EU: Kế hoạch mới với người tị nạn; Bảo vệ biển Bắc; Siết chặt an ninh; Cảnh báo thảm họa hạt nhân; Slovakia đánh thuế nước ngọt

Ý TƯỞNG MỚI ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ NGƯỜI TỊ NẠN Ở CHÂU ÂU

Một số nước EU – như Áo và Đan Mạch – đã tỏ ra hứng thú với việc làm theo cách của Vương quốc Anh. Phe cực hữu và bảo thủ cũng muốn thúc đẩy ý tưởng này.

Liên minh châu Âu (EU) cởi mở với ý tưởng chuyển những người xin tị nạn ra các nước bên ngoài khối, nhưng khối này không đi xa đến mức như nước Anh với kế hoạch “trục xuất” những người di cư bất thường đến Rwanda, hãng AFP đưa tin hôm 8/4.

Ý tưởng được đưa ra trong bối cảnh số đơn xin tị nạn gia tăng đột biến ở 27 quốc gia EU, đạt 1,14 triệu vào năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2016.

Theo Frontex – cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển của EU, số người di cư bất thường vào khối cũng đang tăng lên, lên tới 380.000 vào năm ngoái.

Ý tưởng về nước thứ 3 “an toàn”

Theo AFP, ý tưởng để các nước thứ 3 tiếp nhận những người xin tị nạn đến châu Âu đã được Italy hiện thực hóa đầu tiên trong một thỏa thuận mà quốc gia Nam Âu này gần đây đã đạt được với quốc gia không phải thành viên EU là Albania.

Và trong đề xuất cải cách luật di cư và tị nạn của EU mà Nghị viện châu Âu sẽ đưa ra bỏ phiếu vào ngày 10/4 cũng có điều khoản gửi người xin tị nạn đến một nước thứ 3 “an toàn”. Tuy nhiên, EU sẽ yêu cầu phải có “mối liên kết” giữa người xin tị nạn và quốc gia mà họ được gửi đến.

Ngược lại, kế hoạch của London là biến Rwanda trở thành quốc gia duy nhất tiếp nhận tất cả những người nhập cư bất hợp pháp và những người không thành công trong việc xin tị nạn tại Anh, bất kể họ có bất kỳ mối liên hệ nào với quốc gia Trung Phi này hay không. Ý tưởng đó đã vấp phải sự phản đối của Tòa án Nhân quyền châu Âu.

Một động thái như vậy sẽ không thể thực hiện được ở EU vì nó “không phù hợp với khuôn khổ lập pháp hiện hành cũng như không phù hợp với những cải cách sẽ được đưa ra bỏ phiếu”, ông Alberto-Horst Neidhardt, một nhà phân tích về vấn đề di cư tại Trung tâm Chính sách châu Âu, cho biết.

Trong khi đó, một số nước EU – như Áo và Đan Mạch – đã tỏ ra hứng thú với việc làm theo cách của Vương quốc Anh. Phe cực hữu và bảo thủ cũng muốn thúc đẩy ý tưởng này.

Ông Jens Spahn, một thành viên của Đảng CDU (Đức), một phần của Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) bảo thủ lớn nhất trong khối Nghị viện châu Âu, lập luận rằng sẽ có ít người di cư bất hợp pháp cố gắng đến EU “nếu trong vòng 48 giờ họ sẽ được đưa đến một quốc gia an toàn bên ngoài EU”, với các lựa chọn tiềm năng là Rwanda, Gruzia (Georgia) và Moldova.

Tuy nhiên, ý tưởng các quốc gia EU gửi người di cư đến những quốc gia được gọi là “an toàn” vấp phải sự chỉ trích của các tổ chức từ thiện và phi chính phủ vì người di cư.

Đó sẽ là “một bước tiến xa hơn trong EU và các quốc gia thành viên trong việc đẩy trách nhiệm của họ lên các quốc gia ngoài EU, mặc dù khối này chỉ tiếp nhận một phần nhỏ số người phải rời bỏ nhà cửa trên thế giới”, bà Stephanie Pope từ tổ chức từ thiện Oxfam cho biết.

Tư duy “bên ngoài chiếc hộp”

Chính phủ cực hữu của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã đạt được thỏa thuận với Albania nhằm hướng tới việc chuyển người di cư ra khỏi đất nước bà.

Hiệp định mà Rome đã ký với Tirana vào tháng 11 năm ngoái phác thảo việc chuyển người di cư đến các trung tâm ở Albania nhưng do Italy tài trợ và điều hành, và những trung tâm này sẽ chịu trách nhiệm đánh giá các đơn xin tị nạn và áp dụng luật pháp của Italy đối với các trường hợp.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen đã ca ngợi mô hình trên như một ví dụ về tư duy “bên ngoài chiếc hộp”, một cách sáng tạo để đối phó với làn sóng người di cư - tị nạn đang quét qua “lục địa già”.

Ông Jean-Louis De Brouwer, cựu quan chức chính sách tị nạn và nhập cư của Ủy ban châu Âu, hiện là giám đốc chương trình các vấn đề châu Âu tại Viện nghiên cứu Egmont, cho biết các thỏa thuận tương tự như của Italy-Albania có thể được nhân rộng.

Đó là loại thỏa thuận song phương mà các nước EU cũng có thể đạt được với các nước Balkan vốn đang hy vọng gia nhập khối, “ví dụ như giữa Bắc Macedonia và Đức”, ông De Brouwer cho biết.

Theo ông De Brouwer, điều này có một logic chính trị nhất định, vì nó sẽ đưa ra một dấu hiệu rõ ràng rằng các ứng cử viên sẵn sàng tham gia vào một hình thức đoàn kết của châu Âu trong việc giải quyết vấn đề tị nạn.

Mặc dù vậy, với số lượng lớn người xin tị nạn tìm đường đến châu Âu, những thỏa thuận như vậy sẽ chỉ là “giọt nước trong đại dương”, ông De Brouwer nói

CÁC NƯỚC CHÂU ÂU KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC NHẰM BẢO VỆ BIỂN BẮC

Anh và một số nước lớn tại châu Âu có biên giới trên biển tại biển Bắc ngày 9/4 đã ký kết một thỏa thuận hợp tác nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới nước ở khu vực này nếu xảy ra bất kỳ cuộc tấn công nào.

Euronews ngày 9/4 cho biết, sáu quốc gia chủ thể của thỏa thuận hợp tác này gồm Anh, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Na Uy và Hà Lan. Theo thỏa thuận, các nước sẽ cùng chia sẻ thông tin quan trọng liên quan tới mọi cơ sở hạ tầng năng lượng tại biển Bắc.

Được biết, các mối đe dọa về dây cáp và đường ống dưới biển trở thành trọng tâm an ninh đối với các quốc gia Tây Âu sau vụ nổ đường ống Nord Stream 1 và 2 vốn được xây dựng để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic, hồi tháng 9/2022.

Andrew Bowie, Bộ trưởng năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo của Anh nhấn mạnh: “Biển Bắc là động lực thúc đẩy tham vọng phát triển năng lượng tái tạo và đưa phát thải ròng về 0 của châu Âu, giúp tăng cường an ninh năng lượng trên lục địa. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải bảo vệ cơ sở hạ tầng tại khu vực này ở hiện tại và tương lai".

Bộ trưởng Andrew Bowie thêm rằng, việc thắt chặt quan hệ giữa các nước láng giềng chủ chốt ở Bắc Âu sẽ giúp họ đạt được tham vọng đó và thỏa thuận này là một minh chứng rõ ràng nhất.

Trước đó, người đứng đầu Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen từng thừa nhận: “Các hành động phá hoại đường ống Nord Stream đã cho thấy cơ sở hạ tầng năng lượng của chúng ta dễ bị tổn thương như thế nào. Thậm chí, sự cố này đã khiến một số quốc gia buộc phải gửi quân đội đến khu vực biển Bắc để bảo vệ các hệ thống năng lượng dễ bị tổn thương".

Giới chuyên gia nhận định, biển Bắc sẽ sớm trở thành trung tâm năng lượng xanh lớn nhất thế giới, nơi được lắp đặt các công viên điện gió, các cơ sở hạ tầng kết nối. Công suất sản xuất của các tuabin gió ngoài khơi biển Bắc hiện ở mức 7 GW/năm và các nước trên đặt mục tiêu tăng công suất này lên 20 GW.

CHÂU ÂU SIẾT CHẶT AN NINH TẠI CÁC SVĐ TỔ CHỨC CHAMPIONS LEAGUE KHI IS ĐE DỌA TẤN CÔNG

Sau tuyên bố của Tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ngày 9/4, đe dọa sẽ tấn công khủng bố nhiều sân vận động sắp diễn ra vòng tứ kết Cúp C1 châu Âu (Champions League) trong tuần này, hàng loạt các nước liên quan đã tăng cường an ninh.

Ngày 8/4, nhánh truyền thông của IS, Al Azaim đã đăng tải lời đe dọa tấn công 4 sân vận động Emirates (Anh), Parc des Princes (Pháp), Metropolitano và Santiago Bernabeu (Tây Ban Nha), nơi sẽ diễn ra các trận đấu tứ kết của Champions League trong tuần này. Sau khi nhận được lời cảnh báo, các quốc gia bị đe dọa đều tăng cường an ninh trên các sân vận động. Tuy nhiên, không một quốc gia nào tuyên bố sẽ tạm dừng các trận đấu sắp diễn ra.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin nhấn mạnh: “Chúng tôi đã liên lạc với các đối tác. Tôi đã yêu cầu Giám đốc tình báo nội địa chia sẻ những thông tin mà chúng tôi có cho các quốc gia đồng tổ chức vòng bán kết. Tôi cũng đã làm việc với cảnh sát trưởng trong sáng nay và nhất trí sẽ tăng cường đáng kể các biện pháp an ninh”.

Về phần mình, chính quyền Tây Ban Nha hôm thứ Ba (9/4) cũng đưa ra thông báo tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh.

Người phát ngôn của chính phủ Tây Ban Nha, Pilar Alegria cho biết “hơn 2.000 đặc vụ” đã được huy động để đảm bảo an ninh toàn diện. Đồng thời, bà Alegria kêu gọi sự bình tĩnh và sự tự tin vào hệ thống an ninh nước nhà. Bộ Nội vụ Tây Ban Nha khẳng định “tất cả các hệ thống cảnh báo và bảo vệ” đều được kích hoạt và lực lượng an ninh “sẵn sàng can thiệp” mọi trường hợp.

Hiện Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đã liên hệ với tất cả các cơ quan tình báo của các quốc gia có liên quan và đề cập đến việc áp dụng một quy trình an ninh tăng cường cho các trận đấu sắp tới.

Trong một diễn biến khác, cảnh sát Italy hôm thứ Hai (8/4) đã bắt giữ một người đến từ Tajikistan bị cáo buộc là thành viên tích cực của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng sau khi người này hạ cánh xuống sân bay quốc tế ở Roma, thủ đô của Italy.

EU CẢNH BÁO THẢM HỌA HẠT NHÂN SAU CÁC VỤ TẤN CÔNG VÀO NHÀ MÁY ĐIỆN ZAPORIZHIA

EU cảnh báo các cuộc tấn công vào nhà máy điện Zaporizhia mà Nga đang kiểm soát có thể dẫn tới thảm họa hạt nhân.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã lên tiếng về các cuộc tấn công liên tiếp bằng UAV tự sát vào nhà máy điện Zaporizhia ở Energodar, vùng Zaporizhia trong những ngày qua.

Ông cảnh báo: "Cuộc tấn công liều lĩnh bằng máy bay không người lái nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân nguy hiểm. Những cuộc tấn công như vậy phải dừng lại".

Ông đồng thời nói thêm rằng "Nga nên rút khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia".

Quân đội Nga đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, từ những ngày đầu cuộc xung đột ở Ukraine.

Nga đã nhiều lần cáo buộc Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo, tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào Zaporizhia, cũng như liên tục cử các lực lượng đặc nhiệm đến để tìm cách kiểm soát cơ sở này.

Nhà máy Zaporizhia đã nhiều lần mất điện và được đặt trong trạng thái không hoạt động để giảm thiểu khả năng xảy ra thảm họa.

Trong khi đó, phía Ukraine tuyên bố không liên quan đến bất kỳ cuộc tấn công nào vào nhà máy điện Zaporizhia, đồng thời cáo buộc Nga thực hiện các cuộc tấn công này.

Cảnh báo của ông Borrell tương tự như bình luận của Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi.

"Đây là sự leo thang đáng kể các mối nguy hiểm về an toàn và an ninh hạt nhân mà nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia đang phải đối mặt. Những cuộc tấn công liều lĩnh như vậy làm gia tăng đáng kể nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân quy mô lớn và phải chấm dứt ngay lập tức", ông Grossi cho biết.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào cơ sở hạt nhân là một "hành động khiêu khích nguy hiểm" có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực nghiêm trọng.

Trong khi đó, Mỹ cho rằng Nga đang chơi một trò chơi rất nguy hiểm với việc kiểm soát quân sự nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia.

Mỹ kêu gọi Nga rút nhân viên quân sự và dân sự khỏi nhà máy, trao lại toàn quyền kiểm soát nhà máy cho cơ quan có thẩm quyền của Ukraine và kiềm chế thực hiện bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến sự cố hạt nhân tại nhà máy.

SLOVAKIA SẼ ĐÁNH THUẾ NƯỚC NGỌT VÀ THUỐC LÁ

Chính phủ Slovakia sẽ đánh thuế nước ngọt và tăng thuế các sản phẩm liên quan đến thuốc lá.

Đây là một phần trong kế hoạch củng cố ngân sách trong năm 2025, trị giá 1,4 tỷ euro (1,52 tỷ USD) trong thông báo được Thủ tướng Robert Fico đưa ra ngày 8/4.

Quốc gia Trung Âu này đang đối mặt với thâm hụt ngân sách lớn nhất khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone), dự báo lên tới hơn 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024, trong bối cảnh chi tiêu tăng, một phần do giá năng lượng và lương hưu cao hơn. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tài chính Ladislav Kamencky cho biết thâm hụt sẽ giảm xuống dưới 3% GDP - mức trần theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), thông qua biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu 1% GDP vào năm 2025, cao hơn kế hoạch 0,5%/năm đưa ra trước đó. Việc áp thuế đối với nước ngọt và tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá sẽ nằm trong kế hoạch này.

Bên cạnh đó, ông Fico cho biết liên minh cầm quyền sẽ thảo luận vấn đề cắt giảm việc làm trong lĩnh vực công, song nêu rõ sẽ phản đối việc tăng thuế giá trị gia tăng.

Slovakia hiện cũng đang phải đối mặt với áp lực giảm nợ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nợ chính phủ sẽ chiếm 59,3% GDP trong năm 2024, cao hơn so với mức ước tính 57,9% của năm 2023, trước khi vượt mốc 60% trong những năm sau đó. Đầu tháng 12/2023, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch đã hạ 1 mức xếp hạng nợ của Slovakia xuống còn A-, với lý do tài chính công xấu đi và chưa có biện pháp khắc phục rõ ràng.

Nguồn: Người Đưa Tin; CAND; VOV; Dân Trí; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang