Mỹ: Đấu súng kinh hoàng, 4 người chết; Quan ngại mới với kinh tế; Tăng cường mua máy bay chiến đấu cũ; Trấn áp vượt biên trái phép

ĐẤU SÚNG KINH HOÀNG, 4 NGƯỜI THIỆT MẠNG

Cảnh sát Mỹ đấu súng khi truy bắt tội phạm tàng trữ vũ khí ở Bắc Carolina, khiến 4 sĩ quan thiệt mạng.

Vụ đấu súng nổ ra ngày 29/4 khi cảnh sát thực hiện lệnh bắt với nghi phạm tàng trữ súng ở một ngôi nhà ở Charlotte, Bắc Carolina. Một nghi phạm ở sân trước nhà, nổ súng về phía các sĩ quan khi họ tiếp cận. Tên này đã bị hạ trong lúc đấu súng, theo Sở cảnh sát Charlotte-Mecklenburg.

Nghi phạm trong nhà sau đó nổ súng tấn công nhóm sĩ quan, buộc họ phải gọi tiếp viện. Sau ba tiếng giằng co, các xe bọc thép lao thẳng vào ngôi nhà, kết thúc cuộc đấu súng. Cảnh sát tìm thấy một phụ nữ và nam thiếu niên 17 tuổi bên trong, cả hai đang bị thẩm vấn.

Johnny Jennings, cảnh sát trưởng Sở cảnh sát Charlotte-Mecklenburg, cho biết sự việc khiến 4 sĩ quan thiệt mạng, 4 người bị thương. Ba sĩ quan thiệt mạng thuộc Cảnh sát Tư pháp còn người thứ tư là cảnh sát Charlotte-Mecklenburg.

Hàng xóm Alex Rivera cho biết khoảng 50 xe cảnh sát tập trung trong khu vực khi vụ đấu súng nổ ra. "Khu dân cư vốn rất an toàn. Tôi rất sợ hãi khi chứng kiến quá nhiều thứ", anh nói.

William Cunningham, một hàng xóm khác, cũng chưa từng ngờ mức độ bạo lực như vậy có thể xảy ra ở khu phố này.

4 trường học trong thành phố đóng cửa vào chiều cùng ngày. Cảnh sát khuyến nghị người dân ở nhà cho đến sự việc được làm rõ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trao đổi Thống đốc Bắc Carolina và gửi lời chia buồn.

KINH TẾ MỸ NHIỀU QUAN NGẠI: GDP GIẢM, LẠM PHÁT NEO CAO

Một số chuyên gia cảnh báo Mỹ có thể sẽ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại và lạm phát gia tăng.

Hai dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ công bố vào tuần trước đã gợi lại một cụm từ mà không một ngân hàng trung ương nào muốn nghe: Lạm phát đình trệ.

GDP quý 1 của Mỹ tăng trưởng với tốc độ 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với các quý trước và kém xa mức kỳ vọng 2,5%.

Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, tăng 2,8% trong tháng 3, vượt mức dự báo 2,7%.

Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng của LPL Financial, nói với Business Insider: “Tôi nghĩ các nhà đầu tư cần bắt đầu chuẩn bị đối mặt với các cuộc tranh luận về lạm phát đình trệ. Nếu điều này xảy ra, đây không phải là cảnh tượng đáng hoan nghênh đối với thị trường”.

Bài học có thể được rút ra từ những năm 1970. Trong giai đoạn đó, chu kỳ tăng trưởng thấp và lạm phát hai con số chỉ kết thúc sau khi Fed đẩy lãi suất lên cao ngất ngưởng, khiến Mỹ rơi vào suy thoái. Khi các vấn đề lần đầu tiên xuất hiện, biến động đã khiến thị trường chứng khoán sụt giảm.

Để chắc chắn, Roach và các nhà phân tích khác muốn thêm nhiều dữ liệu hơn trước khi đưa ra nhận định về khả năng xảy ra lạm phát đình trệ.

Mike Reynolds, phó chủ tịch chiến lược đầu tư tại Glenmede, nói với BI: “Tất cả phụ thuộc vào chỉ số lạm phát và xem chúng có buộc Fed tiếp tục giữ lãi suất cao hay không”.

“Một số quan chức Fed đưa ra gợi ý rằng có thể sẽ có thêm đợt tăng lãi suất. Tuy đây không phải là đồng thuận chung trong các quan chức Fed, nhưng nó là một dấu hiệu cho thấy tình hình mà chúng ta đang gặp phải”, Reynolds nói.

Giám đốc điều hành Jamie Dimon của JPMorgan đã cảnh báo về tình trạng lạm phát đình trệ, cho rằng thị trường không nên quá yên tâm với nền kinh tế hiện tại. Tỷ phú ngân hàng Phố Wall cảnh báo suy thoái có thể xảy ra trong 2 năm tới trong bối cảnh lạm phát gia tăng.

Trong trường hợp chính sách tiền tệ buộc phải duy trì ở mức cao hơn trong năm nay, cả Roach và Reynolds đều nhận định rằng hậu quả của việc này có tới ngay sau năm 2025.

Theo Reynold, hậu quả có thể chưa đến trong năm nay bởi việc tăng cường tài chính liên quan đến bầu cử, mặc dù điều này sẽ chỉ làm tăng thêm lạm phát.

Trong khi đó, sang năm 2025 và 2026, cả chính phủ và doanh nghiệp sẽ lâm vào cảnh nợ nần. Nếu lãi suất vẫn ở mức cao, lạm phát đình trệ càng có nguy cơ cao xảy ra.

CHÍNH PHỦ MỸ MUA MÁY BAY CHIẾN ĐÁU CŨ TỪ THỜI LIÊN XÔ LÀM GÌ?

Chính phủ Mỹ được cho là đã mua hầu hết các máy bay chiến đấu cũ từ thời Liên Xô với giá trung bình chưa đầy 19.000 USD/chiếc, được Kazakhstan bán trong một cuộc đấu giá gần đây.

Hãng tin RT và tờ Kiev Post ngày 28/4 đưa tin, thông qua các tổ chức ở nước ngoài, Mỹ đã mua 81 trong số 117 máy bay được bán với giá tổng cộng là 1,5 triệu USD. Báo này không nêu chi tiết số lượng máy bay mỗi loại được Washington mua nhưng cho biết, giao dịch mua gồm máy bay chiến đấu MiG-29, MiG-27 và máy bay ném bom Su-24.

Tại cuộc đấu giá, Kazakhstan cũng chào bán máy bay đánh chặn MiG-31. Theo báo cáo, tất cả các máy bay đều được liệt kê là "trong tình trạng không thể sử dụng được" và chi phí hiện đại hóa những phương tiện này được cho là không khả thi về mặt kinh tế.

Các máy bay chiến đấu được chế tạo vào những năm 1970 và 1980 đã ngừng hoạt động theo chương trình hiện đại hóa của quân đội Kazakhstan.

Theo tính toán, Mỹ phải trả chưa tới 19.000 USD cho một chiếc máy bay chiến đấu cũ và toàn bộ 81 chiếc máy bay mà nước này mua có giá tương đương 10 tên lửa AGM-114 Hellfire - một trong những loại đạn không đối đất thường được máy bay không người lái và máy bay chiến đấu của Mỹ sử dụng.

Các quan chức Mỹ chưa công bố các máy bay cũ trên dùng vào việc gì. Theo Kiev Post, hiện có nhiều suy đoán rằng số máy bay này sẽ được chuyển tới Ukraine vì Kiev đều đang dùng các loại đó. Nếu đúng như phán đoán, các lực lượng Ukraine có thể sẽ tháo rời máy bay để lấy phụ tùng hoặc sử dụng chúng làm mồi nhử tại sân bay.

Kazakhstan, vốn là đồng minh của Nga, đã hợp tác với các quốc gia phương Tây kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022. Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã đón tiếp Ngoại trưởng Anh David Cameron tới thăm Astana hồi đầu tháng này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Astana vào năm ngoái để hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Á.

MỸ - MEXICO TĂNG CƯỜNG TRẤN ÁP NẠN VƯỢT BIÊN TRÁI PHÉP

Hoa Kỳ và Mexico có kế hoạch trấn áp tình trạng di dân bất hợp pháp ở biên giới Mỹ-Mexico, lãnh đạo của cả hai nước loan báo ngày 29/4, đồng thời cam kết sẽ triệt phá nạn vượt biên bất hợp pháp đã lên tới mức kỷ lục trong những năm gần đây.

Trong cuộc điện đàm hôm 28/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết chính quyền của họ sẽ sớm thực hiện các bước nhằm giảm tình trạng vượt biên bất hợp pháp, đồng thời giải quyết các vấn đề kinh tế và an ninh khiến người dân phải di cư.

Trong một tuyên bố chung, đôi bên nói rằng: “Trong ngắn hạn, hai nhà lãnh đạo đã ra lệnh cho các lực lượng an ninh quốc gia của họ hợp tác để thực hiện ngay các biện pháp cụ thể nhằm giảm đáng kể các hoạt động vượt biên trái phép, đồng thời bảo vệ nhân quyền”.

Ông Biden, một đảng viên Dân chủ đang tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa, đã mạnh tay hơn trong cách xử lý an ninh biên giới trong những tháng gần đây khi vấn đề nhập cư nổi lên như mối quan tâm hàng đầu của những người Mỹ trong độ tuổi bầu cử.

Đảng Cộng hòa, bao gồm cả đối thủ của ông Biden, cựu Tổng thống Donald Trump, đã chỉ trích Tổng thống Biden vì đã hủy bỏ các chính sách hạn chế biên giới thời ông Trump và không ngăn chặn được mức độ vượt biên bất hợp pháp.

Reuters từng loan tin Tòa Bạch Ốc đã tính tới việc sử dụng quyền hành pháp của ông Biden để chặn di dân ở biên giới, nhưng động thái như vậy có thể gây ra những thách thức pháp lý và phản ứng dữ dội từ một số đảng viên Dân chủ.

Toà Bạch Ốc cũng đang thảo luận về cách cung cấp tình trạng pháp lý tạm thời và giấy phép lao động cho những người nhập cư vào Mỹ bất hợp pháp kết hôn với công dân Mỹ.

Ông Biden đã ủng hộ một dự luật lưỡng đảng của Thượng viện Hoa Kỳ vào đầu năm nay mà qua đó sẽ trao cho ông quyền từ chối di dân ở biên giới Mỹ-Mexico, nhưng đảng Cộng hòa đã bác bỏ biện pháp này sau khi ông Trump phản đối.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre tuần trước cho biết chính quyền Biden vẫn ủng hộ dự luật nhưng “chúng tôi sẽ luôn xem xét các lựa chọn của mình”.

Mexico sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 2/6 dù vấn đề di trú không phải là mối quan tâm hàng đầu của cử tri, theo các cuộc thăm dò dư luận.

Ông Lopez Obrador nói với các phóng viên hôm 29/4 rằng ông đã nói chuyện với ông Biden về việc giữ cho biên giới các nước mở cửa cho di dân hợp pháp “nhưng không cho phép di dân bất hợp pháp”.

Lực lượng Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ ghi nhận kỷ lục hàng tháng là 250.000 di dân vượt biên bất hợp pháp vào Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái, nhưng con số này đã giảm đáng kể kể từ đó, với 137.000 người bị bắt giữ trong tháng 3 năm nay.

Ông Lopez Obrador cho rằng lượng người đến biên giới Mỹ-Mexico giảm một phần là do các chương trình xã hội mà Mexico đã hỗ trợ cho các quốc gia Mỹ Latin khác, nơi xuất phát của dòng người di cư.

Các quan chức Hoa Kỳ và Mexico nói việc Mexico tăng cường thực thi luật pháp là một yếu tố góp phần làm giảm số lượng người vượt biên bất hợp pháp vào Mỹ.

Nguồn: Vnexpress; CafeF; Vietnamnet; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang