Tàu xe 'nóng hầm hập' trước lễ; Hạt điều từ Campuchia tràn sang; 'Thời' của căn hộ khách sạn nội đô; BĐS KCN còn nhiều dư địa

VÉ TÀU, XE, MÁY BAY ‘NÓNG HẦM HẬP’ TRƯỚC LỄ

Vé máy bay khan hiếm, liên tục lập đỉnh kéo nhu cầu chơi lễ 30.4 - 1.5 dồn về đường bộ và đường sắt. Vé tàu, vé xe khách nhiều tuyến vừa mở bán đã "cháy vé".

Mua được vé xe cũng "toát mồ hôi"

Là "khách ruột" của nhà xe Phương Trang nhiều năm, anh Đại Trí (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã lên kế hoạch mua vé xe đi chơi lễ 30.4 - 1.5 cho gia đình từ rất sớm. Đặt vé chặng TP.HCM - Đà Lạt từ đầu tháng 4, anh Trí bất ngờ vì bình thường có thể đặt vé dễ dàng qua ứng dụng (app) của nhà xe trên điện thoại, nhưng riêng vé dịp lễ lại không bán qua app.

Liên hệ tới tổng đài, anh Trí được trả lời là vé lễ chỉ có thể đặt trước qua điện thoại, không mở bán online, tới 18.4 gọi điện lại để xác nhận "chốt giá" và được hướng dẫn thanh toán. Nghĩa là anh Trí sẽ phải xác nhận đặt chỗ trước với nhà xe dù không biết giá vé bao nhiêu. Đáng nói là anh phải thấp thỏm tự canh đến ngày hẹn thì liên hệ lại, nếu không thì "mất chỗ". Anh Trí dù hơi khó chịu nhưng vẫn canh tới đúng ngày 18.4 (trùng ngày Giỗ tổ Hùng Vương) gọi điện lại cho hãng đặt vé. Tổng đài bận liên tục, mất rất nhiều thời gian mới có nhân viên nghe máy, xác nhận thông tin của anh Trí và gửi lại mã thanh toán qua Zalo.

"Bình thường qua app phút mốt là xong, nay mất cả ngày lễ ở nhà chỉ để canh gọi điện thoại, rồi lằng nhằng đủ bước mới lấy được chỗ. Thêm nữa, nghỉ lễ 30.4 - 1.5 nhưng vé chỉ bán đến 26 - 27.4 thôi, giá vé xe 400.000 đồng/chiều, tăng 100.000 đồng so với ngày thường. Gia đình 3 người đi Đà Lạt thuê khách sạn chỉ có 990.000 đồng nhưng mất tới 1,2 triệu tiền xe. Giá vé máy bay năm nay tăng cao đẩy sức nóng sang cả xe khách, dẫn đến giá dịch vụ du lịch bất hợp lý, tốn cho vé xe nhiều hơn ăn ở", anh Trí cám cảnh.

Kém may mắn hơn anh Trí, nhiều bạn trẻ tới đầu tuần vừa rồi mới lên lịch đi Đà Lạt chơi lễ, nhưng gọi cho hầu hết các nhà xe quen thuộc từ TP.HCM đều đã báo hết chỗ từ 26.4. Đại diện hãng xe Phương Trang xác nhận nhu cầu di chuyển bằng xe khách dịp lễ 30.4 - 1.5 năm nay tăng mạnh. Nhà xe này bắt đầu mở bán vé cho khách đi lại dịp lễ cách đây khoảng 1 tháng, nhưng chỉ sau vài ngày đã kín người đặt. Một số chặng gần từ TP.HCM đến các địa điểm du lịch như Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, Cần Thơ... hiện đã bán hết chỗ các ngày từ 27 - 30.4. Doanh nghiệp (DN) này cũng đang lên kế hoạch điều động xe từ tuyến ít khách qua chặng nhiều để phục vụ nhu cầu đi lại dịp lễ; tăng cường khoảng 50 - 70 xe giường nằm vào các ngày cao điểm. Riêng nhu cầu về quê chơi ở khu vực miền Tây tăng cao nên công ty cũng đã lên kế hoạch tăng tần suất quay đầu, thậm chí chạy xe rỗng về TP.HCM để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.

Theo thông tin từ Bến xe Miền Đông mới (TP.Thủ Đức, TP.HCM), các DN hoạt động ở bến dự định cung ứng gần 40.000 vé giường nằm trong dịp lễ 30.4 - 1.5 năm nay. Trong đó, khoảng 50% dành cho các chặng có nhu cầu lớn từ TP.HCM đi Đà Lạt, Nha Trang, Mũi Né, Phan Thiết, Tuy Hòa, Quảng Ngãi... Tính đến 24.4, phần lớn vé các ngày cao điểm lễ đã bán hết, chủ yếu là ghế giường nằm. Trong khi đó, vé xe ghế ngồi vẫn còn rất nhiều, được kiểm soát chặt về giá nên hành khách vẫn có thể yên tâm đặt mua. Tương tự, tại Bến xe Miền Tây, các nhà xe cho biết xe khách về các tỉnh miền Tây các ngày lễ hầu hết đều còn trống ghế. Một vài tỉnh thành có lượng khách tăng cao như Cần Thơ, An Giang...

Cũng như mọi mùa cao điểm, các nhà xe đều đã gửi thông tin lên Sở GTVT TP.HCM, kê khai tăng giá vé không quá 40% trong dịp lễ này.

Có vé tàu, lại lo "delay"

Bên cạnh xe khách, nhiều gia đình và các "tín đồ du lịch" cũng chuyển hướng mua vé tàu hỏa làm phương tiện di chuyển dịp lễ 30.4 - 1.5 thay cho hàng không. Song nhiều chặng "hot" đã gần kín chỗ, giá vé tàu dịp lễ cũng tăng nhẹ.

Tìm mua trên mạng vé tàu chặng Sài Gòn - Huế tối 26.4 từ tuần đầu tiên của tháng 4, chị Thu An (Q.7, TP.HCM) loay hoay mãi vì chỉ còn 2 chuyến nhưng khoang nào cũng kín chỗ. Thỉnh thoảng, chị An thấy hiện khoang trống nhưng khi bấm vào thì ghế lại để ưu tiên bán chặng xa hoặc chỉ còn 1 giường nằm trong cả khoang, không thích hợp cho chuyến đi cặp đôi hoặc gia đình. Giá vé tàu từ TP.HCM đi Huế cũng gần 1,5 triệu đồng, chỉ rẻ hơn vé máy bay vài trăm ngàn đồng, trong khi thời gian di chuyển gấp 10 lần.

Trên trang bán vé của Tổng công ty Đường sắt VN (VNR), tàu xuất phát từ ga Hà Nội đi các tỉnh phía nam từ 26 - 27.4 như SE1, SE5, SE11, SE19, QB1 đều hết chỗ. Chiều về từ 30.4 - 1.5, các tàu SE20, SE2, SE6, SE12, QB2 hầu như hết vé. Hiện vé chỉ còn chỗ các đoàn tàu chạy cung đường ngắn giữa Hà Nội - Vinh, Hải Phòng, Thanh Hóa. Trước đó, Công ty vận tải đường sắt Hà Nội đã tăng cường 60.000 vé gồm cả tàu tăng cường và tàu chạy thường ngày. Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn cũng đưa ra số vé tương đương. So với dịp nghỉ lễ 30.4 năm ngoái, lượng vé giảm một chút, nhưng tốc độ bán nhanh hơn. Theo lý giải, do giá vé máy bay cao nên hành khách có xu hướng chuyển sang đi tàu hỏa nhiều hơn, các chuyến tàu thường xuyên kín chỗ.

Do giá nhiên liệu tăng 6% so với cùng kỳ năm trước nên DN tăng giá vé 2 - 6% với tàu Bắc - Nam như SE1, SE2, SE5, SE6 và tàu SE19/20 tuyến Hà Nội - Đà Nẵng. Giá vé giường nằm Hà Nội - TP.HCM với khoang 6 giường là từ 1,3 đến gần 1,7 triệu đồng, khoang 4 giường từ 1,5 triệu đến cao nhất khoảng 2,7 triệu đồng mỗi lượt.

"Tôi không nghĩ vé tàu năm nay cũng "hot" như vậy. Vì chưa đi nên chưa thể so sánh, nhưng nếu đứng trên mặt bằng chung, với giá vé như vậy thì chắc chỉ những người thật sự muốn trải nghiệm, thay đổi không khí, coi đây là hành trình du lịch mới thì mới chuyển từ máy bay sang đi tàu hỏa", chị Thu An nhận xét.

Đúng là hành trình trải nghiệm, bởi "đích đến" cuối cùng dịp lễ này của chị Thu An là Hà Nội chứ không phải Huế. Theo lịch, đoàn tàu SE2 mà chị chọn mua vé sẽ tới ga Huế lúc 16 giờ 30. Sau đó, chị sẽ di chuyển tới sân bay Phú Bài để lên chuyến bay lúc 19 giờ 45 về Hà Nội. Tuy nhiên, mấy ngày vừa qua, một số người thân, bạn bè di chuyển bằng đường sắt liên tục than tàu trễ chuyến, có chuyến trễ tới 2 giờ, khiến chị rất lo lắng. "Cứ đinh ninh đi tàu chắc chắn đúng giờ, canh bở hơi tai mua được vé rồi thì yên tâm chờ ngày đi thôi. Ai dè chuyển từ máy bay sang tàu hỏa mà cũng gặp "delay" nữa thì chết, lỡ hết kế hoạch. Hơn 20 năm rồi mới đi lại tàu hỏa mà hồi hộp quá", chị Thu An chia sẻ.

Đại diện Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn lý giải, những ngày qua, sự cố sạt lở hầm Bãi Gió đã ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động của ngành đường sắt. Các đoàn tàu khách chạy qua đoạn Khánh Hòa sẽ phải chuyển tải bằng ô tô từ ga Giã tới khu vực ga Tuy Hòa. Tuy nhiên, sau gần 10 ngày nỗ lực thi công, từ ngày 21.4, hầm Bãi Gió đã chính thức thông tuyến, và tuyến đường sắt Bắc - Nam không còn bị tê liệt, chia cắt. Các đoàn tàu hiện đã di chuyển trở lại bình thường, đúng giờ, đảm bảo phục vụ hành khách dịp cao điểm lễ.

Vé máy bay đắt đỏ, lượng khách qua sân bay Tân Sơn Nhất giảm

Trong khi đường bộ và đường sắt đang "nóng" lên từng ngày, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất lại dự báo lượng khách có thể giảm tới hàng trăm ngàn khách. Trong thông báo kế hoạch điều hành, khai thác dịp lễ 30.4 - 1.5 năm nay, Cảng Tân Sơn Nhất dự kiến phục vụ 4.280 chuyến bay với tổng số 688.718 hành khách từ 26.4 - 1.5. So với cùng kỳ 2023, số chuyến bay giảm 186 chuyến, kéo theo lượng hành khách giảm tới gần 70.000. Nếu ngày cao điểm nhất dịp lễ năm ngoái, sân bay nhộn nhịp nhất cả nước phục vụ tới 810 chuyến bay thì năm nay giảm chỉ còn 740 chuyến.

Đáng chú ý, nếu như số chuyến bay quốc tế dịp lễ 30.4 năm nay khởi sắc tăng 222 chuyến (từ 1.380 chuyến bay năm 2023 lên 1.602 chuyến) thì chuyến bay nội địa lại sụt giảm mạnh, từ 3.080 chuyến bay giảm còn 2.678 chuyến. Tương ứng với lượng khách quốc tế và quốc nội đảo chiều lần lượt: quốc tế tăng 27.127 khách, nội địa giảm 96.319 khách. Có thể thấy rõ, mùa lễ 30.4 - 1.5 năm nay, thị trường hàng không quốc nội ảm đạm là tác nhân chính kéo giảm sức nóng tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Trước đó, các hãng hàng không VN dự kiến cung ứng khoảng 900.000 ghế trên các đường bay nội địa giai đoạn cao điểm nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay. Trong đó các đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đi đến các địa phương là 657.000 ghế, tương đương 3.400 chuyến bay, tăng tương ứng 4,2% về ghế cung ứng và 5,5% về số lượng chuyến bay so với cùng kỳ 2023. Mặt khác, đội máy bay khai thác dự kiến của các hãng hàng không VN trong giai đoạn này là 165 - 170 máy bay, giảm 40 - 45 máy bay so với cùng kỳ năm 2023.

Ứng phó với tình trạng thiếu máy bay, Cục Hàng không VN đã chỉ đạo tăng slot tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; hỗ trợ các hãng hàng không điều chỉnh slot tại các sân bay, tối ưu hóa lịch khai thác, tăng giờ khai thác đội máy bay, giảm thời gian quay đầu máy bay… Đồng thời, các hãng liên tục tìm kiếm, thuê thêm máy bay, đưa máy bay thân rộng vào khai thác nội địa, kéo dài thời gian khai thác đội máy bay…

Đơn cử, Vietnam Airlines tăng thời gian hoạt động mỗi máy bay mỗi ngày từ 10 tiếng lên khoảng 11 - 12 tiếng; Vietjet Air tăng từ 12 - 13 tiếng lên khoảng 13 - 14 tiếng. Đặc biệt, các hãng tăng cường khai thác vào các khung giờ tối và ban đêm để bổ sung tải cung ứng. Vietnam Airlines khai thác và mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay khai thác vào khung giờ muộn từ sau 21 giờ hằng ngày. Tuy nhiên, gần như chỉ chặng bay Hà Nội - TP.HCM vé được hạ nhiệt xuống mức giá tương đối dễ thở, các chặng bay du lịch khác vẫn giữ mức giá vé "trên trời".

Đơn cử, vé chặng Hà Nội - Phú Quốc đi ngày 27.4 chỉ còn vài chuyến bay với mức giá thấp nhất 6,7 triệu đồng/khứ hồi; có chuyến bay hạng thương gia hơn 13 triệu đồng/chiều. Chặng Hà Nội đi Nha Trang, nếu đi chuyến tờ mờ sáng 27.4 cộng cả chuyến về rẻ nhất của Vietjet Air là hơn 5,2 triệu đồng; với Bamboo Airways là 6,7 triệu đồng/khứ hồi; còn Vietnam Airlines lên tới 7,4 triệu đồng cho 1 cặp vé, hạng thương gia giá gấp đôi - gần 14,7 triệu đồng. Chỉ Đà Nẵng mới có giá vé khứ hồi khoảng 3 - 4 triệu đồng, nhưng hầu hết là các chuyến bay đêm.

Tương tự, chặng Hà Nội - Đà Lạt giá vé cũng cao kỷ lục với vé khứ hồi của Vietnam Airlines từ 7 - 8,5 triệu đồng hạng phổ thông, Vietjet Air thấp nhất

3,2 triệu đồng, có chuyến lên đến 8 triệu đồng. Chặng bay từ Hà Nội đi TP.HCM cũng chỉ còn mức giá thấp nhất khoảng 3,4 triệu đồng/vé...

Mới nhất, Cục Hàng không VN tiếp tục có văn bản gửi các hãng hàng không trong nước xem xét bổ sung ngay tải cung ứng trên các đường bay nội địa từ Hà Nội và TP.HCM đến các địa phương dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5. Cục Hàng không đề nghị các hãng báo cáo về Cục vướng mắc (nếu có) trong thời gian sớm nhất để được hướng dẫn, giải quyết khi thực hiện việc bổ sung tải cung ứng.

HẠT ĐIỀU TỪ CAMPUCHIA TRÀN SANG, THẾ MẠNH VIỆT TOP ĐẦU THẾ GIỚI QUAY TRỞ LẠI THỜI KỲ NHẬP SIÊU

Hạt điều từ Campuchia đang tràn sang Việt Nam với số lượng khủng khiến thế mạnh top đầu thế giới của Việt Nam quay trở lại thời kỳ nhập siêu.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/4, nước ta xuất khẩu 183,3 nghìn tấn hạt điều, thu về 984,6 triệu USD. Song nước ta cũng phải chi ra 1,04 tỷ USD để nhập khẩu gần 834 nghìn tấn hạt điều thô.

Điều này cũng đồng nghĩa thế mạnh Việt quay trở lại thời kỳ nhập siêu.

Hiện nước ta nhập khẩu hạt điều chủ yếu từ Campuchia, Tanzania, Bờ Biển Ngà... Đáng chú ý, hạt điều từ Campuchia đang tràn sang Việt Nam với số lượng lớn.

Thống kê trong tháng 3 vừa qua, nước ta đã nhập hơn 386 nghìn tấn hạt điều từ Campuchia, giá trị lên tới 449 triệu USD. So với tháng 3 năm ngoái, nhập khẩu hạt điều tăng mạnh 65,6% về lượng và tăng gần 40% về giá trị.

Tính chung trong quý I/2024, nước ta chi ra 593,2 triệu USD để nhập khẩu 462,4 nghìn tấn hạt điều từ Campuchia, tăng 32,6% về lượng và tăng 45,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, trong tổng kim ngạch nhập khẩu toàn ngành điều quý I/2024, lượng điều Campuchia chiếm áp đảo 69,7%, còn về giá trị chiếm 71,8%.

Thực tế, vài năm trở lại đây ngành điều nước ta phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ Campuchia. Nguyên liệu nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 12% nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tổng diện tích trồng điều của cả nước năm 2007 là 440.000ha, đến năm 2023 còn 314.000ha, giảm 8.300ha so với năm 2022. Sản lượng thu hoạch năm 2023 đạt hơn 345.000 tấn hạt điều.

Việc diện tích bị thu hẹp dần dẫn đến tình trạng ngành điều phải nhập khẩu nhiều hơn và nhập siêu xảy ra. Năm 2021, ngành điều lần đầu tiên ghi nhận nhập siêu kỷ lục sau hơn 3 thập kỷ duy trì xuất siêu.

Trong 17 năm qua, Việt Nam liên tiếp giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều chế biến. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành hàng này gặp rủi ro nhiều hơn.

Trước đây, thị trường điều nhân thế giới chủ yếu được cung cấp bởi Việt Nam và Ấn Độ, trong đó Việt Nam chiếm hơn 80%. Nhưng gần đây đã nổi lên các nguồn cung khác, nhất là từ một số nước ở châu Phi, khiến thị phần hạt điều Việt Nam trên thị trường toàn cầu giảm.

Giám đốc một doanh nghiệp chế biến điều nhân ở nước ta thừa nhận, các quốc gia tại châu Phi không chỉ xuất điều thô như trước. Họ đầu tư máy móc để đẩy mạnh chế biến điều nhân. Lợi thế ở khu vực này là có sẵn nguồn nguyên liệu, nhân công giá rẻ nên khi chế biến sản phẩm điều có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh hơn hàng Việt.

Để ngành điều phát triển bền vững, các doanh nghiệp đã đề nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp phát triển ngành trồng điều của nước ta cả về giống, kỹ thuật, quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất tập trung, gắn với công nghiệp chế biến, phát triển thương hiệu nông sản vùng miền.

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, chỉ ra nghịch lý, Việt Nam là trung tâm chế biến điều nhân nhưng lại không có vùng nguyên liệu đủ lớn phục vụ cho sản xuất. Vùng trồng điều trong nước ngày càng thu hẹp, với sản lượng khá khiêm tốn. Do đó, doanh nghiệp phải mua điều thô từ các quốc gia khác.

Lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam nhấn mạnh, trong điều kiện khó gia tăng diện tích, đề nghị giải pháp hợp tác, khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào, bao gồm cả hợp tác nghiên cứu, chuyển giao giống và kỹ thuật trồng trọt cho nước bạn. Sau đó, các doanh nghiệp sẽ nhập nguồn điều thô này về Việt Nam để chế biến.

ĐƯỢC CỞI TRÓI, CĂN HỘ KHÁCH SẠN NỘI ĐÔ “GẶP THỜI”

Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Condotel dịch chuyển từ “biển” về “phố”

Giai đoạn 2014 - 2019 từng được đánh giá là thời kỳ “hoàng kim” của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại các thành phố du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng,… Trong đó, condotel (căn hộ khách sạn) được coi là lựa chọn hàng đầu trong danh mục đầu tư bất động sản bởi lợi thế vừa được sở hữu căn hộ, biệt thự vừa thu được lợi nhuận từ việc cho thuê. Thế nhưng, kênh đầu tư này dường như đang dịch chuyển sang khu vực nội đô.

Một trong những nguyên nhân đến từ nguy cơ “khủng hoảng thừa” khu nghỉ dưỡng tại các thành phố du lịch cũng như ảnh hưởng nhiều từ yếu tố thị trường nên nguồn thu từ việc cho thuê sinh lời không được ổn định.

Điều này lý giải cho xu thế dòng tiền đầu tư chuyển hướng sang phân khúc căn hộ khách sạn (căn hộ sở hữu 50 năm với thiết kế và dịch vụ đi kèm theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao) tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM trong những năm gần đây.

Với những lợi ích cộng hưởng từ vị trí trung tâm, hệ thống tiện ích đạt chuẩn quốc tế, có thể gia hạn sử dụng khi hết hạn cùng nhu cầu khách hàng tiềm năng lớn, mô hình căn hộ khách sạn ở vị trí trung tâm tại các thành phố lớn đang được nhận định là kênh đầu tư sinh lời cao dành cho các nhà đầu tư, đặc biệt khi mà nguồn cung phân khúc này trên thị trường còn khá hạn chế.

Theo báo cáo thị trường quý 1/2024 của Batdongsan.com.vn, giá giao cho thuê căn hộ tại Hà Nội quý đầu năm nay tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá thuê căn hộ tại đa số các quận của Hà Nội như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy… tăng từ 7 – 8% so với cùng kỳ.

Nếu condotel tại các khu du lịch là điểm dừng chân ngắn ngày của du khách trong các kì nghỉ dưỡng, du lịch thì mô hình căn hộ khách sạn trong nội đô hướng tới đối tượng khách lưu trú lâu dài, là cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Đi cùng sự tăng trưởng liên tục của dòng vốn FDI trong các năm qua, cộng đồng này đang gia tăng mạnh mẽ. Căn hộ khách sạn với đơn vị quản lý cho thuê chuyên nghiệp sẽ đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của người nước ngoài về tiện ích, dịch vụ. Chính sự phát triển của các nền tảng chia sẻ căn hộ như Airbnb, Booking.com… là minh chứng cho xu thế sở hữu và cho thuê các căn hộ khách sạn trong những năm gần đây.

Lợi đơn lợi kép khi nắm trúng thời cơ

Nói về cơ hội đầu tư vào các dự án căn hộ khách sạn nội đô sở hữu lâu dài, nhiều chuyên gia cho rằng đây đang là xu hướng đầu tư được nhiều người quan tâm bởi tiềm năng của thị trường này rất lớn.

Trong báo cáo ngành bất động sản nhà ở, Công ty chứng khoán Mirae Asset cũng cùng chung nhận định, thời điểm khó khăn nhất của thị trường nhà ở đã đi qua, tiến trình phục hồi diễn ra từng bước và chậm rãi. Trong đó, đô thị hóa và đầu tư công được kỳ vọng sẽ là các chất xúc tác tích cực giúp ngành bất động sản phục hồi trong dài hạn.

Bên cạnh đó, đà hồi phục của thị trường địa ốc đến từ nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân vẫn rất cao nhờ lực lượng lao động trẻ và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng.

Một trong những “điểm cộng” của căn hộ khách sạn mà nhà đầu tư cần lưu ý là Nghị định 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho hoạt động cấp sổ hồng của loại hình condotel (căn hộ khách sạn), officetel (căn hộ văn phòng kết hợp khách sạn)…

Đây được xem là bước tiến giúp cởi trói pháp lý cho hai loại bất động sản điển hình condotel và officetel - vốn là một điểm nghẽn lớn khiến các doanh nghiệp bất động sản, các địa phương và nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua.

Dù vậy, trong một báo cáo gần đây, CBRE Việt Nam cho biết, theo sau giai đoạn tăng trưởng mạnh về nguồn cung từ năm 2015 đến năm 2019 là giai đoạn thiếu hụt nguồn cung tiếp diễn. Giữa bối cảnh Hà Nội khan hiếm trầm trọng các dự án theo mô hình căn hộ khách sạn tại những vị trí trung tâm thành phố, thì những dự án xây đã hoàn thiện, minh bạch về pháp lý chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng và nhà đầu tư. Bởi vậy, cơ hội sinh lời sẽ càng cao cho các nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ.

DỰ ĐỊA BẤT ĐỘNG SẢN KHU CÔNG NGHIỆP CÒN NHIỀU

Bất động sản công nghiệp đang có những dấu hiệu tăng trưởng với việc khởi công nhiều khu công nghiệp mới và sự tham gia của nhiều chủ đầu tư mới.

Cuộc đua mới

Năm 2024, Công ty Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (mã chứng khoán: KSB) sẽ tiếp tục phát triển mạnh những mảng đầu tư vốn là thế mạnh của công ty, gồm khai thác khoáng sản và bất động sản công nghiệp. Đầu tháng 4, công ty nhận được giấy phép số 05/GP-UBND do UBND tỉnh Bình Dương cấp, cho phép công ty khai thác mỏ đá Tam Lập 3 tại huyện Phú Giáo.

Một mảng đầu tư quan trọng khác của KSB là phát triển bất động sản khu công nghiệp . Hiện KSB đang đưa vào khai thác giai đoạn 2 mở rộng của KCN Đất Cuốc tại Bình Dương. KCN Đất Cuốc có tổng diện tích 553 ha ở Bắc Tân Uyên và cách TPHCM 50 km, nằm sát đường Vành đai 4 và trục đường tạo lực, rất thuận lợi về giao thương. KSB đã lấp đầy toàn bộ diện tích của giai đoạn 1, giai đoạn 2 và hiện đang triển khai đầu tư giai đoạn 2 mở rộng.

Đáng chú ý, KSB vừa công bố hoàn tất việc mua lại KCN Hoa Lư ở xã Lộc Tấn và xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước với quy mô sử dụng đất hơn 348 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 1.700 tỷ đồng.

“Với việc mua lại Khu công nghiệp Hoa Lư cho thấy quyết tâm của KSB trong phát triển hệ sinh thái khu công nghiệp. Chúng tôi đánh giá mảng bất động sản công nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới”, vị lãnh đạo KSB nói.

Tại thị trường Long An đã hình thành Khu công nghiệp đô thị dịch vụ tích hợp Prodezi quy mô 500 ha ở huyện Bến Lức. Đây là khu công nghiệp đô thị dịch vụ tích hợp phát triển theo định hướng xanh đi cùng với mô hình này là Khu đô thị LA Home.

Dự án đa dạng loại hình nhà ở từ nhà phố liền kề, biệt thự view sông đến shophouse thương mại đáp ứng chỗ ở cho hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư, quản lý cấp cao, lao động tại Prodezi và các cụm khu công nghiệp liền kề. Chủ đầu tư kỳ vọng, mô hình này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất mà còn hỗ trợ việc giãn dân cư tại các khu trung tâm thành phố.

Tại đại hội cổ đông 2023 của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - mã chứng khoán: SCR), ông Lê Quang Vũ - Phó tổng Giám đốc Công ty CP Khu công nghiệp Thành Thành Công và ông Phạm Trung Kiên - chuyên gia kiểm toán nội bộ Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công đã được bầu vào Hội đồng quản trị để chuẩn bị tâm thế cho việc lấn sân qua mảng bất động sản khu công nghiệp .

Theo TTC Land, đối với bất động sản khu công nghiệp, SCR nhận thấy phân khúc này và hậu cần trở nên vượt trội hơn hầu hết loại tài sản khác, nhờ vào sự phát triển của ngành sản xuất và xuất khẩu, thương mại điện tử, vận tải và kho bãi kể từ năm 2018. Nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tới Việt Nam như một điểm đến mới cho việc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á và dự báo thị trường bất động sản khu công nghiệp sẽ tăng trưởng ít nhất 2 lần trong 10 năm tới.

Tỷ lệ hấp thụ nhà xưởng xây sẵn được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Nhu cầu thuê kho sẽ tiếp tục được duy trì bởi tiêu dùng trong nước, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam và sự tăng trưởng của thị trường logistics và thương mại điện tử. Bất động sản khu công nghiệp và bất động sản kho vận sẽ là sự cộng hưởng để TTC Land tiếp tục mở rộng phát triển.

Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) cũng vừa đề xuất tỉnh Ninh Thuận thực hiện đầu tư hai cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2, gần khu công nghiệp Cà Ná. Mỗi cụm đều có quy mô 50 ha, tập trung vào các ngành ít gây ảnh hưởng đến môi trường, có công nghệ cao.

Nhiều dư địa

Nhận định về xu hướng này, Tiến sĩ Phạm Anh Khôi - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính Bất động sản Dat Xanh Services cho rằng, bất động sản công nghiệp đang có những dấu hiệu tăng trưởng với việc khởi công nhiều khu công nghiệp mới và sự tham gia của nhiều chủ đầu tư mới, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn 100 ha.

Trong khi đó, CBRE Việt Nam khẳng định, trong bối cảnh thị trường địa ốc còn nhiều khó khăn, bất động sản công nghiệp năm nay vẫn sẽ là điểm sáng với nhu cầu lớn, giá thuê tăng. Trong năm 2023, bất động sản công nghiệp khu vực phía Bắc ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trên 80%, còn phía Nam khoảng 92%.

Ngoài các nhà sản xuất về điện tử, ôtô và phụ kiện, CBRE nhận thấy các khách thuê từ những ngành mới trong lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất xe điện, bán dẫn hay vật liệu xanh cũng quan tâm tới Việt Nam.Trên cơ sở đó, CBRE dự tính trong 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp có thể tăng 5 - 9% mỗi năm ở miền Bắc và 3 - 7% mỗi năm ở miền Nam. Giá thuê nhà kho, nhà xưởng xây sẵn cũng có thể tăng nhẹ, ở mức 1 - 4% mỗi năm.

Nhóm nghiên cứu của SSI Research cho rằng bất động sản công nghiệp cũng sẽ có triển vọng tích cực nhờ dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng năm nay. Tại miền Bắc, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp có thể tăng cao năm nay nhờ nhu cầu dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, chủ yếu trong ngành điện tử và bán dẫn. Còn tại phía Nam, các khu công nghiệp có thể phục hồi nhờ nhóm khách thuê là các doanh nghiệp sản xuất (dệt may, gỗ, da giầy), logistics, thực phẩm, đồ uống.

Ông John Campbell - Phó Giám đốc kiêm Trưởng Bộ phận dịch vụ công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng, việc tìm kiếm nguồn cung đất công nghiệp đang trở thành bài toán khó cho các doanh nghiệp, khi tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp luôn đạt mức cao. Tại một số tỉnh phía Nam như Bình Dương hay Đồng Nai, tỷ lệ lấp đầy luôn đạt mức trên 95%.

“Thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, đa dạng các sản phẩm như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics. Ngoài ra, dịch vụ xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật cũng là điểm thu hút các nhà đầu tư”, ông John Campbell nói.

Toàn cảnh tuyến đường gần 3.000 tỷ sắp hoàn thành, kết nối hàng loạt khu công nghiệp, khu đô thị lớn ở Hưng Yên

Nguồn: Thanh Niên; Vietnamnet; Môi trường & Đô thị; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang