EU: Safari bị bỏ rơi; Thâm hụt tài chính; Hiệp ước Di cư & Tị nạn; Năm cháy rừng tệ nhất; Hải quân Pháp đổi cách huấn luyện

NGƯỜI DÙNG CHÂU ÂU ĐANG BỎ RƠI SAFARI

Người dùng đang ‘dứt áo ra đi’ khỏi Safari kể từ khi EU ban hành đạo luật mới buộc Apple mở cửa cho iPhone ở châu Âu.

Theo Ars Technica, chỉ sau một tháng kể từ khi đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) có hiệu lực tại Liên minh châu Âu (EU), nhiều người dùng đã chuyển đổi từ trình duyệt mặc định Safari trên iPhone sang các trình duyệt khác, mang lại lợi ích cho các trình duyệt nhỏ hơn vốn tập trung vào quyền riêng tư.

Theo đó, DMA yêu cầu các công ty công nghệ lớn như Apple và Google đơn giản hóa việc chuyển đổi trình duyệt web mặc định trên thiết bị, qua đó trao quyền cho người dùng lựa chọn trình duyệt phù hợp với nhu cầu của họ.

Reuters báo cáo rằng nhiều người dùng EU đã chọn các trình duyệt bên thứ ba như Vivaldi, Opera, Ecosia, Brave và DuckDuckGo thay vì Safari và Chrome sau khi được phép thay đổi. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến Apple, do iPhone có thị phần lớn hơn điện thoại Android ở EU.

Dữ liệu phân tích từ Aloha Browser cho thấy một trình duyệt tập trung vào quyền riêng tư có trụ sở tại Cộng hòa Síp, cho thấy lượng người dùng của họ tại EU tăng 250% trong tháng 3, ngay sau khi DMA có hiệu lực.

Lý do chính cho sự chuyển đổi này được cho là do người dùng ngày càng quan tâm đến quyền riêng tư trực tuyến. Các trình duyệt như Aloha, Brave và DuckDuckGo nổi tiếng với việc tập trung vào bảo mật và không theo dõi người dùng để nhắm mục tiêu quảng cáo.

Tuy nhiên, một số công ty trình duyệt đã chỉ trích Apple và Google đang làm chậm quá trình chuyển đổi của người dùng sang các lựa chọn trình duyệt mới, với việc triển khai các bản cập nhật một cách chậm chạp.

Việc người dùng chuyển sang các trình duyệt thay thế Safari cho thấy tác động tích cực của DMA trong việc thúc đẩy cạnh tranh và trao quyền cho người tiêu dùng lựa chọn trình duyệt phù hợp với nhu cầu cá nhân. Xu hướng này có thể tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, khi ngày càng nhiều người dùng EU nhận thức được tầm quan trọng của quyền riêng tư trực tuyến.

NHIỀU NƯỚC CHÂU ÂU GẶP THÁCH THỨC LỚN VÌ THÂM HỤT TÀI CHÍNH

Những "cơn ác mộng" tài chính từng gây khó khăn cho châu Âu trước đây đang quay trở lại, ảnh hưởng đến Italy, Pháp và các nước châu Âu khác.

Ngân hàng Mỹ (Bank of America) cảnh báo về thâm hụt quá mức không thể tránh khỏi đối với Italy, Pháp và các nước khác, làm gợi lại những lo ngại về khủng hoảng tài chính trong quá khứ. Dự báo những nỗ lực giám sát và củng cố tài chính nghiêm ngặt sẽ diễn ra từ năm 2025, có khả năng tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia bị ảnh hưởng.

Theo bình luận của mạng tin Euronews.com ngày 9/4, những 'cơn ác mộng' tài chính từng gây khó khăn cho châu Âu trước đây đang quay trở lại, ảnh hưởng đến Italy, Pháp và các nước châu Âu khác.

Trong một phiên điều trần tại quốc hội tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Italy Giancarlo Giorgetti, cho biết Ủy ban châu Âu có thể sẽ khuyến nghị Hội đồng Liên minh châu Âu khởi xướng Quy trình xử lý thâm hụt vượt mức (EDP) đối với Italy và một số quốc gia khác.

Đầu tháng 3 vừa qua, văn phòng thống kê quốc gia Italy là Istat đã điều chỉnh mức thâm hụt của năm 2023 lên 7,2% GDP từ mức 5,3%. Italy chuẩn bị công bố Tài liệu kinh tế và tài chính (DEF) trong tuần này, cho thấy đánh giá thâm hụt dự kiến của chính phủ trong thời gian tới. Mục tiêu thâm hụt năm 2024 và 2025 dự kiến lần lượt là 4,3% và dưới 4%.

Bộ trưởng Giorgetti lưu ý rằng kế hoạch ngân sách hiện tại của Italy phù hợp với các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm thâm hụt tài chính dần dần.

EDP là gì?

Quy trình này buộc các quốc gia thành viên EU phải xử lý mức thâm hụt và nợ lớn. Quy trình này có thể được Ủy ban châu Âu thực hiện nếu một quốc gia đã vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm ngưỡng thâm hụt tương đương 3% GDP, hoặc nếu quốc gia đó vi phạm quy tắc nợ khi duy trì mức nợ chính phủ tương đương 60% GDP mà không giảm dần ở mức vừa phải.

Lý do Pháp và Italy nguy cơ đối mặt với EDP

Sau nhiều năm đình chỉ vì đại dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, Ủy ban châu Âu đã hoãn các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia thành viên có thâm hụt hoặc nợ quá mức cho đến năm 2024.

Bank of America lưu ý trong một báo cáo gần đây: “Hiện tại, nhiều vấn đề tài chính đang quay trở lại châu Âu, đặc biệt là Pháp và Italy nằm trong tầm ngắm”.

Ngay trước Lễ Phục sinh (31/3), Pháp đã thông báo mức thâm hụt ngân sách năm 2023 tương đương 5,6% GDP, phần lớn là do doanh thu yếu hơn dự kiến. Điều này sẽ đẩy tỷ lệ nợ so với GDP của nước này lên cao hơn.

Nhà kinh tế Chiara Angeloni tại Bank of America nhấn mạnh rằng việc không duy trì được mục tiêu tài chính năm 2023 của Italy rõ rệt hơn, do chi tiêu tăng lên, đặc biệt là do Superbonus - một chương trình tín dụng thuế xây dựng để kích thích nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch.

Ngay cả Đức cũng phải đối mặt với những thách thức. Nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng có thể đẩy tỷ lệ nợ của Đức lên trên 65% GDP vào năm 2027.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Theo Bank of America, quy trình EDP đối với Italy, Pháp và 10 quốc gia thành viên khác gần như không thể tránh khỏi hiện nay. Điều này đòi hỏi phải có sự giám sát và thực hiện các nỗ lực hợp nhất chặt chẽ hơn từ năm 2025 trở đi.

Sau khi quy trình này được kích hoạt, Pháp sẽ cần thực hiện điều chỉnh ngân sách ổn định ít nhất 0,5 điểm phần trăm mỗi năm về mặt cơ cấu từ năm 2025, theo tính toán của nhà kinh tế Ruben Segura-Cayuela của Bank of America.

Rủi ro vẫn là các quốc gia có thể bị buộc phải điều chỉnh tài chính mạnh mẽ và chính sách tài khóa chặt chẽ về mặt cơ cấu, có khả năng cản trở tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

CHÂU ÂU THÔNG QUA THỎA THUẬN DI CƯ VÀ TỊ NẠN

Nghị viện châu Âu vào chiều tối 10/4 đã bỏ phiếu nhất trí cải cách sâu rộng và toàn diện chính sách nhập cư vào Liên minh châu Âu.

Các nước châu Âu đã phải mất gần 9 năm, 2 nhiệm kỳ Nghị viện kể từ sau cuộc khủng hoảng tị nạn vào năm 2015 mới có thể đi đến một thỏa thuận về di cư và tị nạn - một vấn đề nhạy cảm.

Hiệp ước Di cư và Tị nạn đã được thông qua nhưng với kết quả chỉ vừa đủ để không bị bác bỏ. Cho đến những phút cuối cùng, các quốc gia thành viên và những xu hướng chính trị tại Nghị viện châu Âu vẫn tiếp tục tranh luận. Cuối cùng thì các bên cũng thỏa thuận được nhưng không bên nào cảm thấy thỏa mãn hoàn toàn. Tuy nhiên, việc thông qua được thỏa thuận về một vấn đề nhạy cảm đến như vậy cũng được coi như một thời khắc lịch sử của Liên minh châu Âu.

Bà Roberta Metsola - Chủ tịch Nghị viện châu Âu - phát biểu: "Chúng tôi đã cam kết tạo dựng một cơ chế mới, công bằng, bảo vệ những người đủ điều kiện tị nạn và cứng rắn với những người không đủ điều kiện. Một cơ chế mạnh mẽ chống lại những dường dây đưa người. Tối nay, chúng tôi đã thực hiện được lời hứa đó".

Hiệp ước mới đưa ra bộ quy tắc quản trị nhập cư nhất quán, áp dụng như nhau tại tất cả các nước châu Âu. Người tới Liên minh châu Âu xin tị nạn hoặc nhập cư trái phép sẽ bị tạm giữ ngay tại biên giới để phân loại, sau tối đa 7 ngày sẽ được hướng dẫn xin quy chế tị nạn hoặc bị trục xuất khỏi Liên minh châu Âu và phải rời đi sau tối đa 12 tuần. Một cơ sở dữ liệu chung về từng cá nhân sẽ được tạo lập, qua đó người nhập cư lăn tay và chụp ảnh ở nước nào thì các nước khác cũng lập tức có thông tin.

Hiệp ước Di cư và Tị nạn thiết lập một cơ chế chia sẻ trách nhiệm để các nước giảm tải cho nhau trong việc tiếp nhận, phân loại và tái định cư. Hiệp ước cũng dự kiến các kịch bản đối phó với khủng hoảng di cư - bao gồm cả trường hợp một nước gần kề dồn người di cư tới sát biên giới châu Âu nhằm gây sức ép.

Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - tuyên bố: "Giờ đây chúng ta đã có cơ sở pháp lý bảo vệ biên giới bên ngoài. Mọi người nhập cư sẽ được đối xử như nhau. Những người đủ tư cách tị nạn sẽ được bảo vệ, những người không hội đủ điều kiện sẽ bắt buộc phải hồi hương".

Hiệp ước Di cư và Tị nạn được thông qua vào thời điểm tranh cử Nghị viện châu Âu khóa mới sắp bắt đầu. Cách thức quản trị dòng người di cư là ưu tiên hàng đầu của tất cả các đảng ở châu Âu khi thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình.

Quy tắc hiện nay là người nhập cư tới nước nào đầu tiên thì nước đó có trách nhiệm xem xét đơn xin tị nạn. Cơ chế mới tập trung vào phân loại tại biên giới và liên thông dữ liệu. Sẽ có những trại tạm giữ ở ngay biên giới, đủ chỗ cho 120.000 người cùng lúc. Tại đó, người nhập cư được phân loại trong vòng 7 ngày, nếu không đủ điều kiện xin tị nạn sẽ bị trục xuất ngay, nếu có thể đủ điều kiện tị nạn thì được hướng dẫn làm thủ tục xin tị nạn. Như vậy, những người nhập cư trái phép sẽ không đi sâu được vào bên trong lãnh thổ châu Âu. 27 nước EU đều phải chung tay hỗ trợ nhân lực vật lực vận hành các trại tạm giữ, phân loại và phải tiếp nhận tái định cư những người đủ điều kiện tị nạn.

Hiệp ước Di cư và Tị nạn giúp châu Âu giành lại quyền chủ động bằng cách đưa ra những quy tắc thuận lợi cho nhập cư hợp pháp, dùng nhập cư hợp pháp để chống lại nạn đưa người. Nhập cư hợp pháp giúp châu Âu thực hiện đúng công ước quốc tế và bổ sung nguồn nhân lực mà châu Âu đang cần. Hiệp ước Di cư và Tị nạn khuyến khích người nước ngoài nhập cư vào châu Âu theo con đường hợp pháp, xin thị thực đi học hoặc đi làm. Hiệp ước tạo ra sự tương phản mạnh - nới lỏng nhập cư hợp pháp, tạo thêm thuận lợi cho người nước ngoài nhập cư hợp pháp được cư trú lâu dài ổn định, đồng thời siết chặt di cư trái phép, đẩy nhanh phân loại và trục xuất những người không đủ điều kiện.

Theo dự kiến, Hiệp ước Di cư và Tị nạn sẽ bắt đầu được áp dụng từ năm 2026. Toàn bộ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu sẽ có 2 năm để chỉnh sửa luật pháp quốc gia cho phù hợp với thỏa thuận chung.

Tuy không tạo ra khủng hoảng như hồi năm 2015 nhưng dòng người di cư từ châu Á và châu Phi vẫn tiếp tục hướng tới châu Âu. Trong năm 2023, 1,1 triệu người đã tới Liên minh châu Âu xin tị nạn, cộng với khoảng từ 238.000 đến 380.000 người nhập cư trái phép nhưng không ra trình diện.

NĂM CHÁY RỪNG TỒI TỆ NHẤT THẾ KỶ Ở CHÂU ÂU

Năm 2023, châu Âu đã trải qua đợt cháy rừng tồi tệ nhất trong thế kỷ này, với hơn 500.000 ha rừng bị thiêu rụi (gấp đôi diện tích đất nước Luxemburg).

Theo một báo cáo được Ủy ban châu Âu (EC) công bố mới đây, mùa cháy rừng năm 2023 ở châu Âu là một trong những đợt cháy rừng tồi tệ nhất trong thế kỷ này.

Báo cáo về các vụ cháy rừng ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi do Ủy ban Trung tâm Nghiên cứu chung của EC thực hiện dựa trên dữ liệu của Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu (EFFIS).

Số liệu cho thấy trong năm ngoái, các vụ cháy đã thiêu rụi 504.002 hécta rừng - diện tích lớn gấp đôi đất nước Luxembourg, theo đó trở thành một trong những năm xảy ra cháy rừng tồi tệ nhất thế kỷ.

Ba năm xảy ra cháy rừng tồi tệ nhất thế kỷ này hiện là năm 2017 (988.427 hécta), năm 2022 (837.212 hécta) và năm 2007 (588.388 hécta).

Theo báo cáo trên, cháy rừng gia tăng trong mùa Hè 2023, ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Địa Trung Hải, trong đó Hy Lạp (khu vực gần Alexandroupoli) hứng chịu trận hỏa hoạn lớn nhất xảy ra ở châu Âu từ những năm 1980.

Biến đổi khí hậu khiến cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn và ngày càng ảnh hưởng tới các khu vực trước đó hiếm khi xảy ra hỏa hoạn. Báo cáo Rủi ro từ khí hậu đối với châu Âu công bố hồi tháng 3 vừa qua thậm chí cho rằng mọi chuyện có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy trung bình số vụ cháy tại châu Âu trong 3 tháng đầu năm 2024 đã cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù những vụ cháy này không gây ảnh hưởng lớn đến các khu vực bị cháy.

Phân tích theo loại thảm thực vật vào năm 2023 cho thấy, 37% tổng diện tích cháy là khu vực được bao phủ bởi cây bụi và thảm thực vật xơ cứng, có đặc điểm là lá dày, cứng và thích nghi với thời gian khô hạn kéo dài, trong khi 26% (120.000 ha) là rừng. Theo báo cáo, các vụ cháy rừng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, khi tạo ra khoảng 20 megatonnes (Mt) khí thải CO2, tương đương gần 1/3 tổng lượng khí thải từ các hoạt động hàng không quốc tế ở Liên minh châu Âu (EU) trong một năm.

Theo Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu (EFFIS), ba năm chứng kiến các vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong thế kỷ này tính theo phạm vi diện tích cháy rừng là 2017 (với 988. 427 ha rừng bị cháy), 2022 (837. 212 ha) và 2007 (588. 388 ha).

Theo báo cáo, các vụ cháy rừng đã tạo ra khoảng 20 megaton khí thải CO2 - gần 1/3 tổng lượng khí thải từ hoạt động hàng không quốc tế ở Liên minh châu Âu (EU) trong một năm.

Vào tháng 3/2024, EC đã công bố bản báo cáo về xây dựng khả năng phục hồi khí hậu và quản lý hiệu quả các rủi ro khí hậu. Báo cáo được coi là một phần của hành động ngay lập tức, kêu gọi tăng cường các biện pháp phòng ngừa, gồm các giải pháp dựa vào thiên nhiên, chuẩn bị tốt hơn dựa vào hệ thống cảnh báo sớm và các phương tiện chữa cháy hiệu quả được cung cấp thông qua Cơ chế bảo vệ dân sự EU (UCPM).

PHÁP CHUẨN BỊ CHO CHIẾN TRANH, CHUYỂN HƯỚNG HUẤN LUYỆN HẢI QUÂN

Hải quân Pháp đang chuyển hướng huấn luyện, từ tập trung vào hoạt động tuần tra sang đối phó với những đối thủ đủ sức đe dọa họ.

Khi phó đô đốc Jacques Mallard nhập ngũ hồi thập niên 1990, nhiệm vụ chính của hải quân Pháp là chặn bắt tội phạm ma túy và đối phó đánh bắt thủy sản trái phép. Hoạt động huấn luyện khi đó chủ yếu xoay quanh triển khai xuồng cao tốc và truy đuổi tội phạm, nhưng tình hình hiện nay buộc hải quân Pháp thay đổi hoàn toàn ưu tiên huấn luyện quân nhân.

"Nguy cơ bùng phát chiến tranh trên biển ngày càng gia tăng. Chúng tôi từng đủ sức tùy ý hành động, nhưng giờ đây luôn cảm thấy bị đe dọa. Hải quân Pháp phải chuyển sang huấn luyện cho những nhiệm vụ mới, đặc biệt là xung đột cường độ cao", phó đô đốc Mallard, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp, cho biết hôm 10/4.

Pháp là quốc gia duy nhất trong Liên minh châu Âu (EU) sở hữu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nhóm tác chiến Charles de Gaulle, gồm tàu sân bay cùng tên và nhiều tàu hộ vệ, tàu ngầm hạt nhân và tiêm kích trên hạm Rafale, dự kiến bắt đầu làm nhiệm vụ ở Địa Trung Hải trong vài ngày tới.

"Hải quân phương Tây phải thích nghi với môi trường mới, đối mặt những đối thủ có năng lực ngày càng tăng. Chúng tôi phải hành động quyết liệt hơn, hoặc ít nhất là sẵn sàng hành động. Thủy thủ phải huấn luyện chiến đấu chống lại những người muốn hủy diệt chúng tôi, chứ không phải những tên tội phạm buôn ma túy hoặc ngư dân đánh bắt cá trái phép", tướng Mallard nói.

Hải quân Pháp hồi năm 2021 triển khai chương trình diễn tập Polaris hoàn toàn mới, nhằm mô phỏng các trận hải chiến hiện đại. Chương trình diễn tập đặt các thủy thủ vào tình huống chiến đấu liên tục, không tuân theo bất cứ quy tắc nào, nhằm phát triển tư duy tác chiến của họ.

"Chương trình huấn luyện như vậy khá mạo hiểm, nhưng rất hiệu quả nếu muốn giải phóng tư duy chiến thuật", phó đô đốc Mallard nhận xét.

Nguồn: Thanh Niên; Báo Tin Tức; VTV; Môi trường & Đô thị; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang