Người Việt hải ngoại: Đạt chứng chỉ điều dưỡng quốc gia Nhật; Quán phở 20 năm ở Hàn; Máy đập lúa ở Angola; Dàn sao hội ngộ tại Mỹ

2 NGƯỜI XUẤT SẮC VƯỢT QUA KỲ THI CHỨNG CHỈ ĐIỀU DƯỠNG QUỐC GIA TẠI FUKUSHIMA

Trong kì thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia Nhật Bản lần thứ 113 dành cho ứng viên y tá nước ngoài dựa trên Hiệp định đối tác kinh tế EPA, Việt Nam có 22 người tham dự và chỉ có 2 người đỗ, trong đó có anh Đới Sỹ Đạt (?) 32 tuổi. Hiện anh đang làm việc tại bệnh viện Tokiwa, thành phố Iwaki, tỉnh Fukushima.

Bệnh viện Tokiwa đã tiếp nhận “Ứng viên điều dưỡng người Việt Nam EPA” từ năm 2015 dựa trên Hiệp định đối tác Kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam (EPA Nhật Bản – Việt Nam). Cho đến nay đã có tổng cộng có 16 người, bao gồm cả Đạt đã đỗ kì thi quốc gia này.

Đạt đến Nhật Bản năm 2021 sau khi làm việc tại một bệnh viện đa khoa ở Việt Nam được 2 năm. Ở lần thi thứ 3 anh đã thi đỗ. Mặc dù phải thi hoàn toàn bằng tiếng Nhật cũng như học các thuật ngữ kỹ thuật khó nhưng việc thi đỗ đã chứng minh kết quả học tập hàng ngày của anh. Đạt chia sẻ rằng bản thân đã chuẩn bị bằng cách giải luyện đề của 10 năm trước.

Hiện Đạt đang tham gia vào công việc chạy thận nhân tạo tại bệnh viện Tokiwa. Trong tương lai, anh dự định sẽ đem những kiến thức về điều dưỡng của Nhật Bản về nước và đóng góp cho quê hương mình.

QUÁN PHỞ VIỆT 20 NĂM TẠI HÀN: MỖI NGÀY BÁN HƠN 200 BÁT PHỞ, CÓ CẢ KHÁCH VƯỢT HÀNG KILOMET TỚI ĂN

Từ sáng sớm, chị Lê Thị Hoài Thu (SN 1973, quê ở Thanh Hóa) cùng chồng, con và chị gái đã tất bật chuẩn bị các loại nguyên liệu, sẵn sàng chế biến thực đơn với hơn 70 món ăn Việt Nam để phục vụ hàng trăm lượt khách mỗi ngày.

Vợ chồng chị hiện kinh doanh quán ăn tại khu vực Wongok-dong, thuộc thành phố Ansan, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Quán mở cửa được 22 năm, chuyên bán và phục vụ các món ăn Việt Nam. Trong đó, phở là món được ưa chuộng nhất tại quán, không chỉ “níu chân” người Việt xa quê mà còn hấp dẫn đông đảo du khách nước ngoài tới thưởng thức.

Chia sẻ với PV VietNamNet, chị Hoài Thu cho biết sang Hàn Quốc từ năm 1994, với tư cách là là một tu nghiệp sinh. Sau 3 năm làm việc tại đây, chị kết hôn với người chồng làm cùng công ty.

Do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tiền tệ quốc tế (IMF) năm 1997, cộng thêm công việc của chồng không suôn sẻ, chị Thu nảy ra ý định mở quán ăn Việt Nam. Chị hi vọng việc kinh doanh trong thời điểm đó vừa có thể mang lại nguồn thu nhập ổn để trang trải cuộc sống, vừa giúp bản thân vơi bớt nỗi nhớ quê hương.

“Thời điểm đó tôi có khá nhiều thời gian rảnh vì chỉ ở nhà chăm con, lại thấy người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc ngày càng đông nên nghĩ tới việc buôn bán. Nếu mở quán ăn Việt, tôi vừa có thể kiếm thêm thu nhập, vừa được thỏa sức nấu các món ăn quê nhà để phục vụ anh chị em lao động người Việt ở đây”, chị Thu nhớ lại.

Nghĩ là làm, năm 2002, chị quyết định vay mượn chị gái 20.000 USD (khoảng 300 triệu đồng lúc đó) để mở quán, đặt tên quán là “Quê Hương” với mong muốn mọi người khi tới đây sẽ cảm nhận được hương vị quê nhà.

Tại quán, chị Thu là người trực tiếp đứng bếp, đảm nhận việc chế biến và nấu nướng. Quán chuyên phục vụ các món ăn Việt Nam và đặc sản 3 miền Bắc Trung Nam như bún chả, bún đậu mắm tôm, bánh mì, bánh xèo, bánh cuốn, chả nem, gỏi cuốn, cơm rang,…

Trong đó, phở bò là món được ưa chuộng nhất, hấp dẫn cả khách Việt lẫn khách nước ngoài.

Chị cho biết, phở bò được chị nấu theo khẩu vị riêng, “nhà ăn thế nào sẽ nấu bán thế đó” và đảm bảo giữ hương vị chuẩn truyền thống nhất. Trước khi mở quán, chị học kinh nghiệm nấu phở từ bố và chị gái của mình. Thậm chí, chị còn mua nhiều sách nấu ăn về tham khảo, thực hành và dành thời gian đi ăn thử nhiều quán phở Việt khác nhau để cảm nhận hương vị.

Để làm nên món phở ngon, đậm đà hương vị Việt, tất cả các nguyên liệu nấu phở được chị Thu nhập chính ngạch, tuyển chọn kỹ càng. Vì phở tươi ở Hàn Quốc khá hiếm nên người phụ nữ Việt nhập phở khô từ Đồng Tháp sang.

Theo chị Thu, Đồng Tháp là địa phương đứng thứ 3 cả nước về diện tích và sản lượng lúa gạo, lại có nhiều loại lúa sạch trồng theo hướng hữu cơ và lúa chất lượng cao nên sản phẩm phở khô ở đây đảm bảo cho chất lượng tốt bậc nhất.

Phở khi nấu có độ dai, mềm và thơm không kém phở tươi, hợp khẩu vị của đa số thực khách.

Với thịt bò, chị đi chợ mua thịt tươi mỗi ngày, chủ yếu chọn phần thịt nạc mông vì người Hàn thường không thích ăn mỡ. “Ngay cả nước dùng cũng phải trong, hạn chế nước béo để phù hợp khẩu vị của nhiều thực khách Hàn Quốc”, chị Thu nói.

Nước dùng cho món phở được chủ quán ninh từ xương bò, hầm liên tục ít nhất trong 14 tiếng. Để đảm bảo phở chuẩn vị như ở Việt Nam, chị còn nêm nếm thêm các loại gia vị đặc trưng như hành tím, gừng, tỏi, hoa hồi,…

Chủ quán cho hay, hơn 20 năm nay, công thức nấu phở bò của chị vẫn được giữ nguyên, không có sự thay đổi. Chị cũng ưu tiên chế biến theo khẩu vị chung của người Việt Nam và may mắn được thực khách Hàn Quốc yêu thích.

Chị Lim Jung Hyun (ở thủ đô Seoul) từng đến quán ăn của chị Thu vài lần nhận xét, phở bò ở đây sử dụng bánh phở từ Việt Nam nên ngon hơn các quán sử dụng bánh phở Thái Lan.

“Mình đã từng thử phở bò ở Việt Nam và ở một vài quán ăn Việt khác tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, mình cảm nhận phở bò của quán này có hương vị giống như phở ở Việt Nam nhiều hơn. Bánh phở mềm, dai, còn nước dùng ngọt thanh, ít béo. Bây giờ, mình không cần mua vé máy bay đến Việt Nam nữa vì đã có thể thưởng thức phở bò chuẩn vị ngay gần Seoul”, Jung Hyun chia sẻ.

Không chỉ được lòng người Việt xa quê và thực khách Hàn Quốc, quán phở của chị Thu còn nhận được nhiều sự quan tâm từ giới truyền thông xứ kim chi. Đây cũng là quán ăn Việt đầu tiên ở khu vực Ansan – nơi có nhiều người nước ngoài định cư nhất, trong đó cư dân Việt Nam chiếm số lượng nhiều thứ hai.

Quán từng nhiều lần xuất hiện trên sóng truyền hình Hàn Quốc như chương trình “Chủ đề nóng” của đài MBC tháng 11/2005; chương trình “Câu chuyện ẩm thực tối thứ Tư” của đài tvN tháng 10/2015; chuyên mục "Giới thiệu con đường Đa văn hóa Ansan" của đài MBN năm 2016 hay chương trình “Chào buổi sáng” phát sóng trực tiếp trên kênh KBS năm 2018.

Chị Thu cho biết, thời gian đầu, khách đến quán chủ yếu là người lao động Việt. Sau đó, quán dần dần được nhiều người biết đến hơn, thu hút cả du khách quốc tế. Ngoài lượng khách Hàn Quốc chiếm ưu thế, quán còn đón tiếp cả du khách nước ngoài sinh sống tại đây như khách Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,…

Thậm chí, có rất nhiều người ở nơi khác xa xôi cũng không ngại đường xa, tới tận Ansan để thưởng thức phở và các món ăn Việt. Nhờ sức hút đó mà quán phở của gia đình chị Thu ngày càng đông khách.

Từ một không gian ăn uống nhỏ, chỉ sau 2 năm, quán phở Việt ở Hàn Quốc đã được mở rộng quy mô và duy trì đến tận bây giờ.

Hiện quán có tổng diện tích hơn 100m2, gồm 20 bàn, sức chứa cả trăm người cùng một lúc. Bên trong, không gian được trang trí bắt mắt, toát lên vẻ gần gũi, quen thuộc như các quán ăn bản địa ở Việt Nam.

Ngoài khu vực ăn uống trong nhà, chủ quán còn tận dụng phần vỉa hè làm nơi thưởng trà, cà phê cho khách ghé thăm.

Quán mở cửa 6/7 ngày (trừ thứ 3 hàng tuần), từ 10 giờ sáng đến 10 giờ đêm, đông khách nhất là vào buổi trưa và tối. Trung bình, quán bán hết khoảng 20kg bánh phở, phục vụ tương đương 200 suất phở bò mỗi ngày.

“Phở không chỉ là món ăn Việt giúp gia đình tôi có thu nhập, mọi người có thêm việc làm mà còn lan tỏa văn hóa ẩm thực truyền thống của quê hương tới bạn bè quốc tế. Cũng nhờ món ăn này mà quán của chúng tôi được giới truyền thông Hàn Quốc quan tâm và ngày càng được thực khách công nhận, ủng hộ và tìm đến đông đúc.

Tôi cảm thấy rất vinh dự và trân trọng điều này nên luôn nhắn nhủ gia đình và cả nhân viên phải tiếp tục cố gắng, chỉn chu từ hương vị, hình thức món phở cho đến cách phục vụ với khách hàng để phở Việt Nam không ngừng chinh phục thực khách quốc tế”, nữ chủ quán 51 tuổi bày tỏ.

CHỦ TRANG TRẠI VIỆT KHIẾN NGƯỜI ANGOLA KINH NGẠC TRƯỚC MÁY ĐẬP LÚA “MADE IN VIETNAM”

Người dân Angola sang Việt Phi farm hỗ trợ việc thu hoạch tỏ ra thích thú trước "công nghệ" đập lúa của người Việt, đơn giản mà hiệu quả cao.

Công nghệ gặt đập "made in Vietnam" được phổ cập tại châu Phi

Thành công của 10 ruộng lúa nước giống Khang Dân trên đất Angola đã khiến Linh Phillip, ông chủ Việt Phi farm tự hào. Từ những ngày đầu vừa "nín thở" gieo hạt, hồi hộp theo dõi quá trình cây lúa làm đòng rồi chín dần, mọi người trong trang trại trải qua nhiều cung bậc cảm xúc.

Trung tuần tháng 4, Việt Phi farm bắt đầu thu hoạch lúa. Bên cạnh nhóm anh em người Việt và nhóm công nhân chính người Angola của trang trại, nhiều người dân ở bản Bota lân cận cũng qua hỗ trợ thu hoạch.

Anh Linh Phillip cho biết, nhóm anh em người Việt có hỗ trợ người dân bản Bota xây nhà thờ. Phần vì muốn "đáp lễ", phần vì tò mò với việc trồng lúa nước, họ sang giúp trang trại mấy buổi. Không khí vô cùng náo nhiệt, có cả những người mẹ địu theo con nhỏ vẫn nhiệt tình tham gia.

Nhiều người cùng làm việc nên quy trình thu hoạch rất suôn sẻ, gặt đập liên hoàn: Một nhóm chuyên gặt lúa, một nhóm chuyên vận chuyển lên khu vực đập thóc, một nhóm chuyên đập và phơi thóc.

Ra ruộng xem gặt lúa, ông chủ trang trại khá hài lòng khi thấy những thửa ruộng chỉ còn trơ những gốc rạ thẳng tắp. Để anh em công nhân gặt lúa đúng cách và tận dụng được rơm, Linh Phillip thậm chí còn phải đặt mua liềm từ Việt Nam sang, thay vì dùng dao bản địa.

Còn việc đập lúa, mấy anh em đã chế các bàn đập thủ công, tương tự như ở các hợp tác xã Việt Nam thời bao cấp.

Chỉ được ghép đơn giản từ mấy tấm ván và gỗ nhỏ, nhưng "công nghệ" đập lúa này cũng khiến người Angola kinh ngạc. Dân bản cứ tấm tắc khen ngợi người Việt thông minh, chế tạo dụng cụ đơn giản mà hiệu quả.

Vụ lúa nước đầu bội thu, thử nghiệm luôn vụ mới

Ở Angola, nhiều nơi vẫn chưa có vùng canh tác lúa. Lúa nước lại càng xa lạ hơn, vì từ cách gieo trồng đến chăm sóc đều thách thức, đòi hỏi kỹ thuật cao. Thế nên, việc Việt Phi farm trồng thành công lúa nước ngay từ vụ đầu được đánh giá là kỳ tích.

"Cấy lúa năm đầu tiên thực sự là vất vả, vì làm đất khó, bùn non ở ruộng chưa có mấy. Ra được năng suất 1,5 tấn vụ đầu, với anh em chúng mình đã là thành quả đáng tự hào. Mùa mưa năm nay thế là tuyệt vời rồi", Linh Phillip xúc động nói.

Thu hoạch được khoảng 40 bao thóc, ông chủ trang trại trù tính sẽ giữ lại 6 bao để tích trữ, còn lại sẽ đi thuê xát thành gạo, chia cho hơn chục người ăn ngủ với cây lúa suốt thời gian qua.

"Tính ra mỗi người sẽ có khoảng 20 - 25 cân gạo để ăn. Mình và anh Quý lâu lắm rồi chưa được ăn gạo Việt Nam, chưa biết mùi cơm mới Việt Nam thế nào. Năm nay có gạo ăn mà không phải mua nữa rồi", anh hào hứng.

Linh Phillip cũng chia sẻ về kế hoạch mạo hiểm của mình: Trồng nối vụ vào mùa khô. Trong số thóc thu hoạch được, họ chọn ra khoảng 35kg đẹp nhất để làm thóc giống.

"Ở bên này, mùa khô là bà con tự động bỏ qua, không trồng cấy bất cứ cây gì, vì tốn tiền bơm nước, chăm sóc cũng vất vả hơn. Nhưng mình vẫn quyết định thử trồng luôn vụ lúa hè thu như ở Việt Nam.

Team châu Phi đã thử trồng nhiều rau củ trái mùa rồi và thấy vẫn làm được. Lúa thì lần này sẽ thử. Nếu không thử không bao giờ biết được sẽ thế nào, có làm được không.

Nếu thành công thì quá tốt, sẽ có hai vụ lúa như ở nhà. Còn không thành công thì đến mùa mưa năm sau, mình sẽ tính toán cho cấy sớm để kịp hai vụ lúa mùa mưa".

Nói là làm, ở Việt Phi farm, mọi người đã tất bật cày ải, làm đất cho vụ lúa mới. Với số hạt giống để dành, họ hy vọng có thể đủ để mở rộng canh tác thêm ở một vài bản lân cận, trồng tăng 300% diện tích ở trang trại Việt Phi.

Tất cả là để có thêm nhiều hơn những ruộng lúa vàng Việt Nam trên đất châu Phi, tiến đến tự cung tự cấp lương thực và có sản phẩm để kinh doanh. Đó quả là một quyết định mạo hiểm, nhưng cũng đáng để thử của anh nông dân người Việt tại Angola.

NGỌC LỄ - PHƯƠNG THẢO – CHI BẢO HỘI NGỘ Ở MỸ

Cặp sao Phương Thảo - Ngọc Lễ hội ngộ dàn nghệ sĩ hải ngoại, trong buổi tiệc ra mắt quỹ Hiểu về Trái tim do Chi Bảo tổ chức, ở Mỹ.

Chi Bảo với vai trò Chủ tịch quỹ từ thiện Hiểu về Trái tim vừa tổ chức buổi tiệc thân mật, gặp gỡ bạn bè nghệ sĩ và doanh nhân người Việt ở California, Mỹ.

Diễn viên hài Thúy Nga (bìa trái), vợ chồng Ngọc Lễ - Phương Thảo (thứ ba và thứ tư từ trái qua), ca sĩ Phương Thùy (bìa phải) và gần 50 nghệ sĩ hải ngoại đến ủng hộ sự kiện của Chi Bảo.

Cặp sao nổi tiếng từ thập niên 1990, được khán giả yêu mến qua những ca khúc như 'Xe đạp ơi', 'Ba ngọn nến lung linh', 'Xa rồi tuổi thơ'... Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, đôi vợ chồng sang Mỹ định cư. Phương Thảo - Ngọc Lễ cho biết hiện họ có cuộc sống bình lặng ở thành phố Garden Grove, bang California.

Cặp nghệ sĩ vẫn sáng tác nhạc, dạy hát cho các ca sĩ trẻ, làm huấn luyện viên một số cuộc thi âm nhạc. Họ có kênh YouTube riêng, thỉnh thoảng đăng tải MV, ca khúc mới.

Ngoài hoạt động nghệ thuật và kinh doanh, diễn viên 7X còn được biết đến với vai trò Chủ tịch quỹ từ thiện Hiểu về Trái tim. Tại sự kiện, Chi Bảo chia sẻ về các hoạt động của quỹ trong 14 năm qua như: hỗ trợ gần 3.000 em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh được phẫu thuật, giúp hơn 4.000 trẻ có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu vùng xa được bảo trợ dinh dưỡng, xây nhà tình thương cho các hộ nghèo và hỗ trợ bà con bị thiên tai, lũ lụt ở các tỉnh miền Trung, xây hệ thống lọc nước sạch cho bà con miền Tây Nam Bộ... Tại sự kiện ở Mỹ, Chi Bảo giới thiệu mạng xã hội Hiểu về Trái tim với hy vọng kết nối, tìm thêm nhiều mạnh thường quân chung tay giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, không may mắc bệnh tim bẩm sinh.

Chi Bảo tiết lộ sắp tới một ngôi trường tiểu học mang tên Hiểu về Trái tim sẽ được khánh thành ở tỉnh Đắk Nông, đón những học sinh đầu tiên dự lễ khai giảng vào tháng 9/2024.

'Chúng tôi muốn mang đến cho các em nhỏ khó khăn nhưng hiếu học một môi trường giáo dục cộng đồng hòa nhập và phát triển toàn diện. Các em sẽ được học hành và bảo trợ dinh dưỡng hoàn toàn trong suốt thời gian học', Chi Bảo nói.

Nguồn: LocoBee; Vietnamnet; CafeF; Ngôi Sao

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang