EU: Siết chặt an ninh; Chia rẽ luật bảo vệ thiên nhiên; Điều tra 3 công ty Mỹ; Cởi vòng này để thắt vòng khác; Ba Lan tố cáo Nga

NHIỀU NƯỚC SIẾT CHẶT AN NINH

Phương Tây đã phát cảnh báo an ninh sau vụ tấn công khiến 137 người thiệt mạng tại Nga do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhận trách nhiệm.

Pháp, Mỹ cảnh giác

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal hôm qua thông báo đã nâng mức cảnh báo an ninh tại Pháp lên cấp cao nhất vì nguy cơ tấn công sau vụ khủng bố hôm 22.3 tại Moscow. Quyết định được đưa ra sau cuộc họp giữa Tổng thống Emmanuel Macron và các quan chức an ninh - quốc phòng, cho phép kích hoạt các biện pháp an ninh đặc biệt như triển khai binh sĩ tuần tra nơi công cộng, theo AFP. Nước Pháp, nơi từng hứng chịu những vụ tấn công khủng bố đẫm máu trong khoảng 10 năm qua, đang trong tình trạng cảnh giác cao độ khi sắp tổ chức Thế vận hội từ ngày 26.7 - 11.8.

Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa Mỹ cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc trước nguy cơ bị lực lượng cực đoan tấn công.

"Cuộc tấn công kế tiếp có thể nhắm vào một đại sứ quán Mỹ tại châu Á hoặc châu Âu, hoặc nhắm vào các sinh viên đến châu Âu trong một chuyến ngoại khóa mùa xuân", thượng nghị sĩ Tom Cotton nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.

Ông Cotton, thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, không đưa ra bằng chứng nào nhưng cho biết rất lo lắng về khả năng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sẽ tấn công người Mỹ. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, phó chủ tịch ủy ban nói trên, cảnh báo rằng lãnh thổ Mỹ giờ cũng đối diện nguy cơ, đặc biệt là thông qua các hoạt động buôn lậu ở biên giới với Mexico. "Chúng đã tấn công Iran cách đây không quá lâu, giờ là vụ tại Nga và chúng sẽ làm điều đó tại nước ta. Nếu chúng muốn làm điều đã làm ở Moscow tại Mỹ, chúng sẽ làm trong tích tắc", ông Rubio cảnh báo.

Những báo cáo gần đây của các cơ quan an ninh Mỹ cũng cho thấy mối đe dọa thật sự từ các thành phần cực đoan. Báo cáo Đánh giá mối đe dọa nội địa năm 2024 của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho thấy có gần 160 người nước ngoài trong danh sách theo dõi khủng bố tìm cách đi vào Mỹ thông qua biên giới phía nam nước này trong năm 2023, nhiều hơn khoảng 100 vụ trong năm 2022.

Moscow nghi ngờ tuyên bố của IS

IS đã nhận trách nhiệm vụ tấn công tại Moscow, khiến 137 người thiệt mạng và 182 người bị thương. Tuy nhiên, giới chức Nga đến nay vẫn chưa công khai xác nhận tuyên bố của IS. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bài phát biểu đầu tiên sau vụ tấn công đã lái chủ đề sang Ukraine khi nói rằng có ai đó ở phía Ukraine đã mở sẵn lối thoát ở biên giới để các tay súng bỏ chạy. Giới lãnh đạo Ukraine bác bỏ mọi cáo buộc liên quan trong khi Mỹ tuyên bố IS là bên duy nhất chịu trách nhiệm cho sự kiện tại Moscow.

Hãng TASS hôm qua trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Washington cố gắng bảo lãnh cho Kyiv sau vụ tấn công tại Moscow bằng cách nhắc đến IS. "Nhà Trắng hãy chú ý câu hỏi này: Liệu quý vị có chắc đó là IS? Liệu quý vị có đổi ý hay không?", bà Zakharova viết trong bài báo đăng trên tờ Komsomolskaya Pravda.

Nga đã bắt 11 người tình nghi trong vụ tấn công, trong đó có 4 đối tượng được cho là các tay súng gồm Dalerdzhon Mirzoyev (32 tuổi), Saidakrami Rachabalizoda (30 tuổi), Shamsidin Fariduni (25 tuổi) và Muhammadsobir Fayzov (19 tuổi). Hình ảnh từ phiên tòa cho thấy cả 4 bị cáo đều có thương tích, trong đó người cuối cùng được đẩy vào phòng chờ bằng xe lăn. Cả 4 người này được truyền thông Nga xác định là công dân Tajikistan và đã bị tòa án tại Moscow buộc tội tấn công khủng bố với hình phạt cao nhất là tù chung thân. Truyền thông Nga đưa tin ít nhất 3 nghi phạm đã nhận tội và toàn bộ sẽ bị tạm giam ít nhất 2 tháng để chờ điều tra thêm trước khi xét xử.

EU KHÔNG ĐẠT THỎA THUẬN VỀ VIỆC THÔNG QUA LUẬT VỀ PHỤC HỒI THIÊN NHIÊN

27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) không thể đạt được thỏa thuận về việc thông qua một văn bản pháp luật có tầm quan trọng đối với hệ sinh thái của lục địa, đó là Luật về phục hồi thiên nhiên.

Tại cuộc họp Bộ trưởng Môi trường châu Âu hôm 25/3 ở Brussels, các quốc gia đã không thống nhất để đi đến phê chuẩn văn bản pháp luật này, do vấp phải sự phản đối của Hungary.

Văn bản này đã được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua vào tháng 2 sau các cuộc đàm phán kéo dài, nhưng hiện nay đang bế tắc.

Bộ trưởng Môi trường Hungary, Aniko Raisz đánh giá ngành nông nghiệp là một ngành rất quan trọng, không chỉ ở Hungary mà còn trên khắp châu Âu. Bà Raisz cho biết Hungary không phản đối việc bảo vệ thiên nhiên nhưng các mục tiêu về môi trường phải thực tế và tính đến các lĩnh vực liên quan.

Theo Bộ trưởng Khí hậu Hà Lan, Rob Jetten, các biện pháp môi trường đang được xem xét chặt chẽ hơn từ góc độ chính trị khi gần tới cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6.

Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Đức, Steffi Lemke kêu gọi các quốc gia thành viên đạt được tiến bộ về luật này và khẳng định: “Chúng tôi không thể bỏ cuộc.”

Về phần mình, Bộ trưởng Khí hậu Tây Ban Nha, Teresa Ribera, tuyên bố việc giảm nỗ lực trong cuộc chiến chống lại sự suy giảm nghiêm trọng của tự nhiên và biến đổi khí hậu sẽ là "vô cùng thiếu trách nhiệm."

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Chính phủ Vùng thủ đô Brussels, phụ trách Biến đổi khí hậu, Môi trường, Năng lượng và Dân chủ có sự tham gia của Bỉ, Alain Maron khẳng định việc hoàn thành văn bản pháp luật này vẫn là ưu tiên của Bỉ trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU.

Quan chức này nói: "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức. Chúng tôi hy vọng sẽ thông qua văn bản này vào một thời điểm khác, càng sớm càng tốt."

Luật bảo vệ thiên nhiên là một trong những chính sách môi trường quan trọng nhất của EU, yêu cầu các quốc gia hành động để khôi phục thiên nhiên cho 1/5 diện tích đất và biển của họ vào năm 2030. Mục tiêu là phục hồi 81% môi trường sống tự nhiên ở châu Âu được coi là trong tình trạng kém.

Tuy nhiên, chính sách này đã vấp phải sự phản đối của một số chính phủ và nghị sỹ, những người lo ngại nó sẽ áp đặt các quy định hạn chế đối với nông dân hoặc xung đột với các lĩnh vực khác.

CHÂU ÂU ĐIỀU TRA ĐỒNG LOẠT APPLE, META, GOOGLE

Ba hãng công nghệ Mỹ bị điều tra vì nghi ngờ không tuân thủ Đạo luật Thị trường kỹ thuật số và đối mặt án phạt nặng nếu vi phạm.

Ngày 25/3, Ủy ban châu Âu tuyên bố mở cuộc điều tra hành vi không tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA). Đạo luật có hiệu lực từ ngày 7/3, với một trong các mục tiêu là mở ra không gian cho những công ty nhỏ có thể cạnh tranh với các ông lớn một cách công bằng.

Sáu công ty công nghệ lớn, được gọi là "người gác cổng" gồm Alphabet, Apple, Meta, Microsoft, Amazon, ByteDance được yêu cầu thực hiện các biện pháp tuân thủ. Theo đó, họ phải thiết lập để người dùng dễ dàng chuyển đổi sang sản phẩm, dịch vụ của bên khác, như mạng xã hội, trình duyệt Internet và cửa hàng ứng dụng, đồng thời bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng.

Alphabet, công ty mẹ của Google bị điều tra về việc liệu họ có ưu tiên kết quả tìm kiếm cho sản phẩm của chính công ty mình, như Google Shopping, Flights, Hotels hay không. Họ cùng Apple cũng bị nghi ngờ thiết lập hạn chế đối với các nhà phát triển khác trên kho ứng dụng Play Store và App Store, khiến họ gặp khó trong việc quảng bá ưu đãi với người dùng.

Apple cũng bị điều tra việc có cho phép người dùng dễ dàng thay đổi các cài đặt mặc định và lựa chọn các dịch vụ thay thế dịch vụ mặc định, như trình duyệt, công cụ tìm kiếm trên iOS hay không. Cơ cấu về thu phí và các điều khoản trong cửa hàng ứng dụng của Apple cũng bị nghi ngờ chưa đáp ứng đầy đủ DMA.

Trong khi đó, từ cuối tháng 10 năm ngoái, Meta đã mở gói thuê bao tại châu Âu, cho phép người dùng có thể trả 10 euro mỗi tháng để truy cập mạng xã hội không quảng cáo. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu lo ngại mô hình "trả tiền hay chấp thuận" không đảm bảo quy định về dữ liệu cá nhân, trong trường hợp người dùng chọn không trả tiền.

"Chúng tôi nghi ngờ các giải pháp được đề xuất bởi ba công ty không tuân thủ đầy đủ DMA. Giờ đây, chúng tôi sẽ điều tra các công ty để đảm bảo thị trường kỹ thuật số mở và có tính cạnh tranh ở châu Âu", Margrethe Vestager, người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu, nói.

Trong các tuyên bố đưa ra ngay sau đó, ba ông lớn công nghệ Mỹ đều khẳng định họ tuân thủ DMA.

"Chúng tôi tin tưởng kế hoạch của mình trong việc tuân thủ DMA và sẽ tiếp tục hợp tác mang tính xây dựng với Ủy ban châu Âu khi họ điều tra", Julien Trosdorf , người phát ngôn của Apple, cho biết.

Người phát ngôn của Meta, Matt Pollard, khẳng định mô hình đăng ký thuê bao thay cho quảng cáo là một mô hình kinh doanh lâu đời ở nhiều ngành khác nhau. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác mang tính xây dựng với Ủy ban", ông nói.

Trong khi đó, Giám đốc cạnh tranh của Google Oliver Bethell cho biết công ty đã làm việc với Ủy ban châu Âu trong hàng chục sự kiện trong năm qua để tiếp thu ý kiến phản hồi. Họ cũng đã thực hiện những thay đổi đáng kể trong cách thức hoạt động tại châu Âu.

Khi được hỏi về việc liệu cuộc điều tra có diễn ra quá sớm, khi đạo luật mới có hiệu lực hơn hai tuần, Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội khối của EU, nói: "Luật là luật. Chúng ta không thể chỉ ngồi chờ".

Cuộc điều tra dự kiến sẽ kéo dài trong một năm. Các công ty đã được yêu cầu cung cấp tài liệu và cho phép truy cập một số thông tin để phục vụ điều tra.

"Nếu kết quả cho thấy sự thiếu sự tuân thủ DMA, những người gác cổng có thể phải đối mặt mức phạt nặng", Breton nói. Theo quy định, doanh nghiệp có thể bị phạt số tiền bằng 10% doanh thu toàn cầu hàng năm của họ. Mức phạt có thể tăng lên 20% trong trường hợp vi phạm nhiều lần.

EU CỞI CÁI VÒNG NÀY ĐỂ THẮT VÒNG KHÁC?

Sau khi cấm vận khí đốt Nga, các nước Liên minh châu Âu đứng trước áp lực về năng lượng và chuyển sự quan tâm đến nhiên liệu hạt nhân dân dụng của Nga.

“Liên minh châu Âu nên từ bỏ nhiên liệu hạt nhân của Nga” - Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo đã nêu điều này trong cuộc phỏng vấn với tờ báo The Financial Times của Anh.

Theo nhà lãnh đạo này, việc từ bỏ sự phụ thuộc vào Nga cần phải được thực hiện càng nhanh càng tốt.

“EU phải loại bỏ nhiên liệu hạt nhân của Nga càng nhanh càng tốt để ngăn chặn mối quan tâm mới của châu Âu đối với năng lượng carbon thấp của Moscow, bởi nó sẽ cung cấp ngoại tệ cho Nga, làm tăng dự trữ quân sự của Điện Kremlin” - ông Alexander de Croo nói.

Theo Thủ tướng Bỉ, việc châu Âu nhanh chóng từ chối khí đốt của Nga đã buộc Cựu Thế giới đứng trước áp lực về vấn đề năng lượng, do đó phải đổi mới mối quan tâm đến năng lượng hạt nhân.

Tuy nhiên, Thủ tướng Bỉ chỉ ra một nguy cơ mới là trên con đường này, EU có thể phải đối mặt với những mối đe dọa tương tự, kiểu như cố thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này bằng cách lao vào một mớ bòng bong khác.

Thực tế là vào năm 2022, tỷ lệ uranium được làm giàu của Nga trong nguồn cung cấp cho EU sẽ là 30% và có nguy cơ rất thực tế là Liên minh châu Âu có thể đánh đổi sự phụ thuộc vào khí đốt lấy sự phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân của Moscow.

Theo ông, việc thay đổi chuỗi cung ứng, đặc biệt là đối với năng lượng hạt nhân, là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng Liên minh châu Âu cần phải làm càng nhanh càng tốt.

Các nước EU cần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng vẫn phải đảm bảo vẫn có thể sản xuất ra điện không phát thải.

Bất chấp lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Bỉ, không phải nước nào trong EU cũng sẵn sàng đi theo lời kêu gọi của ông Alexander de Croo.

Đặc biệt, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người ở Liên minh châu Âu được coi “gần như là đồng minh của Moscow”, đã công bố kế hoạch mở rộng các nhà máy điện hạt nhân của Hungary, do công ty xây dựng Rosatom của Nga xây dựng thí điểm, và có sự tham gia của Pháp và Áo.

Ngược lại, Luxembourg, Đức và Áo thường phản đối việc phân bổ kinh phí cho năng lượng hạt nhân vì sợ rằng điều này sẽ gây ra tình trạng thiếu vốn cho các nguồn năng lượng tái tạo.

Còn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tin rằng, không có ích lợi gì khi thực hiện bất kỳ động thái đột ngột nào trên con đường này và tránh sự can thiệp của chính trị vào lĩnh vực này.

Tổng giám đốc tổ chức Rafael Grossi cho biết, không thể chấp nhận việc sử dụng năng lượng hạt nhân làm “đồng tiền chính trị”. Ông sẽ thận trọng chống lại quan điểm về “nguyên tử tốt và nguyên tử xấu”, nó sẽ không đóng góp được gì cho thị trường năng lượng toàn cầu.

BA LAN NÓI TÊN LỬA NGA VI PHẠM KHÔNG PHẬN, TRIỆU TẬP ĐẠI SỨ NGA NHƯNG ÔNG ẤY KHÔNG ĐẾN

Đại sứ Nga tại Ba Lan đã lờ đi giấy triệu tập đề nghị ông xuất hiện tại Bộ Ngoại giao Ba Lan hôm thứ Hai 25/3 sau khi Warsaw cho rằng một tên lửa phóng vào các mục tiêu ở miền tây Ukraine đã vi phạm không phận của Ba Lan.

Quân đội Ba Lan cho hay hệ thống radar phòng thủ của họ đã ghi lại việc tên lửa đi vào không phận nước này trong 39 giây hôm 24/3, đi sâu vào lãnh thổ Ba Lan 2 km (1,24 dặm) trước khi quay trở lại Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pawel Wronski nói với các phóng viên: “Đại sứ Liên bang Nga đã không đến Bộ Ngoại giao hôm nay để giải thích về vụ việc”.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz nói với đài truyền hình Polsat News hôm 25/3 rằng nước ông sẽ quyết định các bước tiếp theo trong những ngày tới vì nước này không thể bỏ qua "một biểu hiện khinh thường" như vậy.

Ông Kosiniak-Kamysz nói: “Sẽ phải có những quyết định có sự nhất trí, bởi vì đây là phản ứng của toàn thể nhà nước Ba Lan”.

Đại sứ quán Nga tại Warsaw xác nhận ông Sergey Andreev đã được triệu tập tới bộ hôm 25/3 nhưng đã không đến.

“Đại sứ hỏi liệu phía Ba Lan có sẵn sàng cung cấp bằng chứng cho tuyên bố của mình hay không”, phía đại sứ quán nói và cho rằng đã có “tình huống tương tự” vào tháng 12/2023.

"Vì câu trả lời từ phía các đồng nghiệp Ba Lan của chúng tôi không cho thấy là lần này họ sẽ cung cấp bằng chứng nên đại sứ quyết định rằng cuộc thảo luận về chủ đề này sẽ là vô nghĩa và từ chối lời mời tham dự cuộc họp", đại sứ quán Nga nói.

Nguồn: Thanh Niên; Môi trường & Đô thị; Vnexpress; Soha; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang