Người Việt hải ngoại: Nữ tiến sĩ ở Đan Mạch; Sinh hoạt tôn giáo ở Lào; Cô gái đầu tiên vào vũ trụ; 5 người chết vì nhập cư lậu vào Anh

NỮ TIẾN SĨ VÀ KHÁT KHAO MANG DỰ ÁN CHẨN ĐOÁN UNG THƯ SỚM TỪ ĐAN MẠCH VỀ NƯỚC

Dù đã có nhiều thành công tại đất nước Đan Mạch, nhưng TS Nguyễn Thị Thu Hiền vẫn mong muốn mang dự án chẩn đoán sớm ung thư tại đây về phát triển ở Việt Nam.

Trong suốt nhiều năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, TS Nguyễn Thị Thu Hiền - Nhà khoa học lâm sàng cao cấp/Chuyên gia cao cấp về Sinh Y tại Bệnh viện Đại học Aalborg Đan Mạch luôn khát khao được giúp bệnh nhân ung thư tại Việt Nam có thể tiếp cận các phương pháp chẩn đoán sớm với giá rẻ.

Chị Hiền tâm niệm rằng mình người Việt Nam, được hưởng nền giáo dục từ Việt Nam nên luôn biết ơn mảnh đất nơi mình sinh ra, không thể chối bỏ nguồn gốc. Do đó, những năm tháng tuổi trẻ chị đã quyết định đi ra nước ngoài để phát triển chuyên môn, rồi mang tri thức đã tích luỹ được trở lại để cảm ơn quê hương.

Tại Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024" ở Paris (Pháp), chị Hiền hy vọng những người làm trong lĩnh vực y tế sẽ tìm được tiếng nói chung để giúp mạng lưới tại Việt Nam phát triển tốt hơn.

Mở rộng mô hình chẩn đoán sớm ung thư về Việt Nam

Trong quá trình nghiên cứu và làm việc tại bệnh viện Đại học Aalborg Đan Mạch, chị Hiền cùng đồng nghiệp thực hiện nhiều dự án thành công. Trong đó có dự án chẩn đoán giai đoạn điều trị phù hợp dành cho bệnh nhân bị viêm gan B mãn tính.

Đối với một bệnh nhân bị viêm gan B mãn tính, nếu không tầm soát/điều trị sẽ phát triển thành xơ gan và ung thư gan, nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời, chi phí điều viêm gan B mãn tính cả đời tại Đan Mạch rất đắt đỏ. Mỗi một bệnh nhân viêm gan B mãn tính tại đây phải chi trả phí điều trị ít nhất từ 3,6 - 8 tỷ đồng.

Do đó, nhóm nghiên cứu của chị Hiền đã quyết định tìm ra phương pháp chẩn đoán giai đoạn điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

"Hiện dự án này đang áp dụng thử nghiệm tại bệnh viện Đại học Aalborg Đan Mạch và có tỷ lệ chính xác đến 99,99%. Vì chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào chẩn đoán sai, nhưng trong chẩn đoán thì khó tránh khỏi những sai sót và chúng tôi vẫn để ngỏ khả năng mình có thể sai", chị Hiền cho hay.

Đặc biệt, hầu hết những người bắt đầu điều trị viêm gan B phải tiếp tục điều trị suốt đời. Người ta ước tính rằng 12–25% số người bị nhiễm viêm gan B mãn tính sẽ cần điều trị, tùy thuộc vào bối cảnh và tiêu chí đủ điều kiện.

Ở những nơi có thu nhập thấp, hầu hết những người mắc bệnh ung thư gan đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và tử vong trong vòng vài tháng sau khi được chẩn đoán. Ở các nước có thu nhập cao, bệnh nhân đến bệnh viện sớm hơn và được tiếp cận với phẫu thuật và hóa trị, có thể kéo dài sự sống từ vài tháng đến vài năm. Ghép gan đôi khi được sử dụng ở những người bị xơ gan hoặc ung thư gan ở các nước có công nghệ tiên tiến với mức độ thành công khác nhau.

Nhận thấy ở Đan Mạch việc tầm soát viêm gan B mãn tính rất tốt, ít có bệnh nhân bị xơ gan và ung thư gan phát triển từ viêm gan B mãn tính, chị Hiền cùng đồng nghiệp quyết định tiếp tục phát triển một dự án mới - dự án chẩn đoán ung thư sớm kết hợp cùng Việt Nam.

"Phương pháp của chúng tôi là sau khi sử dụng phương pháp từ tính hạt nhân sẽ chuyển sang một thiết bị mới ở tất cả bệnh viện của Việt Nam có thể sử dụng được với giá cả phải chăng. Tôi nghĩ tính khả thi khi thực hiện dự án này tại Việt Nam khá cao", chị Hiền nói.

Hiện tại, dự án đang được ba bên phối hợp cùng triển khai, bao gồm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trường Đại học Phenikaa và Bệnh viện Đại học Aalborg Đan Mạch. Trong dự án sẽ có hai phương pháp khác nhau, một phương pháp triển khai tại Việt Nam và một phương pháp triển khai tại Đan Mạch để sử dụng công nghệ cao, điều Việt Nam chưa có được.

"Chắc hẳn sẽ có nhiều người thắc mắc tại sao chúng tôi không thực hiện toàn bộ dự án tại Việt Nam mà lại phải thực hiện cả ở Đan Mạch. Do ở thời điểm hiện tại, các công cụ nghiên cứu công nghệ cao chỉ có ở Đan Mạch, nên chúng tôi phải nghiên cứu ở hai đất nước.

Đồng thời, vì tôi là người Việt Nam, nên tôi cố gắng mang những công nghệ tiên tiến về áp dụng tại Việt Nam và có thể sử dụng tại quê hương mình, để đem lại những lợi ích thiết thực cho những bệnh nhân", chị Hiền bày tỏ mong muốn.

Phương pháp chẩn đoán ung thư gan giá rẻ

Theo số liệu tính toán năm 2022 từ Global Cancer Observatory (Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), Việt Nam có 24.502 ca mới bị ung thư gan, trong đó 23.333 bệnh nhân ung thư gan tử vong. Trên 80% bệnh nhân ung thư gan tiến triển từ virus viêm gan B. Tuy nhiên, các ca bệnh ung thư gan tới khám ở giai đoạn muộn. Nhiều bệnh nhân ung thư gan không có triệu chứng gì, đến viện thì đã ở giai đoạn rất nặng, do đó cơ hội điều trị và tỉ lệ sống không còn cao.

"Điều tôi muốn là tất cả người dân bị viêm gan B mãn tính đều có cơ hội chẩn đoán và được điều trị sớm hơn. Đồng thời, chúng tôi muốn hướng tới mức giá mọi người dân Việt Nam có thể tiếp cận được. Vì chúng tôi làm không phải phục vụ cho mục đích kinh doanh. Từ đó, họ sẽ đảm bảo được mạng sống của mình", chị Hiền chia sẻ.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu của chị Hiền đã tìm kiếm được bộ chỉ thị sinh học bằng phương pháp từ tính hạt nhân và đang viết báo và tối ưu phương pháp để chuyển tải sang thiết bị bình thường, sao cho bệnh viện Việt Nam có thể áp dụng được. Thiết bị này sẽ phân tích trong 40 phút và cho ra kết quả chỉ thị sinh học để phát hiện sớm ung thư.

Về lý thuyết, sau khi Đan Mạch nghiên cứu xong, trường Đại học Phenikaa sẽ tiếp tục khẳng định một lần nữa, xem phương pháp trên có thực hiện được tại Việt Nam không.

Nhóm nghiên cứu của chị Hiền cũng đang tiếp tục thực hiện nhiều dự án khác tại Đan Mạch là áp dụng công nghệ từ tính hạt nhân để phân tích toàn bộ trao đổi chất trong nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư tuyến tuỵ, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng...

Theo chị Hiền, lĩnh vực “metabolomics” (chuyển hóa), trong đó một số lượng lớn các chất chuyển hóa phân tử nhỏ từ dịch cơ thể hoặc mô được phát hiện định lượng trong một bước duy nhất, hứa hẹn tiềm năng to lớn để chẩn đoán sớm, theo dõi điều trị và tìm hiểu cơ chế bệnh sinh của nhiều bệnh là lĩnh vực rất sôi động trong 20 năm trở lại đây ở trên thế giới, nhưng ở Việt Nam có vẻ rất mới.

"Dự án chúng tôi làm với bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có lẽ là dự án đầu tiên ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm trong tất cả loại ung thư khác, để phát triển giống như sử dụng chẩn đoán gen", chị Hiền thông tin.

Sử dụng công nghệ từ tính hạt nhân để phân tích hệ trao đổi chất trong máu của bệnh nhân viêm gan B mãn tính, bệnh nhân COVID-19, hay của những người chơi game dài tiếng là những dự án đã thành công tại bệnh viện Đại học Aalborg Đan Mạch - nơi chị Hiền làm việc. Phương pháp này hoàn toàn không xâm lấn, nó hoạt động giống như kiểm tra sức khỏe, lấy máu xong rồi đem đi kiểm tra.

Với cách làm này, một phân tích cho 350 microlite huyết tương hay huyết thanh, có thể xác định được 250 chất khác nhau, chúng ta có thể nhìn xem những chất nào có sự khác biệt rất rõ với nhóm bệnh nhân không bị ung thư. Ví dụ như ung thư sẽ có những chất biến đổi cao lên hoặc thấp xuống. Một tập hợp các chất chỉ thị có độ ảnh hưởng đến việc phân tách nhóm bệnh được dùng để làm công cụ chẩn đoán.

Trong chẩn đoán ung thư gan thì sinh thiết vẫn được xem là phương pháp vàng. Tuy nhiên, có rất nhiều rủi ro, cứ 1/10.000 người sinh thiết sẽ có một bệnh nhân bị chết, 84 % bệnh nhân khi sinh thiết bị chảy máu và phương pháp sinh thiết phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật của người làm sinh thiết.

"Đó là lí do vì sao chúng tôi tìm đến phương pháp sử dụng từ tính hạt nhân để phân tích hệ trao đổi chất trong cơ thể bằng cách lấy máu, không phải sinh thiết hay sử dụng các phương pháp xâm lấn khác", chị Hiền nhấn mạnh.

Gia đình là động lực lớn nhất

Ngoài làm việc tại Bệnh viện Đại học Aalborg Đan Mạch, chị Hiền còn là Ủy viên Ban chấp hành liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu, Phó Chủ tịch hội chuyên gia và tri thức người Việt tại Đan Mạch, Giám đốc của mạng lưới Y tế của của AVSE Global, cố vấn chương trình Dẫn dắt tài năng (Lead The Talent) Đan Mạch),...

Để có thể thực hiện cùng lúc nhiều công việc như vậy thì gia đình là sự hỗ trợ và đồng hành không thể thiếu đối với chặng đường mà chị Hiền đã đi qua. Đối với chị, nếu không có sự hỗ trợ từ chồng và hai con chị khó có thể đạt được nhiều thành công như vậy. Và chị rất biết ơn chồng và hai con chị vì điều đó.

"Tôi và chồng cùng có chung tâm nguyện hướng về Việt Nam. Nếu như vợ chồng một người nhìn hướng Đông, một người nhìn hướng Tây sẽ rất khó làm và không nhân đôi được sức mạnh. Đồng thời, chồng tôi luôn muốn các thành viên trong gia đình phải làm việc giống như một nhóm (Teamwork), cùng nhau làm mọi việc, phân công công việc một cách rõ ràng, và hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ tôi đưa con đi học ngoại khoá muộn thì chồng sẽ ở nhà nấu ăn", chị Hiền kể về gia đình.

Tuy nhiên, chị Hiền cũng không thể tránh khỏi những khó khăn khi cùng lúc đảm nhận nhiều công việc. Trong giai đoạn phát triển nhất của sự nghiệp, nữ chuyên gia y sinh chấp nhận đi chậm hơn một bước để thực hiện trọn vẹn thiên chức làm mẹ, giữ lửa cho gia đình.

"Tôi biết cách dừng lại, tôi luôn làm việc tận tâm nhưng không mang công việc về nhà, không quá tham vọng. Ở giai đoạn này, tôi chấp nhận đi chậm trong con đường sự nghiệp của mình. Tại vì giai đoạn này cả tôi và chồng đều đặt ưu tiên cho con, các con đã sắp bước vào tuổi trường thành. Chúng tôi không muốn đánh mất những khoảng thời gian quý giá đồng hành cùng con. Khi cả hai con trưởng thành tôi vẫn còn rất nhiều thời gian để phát triển theo đuổi sự nghiệp của mình. Khi gánh nặng không có nhiều, thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn", chị Hiền tâm sự.

Chị Hiền cũng cho biết thêm, việc chị tham gia vào nhiều tổ chức, cộng đồng có liên quan đến người Việt một phần do bản thân chị và chồng mong muốn đóng góp cho quê hương, mặt khác vợ chồng chị muốn các con của mình hướng về nguồn cội, gốc gác một cách tự nhiên nhất. Vì trẻ con sẽ làm theo những gì người lớn làm và sẽ không làm theo những gì người lớn nói.

"Nếu trẻ con nhìn thấy cha mẹ tự hào về nguồn gốc Việt Nam, rất yêu Việt Nam, thấy những điểm tốt đẹp về Việt Nam hàng ngày thì tôi tin tự nhiên con cái mình sẽ yêu gốc gác, nguồn cội Việt Nam của con. Biết đâu sau này con cũng sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho Việt Nam. Vợ chồng tôi đều nghĩ rằng, khi con cái có một gốc rễ sâu, thì con mới phát triển tốt được.", chị Hiền cho hay.

Đối với bản thân chị Hiền, những điều mình cho đi nếu không mong cầu gì thì sẽ mang lại cho mình rất nhiều hạnh phúc. Còn những điều mình cứ cho đi xong chờ ngày được đền đáp thì không bền vững.

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI LÀO VÀ THÓI QUEN SINH HOẠT TÔN GIÁO

Dù ở ngành nghề nào, những người Việt trên đất Lào trong quá trình làm việc, sinh sống luôn có những hoạt động tôn giáo không chỉ hướng về quê hương mà còn góp phần tô đẹp văn hóa của người Việt trên đất Lào.

Bà Nguyễn Ngọc Anh, 66 tuổi, đang sinh sống và buôn bán ở huyện UThumPhone, tỉnh Savannakhet, Lào, bên cạnh việc bán hàng tại chợ còn dành nhiều thời gian đến sinh hoạt tôn giáo tại các ngôi chùa. Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, cuộc sống khó khăn khiến bà phải vất vả lo toan nhiều, niềm vui lớn nhất của người phụ nữ này chính là khoảng thời gian tham gia sinh hoạt tôn giáo tại các ngôi chùa.

Bà Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ: "Khi nào có thời gian rảnh tôi sẽ đi chùa, hoặc khi nào nhà chùa cần giúp việc gì thì tôi sẽ tới. Tôi đi chùa Lào thì thường buổi sáng sẽ tham gia nghi lễ khất thực, còn buổi trưa sẽ làm các món ăn để cúng dường cho các chư tăng trên chùa". Nghi lễ khất thực hay tiếng Lào gọi là “Tak Bat” là một truyền thống lâu đời trong văn hóa Phật giáo tại Lào. Đây được xem là một khoảnh khắc độc đáo, rất xúc động và vô cùng thiêng liêng đối với người dân địa phương. Từ sáng sớm, các nhà sư khởi hành trên đôi chân trần, từ các ngôi chùa trong thành phố để nhận đồ ăn trong ngày từ người dân. Với những người Việt sinh sống tại Lào như bà Nguyễn Ngọc Anh, được tham gia nghi lễ khất thực là điều vô cùng ý nghĩa.

Bà Triệu Thu Hồng, 54 tuổi, ở huyện UThumPhone, tỉnh Savannakhet, Lào là người Việt sinh ra và lớn lên trên đất nước Lào. Đối với bà Triệu Thu Hồng, khi con cái đã lớn và xây dựng gia đình riêng, thời gian rảnh bà thường lên chùa làm việc thiện để tu tâm tích đức cho con cháu đời sau. "Tôi nghĩ mình làm những việc lành thì tâm mình sẽ an lành, bất cứ chùa Việt hay chùa Lào có bảo mình đến phụ hoặc đi làm từ thiện thì mình cũng đi với các thầy", bà Triệu Thu Hồng cho biết.

Có thể nói bà Nguyễn Ngọc Anh hay bà Triệu Thu Hồng đều được tiếp xúc rất sớm với hai luồng văn hóa, tôn giáo Việt-Lào. Bởi Việt Nam và Lào có sự gắn bó mật thiết với nhau không chỉ trong cuộc sống mà cả trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Khác với chùa Việt, trong các ngôi chùa Lào, các nhà sư không ăn chay và cũng không nấu ăn vì thế bà Ngọc Anh hay bà Thu Hồng thường nấu canh măng (hay còn gọi là canh nò-mạy), một món đặc sản của Lào để đem đi cúng dường.

Đại đức Nguyễn Văn Đức, Trụ trì chùa Pháp Hoa, huyện UThumPhone, tỉnh Savannakhet cho biết: "Các tăng ni đến chùa với hy vọng tu dưỡng. Người Việt đi chùa cũng rất đông, điều này cho thấy sự gắn bó mật thiết trong mối quan hệ Việt - Lào". Những hoạt động văn hóa, tâm linh, tôn giáo của các ngôi chùa tại Lào không chỉ thu hút đông đảo cộng đồng người Việt Nam và người Lào tham gia, mà còn là nơi tập hợp, đoàn kết bà con, động viên và hỗ trợ bà con gìn giữ tiếng Việt và bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về cội nguồn, đất nước, quê hương, đồng thời thúc đẩy vai trò cầu nối quan hệ hữu nghị nhân dân và Phật giáo giữa hai nước Việt Nam-Lào anh em.

CÔ GÁI VIỆT ĐẦU TIÊN BAY VÀO VŨ TRỤ: NUÔI ƯỚC MƠ THÀNH HIỆN THỰC

Amanda Nguyễn dành gần 1 thập kỷ để đấu tranh đòi quyền lợi cho những nạn nhân bị hiếp dâm, giờ đây cô đang chạm tới ước mơ của cả cuộc đời mình, chinh phục vũ trụ.

"Du hành vào không gian, khám phá vũ trụ là giấc mơ của cả đời tôi và nó đang trở thành hiện thực. Khi còn nhỏ, tôi luôn bị mê hoặc bởi các vì sao và cách chúng dẫn đường cho chúng ta.

Các ngôi sao đã hướng dẫn gia đình tôi qua nhiều thế hệ và giờ tôi rất vui mừng được khám phá chúng gần hơn trong không gian", Amanda Nguyễn (32 tuổi) bắt đầu câu chuyện với phóng viên báo Dân trí.

Tới đây cô sẽ là người phụ nữ gốc Việt và người phụ nữ Đông Nam Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Đó là ước mơ cả đời cô - du hành vào vũ trụ, trở thành một phi hành gia.

Cách đây 11 năm, Amanda Nguyễn (khi đó 21 tuổi) đang hạnh phúc trong những năm tháng cuối cùng của thời sinh viên, cùng với vô vàn những trải nghiệm ý nghĩa tại một trong những ngôi trường đại học hàng đầu thế giới - Đại học Harvard (Mỹ). Một biến cố lớn bất ngờ ập đến cuộc đời cô.

Cô sinh viên ngành an ninh quốc gia và vật lý thiên văn của Đại học Harvard là nạn nhân của một vụ hiếp dâm xảy ra trong chính khuôn viên ngôi trường của mình.

Trên hành trình tìm kiếm công lý, cô nhận ra có quá nhiều gian khổ và sự bất công, buộc Amanda Nguyễn phải lựa chọn giữa việc đấu tranh tìm lẽ phải và ước mơ của mình.

Công lý khiến cuộc sống trên Trái Đất trở thành nơi tốt đẹp

Amanda Nguyễn đã phải trải qua một hành trình dài đấu tranh tìm công lý, với vô vàn gian nan, một cô sinh viên bé nhỏ đã dũng cảm chiến đấu để viết lại Luật của một đất nước siêu cường hàng đầu thế giới.

Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, Amanda Nguyễn nhớ lại: "Sau khi tôi bị cưỡng hiếp, Trung tâm xử lý khủng hoảng nạn nhân bị hiếp dâm ở bang Massachusetts đã thu thập bộ dụng cụ chuyên dụng để thu bằng chứng tấn công tình dục (rape-kit) của tôi. Chúng được cho là đã bị tiêu hủy sai trái, vì bang Massachusetts thường xuyên tiêu hủy bộ dụng cụ sau 6 tháng, mặc dù thời hiệu lên tới 20 năm".

Amanda Nguyen, người sáng lập Rise, một tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ quyền của nạn nhân bị tấn công tình dục, phát biểu tại Điện Capitol ở Washington. Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua một dự luật thiết lập một loạt các quyền cho những nạn nhân này, bao gồm quyền được thông báo về kết quả xét nghiệm pháp y và được lưu giữ bằng chứng (Ảnh: Redux).

Quy trình khám nghiệm liên quan đến nạn nhân bị tấn công tình dục có thể kéo dài nhiều giờ. Và nó khiến họ luôn phải sống trong cuộc đời giống như cái ngày bị cưỡng hiếp.

Cô sinh viên khi đó nhận ra rằng, sự bất công lớn nhất mà cô phải chịu đựng không phải là bản thân cô là nạn nhân của việc cưỡng dâm, mà đó là sự từ chối quyền lợi của mình sau đó.

Khi đối mặt với sự bất công này, Amanda Nguyễn buộc phải lựa chọn giữa việc: Chấp nhận sự bất công hoặc viết lại Luật.

"Tôi đã khóc hết nước mắt trong cuộc chiến này. Khóc vì tôi là con người và nó mang lại cho tôi sự thoải mái và an ủi, đặc biệt là mỗi khi cánh cửa đóng lại. Trước khi Dự luật bảo vệ những người sống sót sau khi bị hiếp dâm được Quốc hội Mỹ thông qua, chúng tôi đã bị từ chối nhiều lần và kéo dài trong khoảng thời gian rất dài. Song với quyết tâm đòi lẽ phải cho những nạn nhân, tôi liên tục phải tìm ra con đường mới hướng tới công lý.

Một điều tôi luôn nhớ chính là câu chuyện này không phải là của riêng mình, sự bất công mà tôi phải đối mặt cũng đang ảnh hưởng đến những người phụ nữ - là nạn nhân của tấn công tình dục trên toàn thế giới. Tôi tin chắc rằng, công lý không phụ thuộc vào địa lý hay nơi bạn sinh sống, nó dành cho tất cả chúng ta", cô bày tỏ.

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, cô đã được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình năm 2019 và là Người phụ nữ của năm do tạp chí TIME bình chọn vào năm 2022 (Ảnh: Time).

Dù hành trình tìm kiếm công lý của Amanda Nguyễn gặp nhiều khó khăn, nhưng cô luôn hướng đến những người phụ nữ đang phải đối mặt với sự bất công từ tấn công tình dục, điều đó khiến cô càng có thêm quyết tâm thực hiện điều này vì họ.

Năm 2014, Amanda Nguyễn đã thành lập Rise, một tổ chức phi lợi nhuận hợp tác với các cơ quan lập pháp để thực hiện quyền cho những người sống sót sau khi bị hiếp dâm.

"Tôi luôn có hy vọng. Hy vọng bảo tôi đừng bao giờ bỏ cuộc. Hy vọng khiến tôi khóc, đau buồn, nhưng nó luôn mở đường cho tôi tiến về phía trước. Vì vậy, tôi cùng với một nhóm người trong tổ chức cùng nhau viết Dự luật bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân bị xâm hại tình dục - với mục đích bảo vệ cho những người sống sót và cho phép họ tiếp cận các bộ rape-kit.

Sau những cố gắng, Dự luật được cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua, sau đó được Tổng thống Obama ký ban hành luật vào năm 2016", Amanda Nguyễn chia sẻ.

Hành trình ngoài Trái Đất

Gần 8 năm kể từ khi Quốc hội thông qua "Dự luật bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân bị xâm hại tình dục", Tổ chức phi lợi nhuận Space for Humanity đã tài trợ cho Amanda Nguyễn thực hiện chuyến du hành vũ trụ sắp tới, trên tên lửa Blue Origin New Shepard.

Khi Amanda Nguyễn chuẩn bị bắt tay vào cuộc hành trình lịch sử vào vũ trụ, câu chuyện đấu tranh tìm công lý của cô đóng vai trò là nguồn cảm hứng cho sức mạnh biến đổi của việc thay đổi chính sách.

Thông qua những thành tựu đột phá của mình, Amanda không chỉ phá vỡ định kiến mà còn truyền cảm hứng cho một thế hệ mới. Cô đã chứng minh rằng, không có trở ngại nào là không thể vượt qua trong quá trình theo đuổi ước mơ của mình.

Nói theo cách riêng của Amanda Nguyễn, cô nhắc nhở chúng ta rằng, dù cô có thể là người đầu tiên nhưng chắc chắn cô sẽ không phải là người cuối cùng thách thức những kỳ vọng và vươn tới các vì sao.

Khi cô vạch ra con đường xuyên vũ trụ, di sản của cô sẽ tiếp tục truyền cảm hứng và trao quyền cho các thế hệ mai sau, hành trình của Amanda Nguyễn không chỉ đơn thuần là một thành tựu đơn độc, nó còn là chất xúc tác cho sự thay đổi và tiến bộ lâu dài.

"Là một người luôn có ước mơ được du hành vũ trụ nhưng bị trì hoãn - giống như rất nhiều người, rất nhiều phụ nữ, đặc biệt là những người là nạn nhân của sự tấn công tình dục - đối với tôi, để có thể có cơ hội này, đồng nghĩa với việc chúng tôi đã tìm được công lý", Amanda Nguyễn chia sẻ.

Đây là chuyến bay nhằm tôn vinh di sản của Amanda Nguyễn - cô sẽ là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên và người phụ nữ Đông Nam Á đầu tiên bay vào vũ trụ.

"Tôi đã chọn cách trì hoãn ước mơ của mình để đấu tranh cho công lý và tôi vẫn giữ được con người tôi - là chính tôi - trước những tổn thương tột cùng. Tôi thực sự cảm thấy rất biết ơn tất cả mọi người đã luôn ủng hộ tôi", Emanda Nguyễn bộc bạch.

Theo Space for Humanity, ý tưởng cho Chương trình Phi hành gia Công dân nhằm khuyến khích những người mà tổ chức gửi trên các chuyến bay vào vũ trụ, họ sẽ sử dụng trải nghiệm thú vị trên hành trình vươn tới các vì sao để "thay đổi" thế giới khi trở về.

Giám đốc điều hành Space for Humanity, Antonio Peronace, cho biết: "Chuyến đi mới lạ của Amanda sẽ là một tấm gương sáng ngời cho vô số người khác. Với tư cách là một tổ chức cam kết dân chủ hóa không gian và giúp mọi công dân trên thế giới có thể tiếp cận nó, chúng tôi tự hào rằng, Amanda và hành trình của cô ấy đại diện cho sức mạnh, niềm đam mê và sự xuất sắc mà chúng tôi muốn tiếp tục đưa nó lên tầm cao mới".

Sau những nỗ lực đấu tranh tìm công lý không mệt mỏi, Amanda Nguyễn đang chuẩn bị thực hiện ước mơ cuộc đời mình (Ảnh: Amanda Nguyễn).

Gửi lời tri ân tới gia đình, Amanda Nguyễn xúc động: "Tôi sẽ không làm được điều này nếu không có gia đình.

Gia đình tôi luôn ủng hộ tôi, đặc biệt là gia đình ở Việt Nam. Họ dạy tôi coi trọng giáo dục và khuyến khích tôi theo đuổi ước mơ trở thành phi hành gia và tôi rất biết ơn vì họ đã luôn tin tưởng vào tôi".

Tại Viện Khoa học Hàng không Quốc tế, Emanda Nguyễn đã dành 3 năm để nghiên cứu và chuẩn bị cho chuyến đi vào không gian.

"Tôi phải trải qua quá trình đào tạo nghiêm ngặt để có thể trở thành phi hành gia trong tương lai. Từ việc học cách vận hành trong môi trường vi trọng lực, huấn luyện khẩn cấp bằng cách thoát khỏi tàu con thoi dưới nước. Đào tạo phi hành gia là một trải nghiệm vô cùng thử thách, nhưng nó cho tôi vô vàn kiến thức bổ ích và trải nghiệm thú vị", Amanda giãi bày.

Amanda Nguyễn nhìn lên bầu trời, ngắm những vì sao và biết rằng, nó có thể phải mất vài triệu năm để những hạt photon (ánh sáng) đó đến được đôi mắt của mình. Cô nhận ra rằng, so với tuổi của vũ trụ, con người chỉ tồn tại trên Trái Đất một thời gian ngắn ngủi như thế nào.

"Chúng ta hãy có niềm hy vọng", đó là thông điệp mà Amanda Nguyễn muốn gửi đến những bạn trẻ Việt Nam: "Ngay cả khi cánh cửa đóng lại, ngay cả khi có những lúc bạn cần phải chọn những con đường khác nhau, tôi hy vọng rằng bạn sẽ không bao giờ đánh mất ước mơ và bạn hãy đi theo ngôi sao Bắc Đẩu của cuộc đời mình (Sao Bắc Đẩu: chòm sao có vai trò quan trọng trong việc định hướng và định vị trên mặt đất).

ĐÃ CÓ 5 NGƯỜI THIỆT MẠNG KHI NHẬP CƯ LẬU VÀO ANH, 10 NGƯỜI KHÁC KHÔNG BIẾT ĐI ĐÂU

Dạt tới một khu rừng ở thành phố Calais thuộc miền bắc nước Pháp, một nhóm 10 người Việt vẫn đang mơ hồ không rõ mình sẽ đi đâu, chỉ biết mình đang nợ tiền và cần phải chạy trốn.

Phóng viên BBC đã có cơ hội nói chuyện với nhóm người này.

Qua trò chuyện, chúng tôi biết được những người này đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Hà Nội, Quảng Bình, Hà Tĩnh…

Theo lời một người đàn ông trong nhóm, họ đã vay nợ những kẻ côn đồ ở quê nhà và bây giờ cần phải chạy trốn. Ông cho biết mình nợ đến “cả tỷ đồng”.

Để chạy trốn, những người trong nhóm đã trả khoảng 150 triệu đồng cho những kẻ môi giới mà theo lời ông là người phương Tây và nói tiếng Anh.

Những kẻ này đã đưa ông và mọi người từ Việt Nam qua Trung Quốc, Mông Cổ, Nga và cuối cùng là tới châu Âu. Ông kể rằng đôi khi nhóm cứ đi thôi chứ cũng không biết mình đang ở đâu vì chẳng gặp ai khác cả.

Hiện nhóm đã di chuyển được gần hai tháng. Phương tiện đi lại bao gồm xe buýt, xe van và đã có lúc họ phải đi bộ qua nhiều cánh rừng.

Người đàn ông này cho biết nhóm mình có điện thoại di động nhưng không có SIM, do đó không thể truy cập Internet hay gọi điện. Thỉnh thoảng, những kẻ môi giới sẽ cho họ mượn điện thoại để liên lạc nhanh với gia đình ở Việt Nam.

Sau khi tìm hiểu thêm, BBC biết được nhóm này đang nghe theo sự chỉ đạo của những kẻ buôn người tộc Kurd. Những kẻ này đã hứa sẽ đưa họ vượt eo biển Manche và tìm việc cho họ tại Anh.

Giờ đây, họ đang phụ thuộc hoàn toàn vào những lời hứa hẹn của những kẻ môi giới.

Theo Đại tá Mathilde Potel, người điều phối các hoạt động của cảnh sát ở bên biển phía bắc nước Pháp, lượng người di cư chực chờ ở gần bờ biển Mache đã tăng mạnh - một phần là do sự gia tăng đột biến của dòng người từ Việt Nam.

Theo thống kê, lượng người Việt Nam vượt eo biển Manche vào năm 2023 đã tăng gấp đôi so với năm 2022, từ 505 lên 1.323 người.

Trong ba tháng đầu năm 2024, người Việt đứng đầu về số lượng người vượt biển trái phép vào Anh.

Vật lộn rồi chết

Trong khi đó, hai nhóm người di cư khác cũng đang tìm cách vượt biển trong đêm tối, từ một bờ biển tại Pháp.

Mọi chuyện bắt đầu khi một tiếng hét vang lên trong màn đêm.

Một cảnh sát Pháp phát hiện một đám đông đang di chuyển trên những đụn cát nhìn ra eo biển Manche, gần thị trấn Wimereux, miền bắc nước Pháp.

Chỉ vài giây sau, cả bãi biển dường như chìm trong hỗn loạn.

Hơn chục cảnh sát chạy tới bờ biển, hy vọng chặn được hai nhóm người di cư lậu vừa mới xuất hiện dưới ánh trăng.

Chúng tôi thấy một toán thanh niên đang kéo một chiếc thuyền bơm hơi xuống biển.

Bên cạnh là vài người phụ nữ đang vật lộn tìm cách leo lên thuyền, rồi bật khóc nức nở khi nhận ra rằng mình sẽ bị cảnh sát bắt giữ.

Khi hai nhóm nhập cư tụ tập ở mép nước, bạo lực thình lình bùng lên.

Một vài người đàn ông ném pháo sáng về phía cảnh sát.

Xô xát diễn ra cùng những tiếng nổ lớn. Khói trắng mịt mù phủ khắp bãi biển.

Đám đông chen chúc xung quanh chiếc thuyền hơi và cố gắng che chắn nó khỏi cảnh sát.

Có ít nhất hai người đàn ông chạy xung quanh nhóm, vung vẩy những cây gây hoặc những thanh kim loại lớn, có vẻ như là để đe dọa cảnh sát.

Chưa đầy hai phút sau, chiếc thuyền đã xuống tới vùng nước nông. Mọi người bắt đầu trèo lên thuyền.

“Tôi làm được gì nữa đây?” một người cảnh sát nói.

“Chúng tôi không được phép [theo họ] xuống biển. Và như anh thấy đó, họ có gậy. Có cả trẻ con trong đám nữa. Nên chúng tôi phải hết sức cẩn trọng.”

Cảnh sát sau đó đã bắt giữ một người bị tình nghi là kẻ buôn người.

Một vài người khác quay trở lại bờ do không tìm được chỗ trên thuyền.

Ở trên thuyền, đã chớm có những dấu hiệu của sự rối loạn. Chúng tôi có thể nghe thấy những tiếng hét và xô đẩy.

Một đứa trẻ mặc áo khoác hồng ngồi trên vai một người đang đứng ở giữa thuyền. Rõ ràng là có quá nhiều người đã cố gắng chen lên chiếc thuyền này.

Một số khác đang cố bám vào mép thuyền.

Thông thường, số người tối đa cố chen lên một con thuyền như vậy là khoảng 60 người.

Tuy nhiên, do có tới hai nhóm người di cư ở đây, con số hiện đã vượt quá 100.

Tôi muốn đến Anh và gặp gia đình mình,” một người đàn ông Iraq đứng cùng hai người phụ nữ, nói một cách tuyệt vọng khi phải quay lại bờ biển, từ bỏ hy vọng lên thuyền.

Chầm chậm, con thuyền dần trôi ra biển, trong thoáng chốc trông như đã mắc cạn trên một cồn cát.

Cảnh sát và những người không lên được thuyền bắt đầu quay lại phía các đụn cát và bãi đỗ xe gần đó.

Xa xa, bình minh dần ló, những đám mây ở phía đông dần nhuộm trong sắc hồng.

Lúc này, không ai trên bờ biết rõ tình hình trên thuyền đã trở nên tồi tệ tới mức nào.

Thỉnh thoảng, chúng tôi lại nghe thấy tiếng la hét.

Một vài chiếc áo phao trôi nổi trên mặt nước, nhưng không có cách nào biết được rằng liệu những người này đã chết hay đang chới với.

Khoảng nửa giờ trôi qua, một vài xuồng cứu hộ được cử đi từ một tàu cứu hộ lớn của Pháp đang tình cờ tuần tra ngang bãi biển.

Dường như lực lượng cứu hộ đang tìm cách thuyết phục những kẻ buôn người, cùng chiếc thuyền quá tải, từ bỏ hành trình và quay trở lại bờ biển.

Lát sau, một vài người có vẻ đang được chuyển từ chiếc thuyền bơm hơi sang các xuồng cứu hộ.

Một tiếng sau, cảnh sát Pháp tiết lộ rằng đã có năm người chết.

Họ đã chết khi chúng tôi đứng đằng xa quan sát chiếc thuyền được đẩy xuống vùng nước nông.

Hai người chết đuối, ba người dường như bị giẫm đạp đến chết.

Trong số đó có một đứa trẻ mới bảy tuổi.

Tin tức nhanh chóng lan truyền giữa những người di cư khác.

Họ đã thất bại trong việc vượt biển đêm qua và đang trở lại các lán trại quanh thành phố Calais và một vài nơi khác.

Một số cho hay những cái chết khiến họ do dự, nhưng rất nhiều người khác cho biết vẫn sẽ tiếp tục kiên trì vượt biển để vào Anh.

Nhiều người gạt phăng đi những ý kiến cho rằng họ sẽ bị ngăn chặn bởi kế hoạch của chính phủ Anh - trục xuất những người vượt biển sang Rwanda.

“Không gì có thể ngăn được tôi,” một học sinh người Sudan kiên quyết nói khi đang đợi tới lượt sạc điện thoại ở thành phố Calais.

“Tôi đã thử sang Anh 15 lần rồi. Bây giờ tôi không từ bỏ đâu. Đây là cơ hội cuối cùng của tôi,” Idris, một chàng trai 24 tuổi từ Afghanistan, chia sẻ.

Cảnh tượng bạo lực mà chúng tôi chứng kiến chẳng còn xa lạ với cảnh sát Pháp.

Đã nhiều tuần qua họ cảnh báo việc đang phải đối mặt với các cuộc tấn công ngày càng dữ dội từ các băng nhóm buôn lậu và người di cư, những người thường xuyên mang theo đá để ném vào lực lượng cảnh sát.

“Mới tuần trước, đã có 10 cảnh sát bị thương và 7 xe cảnh sát bị hư hại. Bạo lực leo thang rõ rệt và lực lượng cảnh sát thường đụng độ với các nhóm đông người. Chúng tôi cần thêm trang thiết bị và nhân lực. Chỉ can đảm thôi thì không đủ,” Đại tá Mathilde Potel cho biết.

Nguồn: VTC; Quân Đội Nhân Dân; Tiền Phong; BBC

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang