Người Việt hải ngoại: Giải bóng đá tại châu Âu; 'Hội sách Mầm' ở Nga; 5 năm sống dưới gầm cầu ở HQ; Người ở Cali gặp khó

GIẢI BÓNG ĐÁ “NHỮNG NGƯỜI BẠN” QUY TỤ NHIỀU SINH VIÊN VIỆT NAM TẠI CHÂU ÂU

Giải bóng đá "Những người bạn" (NNB 2024) thu hút sự tham gia của 16 đội bóng của thanh niên, sinh viên Việt Nam, trong đó có 15 đội đến từ Pháp và 1 đội đến từ Bỉ, khởi tranh trong 2 ngày.

Trong hai ngày 20-21/4, tại Khu thể thao phức hợp Suzanne Lenglen, thủ đô Paris, Giải bóng đá “Những người bạn” năm 2024 (NNB 2024) đã được tổ chức, thu hút đông đảo thanh niên, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc trên khắp nước Pháp và châu Âu về tham dự.

Phóng viên TTXVN tại Pháp cho biết NNB, một trong những giải bóng đá lớn nhất dành cho cộng đồng thanh niên, sinh viên người Việt tại châu Âu, năm nay đã thu hút sự tham gia của hơn 500 sinh viên trên khắp nước Pháp và châu Âu.

Mùa giải năm nay có sự tham gia của 16 đội, trong đó có 15 đội đến từ Pháp và 1 đội đến từ Bỉ, khởi tranh trong 2 ngày.

Phát biểu tại buổi lễ, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phạm Thị Kim Yến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức và duy trì hoạt động thể dục-thể thao không chỉ nhằm mục tiêu rèn luyện sức khỏe, mà còn củng cố tinh thần đoàn kết giữa các thanh niên, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp.

Bà Phạm Thị Kim Yến nhấn mạnh NNB là giải đấu được mong chờ nhất trong năm của thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Pháp.

Đại sứ quán Việt Nam luôn đồng hành với Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) để có thể tổ chức những hoạt động có ý nghĩa giúp phát triển phong trào thể dục thể thao không chỉ nhằm mục tiêu rèn luyện sức khỏe, mà còn củng cố tinh thần đoàn kết giữa các thanh niên, sinh viên Việt Nam xa quê hương.

Đặc biệt, năm nay là dịp kỷ niệm tròn 25 năm Giải NNB chính thức ra mắt, đánh dấu một chặng đường hình thành và phát triển của tinh thần thể thao cùng với nỗ lực gắn kết và đoàn kết của các bạn trẻ Việt Nam ở châu Âu nói chung và ở Pháp nói riêng.

Anh Hoàng Long, người khởi xướng và sáng lập lên Giải NNB, cho biết xuất phát từ ý tưởng tổ chức một ngày hội cho môn thể thao được nhiều người ưa thích, đồng thời là hoạt động giao lưu hấp dẫn cho sinh viên Việt Nam ở các tỉnh, thành phố tại Pháp, các bạn Việt kiều, các bạn sinh viên nước ngoài, giải bóng đá mini “Những người bạn mở rộng” đã lần đầu tiên được tổ chức ngày 2/4/2000 với sự tham gia của 6 đội. Đến nay số lượng các đội đăng ký tham gia đã tăng lên, có năm lên tới 32 đội.

Từ đó, "Những người bạn" trở thành một giải bóng đá truyền thống của thanh niên, sinh viên Việt Nam không chỉ ở Paris, mà ngày càng thu hút sự tham gia của các đội bóng từ khắp mọi miền nước Pháp và châu Âu.

Anh Nguyễn Phan Bảo Thụy, Chủ tịch Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Pháp chia sẻ, dù mới chỉ thành lập hơn 20 năm nhưng UEVF đã luôn có gắng đồng hành cùng NNB để tạo những sân chơi có ý nghĩa và thiết thực cho các bạn trẻ.

Sau 2 ngày giao tranh, đội bóng AEV Lyon đã giành cúp vô địch và giải thưởng trị giá 1.200 euro.

Ngoài ra còn có các giải thưởng giá trị khác như “Vua phá lưới”, “Găng tay vàng”, và giải “Fair play” cho đội bóng có phong cách, lối đá đẹp nhất, ghi nhận những cống hiến của các cầu thủ cho giải đấu.

Sự thành công của Giải bóng đá NNB đã góp phần gắn kết các bạn trẻ Việt Nam ở xa quê hương, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Pháp và châu Âu, hàng năm đều mong chờ và nhiệt liệt chào đón./.

TỔ CHỨC HỘI SÁCH MẦM CỔ VŨ VĂN HÓA ĐỌC CỦA SINH VIÊN TẠI NGA

Tổ chức "Vòng tay Việt - Nga" của các sinh viên Việt Nam phối hợp với Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga đã tổ chức sự kiện thường niên “Hội sách Mầm 2024”.

Nhân “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”, ngày 21/4, tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Moskva (Incentra) ở thủ đô nước Nga, tổ chức "Vòng tay Việt - Nga" của các sinh viên Việt Nam phối hợp với Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga đã tổ chức sự kiện thường niên “Hội sách Mầm 2024” nhằm tiếp tục cổ vũ văn hóa đọc, mở ra cơ hội giao lưu, trao đổi sách, gắn kết các đoàn viên thanh niên cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Nga, đồng thời nhằm xây dựng Tủ sách Thanh niên, cùng tinh thần lan tỏa nguồn tri thức cho cộng đồng người Việt Nam.

Hội sách còn nhằm góp phần gây quỹ từ thiện “Xây trường cho em” giai đoạn 2023–2024 để mang ánh sáng tri thức đến với các em nhỏ vùng cao có hoàn cảnh khó khăn.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, với tinh thần truyền bá những văn hóa tốt đẹp và thỏa mãn niềm đam mê đọc sách dành cho mọi lứa tuổi, hội sách là nơi các sinh viên và học sinh có thể giao lưu, trao đổi những tác phẩm mà mình tâm đắc nhất, từ đó tiếp thu thêm nhiều kiến thức hay và bổ ích. Bên cạnh đó, hội sách thông qua hoạt động đọc sách và nghiên cứu, còn hướng tới mục đích khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu nước của mọi công dân Việt Nam.

Cùng với nhiều hoạt động vui chơi và trải nghiệm, trong khuôn khổ hội sách đã diễn ra vòng chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh tri thức”. Nhân kỷ niệm 6 năm thành lập "Vòng tay Việt - Nga" - tổ chức thiện nguyện lớn nhất dành cho sinh viên Việt Nam tại Nga, chủ đề của hội sách năm nay mang tên “Trạm Ký ức” và người tham gia cũng được nhìn lại tất cả các hoạt động mà Vòng tay Việt Nga đã tổ chức trong hành trình 6 năm này như các chương trình “Thương 2021”, “Đêm nhạc Thanh Xuân 2022”, “Nàng 2022”, “Trung thu trọn vị 2023”, hay các hoạt động quyên góp quần áo, hiến máu nhân đạo với hàng trăm tình nguyện viên tham gia

Bạn Nguyễn Thu Trang, Chủ nhiệm Vòng tay Việt - Nga, chia sẻ, thay vì tổ chức hội sách theo phong cách thông thường, các bạn đã kết hợp với rất nhiều những hoạt động mang tính hiện đại hơn để tạo hứng thú cho các bạn trẻ tham gia, đồng thời kết hợp giữa nét hiện đại với truyền thống để lan tỏa tinh thần đọc sách. Ban tổ chức cũng đã cập nhật được nhiều đầu sách mới cho các bạn đến đọc và trải nghiệm. Ngoài ra, Vòng tay Việt - Nga cũng đang xây dựng tủ sách thanh niên gồm hơn 1.000 quyển cho Ban cán sự Đoàn và Hội sinh viên Việt Nam tại Nga.

NGƯỜI PHỤ NỮ TẠI HÀN QUỐC BỊ BẮT SAU 5 NĂM SỐNG DƯỚI GẦM CẦU ĐỂ ĐƯỢC GẦN CON

Mới đây, một phụ nữ người Việt tại Hàn Quốc đã bị bắt vì tội phá hoại máy móc và gây hỏa hoạn tại nhà kho ở văn phòng quận Dongdaemun (Seoul).

Theo Sở cảnh sát Quận Dongdaemun (Seoul) và Văn phòng công tố quận phía bắc Seoul thông tin, vào ngày 22/4, một phụ nữ người Việt Nam tên Hyeon (44 tuổi) đã bị bắt và bị truy tố với tội danh cố ý phá hoại tài sản công cộng.

Được biết, chị Hyeon đến Hàn Quốc và kết hôn với người chồng bị thiểu năng trí tuệ. Họ có với nhau một đứa con nhưng đã ly hôn vào năm 2016. Chị khai rằng mình bị mẹ chồng chửi bới, hành hung vì không giỏi tiếng Hàn cũng như không biết cách chăm sóc chồng con.

Sau khi ly hôn, cô Hyeon nhận được trợ cấp và lang thang sống khắp nơi, từ Gosiwon (một dạng phòng đơn với diện tích nhỏ, giá thuê thấp tại Hàn Quốc) đến phòng tắm hơi hay những trung tâm dành cho phụ nữ vô gia cư.

Đến năm 2019, người phụ nữ này bắt đầu sống trong căn lều dựng tạm dưới gầm cầu Jungnang cạnh con sông cùng tên. Giới chức trách quận Dongdaemun đã đề nghị hỗ trợ Hyeon về nhà ở cũng như việc học tiếng Hàn nhưng bị từ chối.

Sau đó, Hyeon do không nhận được trợ cấp sinh hoạt cơ bản vì không có địa chỉ tạm trú và không đáp ứng các điều kiện để nhận trợ cấp khác nên chỉ có thể sống nhờ tiền ăn xin từ người qua đường. Lực lượng chức năng đã nhiều lần yêu cầu Hyeon rời đi nhưng người này không chấp hành.

Ngày 26/3, Hyeon dùng búa đập phá và châm lửa đốt một chiếc máy trong nhà kho của văn phòng quận ở gần Sân vận động bóng đá Gwangyang. Sau 20 phút, đám cháy được dập tắt hoàn toàn và không có thương vong về người.

Nói về lý do, Hyeon cho biết bản thân rất tức giận vì những người dọn dẹp sông Jungnang đã dán giấy yêu cầu người phụ nữ rời lều và chụp ảnh:

"Tôi muốn sống gần con, Tôi không muốn quay lại trung tâm dành cho người vô gia cư để tiếp tục bị bắt nạt nữa." - Hyeon tức giận cho biết.

Được biết, Hyeon sẽ phải hầu tòa vào tháng sau.

NGƯỜI VIỆT TẠI CALIFORNIA GẶP KHÓ VÌ GIÁ NHÀ TĂNG CAO

Giá nhà ở tiểu bang California lên cao theo đà lạm phát, khiến nhiều người rời đi, đến tiểu bang khác hoặc thành phố nhỏ hơn.

Cũng lâu lắm rồi người Mỹ mới nhớ tới cái gọi là lạm phát.

Vào năm 2008, nước Mỹ trải qua một cơn khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cơn Đại khủng hoảng hồi đầu thế kỷ 20. Tuy vậy, lúc đấy giá cả các mặt hàng thông thường ở Mỹ vẫn ổn định, và giá nhà giảm mạnh do các vụ "kéo nhà", tức là ngân hàng lấy lại nhà từ những người vay trả góp, diễn ra khá nhiều. Tỷ lệ thất nghiệp cao, lên tới gần 10%.

Còn trong ba năm trở lại đây, nước Mỹ trải qua một thời kỳ lạ lùng mà các quan chức ở FED, cơ quan lo việc điều chỉnh tỷ lệ lãi suất của ngân hàng trung ương, cũng phải thừa nhận là họ cũng chẳng biết mình đang làm những gì. Các quan chức tài chính cấp cao nhất ở Mỹ cũng mò mẫm, cố gắng tìm đường đi cho cả nền kinh tế.

Với người dân, mọi thứ tồi tệ hơn nhiều. Thực phẩm và nhà ở là hai thứ tăng vọt ở mức độ ghê gớm. Ở các đô thị lớn thì tình trạng này còn tồi tệ hơn nhiều lần. Nước Mỹ vốn rất rộng lớn với 50 tiểu bang và hàng trăm đô thị nên người dân có chút ít lựa chọn, mặc dù không phải lựa chọn nào cũng tốt.

Người Việt ở California có câu "Cali đi dễ khó về". Giá nhà cao vùn vụt ở California là nguồn gốc của câu nói này. Nhà thuê và nhà mua đều tăng giá phi mã, tới nỗi căn nhà trung bình giờ giá gấp rưỡi giá của 5 năm trước đây. Trong khi đó số nhà cửa được xây mới tăng rất chậm, người ta lũ lượt kéo nhau đi sang tiểu bang khác, đặc biệt là Texas, nơi có khí hậu tương đối giống California và giá cả rẻ hơn một chút.

Song song đó là tình trạng vô gia cư lan tràn. Ở thành phố nơi tôi sống, ước tính có tới 3.000 người vô gia cư. Mỗi người là một cái lều dựng lên ở vỉa hè khu trung tâm (downtown). Ngày xưa, tôi có thói quen khi đi trên vỉa hè ở khu trung tâm là phải cầm theo một ít tiền mặt mệnh giá 1 USD để phát cho người vô gia cư. Nhưng dần dần người vô gia cư đông quá nên tôi cũng không thể đi được trên vỉa hè nữa.

Giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng tăng không kém so với giá nhà cửa. Ở miền nam Cali, hóa đơn thực phẩm tăng gần gấp rưỡi trong vòng hai năm qua, giá xăng cũng tăng gần chừng 10%-20%, tùy lúc, còn giá điện, nước, và gas thì cũng tăng vù vù, chóng hết cả mặt.

Người Mỹ có thói quen tiêu xài hơi mạnh tay, và họ thường xuyên chi tiền mua những thứ rất trời ơi đất hỡi. Tiền chi cho việc giải trí, trải nghiệm, khoe mẽ luôn rất nhiều, nhưng dần dần cũng phải bị cắt bớt. Điều đó được phản ánh qua một chỉ số khiến những ai quan tâm cũng mệt mỏi. Đó là việc trận đấu Super Bowl, trận chung kết bóng giải bầu dục Mỹ, đã không bán hết vé. Khán đài trống lỗ chỗ, khi mà giá vé rẻ nhất là khoảng 8.000 USD.

Các đô thị nhỏ hơn với giá rẻ hơn bây giờ trở nên rất hấp dẫn với những người trẻ tuổi. Khả năng làm việc từ xa khiến việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn. Các đô thị nhỏ ở Mỹ vẫn có đầy đủ tiện nghi và người Mỹ không điên cuồng chuyện phải "chạy" vào trường thật tốt nên họ có thể chuyển về những nơi dễ thở hơn một chút.

Vì thế cho nên dân số California mấy năm nay giảm, mặc dù dân số vô gia cư tăng lên, do những người vô gia cư ở các bang lân cận đổ về vì khí hậu ấm áp. Nhiều người Việt ở đây giờ đành giảm ăn rau muống, chuyển sang ăn bắp cải và cà rốt cho rẻ hơn. Giá trứng đã giảm xuống một phần, nhưng thịt heo thì vẫn đắt hơn trước.

>> Gửi bài viết, video, ảnh của bạn về cuộc sống người Việt ở nước ngoài tại đây.

Những người còn "trụ" được ở Cali đa phần là những người đã mua được nhà từ trước khi dịch kéo tới, lúc giá nhà và lãi suất còn thấp. Các gói vay mua nhà ở Mỹ đa phần đều là lãi suất cố định nên số tiền phải trả cho khoản vay mua nhà không thay đổi. Nhiều người vay mua nhà hồi trước bây giờ phải chi hàng tháng thấp hơn khoản chi với những người phải thuê nhà rất nhiều.

Chiến tranh ở châu Âu và Trung Đông gây ảnh hưởng đến dòng lưu chuyển hàng hóa và lạm phát cứ thế mà leo lên. Nước Mỹ cũng không là ngoại lệ.

Nguồn: VietnamPlus; Báo Tin Tức; Kenh14; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang