EU: Dự trữ khí đốt giảm; Hỗ trợ 8 tỷ đô cho Ai Cập; Lập pháp kiện hành pháp; Rộng cửa ngoại giao; Macron lại gây sốc

DỰ TRỮ KHÍ ĐỐT Ở CHÂU ÂU GIẢM XUỐNG DƯỚI 60%; EU GIẢM PHỤ THUỘC VÀO NĂNG LƯỢNG CỦA NGA

Dự trữ khí đốt tại các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất (UGS) ở châu Âu đang ở mức thấp kỷ lục trong tháng 3 và đã giảm xuống dưới 60%.

Dự trữ khí đốt ở châu Âu giảm xuống dưới 60%

Theo đó, tổng lượng rút khỏi các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của Liên minh châu Âu (EU) kể từ đầu mùa sưởi ấm đã lên tới 49 tỷ m3. Trong khi giá khí đốt trên thị trường chứng khoán châu Âu được giao dịch ở mức khoảng 300 USD/1 nghìn m3.

Tuyến đường quá cảnh qua Ukraine vẫn là tuyến đường duy nhất cung cấp khí đốt của Nga tới các nước Tây và Trung Âu sau vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc. Nguồn cung cấp khí đốt của Nga đi qua Ukraine đã giảm với khối lượng kể từ tháng 5/2022, khi các công ty của Kiev thông báo ngừng trung chuyển đến châu Âu qua trạm nén.

Ngoài ra, suy thoái toàn cầu trong hoạt động sản xuất kể từ năm 2022 cũng là một trong những nguyên nhân chính tác động đến nhu cầu khí đốt của ngành công nghiệp, đặc biệt là ở châu Âu.

Một yếu tố quan trọng khác khiến giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu giảm mạnh trong thời gian gần đây là do các nước EU đang tăng cường sử dụng những nguồn năng lượng tái tạo cũng như thúc đẩy điện hạt nhân.

EU giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga

Theo chuyên gia năng lượng và khí hậu Ignacio Urbasos Arbeloa thuộc Viện Hoàng gia Elcano (Tây Ban Nha), đến nay EU đã giảm 80% lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga bằng đường ống mà không cần phải từ bỏ hỗ trợ chính trị, kinh tế và quân sự cho Ukraine. Trước đó, Nga chiếm 42% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của châu Âu vào năm 2021, tỷ lệ này đã giảm xuống 14% vào năm 2023 (5,3% với khí tự nhiên hóa lỏng LNG và 8,7% với khí đốt qua đường ống).

Giới chuyên gia cho rằng, nhờ phát triển năng lực mới để nhập khẩu LNG và xây dựng các kết nối, EU đã bước sang một giai đoạn mới trong quá trình giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, xoa dịu lo ngại về tình trạng thiếu nhiên liệu. EU cũng đề ra kế hoạch REPowerEU, xác định rằng đến năm 2027 sẽ ngừng mua khí đốt Nga.

Tuy nhiên, trong khi các nước châu Âu đang thực hiện kế hoạch đa dạng hóa và duy trì mục tiêu năm 2027, Hungary đã thể hiện ý định tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga bằng cách ký các hợp đồng dài hạn mới.

Mặc dù quan điểm của Chính phủ Hungary đối với Nga vẫn là ngoại lệ ở EU, nhưng lại đặt ra một tiền lệ có thể làm suy yếu quyết tâm của các quốc gia thành viên để lựa chọn tiếp tục nhận khí đốt của Nga qua đường ống Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream).

EU CÔNG BỐ GÓI TÀI TRỢ 8 TỶ USD CHO AI CẬP

Hôm nay (17/3), phái đoàn Liên minh châu Âu sẽ làm việc với chính phủ Ai Cập, đồng thời công bố gói tài chính viện trợ trị giá 7,4 tỷ euro, tương đương hơn 8 tỷ USD nhằm mục đích củng cố nền kinh tế của nước này trước hậu quả của hai cuộc xung đột ở Dải Gaza và Sudan.

Theo dự kiến, phái đoàn EU bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, Thủ tướng Bỉ, Alexander de Croo, Thủ tướng Hy Lạp, Kyriakos Mitsotakis và Thủ tướng Italia, Georgia Meloni sẽ làm việc với tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sissi tại thủ đô Cairo. Nhân dịp này, EU sẽ đề xuất viện trợ cho Ai Cập gói tài chính trị giá 7,4 tỷ Euro dưới dạng các khoản tài trợ và khoản vay. EU cho biết quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại tình hình leo thang ở Dải Gaza và Sudan có thể làm gia tăng những thách thức mà nền kinh tế Ai Cập đang gặp phải và gây ra áp lực di cư tại châu Âu. Nếu đồng ý, Cairo sẽ có thể nhận ngay lập tức khoản hỗ trợ trị giá 1 tỷ Euro (1,1 tỷ USD) và nhiều gói viện trợ khác từ nay cho đến 2027.

Ai Cập đã nhận được số tiền tài trợ 240 triệu Euro (260 triệu USD) trong giai đoạn 2021-2024 từ Liên minh châu Âu để phục hồi kinh tế, đầu tư phát triển xanh và bền vững. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi nhiều cuộc xung đột, kinh tế Ai Cập đang có dấu hiệu đáng lo ngại và bên bờ vực phá sản với tổng các khoản nợ nước ngoài lên tới 164,5 tỷ USD.

Ngoài ra, tình hình căng thẳng tại Dải Gaza cũng sẽ là một chủ đề được quan tâm tại buổi làm việc lần này. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sissi chia sẻ : “Chúng tôi đang cố gắng hết sức... để đạt được lệnh ngừng bắn ở dải Gaza nhằm bảo vệ và cứu người dân ở Gaza, đặc biệt là những thường dân vô tội.”

Về phần mình, Thủ tướng Italia nhấn mạnh sẽ làm việc với Ai Cập về vấn đề di cư. Theo bà Georgia Meloni, Ai Cập sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống nhập cư của châu Âu. Đây sẽ là một trong những trụ cột chính của “Kế hoạch Mattei” được Thủ tướng Italia công bố hồi tháng 12/2022.

LẬP PHÁP KIỆN HÀNH PHÁP

Không phải là lần đầu tiên mà lại thêm một lần Ủy ban châu Âu bị phía Nghị viện châu Âu (EP) khởi kiện.

Lần này, Ủy ban châu Âu bị cáo buộc đã bất chấp quy định chung trong EU. Một trong những quy định chung hiện hành của EU là Ủy ban châu Âu không được giải ngân những gói tài chính từ ngân quỹ chung của EU cho những thành viên không tuân thủ nghiêm chỉnh, đầy đủ các luật pháp và quy định chung của EU về nhà nước pháp quyền.

Những cáo buộc hiện tại từ phía EP khiến EP kiện liên quan đến việc Ủy ban châu Âu quyết định giải ngân khoản tiền 10 tỉ euro cho Hungary trong khi phía EP cho rằng, Hungary chưa khắc phục hết những sai phạm đã được EP chỉ ra và yêu cầu về nhà nước pháp quyền.

Nếu đơn thuần chỉ là việc Ủy ban châu Âu giải ngân gói tài chính này cho Hungary thì chắc không dây mơ rễ má đến chuyện Ủy ban châu Âu bị kiện tụng. Ngay sau khi Hungary nhận được số tiền nói trên, thành viên này không còn phủ quyết gói viện trợ tài chính mới của EU dành cho Ukraina tại cuộc gặp cấp cao của EU hồi cuối tháng 12 năm ngoái. Phía EP nhìn nhận đấy là một cuộc mặc cả và đánh đổi giữa Ủy ban châu Âu và Hungary mà trong thực chất là bất chấp luật lệ và quy định chung hiện hành trong EU để phục vụ mục đích chính trị.

Kiện tụng nghe thì thấy tày đình nhưng ở lần này thì thật ra chỉ nặng về hình thức. Nguyên nhân là Tòa án châu Âu thường cần gần 20 tháng để xử những vụ kiện tụng xưa nay như thế giữa phe lập pháp và phía hành pháp trong EP. Ủy ban châu Âu thường có thừa thời gian để vận hành khiến cho phía EP rút lại khiếu kiện.

Chuyện lần này lại xảy ra vì thông thường cứ có dịp là phía EP lại thể hiện quyền lực đối với phía Ủy ban châu Âu và vì lý do thời điểm. Sắp tới sẽ có cuộc bầu Nghị viện châu Âu và sẽ có vận động tranh cử quyết liệt mà phê trách và làm găng với Ủy ban châu Âu vốn luôn là một con chủ bài vận động tranh cử rất đắc dụng đối với các vị dân biểu trong EP muốn tái đắc cử.

MỆT MỎI VÌ XUNG ĐỘT, 'RỘNG CỬA' CHO NGOẠI GIAO?

Ngày mai, 17/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cùng các Thủ tướng Hy Lạp, Italy và Bỉ sẽ đến Ai Cập để cung cấp hỗ trợ kinh tế, đồng thời nỗ lực củng cố liên minh chống lại hệ quả từ các vấn đề khu vực.

Giao tranh ở Dải Gaza, nội chiến ở Sudan, sụt giảm doanh thu từ kênh đào Suez và ngành du lịch cùng với các vấn đề khác đã và đang đặt ra những rủi ro nghiêm trọng đối với chính phủ của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và Liên minh châu Âu (EU).

Bất kỳ sự bất ổn nào ở Ai Cập sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho khu vực, bao gồm làn sóng người tị nạn. Hiện quốc gia Bắc Phi này đã tiếp nhận gần 500.000 người tị nạn từ Sudan.

Thực trạng người Palestine rời Dải Gaza sẽ tạo ra thêm áp lực cho chính phủ Ai Cập và làm gia tăng số lượng người tị nạn đang hướng về châu Âu. Điều này lý giải tại sao người châu Âu muốn tránh tình hình tồi tệ nhất ở Ai Cập và ký kết thỏa thuận về quản lý người tị nạn và người nhập cư, tương tự thỏa thuận đã ký kết với Tunisia và Mauritania.

Hy Lạp sẽ phải đối mặt với thách thức trước mắt khi số lượng người từ Ai Cập đến tăng đột ngột. Trong ba tháng qua, khoảng 1.500 người, đa số là thanh niên, đã đến các đảo Gavdos và Crete, vượt quá tổng số trong năm 2023. Điều đó có nghĩa là người dân không thể sinh sống lâu dài trong các điều kiện ở đất nước kim tự tháp.

Tình hình dự báo sẽ trở nên khó khăn hơn đối với người tị nạn và người nhập cư. EU kỳ vọng vào việc cung cấp 7,4 tỷ Euro (dưới dạng viện trợ và cho vay đến cuối năm 2027) để hỗ trợ chính phủ trong việc giải quyết hậu quả của các vấn đề khu vực.

Tuy nhiên, tài chính và cam kết mới chỉ là một phần của giải pháp. Điều này đòi hỏi sự tham gia ngoại giao và quân sự mạnh mẽ từ phía EU để ngăn chặn tình hình leo thang ở Dải Gaza và Biển Đỏ. Dựa vào kết quả trên, những nỗ lực của EU cho đến nay vẫn chưa đủ.

Mối quan hệ nồng ấm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã tăng cường sức ảnh hưởng của Ankara tại Cairo và Libya, đồng thời gây ra sự phức tạp trong quan hệ giữa Hy Lạp và Ai Cập. Tuy nhiên, sự tham gia trực tiếp của EU tại Ai Cập đã mang lại trọng lượng chính trị cho Hy Lạp - một điều vô cùng quý giá.

TỔNG THỐNG PHÁP LẠI GÂY SỐC VỀ CHIẾN DỊCH TRÊN BỘ Ở UKRAINE

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông không loại trừ khả năng Paris có thể mở chiến dịch trên bộ ở Ukraine vào một lúc nào đó.

Phát ngôn liên quan đến chiến dịch trên bộ ở Ukraine được ông Macron đưa ra trong cuộc phỏng vấn công bố tối 16-3, vài ngày sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Đức và Ba Lan.

Cụ thể, ông Macron nói với tờ Le Parisien: "Có thể đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải tiến hành các chiến dịch trên bộ để chống lại lực lượng Nga. Pháp đủ sức để làm điều đó".

Đồng thời, Tổng thống Pháp khẳng định ông "không muốn và sẽ không chủ động".

Theo ông Macron, "nhiều nước châu Âu, không phải các nước nhỏ, ủng hộ đường lối của Pháp".

Ông Macron nói: "Chúng tôi sẵn sàng chuẩn bị cho bất kỳ kịch bản nào. Sẽ là sai lầm nếu không làm như vậy. Tôi chắc chắn rằng trong bất kỳ kịch bản nào, bất kỳ ai cũng sẽ phải chịu trách nhiệm, dựa trên mô hình mà họ lựa chọn".

Tháng trước, ông Macron từ chối loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine. Động thái này gây ra phản ứng từ Berlin và các nước châu Âu khác.

Những bất đồng về khả năng mở chiến dịch trên bộ và chuyển giao tên lửa tầm xa cho Kiev đang diễn ra giữa các đồng minh phương Tây của Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz không hài lòng trước việc ông Macron trước đó từ chối loại trừ khả năng gửi quân tới Ukraine.

Ông Macron đã gặp lãnh đạo Đức và Ba Lan tại Berlin vào ngày 15-3, để thể hiện tình đoàn kết.

Sau cuộc gặp, ông Macron cho biết 3 quốc gia đều "đoàn kết" với mục tiêu "không bao giờ để Nga chiến thắng và hỗ trợ người dân Ukraine cho đến cùng".

Liên quan đến Ukraine, theo hãng tin TASS ngày 17-3, Tổng thống Pháp cho biết ông sẵn sàng thảo luận các cách thức giảm leo thang cuộc khủng hoảng Ukraine với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Ông Macron nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Ukraine: "Tôi sẽ nhấc máy (nếu ông Putin gọi). Bởi vì tôi cảm thấy đây là nghĩa vụ của mình. Và tôi sẽ lắng nghe những gì ông ấy đề xuất. Vai trò của Pháp là trụ cột của cuộc xung đột. Một mặt, chúng ta phải cung cấp cho Ukraine mọi thứ cần thiết để nâng cao năng lực phòng thủ. Thế nhưng mặt khác, chúng ta phải thúc đẩy việc giảm leo thang".

Ông Macron nhấn mạnh: "Chúng ta cần đạt được một nền hòa bình công bằng lâu dài".

Theo TASS, Tổng thống Putin trước đó cho biết Moscow sẵn sàng hợp tác với Paris nếu Paris quan tâm đến việc này. Theo Tổng thống Nga, ông từng có quan hệ làm việc tốt với ông Macron nhưng bị nhà lãnh đạo Pháp làm gián đoạn.

Nguồn: Công Thương; VOV; Lao Động; Báo Quốc Tế; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang