EU: Bước tiến khu vực Schengen; Thách thức di cư; Lạm phát giảm sâu; Chưa thể cai khí đốt Nga; Pháp loại 800 nhân sự phục vụ Olympic

KHU VỰC SCHENGEN CÓ BƯỚC TIẾN MỚI

Bulgaria và Romania mới đây chính thức gia nhập một phần khu vực tự do đi lại Schengen rộng lớn của châu Âu, mở đường cho việc đi lại bằng đường biển và đường hàng không mà không cần các thủ tục kiểm tra biên giới. Giới chức châu Âu khẳng định, đây là thành công lớn cho cả Bulgaria và Romania, đồng thời là thời khắc lịch sử đối với khu vực Schengen.

Sau 13 năm chờ đợi, Bulgaria và Romania đã trở thành một phần của "đại gia đình" Schengen. Hai quốc gia này gia nhập khu vực Schengen với việc di chuyển tự do hiện chỉ được phép bằng đường hàng không và đường biển. Các biện pháp kiểm soát trên biên giới đất liền sẽ vẫn được duy trì do vấp phải sự phản đối của Áo, vì Áo lo ngại rằng hai quốc gia Đông Âu này sẽ là cửa ngõ cho những người di cư bất hợp pháp vào châu Âu. Chia sẻ với hãng tin AFP, nhà phân tích chính sách đối ngoại Stefan Popescu nhận định, tuy chỉ là gia nhập một phần khu vực Schengen nhưng việc dỡ bỏ kiểm soát tại biên giới trên không cũng như trên biển của Bulgaria và Romania có giá trị biểu tượng quan trọng. Chuyên gia này nêu rõ, bất kỳ người Romania nào phải đi bằng một làn tách biệt so với công dân EU khác đều cảm thấy bị đối xử khác biệt.

Giới chức châu Âu bày tỏ hoan nghênh việc Bulgaria và Romania gia nhập một phần khu vực Schengen. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng, đây là thời khắc lịch sử của khối Schengen và nêu rõ các nước đang cùng nhau xây dựng một châu Âu mạnh mẽ, đoàn kết hơn cho mọi công dân. Tuyên bố của EC cho biết, kể từ tháng 12/2023, Bulgaria và Romania đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm áp dụng suôn sẻ các quy định của Schengen từ ngày 31/3/2024. Cũng theo tuyên bố, Bulgaria và Romania sẽ góp phần tăng cường các nỗ lực chung của châu Âu nhằm giải quyết vấn đề an ninh của EU ở các biên giới ngoài khối và thách thức di cư.

Với sự gia nhập của Bulgaria và Romania, Schengen sẽ bao gồm 29 thành viên, trong đó có 25 trong số 27 quốc gia thành viên EU, cùng với Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein. Tuyên bố của EC nhấn mạnh, khu vực Schengen với đường biên giới mở là "một trong những thành tựu đáng trân trọng nhất của các công dân EU".

Đối với Bulgaria và Romania, việc trở thành một phần của khối Schengen sẽ mang lại lợi ích đáng kể bởi người dân và doanh nghiệp có thể tự do đi lại, mở rộng thị trường tại các quốc gia trong khu vực.

Đối với Bulgaria và Romania, việc trở thành một phần của khối Schengen sẽ mang lại lợi ích đáng kể bởi người dân và doanh nghiệp có thể tự do đi lại, mở rộng thị trường tại các quốc gia trong khu vực. Bộ trưởng Tài chính Bulgaria Assen Vassilev cho biết, việc nằm ngoài khu vực Schengen đã khiến Bulgaria thiệt hại từ 2% đến 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và Romania cũng thiệt hại tương tự. Chính phủ Romania thông báo, các quy định Schengen sẽ được áp dụng tại 4 cảng biển và 17 sân bay của nước này. Romania cũng sẽ triển khai thêm nhiều nhân viên đến các sân bay để hỗ trợ hành khách và phát hiện những người muốn rời khỏi Romania bất hợp pháp.

Bulgaria và Romania đều là thành viên của EU từ năm 2007, đã xin gia nhập Schengen nhưng bị từ chối vào cuối năm 2022. Lý giải về việc Áo phủ quyết đơn xin gia nhập Schengen của hai nước này, Bộ trưởng Nội vụ Áo Gerhard Karner cho rằng, cần thắt chặt biên giới bên ngoài của EU vì mỗi năm có hơn 100.000 người di cư bất hợp pháp đã đến Áo thông qua các quốc gia thành viên EU mà lẽ ra từ đó họ không được phép tiếp tục hành trình.

Các cuộc đàm phán về mở cửa biên giới trên bộ để giúp Bulgaria và Romania tham gia hoàn toàn khối Schengen tiếp tục diễn ra trong năm 2024. Bộ trưởng Ngoại giao Romania Luminita-Teodora Odobescu từng nhấn mạnh, quyết tâm của Romania hợp tác chặt chẽ với Bulgaria cũng như tiếp tục đối thoại với Áo và các quốc gia EU khác nhằm thúc đẩy việc này. Những cơ hội mới đang mở ra với cả Bulgaria lẫn Romania, và hai nước cần nắm bắt thời cơ để đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.

CHÂU ÂU TIẾP TỤC GẶP THÁCH THỨC VỀ DI CƯ

Báo cáo của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) tháng 3/2024 cho biết ít nhất 63.285 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trên các tuyến di cư toàn cầu trong giai đoạn 2014-2023.

Đa phần ghi nhận các trường hợp thiệt mạng hoặc mất tích (28.854 người) trên tuyến Địa Trung Hải, tiếp đến là châu Phi và châu Á.

IOM nhấn mạnh 2023 là năm nguy hiểm nhất đối với người di cư trong thập kỷ vừa qua. Do có rất ít tuyến đường di cư an toàn và được quản lý tốt, hàng trăm nghìn người vẫn chọn đi qua những tuyến đường bất hợp pháp bất chấp những điều kiện thiếu an toàn. Vượt biển Địa Trung Hải là tuyến có nhiều người thiệt mạng nhất, với khoảng 3.129 người bỏ mạng hoặc mất tích trong năm 2023. Hơn 50% số người di cư thiệt mạng trong năm 2023 do đuối nước, 9% vì tai nạn giao thông và 7% vì bạo lực.

Theo Cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển châu Âu (Frontex), 380.000 người đã vượt biên trái phép qua biên giới của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2023, tăng 17% so với năm 2022 và là mức cao nhất kể từ năm 2016. Hơn 40% số người vượt biên trái phép chọn tuyến đường vượt Trung Địa Trung Hải, chủ yếu khởi hành từ Tunisia và vào châu Âu qua Italy - tăng 49% so với năm 2022. Khoảng 26% số người vượt biên trái phép chọn tuyến Tây Balkan để đến châu Âu và số người chọn tuyến đường qua Đông Địa Trung Hải chiếm 16%.

Theo IOM, di cư bất hợp pháp đã đạt đến mức độ “chưa từng có”, trở thành vấn đề nan giải của nhiều quốc gia và khu vực, tiếp tục đặt ra thách thức không nhỏ với thế giới trong năm 2024.

Riêng tại Anh, trong 3 tháng đầu năm 2024, số liệu sơ bộ cho thấy số người di cư vượt biên trái phép từ Pháp vào Anh qua eo biển Manche cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay.

Ủy ban Cứu trợ quốc tế (IRC) cảnh báo hàng nghìn người có thể rời khỏi Ecuador và Haiti trong năm 2024 do khủng hoảng nhân đạo, bạo lực leo thang, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng. Theo cơ quan di cư Panama, năm 2023, hơn 57.000 người Ecuador và 46.000 người Haiti đã vượt qua khu rừng rậm nguy hiểm Darien, biên giới tự nhiên giữa Colombia và Panama, để tiến về phương Bắc. Con số này đã vượt xa “kỷ lục buồn” ghi nhận năm 2022. Theo IRC, cuộc khủng hoảng ở Haiti và Ecuador đang tạo ra “hiệu ứng domino” tại Mỹ Latinh.

Trước những thách thức của vấn nạn người di cư, các quốc gia thành viên Tổ chức Bảo vệ và Tìm giải pháp cho người di cư khu vực (MIRPS) - gồm Panama, Mexico, Belize, Costa Rica, El Salvador, Guatemala và Honduras - ngày 24/1/2024 đã thống nhất trong việc tìm kiếm giải pháp tối ưu nhằm giải quyết tận gốc vấn đề người di cư. MIRPS nhất trí thông qua “Tuyên bố Panama”, trong đó cam kết nỗ lực và tiếp tục hợp tác chặt chẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. MIRPS là một cơ chế để triển khai Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn (GCR), góp phần thúc đẩy hợp tác khu vực và chia sẻ trách nhiệm tìm kiếm giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng di cư giữa các quốc gia bị ảnh hưởng. Về phần mình, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) khẳng định sẵn sàng hợp tác với các nước để đạt được kết quả tích cực trong vấn đề di cư.

Theo IOM, 281 triệu người di cư quốc tế tạo ra 9,4% GDP toàn cầu. Nếu quản lý tốt vấn đề di cư, đây sẽ là động lực có khả năng thúc đẩy các kết quả phát triển, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và thúc đẩy một tương lai an toàn hơn, hòa bình hơn, bền vững, thịnh vượng và công bằng hơn.

LẠM PHÁT TẠI CÁC NƯỚC CHÂU ÂU GIẢM SÂU

Theo số liệu được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 3/4, lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 3/2024 đã giảm sâu hơn dự báo nhờ xu hướng tăng giá lương thực, thực phẩm và đồ uống tiếp tục chững lại.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 3 tăng 2,4%, thấp hơn mức tăng 2,6% trong tháng 2.

Trước đó, các nhà phân tích được FactSet khảo sát dự báo lạm phát sẽ vẫn ổn định ở mức 2,6%, trong khi các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát nhận định chỉ số này sẽ giảm xuống còn 2,5%.

Tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định ECB đang đạt được tiến triển trong việc đối phó với lạm phát. Dù vậy, bà cho rằng cần có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2% của ECB. Bà Lagarde khẳng định: “Chúng ta sẽ hiểu rõ tình hình hơn vào tháng 6/2024”. Phát biểu này của Lagarde được cho là để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 6.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, dù bức tranh kinh tế EU đã sáng dần, nhưng ECB chắc chắn sẽ vẫn thận trọng với quyết định giảm lãi suất bởi hiện vẫn còn khá nhiều yếu tố rủi ro đối với lạm phát của khu vực.

CAI KHÍ ĐỐT, CHÂU ÂU LẠI “TÁI NGHIỆN” LNG NGA

Một phân tích dữ liệu của Reuters cho thấy hơn 1/10 lượng khí đốt của Nga trước đây được vận chuyển bằng đường ống tới Liên minh châu Âu đã được thay thế bằng LNG.

Các chính phủ Tây Âu đã tìm cách giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga kể từ khi chiến tranh Ukraine bùng nổ. Tuy nhiên, khi châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ vào tháng 2/2022, các quốc gia này chưa có động thái tương tự đối với khí đốt tự nhiên.

Xu hướng hiện nay cho thấy châu Âu đang ngày càng tiến tới thay thế nguồn cung cấp qua đường ống của nước này bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Một phân tích dữ liệu của Reuters ghi nhận hơn 1/10 lượng khí đốt của Nga trước đây được vận chuyển bằng đường ống tới Liên minh châu Âu đã được thay thế bằng LNG thông qua tuyến đường biển.

Các nguồn tin trong ngành và thương mại cho biết sự gia tăng này một phần là kết quả của xu hướng giảm giá. Nhà sản xuất tư nhân Nga Novatek năm ngoái đã chào hàng với mức giá thấp vào EU, trong khi Gazprom tăng xuất khẩu từ dự án Portovaya LNG mới, bù đắp cho việc giao hàng qua đường ống dẫn về phía Tây đang sụt giảm.

Theo số liệu thống kê của EU và tính toán của Reuters, sự gia tăng LNG đã đẩy tỷ trọng khí đốt của Nga trong nguồn cung của EU tăng trở lại khoảng 15%, sau khi nhập khẩu qua đường ống từ Gazprom vốn giảm kể từ chiến tranh, xuống 8,7% từ 37 % nguồn cung khí đốt của EU.

Theo công ty phân tích dữ liệu Kpler, Nga đã gửi hơn 15,6 triệu tấn LNG đến các cảng EU vào năm ngoái, tăng nhẹ so với năm 2022 và tăng 37,7% so với năm 2021.

Thay vào đó, Ủy ban Châu Âu đã kêu gọi tự nguyện loại trừ dần mọi nhiên liệu nhập khẩu của Nga vào năm 2027.

Tuy nhiên, việc chuyển từ đường ống sang nhập khẩu LNG tạo thêm chi phí môi trường đáng kể do cần có năng lượng để khí hóa, vận chuyển và tái hóa lỏng nhiên liệu. Việc này mâu thuẫn với mục tiêu của EU là đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

Mặt khác, hồ sơ giao hàng chỉ hiển thị các điểm đến trước đó của hàng hóa chứ không hiển thị điểm cuối cùng. Như vậy, LNG cập bến Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan sẽ không mang nhãn hiệu Nga.

Vào cuối năm 2023, các nhà kinh doanh độc lập đã bán LNG của Nga tại thị trường Tây Ban Nha với mức chiết khấu 1 euro (1,07 USD)/MWh - rẻ hơn so với giá chuẩn châu Âu, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết.

Điều đó tương đương với việc tiết kiệm khoảng 920.000 Euro cho một lô hàng thông thường trị giá 41 triệu Euro theo giá giao ngay, theo tính toán của Reuters. Các nguồn tin cho biết năm nay, mức giảm giá từ 30-50 xu euro đã được áp dụng.

Dữ liệu từ các vệ tinh theo dõi tàu cho thấy bốn công ty thương mại Thụy Sĩ đã mua và bán 1,3 triệu tấn LNG của Nga ở Tây Ban Nha vào năm ngoái.

Các công ty năng lượng lớn của Tây Ban Nha, bao gồm Repsol, Cepsa, Endesa và Iberdrola cho biết họ không trực tiếp mua khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Endesa, José Bogas, không loại trừ khả năng công ty này đã tìm được đường vào khối lượng mua từ bên thứ ba.

Hàng hóa năng lượng từ Nga đã định hình lại thị trường của Tây Ban Nha và EU.

Vào năm 2023, 5,08 tấn khí đốt nhập khẩu từ Nga lớn hơn tổng khối lượng mà Tây Ban Nha xuất khẩu sang 21 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả một số thành viên của EU.

Cho đến tháng 2/2022, phần lớn khí đốt mà Nga cung cấp cho châu Âu đã đến Đức qua đường ống Nord Stream. Hiện nay số năng lượng này chuyển tới ngoại vi phía Tây của châu Âu và tiến vào đất liền, đảo ngược dòng chảy từ Đông sang Tây trước đó.

Năm ngoái, 3,6 triệu tấn LNG nhập khẩu từ Nga của Pháp chiếm 41% xuất khẩu ròng của nước này.

Tính tổng khối lượng khí đốt Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chuyển về phía Đông, tất cả lượng khí đốt mà Pháp chuyển sang Bỉ và Đức cũng như gần 50% được chuyển đến Thụy Sĩ và Italia có thể là LNG của Nga, dữ liệu từ các nhà khai thác lưới điện cho thấy.

Bỉ đã nhập khẩu khoảng 4,8 tấn LNG của Nga - gần gấp đôi khối lượng được chuyển sang Hà Lan. Đức không còn nhập khẩu trực tiếp khí đốt của Nga và là điểm đến cuối cùng.

Bắt đầu từ tháng 4, các nước EU có thể đưa ra lệnh cấm hợp pháp các công ty Nga đăng ký năng lực cơ sở hạ tầng để cung cấp LNG. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu lớn Tây Ban Nha và Bỉ chưa xác nhận có động thái tương tự.

PHÁP BẤT NGỜ LOẠI 800 NHÂN SỰ PHỤC VỤ AN NINH OLYMPIC PARIS 2024

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết khoảng 800 người đã bị loại khỏi lực lượng phục vụ Thế vận hội mùa hè Paris 2024 vì nguy cơ an ninh.

Theo ông Darmanin, cơ quan chức năng Pháp được lệnh kiểm tra khoảng 1 triệu người liên quan việc tổ chức Olympic - bao gồm các tình nguyện viên, người cầm đuốc.

Đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra được 180.000 người và đã loại 800 người, trong đó có 15 đối tượng được coi là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia.

"Có 1 triệu cuộc kiểm tra phải được thực hiện; chúng tôi đã thực hiện 180.000 cuộc kiểm tra. Chúng tôi đã loại trừ 800 người, trong đó có 15 người thuộc diện "Fiches S" (những mối đe dọa nghiêm trọng nhất)", vị bộ trưởng cho hay.

"Điều đó có nghĩa là có những người muốn đăng ký rước đuốc, làm tình nguyện viên tại Thế vận hội nhưng rõ ràng là không có ý định tốt", ông Darmanin nói.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp tiết lộ danh sách bị loại có "những tín đồ Hồi giáo cực đoan" cũng như "những người có tư tưởng cực đoan về môi trường và muốn biểu tình".

Bộ Nội vụ Pháp cũng cho biết trước khi Olympic Paris 2024 khai mạc vào ngày 26/7/2024, toàn bộ 10.500 vận động viên tham gia tranh tài Olympic và 4.400 vận động viên tham gia Paralympic sẽ được kiểm tra lý lịch. Các huấn luyện viên và nhân viên y tế của các đoàn thể thao, cũng như 26.000 nhà báo được cấp thẻ tác nghiệp tại Olympic Paris 2024 cũng sẽ trải qua quá trình sàng lọc này.

Olympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 26/7/2024 đến ngày 11/8/2024, sau đó là Paralympic từ ngày 28/8/2024 đến ngày 8/9/2024.

Reuters hôm 29/3 đưa tin Pháp cũng đã yêu cầu khoảng 45 quốc gia nước ngoài đóng góp vài nghìn nhân sự quân đội, cảnh sát cũng như lực lượng dân sự để giúp bảo vệ Thế vận hội Paris vào mùa hè này, trích dẫn các nguồn tin chính phủ.

Pháp có kế hoạch triển khai khoảng 45.000 cảnh sát và nhân viên an ninh chính phủ, 20.000 nhân viên an ninh tư nhân và khoảng 15.000 nhân sự quân đội mỗi ngày để bảo vệ sự kiện.

Việc cảnh sát nước ngoài được mời đến hỗ trợ quản lý số lượng lớn du khách nước ngoài trong các sự kiện thể thao quốc tế không mới, nhưng yêu cầu cung cấp hỗ trợ quân sự lại hiếm thấy hơn. Tại kỳ World Cup gần đây nhất ở Qatar, Pháp đã cung cấp hỗ trợ quân sự cho chính quyền sở tại, bao gồm chó đánh hơi và nhân sự chống máy bay không người lái.

Nước Pháp được đặt trong tình trạng cảnh báo cao nhất về nguy cơ tấn công khủng bố từ tháng 10/2023, sau khi đối tượng tình nghi là người Hồi giáo xông vào một trường học ở miền Bắc nước này và đâm một giáo viên khiến người này tử vong.

Pháp liên tục là mục tiêu của các phần tử Hồi giáo cực đoan trong thập kỷ qua, đặc biệt là tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, trong khi tình hình xung đột tại Dải Gaza hiện nay cũng đang làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong nước.

Nguồn: Nhân Dân; Hải Quan Online; Báo Tin Tức; Kinh tế & Đô thị; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang