EU: Khó mua nhà; Dư thừa tiền mặt; Thỏa thuận mới về NK ngũ cốc Ukraine; Kinh tế Anh suy thoái; Nông dân đụng độ cảnh sát Bỉ

NGƯỜI CHÂU ÂU VẪN KHÓ MUA NHÀ

Được tăng lương năm nay nhưng khả năng mua nhà của người châu Âu vẫn khó cải thiện khi giá bất động sản tăng và lãi vay còn cao.

Đây là nhận định trong nghiên cứu mới đây của các chuyên gia tại tập đoàn tài chính ING Group trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan). Chỉ số giá nhà của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết giá mua lẫn thuê tại khu vực này tăng đều đặn trong hơn thập kỷ qua.

Cùng với đó, lãi suất vay thế chấp ở eurozone đã tăng gần gấp ba chỉ trong 2 năm qua. "Chi phí tài chính tăng lên đã tạo gánh nặng đáng kể cho những người mua nhà tiềm năng và do đó làm giảm khả năng chi trả của bất động sản nhà ở", ING nhận định.

Sự gia tăng chung về chi phí sinh hoạt – vốn đã xóa sạch phần lớn mức tăng lương danh nghĩa – đã làm tình hình trở nên trầm trọng hơn. Theo đó, nhiều người quyết định tạm dừng kế hoạch chi tiêu, dẫn đến nhu cầu vay mua nhà giảm đáng kể. Năm ngoái, nhu cầu vay mua nhà giảm khoảng 30% so với 2022.

Sang 2024, khả năng tiếp cận nhà ở của người châu Âu khó cải thiện vì một số nguyên nhân. Đầu tiên là giá dự kiến tăng do nguồn cung thấp. ING cho rằng giá nhà sẽ phục hồi nhẹ trong năm nay. Tình trạng thiếu nhà có thể trầm trọng hơn do chi phí vật liệu cao và thiếu công nhân lành nghề trong lĩnh vực xây dựng.

Đơn cử, báo cáo của Viện kinh tế Ifo (Đức) công bố vào tháng 2 cho biết Đức dự kiến chỉ bàn giao 200.000 ngôi nhà mới vào năm 2026, giảm 40% so với năm 2022. "Nhìn chung, việc xây dựng quá phức tạp và tốn kém. Các quy định, đặc biệt là về năng lượng, đã làm tăng chi phí xây dựng đều đặn trong ba thập kỷ qua", Ludwig Dorffmeister, chuyên gia bất động sản tại Viện Ifo nói.

Trong khi đó, chi phí tài chính để vay mua nhà năm nay dự kiến không giảm đáng kể. Tại châu Âu, diễn biến lãi suất cho vay thế chấp liên quan chặt chẽ đến lãi suất trên thị trường vốn dài hạn. Vào cuối năm ngoái, lãi suất dài hạn ở eurozone đã giảm hơn 50 điểm cơ bản do thị trường tài chính kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản năm 2024.

Vì cắt giảm lãi suất của ECB trong tương lai đã tác động trước đến thị trường vốn hiện tại nên đòi hỏi phải có một chuỗi hạ lãi suất mạnh mẽ bất ngờ mới để kéo gỉảm được thị trường vốn và lãi suất thế chấp, theo ING.

Do vậy, chỉ yếu tố tăng lương năm nay không đủ để cải thiện khả năng mua nhà của người châu Âu. Tiền lương danh nghĩa ở eurozone đã tăng mạnh 2 năm qua. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa tăng đủ để bù đắp cho lạm phát cao. Do đó, tiền lương thực tế giảm trong mỗi quý, từ quý I/2021 đến quý II/2023.

Từ nửa cuối năm 2023, lạm phát giảm đã tạo điều kiện cho tiền lương thực tế tăng nhẹ, dù không đủ bù đắp cho mức giảm suốt 2 năm trước. ING dự báo tăng trưởng tiền lương ở khu vực đồng euro có thể đã đạt đỉnh và sẽ giảm tốc kể từ đây trở đi.

Điểm sáng là tăng trưởng tiền lương danh nghĩa năm nay dự kiến mạnh hơn so với trước đây và quan trọng hơn là mạnh hơn lạm phát, kéo lương thực tế tăng lên, từ đó trả lại sức mua cho người tiêu dùng. Nhưng dù thu nhập tăng, người châu Âu cũng không hẳn sẽ tự tin mua nhà. Họ có nhiều khả năng gia tăng tiết kiệm chứ không nhất thiết đầu tư bất động sản trong lúc kinh tế còn bất ổn và lãi suất tiết kiệm cũng hấp dẫn.

CHÂU ÂU ĐANG CÓ RẤT NHIỀU TIỀN MẶT, VÌ ĐÂU KHOẢNG CÁCH VỚI MỸ VẪN XA?

Các chính trị gia châu Âu đang kỳ vọng, tiền tư nhân, đầu tư vào chứng khoán địa phương hoặc trái phiếu chính phủ, có thể giúp thu hẹp khoảng cách tăng trưởng, năng suất với Mỹ và Trung Quốc.

Khoảng cách giữa kinh tế Mỹ và châu Âu đang ngày càng trở nên rộng hơn khi tăng trưởng và lạm phát hai bên bờ Đại Tây Dương dịch chuyển theo chiều hướng khác nhau, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga-Ukraine tiếp tục gây áp lực lên triển vọng kinh tế châu Âu, còn nền kinh tế Mỹ vẫn trụ vững dưới sức ép của lãi suất cao.

Tuy nhiên, giới chính trị gia châu Âu cho rằng, họ có một "lá bài" bí mật. Đó là tiền tiết kiệm của người dân.

"Lá bài" bí mật

Từ việc Italy bán trái phiếu chính phủ cho các hộ gia đình, Pháp nói về sản phẩm tiết kiệm xuyên châu Âu cho đến việc Anh đưa ra đề nghị giảm thuế khi đầu tư vào cổ phiếu của Anh, chính phủ các nước châu Âu đang tìm cách huy động tài sản của những hộ gia đình.

Tất cả các kế hoạch trên đều dựa trên một nhận định chung: Châu Âu đang có rất nhiều tiền mặt có thể được sử dụng cho các mục tiêu của châu lục này, từ chuyển đổi xanh cho đến tăng cường năng lực quốc phòng.

Các chính trị gia châu Âu đang kỳ vọng tiền tư nhân, đầu tư vào chứng khoán địa phương hoặc trái phiếu chính phủ, có thể giúp thu hẹp khoảng cách tăng trưởng và năng suất với Mỹ và Trung Quốc - những quốc gia đang tung ra các khoản trợ cấp khổng lồ cho các ngành công nghiệp nội địa.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng, những kế hoạch như trên có nguy cơ gây thất vọng cho những người tiết kiệm trong khi không giải quyết được những vấn đề trong mô hình kinh tế châu Âu.

Giáo sư Daniela Gabor tại Đại học West of England nhận định: "Các chính trị gia đã đưa ra một giải pháp quá dễ dàng để giải quyết những vấn đề rất phức tạp".

Khái niệm tiền "ngủ"

Người dân châu Âu từ lâu đã tiết kiệm nhiều hơn người Mỹ và số tiền ngày càng tăng trong thời gian gần đây, có thể do những bất ổn chính trị như xung đột Nga-Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Pháp ông Bruno Le Maire đang để mắt tới lượng tiền gửi ngân hàng của người dân Khu vực đồng Euro với trị giá 8.400 tỷ Euro (tương đương 9.092 tỷ USD).

Ông Le Maire từng nói về việc tiền đang "ngủ" trong tài khoản thay vì đóng góp vào sự thịnh vượng chung. Do đó, ông muốn có một sản phẩm tiết kiệm toàn châu Âu.

Tại Anh, chính phủ nước này đã đề xuất một loại tài khoản mới cho phép người dân nước này đầu tư miễn thuế lên tới 5.000 Bảng (tương đương 6.301,50 USD) vào các công ty trong nước. Song, trong lịch sử trước đây, những kế hoạch như trên đã không phát huy tính hiệu quả.

Dữ liệu từ công ty tư vấn Analysis cho thấy, những người dân Italy từng mua chứng chỉ quỹ của các tổ chức do chính phủ tài trợ để đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước sẽ thu về lợi nhuận thấp hơn 35% so với đầu tư vào chứng khoán toàn cầu khoảng trong 5 năm qua.

Ông Benjamin Braun, nhà kinh tế chính trị tại Viện Nghiên cứu Xã hội Max Planck nhận định, khái niệm về tiền “ngủ” trong tài khoản ngân hàng không hợp lý, bởi vì không có gì có thể ngăn cản ngân hàng cấp khoản vay mới khi có cơ hội.

Theo số liệu từ Ủy ban châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), các công ty châu Âu luôn coi thiếu vốn là vấn đề ít gặp nhất trong gần một thập kỷ và họ tạo ra đủ doanh thu để tài trợ cho các khoản đầu tư.

Thay vào đó, ông Braun và những chuyên gia khác tin rằng, mức đầu tư thấp ở châu Âu phản ánh triển vọng sinh lợi của thị trường này yếu hơn so với Mỹ khiến các tập đoàn đa quốc gia của châu Âu chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc Khu vực đồng Euro thậm chí còn xuất khẩu vốn.

Nhiều tiền mặt là chưa đủ

Một số chính phủ đang vay trực tiếp từ người dân. Các hộ gia đình Italy là những người mua trái phiếu lớn nhất của nước này trong năm ngoái. Cùng với Bỉ và Hy Lạp, Anh đã công bố trái phiếu tiết kiệm mới.

Ưu điểm chính của việc khai thác các nhà đầu tư nhỏ lẻ là họ ít thay đổi hơn so với những nhà đầu tư chuyên nghiệp và có nhiều khả năng nắm giữ trái phiếu cho đến khi đáo hạn.

Ông Braun cho rằng, trái phiếu chính phủ là một sản phẩm tiết kiệm phù hợp, cho phép nhà nước hướng định nguồn tiền vào các lĩnh vực ưu tiên.

Theo ông Braun và các nhà kinh tế khác, đầu tư vào trái phiếu chính phủ phải là một phần giải pháp cho những thách thức dài hạn đối với châu Âu như xây dựng nền kinh tế xanh hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các chính phủ đang phải gánh khoản thâm hụt ngân sách lớn kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, việc bán trái phiếu có nguy cơ làm suy yếu các nỗ lực kiểm soát chi tiêu công.

Nhà tư vấn đầu tư Massimo Famularo, có trụ sở tại Milan khẳng định, khi tập trung quá nhiều tài sản tại thị trường trong nước, các hộ gia đình cũng có thể mất đi cơ hội đa dạng hóa đầu tư.

Như vậy, có thể dễ dàng thấy, nhiều tiền mặt là chưa đủ để châu Âu thu hẹp khoảng cách với những nền kinh tế lớn khác.

CÁC ĐẠI SỨ EU ĐẠT THỎA THUẬN MỚI VỀ NHẬP KHẨU THỰC PHẨM UKRAINE

Các đại sứ của các nước trong Liên hiệp Châu Âu đạt được thỏa thuận với các điều khoản sửa đổi hôm thứ Tư 27/3 để gia hạn nhập khẩu thực phẩm miễn thuế từ Ukraine - với những hạn chế nhất định - sau khi một số quốc gia phàn nàn rằng thỏa thuận ban đầu có nguy cơ gây bất ổn cho thị trường nông sản của khối.

Thỏa thuận giờ đây được chuyển đến Nghị viện châu Âu, các nhà ngoại giao dự báo rằng ở đó sẽ có những đòi hỏi phải bổ sung thêm các hạn chế, giữa lúc EU tranh cãi về việc cần tiếp tục miễn thuế như thế nào sau khi đã ban hành quy định miễn thuế hồi năm 2022 để trợ giúp nền kinh tế Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga.

Một số nhóm nông nghiệp EU và các quốc gia như Pháp, Ba Lan cho rằng cần phải thắt chặt các biện pháp để tránh làm cho nông sản EU mất khả năng cạnh tranh. Ukraine và các nước khác lập luận rằng các mặt hàng nhập khẩu của Ukraine ít ảnh hưởng đến thị trường EU.

Một nhà ngoại giao EU nói rằng thỏa thuận mới - có hiệu lực đến tháng 6/2025 - có nội dung tương tự như thỏa thuận tạm thời được ký vào tuần trước nhưng đã thay đổi khoảng thời gian tham chiếu được sử dụng để xác định thời điểm áp dụng thuế đối với một số sản phẩm.

Thỏa thuận ban đầu quy định rằng thuế quan sẽ áp dụng đối với gia cầm, trứng, đường, yến mạch, ngô, ngũ cốc và mật ong nếu nhập khẩu vượt quá mức trung bình của năm 2022 và 2023.

Nhà ngoại giao nói rằng có thỏa hiệp là sẽ mở rộng thời gian tham chiếu để bao gồm nửa cuối năm 2021. Điều đó làm giảm mức trần áp dụng thuế quan.

Bỉ, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, nhận xét rằng thỏa thuận này đảm bảo "một cách tiếp cận cân bằng giữa trợ giúp Ukraine và bảo vệ thị trường nông sản EU".

Ước tính Ukraine sẽ mất khoản thu hàng năm là khoảng 330 triệu euro (357 triệu USD) - mặc dù vậy, việc tiếp tục đình chỉ thuế quan mang lại giá trị lớn hơn nhiều cho Kyiv.

KINH TẾ ANH SUY THOÁI NHẸ NĂM 2023

Theo số liệu chính thức được cập nhật, nền kinh tế Anh đã rơi vào suy thoái nhẹ trong năm 2023.

Thực tế này đặt ra thách thức cho Thủ tướng Rishi Sunak trong việc trấn an cử tri rằng nền kinh tế an toàn dưới sự lãnh đạo của ông trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra trong năm nay.

Báo cáo chính thức của Văn phòng thống kê Anh (ONS) công bố ngày 28/3 cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh giảm 0,1% trong quý III/2023 và giảm 0,3% trong quý IV/2023, không thay đổi so với ước tính trước đó.

Trên thực tế, kinh tế Anh đã phát đi những tín hiệu khởi sắc hơn vào đầu năm 2024 với GDP trong tháng 1 tăng 0,2% so với tháng trước đó và các cuộc khảo sát không chính thức cho thấy đà tăng trưởng tiếp tục trong tháng 2 và tháng 3. Tuy nhiên, đà phục hồi còn chậm sau những tác động của đại dịch COVID-19 và nền kinh tế của nước này chỉ mở rộng quy mô hơn 1% so với mức cuối năm 2019, xếp sau Đức trong số Nhóm các nước phát triển (G7) có tốc độ tăng trưởng chậm.

Tổng thể nền kinh tế của Anh năm 2023 chỉ tăng trưởng 0,1% - mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2009, thời điểm cuối của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ngân hàng Anh (BoE - Ngân hàng trung ương) dự báo kinh tế nước này sẽ chỉ tăng trưởng 0,25% trong năm nay, mặc dù các nhà dự báo ngân sách cho rằng nền kinh tế quốc gia châu Âu này sẽ tăng trưởng 0,8%. BoE trước đó đánh giá lạm phát của Anh đang tiến tới mức có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.

CẬN CẢNH NÔNG DÂN CHÂU ÂU DÙNG XE CHỞ PHÂN ĐẤU VÒI RỒNG CỦA CẢNH SÁT BỈ GẦN TRỤ SỞ EU

Cảnh sát Brussels cho biết, 900 máy kéo đã vào thành phố, nhiều chiếc lao thẳng tới tòa nhà Hội đồng Châu Âu, nơi các bộ trưởng đang họp.

Theo hãng tin AP, những người nông dân đã đụng độ với cảnh sát ở Brussel (Bỉ) hôm 25/3, phun phân lỏng, ném trứng và pháo sáng vào cảnh sát khi các Bộ trưởng Nông nghiệp của Liên minh Châu Âu (EU) nhóm họp để tìm cách giải quyết những lo ngại của người biểu tình.

Những người nông dân tức giận vì tình trạng quan liêu và cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ từ các quốc gia không đáp ứng được tiêu chuẩn tương đối cao của EU.

Cảnh sát Brussels cho biết, 900 máy kéo đã vào thành phố, nhiều chiếc lao thẳng tới tòa nhà Hội đồng Châu Âu (EC), nơi các bộ trưởng đang họp. Khói bay lên không trung gần hàng rào bê tông và dây thép gai - nơi cảnh sát mặc đồ chống bạo động đứng, phun hơi cay và vòi rồng vào những người nông dân biểu tình.

Hàng loạt xe đầu kéo cũng xếp hàng dọc các con đường chính dẫn đến trụ sở EC trong thành phố Brussels, gây cản trở giao thông. Một số máy kéo lao qua hàng rào, khiến các cảnh sát phải bỏ chạy.

Annelies Verlinden - Bộ trưởng Nội vụ Bỉ - kêu gọi cảnh sát xác định những "kẻ bạo loạn" làm tổn thương người dân hoặc không tuân theo chỉ dẫn của cảnh sát.

"Quyền được biểu tình rất quý giá đối với chúng ta nên nó phải được sử dụng với sự tôn trọng", bà viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X.

Theo AP, vào đầu tháng 3, một cuộc biểu tình tương tự đã trở nên bạo lực khi nông dân đốt cỏ khô, ném trứng và pháo vào cảnh sát gần địa điểm diễn ra một hội nghị của các nhà lãnh đạo EU.

Một số máy kéo còn treo những biểu ngữ, than thở về điều mà nông dân địa phương coi là cái chết dần của việc trồng trọt. Một trong số này đề:"Nông nghiệp. Khi còn nhỏ bạn mơ về nó, khi trưởng thành bạn chết vì nó".

Marieke Van De Vivere - một nông dân ở vùng Ghent, miền bắc nước Bỉ - nói với AP rằng: "Chúng tôi đang bị phớt lờ."

Bà mời các bộ trưởng "cùng thử làm việc đồng áng trong một ngày với chúng tôi, với ngựa hoặc các động vật khác, để thấy rằng điều đó không hề dễ dàng… vì những quy tắc mà họ đặt ra cho chúng tôi".

Theo AP, đây là cuộc biểu tình mới nhất trong hàng loạt cuộc mít tinh biểu tình của nông dân trên khắp châu Âu.

Hôm 23/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được tiếp đón bằng những tiếng la ó và huýt sáo khi tham dự lễ khai mạc Hội chợ Nông nghiệp Paris vì những người nông dân địa phương cho rằng ông chưa nỗ lực đủ nhiều để hỗ trợ họ.

Tại Tây Ban Nha, Hà Lan và Bulgaria cũng diễn ra các cuộc biểu tình trong những tuần gần đây.

Các cuộc biểu tình đã mang lại kết quả

Theo AP, vào đầu tháng này, cơ quan hành pháp của EU đã gác lại đề xuất chống thuốc trừ sâu để nhượng bộ những người nông dân.

Ở phía bên kia rào chắn tại Brussels, các bộ trưởng EU đều muốn thể hiện rằng họ đang lắng nghe và một nhóm đại diện nông dân đã được phép tham gia đàm phán.

Bỉ - hiện nắm giữ chức Chủ tịch EU - thừa nhận về mối lo ngại của nông dân, bao gồm gánh nặng tuân thủ các chính sách môi trường, sự sụt giảm hỗ trợ từ hệ thống trợ cấp nông nghiệp của khối và tác động từ các cuộc tấn công của Nga đối với nguồn cung ngũ cốc của Ukraine.

David Clarinval - Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ - cho biết: "Chúng tôi hiểu rằng tình hình này rất khó khăn".

Ông nói với các phóng viên sau khi chủ trì cuộc họp rằng: "27 quốc gia thành viên kiên quyết nói rằng mọi thứ không thể tiếp tục như hiện tại. Cần phải thực hiện các biện pháp nhanh chóng cũng như các biện pháp dài hạn hơn ở cấp độ châu Âu".

Marc Fesneau - Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp - nói với báo giới rằng: "Cần phải gửi tín hiệu ngay lập tức để thông báo cho nông dân rằng có điều gì đó đang thay đổi, không chỉ trong ngắn hạn, mà còn trong trung và dài hạn".

Charlie McConalogue - Bộ trưởng Nông nghiệp Ireland - cho biết, ưu tiên hàng đầu phải là chống quan liêu cắt giảm thủ tục hành chính. Theo ông McConalogue, EU nên đảm bảo rằng các chính sách "đơn giản, cân bằng và đơn giản nhất có thể để nông dân thực hiện".

McConalogue cũng nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi tôn trọng công việc quan trọng mà nông dân thực hiện hàng ngày trong việc sản xuất thực phẩm".

Nguồn: Vnexpress; Báo Quốc Tế; VOA; Báo Tin Tức; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang