Người Việt hải ngoại: Giải bóng đá ở Anh; Nhận Huân chương ở Áo; Di dân lậu đông nhất vào Anh; Mở salon tóc không phép ở Nhật

GIẢI BÓNG ĐÁ SINH VIÊN VIỆT NAM TẠI VƯƠNG QUỐC ANH

Năm nay, Giải bóng đá sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh SVUK Cup 2024 có sự tham gia của 16 đội bóng đến từ hơn 50 trường đại học trên toàn nước Anh.

Giải bóng đá sinh viên Việt Nam SVUK Cup 2024 vừa diễn ra tại thành phố Birmingham, Vương quốc Anh. Sự kiện do Hội sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh tổ chức, với gần 400 người tham dự. Kết quả, đội Peaky Blinders đến từ thành phố Birmingham đã giành chức Vô địch. Cúp Á quân thuộc về Hội sinh viên thành phố Leeds, và đội London Russell nhận giải Ba chung cuộc. Đây được coi là một sân chơi thể thao lành mạnh, qua đó, góp phần gắn kết cộng đồng sinh viên Việt Nam tại đây.

Năm nay, Giải bóng đá sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh SVUK Cup 2024 có sự tham gia của 16 đội bóng đến từ hơn 50 trường đại học trên toàn nước Anh. Để chuẩn bị cho giải đấu này, Ban tổ chức với 22 thành viên Ban chấp hành và những tình nguyện viên đã chuẩn bị rất kỹ từ khâu đăng ký cho các đội bóng đến công tác an ninh.

Những bạn trẻ đến từ các Hội sinh viên không chỉ cùng chung cảm nhận này mà đối với họ, điều ý nghĩa hơn là được tham dự vào một sân chơi lành mạnh, gắn kết cộng đồng sinh viên nơi xa xứ. Giành giải Vô địch, đại diện đội Peaky Blinders đến từ Birmingham xúc động nói:“ Xin chào các bạn, mình là Mạnh Thắng, đến từ Vietsoc Birmingham. Hôm nay mình rất hạnh phúc và viên mãn vì đây có lẽ là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất trong đời tham gia giải bóng đá mang tính gắn kết và rất chuyên nghiệp tại Vương quốc Anh. Mình không biết nói gì hơn nữa…một lần nữa cảm ơn SVUK rất nhiều.”

Đội bóng đến từ FC VNS City năm nay tham dự giải là năm thứ ba. Tuy nhiên, so với những năm trước, năm nay, công tác chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp hơn là cảm nhận của các thành viên đội bóng. Đặc biệt, điều yêu thích nhất của các thành viên đội bóng là sự kiện đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ. Anh Nguyễn Hoàng Long, đại diện đội bóng của Hội sinh viên VNS City cho biết: Năm nay, mình thấy là SVUK tổ chức khác mọi năm rất nhiều. Công tác chuẩn bị, luật lệ và khâu kiểm tra an ninh, thì mình thấy công tác chuẩn bị tốt hơn mọi năm rất nhiều. Mình nghĩ rằng, giải là nơi gắn kết các bạn sinh viên. Ở bên này, để gắn kết với nhau thì khó vì cộng đồng nằm rất là xa nhau. SVUK là nơi gắn kết tất cả mọi người, quen biết nhau hơn…

Được tham gia một giải đấu lớn của sinh viên trên toàn nước Anh, nhiều bạn trẻ rất hào hứng. Nhưng điều quan trọng hơn, đó là các bạn được cùng nhau tập luyện, cùng thi đấu, giao lưu, học giỏi lẫn nhau. Tinh thần đồng đội, tinh thần tuổi trẻ thêm đoàn kết, gắn bó và qua đó, giúp cho các bạn vơi đi nỗi nhớ nhà. Bạn Nguyễn Thành Hưng, đại diện cho đội bóng Hội sinh viên thành phố Bournemouth chia sẻ: Trước khi tham gia giải đấu, mình cảm thấy vô cùng hào hứng. Khi nhận giải đấu thì mình đã nghĩ đây là cơ hội tuyệt vời để mình có thể gắn kết cộng đồng, gắn kết với những người bạn mà có thể là bình thường trong cuộc sông ít khi gặp nhau lắm hoặc có thể chưa gặp nhau bao giờ. Nhưng khi có thông tin về giải đấu, đội bóng của tỉnh mình đã gặp nhau và tập luyện với nhau một vài trận, anh em có cơ hội được chia sẻ, giao lưu, trò chuyện. Mình hay nói đùa với mọi người là đến với SVUK hay đến với bất kỳ sự kiện nào của SVUK cũng giống như đi họp hội đồng hương vậy. Cứ mỗi lần như vậy, mình lại được gặp rất nhiều người Việt. Đâu đó, cũng nguôi ngoai, bớt đi nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ quê hương.

Một sân chơi lành mạnh, mang tính cộng đồng và quan trọng hơn là qua đó, gắn kết được các bạn sinh viên, giúp họ cảm thấy có thêm động lực để học tập, vượt qua khó khăn trong cuộc sống, thêm niềm vui trong những năm tháng sống xa nhà. Sự kiện đã được tổ chức thành công nhờ công tác chuẩn bị chu đáo và sự nhiệt tình của ban tổ chức. Chị Nguyễn Tuệ Minh, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh, đại diện Ban tổ chức cho biết: “ Giải đấu SVUK Cup là một giải đấu thường niên của SVUK là một giải đấu mà các bạn thanh niên, sinh viên có thể tham gia. Là một giải đấu thể thao lành mạnh và rất được mong đợi. Vì vậy, khi mở đơn, chúng tôi nhanh chóng nhận được rất nhiều sự quan tâm và đăng ký tham gia…Chúng tôi rất vui được tổ chức một giải đấu với 16 đội bóng từ khắp các Vietsoc trên khắp vương quốc Anh. Tôi nghĩ đây là một giải đấu mang đến những khoảnh khắc bóng đá đỉnh cao và để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ cho những bạn học sinh, sinh viên Việt Nam trong quãng thời gian học tập, sinh sống tại Vương quốc Anh,đó là có thêm bạn mới và kết nối nhiều hơn với cộng đồng SVUK.”

Được tham dự một sân chơi thể thao lành mạnh, các bạn trẻ cảm nhận được hạnh phúc và sự đoàn kết trong mái nhà chung của Hội sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh. Với họ, giải thưởng cũng là cần thiết. Nhưng quan trọng và ý nghĩa hơn là các bạn trẻ được trải nghiệm khoảng thời gian vui vẻ, chia sẻ và kết nối. Đó thực sự là kỷ niệm đẹp của tuổi thanh xuân mà mỗi bạn trẻ mong muốn được lưu giữ.

NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT ĐẦU TIÊN ĐƯỢC TRAO TẶNG HUÂN CHƯƠNG VÀNG CỐNG HIẾN TẠI ÁO

Bà đã có những đóng góp trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, văn hóa giữa Việt Nam và Áo.

Vào năm 2014, Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh (sinh năm 1959) đã trở thành công dân Việt Nam đầu tiên được Tổng thống nước Cộng hòa Áo tặng thưởng Huân chương Vàng cho những đóng góp vượt bậc trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế - văn hóa giữa Việt Nam và Áo.

Theo đó, những đóng góp vượt bậc của vị nữ luật sư này được ghi nhận dựa trên thành tựu hoạt động nghề nghiệp với tư cách là luật sư của Công ty Luật TNHH MTV InvestPro, đơn vị cung cấp các dịch vụ pháp lý, tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp Áo trên hành trình tìm kiếm các cơ hội đầu tư và kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Không những là cầu nối hợp tác kinh tế với chính phủ Áo, bà Quỳnh Anh còn làm cầu nối để quảng bá về hình ảnh đất nước Việt Nam thân thiện với hành lang pháp lý, môi trường đầu tư an toàn, thông thoáng tới các doanh nghiệp Áo. Từ những việc làm này, nữ luật sư sinh năm 1959 đã góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương giữa 2 quốc gia Việt Nam - Áo.

Chia sẻ về niềm vui khi được nhận “món quà” đặc biệt từ Tổng thống nước Cộng hòa Áo, bà Quỳnh Anh nói: “Tôi làm tất cả những việc đó bằng tinh thần trách nhiệm, cùng tình yêu và đam mê cháy bỏng. Và con đường đến với tấm Huân chương Vàng cống hiến cũng giản dị, tự nhiên như thế”.

Bà Quỳnh Anh vốn xuất thân là “dân chuyên ngữ”. Sau khi tốt nghiệp khoa Anh văn - Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội vào năm 1981, bà được biên chế về công tác tại một Viện khoa học với công việc nghiên cứu, dịch thuật và viết bài đăng báo, tạp chí.

Tuy nhiên, vào năm 1990, khi anh trai là nhà nghiên cứu, cố Luật sư Nguyễn Trần Bạt thành lập Công ty Luật InvestConsult Ltd - đặt nền móng khai sinh ra ngành luật tư vấn đầu tư có yếu tố nước ngoài đầu tiên của Việt Nam, bà đã về “đầu quân” cho công ty luật của anh.

Từ bỏ công việc ổn định ở Viện nghiên cứu để ra đi “làm ngoài”, thời điểm đó nhiều người cho rằng quyết định của bà là hết sức mạo hiểm. Tuy nhiên, bằng tình yêu thương và sự ngưỡng mộ, tự hào đối với anh mình, bà vẫn vui vẻ đón nhận công việc mới.

Tám năm sau khi về làm cho công ty của anh, năm 1998, bà quyết định thành lập Công ty Luật TNHH MTV InvestPro mang “thương hiệu” Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, giữa thời kỳ kinh tế thế giới, đặc biệt khu vực châu Á đang chìm trong suy thoái.

Để có được thành công như ngày hôm nay, bà chia sẻ rằng: “Chìa khóa thành công nếu có thì đó là việc tôi đã nỗ lực học hỏi không ngừng, trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Với tôi, thượng tôn pháp luật là lẽ sống, là giá trị tư tưởng, giá trị đạo đức, là sự minh bạch, bình đẳng trong đời sống xã hội…”.

Nhắc đến một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong suốt hành trình hơn 30 năm làm trong nghề cung cấp dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư vấn đầu tư nước ngoài của mình, bà Quỳnh Anh nhớ đến thời điểm bà cùng các luật sư đồng nghiệp ở InvestConsult Ltd tư vấn, trợ giúp để đưa Coca-Cola vào đầu tư tại Việt Nam trong những năm 1993-1994, ngay sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam.

Hiện tại, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh cũng đang đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, phụ trách mảng tài chính và một số nhiệm vụ khác.

Bận rộn với các hoạt động nghề nghiệp, thế nhưng, nữ luật sư này vẫn sắp xếp thời gian hợp lý để theo đuổi đam mê làm các việc phụng sự xã hội như tham gia các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, tham gia công tác thiện nguyện xã hội như chung tay xây nhà văn hóa, xây trường học, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn,...

NGƯỜI VIỆT TRỞ THÀNH NHÓM DI DÂN LẬU ĐÔNG NHẤT VÀO ANH

Từ đầu năm đến nay, con số di dân lậu là người Việt đi trên các con thuyền nhỏ, mong manh vượt Eo biển Manche để vào Anh chiếm số lượng đông hơn bất cứ nhóm quốc tịch nào khác, nhiều báo Anh đưa tin trong những ngày gần đây.

The Sun, Daily Mail, The Times và The Daily Telegraph đăng bài trong các ngày từ 15-19/4 trích dẫn các nguồn thuộc Bộ Nội vụ Anh và phát biểu từ người phát ngôn của thủ tướng nói rằng người Việt đi lậu qua con đường nguy hiểm chiếm số lượng nhiều nhất, vượt qua cả các nhóm người Afghanistan – đông nhất năm 2023 – và Iraq, Iran.

Tuy nhiên, các báo Anh viết rằng các nguồn tin tại Bộ Nội vụ không đưa ra con số cụ thể và rằng phải đến tháng 5 bộ mới công bố thông tin.

Theo The Sun, Daily Mail, The Times và The Daily Telegraph, con số di dân Việt đi lậu vào Anh là 505 người hồi năm 2022 nhưng đã tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái thành 1.323 người và tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm nay.

Còn trong 5 năm từ 2018 đến hết năm 2023, dữ liệu của chính phủ Anh cho thấy 3.356 người Việt đến Anh bằng thuyền nhỏ, đưa Việt Nam vào top 10 nước dẫn đầu các quốc gia có di dân bất hợp pháp vào Anh bằng phương thức nguy hiểm này.

Trong tuần lễ tính đến ngày 19/4, tờ The Sun và The Times nói rằng phần lớn những di dân lậu người Việt là phụ nữ, trái ngược với xu thế của các nhóm quốc tịch khác có tới 3/4 là nam giới.

The Times viết rằng số di dân lậu người Việt tăng vọt được cho là có liên quan đến việc Việt Nam và Hungary ký kết hiệp định mới về visa, giúp người Việt nhập cảnh dễ dàng hơn vào Hungary, nước thành viên của Vùng Schengen vốn cho phép các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) được qua lại nhau một cách tự do.

Những di dân Việt đi lậu theo sự điều hành của các băng nhóm tội phạm và họ thường làm việc trong các quán chăm sóc móng tay chân, tức làm nghề nail, hay trong các trại trồng cần sa hoặc hành nghề mại dâm, The Sun và Daily Mail cho hay.

Họ bị các nhóm tội phạm bóc lột và phải làm việc như nô lệ để trả dần các món nợ mà họ đã vay để trang trải cho hành trình vượt biên từ Việt Nam qua các nước Đông Âu như Ba Lan hay Hungary để đến Anh.

Việt Nam có bãi biển tuyệt vời và phong cảnh đẹp, kinh tế tăng trưởng tới 6%, với nhiều nhà máy của các hãng lớn trên thế giới và được cho là sẽ trở thành một con hổ về kinh tế…, nhưng vẫn có nhiều người chưa thoát cảnh nghèo đói và bị những kẻ buôn người dụ dỗ, lừa phỉnh, do đó liên tục có nhiều người bất chấp hiểm nguy, kể cả nguy cơ mất mạng, vẫn đi lậu sang Anh, các báo của nước này viết.

The Sun và Daily Mail phỏng vấn những người nắm vấn đề, trong đó có ông Dan Barcroft thuộc Cục Tội phạm Quốc gia Anh và bà Mimi Vũ, chuyên gia về chống buôn người và nô lệ hiện đại ở Việt Nam, và họ xác nhận rằng phần lớn những người đó ra đi là vì lý do kinh tế.

Bà Mimi Vũ nói với The Sun và Daily Mail rằng những tay môi giới ở địa phương bên Việt Nam thu phí cho hành trình vượt biên có khi lên tới 43.000 Bảng Anh/người (hơn 53.000 đô la Mỹ, hay hơn 1,3 tỷ đồng), trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam là khoảng hơn 94 triệu đồng/năm.

Nhìn chung, các di dân lậu không có sẵn số tiền nêu trên nên họ phải vay nặng lãi và trở thành nạn nhân bị bóc lột, các báo Anh viết, dẫn lời các chuyên gia.

Hồi năm 2019, đã xảy ra thảm kịch trong đó 39 người Việt đi lậu bị thiệt mạng trong một thùng xe tải đông lạnh ở Essex, Anh, nhưng sự kiện đau lòng này không hề làm giảm làn sóng vượt biên trái phép.

Hôm 17/4, như VOA đã đưa tin, Anh và Việt Nam ký thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp và ngăn chặn người Việt mạo hiểm tính mạng khi vượt Eo biển Manche để vào Anh.

Một thứ trưởng Bộ Nội vụ Anh chuyên trách phòng chống di cư bất hợp pháp nói trong một thông cáo của bộ rằng “Thỏa thuận này là một bước quan trọng với một đối tác có giá trị nhằm đảm bảo chúng tôi nỗ lực hết mình để chấm dứt sự bóc lột của các băng nhóm buôn người và cứu mạng [các nạn nhân]”.

HÀNH NGHỀ CẮT TÓC KHÔNG PHÉP, 2 NGƯỜI BỊ BẮT TẠI FUKUOKA

Theo Yahoo đưa tin, 2 người đàn ông Việt Nam đã bị bắt vì hành nghề cắt tóc, uốn tóc và các dịch vụ làm đẹp khác mà không có giấy phép.

Các nghi phạm bị bắt vì tình nghi vi phạm Luật hành nghề tóc là Nguyễn Hữu Công (?) – 26 tuổi là chủ một Salon tóc ở Kenkasu, Hakata, thành phố Fukuoka và Nguyễn Văn Tịnh (?) nhân viên của quán. Cả 2 đều mang quốc tịch Việt Nam. Theo cảnh sát, ngày 21/9 năm 2023, 2 người đàn ông này từng bị tình nghi thực hiện các dịch vụ làm đẹp như cắt, uốn tóc cho khách hàng nữ (khoảng 20 tuổi) mang quốc tịch Việt Nam dù không có giấy phép hành nghề làm tóc.

Vụ việc được phát hiện vào cuối tháng 8 năm 2023 sau khi cảnh sát nhận được thông tin và tiến hành điều tra. Salon của họ được mở vào tháng 8 năm ngoái, và đã sử dụng mạng xã hội để thu hút khách hàng, thực hiện các dịch vụ làm đẹp như tính phí cắt tóc nam với giá 1.500 yên và nhuộm tóc cho nữ với giá khoảng 20.000 yên. Khi thẩm vấn, nghi phạm Nguyễn Hữu Công phủ nhận cáo buộc, anh nói: “Tôi không biết”, còn Nguyễn Văn Tịnh thì nói rằng: “Tôi chưa bao giờ làm tại salon tóc ở Nhật Bản”.

Nguồn: VTV4; Người Quan Sát; VOA; LocoBee

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang