Giá vé máy bay 'hạ nhiệt'; DN xuất khẩu gỗ dán kêu cứu; Sầu riêng thiếu quy chuẩn chất lượng; Vốn ngoại ồ ạt chảy vào BĐS

ĐÚNG LÚC CAO ĐIỂM, GIÁ VÉ MÁY BAY BẤT NGỜ HẠ NHIỆT

Hành khách có nhiều lựa chọn đến các điểm du lịch trong nước với giá vé một chiều chỉ hơn 1 triệu đồng.

Theo khảo sát ngày 29/4, giá vé máy bay có xu hướng hạ nhiệt trong những ngày nghỉ lễ tiếp theo.

Cụ thể, giá vé một chiều đặt gấp đi ngay chặng Hà Nội - Phú Quốc ngày 30/4 của Vietjet Air ở mức 1,4 triệu đồng, khai thác nhiều khung giờ từ 6h-15h. Theo khảo sát, mức giá này duy trì qua kỳ nghỉ lễ, có ngày giảm xuống mức 1,1 triệu đồng. Trước đó, chặng bay du lịch này liên tục có giá tăng mạnh trong thời gian qua với mức dao động 3,5 - 4 triệu đồng.

So với đợt cao điểm trước nghỉ lễ, chặng bay Hà Nội - Đà Nẵng cũng có giá thành phù hợp với nhiều khách du lịch với tầm giá từ 1,3 triệu đồng. Vé một chiều chặng Hà Nội - Nha Trang/Quy Nhơn ở mức giá từ 1,5 - 1,8 triệu đồng. Hành khách với nhiều lựa chọn các hãng bay bao gồm Vietjet Air, Vietnam Airlines, Bamboo Airways.

Đối với chặng bay Hà Nội - TPHCM, ngay trong ngày 30/4, khách đặt vé một chiều sẽ có mức chi phí không quá 2 triệu đồng.

Khách bay từ TPHCM tới Quy Nhơn, Đà Nẵng, Vinh, Thanh Hóa đều có nhiều sự lựa chọn giờ bay với mức giá một chiều từ 1,4 triệu đồng.

Hiện tình hình căng thẳng diễn ra trên chặng TPHCM - Quảng Ninh, từ nay tới ngày 5/5 đều chỉ còn 1 chuyến bay mỗi ngày, ngày 6/5 hết sạch vé.

Đại diện của hãng bay trong nước cho biết giá vé máy bay giảm trong thời gian nghỉ lễ bởi du khách hầu hết đều khởi hành từ ngày 27/4 và có xu hướng quay trở lại nơi cư trú, làm việc trong ngày 1/5. Những ngày nghỉ còn lại nhu cầu di chuyển dự báo sẽ giảm.

Ngày 29/4, PV Tiền Phong ghi nhận Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM khá vắng vẻ. Bên trong khu vực đón taxi, xe ô tô thưa thớt phương tiện. Lực lượng chức năng tại sân bay không phải điều tiết vất vả như những dịp cao điểm trước đây. Khu vực làm thủ tục của các hãng hàng không tại ga quốc nội cũng không đông. Khu vực soi chiếu an ninh của nhà ga quốc nội trong ngày thông thoáng bất ngờ.

Theo đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ngày 29/4 có hơn 590 chuyến bay đi và đến, với khoảng hơn 89.000 lượt hành khách. Trong đó, lượt khách đến là khoảng 42.000 người và khách đi khoảng 47.000 người. Số lượng khách giảm mạnh so với ngày cao điểm đầu kỳ nghỉ - ngày 26/4, Tân Sơn Nhất đã đón hơn 690 chuyến bay đi và đến với hơn 115.000 hành khách.

Ở cảng HKQT Nội Bài - Hà Nội, từ ngày 28/4 lượng khách nội địa đã giảm 10.000 lượt so với ngày đầu tiên nghỉ lễ. Dự kiến sản lượng vận chuyển tiếp tục giảm nhẹ, đến ngày 1/5 sẽ tăng cao trở lại.

DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU GỖ DÁN KÊU CỨU, NGUY CƠ ĐÓNG CỬA

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam lo phải đóng cửa vì khó khăn do phía Hàn Quốc sắp ra các phán quyết cuối cùng về thuế chống bán phá giá gỗ dán với sự chênh lệch mức thuế biên độ dao động từ 4,2 - 13,04%.

Theo thông tin từ Chi Hội Gỗ dán Việt Nam, vừa qua, phía Hàn Quốc tái điều chống bán phá giá sản phẩm gỗ dán Việt Nam xuất khẩu đi Hàn Quốc. Mức thuế phía Hàn Quốc dự kiến áp dụng đối với sản phẩm gỗ dán Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng trên 4% so với mức thuế trước đây.

Chi Hội Gỗ dán Việt Nam cho biết, việc cơ quan quản lý Hàn Quốc sắp ra các phán quyết cuối cùng thuế chống bán phá giá gỗ ván ép với sự chênh lệch mức thuế biên độ dao động từ 4,2 - 13,04% gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này.

Cơ quan quản lý Hàn Quốc tái điều tra lại việc thuế chống bán phá giá sản phẩm ván ép xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc giai đoạn 2020 - 2023, thời gian phía cơ quan quản lý của Hàn Quốc sang kiểm tra các doanh nghiệp và kết thúc trong tháng 11/2023.

Đến thời điểm hiện tại là giai đoạn phía cơ quan quản lý của Hàn Quốc sắp ra các phán quyết cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá cho các doanh nghiệp tham gia điều tra và các doanh nghiệp không nằm trong diện điều tra lại.

Ông Trịnh Xuân Dương – Phó chi hội trưởng Chi hội Gỗ dán Việt Nam cho rằng, việc điều tra và áp thuế từ phía Hàn Quốc là chưa khách quan. Bởi lẽ, trong số các doanh nghiệp được điều tra thì chỉ chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp việt xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Hàn Quốc. Doanh số các doanh nghiệp này xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc các năm cũng chiếm không quá 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mức thuế áp dụng cho các doanh nghiệp không được điều tra có biên độ tương đối lớn so với các doanh nghiệp được điều tra.

Trong tổng số 6 doanh nghiệp điều tra thì có công ty Rongjia đã đóng cửa công ty. Với công ty Rongjia đã đóng cửa nhà máy không tham gia vào quá trình điều tra, theo thông tin sơ bộ là hơn 20%++ mức thuế áp dụng cho doanh nghiệp có thể nói là lẩn tránh điều tra/không tham gia vào điều tra lần thứ 2 thì mức thuế như vậy là cũng không hợp lý… Số lượng các doanh nghiệp được điều tra chưa phán ánh đầy đủ tổng quan số lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu vào hàn quốc của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Dương phân tích.

Theo ông Nguyễn Văn Đông, Thư ký Chi hội, thị trường Hàn Quốc là thị trường đầy tiềm năng với sản phẩm gỗ ván ép. Hiện, có những doanh nghiệp không hoặc có rất ít sản lượng xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc, thậm chí chưa từng xuất khẩu vào Hàn Quốc.

“Các doanh nghiệp này tất nhiên là không thuộc phạm vi điều tra, trong tương lai khi họ muốn xuất khẩu vào thị trường này mà bị áp thuế chung là sự thiệt thòi và không công bằng với các doanh nghiệp đó trong dài hạn, đồng thời làm hạn chế thị trường xuất khẩu cho ngành ván ép Việt Nam trong lâu dài”, ông Đông nói.

Chi Hội Gỗ dán Việt Nam đã đề nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) kiến nghị tới cơ quan quản lý của Chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện thông thoáng cho sản phẩm ván ép Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này một cách tốt nhất.

Khoảng 152 doanh nghiệp dự kiến phải chịu mức thuế cao hơn 4% - theo số liệu năm 2023. Các doanh nghiệp này sẽ không thể cạnh tranh và phải dừng hoạt động. Công nhân của các doanh nghiệp này sẽ mất việc làm do hàng trăm nhà máy phải đóng cửa. Các nhà cung cấp nguyên vật liệu cũng sẽ phải dừng hoạt động. Rừng không được trồng mới do không có đầu ra. Toàn bộ chuỗi cung ứng trồng rừng và chế biến lâm sản sẽ bị ngắt quãng.

Như vậy đối với các mục tiêu liên quan đến việc chứng chỉ xanh và hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam và cả hệ thống đi cùng với việc kinh doanh của họ cũng sẽ đối mặt với vấn đề rất lớn.

THIẾU QUY CHUẨN CHẤT LƯỢNG SẼ ẢNH HƯỞNG TỚI XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG

Xuất khẩu sầu riêng năm 2023 thu về gần 2,3 tỉ USD, là trái cây có giá trị cao nhất nhưng hiện nay chưa có quy trình chuẩn thu hoạch để đảm bảo độ chín. Khi giá lên cao, nhà vườn, thương lái cắt bán cả trái non khiến sầu riêng Việt Nam nhiều lần mất uy tín ở thị trường nhập khẩu.

Còn cắt đồng loạt thì sẽ còn sầu riêng non

Vấn nạn sầu riêng xuất khẩu bị cắt trái non, cơm bị chua, sượng từng rộ lên vào tháng 9 - 10.2023, vừa qua lại tiếp tục tái diễn tại thị trường Nhật Bản.

Bà L.T.K, Giám đốc Công ty LLC, tại thành phố Tokyo, Nhật Bản, cho biết đầu tháng 3, doanh nghiệp này ký hợp đồng mua 6 tấn sầu riêng đông lạnh bóc múi của một doanh nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng. Khi hàng xuất qua, doanh nghiệp này phải bán thanh lý, tiêu hủy gần 2,5 tấn. Các đối tác bán lẻ Nhật Bản phản ánh, sầu riêng nhạt toẹt, có vị chua, một số hộp còn nổi màu đen như nấm mốc…

Cũng theo bà K. doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đối tác tại Việt Nam mua quả tươi loại B đưa vào bóc múi đông lạnh. Thông thường với hàng này, chỉ số độ ngọt (brix) tối thiểu là 26% nhưng khi kiểm tra hàng bị khách trả lại thì phát hiện múi sầu riêng chỉ đạt từ 13 - 19% brix.

"Lô hàng này khiến chúng tôi lỗ hơn 300 triệu đồng nhưng thiệt hại, mất mát lớn hơn là uy tín của doanh nghiệp đối với các nhà bán lẻ Nhật Bản khi sản phẩm không đạt chất lượng, phải thu hồi toàn bộ", bà K. nói.

Câu chuyện xuất khẩu sầu riêng non cũng là một chủ đề nóng tại hội thảo báo cáo kết quả giai đoạn 1 (2020 - 2023), chương trình Chất lượng tiêu chuẩn toàn cầu (GQSP) nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng trái cây xuất khẩu của Việt Nam, do Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) và Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (VIAEP), thuộc Bộ NN-PTNT tổ chức giữa tháng 4 vừa qua.

Một trong những phát hiện được nhóm nghiên cứu VIAEP chỉ ra, thị trường sầu riêng có sự tham gia của đội quân "cò" sầu riêng, là các thương lái, chủ đại lý thu mua. Khi giá sầu lên cao, họ yêu cầu nhà vườn thu hoạch cắt 1, 2 dao là hết vườn, nguy cơ cao lẫn cả trái non.

Đối với các doanh nghiệp lớn, quy trình kiểm soát, xác định độ chín của sầu riêng dựa vào đội "thợ gõ", là những người có nhiều kinh nghiệm tuyển chọn sầu riêng. Khi vào chính vụ, sản lượng thu hoạch quá lớn, "thợ gõ" làm việc quá tải, rất dễ lọt sầu riêng non.

Ông Nguyễn Mạnh Hiểu, Trưởng bộ môn Công nghệ bảo quản nông sản thực phẩm, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (VIAEP), cho rằng độ chín quyết định chất lượng sầu riêng nhưng vấn đề lớn nhất của ngành trái cây tỉ đô này là đang thiếu quy chuẩn về độ chín cũng như phương pháp xác định độ chín của trái sầu riêng để quyết định thời điểm thu hoạch. Nếu thu hoạch theo kiểu "cắt 1, 2 dao" đồng loạt như hiện nay thì sẽ còn lẫn quả già, quả non.

"Khi không có quy chuẩn xác định độ chín cho trái sầu riêng để làm trọng tài về chất lượng thì rất khó xác định được chủ vườn có cố tình cắt bán trái non hay không. Như vậy thì không có căn cứ để xử phạt, quy trách nhiệm. Trong khi đó, Thái Lan có riêng bộ quy tắc, quy định để kiểm soát, xử lý hành vi này", ông Hiểu nói.

Sầu riêng Việt Nam chỉ cần học Thái Lan một tiêu chuẩn thôi!

Chia sẻ góc nhìn từ doanh nghiệp có nhiều năm xuất khẩu sầu riêng, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết nhu cầu từ thị trường với trái cây này rất lớn. Vấn đề là làm sao để có một quy trình chuẩn để cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chất lượng. Những lô hàng xuất khẩu sầu riêng trái non, thối hỏng bị phát hiện vừa qua dù chiếm tỷ lệ không lớn nhưng tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, chất lượng sầu riêng Việt Nam.

Cũng theo ông Tùng, nếu xuất khẩu trái tươi, tùy thuộc vào yêu cầu, cung đường vận chuyển, doanh nghiệp và nhà vườn thống nhất thời gian thu hoạch, tính toán làm sao khi trái đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo là trái chín. Còn với hàng đông lạnh, tiêu chuẩn đầu tiên là phải đạt độ chín mới đưa vào để bóc múi.

"Kiểm soát chất lượng sầu riêng Thái Lan đã làm tốt từ nhiều năm nay. Họ có những thiết bị chuyên dụng để đo kiểm chất lượng sầu riêng như ta đang kiểm tra nồng độ cồn. Cảnh sát Thái Lan sử dụng thiết bị này để kiểm tra chất lượng sầu riêng không đạt chuẩn là xử phạt rất nghiêm", ông Tùng nói.

Đối với quả sầu riêng tươi, Việt Nam đã có ban hành tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10739:2015. Sau nhiều vụ sầu riêng non xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, tháng 10.2023, Cục Trồng trọt ban hành Quyết định số 362/QĐ-TT hướng dẫn quy trình tạm thời kỹ thuật cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng. Nhưng các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, những quy định này chưa thể giải quyết được vấn nạn sầu riêng non.

Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk, cho rằng cứ nhìn từ Thái Lan thì ngành sầu riêng Việt Nam chỉ cần học hỏi họ ở một tiêu chuẩn thôi. Đối với sầu riêng xuất khẩu, Thái Lan quy định phải đạt độ khô tối thiểu và đây là quy chuẩn để cơ quan chức năng căn cứ để tiến hành kiểm định chất lượng.

Trước đây, Thái Lan quy định sầu riêng xuất khẩu đạt độ khô 28 - 29% nhưng khi Việt Nam tăng xuất khẩu, trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với hộ thị trường Trung Quốc, họ lập tức nâng lên độ khô tối thiểu 32%. Cơ quan quản lý kiểm tra đạt độ khô này mới cho phép doanh nghiệp xuất khẩu.

"Tôi nghĩ chúng ta chỉ cần học họ kiểm soát một tiêu chuẩn này thôi. Bởi vì khi trái sầu riêng đạt được độ khô tối thiểu thì quả phải đạt được độ chín, độ ngọt. Thương lái, chủ vườn sẽ không dám cắt bán trái non", ông Côn nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hiểu cho rằng, TCVN 10739:2015 chỉ quy định chung về kích thước, phân loại trái nói chung, không chia ra các giống cụ thể. Trong khi sầu riêng gồm rất nhiều giống khác nhau, thời gian chín cũng khác nhau.

"Trong giai đoạn từ nay đến 2026, VIAEP và UNIDO tiếp tục phối hợp rà soát các quy định, xây dựng quy trình thao tác chuẩn trong canh tác, thu hoạch, sơ chế và bảo quản, chế biến đông lạnh sầu riêng phục vụ xuất khẩu, mục tiêu là nâng cao năng lực cạnh tranh, tính bền vững trong xuất khẩu của ngành hàng trái cây tỉ đô này của Việt Nam", ông Hiểu nói.

LÀN SÓNG VỐN NGOẠI CHẢY VÀO BẤT ĐỘNG SẢN

Dòng vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản từ đầu năm đến nay đạt 1,68 tỷ đồng, tăng gần 73% với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/4, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 966 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 7,11 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 73,2% về số vốn đăng ký.

Vốn đăng ký điều chỉnh có 345 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 1,23 tỷ USD, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn nhất đạt 6,03 tỷ USD, chiếm 72,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,68 tỷ USD, chiếm 20,1%. So với vốn FDI của 4 tháng đầu năm 2023 chưa đến 1 tỷ USD, vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản từ đầu năm đến nay đã tăng gần 73%. Ngoài ra, các ngành còn lại thu hút vốn FDI đạt 635,1 triệu USD, chiếm 7,6%.

Bên cạnh đó, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 902 lượt với tổng giá trị góp vốn 929,6 triệu USD, giảm 70,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có 327 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 629,6 triệu USD và 575 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 300 triệu USD.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động vận tải kho bãi đạt 277,2 triệu USD, chiếm 29,8% trị giá góp vốn; vốn đầu tư vào hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 228,7 triệu USD, chiếm 24,6%; ngành còn lại 423,7 triệu USD, chiếm 45,6%.

Giải ngân vốn FDI tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,93 tỷ USD, chiếm 78,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD, chiếm 9,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 259,8 triệu USD, chiếm 4,1%.

Mới đây, Bộ Xây dựng công bố cáo quý 1/2024, tại báo cáo nêu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều chính sách, giải pháp phù hợp để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, theo đó nhiều doanh nghiệp FDI đã ổn định và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng đầu tư, thị trường thế giới dần có dấu hiệu phục hồi, lạm phát bắt đầu có dấu hiệu giảm dần tại nhiều nền kinh tế lớn. Theo đó, trong quý tổng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực, xu hướng chuyển dịch nhà máy và hệ thống logistic đến Việt Nam.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong quý I/2024 đạt gần 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, có thể thấy kết quả thu hút vốn FDI đăng ký trong quý đã khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới và đầu tư mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam.

Số liệu cụ thể về FDI liên quan đến lĩnh vực bất động sản trong quý, cụ thể trong tháng 1/2024, FDI đăng ký ở mức 2,36 tỷ USD, tăng 10,2% so với 2023, trong khi FDI giải ngân tăng 9,6% lên 1,48 tỷ USD. Theo đó, nhóm ngành bất động sản nhận được nhiều vốn đầu tư nhất với 1,27 tỷ USD, chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký.

Trong tháng 2/2024, FDI đăng ký ở mức 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2023, trong khi FDI giải ngân tăng 9,8% lên 2,8 tỷ USD. Bất động sản là nhóm ngành đứng thứ hai, đạt gần 1,41 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng vốn đăng ký.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3/2024, FDI đăng ký ở mức 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2023, FDI giải ngân tăng 7,1% lên 4,63 tỷ USD. Theo đó, nhóm ngành bất động sản đứng thứ hai với hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đăng ký.

Nguồn: Kenh14; Soha; Thanh Niên; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang