EU: Kinh tế tuần hoàn; Tăng cường phòng thủ; 'Biến tiền thành vũ khí'; Nông dân Ba Lan dừng biểu tình; Ô nhiễm nước thải ở Anh

EEA: CHÂU ÂU CẦN TĂNG TỐC CHUYỂN ĐỔI SANG KINH TẾ TUẦN HOÀN

Theo EEA, hành động quyết định là cần thiết để giảm đáng kể chất thải.

Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cảnh báo châu Âu phải tăng tốc nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế tuần hoàn, tập trung vào việc tái sử dụng vật liệu để giảm chất thải, nhằm đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.

Theo EEA, hành động quyết định là cần thiết để giảm đáng kể chất thải. Bên cạnh đó, cần ưu tiên giảm sử dụng tài nguyên, cải thiện tỷ lệ tái chế và giới thiệu các sản phẩm được thiết kế để tuần hoàn ngay từ đầu.

EEA lưu ý Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn rất lâu mới đạt được tham vọng tăng gấp đôi tỷ lệ tuần hoàn của khối này vào năm 2030, đồng thời cho biết thêm rằng chỉ có khả năng thấp tham vọng của EU sẽ đạt được trong những năm tới.

Chuyên gia về khí hậu của EEA, Daniel Montalvo, cho rằng EU cần thúc đẩy chính sách bổ sung. Theo EEA, cốt lõi của vấn đề là các mô hình kinh doanh sử dụng các sản phẩm có tuổi thọ rất ngắn. EEA lưu ý các mô hình kinh doanh chủ yếu xoay quanh các sản phẩm sản xuất hàng loạt, nên thường hy sinh chất lượng và điều này dẫn đến hỏng hóc sớm hoặc lỗi thời sớm.

Một nghiên cứu gần đây của EEA cho thấy 4-9% hàng dệt may được đưa vào vào thị trường châu Âu đã bị tiêu hủy mà không hề được sử dụng. Việc xử lý và tiêu hủy hàng dệt may không bán được là nguyên nhân gây ra lượng khí thải CO2 tương đương 5,6 triệu tấn.

Với tỷ lệ tuần hoàn là 11,5% vào năm 2022, châu Âu đang sử dụng nhiều vật liệu tái chế hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, tiến độ còn chậm và các chính sách nhằm xử lý chất thải chỉ được đưa ra trong 5 năm qua.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, EEA đã xác định một số lĩnh vực cần cải thiện cũng như nhu cầu giảm mức tiêu thụ tổng thể. Ví dụ, cần thúc đẩy tái chế chất lượng cao hơn, trong đó các vật liệu giữ được chức năng và giá trị ban đầu càng lâu càng tốt, để giảm nhập khẩu. EEA cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tối đa hóa việc sử dụng và tuổi thọ của sản phẩm thông qua việc tái sử dụng và sửa chữa.

EU TÌM CÁCH TĂNG CƯỜNG PHÒNG THỦ, HỖ TRỢ UKRAINE CHỐNG LẠI NGA HIẾU CHIẾN

Các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu ngày 21/3 họp tại Brussels trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi châu Âu tăng cường mạnh mẽ chi tiêu quốc phòng và công nghiệp, khi Nga giành được ưu thế ở Ukraine và lo ngại ngày càng tăng rằng Moscow sẽ không dừng lại ở đó nếu giành chiến thắng trong cuộc chiến.

Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày cũng sẽ giải quyết các vấn đề gây tranh cãi khác, bao gồm cuộc chiến ở Gaza, các thành viên EU tương lai và vấn đề di trú. Nhưng Ukraine và việc tăng cường khả năng sẵn sàng phòng thủ của khối EU là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Bối cảnh sau cuộc họp là một đánh giá u ám của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, kêu gọi các quốc gia thành viên EU chuyển sang chế độ “kinh tế chiến tranh”, cùng với ý thức ngày càng tăng rằng Châu Âu phải hành động một mình, ít nhất là vào lúc này, khi hàng tỷ đô la viện trợ của Mỹ cho Ukraine vẫn bị chặn tại Quốc hội Hoa Kỳ.

Ông Michel cảnh báo trong một bài xã luận đăng trên truyền thông châu Âu hôm 18/3: “Nếu chúng ta không có được phản hồi đúng đắn của EU và không hỗ trợ đủ cho Ukraine để ngăn chặn Nga, thì sau Ukraine sẽ là chúng ta”. Ông nói thêm: “Nếu chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải chuẩn bị cho chiến tranh”.

Bà Kristi Raik, phó giám đốc Trung tâm chính sách Quốc phòng và An ninh của Estonia, nói với chương trình Newshour của BBC, phản ứng với bình luận của ông Michel: “Tôi nghĩ rằng cuối cùng chúng ta cũng thấy rằng EU đang trở nên nghiêm túc hơn trong vấn đề quốc phòng”.

Bà nói thêm: “Có nguy cơ thực sự là Ukraine có thể bị đánh bại trong cuộc chiến này”. “Và tất cả chúng ta ở châu Âu đều đồng ý rằng điều này có nghĩa là mối đe dọa chiến tranh đang đến với chúng ta thực sự là một điều gì đó có thật - và chúng ta cần chuẩn bị cho điều đó cũng như ngăn chặn điều đó xảy ra.”

Lời cảnh tỉnh đang được đáp lại bằng một loạt đề nghị. Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo EU sẽ xem xét đề nghị của ông Michel về việc sử dụng hàng tỷ đô la lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để mua thêm vũ khí cho Ukraine. Biện pháp này, được nhiều ngoại trưởng tán thành trong tuần, sẽ cần có sự đồng thuận nhất trí để được thông qua.

Hơn chục thành viên EU cũng đã ký một lá thư kêu gọi Ngân hàng Đầu tư Châu Âu thay đổi chính sách đầu tư quốc phòng, cho phép các mặt hàng như đạn dược và vũ khí. Đầu tuần này, Brussels đã phê duyệt thêm 5,4 tỷ đô la để hỗ trợ quân đội Ukraine. Và hơn chục quốc gia châu Âu đã ký tên chấp thuận sáng kiến của Czech để mua đạn pháo cho Ukraine bên ngoài khối EU, như một giải pháp thay thế cho nền sản xuất đang tụt hậu của khối.

Nhà phân tích Raik nói: “Châu Âu đang thức tỉnh”.

Không thể yếu đuối

Những lời kêu gọi tăng cường mạnh mẽ khả năng sẵn sàng phòng thủ của châu Âu từ lâu đã vang lên từ Estonia, quê nhà của bà Raik, và các quốc gia thành viên EU khác gần Nga cũng như có những ký ức cay đắng về đế chế Xô Viết. Giờ đây, chúng ngày càng được lặp lại bởi các nước phương Tây.

Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người từng cảnh báo chớ nên hạ nhục Tổng thống Nga Vladimir Putin - đã gây bất ngờ và ‘đổi giọng’ khi gợi ý EU có thể gửi lực lượng phương Tây tới Ukraine. Ông kiên quyết với đề nghị đó vào tuần trước, đồng thời lưu ý rằng việc này hiện chưa được đưa lên bàn thảo luận.

Ông Macron nói với đài truyền hình Pháp rằng cuộc chiến ở Ukraine “có ý nghĩa sống còn đối với châu Âu và nước Pháp của chúng ta”, đồng thời cảnh báo rằng một chiến thắng của Moscow sẽ có nghĩa là “chúng ta không có an ninh”. Để có hòa bình ở Ukraine, ông nói thêm, “chúng ta không được yếu đuối”.

Nhà phân tích được nhiều người kính trọng của Pháp, Francois Heisbourg, cho biết sự thay đổi trong lập trường của ông Macron đã bắt đầu từ nhiều tháng trước, được hình thành bởi một số yếu tố. Trong số đó: phi đạn hành trình của Anh và Pháp, được cho là đã cung cấp cho Kyiv, đã giúp phá vỡ sự phong tỏa của Nga đối với các cảng Biển Đen của Ukraine - ông tin rằng đây là chiến thắng lớn duy nhất của Kyiv trong năm ngoái.

Ông Heisbourg cũng ủng hộ sự mâu thuẫn trong tư tưởng của ông Macron trong việc không loại trừ chuyện châu Âu gởi binh sĩ đến Ukraine.

Ông nói về người châu Âu: “Chúng ta phải ngừng nói với người Nga rằng chúng tôi sẽ không làm điều này, chúng tôi sẽ không làm điều kia”. “Đó là điều không khôn ngoan về mặt chiến lược. Trong chiến lược chớ cho không cái gì.”

Dù Đức có lập trường thận trọng hơn nhưng nước này vẫn là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, sau Mỹ. Hôm 19/3, Berlin đã công bố hỗ trợ thêm 542 triệu đô la cho Ukraine, bao gồm đạn pháo, xe bọc thép và các loại xe khác - mặc dù nước này vẫn ngần ngại cung cấp phi đạn Taurus vốn được yêu cầu từ lâu.

Hai nước nặng ký của châu Âu, cùng với nhiều thành viên NATO khác của EU, cũng đã cam kết đáp ứng mục tiêu chi tiêu của liên minh là 2% GDP trong năm nay. Đây là điều lần đầu tiên được thực hiện đối với một số nước.

Ông Heisbourg tin rằng châu Âu phải tăng cường chi tiêu chung lên 3% GDP vào năm 2030 để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược tiềm tàng của Nga vào một quốc gia thành viên EU - và cho một mối quan hệ “giao hảo” hơn với Washington, bất kể ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được ấn định vào ngày 5 tháng 11 năm nay.

Ông Heisbourg nói, sau ba thập niên “rút lui khỏi Chiến tranh Lạnh”, châu Âu giờ đây phải đối mặt với “một thế giới đối đầu quân sự giữa các cường quốc”, bao gồm cả ở châu Á và Trung Đông. “Và chúng ta đơn giản là chưa chuẩn bị cho loại chiến tranh đó.”

EU SẴN SÀNG “BIẾN TIỀN THÀNH VŨ KHÍ” ĐỂ GIÚP UKRAINE CHIẾN ĐẤU VỚI NGA

Quyết định được EU đưa ra khi điều kiện chiến trường ở Ukraine ngày càng trở nên khốc liệt và khi nguồn tài trợ quan trọng từ Mỹ vẫn bị trì hoãn.

Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu tận dụng các tài sản bị phong tỏa của Nga để gửi 3 tỷ Euro mỗi năm tới Ukraine, Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành của EU – cho biết hôm 20/3, với việc khoản tiền đầu tiên có thể được thanh toán ngay sau tháng 7.

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) có khoảng 210 tỷ Euro ngoại hối ở EU – chủ yếu tại kho lưu ký Euroclear ở Bỉ – vốn đã bị đóng băng kể từ khi chiến sự nổ ra vào đầu năm 2022.

Giờ đây, các quan chức EU đang đề xuất sử dụng lợi nhuận từ những tài sản đó để hỗ trợ Ukraine, từ đó thực hiện lời hứa lâu nay vẫn bị trì hoãn do lo ngại về những tác động kinh tế và chính trị rộng hơn từ động thái chưa từng có này.

Biến tiền thành vũ khí

Theo kế hoạch của EU, 90% khoản tiền lãi sẽ được chuyển đến một quỹ của EU để cung cấp vũ khí cho Ukraine. 10% còn lại sẽ được chuyển vào ngân sách EU, nơi nó sẽ được sử dụng để giúp nâng cao năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.

“Hôm nay chúng tôi tiếp tục gây áp lực lên Nga và buộc họ phải chịu trách nhiệm về hành động cũng như những thiệt hại và đau khổ to lớn mà họ đã gây ra”, Phó Chủ tịch EC kiêm Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết trong một tuyên bố hôm 20/3.

Động thái này được phối hợp với các đối tác trong nhóm 7 nền dân chủ lớn nhất thế giới (G7), bao gồm cả Anh và Mỹ, ông Dombrovskis nói thêm.

Hồi tháng 10 năm ngoái, các nhà lãnh đạo EU đã yêu cầu Brussels xem xét cách sử dụng khoản lãi sinh ra từ tài sản của CBR để hỗ trợ Ukraine mà không vi phạm luật pháp EU hoặc quốc tế.

Các quan chức tin rằng, tùy thuộc vào lãi suất, mỗi năm, khối tài sản của Nga có thể tạo ra 2,5-3 tỷ Euro lợi nhuận sau thuế, trong đó Euroclear được phép giữ một tỷ lệ nhỏ, khoảng 13%, cho chi phí hành chính và trách nhiệm pháp lý.

Quyết định sử dụng khoản lãi trên được đưa ra sau khi khối 27 quốc gia đã nhất trí “bơm” 5 tỷ Euro vào quỹ Cơ sở Hòa bình châu Âu (EPF) nhằm mục đích tăng cường cung cấp đạn dược cho Ukraine, và đồng thời với việc EC thực hiện giải ngân 4,5 tỷ Euro đầu tiên từ cơ chế mới là Cơ sở Ukraine để giúp quốc gia Đông Âu duy trì hoạt động của bộ máy nhà nước.

Nhưng nó cũng đến khi điều kiện chiến trường ở Ukraine ngày càng trở nên khốc liệt và khi nguồn tài trợ quan trọng từ Mỹ bị cản trở bởi những tranh cãi tại Quốc hội “xứ cờ hoa”.

Phát biểu tại Brussels ngày 20/3, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hoan nghênh đề xuất mới của EU nhưng cho biết việc sử dụng tiền lãi chỉ là bước đầu tiên, vì yêu cầu của Kiev là “tịch thu toàn bộ hoặc sử dụng theo cách khác tất cả tài sản bị phong tỏa (của Nga)”.

Mặc dù các kế hoạch vẫn cần có sự nhất trí của cả 27 thành viên trong khối khi lãnh đạo các nước thành viên nhóm họp tại Hội nghị Thượng đỉnh vào ngày 21-22/3, nhưng đại diện cấp cao về đối ngoại của EU Josep Borrell đã nói với Thủ tướng Shmyhal: “Hy vọng rằng chúng tôi có thể sớm đồng ý và đổi tiền thành vũ khí, vì binh sĩ Ukraine không thể chiến đấu bằng các tờ tiền giấy”.

Thiệt hại là không thể tránh khỏi

Cho đến bước này thì các quan chức dường như không quan tâm đến lo ngại của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) rằng động thái này có thể có tác động rộng hơn đến uy tín của đồng Euro với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Phản ứng với tuyên bố mới nhất của EU, Điện Kremlin hôm 20/3 cho biết những kế hoạch như vậy – nếu được thực hiện – sẽ hủy hoại danh tiếng của châu Âu và dẫn đến nhiều năm kiện tụng.

“Người châu Âu nhận thức rõ về thiệt hại mà những quyết định như vậy có thể gây ra cho nền kinh tế, hình ảnh và danh tiếng của họ”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.

“Thiệt hại sẽ là không thể tránh khỏi. Những người liên quan đến việc đưa ra quyết định như vậy, những nước ra quyết định này, tất nhiên, họ sẽ trở thành đối tượng bị truy tố trong nhiều thập kỷ”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 20/3 cũng cho biết rằng Moscow chắc chắn sẽ đáp trả lại cái mà nhà ngoại giao này gọi là hành vi “cướp bóc và trộm cắp”

NÔNG DÂN BA LAN DỪNG BIỂU TÌNH KHI CHÍNH PHỦ ĐÌNH CHỈ NHẬP KHẨU NÔNG SẢN UKRAINE

Đại diện chính phủ Ba Lan đã đạt được thỏa thuận với nông dân trong ngày 20/3 để chấm dứt các cuộc biểu tình đang diễn ra trên toàn quốc.

Sau cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ba Lan và đại diện của một số tổ chức nông dân và công đoàn (20/3), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã ra thông báo hai bên đã đạt được thỏa thuận đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp Ukraine sang Ba Lan và quá cảnh sang các quốc gia khác. Chính phủ của Thủ tướng Donald Tusk sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.

Trước đó, nông dân Ba Lan đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình và chặn các con đường ở khắp cả nước để phản đối dòng sản phẩm Ukraine tràn vào quốc gia này gây khủng hoảng giá cũng như phản đối các chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU). Cuộc biểu tình của nông dân bắt đầu vào ngày 9/2 và cho tới ngày 6/3, một số người biểu tình quá khích đã đụng độ với cảnh sát trước tòa nhà quốc hội ở thủ đô Warsaw.

Tuần trước, Ủy ban Châu Âu đã đồng ý bãi bỏ các hạn chế về thuốc trừ sâu, tăng trợ cấp cho lúa mạch đen và lúa mạch, duy trì mức thuế nông nghiệp hiện tại và dỡ bỏ các hạn chế đối với các sản phẩm bảo vệ thực vật cũng như nhu cầu đất bỏ hoang.

Bên cạnh đó, chiến lược đa dạng sinh học năm 2030 của EU quy định rằng canh tác hữu cơ phải chiếm ít nhất 25% diện tích đất nông nghiệp ở EU vào năm 2030. Trong kế hoạch chiến lược của mình, Ba Lan chỉ ra rằng đến năm 2027, tỷ lệ cây trồng hữu cơ sẽ tăng lên 7%. Điều này đòi hỏi phải tăng gần gấp đôi mức hiện tại vì vào năm 2021, sản lượng hữu cơ ở Ba Lan chỉ chiếm 3,74%.

Theo dữ liệu của Eurostat, năm 2023, Tây Ban Nha đã nhập khẩu 6 triệu tấn ngũ cốc Ukraine, Italy hơn 2,3 triệu tấn và Hà Lan 1,8 triệu tấn. Do đó, nếu so sánh số lượng thực tế hiện nay trong việc nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine, Ba Lan mới chỉ nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn từ một năm trước. Vì vậy, để các quốc gia chấp thuận việc chính phủ Ba Lan đình chỉ quá cảnh sản phẩm nông sản của Ukraine sẽ là một thách thức không nhỏ do những hệ lụy có thể xảy ra với lợi ích chung của khối.

Ô NHIỄM NƯỚC THẢI ĐE DỌA MỘT CON SÔNG Ở ANH

Ô nhiễm nước thải đã giết chết đời sống thủy sinh và đe dọa hệ sinh thái một con sông ở Anh.

Trong vài tuần qua, mưa lớn đã khiến chất thải chưa được xử lý từ một nhà máy xử lý nước thải địa phương tràn xuống sông Test.

Những dòng sông như thế này được bảo vệ nghiêm ngặt, bởi đây là nơi sinh sống của nhiều loại sinh vật thủy sinh nhưng chất dinh dưỡng cực cao trong nước thải đang tạo ra sự phát triển nhanh chóng của nấm, khiến các sinh vật sống trong sông bị ngạt.

Các nhà đấu tranh môi trường cho rằng công ty xử lý nước thải đáng lẽ phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng để ngăn chặn tình trạng hệ thống cống ngập, tràn nước thải xuống sông khi mưa lớn.

Nguồn: Bnews; VOA; Người Đưa Tin; Soha; VTV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang