loại trừ khả năng các nước phương Tây sẽ gửi quân tới Ukraine.

Tới ngày 1/4, khi trả lời phỏng vấn báo Die Presse của Áo, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur bất ngờ cho biết, tất cả quốc gia thành viên NATO đều đã có nhân viên quân sự hiện diện ở Ukraine.

"Thực tế, mọi quốc gia thành viên NATO đều đã có nhân viên quân sự ở Ukraine, chẳng hạn như các tùy viên quân sự hoặc những người thỉnh thoảng đến Ukraine" - Ông Pevkur nói, đồng thời đề cập rằng ý định điều quân mà Tổng thống Macron đề cập chủ yếu nhằm hỗ trợ Ukraine "đào tạo nhân lực".

Ông cho biết thêm rằng, các quan chức quốc phòng phương Tây đang lên kế hoạch thành lập các trại huấn luyện ở Ukraine nhằm tránh các vấn đề liên quan đến biên giới và đẩy nhanh quá trình chuẩn bị.

Nga cảnh cáo nóng

Trong tuyên bố mới nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo, trước mắt, Pháp có thể đưa khoảng 1.500 quân nhân sẵn sàng chiến đấu tới Ukraine ngay trong tháng 4 này.

"Chúng tôi đã nắm được thông tin mới về việc Pháp đang chuẩn bị đưa quân tới Ukraine. Để đạt được mục tiêu này, bộ chỉ huy quân đoàn nước ngoài của Pháp vào đầu tháng 3 đã phê duyệt việc thành lập một nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn, quân số khoảng 1.500 người.

Dự kiến trong tháng 4, nhóm này sẽ được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu đầy đủ để triển khai tới khu vực các hoạt động chiến sự của Ukraine" - Bà Zakharova cho hay, đồng thời cảnh báo Pháp đang tiếp diễn các hành động trong quá khứ.

Theo nhà ngoại giao Nga, các hành động của Pháp trước đây – cụ thể là việc họ âm thầm mang các vật phẩm văn hóa quý giá của Ukraine về Pháp – là điều không đáng tự hào và nên được lãng quên, nhưng người Pháp ngày nay vẫn nhắc đến nó và cố gắng biện minh cho hành động đó bằng cách nói rằng họ làm vậy để bảo vệ các vật phẩm này.

Bà Zakharova chỉ trích mô hình hành xử của Pháp đối với Ukraine, hay hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine, từ quá khứ cho đến hiện tại. Việc Pháp chuẩn bị đưa quân tới Ukraine được cho là một phần của chuỗi hành động can thiệp tương tự.

Hãng thông tấn AP cho biết thêm rằng, trong ngày 3/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thực hiện cuộc điện đàm hiếm hoi với người đồng cấp Pháp Sébastien Lecornu, đánh dấu lần liên lạc đầu tiên theo phương thức này giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước kể từ tháng 10/2022.

Trong cuộc điện đàm, ông Shoigu đã cảnh báo Pháp chớ đưa quân tới Ukraine. Nếu tiếp tục thực hiện các tuyên bố về việc triển khai quân, Paris "sẽ tự mang lại rắc rối cho chính mình".

Trước đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cũng lên tiếng cảnh báo, sự xuất hiện của lực lượng quân sự nước ngoài tại Ukraine sẽ gây ra những hậu quả vô cùng tiêu cực, thậm chí "không thể cứu vãn".

CHÍNH TRƯỜNG ANH RÚNG ĐỘNG VÌ HÀNG LOẠT NGHỊ SĨ DÍNH 'BẪY TÌNH'

Cảnh sát Anh đã mở cuộc điều tra sau khi một nghị sĩ nước này tố giác đã nhận được những tin nhắn dụ dỗ kiểu bẫy tình.

Theo AFP, cảnh sát Anh đã mở cuộc điều tra trong ngày 4.4 sau khi nghị sĩ William Wragg cho biết đã cùng hàng chục người đàn ông khác có thể là con mồi của âm mưu bẫy tình, khi họ nhận được nhiều tin nhắn dụ dỗ kèm những tấm ảnh khiêu dâm.

Ông Wragg, thành viên đảng Bảo thủ, thừa nhận với báo The Times rằng ông là người để lộ số điện thoại của những người đàn ông còn lại bị nhắm đến.

Ông Wragg (36 tuổi) cho biết đã quen với một người dùng trên ứng dụng hẹn hò dành cho người đồng tính nam và đã gửi những bức ảnh thân mật cho tài khoản này.

"Tôi đã hoảng sợ vì anh ta có những thứ liên quan đến tôi. Tôi đã làm hại người khác vì yếu đuối. Tôi đã sợ. Tôi thật xấu hổ", ông Wragg nói với The Times, thừa nhận đã buộc phải cung cấp số điện thoại của những người khác cho tài khoản kia.

Theo báo Politico, 12 người bị nhắm đến gồm 3 nghị sĩ, trong đó có một thành viên chính phủ, 2 phóng viên mảng chính trị, một người dẫn chương trình truyền hình và các nhân viên của các đảng chính trị.

Báo The Guardian cho biết có một người thứ 13 cũng là nạn nhân, là cựu cố vấn của chính phủ.

Trong các vụ việc, tài khoản có tên Abi hoặc Charlie đã liên lạc với những mục tiêu và nói đã gặp nhau tại một sự kiện chính trị. Đối tượng sau đó giả vờ giận vì con mồi "không nhớ", đồng thời còn cho rằng hai bên đã từng tán tỉnh nhau.

Sau những màn trao đổi ban đầu, đối tượng thường gửi những bức ảnh khiêu dâm cho con mồi. Theo The Times, hai nghị sĩ đã gửi lại những hình ảnh thân mật tương tự.

Vị cựu cố vấn chính phủ cho biết nhận được tin nhắn đầu tiên vào ngày 23.1.2023, cho thấy âm mưu bẫy tình này có thể đã diễn ra ít nhất 14 tháng.

Một phát ngôn viên cảnh sát cho biết đang điều tra báo cáo về việc liên lạc có ý đồ xấu sau khi một nghị sĩ vùng Leicestershire nhận được những tin nhắn không mong muốn vào tháng trước.

Giới chính trị gia Anh nghi ngờ nước ngoài đứng sau chiến dịch bẫy tình này, trong khi các chuyên gia cho rằng đây có thể là hoạt động của những tên tội phạm muốn có được thông tin gây ảnh hưởng xấu.

Trước khi cảnh sát vào cuộc, cơ quan quản lý quốc hội Anh đã khuyến cáo những người liên quan liên hệ với cơ quan an ninh, đồng thời đưa ra khuyến cáo an ninh cho các nghị sĩ và nhân viên quốc hội.

Nguồn: Báo Mới; Năng Lượng Quốc Tế; Vietnamnet; Soha; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang