EU: Kinh tế chịu cú sốc thứ 3; Vượt biên trái phép tồi tệ; Tự hỗn loạn; Pháp nỗ lực tự chủ urani tái chế; Bắt giữ con tin ở Hà Lan

KINH TẾ CHÂU ÂU HỨNG CHỊU CÚ SỐC THỨ BA

Các chính trị gia phương Tây đã nỗ lực rất nhiều để đảm bảo rằng nền kinh tế châu Âu sẽ không rơi vào tình trạng giống như Nga.

Tuy nhiên theo ấn phẩm The Economist của Anh, nền kinh tế các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và Anh đang phải đối diện với hàng loạt cú sốc.

Tờ báo nhấn mạnh châu Âu đã “kiệt sức vì cú sốc năng lượng” xảy ra sau khi các lệnh trừng phạt chống Nga được đưa ra vào năm 2022.

Nền kinh tế EU và Anh chỉ tăng trưởng 4% trong thập kỷ qua và gần như đứng yên tại chỗ kể từ cuối năm 2022.

Cú sốc thứ hai là hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, vốn đã "càn quét" châu Âu trong những năm gần đây.

“Cuộc xâm lấn của hàng hóa Trung Quốc đang gây ra thiệt hại to lớn cho các nhà sản xuất châu Âu, những người đã mất khả năng cạnh tranh".

"Thị phần xe điện Trung Quốc trên thị trường toàn cầu có thể tăng lên 1/3 vào năm 2030. Điều này sẽ chấm dứt sự thống trị của các công ty như Volkswagen và Stellantis. Từ turbine gió đến thiết bị đường sắt, các nhà sản xuất châu Âu đang lo lắng hướng tới Bắc Kinh trong lĩnh vực xe điện", tờ Economist nhận xét.

Ấn phẩm gọi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới và mọi thứ liên quan là cú sốc thứ ba đối với châu Âu.

Nếu ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa giành chiến thắng, EU không chỉ mất đi cảm giác an toàn trước sự ra đi của binh sĩ Mỹ mà còn chịu thiệt hại kinh tế đáng kể.

Ông Trump có thể dễ dàng áp đặt mức thuế lớn đối với hàng xuất khẩu của châu Âu. Hơn nữa, giá hàng hóa sản xuất còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi khí tự nhiên hóa lỏng nhập từ Hoa Kỳ có chi phí cao.

Trước đó, ông Trump đã áp đặt hàng rào thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, một thỏa thuận không dễ dàng và mong manh đã được ký kết. Tuy vậy vào cuối năm 2024, các vấn đề có thể quay trở lại với thách thức mới.

Thời điểm và hoàn cảnh là vô cùng đáng tiếc cho EU. Châu Âu cần mức tăng trưởng kinh tế mạnh để tăng chi tiêu quốc phòng, đặc biệt khi sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine đã suy giảm mạnh.

Ngoài ra cử tri châu Âu ngày càng có xu hướng ủng hộ các lực lượng chính trị cực hữu, trong khi vấn đề dân số già đi nhanh chóng và hội nhập thị trường chưa đầy đủ vẫn chưa biến mất khỏi EU.

TÌNH TRẠNG VƯỢT BIÊN TRÁI PHÉP CÀNG NGÀY CÀNG TỒI TỆ

Ít nhất 380.227 người di cư vượt biên trái phép đã được ghi nhận trong năm 2023 ở biên giới ngoài Liên minh châu Âu (EU). Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) nhận định, năm 2024, tình hình sẽ không được cải thiện nhiều do môi trường địa chính trị ngày càng phức tạp.

Số vụ vượt biên trái phép tăng mạnh

Theo Frontex, năm 2023, số người vượt biên trái phép vào EU tăng 17% so với năm 2022. Cụ thể, số vụ vượt biên tăng mạnh được ghi nhận ở tuyến đường Trung Địa Trung Hải (qua Italy) với 157.479 người, tăng 49% so với năm 2022. Tuyến Đông Địa Trung Hải (qua Hy Lạp) cũng có mức tăng 55% ngay cả khi số lượng ít hơn (60.073 người). Sự tăng mạnh nhất được ghi nhận qua quần đảo Canaries (Tây Ban Nha) với 40.403 người, tăng 161%...

Trong khi đó, tuyến đường qua Tây Ban Nha có số lượt người vượt biên thấp 16.915 người (tăng 12%). Chỉ tuyến đường Balkan là có mức giảm 31% nhưng lưu lượng vẫn ở mức cao với 99.068 lượt người. Ở biên giới phía Đông châu Âu (Ba Lan, các nước vùng Baltic...), tình hình người di cư bất hợp pháp cơ bản được kiểm soát với 5.608 lượt vượt biên trái phép, giảm 12% so với năm 2022.

Cũng theo số liệu của Frontex, năm 2023, hầu hết người vượt biên trái phép đến từ Syria (100.962 người, tương đương 28% tổng số người vượt biên trái phép). Tiếp đó là Guinea (19.928 người), vùng cận Sahara (18.143 người), Bờ Biển Ngà (17.165), Tunisia (17.155 người), Afghanistan (16.990 người), Morocco (14.477 người), Bangladesh (13.417 người)... Trong số đó, người nhập cư bất hợp pháp, đặc biệt là người Afghanistan, Iraq và Syria, muốn nhập cảnh vào Anh. Frontex cũng cho biết, có 62.000 người đã vượt biên qua eo biển Manche, tăng 12% so với năm 2022.

Nguy cơ khủng bố vẫn ở mức cao

Trong phân tích của mình, Frontex bày tỏ lo ngại nguy cơ những kẻ khủng bố trà trộn vào dòng người di cư. Hơn nữa, do sự phân cực của xã hội châu Âu xung quanh cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở dải Gaza, nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố có thể gia tăng, các sự kiện thể thao lớn trong năm 2024 có thể bị đe dọa.

Frontex nhận định, năm 2024, tình hình di cư bất hợp pháp nhiều khả năng không được cải thiện do môi trường địa chính trị phức tạp tác động đến các tuyến di cư ở Địa Trung Hải cũng như khu vực Tây Balkan.

Dự kiến, dự luật cải cách chính sách về người di cư và xin tị nạn ở EU sẽ được bỏ phiếu vào tháng 4 tới. Nội dung của các cải cách chỉ ra một số tiến bộ, như: Không tiếp nhận người di cư vào châu Âu khi họ chưa đăng ký dấu vân tay và hình ảnh khuôn mặt ở biên giới (trừ trẻ em dưới 6 tuổi). Thời gian kiểm tra kéo dài tối đa 7 ngày. Nếu việc "sàng lọc" chứng minh rằng một cá nhân nguy hiểm có tiền án đang cố gắng vào khu vực Schengen, người này sẽ bị trục xuất ngay lập tức.

Luật pháp châu Âu cũng tiếp thu ý tưởng của Pháp về “quy định pháp lý đối với các trường hợp không được nhập cảnh” vào EU, như đang được áp dụng tại sân bay Roissy. Theo đó, người nhập cư trái phép sẽ bị tạm giữ ở các “trung tâm tiếp nhận” tương tự như trên đảo Samos của Hy Lạp. Một số đối tượng khác bị tạm giữ dưới hình thức quản thúc tại gia. Đối với những người xin tị nạn đến từ vùng chiến sự sẽ được áp dụng theo phương thức riêng.

Ngoài ra, EU cũng sẽ ký các thỏa thuận phát triển kinh tế với các quốc gia có số lượng người di cư cao hay quốc gia trung chuyển đến khu vực EU. Hiện nay, EU đã ký 2 thỏa thuận với Tunisia và Ai Cập, đồng thời đang trong quá trình đàm phán với một số quốc gia khác. “Tuy nhiên, để những thỏa thuận trên có hiệu lực, sẽ cần thêm hai năm nữa. Cho đến lúc đó, tình hình có thể còn xấu hơn ở biên giới bên ngoài EU”, Frontex nhận định.

EU TỰ HỖN LOẠN VÌ "GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG ÔNG" SAU KHI GIÁNG ĐÒN VÀO NGA

Các thương nhân châu Âu phải đối mặt với sự chậm trễ và phải chịu chi phí phát sinh EU trừng phạt kim cương của Nga.

Giáng đòn vào Nga, hỗn loạn xảy ra ở châu Âu

Tờ The Times (Anh) dẫn lời những người chơi kim cương cho biết, những hạn chế của phương Tây đối với việc nhập khẩu kim cương của Nga đã gây bất ổn cho toàn bộ ngành công nghiệp này của châu lục. Các thương nhân trong ngành hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh nguồn gốc của các loại đá quý chảy tới Liên minh châu Âu (EU).

Lệnh cấm trực tiếp của EU và G7 đối với kim cương của Nga có hiệu lực vào tháng 1/2024. Phương Tây cũng đang lên cơ chế theo dõi nguồn gốc kim cương, dự tính hoàn thiện trước tháng 9, giúp các nước xác định được nguồn gốc của kim cương nhập khẩu từ Nga.

Ngay sau khi lệnh cấm có hiệu lực, Ủy ban châu Âu đã hạ lệnh rằng tất cả kim cương vào EU phải đi qua Antwerp ở Bỉ để được xác minh là không phải của Nga.

Kể từ đầu tháng 3, tất cả những viên kim cương thô lớn hơn 1 carat đều phải được gửi đến Antwerp, Bỉ để xử lý. Kể từ ngày 1/9, kích thước các viên kim cương phải xử lý ở Antwerp sẽ là từ 0,5 carat.

Tờ The Times dẫn lời các nhà phê bình cho biết, các trung tâm kim cương khác ở Ấn Độ, Dubai và Tel Aviv không áp lệnh trừng phạt đối với kim cương Nga. Và kết quả là công ty kim cương Alrosa (thuộc nhà nước Nga) không chịu ảnh hưởng đáng kể tới doanh số bán hàng của mình.

Các quan chức phương Tây yêu cầu các thủ tục giấy tờ phức tạp để chứng minh nguồn gốc của từng lô đá quý, buộc các nhà buôn kim cương phải đối mặt với sự chậm trễ kéo dài và chịu chi phí phát sinh.

Những người bán kim cương cho biết, trước đây mất khoảng 48 giờ để đưa kim cương ra khỏi châu Phi, sau đó loại đá quý này sẽ được xử lý và gửi cho khách hàng. "Bây giờ, quá trình này phải mất tới 2 tuần. Với mức lãi suất ở mức 10-11%, tôi sẽ mất rất nhiều tiền mỗi ngày," một nhà giao dịch kim cương nói với tờ báo Anh.

Một nhà kinh doanh khác cho biết, những viên kim cương đến từ các quốc gia khác nhau gần như giống hệt nhau về mặt hóa học, người này nhấn mạnh "sự vô lý của luật mới đang gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường trang sức quốc tế."

Nút thắt cổ chai đang hình thành ở Bỉ?

Ngay sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022, phương Tây đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với tài nguyên của Moscow - bao gồm nhập khẩu dầu, vàng và thậm chí cả trứng cá muối.

Kim cương chịu lệnh trừng phạt muộn hơn các mặt hàng khác do hoạt động vận động hành lang mạnh mẽ từ Bỉ đã cảnh báo rằng Antwerp - nơi 90% kim cương của thế giới đi qua - có thể phải đối mặt với nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên Bỉ đã thay đổi quan điểm và ủng hộ ý tưởng về hệ thống theo dõi kim cương.

Ủy ban châu Âu phản đối ý kiến cho rằng "nút thắt cổ chai" đang hình thành ở Bỉ. Một phát ngôn viên nói với The Times rằng, khối lượng kim cương đi qua Antwerp "cao nhưng không cao hơn quá nhiều so với mức bình thường".

Tuy nhiên, ngành kim cương của thành phố đang trong tình trạng khó khăn.

Tuần trước, ngành công nghiệp kim cương đã viết thư cho chính phủ Bỉ chỉ trích "sự chậm trễ, tắc nghẽn và chi phí đáng kể trong việc nhập khẩu kim cương vào nước này". Thư được ký bởi giám đốc điều hành của De Beers, nhà sản xuất và phân phối kim cương lớn nhất thế giới.

Những nơi không áp lệnh cấm với Nga hưởng lợi

Pieter Bombeke, một trong những thợ thủ công bậc thầy của thành phố Antwerp, nói với tờ The Times: "Trước đây có 4.000 thợ cắt kim cương ở Antwerp. Bây giờ là 120. Phần lớn công việc đã được chuyển sang Ấn Độ, nơi có giá nhân công rẻ."

Các thương nhân được cho rằng đang lo ngại đại lý có thể bị buộc phải hành động như vậy và rời sang Ấn Độ, Dubai hoặc Tel Aviv - những nơi chưa áp đặt lệnh trừng phạt đối với đá quý của Nga.

Theo một cố vấn tài chính cho ngành công nghiệp kim cương của Antwerp, tờ báo Anh dẫn lời 10 công ty đang có kế hoạch "chuyển đến Dubai hoặc Ấn Độ vì những quy định mới (đối với việc xác minh nguồn gốc kim cương)."

Một nhà giao dịch kim cương chia sẻ với The Times: "Nếu mỗi lô hàng kim cương bị trì hoãn trong 2-3 tuần, ngành này sẽ bị thiệt hại khoảng nửa tỷ USD tại bất cứ thời điểm nào. Ai sẽ trả tiền cho khoản thiệt hại này? Có lẽ sẽ là người tiêu dùng."

PHÁP NỖ LỰC LÀM GIÀU URANIUM TÁI CHẾ CHO NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN

Chính phủ Pháp đang nghiên cứu phương án xây dựng một nhà máy chuyển đổi và làm giàu urani tái chế nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga. Hiện nay, Nga là nước duy nhất trên thế giới có nhà máy chuyển đổi urani tái chế để sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân.

Trong tuyên bố ngày 28/3, Bộ Công nghiệp và Năng lượng Pháp cho biết chính phủ nước này đang nghiêm túc xem xét phương án thực hiện dự án chuyển đổi urani tái chế ở trong nước. Tuyên bố nhấn mạnh: “Các vấn đề liên quan đến dự án vẫn đang được nghiên cứu”.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi nhật báo Le Monde của Pháp đưa tin công ty năng lượng nhà nước EDF hiện chưa có kế hoạch ngừng mua urani của Nga. Tờ báo dẫn lời ông Jean-Michel Quilichini, phụ trách nhiên liệu hạt nhân tại EDF, cho biết công ty dự định duy trì hợp đồng ký năm 2018 với Tenex, một công ty con của công ty điện hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga. Theo hợp đồng này, urani tái chế từ các nhà máy điện hạt nhân của Pháp sẽ được đưa đến một cơ sở ở thị trấn Seversk (trước đây là Tomsk-7) ở Siberia để chuyển đổi và sau đó được làm giàu lại trước khi tái sử dụng trong các nhà máy hạt nhân.

EDF cho biết công ty đang “đa dạng hóa tối đa nguồn cung”, nhưng không nêu rõ tỷ lệ nguồn cung urani tái chế được làm giàu từ Nga. Công ty này cũng cho biết đang cùng với một số đối tác thảo luận việc “xây dựng nhà máy chuyển đổi urani tái chế ở Tây Âu trước năm 2030”.

Trong những năm gần đây, Pháp đang tìm cách hồi sinh ngành công nghiệp tái chế urani. Đầu tháng 2 vừa qua, nước này đã sử dụng lượng urani tái chế trong nước đầu tiên để tái khởi động một lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Cruas ở khu vực Đông Nam nước này.

HÀNG LOẠT VỤ BẮT GIỮ CON TIN Ở HÀ LAN

Một số người đã bị bắt làm con tin tại thị trấn Ede ở miền trung Hà Lan ngày 30.3, khiến nhiều ngôi nhà phải sơ tán và trung tâm thị trấn bị phong tỏa, theo cảnh sát địa phương.

"Một vụ bắt giữ con tin liên quan đến nhiều người đang diễn ra tại một tòa nhà ở trung tâm thị trấn Ede", cảnh sát địa phương thông báo trên X, đồng thời cho biết hiện chưa có lý do để nghi ngờ vụ việc là hành động "khủng bố", theo AFP.

Cảnh sát cũng cho hay một số đơn vị cảnh sát đặc biệt đã được triển khai tới hiện trường, một tòa nhà ở trung tâm thị trấn.

Báo de Telegraaf dẫn một số nguồn tin giấu tên cho biết một người đàn ông mang theo vũ khí và chất nổ đang giam giữ con tin tại hộp đêm Petticoat ở Ede.

Không rõ có bao nhiêu người đang bị giam giữ nhưng truyền thông địa phương đưa tin có khoảng 4 hoặc 5 người có liên quan.

Chính quyền địa phương thông báo trung tâm thị trấn Ede đã bị phong tỏa và cảnh sát chống bạo động cũng như các chuyên gia về chất nổ đã có mặt tại hiện trường. Nhà chức trách cũng kêu gọi người dân tránh xa trung tâm thị trấn và giao thông đường sắt đang được chuyển hướng.

Cảnh sát cho hay họ đã dỡ bỏ rào chắn xung quanh một quán cà phê, và cư dân của khoảng 150 ngôi nhà đã được đưa đến nơi an toàn.

"Chúng tôi thấy có nhiều nghi vấn về động cơ. Tại thời điểm này không có dấu hiệu nào cho thấy động cơ khủng bố", cảnh sát cho biết.

Hà Lan đã chứng kiến hàng loạt vụ tấn công và âm mưu tấn công khủng bố, nhưng các vụ việc không có quy mô như ở các nước châu Âu khác, chẳng hạn Pháp hay Anh.

Năm 2019, người dân Hà Lan bàng hoàng trước vụ xả súng trên xe điện ở thành phố Utrecht khiến 4 người thiệt mạng. Một người đàn ông gốc Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã thừa nhận động cơ khủng bố, trong sự kiện khiến thành phố lớn thứ tư của Hà Lan gần như đóng cửa.

Cũng trong năm 2019, cảnh sát Hà Lan cáo buộc hai người tình nghi là thành viên thánh chiến lên kế hoạch tấn công khủng bố bằng cách sử dụng bom tự sát và bom xe. Nhà chức trách cho biết một cuộc tấn công đã được lên kế hoạch vào năm đó.

Một thanh niên Afghanistan đâm hai du khách Mỹ tại nhà ga trung tâm Amsterdam vào năm 2018. Thanh niên này sau đó nói với các thẩm phán rằng anh ta muốn "bảo vệ nhà tiên tri Mohammed".

Vụ tấn công xảy ra một ngày sau khi chính trị gia cực hữu Geert Wilders của Hà Lan tuyên bố hủy bỏ kế hoạch tổ chức một cuộc thi vẽ tranh biếm họa về nhân vật mà tín đồ Hồi giáo tôn sùng.

Vào thời điểm đó, người phát ngôn của Taliban ở Afghanistan, Zabihullah Mujahid, kêu gọi người Hồi giáo tấn công quân đội Hà Lan sau "hành động thù địch của đất nước này (Hà Lan) chống lại toàn bộ người Hồi giáo".

Trong vụ việc nghiêm trọng nhất liên quan đến tấn công khủng bố tại Hà Lan, ông Theo van Gogh, một đạo diễn phim có tư tưởng chống Hồi giáo, đã bị một người đàn ông bắn và đâm chết vào năm 2004 tại Amsterdam. Kẻ tấn công có quan hệ với mạng lưới Hồi giáo cực đoan tại Hà Lan.

Nguồn: CafeF; Quân Đội Nhân Dân; Soha; Báo Tin Tức; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang