EU: Báo động khủng bố; Nông dân gặp khó; Phủ sóng khí đốt toàn lục địa; Hà Lan đưa tên lửa đến Litva; Áo & 'đồng minh năng lượng' Nga

KHỦNG BỐ GIA TĂNG, NHIỀU NƯỚC BÁO ĐỘNG ĐỎ

Vụ tấn công đẫm máu tại Nga khiến 144 người thiệt mạng và khoảng 180 người bị thương cùng vụ bắt cóc con tin tại Hà Lan cũng như nước Pháp nâng báo động khủng bố lên cấp độ cao nhất… cho thấy một lần nữa châu Âu lại được đặt trong tình trạng báo động đỏ về nguy cơ khủng bố.

Cảnh báo khủng bố ở nhiều nơi

Nước Nga vẫn đứng trước nguy cơ cơ bị tấn công khủng bố cho dù vừa xảy ra vụ khủng bố đẫm máu tại Nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Matxcơva ngày 22-3 khiến ít nhất 144 người thiệt mạng và hơn 180 người bị thương. Thông tin mới nhất cho biết, Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 29-3 xác nhận đã bắt giữ 3 nghi phạm khủng bố đến từ “một quốc gia Trung Á” đang âm mưu thực hiện vụ tấn công ở miền Nam nước Nga.

Theo FSB, cơ quan này đã “ngăn chặn các hoạt động khủng bố của 3 công dân đến từ một quốc gia Trung Á đang lên kế hoạch thực hiện hành động khủng bố bằng cách kích nổ một thiết bị tại khu vực công cộng ở Vùng Stavropol”. Đây là nơi nằm ở khu vực Bắc Caucasus thuộc miền Nam nước Nga, giáp với Dagestan và Chechnya. Trong khi đó, truyền hình Nga đăng tải hình ảnh một số người đàn ông bị các đặc vụ FSB ghì xuống đất. Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga cho biết thêm, những bộ phận của thiết bị nổ tự chế và các chất hóa học đã được tìm thấy tại nhà của 1 trong 3 nghi phạm.

Cơ quan an ninh Nga không thông tin cụ thể 3 nghi phạm khủng bố bị bắt đã đến Nga từ quốc gia nào. Tuy nhiên, 4 nghi phạm tham gia trực tiếp vào vụ khủng bố đẫm máu nhất tại Nga trong hơn 20 năm qua tại Nhà hát Crocus City Hall đến từ quốc gia Trung Á là Tajikistan. Do vậy, theo Giám đốc FSB Alexander Bortnikov, nguy cơ khủng bố trên lãnh thổ Nga vẫn còn hiện hữu. Người đứng đầu cơ quan an ninh Nga lưu ý thêm, FSB trước đó đã ngăn chặn các âm mưu khủng bố ở những khu vực khác của nước Nga.

Không chỉ Nga mà nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang được đặt trong tình trạng báo động cao trước nguy cơ khủng bố. Trong đó, ngày 30-3, một nghi phạm trang bị vũ khí đã bắt giữ một số người ở thị trấn Ede thuộc miền Đông Hà Lan làm con tin. Cảnh sát Hà Lan sau đó đã giải thoát an toàn các con tin và bắt giữ nghi phạm, song vụ bắt cóc cho thấy quốc gia này không thể mất cảnh giác với khủng bố. Chưa xảy ra vụ tấn công khủng bố quy mô lớn nào như một số quốc gia châu Âu khác, nhưng Hà Lan từng chứng kiến hàng loạt vụ tấn công và âm mưu khủng bố, trong đó gây chấn động gần nhất là vụ xả súng trên tàu điện ở thành phố Utrecht xảy ra vào năm 2019 khiến 4 người thiệt mạng.

Những ngày này, quốc gia láng giềng với Hà Lan là Đức cũng đang được đặt trong tình trạng báo động cao về nguy cơ khủng bố. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser tuyên bố, chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan - còn gọi là ISIS-K, vẫn là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với nước này. Theo người đứng đầu cơ quan đảm bảo an ninh trật tự của Đức, nước này phải thắt chặt hơn nữa biện pháp tăng cường như kiểm soát biên giới nhằm đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra Vòng chung kết Vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2024) vào mùa hè sắp tới. Trong một tháng diễn ra EURO 2024 từ 14-6 đến 14-7, nước Đức sẽ thu hút khoảng 2,7 triệu lượt người từ khắp nơi trên thế giới đến để theo dõi các trận thi đấu tổ chức trong các sân vận động và 12 triệu lượt người xem tại các địa điểm công cộng.

Sự kiện thể thao quy mô lớn nhất toàn cầu như Olympic 2024 diễn ra cùng mùa Hè này tại thủ đô Paris cũng đang khiến nước Pháp được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ trước nguy cơ khủng bố. Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cho biết, Chính phủ nước này sẽ nâng mức cảnh báo khủng bố lên cấp độ cao nhất sau vụ tấn công khủng bố tại Nga. Cảnh sát quốc gia Pháp cũng đã tiến hành các cuộc diễn tập tấn công mô phỏng để kiểm tra phản ứng trước một cuộc tấn công khủng bố khi thủ đô Paris tổ chức Olympic 2024 vào mùa hè này.

Vượt qua khác biệt, chung tay chống khủng bố

Nguy cơ tấn công khủng bố trỗi dậy sau vụ khủng bố tại Nga cũng như vụ bắt cóc con tin tại Hà Lan… đang khiến nhiều nước châu Âu lo ngại sâu sắc. Theo các cơ quan tình báo nhiều quốc gia châu Âu, những kẻ được cho là thủ phạm đằng sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Matxcơva có tham vọng tấn công không chỉ mỗi nước Nga. Theo Chính phủ Pháp, các nghi phạm bị cáo buộc lên kế hoạch xả súng ở Nga ngày 22-3 vừa qua thuộc ISIS-K - một nhánh của tổ chức khủng bố khét tiếng IS tự xưng - đã thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố bên trong nước Pháp.

Đến nay, Nga vẫn đang tiếp tục tiến hành điều tra và chưa khẳng định IS hay tổ chức nào đứng sau vụ tấn công khủng bố vào Nhà hát Crocus City Hall. Tuy nhiên, vụ tấn công khủng bố đẫm máu khiến hơn 300 người thương vong cho thấy nhiều mối lo ngại không chỉ với nước Nga mà còn với cả châu Âu. Trong đó, các tổ chức khủng bố có thể sử dụng các xung đột đã có từ trước và sự chú ý của giới truyền thông để thúc đẩy lợi ích và tham vọng trỗi dậy của chúng. Đồng thời, các vụ tấn công hay đe dọa tấn công khủng bố có khả năng làm trầm trọng thêm tình hình bất ổn, nhất là các xung đột vũ trang, trong đó xung đột quân sự ở Ukraine và Dải Gaza.

Theo các chuyên gia, đối với các tổ chức khủng bố hoạt động rộng như IS, những rạn nứt, bất ổn địa chính trị toàn cầu là môi trường thuận lợi để chúng có thể trỗi dậy, hoành hành. Chỉ một ngày trước vụ khủng bố tại Nga, ngày 21-3, Hội đồng An ninh Quốc gia Tây Ban Nha (CSN) cảnh báo rằng, Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với “nguy cơ thực sự và trực tiếp” về các mối đe dọa khủng bố gia tăng do các cuộc xung đột ở Dải Gaza và Ukraine. Các chuyên gia CSN cũng nêu rõ, mối đe dọa chính đối với an ninh châu Âu đến từ các nhóm khủng bố IS và Al Qaeda.

Các chuyên gia cho rằng, kể từ năm 2019, số vụ tấn công do tổ chức khủng bố IS tiến hành đã giảm đáng kể và mối quan tâm ở châu Âu chuyển sang các vấn đề cấp bách khác như đại dịch Covid-19 và sau đó là cuộc xung đột quân sự tại Ukraine và Dải Gaza. Thế nhưng, tâm lý và hành động chủ quan trước thông tin khủng bố thời gian cho thấy, điều đó là sai lầm bởi các tổ chức khủng bố khét tiếng như IS và Al Qaeda vẫn có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.

Bộ trưởng Quốc phòng Italia nhấn mạnh, vụ khủng bố tại Nga cho thấy mức độ nguy hiểm và lo ngại cuộc tấn công tương tự có thể xảy ra ở những quốc gia có “chân rết” hay có sự hiện diện của các thành viên IS. Các cơ quan an ninh Đức cũng cảnh báo, một số tổ chức cực đoan đang lên kế hoạch tấn công khủng bố ở Đức và các nước Tây Âu khác, đặc biệt trong dịp diễn ra EURO 2024 tại Đức và Olympic 2024 tại Pháp. Theo giới chức an ninh Đức, cả thế giới sẽ hướng đến những sự kiện quy mô lớn này và “theo logic của những kẻ khủng bố, đây là những mục tiêu hoàn hảo”.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh nỗ lực riêng lẻ của từng quốc gia, châu Âu cần phải để sang một bên những mâu thuẫn địa chính trị cũng như đối đầu trong cuộc xung đột tại Ukraine để cùng cảnh báo và chia sẻ thông tin về nguy cơ khủng bố. Khủng bố đang là mối đe dọa nghiêm trọng và không loại trừ quốc gia nào tại châu Âu. Chúng sẽ tìm mọi cách để lợi dụng sự lơ là, sơ hở trong giám sát, thông tin tình báo để phát hiện những mắt xích yếu kém, tấn công bất ngờ, gieo rắc nỗi sợ hãi, gây bất ổn, thậm chí gây chia rẽ, hận thù giữa các quốc gia, các dân tộc và tôn giáo.

QUY ĐỊNH MÔI TRƯỜNG ĐANG LÀM KHÓ NÔNG DÂN

EU có mục tiêu chung là đến năm 2050 phải đạt mức phát thải "bằng 0". Đối với nông nghiệp, những thay đổi dự kiến bao gồm giảm 50% lượng thuốc trừ sâu hóa học vào năm 2030.

Ông Jean-Michel Sibelle sở hữu trang trại rộng 107 ha ở miền Đông nước Pháp, chuyên chăn nuôi giống gà “hoàng gia” có tên Poulet de Bresse. Poulet de Bresse không phải gà bình thường. Giống gà này được công nhận vào năm 1957 và có chỉ dẫn địa lý, tương tự như rượu Bordeaux vốn nổi tiếng ở thành phố cùng tên.

Tuy rất thích công việc nhưng người nông dân 59 tuổi này cũng đang kiệt sức bởi thực tế khắc nghiệt. Ông Sibelle cảm thấy việc lao động 70 giờ một tuần chẳng còn ý nghĩa gì nữa khi bị siết chặt bởi các quy định về môi trường của Liên minh châu Âu và Pháp, đồng thời phải đối mặt với chi phí tăng cao và cạnh tranh không được kiểm soát.

Ông và vợ sắp bán trang trại có tuổi đời hơn một thế kỷ của gia đình. Không ai trong số ba đứa con của cặp vợ chồng muốn tiếp quản trang trại. Đó cũng là xu hướng chung khi tỷ lệ dân số Pháp làm nông nghiệp giảm đều đặn trong thế kỷ qua xuống còn khoảng 2%.

Ông Sibelle than phiền: “Chúng tôi bị bóp nghẹt bởi các quy chuẩn, đến mức không thể tiếp tục”.

EU có mục tiêu chung là đến năm 2050 phải đạt mức phát thải "bằng 0". Đối với nông nghiệp, những thay đổi dự kiến bao gồm giảm 50% lượng thuốc trừ sâu hóa học vào năm 2030.

Ông Arnaud Rousseau, Chủ tịch FNSEA, hiệp hội nông dân lớn nhất của Pháp, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Không có ích gì khi nói về các biện pháp canh tác giúp bảo vệ môi trường nếu nông dân không thể kiếm sống. Sinh thái học không có kinh tế là vô nghĩa”.

Bên cạnh đó, bà Anne-Kathrin Meister thuộc Liên đoàn Thanh niên Nông thôn Đức (BDL) cho rằng ngành nông nghiệp không phản đối cải cách môi trường nhưng cần được hỗ trợ nhiều hơn. Theo bà, nông dân là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên khi hệ thực vật và động vật bị suy thoái.

Ngoài ra, người nông dân còn phải đối mặt với giá phân bón và nhiên liệu tăng vọt ở châu Âu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Đây không phải câu chuyện chỉ riêng của Pháp. Tâm lý bất mãn khiến nông dân bỏ cuộc và biểu tình khắp châu Âu có nguy cơ gây ra nhiều tác động hơn thay vì chỉ thay đổi cách Lục địa già sản xuất thực phẩm.

Những khó khăn mà nông dân chỉ ra bao gồm yêu cầu của EU về cắt giảm sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón. Quyết định mở cửa cho ngũ cốc và gia cầm Ukraine có giá rẻ hơn đã làm tăng thêm vấn đề cạnh tranh trong khối vốn có chi phí lao động rất khác nhau. Đồng thời, trong nhiều trường hợp, EU đã giảm trợ cấp cho nông dân, đặc biệt nếu họ không chuyển sang các phương pháp thân thiện với môi trường hơn.

Trong những tuần gần đây, nông dân châu Âu đã chặn đường cao tốc và xuống đường ở nhiều thủ đô châu Âu. Vào tháng 3, nông dân Đức rải phân lên đường cao tốc gần Berlin khiến nhiều ô tô va chạm, dẫn đến 5 người bị thương nặng. Trong khi đó, nông dân Tây Ban Nha tiêu hủy nông sản của Maroc vốn được trồng với chi phí rẻ hơn. Nông dân Ba Lan phẫn nộ trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ Ukraine. Người nông dân Pháp, trút cơn giận lên Tổng thống Emmanuel Macron trong chuyến thăm gần đây của ông tới Hội chợ Nông nghiệp Paris. Họ phàn nàn rằng chỉ việc đào mương, tỉa hàng rào hoặc đỡ đẻ cho bò cũng phải đối mặt với mê cung các yêu cầu pháp lý.

Ông Fabrice Monnery (50 tuổi), sở hữu trang trại ngũ cốc rộng 174ha, nằm trong số đó. Ông cho biết chi phí của hệ thống tưới tiêu bằng điện đã tăng gấp đôi vào năm 2023 và phân bón tăng gấp ba.

Bất bình của người nông dân đang làm giảm mục tiêu khí hậu tại châu Âu. Vào tháng 2, dưới áp lực từ các cuộc biểu tình của nông dân, EU đã bãi bỏ Dự luật chống thuốc trừ sâu. Chính những người nông dân cũng đang định hình lại nền chính trị trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới.

Các đảng cực hữu tại châu Âu đã tập trung vào bất bình của người nông dân khi chỉ còn ba tháng là diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Thông điệp của các đảng này nhấn mạnh vùng nông thôn là nơi gìn giữ truyền thống dân tộc đang bị tấn công bởi sự hiện đại, đường hướng chính trị và vấn đề nhập cư, bên cạnh hàng loạt các quy định về môi trường mà theo quan điểm của họ là thách thức lẽ thường. Những thông điệp như vậy gây tiếng vang với nhóm cử tri cảm thấy bị lãng quên.

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KHÍ ĐỐT TOÀN CHÂU ÂU

Châu Âu có kế hoạch tăng cường phát triển khí đốt khắp lục địa, trong đó Vương quốc Anh dẫn đầu xu hướng này.

Châu Âu có kế hoạch xây dựng đủ các nhà máy điện khí mới để cung cấp cho 60 triệu ngôi nhà bất chấp mục tiêu giảm lượng khí thải carbon trong lưới điện vào giữa những năm 2030 - tờ Telegraph đưa tin.

Theo một báo cáo từ nhóm Beyond Fossil Fuels, khoảng 72 gigawatt các nhà máy điện chạy bằng khí đốt mới đang được lên kế hoạch trên khắp lục địa châu Âu.

Công suất điện khí trên khắp châu Âu đang trên đà tăng 27% theo các đề xuất hiện tại, bất chấp lời hứa giữa các quốc gia G7 về việc khử cacbon trong lưới điện vào năm 2035.

Phân tích cho thấy Anh đang lên kế hoạch hoặc xây dựng nhiều nhà máy điện chạy bằng khí đốt hơn hầu hết các quốc gia châu Âu khác.

Thủ tướng Rishi Sunak đã công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy điện khí đốt mới vào đầu tháng 3, nói rằng Anh không thể mạo hiểm mất điện trên con đường đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Alexandru Mustață - nhà vận động tại Beyond Fossil Fuels - cho biết, có một sự đồng thuận mới rằng các quốc gia châu Âu nên loại bỏ khí hóa thạch khỏi hệ thống điện của họ vào năm 2035, nhưng nhìn vào chương trình nghị sự bành trướng của ngành khí đốt thì không phải như vậy.

“Việc không đồng bộ hóa các kế hoạch của ngành với yêu cầu cấp bách về chống biến đổi khí hậu sẽ chỉ khiến quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo trở nên tốn kém và hỗn loạn một cách không cần thiết” - Mustață nói.

Các kế hoạch ở Anh bao gồm một số hoạt động phát triển của Tập đoàn Drax như dự án Abergelli Power, dự kiến ​​khởi động trong năm nay và Hirwaun Power gần đó, đều ở Nam Wales.

Xa hơn về phía đông, Millbrook Power đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy điện chạy bằng khí đốt gần Milton Keynes. Progress Power đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy điện chạy bằng khí đốt trên sân bay Eye, một căn cứ không quân cũ của Mỹ trong Thế chiến 2 ở Suffolk.

Tập đoàn Drax cho biết các nhà máy điện theo kế hoạch sẽ tương đối nhỏ và sẽ chỉ được sử dụng trong thời kỳ nhu cầu điện cao điểm khi các công nghệ tái tạo không liên tục không thể tạo ra lượng điện cần thiết để duy trì hoạt động của đất nước - ví dụ như khi gió không thổi và mặt trời không chiếu sáng.

Một nhà máy điện chạy bằng khí đốt lớn hơn nhiều được lên kế hoạch tại Eggborough, gần Selby ở Bắc Yorkshire trên địa điểm của một nhà máy điện đốt than trước đây.

Beyond Fossil Fuels lập luận rằng tất cả các dự án như vậy sẽ làm suy yếu cam kết của Vương quốc Anh về việc ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phát điện vào năm 2035.

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ An ninh Năng lượng và Net Zero Anh cho biết: “Khí đốt có vai trò hỗ trợ năng lượng tái tạo để duy trì một hệ thống năng lượng an toàn, đáng tin cậy. Phân tích độc lập của Ủy ban Biến đổi Khí hậu cho thấy ngành điện không có khí đốt vào năm 2035 có thể sẽ làm tăng chi phí và rủi ro cung cấp. Chúng tôi hy vọng các nhà máy mới sẽ chỉ hoạt động với số giờ giới hạn mỗi năm, do đó lượng khí thải sẽ hoàn toàn phù hợp với ngân sách carbon”.

Ngành công nghiệp khí đốt của châu Âu đã bị giám sát chặt chẽ trong những tuần gần đây. Đầu tháng 3, các nhà hoạt động khí hậu ở Đan Mạch, Đức, Na Uy, Hà Lan và Thụy Điển đã tổ chức phong tỏa đường sá, bến cảng và nhà máy lọc dầu để phản đối quyết định của chính phủ cấp giấy phép thăm dò thêm dầu khí ở Biển Bắc.

Hội nghị Khí đốt châu Âu thường niên dự kiến diễn ra vào tuần trước tại Vienna, Áo đã bị hủy bỏ do các nhà tổ chức bày tỏ lo ngại về các cuộc biểu tình có thể xảy ra.

CĂNG THẲNG GIA TĂNG KHI HÀ LAN ĐIỀU TÊN LỬA ĐẾN GẦN BIÊN GIỚI NGA

Các tổ hợp phòng không Patriot được quân đội Hà Lan triển khai đến Litva nhằm chuẩn bị cho cuộc tập trận chung của NATO.

Bộ Quốc phòng Hà Lan tuyên bố nước này sớm triển khai một đơn vị phòng không Patriot tới đồng minh Litva, nhằm chuẩn bị cho cuộc tập trận phòng không chung của khối vào mùa hè năm nay.

Tuyên bố của Hà Lan có đoạn, cuộc tập trận kéo dài vài tuần nên việc tăng cường năng lực phòng không ở sườn phía đông của liên minh là cần thiết. Mục tiêu của cuộc tập trận là kiểm tra khả năng của quân đội NATO trong việc nhanh chóng vận chuyển và triển khai hệ thống phòng không đến khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren tuyên bố, quyết định triển khai hệ thống do Mỹ sản xuất gần biên giới Nga “góp phần nâng cao tính sẵn sàng của phòng không NATO” .

Về phần Litva, nước này hoan nghênh cuộc tập trận này, đồng thời cho biết Hà Lan sẽ huấn luyện cách tái triển khai các đơn vị phòng không cùng với quân đội Litva.

Bộ trưởng Quốc phòng Litva Laurynas Kasciunas cho biết, lực lượng phản ứng nhanh của NATO “rất quan trọng đối với an ninh của các nước vùng Baltic”, đồng thời kêu gọi triển khai và tập trận nhiều hơn của khối trong khu vực.

Hiện chưa rõ việc triển khai Patriot của Hà Lan ở Litva sẽ kéo dài đến bao lâu. Một khẩu đội của hệ thống phòng không Patriot gồm nhiều thành phần chiến đấu, gồm radar, ăng-ten, điều khiển hỏa lực và các phương tiện hỗ trợ khác, cũng như 8 bệ phóng di động.

Hà Lan là một trong số ít quốc gia cung cấp hai bệ phóng Patriot cho Ukraine, cùng với Mỹ và Đức, mỗi nước gửi đầy đủ một tiểu đoàn tên lửa.

Việc triển khai sẽ diễn ra sau cuộc tập trận quân sự lớn nhất của NATO sau nhiều thập kỷ - Steadfast Defender 2024, với sự tham gia của khoảng 90.000 quân, hơn 1.000 phương tiện chiến đấu, hơn 50 tàu hải quân, 80 máy bay trực thăng, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu từ tất cả 32 quốc gia thành viên.

Nga tuyên bố việc khối quân sự do Mỹ đứng đầu tăng cường chi tiêu quân sự và tăng cường các cuộc tập trận thể hiện “chính sách gây hấn” của khối này. Hồi đầu tháng 3, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev cho biết cuộc tập trận đang diễn ra “kịch bản đối đầu vũ trang với Nga”, làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn tình hình thế giới.

Ông Patrushev mô tả NATO là “công cụ quan trọng để Washington gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác”.

ÁO & SỨ MỆNH RŨ BỎ “ĐỒNG MINH NĂNG LƯỢNG” CỦA NGA

Bên cạnh Hungary, không quốc gia thành viên EU nào khác ngoài Áo phụ thuộc vào khí đốt Nga ở mức độ nặng nề như vậy.

Hy vọng thoát khỏi phụ thuộc vào Nga về năng lượng đã bùng lên ở Áo sau khi quốc gia Trung Âu nội lục phát hiện một mỏ khí đốt có thể đáp ứng nhu cầu của cả nước. Nhưng theo chuyên gia, vỉa khí nằm ở độ sâu 1.500 m dưới làng Molln trên dãy Alps sẽ chưa thể ngay lập tức giúp Áo rũ bỏ danh hiệu “đồng minh năng lượng” cuối cùng của Moscow ở châu Âu.

“Phát hiện mỏ khí đốt mới này rất có ý nghĩa vì nó có thể thúc đẩy sản xuất trong nước về lâu dài. Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Áo cũng sẽ phải xem xét LNG và nhập khẩu nhiều hơn từ các nguồn cung cấp ngoài Nga”, nhà phân tích năng lượng Ana Subasic có trụ sở tại Vienna nói với mạng truyền hình CGTN (Trung Quốc).

Một lý do chính khiến Liên minh châu Âu (EU) chưa đưa ra bất kỳ biện pháp trừng phạt chính thức nào đối với việc nhập khẩu khí đốt từ Nga, giống như những biện pháp đã áp dụng đối với dầu mỏ và than đá của Moscow, là vì Áo và những khách hàng lớn khác cho biết họ cần nó.

Trong khi hầu hết các thành viên của EU cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ gã khổng lồ năng lượng Gazprom về 0 sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, quốc gia vùng Alps này vẫn sử dụng 98% khí đốt từ Moscow, Bộ khí hậu Áo xác nhận.

Bên cạnh Hungary, không có quốc gia thành viên nào khác ngoài Áo phụ thuộc vào khí đốt Nga ở mức độ nặng nề như vậy.

Trong khi đó, công ty thăm dò ADX Energy đang xác minh xem liệu khí ở Molln có thực sự có thể khai thác được hay không. CEO Tim Stoll nói với CGTN: “Đó là một cấu trúc khổng lồ và có thể chứa rất nhiều khí đốt”.

Thời điểm mỏ khí này có thể bắt đầu được khai thác tùy thuộc vào thời điểm giấy phép được cấp, nhưng chắc chắn là nó sẽ không diễn ra sớm trong bối cảnh các nhà vận động môi trường đang phản đối quyết liệt, do hồ chứa nằm gần công viên quốc gia Kalkalpen.

“Các vị sẽ không chỉ có một địa điểm khoan mà là 10, 15 hoặc 20 địa điểm khoan”, nhà bảo tồn thiên nhiên Bernhard từ tổ chức Naturschutzbund của Áo, cho biết. “Và đây là một vấn đề, bởi vì sau đó các vị sẽ có một khu công nghiệp trong khu vực công viên quốc gia”.

Sẽ mất ít nhất 3 năm để chính quyền cấp giấy phép thăm dò, với điều kiện nó thành công vượt qua sự phản đối của các nhà vận động môi trường. Cho đến lúc đó Áo sẽ vẫn phụ thuộc vào Nga để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình

Nguồn: An Ninh Thủ Đô; Báo Tin Tức; Lao Động; Soha; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang