NK thiết bị đường dây 500kV gặp khó; Cục Đăng kiểm rò rỉ dữ liệu; Dự án nghìn tỷ chưa xong đã nứt; ACV tiền làm sân bay Long Thành

NHẬP KHẨU THIẾT BỊ ĐƯỜNG DÂY 500KV BỊ “TẮC”, BỘ KHẨN CẤP NHỜ ĐẠI SỨ QUÁN 3 NƯỚC

Bộ Công thương đã có công điện khẩn gửi đến Thương vụ Việt Nam và công hàm đến Đại sứ quán Việt Nam tại 3 nước Trung Quốc, Nga, Ấn Độ nhằm hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu vật tư thiết bị thi công dự án đường dây 500 kV mạch 3.

Hôm nay 7.5, Bộ Công thương đã chủ trì, họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương liên quan và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) về tiến độ dự án đường dây 500 kV mạch 3.

Báo cáo với Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho hay, đến nay dự án đã hoàn thành ký kết hợp đồng cho 225/226 gói thầu, còn 1 gói thầu cung cấp kháng điện của Dự án ĐZ 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đang hoàn thiện các thủ tục lựa chọn lại nhà thầu.

Bổ sung nhà thầu phụ để kịp tiến độ

Để đảm bảo tiến độ đóng điện của các dự án, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đang thực hiện điều động thiết bị hiện có trên lưới phục vụ cho công trình 500kV mạch 3.

EVN cho biết, về giải phóng mặt bằng dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), đến nay đã hoàn thành 1.177 (100%) vị trí móng cột. Tuy nhiên, với khoảng néo (KN) mới bàn giao được 377/503 (khoảng 75%), còn 126/503 KN chưa bàn giao. Trong đó, 2 địa phương là Quảng Bình, Ninh Bình đã hoàn thành bàn giao KN, 7 tỉnh còn lại chưa hoàn thành. Cụ thể, Hà Tĩnh (còn 15/112 KN), Nghệ An (còn 29/88 KN), Thanh Hóa (còn 42/138 KN), Nam Định (còn 20/54 KN), Thái Bình (còn 10/47 KN), Hải Dương (còn 5/31 KN) và Hưng Yên (còn 5/14 KN).

Chủ đầu tư đã có nhiều giải pháp và quyết liệt điều hành, đôn đốc các nhà thầu như: nhập đủ nguyên liệu đầu vào, lắp đặt thêm và tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, tăng cường nhân lực và thực hiện gia công “3 ca 4 kíp, 24/7”. Đối với các nhà thầu phát hiện chậm tiến độ, EVN/EVNNPT và các Ban quản lý dự án yêu cầu nhà thầu bổ sung thêm các nhà thầu phụ có năng lực để đẩy nhanh tiến độ; điều chuyển các loại cột khác nhau giữa các gói thầu xây lắp để đồng bộ giữa việc cấp cột cho các vị trí móng đã hoàn thành nhằm hạn chế tối đa việc móng chờ cột và ngược lại; đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, thanh toán cho các nhà thầu để nhà thầu có kinh phí tiếp tục mua sắm vật tư và gia công chế tạo, sản xuất cột thép, cử người kiểm tra và đôn đốc công tác sản xuất, cung cấp cột thép tại các nhà máy chế tạo.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, các địa phương, EVN, EVNNPT và các nhà thầu đã nỗ lực rất cao, đáng ghi nhận. Đặc biệt việc bàn giao khoảng néo và mặt bằng hành lang tuyến đã được đẩy nhanh hơn so với kỳ giao ban trước. Tuy vậy, tiến độ công việc vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Việc bàn giao mặt bằng hành lang tuyến đã không thể hoàn thành trước ngày 30.4 như lãnh đạo UBND các tỉnh đã cam kết...

Gửi công hàm đến đại sứ quán 3 nước nhờ hỗ trợ

Đặc biệt, liên quan đến việc cấp vật tư, thiết bị chậm, lãnh đạo Bộ Công thương cho hay, Bộ Công thương đã có công điện khẩn gửi đến Thương vụ Việt Nam và công hàm đến Đại sứ quán Việt Nam tại 3 nước Trung Quốc, Nga, Ấn Độ nhằm đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu vật tư thiết bị. Thông tin cho thấy, các vật tư thiết bị từ Nga đã lên tàu, dự kiến 7-10 ngày nữa sẽ về đến Việt Nam.

Ngoài ra, hội nghị nhận định công tác thi công cũng gặp nhiều khó khăn như địa hình, địa chất phức tạp, mặt bằng thi công chật hẹp, đường vào thi công nhỏ, khó vận chuyển vật tư, thiết bị nặng. Mùa mưa đã bắt đầu cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng thi công các công trình.

Nhằm có thể đảm bảo hoàn thành các dự án theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng và Bộ Công thương đề nghị Bộ TN-MT phối hợp cùng các bộ, ngành sớm thẩm định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, muộn nhất là ngày 15.5. Đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ EVN/EVNNPT trong điều chỉnh một số vị trí cột trên thực tế. Đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ EVN/EVNNPT tháo gỡ vướng mắc cho việc nhập khẩu thiết bị vật tư từ nước ngoài hoặc điều động trong nước. Đề nghị UBND các tỉnh các có dự án đi qua tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao các khoảng néo còn lại trước ngày 15.5.2024.

"Mùa mưa đã bắt đầu, sự thay đổi bất thường của thời tiết diễn ra rất gay gắt. Vấn đề an toàn lao động lúc này là quan trọng nhất. Tiến độ phải bảo đảm, nhưng an toàn lao động, an toàn môi trường, chất lượng công trường là vấn đề không thể xem nhẹ", Bộ trưởng nhấn mạnh.

CỤC ĐĂNG KIỂM BỊ RÒ RỈ DỮ LIỆU, AI LÀM?

Bốn đối tượng làm việc trong lĩnh vực đăng kiểm và sửa chữa bảo trì các thiết bị đăng kiểm, phát hiện sơ hở trong khâu quản lý bảo mật dữ liệu kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam nên đã viết phần mềm để trục lợi.

Vừa qua, VKSND TP HCM đã hoàn tất cáo trạng truy tố, chuyển hồ sơ qua TAND TP để xét xử bị can Trần Kỳ Hình (SN 1961, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) cùng 253 đồng phạm về 11 tội danh khác nhau.

Trong đó, có 4 bị can bị truy tố tội “Sản xuất, mua bán, trao đổi, tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”.

Bốn bị can gồm: Trương Duy Đức (SN 1982), Trần Thế Khánh Hổ (SN 1989), Hoàng Hữu Thịnh (SN 1982), Hồ Ngọc Nam (SN 1989).

Bốn người này làm trong lĩnh vực đăng kiểm và sửa chữa bảo trì các thiết bị đăng kiểm. Quá trình làm việc, nhóm này phát hiện sơ hở trong khâu quản lý bảo mật dữ liệu kiểm định tại các Trung tâm Đăng kiểm trên địa bàn cả nước của Cục Đăng kiểm Việt Nam nên nghiên cứu viết phần mềm.

Sau khi lấy được cơ sở dữ liệu, các bị can đã viết ra 2 phần mềm rồi bán lại cho nhiều đối tượng tại các Trung tâm Đăng kiểm để xâm nhập chỉnh sửa dữ liệu kiểm định trái quy định của pháp luật.

Trong đó, Trương Duy Đức và Hoàng Hữu Thịnh đã lập trình sản xuất phần mềm FORM1 (MDO.exe) và AVAST mục đích bán cho các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới để xâm nhập chỉnh sửa dữ liệu kiểm định của Cục Đăng kiểm trái pháp luật.

Trương Duy Đức hưởng lợi số tiền 18 triệu đồng, Hoàng Hữu Thịnh hưởng lợi số tiền 44 triệu đồng.

Trần Thế Khánh Hổ đã bán phần mềm FORM1 (MDO.exe) cho nhiều đối tượng tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới để xâm nhập chỉnh sửa dữ liệu kiểm định trái pháp luật, hưởng lợi 7 triệu đồng.

Hồ Ngọc Nam cài đặt phần mền FORM1 (MDO.exe) cho nhiều trung tâm đăng kiểm để quảng cáo tính năng can thiệp để bán và bán phần mềm FORM1 (MDO.exe) và AVAST cho các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới để xâm nhập chỉnh sửa trái quy định của pháp luật. Hồ Ngọc Nam hưởng lợi 6,5 triệu đồng.

DỰ ÁN NGHÌN TỶ CHƯA XONG ĐÃ XUẤT HIỆN VẾT NỨT

Dự án kè bờ sông Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 1.095 tỷ đồng dù chưa được bàn giao, đưa vào sử dụng nhưng đã xuất hiện nhiều vết nứt, có đoạn dài hàng trăm mét.

Ngày 7/5, ghi nhận của PV VietNamNet, mặt đường bê tông của dự án kè bờ sông Cần Thơ đoạn qua phường An Bình (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), đối diện chợ nổi Cái Răng xuất hiện nhiều vết nứt. Trong đó, vết nứt dài nhất có chiều dài gần 200m, chạy dọc bờ kè, vị trí rộng nhất khoảng 5cm; có đoạn bị sụt lún so với mặt đường hiện hữu.

Vị trí xuất hiện các vết nứt đang trong quá trình hoàn thiện, chưa được lát gạch vỉa hè.

Từ ghi nhận thực tế, PV đã chuyển thông tin đến lãnh đạo Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ – chủ đầu tư. Trao đổi qua điện thoại, lãnh đạo Ban này cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin sự việc và sẽ cử cán bộ đi kiểm tra.

Qua kiểm tra, Ban QLDA nhận thấy, kè bê tông cốt thép chất lượng ổn định, không lún. Phần nền đường bê tông của bờ kè được thiết kế không xử lý lún nền mà để lún theo tự nhiên. Do đó, quá trình thi công, nền đường chỗ đất yếu sẽ xảy ra lún, hình thành vết nứt mặt đường bê tông. Khi nền đường lún ổn định, nhà thầu sẽ sửa chữa vết nứt và bảo hành.

"Việc này không ảnh hưởng đến chất lượng và ổn định phần kè bê tông cốt thép đã thi công hoàn thành”, lãnh đạo Ban khẳng định.

Thông tin từ UBND TP Cần Thơ, dự án có tổng chiều dài toàn tuyến gần 5,2km; đi qua quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền và bờ đối diện phía quận Cái Răng; thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 31/12/2023.

Đây là dự án sử dụng nguồn vốn ODA do AFD tài trợ và vốn đối ứng ngân sách địa phương, với tổng mức đầu tư hơn 1.095 tỷ đồng.

Tuy nhiên vì nhiều lý do, đến đầu tháng 4 này, công trình kè sông Cần Thơ mới chỉ hoàn thành khoảng 93% khối lượng.

Công trình được triển khai nhằm mục tiêu chống sạt lở bờ sông, phòng tránh thiệt hại về tài sản, tính mạng con người do sạt lở bờ sông gây ra; đồng thời, lập lại trật tự, di dời các công trình xây dựng lấn chiếm để đảm bảo an toàn thoát lũ, đảm bảo giao thông đường thủy.

Ngoài ra, dự án này cũng sẽ bảo vệ các công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng xây dựng ven sông, góp phần tạo thế chủ động trong việc ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, ổn định mặt thoáng cho đô thị Cần Thơ, tránh ngập lụt do nước sông dâng cao đang diễn ra tại địa phương...

ACV VAY GẦN 2 TỶ USD ĐỂ LÀM SÂN BAY LONG THÀNH

Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thông qua vay vốn tài trợ cho Dự án Thành phần 3 – Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Tổng số tiền vay vốn là 1,8 tỷ USD.

Theo đó, Vietcombank là ngân hàng đầu mối và đại lý quản lý tài sản đảm bảo của khoản vay. Còn VietinBank và BIDV sẽ cho vay, tài trợ vốn cho dự án. Số tiền vay vốn là 1,8 tỷ USD trong thời hạn 20 năm. Biện pháp bảo đảm là tài sản hình thành từ dự án (các hạng mục thế chấp) cho dù các tài sản này đang có hay sẽ hình thành trong tương lai.

Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành là công trình xây dựng hạ tầng đặc biệt được Quốc hội thông qua cả chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi. Trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 109.111,742 tỉ đồng, tương đương 4.664,89 triệu USD. Thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2020 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được giao làm chủ đầu tư các công trình thiết yếu sân bay bằng nguồn vốn của ACV. Khi đi vào hoạt động, sân bay quốc tế Long Thành dự kiến sẽ đón 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Về kế hoạch triển khai chi tiết, giai đoạn 1 đã được chính thức khởi công từ ngày 5/1/2021, đầu tư 1 đường băng và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Chậm nhất đến năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.

Giai đoạn 2, tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường băng cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 3, sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thiện, sân bay sẽ có 4 nhà ga và 4 đường băng, dự kiến năm 2040 sẽ hoàn thành.

Nguồn: Thanh Niên; Kenh14; Vietnamnet; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang