Mỹ: Trả lãi 2 triệu đô mỗi phút; Kinh tế đình lạm; Trump tạm thở phào; Biden bị cử tri trẻ quay lưng; TikTok kiện Chính phủ

MỖI PHÚT CHÍNH PHỦ PHẢI TRẢ 2 TRIỆU USD TIỀN LÃI

Lãi suất tại Mỹ tăng cao khiến chính phủ nước này tốn nhiều tiền hơn để trả lãi cho những người mua trái phiếu kho bạc.

Việc Mỹ nâng lãi suất 2 năm qua để ghìm lạm phát giúp nhà đầu tư trái phiếu kiếm bộn tiền. Ngược lại, chính phủ phải chi nhiều tiền hơn để trả lãi cho khối nợ công lên tới 34.000 tỷ USD.

Thống kê của Bloomberg cho thấy trong tháng 3, Bộ Tài chính Mỹ trả 89 tỷ USD tiền lãi trái phiếu. Con số này tương đương 2 triệu USD mỗi phút.

Số tiền này được dự báo sẽ tăng trong tương lai gần, khi chính phủ chưa có dấu hiệu giảm chi và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chần chừ hạ lãi suất.

Theo dữ liệu của Fed St. Louis, số tiền mà chính phủ nước này dùng để trả lãi có thể vượt 1.000 tỷ USD năm nay. Đây sẽ là mức kỷ lục, gần gấp đôi số tiền trước khi Fed bắt đầu đợt tăng lãi năm 2022.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện khoảng 4,5%. Cách đây vài năm, con số này chỉ quanh 0%, khiến nhà đầu tư tìm đến các kênh rủi ro để có lợi nhuận cao hơn, như cổ phiếu.

Nhưng hiện tại, họ có thể có lợi nhuận ổn định, từ tài sản gần như không có rủi ro, Business Insider nhận định. Nhà đầu tư đang hào hứng với trái phiếu chính phủ. Tài sản của các quỹ chủ yếu rót tiền vào chứng khoán ngắn hạn, như trái phiếu chính phủ Mỹ, tăng kỷ lục 6.100 tỷ USD tháng trước.

Việc tiền trả lãi tăng vọt khiến một số nhà phân tích cho rằng chính lãi suất cao đang khiến tiêu dùng sôi động hơn, do người dân có nguồn thu ổn định và cao hơn từ trái phiếu. Vì thế, lãi suất cao thực ra đang là bệ đỡ cho lạm phát, thay vì kiềm chế giá cả.

Tháng trước, Jack Manley - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan cho biết nếu Fed thực sự muốn hạ nhiệt lạm phát, họ nên giảm lãi suất.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta đang rơi vào tình trạng con gà hay quả trứng có trước. Lạm phát sẽ khó hạ nhiệt đáng kể nếu giá nhà không giảm mạnh. Nhưng để giá nhà giảm thì Fed phải hạ lãi suất trước", ông giải thích.

KINH TẾ TIẾN TỚI ĐÌNH LẠM

Dữ liệu kinh tế vĩ mô mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy rằng nền kinh tế nước này có thể đang tiến tới tình trạng đình lạm.

Báo cáo tiết lộ rằng GDP quý 1/2024 của Mỹ chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với dự đoán 2,5%. Mức tăng trưởng GDP của Mỹ chậm hơn dự kiến sau mức tăng 3,4% được ghi nhận vào quý 4/2023 và 4,9% trong quý 3/2023.

Trong khi đó, CPI tháng 3 của Mỹ tăng 0,4% so tháng trước đó, đứng ở mức 3,5%. Cả hai mức này đều cao hơn so dự báo của các chuyên gia lần lượt là 0,3% và 3,4%. Trong khi đó, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), được Fed sử dụng làm thước đo lạm phát chính, tăng với tốc độ 3,4% hàng năm trong tháng 3, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong một năm.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, lạm phát Mỹ có thể sẽ còn có xu hướng tăng cao hơn dưới sức ép của việc đứt gãy chuỗi ứng toàn cầu, giá dầu thô tăng cao hơn…

Tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại, trong khi lạm phát liên tục tăng cao hơn dự kiến, khiến nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào tình trạng đình lạm.

Ông David Donabedian, Giám đốc đầu tư của CIBC Private Wealth US, nói với các phương tiện truyền thông rằng: “Đây là báo cáo tồi tệ nhất của nền kinh tế Mỹ, nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP chậm hơn dự kiến, lạm phát cũng được cho là tăng cao hơn. Tăng trưởng yếu và giá tiêu dùng tăng cao là những dấu hiệu rõ ràng của tình trạng đình lạm”.

Mỹ đã từng rơi vào tình trạng đình lạm vào những năm 1970, khi lạm phát tăng lên hai con số. Các nhà hoạch định chính sách nước này đã phản ứng bằng cách tăng lãi suất cơ bản lên tới 20%, nhằm hạ nhiệt giá cả nhưng lại khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng.

Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, Jamie Dimon lo ngại rằng lịch sử có thể lặp lại đối với nền kinh tế Mỹ. Ông nói tại một cuộc thảo luận do Câu lạc bộ Kinh tế New York tổ chức rằng nền kinh tế Mỹ trông giống những năm 1970 hơn những gì chúng ta từng thấy trước đây. Ông lặp lại thông điệp đó trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal trước khi báo cáo GDP quý 1/2024 của Mỹ được công bố.

“Tình hình hiện nay chắc chắn có những điểm tương đồng với những năm 1970, với căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông và giá dầu tăng cao, nhưng còn lâu mới đạt được tình trạng mà nước Mỹ phải đối mặt khi đó. Ngay cả ở thời kỳ đỉnh cao gần đây, lạm phát vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất trong thập kỷ đó là gần 12%. Với tốc độ hiện nay, giá cả thậm chí còn tăng chậm hơn so với những năm 1970”, ông Jamie Dimon nhấn mạnh.

Dù kinh tế Mỹ có rơi vào tình trạng đình lạm như những năm 1970 hay không, nhưng thực trạng hiện nay của kinh tế Mỹ đang đẩy FED vào thế khó. Nếu FED giữ lãi suất ở mức cao như hiện hành trong thời gian dài để kiếm chế lạm phát, thì có nguy cơ đẩy kinh tế Mỹ suy giảm mạnh hơn. Ngược lại, nếu FED sớm cắt giảm lãi suất, thì có thể đẩy lạm phát tăng vọt, kéo theo áp lực tăng lãi suất trong trung hạn.

TRUMP NHẬN TIN VUI, TẠM THỜI AN TOÀN

Phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Donald Trump với cáo buộc lưu trữ trái phép tài liệu mật sau khi rời nhiệm sở đã bị hoãn vô thời hạn.

Đó là quyết định của thẩm phán tòa án bang Florida hôm 7-5. Trước đó, ông Trump dự kiến ra tòa vào ngày 20-5 trong vụ kiện do công tố viên đặc biệt Jack Smith đệ trình nhưng cả bên công tố và bên luật sư bào chữa cho ông Trump đều thừa nhận thời điểm xét xử sẽ phải trì hoãn.

Thẩm phán Aileen Cannon hôm 7-5 cho biết phiên tòa sẽ không diễn ra vào ngày 20-5 nhưng cũng không ấn định ngày khác. Dự kiến các phiên điều trần trước khi xét xử sẽ kéo dài đến ngày 22-7.

Theo hãng tin Reuters, ông Trump phủ nhận 40 tội danh liên bang cáo buộc ông giữ các tài liệu an ninh quốc gia nhạy cảm tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Florida sau khi rời nhiệm sở vào năm 2021 và cản trở chính phủ thu hồi chúng.

Các luật sư của ông Trump cho rằng phiên tòa xét xử vụ lưu giữ tài liệu mật sẽ không diễn tra trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Trong khi đó, công tố viên đặc biệt Smith đề xuất thời điểm xét xử vào tháng 7.

Đến nay, các luật sư của ông Trump đã nỗ lực trì hoãn cả 4 vụ án hình sự mà ông đang đối mặt. Trong một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos vào tháng 4, gần 1/4 số người được hỏi thuộc Đảng Cộng hòa và hơn 1/2 số cử tri độc lập cho biết họ sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump nếu ông bị kết án trọng tội.

Nếu bất kỳ vụ án liên bang nào được đưa ra xét xử trước cuộc bầu cử thì đều có thể diễn ra trong vài tuần ngay trước ngày 5-11, động thái chắc chắn khiến đội ngũ pháp lý của ông Trump đưa ra cáo buộc can thiệp bầu cử.

Công tố viên Kel McClanahan chuyên về các vấn đề an ninh quốc gia nhận định: "Bất kỳ thẩm phán nào cũng sẽ tạm dừng ý tưởng xét xử một ứng viên tổng thống một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống".

Tuy nhiên, trong trường hợp ông Trump giành chiến thắng vào tháng 11 thì đồng nghĩa với việc sẽ không có vụ án nào được đưa ra xét xử. Với tư cách là tổng thống, ông Trump có thể chỉ đạo Bộ Tư pháp hủy bỏ các cáo buộc liên bang hoặc tìm cách ân xá cho chính mình.

BIDEN ĐANG BỊ CỬ TRI TRẺ QUAY LƯNG?

Tình trạng mất tín nhiệm của cử tri trẻ tuổi tại các trường đại học Mỹ đối với Tổng thống Joe Biden đang dần xuất hiện, trong đó, nguyên nhân chính là việc tổng thống của đảng Dân chủ ủng hộ Israel trong cuộc xung đột với Hamas.

Phong trào ủng hộ Palestine tại Mỹ thời gian gần đây ngày càng gia tăng, và đang trở thành mối đe dọa lớn đối với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Joe Biden nhằm ngăn chặn ứng viên đảng Cộng hòa Donal Trump trở lại Nhà Trắng.

Ông Donald Trump dẫn trước ông Joe Biden

Các cử tri trẻ là lực lượng ủng hộ tự nhiên của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, dữ liệu cuộc thăm dò các cử tri trẻ trong độ tuổi từ 18-24 của CNN mới được công bố cho thấy, Tổng thống Joe Biden đang kém ông Donald Trump 11 điểm phần trăm.

Theo Jennifer Agiesta, người phụ trách cuộc thăm dò của CNN , 28% tán thành với Tổng thống Joe Biden trong việc xử lý cuộc khủng hoảng giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, trong khi 71% bất đồng với đương kim tổng thống Mỹ.

Khi được hỏi về nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, 68% người trẻ Mỹ bày tỏ sự thất vọng, bất chấp nỗ lực của ông trong việc giải quyết các vấn đề trọng yếu đối với cử tri trẻ, như xóa nợ cho sinh viên .

“Họ không thích ai cả”

Nhà thăm dò dư luận của đảng Cộng hòa Frank Luntz gần đây chia sẻ video cuộc khảo sát những người trẻ về nền dân chủ Mỹ. Rất ít cánh tay giơ lên.

“Họ không thích ai cả,” ông Luntz nói: “Họ cho rằng Tổng thống Joe Biden đã quá già. Họ coi ông Donald Trump tham nhũng.… Họ đang tìm kiếm một hình mẫu mới, tìm kiếm một người nào đó mà họ khao khát trở thành. Họ không tìm thấy. Đó là một sự thất vọng".

TIKTOK KIỆN CHÍNH PHỦ BIDEN

TikTok và công ty mẹ ByteDance ngày 7/5 kiện lên tòa án liên bang Hoa Kỳ tìm cách ngăn chặn một đạo luật do Tổng thống Joe Biden ký mà qua đó sẽ buộc ByteDance phải thoái vốn nếu không TikTok sẽ bị cấm ở Mỹ.

TikTok và ByteDance đệ đơn kiện lên Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ, lập luận rằng luật vừa ký vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ vì một số lý do, bao gồm cả việc vi phạm các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Tu chính án Thứ nhất. Đạo luật được ông Biden ký vào ngày 24 tháng 4, cho ByteDance thời hạn đến ngày 19/1/2025 để bán TikTok nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm.

Đơn kiện nói chuyện thoái vốn “đơn giản là không thể thực hiện được: không phải về mặt thương mại, mặt công nghệ hay mặt pháp lý... Không còn nghi ngờ gì nữa: Đạo luật (luật) sẽ buộc TikTok phải đóng cửa trước ngày 19 tháng 1 năm 2025, khiến 170 triệu người Mỹ phải im tiếng, những người sử dụng nền tảng này để giao tiếp theo những cách không thể sao chép ở nơi khác.”

Tòa Bạch Ốc cho biết muốn thấy quyền sở hữu của người Trung Quốc chấm dứt vì lý do an ninh quốc gia chứ không phải muốn cấm TikTok. Tòa Bạch Ốc từ chối bình luận về vụ kiện. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ không trả lời ngay yêu cầu bình luận.

Vụ kiện là động thái mới nhất của TikTok nhằm đi trước các nỗ lực đóng cửa TikTok ở Mỹ khi các công ty đối thủ như Snap và Meta đang tranh thủ tình thế để thu hút tiền quảng cáo.

Do các nhà lập pháp Hoa Kỳ lo ngại rằng Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu về người Mỹ hoặc theo dõi họ bằng ứng dụng này, luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo chỉ vài tuần sau khi được đưa ra. TikTok đã phủ nhận rằng họ đã hoặc sẽ chia sẻ dữ liệu người dùng Hoa Kỳ, đồng thời cáo buộc các nhà lập pháp Mỹ đã thúc đẩy những lo ngại “đồn đoán”.

Luật cấm các cửa hàng ứng dụng cung cấp TikTok và cấm các dịch vụ lưu trữ internet hỗ trợ TikTok trừ khi ByteDance thoái vốn ra khỏi TikTok trước ngày 19/1/2025.

Đơn kiện nói chính phủ Trung Quốc “đã nói rõ rằng họ sẽ không cho phép thoái vốn ra khỏi công cụ đề xuất, vốn là chìa khóa thành công của TikTok tại Hoa Kỳ”. TikTok và ByteDance đã yêu cầu Tòa án Liên bang ngăn cản Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland thực thi luật này.

Theo đơn kiện, 58% ByteDance thuộc sở hữu của các nhà đầu tư định chế toàn cầu bao gồm BlackRock, General Atlantic và Susquehanna International Group, 21% thuộc sở hữu của sáng lập viên công ty người Trung Quốc và 21% thuộc sở hữu của nhân viên – bao gồm khoảng 7.000 người Mỹ.

Căng thẳng về internet và công nghệ

Cuộc chiến kéo dài 4 năm về vấn đề TikTok là một mặt trận quan trọng trong cuộc xung đột đang diễn ra về internet và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vào tháng 4, Apple cho biết Trung Quốc đã ra lệnh cho họ xóa WhatsApp và Threads của Meta ra khỏi App Store tại Trung Quốc vì lo ngại về an ninh quốc gia Trung Quốc.

Theo đơn kiện, TikTok đã chi 2 tỷ đô la để thực hiện các biện pháp bảo vệ dữ liệu của người dùng Hoa Kỳ và đưa ra các cam kết bổ sung trong dự thảo Thỏa thuận An ninh Quốc gia dài 90 trang được phát triển thông qua đàm phán với Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS).

Theo đơn kiện, hiệp ước đó bao gồm việc TikTok đồng ý với “giải pháp đóng cửa”, cho phép chính phủ Hoa Kỳ quyền đình chỉ TikTok ở Mỹ nếu TikTok vi phạm một số nghĩa vụ.

Theo đơn kiện, vào tháng 8 năm 2022, CFIUS đã ngừng tham gia vào các cuộc thảo luận có ý nghĩa về thỏa thuận và vào tháng 3 năm 2023, CFIUS “nhấn mạnh rằng ByteDance sẽ bị yêu cầu thoái vốn hoạt động kinh doanh TikTok tại Hoa Kỳ.” CFIUS là một ủy ban liên ngành, do Bộ Tài chính Hoa Kỳ chủ trì, có nhiệm vụ xem xét các khoản đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp và bất động sản của Mỹ có liên quan đến những lo ngại về an ninh quốc gia.

Vào năm 2020, Tổng thống khi đó là Donald Trump đã bị tòa án chặn trong nỗ lực cấm TikTok và WeChat thuộc sở hữu của Trung Quốc, một đơn vị của Tencent, tại Hoa Kỳ. Ông Trump, ứng cử viên Đảng Cộng hòa thách thức ông Biden của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11 tới đây, kể từ đó đã đảo ngược hướng đi, nói rằng ông không ủng hộ lệnh cấm nhưng những lo ngại về an ninh cần phải được giải quyết.

Ông Biden có thể gia hạn thời hạn 19 tháng 1 thêm ba tháng nếu ông xác định ByteDance đang đạt được tiến bộ. Đơn kiện cho biết việc chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Biden vẫn sử dụng TikTok “làm suy yếu tuyên bố rằng nền tảng này gây ra mối đe dọa thực sự cho người Mỹ”. Chiến dịch tranh cử của ông Trump không sử dụng TikTok.

Nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi liệu có người mua tiềm năng nào có đủ nguồn tài chính để mua TikTok hay không và liệu các cơ quan chính phủ Trung Quốc và Hoa Kỳ có chấp thuận vụ mua bán hay không.

Theo đơn kiện, để chuyển mã nguồn TikTok sang Hoa Kỳ “sẽ phải mất nhiều năm để một nhóm kỹ sư hoàn toàn mới có đủ hiểu biết”.

Nguồn: Vnexpress; Diễn Đàn Doanh Nghiệp; CafeF; Soha; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang