BV ở thành phố nhỏ HQ tê liệt; Nhu cầu xăng chậm lại; Nhật nhà nhiều người ít; Triều Tiên – Iran xích gần nhau; Sự uy hiếp từ vũ khí AI

BỆNH VIỆN Ở THÀNH PHỐ NHỎ CỦA HÀN QUỐC TÊ LIỆT VÌ LÀN SÓNG BÁC SĨ ĐÌNH CÔNG

Hàn Quốc đã ở tháng thứ 3 của làn sóng các bác sĩ thực tập đồng loạt đình công nhằm phản đối kế hoạch tăng cường tuyển sinh vào trường y của Chính phủ nước này.

Hiện nay, hệ lụy của làn sóng bác sĩ đình công này đã lan tới các bệnh viện ở những thành phố nhỏ khi tình trạng thiếu hụt bác sĩ đã làm tê liệt hoạt động ở đây.

Bà Yoon Geum-ja - 82 tuổi - mấy ngày nay đã rất vất vả trong việc tìm phòng bệnh để điều trị gãy xương chậu vì tới đâu cũng không có bác sĩ chữa trị.

Tại Hàn Quốc, những thành phố nhỏ đang gặp khó khăn trong việc thu hút bác sĩ và y tá do điều kiện làm việc không hấp dẫn bằng các thành phố lớn. Chính vì thực tế này, trung tâm y tế ở Incheon đã phải dừng một số hoạt động khám, chữa bệnh từ nhiều tháng nay.

Ông Cho Seung-yeon - Chủ tịch Trung tâm Y khoa Incheon, Hàn Quốc - cho biết: "Có tình trạng là các bác sĩ thường tránh các khu vực nông thôn và chọn đổ về các thành phố lớn để hành nghề nên thiếu càng thêm thiếu. Có nơi phòng chạy thận còn phải đóng cửa gần 2 năm vì không tìm được bác sĩ phụ trách. Cả những chuyên khoa quan trọng như tim mạch cũng thiếu nhân lực nên các trường y trong vùng phải cử giáo sư, bác sĩ xuống trực 2 ngày một tuần để thăm khám cho bệnh nhân ngoại trú".

Tình trạng thiếu bác sĩ đặc biệt trầm trọng ở khu vực nông thôn và tỉnh lẻ, nơi người dân thường phải di chuyển quãng đường dài để đến các trung tâm điều trị ở thành thị.

Nam bệnh nhân Yoo Byung-seon nói: "Dân số Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng. Vì thế, trong tương lai, số người cần chăm sóc y tế chắc chắn sẽ nhiều lên. Thế nhưng nghịch lý là chúng ta lại đang thiếu hụt bác sĩ so với các nước phát triển".

Hiện ở Hàn Quốc, cứ 1.000 người dân có 2,6 bác sĩ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước thuộc OECD. Thực trạng này sẽ trầm trọng hơn khi Hàn Quốc là một trong số quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và tỷ lệ dân số già hóa nhanh nhất thế giới.

Để chuẩn bị cho viễn cảnh đó, Chính phủ Hàn Quốc đang muốn tăng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm trên toàn quốc vào các trường y để bổ sung khoảng 10.000 bác sĩ cho lực lượng lao động vào năm 2035. Tuy nhiên, đề xuất này bị Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc phản đối quyết liệt, cho rằng nó không giúp giải quyết được vấn đề lương bị cắt giảm và điều kiện làm việc ngày càng kém của các bác sĩ.

Giới chuyên gia khuyến nghị Chính phủ Hàn Quốc cần điều chỉnh một số chính sách nhằm đảm bảo quyền lợi của những bác sĩ mới vào nghề, đồng thời đảm bảo phân bổ công bằng số bác sĩ làm việc tại các địa phương.

XE ĐIỆN BÙNG NỔ, NHU CẦU XĂNG CHẬM LẠI

Mức tăng trưởng của nhu cầu xăng toàn cầu dự kiến giảm một nửa trong năm nay do dịch chuyển sang dùng xe điện ở Trung Quốc và Mỹ, theo Wood Mackenzie.

Hãng nghiên cứu này dự báo nhu cầu xăng toàn cầu năm nay đạt mức 26,5 triệu thùng mỗi ngày, nhiều hơn khoảng 340.000 thùng mỗi ngày so với 2023. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ 2020 và chỉ bằng một nửa mức tăng 700.000 thùng mỗi ngày của năm ngoái.

Đà tăng trưởng chậm lại đáng kể do nhu cầu xăng của Trung Quốc gần đạt đỉnh còn Mỹ thì đã qua đỉnh. Nhà phân tích Sushant Gupta của Woodmac chỉ ra nguyên nhân do xe điện thâm nhập ngày càng cao ở hai thị trường lớn này. "Trong năm nay, nhu cầu tiêu thụ xăng của Trung Quốc sẽ chỉ tăng 10.000 thùng mỗi ngày do mức độ sử dụng xe điện cao hơn", ông nói.

Theo dự báo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), tiêu thụ xăng của nước này sẽ chỉ tăng 1,3% hay khoảng 2 triệu tấn lên 165,1 triệu tấn, tương đương 3,8 triệu thùng mỗi ngày.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế ( IEA) cho biết Trung Quốc từng là quốc gia dẫn đầu tiêu thụ xăng thế giới. Năm nay, nước này sẽ chiếm hơn một nửa tổng doanh số xe điện bán ra. Do giá ngày càng rẻ, IEA ước tính thị phần ôtô điện năm nay có thể đạt 45% ở Trung Quốc, khoảng 25% ở châu Âu và hơn 11% ở Mỹ.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, mức tiêu thụ xăng của nước này giảm xuống còn 376 triệu gallon mỗi ngày (8,94 triệu thùng mỗi ngày) vào năm 2023 sau khi đạt kỷ lục 392 triệu gallon vào năm 2018. Các nhà phân tích dự báo nhu cầu năm nay dự kiến không thay đổi. Do đó, lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu Mỹ sẽ chịu áp lực giảm khi mùa lái xe cao điểm hè đi qua.

Tại châu Âu, nhu cầu xăng sẽ tăng 2,3%, tương đương thêm 50.000 thùng và đạt 2,19 triệu thùng mỗi ngày năm nay, theo công ty tư vấn năng lượng FGE (Singapore). Dự báo này phản ánh xu hướng của những năm gần đây.

Theo Woodmac, lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu ở châu Âu sẽ chịu áp lực do nhu cầu ổn định của lục địa này cùng với cạnh tranh gia tăng từ nhà máy lọc dầu Dangote mới của Nigeria. Đây là nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Phi lẫn châu Âu, bơm ra thị trường toàn cầu 280.000-300.000 thùng xăng mỗi ngày.

Trong khi nhu cầu của Trung Quốc, Mỹ và châu Âu không còn tăng đáng kể, xăng sẽ hút hàng ở các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và tỷ lệ sử dụng xe điện thấp như Ấn Độ, Indonesia.

Cụ thể, ước tính mức tiêu thụ xăng của Ấn Độ sẽ đạt kỷ lục mới 39,2 triệu tấn (908.000 thùng mỗi ngày) trong năm tài chính tính đến tháng 3/2025, tăng khoảng 5% so với 37,2 triệu tấn trong năm tài chính tính đến tháng 3/2024.

Ở NHẬT NHÀ NHIỀU NGƯỜI ÍT

Số lượng nhà bỏ trống ở Nhật đã tăng lên mức cao kỷ lục, 9 triệu căn trong khi quốc gia Đông Á này tiếp tục vật lộn với tình trạng dân số ngày càng giảm.

Theo CNN, những ngôi nhà bị bỏ trống ở Nhật được gọi là "akiya". Thuật ngữ này thường dùng để chỉ những ngôi nhà vô chủ nằm ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều những ngôi nhà như vậy xuất hiện tại các thành phố lớn như Tokyo và Kyoto và đó là một vấn đề với chính phủ Nhật, khi họ đã phải vật lộn với tình trạng dân số già cũng như số lượng trẻ em sinh ra mỗi năm giảm một cách đáng báo động.

Jeffrey Hall, giảng viên tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda ở Chiba nói: “Đây là dấu hiệu của sự suy giảm dân số Nhật... Đó thực sự không phải là vấn đề xây quá nhiều nhà mà là vấn đề không có đủ người”.

Theo số liệu do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản tổng hợp, 14% tổng số nhà ở tại nước này bị bỏ trống. Con số này bao gồm những ngôi nhà thứ hai và những ngôi nhà bị bỏ trống vì những lý do khác, bao gồm cả những ngôi nhà tạm thời bị bỏ trống trong khi chủ sở hữu của chúng làm việc ở nước ngoài.

Các chuyên gia nói với CNN rằng không phải tất cả các ngôi nhà đều bị bỏ cho mục nát giống như akiya truyền thống, song số lượng nhà trống ngày càng tăng gây ra một loạt vấn đề khác cho chính phủ và cộng đồng.

Số nhà không có người ở này trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng do thiếu bảo trì và làm tăng rủi ro cho lực lượng cứu hộ trong thời điểm xảy ra thảm họa khi mà Nhật Bản là nước thường xuyên đối mặt với động đất và sóng thần.

Quá nhiều nhà trống

Akiya thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, do tỷ lệ sinh ở Nhật giảm mạnh, nhiều người không có người thừa kế hoặc người thừa kế còn trẻ và đã chuyển tới thành phố sinh sống, nên nhiều ngôi nhà bị bỏ trống.

Một số ngôi nhà bị bỏ mặc vì chính quyền địa phương không biết chủ sở hữu là ai do việc lưu trữ hồ sơ không đầy đủ. Điều này gây khó khăn cho chính phủ trong việc trẻ hóa các cộng đồng ở nông thôn đang bị già hóa nhanh chóng, cản trở nỗ lực thu hút những người trẻ tuổi quan tâm tới một lối sống khác hay cản trở các nhà đầu tư để mắt tới món hời.

Theo chính sách thuế của Nhật, một số chủ sở hữu thường thấy việc giữ lại nhà sẽ rẻ hơn so với việc phá bỏ nó để tái phát triển. Ngoài ra, ngay cả khi chủ sở hữu muốn bán, họ có thể gặp khó khăn trong việc tìm người mua.

Quá ít người

Trong vài năm qua, dân số Nhật Bản đã sụt giảm, trong lần thống kê gần đây nhất vào năm 2022, dân số quốc gia này đã giảm hơn 800.000 người so với một năm trước, xuống còn 125,4 triệu người. Năm 2023, số ca sinh mới ở Nhật đã giảm năm thứ 8 liên tiếp, xuống mức thấp kỷ lục.

Tỷ lệ sinh của Nhật đã dao động quanh mức 1,3 trong nhiều năm, kém xa so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Tuần trước, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết, số trẻ em dưới 15 tuổi đã giảm năm thứ 43 liên tiếp, xuống mức thấp kỷ lục là 14 triệu em.

Vì vậy, vấn đề quá nhiều nhà và quá ít người dường như sẽ tiếp tục kéo dài.

Vấn đề nan giải

Ông Yuki Akiyama, giáo sư khoa kiến trúc và thiết kế đô thị tại Đại học Thành phố Tokyo cho biết, những ngôi nhà bỏ trống đã gây ra nhiều vấn đề trong quá khứ, chẳng hạn như sau trận động đất mạnh 7,5 độ Richter tấn công Bán đảo Noto ở quận Ishikawa vào tháng 1.

Theo ông Yuki, khu vực xảy ra động đất có rất nhiều akiya và những ngôi nhà đó gây nguy hiểm cho người dân khi thảm họa xảy ra cũng như là thách thức đối với việc tái thiết sau động đất. "Khi một trận động đất hoặc sóng thần xảy ra, có khả năng những ngôi nhà bỏ trống sẽ chặn đường sơ tán. Sau động đất, nhà chức trách sẽ gặp khó khăn trong việc dọn dẹp nhà cửa bị hư hại do quyền sở hữu không rõ ràng".

Giáo sư Akiyama cho biết thêm, ở những vùng nông thôn có mật độ nhà trống cao, akiya cản trở quá trình phát triển.

TRIỀU TIÊN – IRAN XÍCH LẠI GẦN NHAU

Triều Tiên đang xây dựng mối quan hệ mới với các quốc gia có cùng chí hướng. Gần đây, dường như Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đặc biệt quan tâm đến Iran.

Giáo sư Kim Sung Kyung tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên có trụ sở ở Seoul cho biết: “Triều Tiên có lẽ coi đây là cơ hội tốt để bán vũ khí và công nghệ quân sự cho Tehran để đổi lại một số lợi ích kinh tế. Cả hai nước đều đang phải chịu các lệnh trừng phạt”.

Vào cuối tháng 4, Triều Tiên đã cử một đoàn chuyên gia cấp cao kinh tế và thương mại đến thăm Tehran trong 9 ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên kể từ năm 2019.

Iran bác bỏ nghi vấn của truyền thông phương Tây rằng các đại biểu Triều Tiên đã thảo luận về hợp tác công nghệ hạt nhân khi đến thăm nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani chỉ trích truyền thông nước ngoài vì những suy đoán định kiến khi đăng tải tin tức sai sự thật và vô căn cứ.

Ngày hôm sau, truyền thông Triều Tiên lên án vòng trừng phạt mới Mỹ áp đặt với Iran là "không công bằng". Vòng trừng phạt mới nhất nhắm vào khả năng sản xuất và sử dụng máy bay không người lái của Iran.

Giáo sư quan hệ quốc tế Daniel Pinkston tại Đại học Troy (Seoul) nhận định Tehran và Bình Nhưỡng có mối quan hệ lâu đời và mặc dù rất khác nhau, nhưng hai nước có một số điểm tương đồng. Theo ông Pinkston, cả hai đều có chung bất bình sâu sắc đối với Mỹ và phương Tây nói chung.

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) cho biết Triều Tiên và Iran đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Hai quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ dù phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế vì chương trình vũ khí.

Ông Pinkston nhận định, Bình Nhưỡng và Tehran có thể sẽ hỗ trợ chính trị và ngoại giao nhiều hơn cho nhau, ví dụ như việc Triều Tiên ủng hộ Iran trước Israel và Mỹ. Ông Pinkston bổ sung rằng công nghệ thiết bị bay không người lái gần như chắc chắn sẽ thu hút được quan tâm lớn của cả hai bên.

Ngoài ra, Yonhap dẫn nhận định của nhiều chuyên gia đánh giá rằng Triều Tiên có thể hỗ trợ Iran trong công nghệ tên lửa nhiên liệu rắn, ví dụ như tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn siêu vượt âm.

Trong một diễn biến khác, sau chuyến thăm Tehran, Bộ trưởng Kinh tế Đối ngoại Triều Tiên Yun Jong-ho đã tiết lộ về ý định hợp tác với nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai Iran là Saipa. Ông Yun Jong-ho nói: "Triều Tiên sẵn sàng hợp tác với tập đoàn ô tô Saipa. Với quan hệ chính trị song phương thuận lợi, hai quốc gia có thể hợp tác trong ngành công nghiệp ô tô".

AI TRỞ THÀNH VŨ KHÍ ĐẦY SỨC MẠNH NHƯNG CŨNG NHIỀU RỦI RO

Ứng dụng rộng rãi của AI trong quân sự là những bước tiến trong phát triển các hệ thống vũ khí tự hành. Điều này biến AI trở thành thứ vũ khí đầy sức mạnh nhưng cũng nhiều nguy cơ với con người.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một lực lượng thay đổi mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Hiện nay, nhiều quốc gia đang đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển AI, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự.

Xu hướng này cũng mang lại những bước tiến trong phát triển các hệ thống vũ khí tự hành (AWS). Những tiến bộ liên tục trong ứng dụng quân sự của AI có thể sớm đưa các vũ khí tự hành hoàn toàn trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, các hệ thống vũ khí tự hành điều khiển bằng AI đang đặt ra nhiều lo ngại về khả năng sát thương mà không cần sự giám sát của con người.

Những lo ngại xung quanh ý nghĩa đạo đức và pháp lý của AWS có thể bắt nguồn từ đầu những năm 2000. Khái niệm này thực sự gây chú ý vào năm 2012, khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố một sắc lệnh hành pháp, trong đó liệt kê các hướng dẫn phát triển và sử dụng các hệ thống vũ khí tự hành và bán tự hành do Bộ này quản lý. Đây cũng là thông báo chính sách đầu tiên của một quốc gia về AWS hoàn toàn.

Kể từ đó, những tranh luận xung quanh AWS đã thu hút được sự chú ý đáng kể của giới học giả, các chuyên gia quân sự và chính sách, cùng nhiều tổ chức quốc tế như Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) hay cả Học viện Nghiên cứu về giải trừ quân bị của Liên hợp quốc (UNIDIR).

Một trong những vấn đề chính liên quan đến AWS là các bên hiện chưa đạt được đồng thuận về định nghĩa của khái niệm này.

Xét môi trường AI hiện nay, AWS có thể được định nghĩa chung là các hệ thống vũ khí sử dụng AI để xác định, lựa chọn và tấn công mục tiêu mà không cần con người can thiệp hoặc điều khiển. Hơn nữa, các AWS gây sát thương có thể được định nghĩa là một tập hợp con của AWS, với khả năng dùng vũ lực tấn công mục tiêu là con người.

Nhiều quốc gia "vào đường đua"

Không nằm ngoài xu thế, các cường quốc quân sự lớn thế giới đã đầu tư rất nhiều vào quá trình nghiên cứu và phát triển AI.

Tháng 9/2023, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố chương trình Replicator nhằm thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ không người lái và duy trì ưu thế quân sự của Mỹ trước sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực này.

Chương trình này bổ sung cho binh lính trên chiến trường một loạt những hệ thống vũ khí điều khiển bằng AI nhỏ hơn và có chi phí thấp, có thể tiêu hao và nhanh chóng thay thế sau khi bị phá hủy. Hệ thống này có thể xuất hiện dưới dạng tàu hải quân tự lái, thiết bị bay không người lái (drone) và các “kén” di động triển khai trên đất liền, trên biển, trên không hoặc trong không gian.

Không dừng lại ở đó, Lầu Năm Góc được cho là đang triển khai hơn 800 dự án AI quân sự, trong đó có chương trình “Loyal Wingman” và các drone “bầy đàn” như V-BAT.

Không kém cạnh, Trung Quốc đã và đang theo đuổi AWS theo hướng học thuyết hợp nhất dân-quân sự với sự hậu thuẫn của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Trong khi đó, hải quân Australia cũng đang nghiên cứu các tàu ngầm tự hành có tên “Ghost Sharks” trên nền tảng AI.

Nga cũng được cho là đang thúc đẩy các chương trình nghiên cứu và phát triển AWS. Tài liệu quảng cáo do nhà sản xuất vũ khí Kalashnikov phát hành cho drone Lancet và KUB “cảm tử” (kamikaze) cho thấy chúng có khả năng tự hành.

Nguy cơ đáng kể

Những nghiên cứu về AWS trong lĩnh vực quân sự đã giúp các thực thể phi quốc gia tiếp cận một dạng vũ khí mới với sức tàn phá khủng khiếp.

Loại vũ khí này nếu rơi vào tay những kẻ khủng bố sẽ rất đáng quan ngại bởi chúng có thể hành động mà không cần hiện diện trên thực tế và việc xác định cá nhân vận hành hệ thống vũ khí kiểu này cực kỳ khó khăn.

Các nhóm khủng bố đã cho thấy họ hoàn toàn có thể nắm trong nay khả năng này với việc sử dụng các drone có điều khiển. Đơn cử như phiến quân Houthi ở Yemen đã tận dụng chiến thuật này trong các cuộc tấn công trên Biển Đỏ.

Điều khiến AWS trở nên khác biệt là chúng có khả năng bất khả xâm phạm trước các biện pháp đối phó truyền thống như gây nhiễu. Bên cạnh đó, AWS có thể tạo lợi thế áp đảo về mặt lực lượng nếu tận dụng hình thức tấn công drone bầy đàn.

Tháng 12/2023, Quân đội Nigeria đã tiến hành vụ không kích bằng drone nhầm vào làng Tudun Biri khiến ít nhất 85 dân thường thiệt mạng. Tổng thống Bola Ahmed Tinubu mô tả sự việc này là “tai nạn đánh bom”.

Theo báo cáo từ tháng 1/2017-1/2023, lực lượng không quân Nigeria đã tiến hành 14 cuộc tấn công khiến hơn 300 người thiệt mạng. Nguyên nhân sự việc được cho là do lỗi tình báo và các quan chức hàng đầu thuộc quân đội Nigeria đã đích thân xin lỗi về sai sót này.

Tuy nhiên, nhiều người ngày càng quan ngại các cuộc tấn công bằng drone, nếu nhầm mục tiêu, sẽ dễ dàng được đổ lỗi cho “sai sót trong vận hành AI” và sẽ không có cách nào để quy trách nhiệm. Đây không còn là mối lo ngại trong tương lai bởi nhiều xung đột trên thế giới hiện nay, bao gồm cả xung đột Nga-Ukraine, đã có sự hiện diện của AWS.

Ứng dụng AI đi cùng trách nhiệm

Về cơ bản, AI hoạt động bằng các thuật toán từ dữ liệu nên công cụ xây dựng trên các nền tảng nên hiệu quả nhất khi thực hiện các nhiệm vụ thường lệ hoặc không cần sáng tạo. Tuy nhiên, với những nhiệm vụ đòi hỏi phải ra quyết định thực tế, việc sử dụng AI là không phù hợp và có thể gây ra những hậu quả khó lường.

Tháng 6/2023, Đại tá Tucker Hamilton, người đứng đầu bộ phận thử nghiệm và vận hành AI của Lực lượng Không quân Mỹ, đã thử nghiệm mô phỏng một drone do AI vận hành được huấn luyện để tiêu diệt hệ thống phòng không của kẻ thù. Thiết bị này sẽ “tính điểm” để loại bỏ mối đe dọa. Tuy nhiên, khi người điều khiển ra lệnh cho drone không tiêu diệt mục tiêu, nó lại phá hủy tháp liên lạc sử dụng để vận hành chính nó.

Đại tá Hamilton tuyên bố không có thương vong trong cuộc thử nghiệm nhưng sau đó lại nhanh chóng rút lại tuyên bố. Người phát ngôn của Lực lượng Không quân Mỹ thậm chí còn phủ nhận cuộc thử nghiệm.

Ngày 25/1/2023, Mỹ đã cập nhật chỉ thị năm 2012 với tên gọi “Chỉ thị 3000-09 về quyền tự hành của hệ thống vũ khí”, trong đó định nghĩa về vũ khí tự hành vẫn bám sát định nghĩa của chỉ thị trước đó.

Tương tự chỉ thị ban đầu, chỉ thị mới chỉ áp dụng trong nội bộ Bộ Quốc phòng Mỹ thay vì trong các tình huống xung đột vũ trang bên ngoài. Chỉ thị này tồn tại một số lỗ hổng, chủ yếu xuất phát từ việc sử dụng ngôn ngữ mơ hồ như trao cho người vận hành quyền phán đoán ở “mức độ phù hợp”.

Tình trạng tương tự cũng có thể thấy trong chính sách của nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Australia, Israel, Anh và Nga.

Rõ ràng, các ứng dụng tiềm năng của AI là rất lớn nhưng cũng đi kèm với mức độ trách nhiệm chưa từng có. Không giống nhiều công nghệ cũ, AI là công nghệ duy nhất có tiềm năng tự hành, do đó cũng cần có cách tiếp cận khác.

Một số tổ chức trên thế giới, bao gồm ICRC và HRW, đã kêu gọi thiết lập một hiệp ước toàn cầu mới cấm sử dụng AWS, trong khi Liên hợp quốc đề xuất lệnh cấm hoàn toàn đối với toàn bộ các AWS gây sát thương.

Trong bối cảnh chưa có những quy định quốc tế ràng buộc về vấn đề này, việc sử dụng AI với AWS chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ý thức và trách nhiệm của các quốc gia. Những cường quốc quân sự toàn cầu như Mỹ và Trung Quốc cần chủ động trong vấn đề này vì việc đặt mạng sống con người vào tay AI làm dấy lên nhiều nguy cơ cho toàn nhân loại.

Nguồn: CafeF; Vnexpress; Vietnamnet; Soha; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang