EU: Greta Thunberg bị bắt; Pháp 'ngược dòng' trước Nga; Phép thử với Donald Tusk; Ngành xe lửa Anh lâm nguy; Anh dọa rút khỏi ECHR

GRETA THUNBERG BỊ CẢNH SÁT HÀ LAN BẮT 2 LẦN TRONG 1 NGÀY

Nhà hoạt động Greta Thunberg bị cảnh sát Hà Lan bắt hai lần trong một ngày do biểu tình chặn đường cao tốc để phản đối nhiên liệu hóa thạch.

Nhà hoạt động khí hậu 21 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg ngày 6/4 tham gia cùng nhóm biểu tình chặn tuyến cao tốc A12 ở The Hague, Hà Lan. Cô bị cảnh sát địa phương bắt và giam trong thời gian ngắn.

Sau khi được thả, Thunberg tiếp tục nhập hội với nhóm biểu tình chặn một tuyến đường khác dẫn vào ga tàu, khiến cô bị bắt lần hai. "Thế giới đang đối mặt khủng hoảng sống còn, chúng tôi sẽ không khoanh tay nhìn", Thunberg nói khi cảnh sát áp giải cô lên xe.

Tổ chức biểu tình Extinction Rebellion của Anh cho biết Thunberg bị giam trong vài giờ rồi được thả vào buổi tối.

Đường cao tốc A12 bị các nhà hoạt động khí hậu chặn hàng chục lần trong những tháng gần đây. Các nhóm biểu tình yêu cầu chính phủ các nước chấm dứt mọi trợ cấp thúc đẩy sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Cảnh sát Hà Lan không bình luận về hai vụ biểu tình ngày 6/4, nhưng cho biết toàn bộ 412 người tham gia chặn đường đều đã bị bắt. Khi được hỏi liệu có lo ngại về hành động của cảnh sát hay không, Thunberg đáp: "Tại sao tôi phải lo lắng?".

Greta Thunberg nổi tiếng toàn cầu từ năm 2018, sau khi bỏ học để biểu tình vì môi trường bên ngoài quốc hội Thụy Điển hàng tuần. Phòng trào của cô lan rộng khắp cả nước, thu hút hàng triệu học sinh và gây tiếng vang toàn cầu.

Năm 2019, Thunberg chỉ trích người lớn và các lãnh đạo thế giới không chịu hành động chống lại biến đổi khí hậu tại Liên Hợp Quốc. Những năm gần đây, Thunberg thường xuyên tham gia biểu tình và bị cảnh sát áp giải, tạm giam.

Hồi tháng 2, tòa London tuyên Thunberg trắng án trong vụ cô bất tuân lệnh cảnh sát rời khỏi cuộc biểu tình chặn lối vào một hội nghị dầu khí hồi năm ngoái.

MACRON & "CÚ LỘI NGƯỢC DÒNG" TRƯỚC NGA

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng chủ trương đối thoại với Nga, nhưng hiện tại ông muốn để ngỏ phương án quân sự ở Ukraine, bất chấp sự phản đối của các đồng minh NATO.

Vào tháng 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thực hiện các cuộc gọi bí mật với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz để đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh ở Paris mà ông hy vọng sẽ làm thay đổi chiến lược của phương Tây trong cuộc chiến Ukraine.

Theo các quan chức, ông Macron đã nói với từng nhà lãnh đạo rằng, các đồng minh phương Tây nên áp dụng quan điểm chiến lược mơ hồ đối với Nga và để ngỏ tất cả các phương án quân sự.

Ý tưởng này cho thấy sự thay đổi hoàn toàn lập trường mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã duy trì kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu nổ ra. Cách tiếp cận của Washington đã được điều chỉnh để tránh những hành động có thể khiêu khích Moscow và làm leo thang xung đột. Ngược lại, Tổng thống Macron muốn dừng việc áp đặt những giới hạn trong sự can dự của phương Tây, hay còn được gọi là "lằn ranh đỏ" của phương Tây, mà thay vào đó, phải duy trì lập trường khiến Điện Kremlin phải suy đoán.

Các quan chức cho biết, Tổng thống Biden đã đặt câu hỏi về sự cần thiết phải thay đổi chiến lược do lo ngại điều này có thể khiến xung đột leo thang. Thủ tướng Scholz cũng phản đối ý tưởng này, cho rằng nó có nguy cơ chia rẽ các đồng minh và biến các nước NATO trở thành một bên trong cuộc xung đột.

Khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 2, nhà lãnh đạo Pháp đã nhận thêm sự phản đối từ Thủ tướng Scholz và những người khác. Mỹ đã cử ông James O'Brien, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Á - Âu, tham gia để thúc đẩy một cách tiếp cận mới.

Tuy nhiên, khi kết thúc sự kiện, ông Macron đã khiến các đồng minh choáng váng khi phát biểu trong một cuộc họp báo rằng không nên loại trừ các phương án quân sự, thậm chí cả việc triển khai quân đội từ các nước NATO tới Ukraine.

Đây được xem là sự đổi chiều của ông Macron.

Tổng thống Pháp từng là người ủng hộ đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay từ đầu cuộc xung đột, cảnh báo rằng các đồng minh "không nên làm bẽ mặt Nga".

Tuy nhiên, trong một năm qua, ông Macron bắt đầu nới rộng giới hạn về mức độ sẵn sàng của phương Tây trong cuộc đối đầu với Nga. Ông là người sớm ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO cũng như Liên minh châu Âu (EU). Ông cũng là trung tâm của một loạt chính sách ngoại giao nhằm tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, cùng với Anh gửi tên lửa hành trình uy lực tới Kiev.

Trong khi đó, ở phía sau "hậu trường", các quan chức Pháp nhấn mạnh rằng ông Macron không tìm cách đưa quân tới Ukraine để chiến đấu. Thay vào đó, các quan chức Pháp đã đề nghị các nước NATO xem xét việc triển khai quân nhân ở đó để huấn luyện quân đội Ukraine và rà phá các bãi mìn.

Tổng thống Biden và các quan chức Mỹ khác đã nhiều lần bác bỏ việc gửi quân đội Mỹ đến Ukraine, kể cả trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang của tổng thống vào ngày 7/3.

Đối với Tổng thống Macron, cuộc chiến Ukraine đã trở thành một phép thử về khả năng tồn tại của châu Âu trong một thế giới mà các đảm bảo an ninh của Mỹ không còn chặt chẽ.

Nhà lãnh đạo Pháp từ lâu đã lo ngại rằng các nước châu Âu có nguy cơ trở thành "chư hầu" của các siêu cường như Mỹ và Trung Quốc nếu lục địa này không phát triển năng lực quân sự của riêng mình.

Giờ đây, ông Macron đang kêu gọi chú ý đến điều mà nhiều quan chức châu Âu đang băn khoăn, rằng mối quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương trong nhiều thập niên có nguy cơ rạn nứt. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Paris hôm 2/4 để hội đàm với Tổng thống Macron và sẽ tới Brussels để gặp các đồng minh NATO khác, đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh.

Với việc ông Donald Trump chắc chắn sẽ giành được đề cử của đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, các quan chức châu Âu lo ngại Mỹ đang hướng tới "chủ nghĩa biệt lập". Lục địa này đã quen với hòa bình sau Chiến tranh Lạnh cũng như các mô hình xã hội hào phóng mà họ tạo ra. Các chính phủ châu Âu hành động rất ít để chuẩn bị cho người dân ở châu lục này viễn cảnh chấp nhận hy sinh trong nền kinh tế thời chiến.

Trong những tuần gần đây, Tổng thống Macron đã bắt đầu đưa ra những tuyên bố để "lên dây cót" cho công chúng Pháp về khả năng xảy ra một cuộc đối đầu trực diện với Moscow, đồng thời cảnh báo nếu Ukraine thất thủ, một loạt các nước Trung và Đông Âu sẽ là nạn nhân tiếp theo. Vào giữa tháng 3, nhiếp ảnh gia chính thức của ông Macron đã công bố những bức ảnh đen trắng chụp nhà lãnh đạo Pháp đeo găng tay đấm bốc, đập bao đấm với bắp tay căng phồng.

"Chuyện gì đang xảy ra ở Ukraine? Một cuộc chiến mang tính sống còn đối với châu Âu và nước Pháp. Bởi vì nếu Nga thắng, cuộc sống của người Pháp sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ không còn an ninh ở châu Âu nữa", ông Macron nói trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình từ Điện Elysee.

Đồng minh chia rẽ

Mặc dù vậy, nỗ lực thúc đẩy thay đổi chiến lược của Tổng thống Macron có nguy cơ chia rẽ chính các đồng minh mà ông đang tìm cách lãnh đạo.

Mỹ, Đức và nhiều nước khác trên khắp Tây Âu đã nhanh chóng tuyên bố họ không sẵn lòng gửi quân tới Ukraine sau phát biểu của ông Macron hồi tháng 2. Những lằn ranh đỏ mà ông Macron từng tìm cách che giấu trong sự mơ hồ giờ đây đã được phơi bày hoàn toàn.

Điện Kremlin đang tận dụng sự chia rẽ của phương Tây. Một bản ghi nhớ nội bộ của Điện Kremlin được Wall Street Journal tiếp cận đã hé lộ kế hoạch để Moscow triển khai một chiến dịch tiếp cận và gây ảnh hưởng ngoại giao nhằm khoét sâu sự rạn nứt trong lập trường của ông Macron và làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng đối với Ukraine.

Bản ghi nhớ cho biết chiến dịch này nên được thiết kế để xây dựng hình ảnh Tổng thống Macron như "một nhà thám hiểm" có thể gây ra một cuộc đối đầu quân sự giữa phương Tây và Nga.

Sau khi hứng chịu làn sóng chỉ trích ban đầu, Tổng thống Macron bắt đầu nhận thấy rằng sự ủng hộ cho ý tưởng của ông về việc đưa quân tới Ukraine ngày càng tăng ở các nước châu Âu giáp Ukraine và Nga. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski hồi đầu tháng 3 cho biết ý tưởng triển khai lực lượng NATO ở Ukraine là "không phải là không tưởng".

Kestutis Budrys, cố vấn an ninh quốc gia cấp cao của tổng thống Lithuania, cho biết ông ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Macron nhằm duy trì các lựa chọn quân sự. Theo ông Budrys, bằng cách công khai lằn ranh đỏ, các đồng minh đã gửi tín hiệu chiến lược quan trọng tới Moscow. Ông nói rằng, Điện Kremlin có thể đối mặt với bất kỳ sự leo thang nào vì họ biết các đồng minh nhìn nhận cuộc xung đột như thế nào và "các nước sẵn sàng hành động hay không".

Ông Kalev Stoicescu, chủ tịch ủy ban quốc phòng của quốc hội Estonia, cho biết phương Tây đang khiêu khích Nga bằng cách thảo luận công khai về lằn ranh đỏ của nước này, đồng thời nói thêm: "Đó là một cuộc chiến tâm lý".

Khi xung đột bắt đầu nổ ra, Tổng thống Macron ban đầu tách biệt khỏi những người đồng cấp ở Đông Âu bằng cách thúc đẩy đối thoại với Tổng thống Putin. Vài tuần trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã cảnh báo Tổng thống Macron rằng ông đang "phạm sai lầm tương tự mà (Thủ tướng Anh) Chamberlain đã mắc phải" trước Thế chiến hai khi cố gắng đàm phán với nhà lãnh đạo Nga.

Ông Macron đi lại giữa Kiev và Moscow trong nỗ lực ngăn chặn xung đột. Khi Nga đưa quân tới Ukraine, ông thường xuyên gọi điện cho ông Putin để cố gắng thuyết phục nhà lãnh đạo Nga ngồi vào bàn đàm phán.

"Mỗi lần ông cố gắng đàm phán với ông ấy, ông ấy lại hành động quyết liệt hơn", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói với ông Macron trong một cuộc điện đàm sau khi ông Putin công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai của Ukraine.

"Tôi nghĩ chúng ta đã đúng khi đàm phán", ông Macron trả lời ông Johnson bằng tiếng Anh.

"Tất cả chúng ta hãy cùng nhau làm rõ: Không ai trong chúng ta sẵn sàng tới Ukraine và gửi quân đến Ukraine", ông Macron nói thêm.

Tuy nhiên, cách tiếp cận ngoại giao của ông Macron bắt đầu mờ nhạt khi xung đột ngày càng leo thang. Nga đã triển khai một chiến dịch khốc liệt ở Ukraine. Nga bị cáo buộc tấn công mạng Pháp, trong đó có một vụ tấn công vào một bệnh viện của Pháp. Tổng thống Macron và Putin ngừng nói chuyện qua điện thoại và bắt đầu chỉ trích nhau công khai.

Vào tháng 5/2023, Tổng thống Macron tới Bratislava, Slovakia, nơi ông kêu gọi phương Tây cung cấp sự đảm bảo an ninh cho Ukraine. Ông Macron, người từng nổi tiếng với tuyên bố NATO "chết não" vào năm 2019, giờ lại tuyên bố rằng "Tổng thống Putin đã khiến (liên minh) quay trở lại bằng cú sốc tồi tệ nhất".

Vào mùa xuân năm 2023, Ukraine phát động cuộc phản công, nhưng các đồng minh phương Tây vẫn lưỡng lự về việc có nên gửi cho Kiev những vũ khí mạnh hơn để tạo lợi thế cho họ hay không. Sự chậm trễ của phương Tây đã giúp Nga có thời gian xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc hơn và cuối cùng ngăn chặn được cuộc phản công của Ukraine.

Pháp tụt hậu so với Mỹ và Đức trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Theo Viện Kiel, một tổ chức nghiên cứu của Đức, Pháp đã cam kết viện trợ quân sự trị giá 635 triệu euro, tương đương khoảng 687 triệu USD, trong hai năm đầu của cuộc chiến. Con số này tương đối thấp so với 17,7 tỷ euro từ Đức và 42,2 tỷ euro từ Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức Pháp cho biết các số liệu trên không tính đến hiệu quả của vũ khí mà Pháp đã cung cấp.

Đến tháng 2 năm nay, các lực lượng Nga đã đẩy lùi một cuộc phản công của Ukraine và quay trở lại tấn công, giành được nhiều bước tiến. Pháp "nối gót" Anh và Đức trong việc ký hiệp ước an ninh song phương kéo dài hàng thập niên với Kiev, trong đó Pháp cam kết viện trợ quân sự bổ sung lên tới 3 tỷ euro. Tuy nhiên, gói viện trợ này dường như quá ít và quá muộn.

Vài ngày sau, thành trì Avdiivka ở miền Đông Ukraine thất thủ. Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng lực lượng Nga giành quyền kiểm soát một thành phố của Ukraine.

Thế khó của Tổng thống Pháp

Đối với Tổng thống Macron, việc phương Tây tập trung vào nỗ lực tránh leo thang - bằng cách công khai đặt ra lằn ranh đỏ cho việc tham gia vào cuộc chiến - đã phản tác dụng.

Tuy nhiên, chính chiến lược này đã khiến Pháp và các đồng minh của nước này bị "bao vây" về mặt chính trị, trong khi Nga vẫn hoạt động không giới hạn, đề cao kho vũ khí hạt nhân và tập kích Ukraine.

Tổng thống Macron đã gọi điện cho Tổng thống Biden và Thủ tướng Scholz để nói với họ rằng ông muốn tận dụng hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Paris để gửi thông điệp tới Tổng thống Putin. Ông Macron nói với các nhà lãnh đạo rằng các nước phương Tây không nên loại trừ các phương án quân sự ở Ukraine và ông muốn công khai cách tiếp cận mới sau hội nghị thượng đỉnh.

Thủ tướng Scholz trả lời rằng nếu Tổng thống Macron công khai, nhà lãnh đạo Đức và các nhà lãnh đạo khác sẽ buộc phải bác bỏ điều đó. Các quan chức cho biết, ông Scholz đã khuyên ông Macron không nên thực hiện động thái này vì cho rằng điều đó có thể tạo ra cảm giác mất đoàn kết giữa các đồng minh.

Mặc dù vậy, ông Macron đã nói chuyện với ông Scholz và các nhà lãnh đạo khác về sự cần thiết phải thay đổi chiến lược trong suốt nhiều tháng. Sĩ quan quân sự hàng đầu của Pháp, Thierry Burkhard, đã gửi thư cho những người đồng cấp NATO mô tả cách các đồng minh có thể hỗ trợ Ukraine bằng cách đưa quân vào nước này.

Một quan chức Pháp cho biết những ý tưởng đó bao gồm huấn luyện quân đội Ukraine, vận hành các hệ thống phòng thủ và hỗ trợ tác chiến trên mạng.

Tuy nhiên, viễn cảnh về sự xuất hiện của nhân sự phương Tây ở Ukraine - dù là dân sự hay quân sự - đều đặt ra câu hỏi nhức nhối rằng, các đồng minh nên phản ứng thế nào nếu có người thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Nga.

Theo một quan chức Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden lo ngại rằng Nga có thể nhắm mục tiêu vào bất kỳ binh sĩ Pháp nào có thể được gửi tới Ukraine. Quan chức này cho biết điều đó sẽ có nguy cơ lôi kéo Pháp và các quốc gia phương Tây khác vào cuộc xung đột.

Tuy nhiên, theo một quan chức, ông Macron đã nói với các đồng minh rằng NATO hay Mỹ không cần can dự nếu Nga nhắm vào quân đội Pháp. Trước đây, Pháp đã gặp thương vong trong các chiến dịch quân sự ở châu Phi mà không nhờ đến sự giúp đỡ của các đồng minh.

Trước khi hội nghị thượng đỉnh tháng 2 bắt đầu, Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói trên truyền hình rằng các tài liệu chuẩn bị mà ông nhận được cho hội nghị thượng đỉnh đã khiến ông lo ngại. Ông cho biết, các tài liệu này gợi ý rằng một số nước NATO và EU đang xem xét việc gửi quân tới Ukraine. "Tôi không thể nói mục đích của việc này là gì và họ nên làm gì ở đó", Thủ tướng Fico nói thêm.

Căng thẳng tăng cao khi ông Fico, Scholz, O'Brien và các nhà lãnh đạo khác đến Điện Elysee vào ngày 26/2. Tại đây, Tổng thống Macron chia sẻ suy nghĩ của ông về sự cần thiết của lập trường mơ hồ về mặt chiến lược.

Các quan chức cho biết Thủ tướng Scholz phản đối kịch liệt ý tưởng này. Lần lượt, các nhà lãnh đạo Hà Lan, Ba Lan và Hy Lạp cũng lên tiếng và bác bỏ. Thủ tướng Estonia lặp lại quan điểm của ông Macron, nói rằng các nhà lãnh đạo cần ngừng nói những gì họ không làm trong cuộc xung đột, thay vào đó tập trung vào những gì họ sẽ làm.

Ông O'Brien kêu gọi những người tham gia bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các sáng kiến mà tất cả họ đều đồng ý - bao gồm nhu cầu đẩy nhanh việc chuyển đạn dược sang Ukraine và đẩy nhanh lịch trình huấn luyện của quân đội Ukraine - thay vì tập trung vào sự khác biệt của họ, một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden tiết lộ.

Sau khi ăn tối cùng nhau, các nhà lãnh đạo quay trở lại khách sạn. Trong khi đó, ông Macron đã lên bục phát biểu trước một căn phòng đầy phóng viên, thông báo rằng các đồng minh đang tăng cường nỗ lực cung cấp đạn pháo và tên lửa tầm xa cho Kiev, đồng thời nỗ lực thiết lập hoạt động sản xuất vũ khí bên trong Ukraine.

Khi được hỏi liệu các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh đã thảo luận về khả năng gửi quân tới Ukraine hay chưa, ông Macron cho biết chưa có sự đồng thuận về vấn đề này nhưng không nên loại trừ điều gì.

Các quan chức tiết lộ rằng, khi trở lại phòng khách sạn, Thủ tướng Scholz tỏ ra nghi ngờ. Tổng thống Macron đã công khai đưa ra những ý tưởng mà ông và các nhà lãnh đạo khác đã kín đáo bác bỏ vào đầu ngày hôm đó.

Ngày hôm sau, ông Scholz đăng một bài đăng trên mạng xã hội với nội dung "sẽ không có lực lượng từ các nước châu Âu hoặc NATO được triển khai (ở Ukraine)".

Trong khi đó, Tổng thống Macron không hề bối rối. Ông tới Praha - nơi chính quyền Séc đang tập trung các loại vũ khí quan trọng cho Ukraine - và có bài phát biểu nhắc lại việc châu Âu bị chia làm hai trong Chiến tranh Lạnh. Tổng thống Macron cho biết, sự hèn nhát từng khiến một nửa châu Âu bỏ rơi nửa còn lại cho sự kiểm soát của Liên Xô.

"Chúng ta chắc chắn đang đến gần một thời điểm ở châu Âu mà chúng ta không nên hèn nhát. Chiến tranh đã trở lại mảnh đất của chúng ta", ông Macron nhấn mạnh.

Kế hoạch của Tổng thống Pháp không chỉ vấp phải sự phản đối của các đồng minh, mà còn có nguy cơ đối mặt với đòn đáp trả của Nga.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergei Naryshkin ngày 19/3 nói rằng Pháp đang chuẩn bị đưa lực lượng quân sự vào Ukraine và số lượng quân có thể lên tới 2.000 người. Gần đây nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 3/4 cho biết Pháp có thể sẽ đưa khoảng 1.500 quân nhân sẵn sàng chiến đấu tới Ukraine.

Nga nhiều lần cảnh báo nếu phương Tây đưa quân vào Ukraine, đó sẽ bị coi là một lời tuyên chiến với Nga và có thể kéo theo một cuộc xung đột hạt nhân.

Trong cuộc trao đổi đầu tiên giữa bộ trưởng quốc phòng 2 nước kể từ tháng 10/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cảnh báo người đồng cấp Pháp Sebastien Lecornu rằng việc triển khai binh sĩ Paris tới Ukraine sẽ gây ra "thảm họa đối với Pháp". Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định việc triển khai lực lượng nước ngoài sẽ là một sự leo thang lớn, dẫn đến "những hậu quả không thể khắc phục được".

Mặc dù vậy, ông Macron vẫn giữ quan điểm: "Về việc điều quân tới Ukraine, tôi đã nói rằng không có gì có thể loại trừ được. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi đang có kế hoạch triển khai lực lượng Pháp tới Ukraine trong tương lai gần. Chúng tôi đang mở một cuộc thảo luận và đang cân nhắc mọi thứ có thể làm để hỗ trợ Ukraine, trước hết là lãnh thổ Ukraine".

CHÍNH QUYỀN CỦA THỦ TƯỚNG DONALD TUSK GẶP PHÉP THỬ QUAN TRỌNG

Trong cuộc thăm dò mới nhất vừa được công bối cuối ngày 7/4 cho thấy Đảng đối lập theo chủ nghĩa dân tộc chủ nghĩa Pháp luật và Công lý (PiS) đứng đầu trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương ở Ba Lan một bước thụt lùi đối với tham vọng củng cố quyền lực của Thủ tướng Donald Tusk.

Cuộc bầu cử địa phương ở Ba Lan là phép thử quan trọng đối với chính phủ liên minh của Thủ tướng Donald Tusk trong việc củng cố quyền lực. Nếu kết quả thăm dò này được xác nhận sẽ dập tắt tham vọng của Thủ tướng Tusk trong việc dẫn dắt Đảng Liên minh Công dân (KO) giành vị trí đầu tiên trong cuộc bầu cử địa phương một cách độc lập.

Tuy nhiên, dù Đảng PiS dẫn trước KO nhưng vẫn kém xa về điểm tổng của Liên minh chính phủ hiện tại và chỉ bị mất ảnh hưởng ở một số chính quyền khu vực. Cuộc thăm dò ​​​​của Ipsos cho thấy Đảng PiS đạt 33,7%, Đảng KO theo chủ nghĩa trung dung đạt khoảng 31,9%. Các nhóm khác trong chính phủ, Đảng Con đường thứ ba và Cánh tả lần lượt đạt được 13,5% và 6,8%.

Thủ tướng Tusk lên nắm quyền sau cuộc bầu cử quốc gia vào cuối năm ngoái nhờ hứa đảo ngược tình trạng thụt lùi của nền dân chủ, tăng cường quyền đối với phụ nữ và người thiểu số, đồng thời hàn gắn mối quan hệ với các đồng minh phương Tây của Ba Lan. Mặc dù Đảng Pháp luật và Công Lý (PiS) đứng đầu trong cuộc bầu cử nhưng đã mất đa số ghế trong quốc hội và gần đây, Đảng này cùng các đồng minh đã gặp một số khó khăn, mẫu thuẫn vì đấu đá nội bộ.

Phát biểu ngay sau khi các cuộc thăm dò ý kiến ​​được công bố, Thủ tướng Tusk cho biết việc Đảng của ông không thể vươn lên dẫn đầu một phần là do lượng cử tri ủng hộ Đảng Pis đi bỏ phiếu đông đảo ở các vị trí trung tâm ở miền đông Ba Lan và vùng nông thôn. Tuy nhiên, Đảng của ông đã làm tốt ở thủ đô Warsaw, nơi thị trưởng đương nhiệm Rafal Trzaskowski, 52 tuổi, đã tái đắc cử mà không cần phải bỏ phiếu vòng hai. Giới quan sát cho biết sự thể hiện mạnh mẽ ở thủ đô đã củng cố triển vọng cho thị trưởng Rafal Trzaskowski trong việc tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm tới. Điều này cũng được coi là chìa khóa cho tham vọng của chính phủ hiện tại trong việc cải cách cơ quan tư pháp như tuyên bố của ông Tusk trước khi lên nắm quyền.

Vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ diễn ra sau hai tuần nữa ở những khu vực mà các ứng cử viên thị trưởng không giành được hơn 50% phiếu bầu.

NGÀNH CÔNG NGHIỆP XE LỬA 200 NĂM TUỔI CỦA ANH NGUY CƠ BỊ XÓA SỔ, HÀNG NGHÌN CÔNG NHÂN ĐỐI MẶT VỚI SA THẢI HÀNG LOẠT

Từng là những gã khổng lồ dưới thời Victoria, các nhà sản xuất xe lửa ở Anh hiện đang phải vật lộn để sinh tồn.

Gần hai thế kỷ sau khi tuyến đường sắt công cộng đầu tiên kết nối các mỏ than ở Durham với cảng Teesside của Stockton và mở đầu cho một cuộc cách mạng vận tải toàn cầu, ngành công nghiệp sản xuất xe lửa của Anh có nguy cơ sắp đi đến hồi kết.

Từng là một ngành sản xuất khổng lồ, sản xuất 14.000 đầu máy xe lửa cho riêng Ấn Độ trong khoảng thời gian từ 1854 đến 1947, ngành công nghiệp sản xuất xe lửa của Anh giờ đây chỉ còn hai nhà máy đang có nguy cơ sắp phải đóng cửa.

Hai công ty Alstom và Hitachi, lần lượt điều hành các nhà máy ở Derby và Newton Aycliffe, đã cảnh báo rằng việc đóng cửa là không thể tránh khỏi nếu không có việc mới để duy trì hoạt động cho đến năm 2026.

Bên cạnh tình trạng thiếu đơn hàng là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng trước mắt, mối đe dọa đối với các nhà máy đặt ra câu hỏi về việc liệu Anh có thể và nên duy trì năng lực sản xuất đường sắt quy mô lớn hay không.

Cách tiếp cận thị trường mở của Anh đã khiến nước này bị mai một khả năng sản xuất vốn từng thuộc top đầu thế giới trong các lĩnh vực từ đóng tàu đến xe tăng. Tàu hỏa hiện vẫn được coi là phương tiện đi lại chính tại Anh và là lĩnh vực du lịch được hỗ trợ bởi hàng chục tỷ USD tiền thuế của người dân.

Tại sao những khoản chi tiêu như vậy không hỗ trợ việc làm trong nước mà lại hướng tới những đoàn tàu nhập khẩu từ các nước như Pháp, Đức và Nhật Bản?

Quyết định có cứu ngành đường sắt của Anh hay không phụ thuộc vào các bộ trưởng. Các đơn đặt hàng tàu mới được chính phủ ký bảo lãnh thay mặt cho các công ty đầu máy toa xe, sau đó cung cấp tàu cho các nhà khai thác.

Tuy nhiên, những người trong ngành phàn nàn rằng hàng loạt bộ trưởng giao thông vận tải đã trì hoãn việc phê duyệt các đơn đặt hàng mới.

Darren Caplan, giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Đường sắt Anh (RIA) cho biết: “Chính phủ thực sự cần nắm bắt cơ hội này không chỉ vì lợi ích của ngành đường sắt mà còn cho hành khách và người nộp thuế”.

Litchurch Lane – nhà máy xe lửa lớn nhất và lâu đời nhất còn lại của Anh được vận hành bởi Alstom ở Derby, đã hoàn thành sản xuất toa xe cuối cùng vào tháng trước. Việc dừng hoạt động của tuyến đường sắt một ray Cairo và West Midlands Trains đã khiến 1.300 công nhân bị thiếu việc làm.

Các nhân viên đã được thông báo rằng một cuộc tham vấn về việc sa thải sẽ được nối lại sau khi bị tạm dừng vào tháng 1, khi các cuộc họp của chính phủ làm dấy lên hy vọng về các đơn đặt hàng mới. Tuy vậy, Bộ Giao thông vận tải thông báo với Alstom vào tháng trước rằng sẽ không có công việc nào được thực hiện ngay lập tức.

Khoảng 200 công nhân đã tình nguyện rời đi, nhưng toàn bộ 3.000 lao động của Litchurch Lane đang phải đối mặt với nguy cơ bị mất việc.

Cách đó khoảng 120 dặm về phía bắc, triển vọng việc làm của Hitachi ở Durham cũng ảm đạm không kém. Việc chế tạo xe lửa tại nhà máy Newton Aycliffe – có quy mô 700 công nhân, sẽ đạt đỉnh điểm vào mùa hè trước khi suy giảm, gây ảnh hưởng đến hàng trăm công việc.

Nhà máy Newton Aycliffe đã phải hứng một đòn nặng nề vào tháng trước khi Bộ Giao thông vận tải từ chối ký phê duyệt sản xuất các toa tàu tiếp theo cho Avanti sau hai năm thảo luận.

Để hiểu làm thế nào một nhà máy như Newton Aycliffe đang vật lộn, cần phải quay trở lại thời kỳ tư nhân hóa đường sắt ở Anh vào những năm 1990.

Trong thời kỳ đó, quá trình tư nhân hóa kéo theo số lượng hành khách tăng vọt với số lượng chuyến đi hàng năm tăng hơn gấp đôi trong hai thập kỷ. Điều này dẫn đến làn sóng đầu tư ồ ạt vào thế hệ tàu hỏa mới, tạo ra nhiều hoạt động kinh doanh cho các nhà máy. Bản thân các nhà sản xuất cũng được tư nhân hóa, kéo theo một làn sóng thâu tóm bởi doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ hoàng kim của ngành, quá trình đấu thầu vẫn gặp nhiều khó khăn.

Litchurch Lane lần đầu tiên phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa vào năm 2011 sau khi trao hợp đồng đóng tàu lửa Thameslink trị giá 1,6 tỷ bảng Anh cho Siemens của Đức vào năm 2011. Quyết định này khiến Litchurch thường xuyên thiếu việc làm.

Bộ Giao thông Vận tải tuyên bố rằng giao hợp đồng cho nhà sản xuất Đức mang lại giá trị đồng tiền tốt nhất cho người nộp thuế. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo công đoàn vào thời điểm đó coi động thái này là “đáng hổ thẹn”, nói rằng chính phủ đã không tính đến tầm quan trọng của việc tạo việc làm và bảo tồn cơ sở sản xuất của Anh. Hàng trăm việc làm đã bị mất tại Litchurch Lane sau quyết định này.

Ngoài ra, quy trình đấu thầu cồng kềnh đã khiến họ chao đảo và khó lên kế hoạch phù hợp cho tương lai.

Darren Caplan của Hiệp hội Công nghiệp Đường sắt Anh (RIA) cho biết đã một nghìn ngày trôi qua mà một đơn đặt hàng đầu máy xe lửa vẫn chưa thể thực hiện được bất chấp nhu cầu cấp thiết về các đoàn tàu mới trên toàn mạng lưới.

RIA cho rằng dòng đơn đặt hàng suôn sẻ có thể củng cố ngành công nghiệp tàu hòa của Anh và mang lại tăng trưởng cho khu vực.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Mark Harper nhấn mạnh rằng các đơn đặt hàng là vấn đề của các nhà khai thác và người cho thuê đầu máy toa xe. “Các bộ trưởng không trực tiếp mua tàu hỏa, chúng tôi cũng không có khả năng trực tiếp thay đổi hợp đồng. Tất cả các hợp đồng cần phải được đánh giá kỹ lưỡng để chứng minh nhu cầu kinh doanh đối với tàu hỏa và đúng quy định pháp luật”.

Một cơ quan liên chính phủ vẫn đang làm việc với Alstom và Hitachi. Trong vài năm tới, nhu cầu được dự báo đạt hai nghìn phương tiện mới, mang lại 3,6 tỷ bảng Anh cho các nhà sản xuất đường sắt.

Tuy nhiên, Alstom cho biết không có vòng đấu thầu mới nào trên thị trường. Công ty cảnh báo hậu quả của việc đóng cửa Litchurch Lane sẽ vượt ra khỏi Derby khi nhà máy đang hỗ trợ 15.000 việc làm trong chuỗi cung ứng và đóng góp 1 tỷ bảng Anh vào GDP.

Việc mất đi nhà máy Litchurch Lane của Alstom sẽ khiến Anh trở thành quốc gia duy nhất trong G7 không có năng lực thiết kế và sản xuất xe lửa.

THỦ TƯỚNG ANH LÊN KẾ HOẠCH RÚT KHỎI ECHR

Phóng viên TTXVN tại London đưa tin, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đưa ra tuyên bố về khả năng nước này rút khỏi Công ước châu Âu về Nhân quyền (ECHR) nếu như vị trí thành viên của tổ chức này cản trở kế hoạch chuyển người nhập cư bất hợp pháp đến Rwanda.

Phát biểu trên tờ The Sun trong tuần này, Thủ tướng Sunak đã làm dấy lên những đồn đoán về khả năng Anh rời ECHR khi ông tuyên bố rằng việc kiểm soát nhập cư bất hợp pháp “quan trọng” hơn tư cách thành viên của ECHR.

Đây được coi là tuyên bố mạnh mẽ nhất của ông Sunak về khả năng Anh rời ECHR nếu như các nghị sĩ cánh hữu trong Hạ viện nước này và các thành viên của Tòa án Nhân quyền châu Âu tiếp tục cản trở kế hoạch chuyển người nhập cư trái phép vào Anh đến Rwanda.

Sau tuyên bố của ông Sunak, trên tờ Telegraph, cựu Bộ trưởng Nội vụ Anh Sarah Dines cho rằng nước này sẽ không thể ngăn chặn tình trạng di cư hợp pháp “chưa từng có” cũng như không thể ngăn chặn được cuộc khủng hoảng di cư bất hợp pháp bằng thuyền qua eo biển Manche nếu không rời khỏi ECHR.

Chính phủ Anh đang đau đầu tìm cách giải quyết vấn đề người nhập cư bất hợp pháp bằng đường biển. Và theo bà Dines, mỗi ngày nước Anh phải chi 8 triệu Bảng (10,1 triệu USD) để đảm bảo nơi ăn ở cho những người vượt biên. Và trong hai năm tới, dự kiến Anh sẽ phải chi đến 6 tỷ Bảng (7,6 tỷ USD) cho số người nhập cư bất hợp pháp này nếu như họ vẫn chưa được chuyển đến Rwanda.

Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Anh dọa sẽ rút khỏi ECHR. Trước đó, trong các năm 2015 và 2016, hai Thủ tướng Anh vào thời điểm đó là ông David Cameron và bà Theresa May cũng đã từng đe dọa nước Anh sẽ rời ECHR nếu như việc ở lại “không mang lại lợi ích gì cho sự thịnh vượng của chúng ta”.

Từ năm 2018, nước Anh đã được cảnh báo về vấn đề di cư theo đường biển khi 250 người vượt qua eo biển Manche để đến nước này. Trong năm ngoái, số người di cư đến Anh theo đường này là 40.000 người và vẫn tiếp tục tăng.

Nguồn: Vnexpress; Dân Trí; VOV; CafeF; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang