EU: Chặn nhập cư trái phép; Khủng hoảng nhà ở; Siết chặt chuỗi cung ứng; Tăng áp lực lên các nền tảng; Lách luật viện trợ Ukraine

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH CHÂU ÂU TIẾP TỤC TÌM CÁCH NGĂN CHẶN NHẬP CƯ TRÁI PHÉP

Hội nghị thượng đỉnh châu Âu kết thúc ngày 22/3 đã xem xét thực trạng di cư trái phép.

Hơn 90% người di cư tới châu Âu bất hợp pháp thông qua những đường dây hoặc phương tiện của các băng nhóm buôn người. Liên minh châu Âu dự kiến tạo dựng một liên minh xuyên quốc gia nhằm hợp tác đối phó với vấn nạn này.

Mỗi khi mùa đông lạnh giá trôi qua, châu Âu lại phải bận tâm tới dòng người nhập cư bất hợp pháp. Khi thời tiết ấm lên, người tị nạn lại lên thuyền vượt biển vào châu Âu. Lúc này cả 5 dòng di cư đều qua Địa Trung Hải, phần lớn là từ bờ biển Libya, Tây Balkan, Ai cập, Tây Phi và Tunisia.

Bà Nicole de Moor, Quốc vụ khanh Bỉ về Tị nạn và Di cư, nói: "Lượng người đi qua tuyến đường biển Đông Địa Trung Hải đã tăng đáng kể từ đầu năm nay. Số lượt vượt biên bất hợp pháp tăng 84%. Các quốc gia đều nhấn mạnh phải quản lý biên giới trên biển và đất liền, chống di cư trái phép, ngăn ngừa thương vong và bắt buộc hồi hương những người không đủ điều kiện tị nạn. Hội đồng sẽ tiếp tục theo dõi tuyến di cư này và cả các tuyến khác".

Hội nghị thượng đỉnh châu Âu lại một lần nữa bàn cách ngăn dòng tị nạn. Liên minh châu Âu đã chi rất nhiều tiền, khoản mới nhất là 7,4 tỷ Euro chuyển cho Ai Cập. Khoản tiền hỗ trợ này không phải là để Ai Cập giúp chặn dòng người tị nạn mà là nhằm giữ cho Cairo không bị phá sản. Ai Cập đang đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán. Nếu kinh tế nước này sụp đổ, người Ai Cập sẽ lại lên thuyền di cư và châu Âu chịu thêm gánh nặng.

Trước đó, 6 tỷ Euro đã được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ để nước này giúp chặn dòng tị nạn từ Nam Á; 900 triệu Euro hỗ trợ người Tunisia lập nghiệp tại quê nhà, bớt nghĩ tới chuyện ra đi.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer tuyên bố: "Chúng tôi tiếp tục bảo vệ biên giới bên ngoài. Áo đã nỗ lực để vấn đề di cư là một trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh, vì một châu Âu an toàn hơn".

Hội nghị thượng đỉnh châu Âu quan tâm sáng kiến mới của Italy. Chính phủ cực hữu Italy cho biết sẽ thuê đất tại Albania, lập 2 trại tạm. Người tị nạn tới bờ biển Italy sẽ được đưa ngay tới Albania phân loại. Albania không thuộc Liên minh châu Âu. Việc làm này nhằm tránh phải trục xuất những người không đủ điều kiện tị nạn khỏi châu Âu. Có một vấn đề rất lớn vào lúc này là người bị trục xuất không chịu hồi hương, nước có người ra đi cũng không mặn mà nhận lại công dân của mình.

NGUY CƠ KHỦNG HOẢNG NHÀ Ở DAI DẲNG TẠI CHÂU ÂU

Tại châu Âu, từ Tây Ban Nha qua Hà Lan đến Hy Lạp, tầng lớp trung lưu ngày càng khó tìm được nhà ở trung tâm các thành phố lớn. Xây dựng không đáp ứng được nhu cầu, trong khi giá cả vẫn ở mức cao.

Giao dịch giảm mạnh

Theo tờ Le Monde, năm 2022, khi lãi suất tăng cao, kịch bản sụp đổ bất động sản lớn ở châu Âu đã được nhiều người nghĩ đến. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Mặc dù vậy, thị trường đã bước vào giai đoạn gần như đóng băng, với số lượng giao dịch giảm mạnh, trong khi thiếu các công trình xây dựng mới. Giá bất động sản mặc dù giảm nhưng vẫn ở mức rất cao trong lịch sử, làm hạn chế khả năng mua nhà của giới trẻ.

Theo dữ liệu về bất động sản toàn cầu được công bố tháng 12/2023 của Fitch, giá nhà giảm 5% ở Đức, 2% ở Anh và Pháp, tăng nhẹ từ 2% đến 3% ở Italy và Tây Ban Nha. Cơ quan xếp hạng này dự báo giá bất động sản sẽ “ổn định hoặc tăng vừa phải trong năm 2024 và 2025”. Tuy nhiên, Pháp có thể là một ngoại lệ, với mức giá dự báo sẽ giảm 2-4% trong năm nay.

Điều kiện kinh tế dẫn đến nỗi lo ngại lớn hơn nhiều. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất từ âm 0,5% lên 4% trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019-9/2023, mức tăng lớn nhất trong lịch sử đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, các khoản vay chủ yếu có lãi suất cố định trong thời gian dài. Trong những điều kiện này, việc tăng lãi suất không ảnh hưởng đến những người đã vay mà chỉ ảnh hưởng đến những người mua mới, do họ gặp nhiều khó khăn hơn khi vay tiền của ngân hàng.

Những chủ sở hữu có khoản vay với lãi suất cố định thấp tránh thay đổi vì sợ không thể vay được khoản vay mới. Điều này tác động đến thị trường theo cách giảm số bất động sản được rao bán. Chẳng hạn ở Đức, số cho vay bất động sản đã giảm một nửa trong hai năm trong khi ở Pháp, giao dịch bất động sản đã giảm 1/4. Ngoài ra, số công trình xây dựng mới không nhiều, đặc biệt là ở các nước có nhiều khách du lịch đổ xô vào mùa Hè và ở các nước đón nhận người tị nạn Ukraine kể từ đầu năm 2022.

Tình trạng thiếu nhà ở gia tăng

Việc đóng băng thị trường ở mức giá rất cao này gây ra những hậu quả xã hội khôn lường. Tại các trung tâm thành phố tràn ngập khách du lịch, tầng lớp lao động và trung lưu, vốn cũng chịu ảnh hưởng bởi lạm phát năng lượng và lương thực, đang ngày càng gặp khó khăn trong việc tìm nhà ở. Một số hộ bị đẩy ra vùng ngoại vi, thậm chí còn xa hơn.

Tại Anh, theo hiệp hội Generation Rent, tổ chức bảo vệ người thuê nhà, số người vô gia cư năm 2023 đã vượt quá số người mua lần đầu. Ở Ireland, độ tuổi trung bình của người mua hiện nay là 39 so với 35 của năm 2010. Ở Hà Lan và Cộng hòa Czech, chủ đề này đang làm dấy lên sự phẫn nộ chính trị, trong khi Italy, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đang tìm cách khắc phục tác động của tình trạng quá đông khách du lịch.

Tại Hy Lạp, quá trình đô thị hóa ở các thành phố lớn như Athens, Thessaloniki và ở một số hòn đảo được khách du lịch ưa chuộng, khiến người dân địa phương – nhất là những người đang phải vật lộn để tìm nhà ở – không khỏi bất bình. Năm 2023, giá thuê nhà ở Hy Lạp tăng trung bình 5,9% và mức tăng là 37% kể từ năm 2018. Ở một số khu vực, con số này thậm chí còn là 50%, trong khi tiền lương trong 15 năm qua chỉ tăng nhẹ.

Trong thời gian khủng hoảng nợ đầu những năm 2010, nhiều chủ nhà không đủ khả năng đóng thuế và sửa sang lại bất động sản, vì vậy đã chọn cách đóng cửa. Vấn đề là ở chỗ trong khi nền kinh tế khó khăn, các nhà đầu tư cho thuê đã lợi dụng mức giá thấp của nhà ở, cũng như các văn phòng hoặc cửa hàng nhỏ đóng cửa, để biến chúng thành những căn hộ cho thuê, chủ yếu theo dạng Airbnb.

Hoạt động kinh doanh này được cho là một lợi ích cho Hy Lạp, vốn không phải là một quốc gia công nghiệp. Theo Ngân hàng Piraeus, hiện tại cả nước đang thiếu 212.000 đơn vị nhà ở, chủ yếu là do 170.000 căn hộ hoặc nhà ở đã được đưa vào nền tảng cho thuê ngắn hạn, chẳng hạn như Airbnb.

Để hạn chế vấn đề này, chính phủ đã đưa ra một chương trình khấu trừ thuế để khuyến khích chủ sở hữu cải tạo nhà cho thuê, đặc biệt là đối với những đối tượng thuê nhà trẻ tuổi. Chính phủ cũng dự kiến tăng từ 250.000 lên 800.000 euro mức đầu tư tối thiểu vào bất động sản đối với những công dân ngoài châu Âu muốn có được “thị thực vàng” tại Hy Lạp.

Tại Italy cũng diễn ra tình trạng tương tự, khi lượng du khách đổ về và sự phát triển của dịch vụ cho thuê ngắn hạn đang gây khủng hoảng cho lĩnh vực nhà ở trên khắp cả nước. Theo dữ liệu của Liên đoàn các chủ khách sạn Federalberghi, năm 2022 đã ghi nhận 178,2 triệu lượt lưu trú qua đêm đối với các căn hộ du lịch, đạt doanh thu 11 tỷ euro và chiếm 42% thị trường.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Florence, một trong những điểm đến được ưa chuộng nhất tại Italy. Do nguồn cung giảm đáng kể nên những người hưởng mức lương trung bình (1.570 euro ròng/tháng) không thể có nhà ở thành phố này.

Theo chính quyền địa phương, nhiều sinh viên và gia đình đã bị “bật” khỏi khu vực trung tâm, nơi đang có 14.300 căn hộ cho thuê ngắn hạn, gấp đôi so với năm 2016. Lợi nhuận từ căn hộ du lịch cao hơn nhiều so với cho thuê nhà ở, dẫn đến việc đẩy giá lên cao. Từ năm 2016-2022, giá nhà đất đã tăng 42%. Theo Liên minh các nghiệp đoàn lao động Italy, chi phí sinh hoạt ở Florence, ngay cả với một căn hộ 35m2, hiện đã cao hơn mức lương trung bình của những người dưới 35 tuổi.

Trong 10 năm qua, khu vực trung tâm Florence đã mất 4.500 cư dân. Việc những người không còn khả năng trả tiền thuê nhà tăng mạnh ngày càng dẫn đến tình trạng biến nhà ở thành nhà cho thuê du lịch. Để ngăn chặn hiện tượng này, tháng 10/2023, Hội đồng thành phố Florence đã thông qua cái gọi là biện pháp “chống Airbnb”. Văn bản quy định cấm cho khách du lịch thuê các bất động sản ở khu vực trung tâm đã được liệt vào danh sách di sản UNESCO, ngược lại khuyến khích các chủ sở hữu chấp nhận những người thuê nhà thông thường. Tuy nhiên, diện tích liên quan chỉ chiếm 5% diện tích bề mặt của thành phố.

Tại Đức, các quy định phức tạp đã góp phần làm tăng thêm tình trạng thiếu nhà ở. Tại các thành phố lớn ở Đức, bất kỳ căn hộ cho thuê với giá cả phải chăng nào cũng có danh sách xếp hàng chờ đợi dài vô tận. Cạnh tranh trên hồ sơ là vô cùng gay gắt, đặc biệt đối với những người có thu nhập khiêm tốn, sinh viên hay thậm chí là người nước ngoài, chẳng hạn như 1,1 triệu người Ukraine đến Đức từ năm 2022.

Khủng hoảng nhà ở - lực cản tăng trưởng kinh tế

Moritz Schularick, Chủ tịch Viện Kinh tế Kiel, phân tích: “Tình trạng thiếu nhà ở nghiêm trọng ngăn cản quá trình chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế và tính cơ động xã hội”.

Lãi suất cao chỉ là một phần của lời giải thích. Đối với nhiều chuyên gia, chính sách này phần lớn đã thất bại trong việc cải thiện các điều kiện pháp lý xung quanh vấn đề xây dựng.

Theo báo cáo công bố tháng Hai của Viện Kinh tế Munich (Ifo), Đức dự kiến chỉ giao 200.000 ngôi nhà mới vào năm 2026, giảm 40% so với năm 2022. Ludwig Dorffmeister, chuyên gia bất động sản tại Viện Ifo, cho biết: “Việc xây dựng nhìn chung quá phức tạp và tốn kém. Việc tồn tại quá nhiều quy định, đặc biệt về năng lượng, đã liên tục làm tăng chi phí xây dựng trong ba thập kỷ qua”.

Chuyên gia Dorffmeister, cũng là tác giả của báo cáo nêu trên, cho rằng việc phát triển các dự án bất động sản – chẳng hạn như quy hoạch không gian và thủ tục cấp phép – đã trở nên rất phức tạp và mất nhiều thời gian.

Năm 1994 có tổng cộng 710.000 giấy phép xây dựng được cấp, nhưng đến năm 2021, con số này đã giảm xuống còn 380.000. Nếu không thể giảm thiểu các quy định xây dựng, thì giải pháp duy nhất là tái lập trợ cấp cho việc xây dựng mới. Tuy nhiên, điều này không có hiệu quả ngay lập tức và cũng khá tốn kém.

Tại Tây Ban Nha, gần một năm sau khi Luật về quyền nhà ở được thông qua (tháng 5/2023), các biện pháp then chốt kiềm chế và kiểm soát giá thuê nhà vẫn chưa được áp dụng.

Cho đến nay, Catalonia là vùng duy nhất có kế hoạch ban hành “các khu vực căng thẳng” về nhà ở, cụ thể liên quan đến 140 thành phố và thị trấn, nơi giá thuê trung bình vượt quá 30% thu nhập trung bình của hộ gia đình và có hiệu lực từ ngày 13/3.

Trước khi sụp đổ (tháng 7/2023), chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte đã có tham vọng lớn với việc đưa ra các mốc “chuyển đổi lớn” vào các năm 2030, 2050 và thậm chí là 2100. Đây sẽ là một dự án lớn, bao gồm việc xây dựng 936.000 đơn vị nhà ở vào năm 2030.

Nhà ở xã hội đã trở nên hiếm hơn trong 15 năm qua. Được quản lý bởi các tập đoàn, nhà ở xã hội chiếm 1/3 tổng nguồn cung, nhưng điều kiện tiếp cận đã bị thắt chặt và việc xây dựng đã bị chậm lại. Đồng thời, giá trên thị trường cho thuê tư nhân, vốn chỉ chiếm 7% thị trường, đã tăng mạnh, cũng như giá căn hộ và nhà để bán.

Đối với nhiều gia đình, bao gồm các gia đình trung lưu, việc sống ở trung tâm thành phố đã trở nên khó khăn.

Chính phủ Hà Lan đã đề cập đến mục tiêu nhanh chóng xây dựng nhà ở cho càng nhiều người có thể tiếp cận càng tốt, đồng thời lên kế hoạch xử phạt đối với những chủ nhà đòi tiền thuê “quá cao” và buộc các chính quyền thành phố kiểm soát tình hình.

EU SẮP SIẾT CHẶT CHUỖI CUNG ỨNG

Liên minh châu Âu (EU) sắp ban hành dự luật về thẩm định chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp Việt Nam cần sớm có kế hoạch thích ứng.

Dự luật này được xem là một phần quan trọng trong nỗ lực đảm bảo rằng các công ty trong khối này phải chịu trách nhiệm về con người và môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh...

Nâng cấp những quy định cũ

Thực tiễn buôn bán với thị trường EU cho thấy, từ 2 thập kỷ trước, các nhà lập pháp châu Âu đã đặt ra nhiều quy định mang tính tiên phong về bảo vệ môi trường sinh thái, đề cao quyền con người trong hoạt động kinh tế.

Ví dụ, quy định IUU từ năm 2008 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, và không theo quy định. Hay như từ thế kỷ 18, nhiều quốc gia châu Âu, như Hà Lan, Anh, Hungary… đã ban hành những đạo luật quy định về độ tuổi, thời gian lao động đối với đối tượng là lao động trẻ em.

Dự luật thẩm định chuỗi cung ứng đang được Uỷ ban châu Âu (EC) thảo luận, có thể áp dụng từ năm 2026. Dự luật này nhằm cải thiện công tác bảo vệ các quyền con người trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn những hành vi xâm phạm, như tình trạng lao động trẻ em và cưỡng bức lao động, cấm những chất có hại cho con người và môi trường, chống phân biệt đối xử, trả lương phù hợp và thời gian làm việc đúng mức,…

Các quy định này phù hợp với xu thế phát triển bền vững, kinh doanh có trách nhiệm. Nhưng dự luật này, nếu được Nghị viên châu Âu thông qua, sẽ là bước nâng cấp các tiêu chuẩn lên cấp độ ngặt nghèo hơn. Thậm chí, một số tập đoàn lớn bày tỏ quan ngại rằng khó có thể áp dụng theo các tiêu chuẩn này. ông Siegfried Russwurm, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Đức nói: “Đây là một đòn giáng tiếp theo đối với sự cạnh tranh của châu Âu”.

Thách thức phải vượt qua

Dự luật thẩm định chuỗi cung ứng gây tranh cãi trong nội bộ châu Âu, có thể sẽ được điều chỉnh theo hướng nới lỏng trước đi được Nghị viên châu Âu phê duyệt chính thức. Tuy vậy, chừng đó cũng đủ tạo ra rào cản lớn đối với các doanh nghiệp từ những quốc gia đang phát triển đang hoạt động, hợp tác với EU.

Thách thức đầu tiên phải vượt qua là tư duy kinh doanh, suy nghĩ đặt lợi nhuận lên trên hết chắc chắn hết cửa vào EU. Điều đó buộc doanh nghiệp thiết kế lại hệ thống của mình, từ việc lựa chọn mặt hàng kinh doanh, kiểm soát nguyên liệu đầu vào, phương thức sản xuất, áp dụng chế độ ưu đãi tốt nhất cho người lao động. Điều này sẽ dẫn đến phát sinh chi phí sản xuất rất lớn. Đơn cử, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo tiêu chuẩn chung, các doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 30% trong tổng vốn đầu tư dự án để xây dựng hạ tầng xử lý chất thải. Việc tuân thủ quy định này tại Việt Nam chưa thực sự nghiêm túc.

Khó khăn chồng chất với doanh nghiệp nhỏ, nên nhiều chuyên gia hiến kế, trong cơ cấu quy mô, cần có sự liên minh giữa các doanh nghiệp nhỏ cùng ngành hàng. Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ không thể trực tiếp xuất khẩu sang EU thì có thể rút lui, đảm nhiệm một hoặc một vài công đoạn trong chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp lớn.

Ở Đức, những doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng có trách nhiệm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong “mắt xích” bằng việc tập huấn, đào tạo về xử lý rủi ro bằng nguồn kinh phí hoặc ngân sách nhất định.

Nhìn ở góc độ tích cực, dự luật mới của EU là nền tảng căn bản để phát triển bền vững, như tôn trọng quyền con người, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với mục tiêu chung toàn cầu là giảm phát thải, phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, dự luật này còn góp phần minh bạch hóa thể chế, chính sách, tạo môi trường kinh tế lành mạnh tại các quốc gia đang phát triển.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng: “Tuân thủ tốt những trách nhiệm được quy định đối với doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng không chỉ giúp tăng năng lực sản xuất kinh doanh, mà khi người lao động và môi trường được đối xử tốt thì doanh nghiệp và nền kinh tế mới có thể phát triển bền vững”.

Đây là nhiệm vụ mang tầm quốc gia, mỗi một cá nhân đơn lẻ không thể nào đảm đương hết. Bởi vì chuỗi cung ứng hàng hóa liên quan hầu hết mọi hoạt động kinh tế vi mô, nhiều ngành nghề và nhiều cơ quan quản lý hành chính Nhà nước.

Nói cách khác, để phát triển bền vững là chiến lược, tầm nhìn quốc gia, cần có lộ trình hàng thập kỷ. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò “cầm cương” chủ đạo, về chính sách định hướng, tài chính, các gói ưu đãi, khuyến khích cũng như chế tài với các tổ chức, cá nhân không tuân thủ…

CHÂU ÂU TĂNG ÁP LỰC BUỘC CÁC NỀN TẢNG TĂNG CƯỜNG NGĂN CHẶN THÔNG TIN SAI LỆCH

Đạo luật dịch vụ số (DSA) yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải áp dụng nhiều biện pháp hơn nữa để ngăn chặn các nội dung độc hại và bất hợp pháp, cũng như những tài liệu trực tuyến giả mạo.

Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ gây áp lực nhiều hơn để buộc các nền tảng trực tuyến phổ biến nhất như X và TikTok đề phòng nguy cơ xảy ra thông tin sai lệch về bầu cử, nếu không sẽ phải đối mặt với các án phạt.

Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ đưa ra các chỉ dẫn mới về vấn đề này, có thể vào ngày 26/3, trước khi các cuộc bầu cử ở khối này diễn ra vào tháng Sáu tới.

Các quy định này được đưa ra theo Đạo luật dịch vụ số (DSA). Đạo luật này yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải áp dụng nhiều biện pháp hơn nữa để ngăn chặn các nội dung độc hại và bất hợp pháp, cũng như những tài liệu trực tuyến giả mạo.

Trong một diễn biến có liên quan, theo các nguồn thạo tin, cơ quan chức năng châu Âu có kế hoạch điều tra Apple, Meta Platforms và Google của Alphabet để xác định xem có hay không việc các công ty này vi phạm quy định trong Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU.

Các nguồn tin cho biết EC dự kiến sẽ công bố thông tin về các cuộc điều tra trong những ngày tới và công bố kết quả điều tra trước khi nhiệm kỳ của Ủy viên cạnh tranh chống độc quyền Margrethe Vestager kết thúc vào tháng 11/2024.

Vi phạm quy định DMA có thể khiến các công ty này phải trả tới 10% doanh thu hàng năm trên toàn cầu.

Theo DMA, EU yêu cầu các công ty công nghệ phải cung cấp cho người dùng và các đối thủ cạnh tranh nhiều lựa chọn hơn để đảm bảo sân chơi bình đẳng.

EC từ chối bình luận về thông tin trên. Trong khi đó, Apple, Meta và Google cũng không trả lời yêu cầu bình luận.

EU CÓ THỂ LÁCH LUẬT ĐỂ VIỆN TRỢ VŨ KHÍ CHO UKRAINE VÀ CHIẾM HỮU TÀI SẢN NGA

Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất “nhóm đặc nhiệm” tìm kiếm cách thức sử dụng ngân sách phòng thủ chung để mua vũ khí giúp Ukraine. Khối này có thể lách luật hiện thời nhằm đạt mục đích đó.

Biện pháp pháp lý để EU có thể trực tiếp mua vũ khí cho Ukraine

Brussels đang tích cực khảo sát cách lách qua một điều khoản của hiệp ước EU cấm mua vũ khí bằng ngân sách của liên minh này trong bối cảnh họ gia tăng nỗ lực tăng tài chính cho phòng thủ của khối và cho Ukraine.

Theo nguồn tin từ 4 người nắm rõ về vấn đề này, Ủy ban châu Âu - một cơ quan hành pháp của khối EU, vừa đề xuất một nhóm đặc nhiệm xem xét lại điều khoản trọng yếu nói trên - Điều 41(2). Điều khoản này quy định ngăn việc sử dụng ngân sách chung của EU cho “các hoạt động có mục đích quân sự hoặc phòng thủ”.

Bất cứ động thái nào sử dụng ngân sách trên để mua vũ khí sát thương đều sẽ bị coi là sự thay đổi đáng kể nhất trong chính sách phòng thủ của EU kể từ khi nổ ra xung đột vũ trang Nga - Ukraine.

Những bên đề xuất mong muốn có một cách giải thích pháp lý linh hoạt hơn đối với điều khoản, mà theo đó EU có thể trở thành bên mua trực tiếp các vũ khí sát thương và đóng vai trò lớn hơn trong ngành công nghiệp phòng thủ của châu lục. Nhóm đề xuất kỳ vọng các nước thành viên EU sẽ ủng hộ ý tưởng này trong bối cảnh một số quốc gia EU vẫn rất dè dặt với động thái đó.

Một trong 4 người nói trên cho hay: “Đây sẽ là một bước đột phá lớn, có thể tạo ra thay đổi lớn”.

Nỗi lo sợ Nga gia tăng mạnh mẽ sức mạnh quân sự, có thể đe dọa châu Âu, đã thúc đẩy những động thái trong nội bộ EU hướng tới việc tái vũ trang khối này ở mức lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

Hồi tháng 2/2022, các quốc gia EU đã nhất trí cấp tài chính để xuất vũ khí sang Ukraine, nhưng với điều kiện là sử dụng quỹ đa phương được lập bên ngoài quỹ EU nhằm tránh Điều 41(2) trong hiệp ước quy định về khối. Thay đổi hiệp ước được xem là bất khả thi về mặt chính trị.

Quỹ nói trên - Cơ sở hòa bình châu Âu (EPF), đòi hỏi những cuộc đàm phán cồng kềnh giữa 27 nước thành viên mỗi lần cần được bổ sung. Ủy ban châu Âu muốn tìm một biện pháp pháp lý để đưa quỹ này vào trong ngân sách EU nhằm làm cho nó hiệu quả hơn và có quy mô lớn hơn.

Các cuộc trao đổi trên được tổ chức khi các nhà lãnh đạo EU gặp gỡ tại Brusselss vào hôm 21/3, thảo luận việc sử dụng tiền lãi từ các tài sản Nga bị đóng băng để viện trợ quân sự cho Ukraine.

Theo đề xuất từ Ủy ban châu Âu, lợi nhuận thu được từ tài sản bị đóng băng sẽ được chuyển qua quỹ EPF bên ngoài ngân sách EU. Nhưng số tiền này có thể chuyển thẳng vào ngân sách EU nếu các luật sự xác định được rằng việc dùng nó để mua vũ khí cho Ukraine là không vi phạm hiệp ước của EU.

Tranh cãi pháp lý hướng vào việc liệu Điều 41(2) chỉ áp dụng riêng cho hoạt động quân sự của EU hay không. Những người đề xuất cho rằng nếu đúng như vậy thì điều khoản này có thể cho phép Brusselss mua vũ khí cho các hoạt động của thực thể khác ngoài EU, như lực lượng vũ trang Ukraine.

Nhóm 4 người nêu trên cho biết, bộ phận pháp lý của Hội đồng Liên minh châu Âu (cơ quan đại diện cho các nước thành viên) lạc quan về khả năng không cần động chạm đến ngôn ngữ của Điều 41(2). Tuy nhiên, nhóm luật sư của Ủy ban lại tỏ ra bảo thủ hơn trong giữ lập trường của mình.

Theo một tài liệu mà tờ Financial Times đã được xem, để giải quyết các khác biệt, Ủy ban châu Âu đề xuất các quốc gia thành viên sử dụng một “nhóm đặc nhiệm chung” để xem xét vấn đề “tăng cường mức độ sẵn sàng về phòng thủ của EU”.

3 trong số 4 người trên cảnh báo: Công tác pháp lý vẫn đang trong giai đoạn đầu và có thể không dẫn tới thay đổi nào cả. Thậm chí, các nước thành viên EU có thể đưa Ủy ban châu Âu ra tòa nếu họ tin rằng ủy ban này vi phạm các hiệp ước của khối.

EU tiến sát mục tiêu dùng tài sản Nga để viện trợ cho Ukraine

Các nhà lãnh đạo EU hôm 21/3 tuyên bố liên minh này có thể sử dụng tiền thu được từ tài sản Nga bị đóng băng để giúp Ukraine trong vòng vài tháng theo một kế hoạch bao hàm nội dung mua vũ khí cho Ukraine.

Lãnh đạo của khối 27 nước này tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels đã đồng ý xúc tiến kế hoạch trên, trước đó do Ủy ban châu Âu đề xuất.

Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu, nói với phóng viên: “Tôi tin tưởng rằng chúng tôi có thể hành động rất nhanh chóng”.

Chủ tịch Ủy ban châu Ursula von der Leyen cho hay, gói 1 tỷ euro (1,09 tỷ USD) đầu tiên từ kế hoạch này sẽ được giải ngân sớm nhất là vào ngày 1/7 tới đây.

Ủy ban châu Âu đã đề xuất chuyển 90% lợi nhuận từ tài sản Nga đóng băng sang một quỹ do EU quản lý (quỹ EPF) được sử dụng để rót tiền mua vũ khí cho Kiev.

Ủy ban châu Âu ước tính lợi nhuận từ các tài sản của ngân hàng trung ương Nga nói trên (bao gồm cả chứng khoán và tiền mặt) dao động từ 2,5 tỷ đến 3 tỷ euro mỗi năm.

Cả ông Michel và bà Leyen đều cho rằng ý tưởng dùng tiền lãi từ tài sản Nga để giúp đỡ Ukraine giành được sự ủng hộ rộng rãi trong các nước EU. Riêng Đức và Pháp ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch này.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố: “Số tiền ấy trước hết phải được sử dụng để mua các vũ khí đạn dược mà Ukraine cần cho phòng thủ”.

Tuy nhiên, việc dùng khoản tiền này để mua vũ khí lại gây ra nhiều vấn đề hơn cho một số nước, bao gồm các nước trung lập, không liên kết về mặt quân sự, như Malta, Áo và Ireland.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer khẳng định: “Đối với các nước trung lập như chúng tôi, phải bảo đảm rằng số tiền mà chúng tôi phê chuẩn là không được chi cho vũ khí và đạn dược”.

Ông Michel trấn an rằng EU có thể tìm kiếm cách thức đưa các quan ngại nói trên vào kế hoạch của mình.

Tổng thống Ukraine Zelensky hối thúc EU đi xa hơn nữa, thậm chí tự dùng chính các tài sản Nga bị đóng băng, coi đó như một cách để trừng phạt Nga.

Trong khi đó, một số ngân hàng phương Tây đang vận động hành lang để ngăn cản đề xuất nói trên của EU do sợ rằng nó có thể dẫn tới các vụ kiện tụng tốn kém, theo các nguồn tin trong ngành.

Nguồn: VTV; Bnews; Diễn Đàn Doanh Nghiệp; VietnamPlus; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang