EU: Chia rẽ về AI; Giá khí đốt tự nhiên tăng; Đánh thuế ngũ cốc Nga-Belarus; Nới tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; Trừng phạt Hamas

NGƯỜI DÙNG CHÂU ÂU CHIA RẼ VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

Một nghiên cứu mới đây cho thấy người dùng ở châu Âu đang chia rẽ mạnh mẽ về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).

Tập đoàn tài chính ING (Hà Lan) vừa công bố kết quả khảo sát nghiên cứu được thực hiện tại một số nước châu Âu để đánh giá nhận thức của người dùng đối với sự phát triển của AI. Tiến hành tại Bỉ, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ, với khoảng 1.000 người tham gia trả lời được chọn lựa dựa trên tính toán nhân khẩu học.

Nguy hiểm hay không?

Trong đó, trả lời câu hỏi "AI là mối nguy hiểm cho xã hội", thì số người "rất đồng ý" chiếm 13%, "đồng ý" chiếm 25%. Ở chiều ngược lại của câu hỏi này thì có 7% "rất không đồng ý" và 16% "không đồng ý". Còn lại khoảng 39% chọn "cửa giữa". Với câu hỏi: "AI là cơ hội cho xã hội", có tổng cộng 54% người trả lời "đồng ý" và "rất đồng ý", tổng số bác bỏ chỉ 12% và có 34% không đồng ý mà cũng không bác bỏ.

Qua cuộc khảo sát, ING cũng muốn đánh giá về nhận thức của người dùng sau khi việc tiếp cận của các công cụ AI tổng hợp với công chúng rộng rãi hơn - đặc biệt là ChatGPT vốn đã hoạt động được hơn một năm nay. Khi được hỏi về mức độ quen thuộc người dùng với những công cụ này, 45% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng công cụ AI trong cuộc sống riêng tư ít nhất một lần trong 6 tháng qua và có 47% (trong số những người đang đi làm) cũng cho biết ít nhất 1 lần sử dụng AI trong 6 tháng qua cho công việc.

Những người đã sử dụng các công cụ AI tổng quát trong công việc ít nhất 1 lần trong 6 tháng qua dường như hài lòng với trải nghiệm ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đó, 25% nêu bật tính dễ sử dụng và có 17% hoặc phải mất một thời gian để làm quen với AI hoặc nhanh chóng từ bỏ, 28% nhận thấy rằng kết quả tốt hơn mong đợi và có 9% nhận xét ngược lại, 35% đánh giá các công cụ AI tổng quát đã giúp họ tiết kiệm thời gian nhưng có 6% cho rằng AI khiến tốn nhiều thời gian hơn.

Đặc biệt, theo kết quả cuộc khảo sát trên, những đánh giá về tác động của AI đối với thị trường việc làm nhìn chung khá bi quan. 39% số người trả lời cho rằng xét về tổng thể, việc sử dụng rộng rãi AI sẽ làm giảm nhiều lao động hơn so với số lao động mà AI tạo ra. Trong khi đó, có 22% kỳ vọng rằng số việc làm do AI tạo ra sẽ tương đương với số việc làm bị mất đi vì AI. Chỉ có 15% số người trả lời tỏ ra lạc quan rằng số công việc do AI tạo ra sẽ nhiều hơn số công việc bị mất đi. Và có 8% cho rằng AI không tác động gì đến thị trường lao động, có đến 15% "không có nhận xét".

Sửa luật bảo vệ người tiêu dùng phù hợp kỷ nguyên AI

Tờ Bangkok Post ngày 18.3 đưa tin Hội đồng Người tiêu dùng Thái Lan (TCC) vừa kêu gọi chính phủ nước này thay đổi Đạo luật Bảo vệ Người tiêu dùng để phù hợp với các xu hướng công nghệ đang phát triển, đặc biệt là AI... Thông cáo do TCC đưa ra nhấn mạnh: "AI có trách nhiệm và công bằng cho người tiêu dùng". Qua đó, tổ chức này muốn việc thay đổi luật tập trung vào các hành vi do các nền tảng được điều khiển bởi AI, bao gồm thông tin sai lệch, vi phạm quyền riêng tư…

Tờ báo dẫn lời Tổng thư ký TCC Saree Aungsomwang cho biết Ủy ban Bảo vệ Người tiêu dùng của Hạ viện Thái Lan đang xem xét soạn thảo một dự luật nhằm giải quyết vấn đề AI.

GIẢI MÃ ĐỢT TĂNG GIÁ KHÍ ĐỐT LIÊN TIẾP Ở CHÂU ÂU

Giá khí đốt ở châu Âu ngày 18.3 đã tăng liên tiếp ngày thứ 4, chuỗi tăng dài nhất kể từ cuối tháng 1.2024 do cắt giảm nguồn cung từ cơ sở Freeport LNG của Mỹ và các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga.

Theo Bloomberg, giá khí đốt tăng gần đây tới từ việc lượng hàng của nhà máy xuất khẩu LNG Freeport ở Texas, Mỹ tiếp tục giảm do một dây chuyền sản xuất ngừng hoạt động trong thời gian ngắn vào cuối tuần. Và ở Na Uy, sự cố ngừng hoạt động ngoài dự kiến ​​đang làm giảm lượng xuất khẩu khí đốt qua đường ống.

Giá khí đốt cũng đang theo sát những diễn biến trong hợp đồng dầu khí sau các cuộc tấn công của Ukraina vào các nhà máy lọc dầu của Nga làm tăng "nhiệt độ địa chính trị", Ole Sloth Hansen - người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank A/S - chỉ ra.

Ông lưu ý, tình hình tại Freeport và các cuộc tấn công của Ukraina vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga "có lẽ là nguyên nhân chính”.

Sự cố ngừng hoạt động tại các cơ sở hóa lỏng khí đốt toàn cầu - từ Malaysia đến Mỹ - đang khiến thị trường lo lắng khi châu Âu sắp bước vào những tuần cuối cùng của mùa sưởi ấm. Dự kiến ​​nhiệt độ sẽ lạnh hơn bình thường trên khắp các khu vực Bắc Âu vào tuần tới, sau đó tăng cao hơn.

Ngoài ra, sức ép đang tăng ở Liên minh châu Âu về việc giảm nhập LNG của Nga trong năm nay, theo Ủy viên Năng lượng Kadri Simson.

EU SẼ ĐÁNH THUẾ ĐỐI VỚI NGŨ CỐC NHẬP KHẨU TỪ NGA, BELARUS

Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ đánh thuế đối với ngũ cốc nhập khẩu từ Nga và Belarus, động thái nhằm xoa dịu nông dân trong khối và một số quốc gia thành viên.

Ngày 19/3, tờ Financial Times dẫn những nguồn thạo tin cho biết Ủy ban châu Âu dự kiến trong những ngày tới sẽ triển khai sẽ áp thuế suất 95 euro (103,26 USD)/tấn đối với ngũ cốc từ Nga và Belarus, trong khi thuế 50% cũng sẽ được áp đặt đối với hạt có dầu và các sản phẩm từ chúng.

Gần đây, các nông dân trong khối EU đang kêu gọi thay đổi các hạn chế trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh về ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như kiến nghị các chính phủ áp thuế đối với nông sản nhập khẩu từ Ukraine, vốn được miễn thuế sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine năm 2022. Nông dân ở Ba Lan, Hungary và Slovakia cho rằng biện pháp hỗ trợ Kiev khiến nông sản của các nước này mất giá.

Những tuần qua, tại Ba Lan đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình phản đối liên quan đến các vấn đề này. Đối mặt với tình trạng này, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng kêu gọi EU cấm nhập khẩu nông sản của Nga và Belarus.

CHÂU ÂU NỚI LỎNG TIÊU CHUẨN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG NÔNG NGHIỆP

Ủy ban châu Âu vừa gửi 27 nước thành viên đề xuất danh mục cho phép nới lỏng một loạt quy định bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Động thái này được thực hiện sau hàng loạt cuộc biểu tình của nông dân trên khắp EU trong vài tháng qua với yêu cầu chính phủ các nước dỡ bỏ những hạn chế theo Sáng kiến Thỏa thuận Xanh châu Âu nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.

Đề xuất nới lỏng quy định bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp của Ủy ban châu Âu cho phép người nông dân linh hoạt hơn trong việc tuân thủ các quy định về chống ô nhiễm nguồn nước và xói mòn đất, trong khi vẫn tiếp tục nhận được các khoản hỗ trợ tài chính từ Quỹ nông nghiệp của Liên minh châu Âu.

Nông dân ở 27 quốc gia thành viên EU được khuyến khích duy trì các khu vực phi sản xuất có lợi cho đa dạng sinh học bằng cách chọn luân canh hoặc đa dạng hóa cây trồng, tùy theo điều kiện của từng quốc gia và từng hộ sản xuất.

Một số loại cây trồng được miễn các quy định về canh tác, che phủ đất hay luân canh. Ngoài ra, các miễn trừ có thể được áp dụng trong điều kiện thời tiết bất lợi và những trang trại sản xuất nhỏ dưới 10 ha sẽ không bị kiểm soát hay bị phạt.

Đề xuất nới lỏng quy định bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp của Ủy ban châu Âu nhằm nâng cao vị thế người nông dân trong chuỗi cung ứng nông sản. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường cảnh báo đây là sự thụt lùi trong chính sách nông nghiệp chung của Liên minh châu Âu.

EU NHẤT TRÍ TRỪNG PHẠT CẢ HAMAS LẪN NHỮNG NGƯỜI ISRAEL HUNG HÃN Ở BỜ TÂY

Hôm thứ Hai 18/3, các ngoại trưởng thuộc Liên hiệp châu Âu đồng ý về nguyên tắc sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người định cư Israel vì đã tấn công người Palestine ở Bờ Tây và bổ sung các biện pháp trừng phạt đối với các thành viên của nhóm Hồi giáo Palestine Hamas.

Quyết định này đánh dấu lần đầu tiên 27 nước thành viên EU làm giống như Mỹ và Anh, nhất trí trừng phạt những người định cư Israel hay hành xử bạo lực.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói với các phóng viên sau khi các bộ trưởng họp ở Brussels: “Một thỏa hiệp cụ thể đã được thống nhất ở cấp độ những người làm việc và tôi hy vọng rằng điều này sẽ được tiếp tục cho đến khi sớm được thông qua hoàn toàn, nhưng các bên đã nhất trí về mặt chính trị”.

Trong khi quốc tế chủ yếu tập trung sự chú ý vào cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas từ Gaza và cuộc chiến tiếp theo sau của Israel, các quan chức châu Âu cũng bày tỏ lo ngại ngày càng nhiều về tình trạng bạo lực gia tăng đối với người Palestine ở Bờ Tây.

EU đã tạo ra một chế độ trừng phạt cụ thể nhằm vào Hamas sau cuộc tấn công của nhóm này vào Israel hôm 7/10.

Các nhà ngoại giao cho biết cơ chế này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Hamas trước khi trừng phạt những người định cư Israel.

Trình tự đó rất quan trọng đối với các thành viên EU thân với Israel, như Đức, Áo và Cộng hòa Séc, những nước muốn thể hiện rõ rằng họ không đánh đồng hai nhóm đó với nhau.

Các nhà ngoại giao cho hay Hungary đã phản đối mạnh mẽ nhất về các biện pháp trừng phạt nhằm vào những người định cư bạo lực, nhưng gần đây họ đã thay đổi lập trường.

Ông Borrell nói rằng các quốc gia trước đây từng ngăn chặn đề xuất này giờ đã quyết định bỏ phiếu trắng và danh sách những người sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt hiện chỉ cần thông qua về mặt thủ tục. Họ phải đối mặt với lệnh cấm đi lại và bị phong tỏa tài sản.

Những tranh cãi về các biện pháp trừng phạt được đề xuất cho thấy có sự chia rẽ về Trung Đông khi mà một số nước EU ủng hộ mạnh mẽ Israel trong khi những nước khác nghiêng về người Palestine nhiều hơn.

Nguồn: Thanh Niên; Lao Động; Báo Tin Tức; VTV; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang