Trần Quí Thanh hầu tòa; 'Đại gia' tài chính lỗ lớn; Hàng xa xỉ đua tìm mặt bằng ở TP.HCM; 'Cá mập' săn đất nền, BĐS thấp tầng

TRẦN QUÍ THANH HẦU TÒA NGÀY ĐẦU TIÊN

Khai tại tòa, bị cáo Trần Quí Thanh cho biết việc mình chuyển 115 tỷ đồng cho ông Lâm Sơn Hoàng là để mua 4 thửa đất chứ không phải cho vay.

Cáo buộc lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt hơn 1.048 tỷ đồng của 4 bị hại

Ngày 23/4, TAND thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do bị cáo Trần Quí Thanh (SN 1953, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát) và 2 con gái là các bị cáo Trần Uyên Phương (SN 1981, nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Tân Hiệp Phát) và Trần Ngọc Bích (SN 1984) thực hiện.

Bị cáo Trần Quí Thanh và 2 con gái bị cáo buộc đã lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt hơn 1.048 tỷ đồng của 4 bị hại.

Những cáo buộc về

Liên quan đến hành vi chiếm đoạt 80 tỷ đồng của bị hại Lâm Sơn Hoàng, cáo trạng xác định, đầu năm 2018, do gặp khó khăn về tài chính, nên ông Lâm Sơn Hoàng nhờ ông Thái Quang Ngọc làm môi giới bất động sản, tìm giúp người cho vay tiền. Khoảng tháng 11/2018, ông Ngọc dẫn Nguyễn Hoàng Phú đến gặp ông Lâm Sơn Hoàng. Nguyễn Hoàng Phú tự giới thiệu là cháu của Trần Quí Thanh và hứa giúp ông Lâm Sơn Hoàng vay tiền của ông Thanh.

Qua nhiều buổi gặp mặt bàn bạc, bị cáo Trần Quí Thanh đồng ý cho ông Lâm Sơn Hoàng vay 115 tỷ đồng với quy định lãi suất 3%/tháng, khi nhận tiền sẽ cắt lại luôn 3 tháng đầu, chậm lãi phạt 4.5% và ông Hoàng phải ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng 4 thửa đất cho con gái bị cáo Thanh là Trần Uyên Phương. Ông Lâm Sơn Hoàng phải chịu toàn bộ chi phí, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ nên chỉ thực nhận tiền từ cha con bị cáo Thanh gần 104 tỷ đồng.

Đến hẹn trả nợ ngày 8/4/2019, do chưa có tiền để trả nợ gốc 115 tỷ nên ông Hoàng nhờ Phú hẹn gặp Thanh để xin tiếp tục trả tiền lãi 3%/01 tháng được Thanh đồng ý. Sau đó hàng tháng, đến thời điểm trả lãi Phủ lại nhắn tin nhắc để ông Hoàng trả lãi. Ông Hoàng trả lãi bằng chuyển khoản hoặc nhờ các cá nhân là bà Trần Thị Quỳnh Như, bà Hoàng Thị Ngọc (cháu của ông Hoàng) chuyển tiền vào tài khoản của Trần Quí Thanh tổng cộng 33 lần với tổng số tiền là 41,420 tỷ đồng.

Từ cuối tháng 10/2020, Hoàng tiếp tục nhờ Phủ dẫn đến gặp Thanh để bàn bạc trao đổi cách thức trả nợ gốc và lãi. Phía Trần Quí Thanh yêu cầu đến ngày 8/11/2020 thì ông Hoàng phải trả 154 tỷ đồng (nợ gốc là 115 tỷ, nợ lãi và lãi phạt là 39 tỷ). Ngày 11/11/2020 ông Hoàng đã chuẩn bị đủ 154 tỷ đồng theo yêu cầu của ông Thanh để trả nợ. Nhưng ông Thanh lấy lý do đã quá hạn kể từ ngày 08/11/2020, nên không cho ông Hoàng chuộc lại 04 thửa đất. Đến nay 04 thửa đất đang đứng tên Trần Uyên Phương (con gái của Thanh).

Tại phiên tòa, ông Lâm Sơn Hoàng cho biết ban đầu mình có ý định vay 100 tỷ đồng và không đồng ý chuyển nhượng 4 lô đất, nhưng do cháu ông Thanh nói rằng ông Trần Quí Thanh rất uy tín nên đồng ý.

Cũng theo ông Hoàng, ông vay 115 tỷ đồng từ ông Thanh phải đóng trước 3 tháng tiền lãi là hơn 10,3 tỷ đồng (số tiền này được trích luôn trong số tiền vay) và các loại thuế phí khác nữa. Sau đó, ông Hoàng ký hợp đồng chuyển nhượng 4 thửa đất cho con gái ông Thanh là Trần Uyên Phương rồi mới nhận được tiền thông qua 2 lần chuyển khoản.

Bị cáo Trần Quí Thanh và con gái nói gì?

Được gọi xét hỏi, bị cáo Trần Uyên Phương thừa nhận hành vi như cáo trạng nêu, nhưng trình bày thêm rằng giao dịch giữa mình và ông Lâm Sơn Hoàng là giao dịch mua bán đất. Nữ bị cáo khai mình ký hợp đồng chuyển nhượng trước mặt công chứng viên nhưng không phải tại văn phòng công chứng.

Bị cáo Phương nhiều lần nhắc lại rằng bị cáo chỉ biết thông tin ông Hoàng bán 4 thửa đất, không có thông tin gì khác, giấy tờ về số đất này được gửi cho bị cáo xem trước đó.

Trong khi đó, bị cáo Trần Quí Thanh xác định quan hệ giữa bị cáo và ông Hoàng là quan hệ vay mượn. Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng thời điểm xác lập quan hệ giao dịch dân sự với ông Hoàng, bản thân nhận thức không đúng về việc cho vay.

Theo bị cáo Thanh, khi ông Hoàng đến gặp bị cáo vay tiền, bị cáo nói chỉ mua bán chứ không cho vay lãi suất cao. “Hết thời hạn 3 tháng nhưng ông Hoàng không có tiền mua lại tài sản nên xin gia hạn thêm 1 tháng. Bị cáo nói nếu muốn mua lại ông Hoàng phải đặt cọc, bị cáo sẵn sàng bán lại. Bị cáo không mua để sử dụng mà mua để kinh doanh”, bị cáo Thanh khai.

Trong nhiều lần trả lời HĐXX, bị cáo Thanh vẫn khẳng định là không cho ông Hoàng vay, việc chuyển 115 tỷ đồng cho ông Hoàng là để mua lại 4 thửa đất từ ông Hoàng.

“Nếu mua bán vì sao lại bị trừ vào số tiền ban đầu và chuyển tiền lãi nhiều lần”, chủ tọa chất vấn.

“Do ông Hoàng đề nghị cho ông Hoàng mua lại trong thời gian 3 tháng nên xin đặt cọc”, bị cáo Thanh lý giải và khẳng định mình không có tội.

Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

HÀNG LOẠT 'ĐẠI GIA' TÀI CHÍNH GHI NHẬN LỢI NHUẬN SỤT GIẢM, THUA LỖ LỚN

Nhiều "đại gia" tài chính ghi nhận lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ lớn và âm vốn chủ sở hữu, nợ nần lớn trong năm vừa qua giữa bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, sức cầu tiêu dùng ở mức thấp.

Thua lỗ lớn, gánh nặng nợ lên cao

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Đầu tư Gia sản iWealth vừa công bố thông tin về tình hình tài chính doanh nghiệp năm 2023 với khoản lỗ hơn 193 tỷ đồng so với mức lãi gần 98,6 tỷ đồng trong năm trước đó.

Cú lỗ lớn trong năm qua khiến vốn chủ sở hữu của Đầu tư Gia sản iWealth âm hơn 94,8 tỷ đồng.

Nợ phải trả của doanh nghiệp này cũng tăng rất mạnh, tới cuối năm 2023 gấp hơn 3 lần năm 2022, lên gần 7.400 tỷ đồng cho dù trong năm 2023 đã sạch nợ trái phiếu.

Đầu tư Gia sản iWealth ghi nhận sức khỏe tài chính yếu kém từ cuối tháng 6/2023. Đây là doanh nghiệp có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao hàng đầu trong số các đơn vị phát hành trái phiếu trên thị trường chứng khoán.

Đầu tư Gia sản iWealth từng phát hành hai lô trái phiếu trong năm 2021 với “ba không”: không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không tài sản đảm bảo và được một công ty chứng khoán và một tổ chức tín dụng mua trọn, dưới sự thu xếp của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS).

Đến tháng 8/2023, Đầu tư Gia sản iWealth đã mua lại toàn bộ 300 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành.

Hoạt động chính trong lĩnh vực hỗ trợ dịch vụ tài chính, tiền thân của Đầu tư Gia sản iWealth là Công ty TNHH Mua bán nợ Hòa Bình (HBDC), được thành lập năm 2012 tại Long An. Đến năm 2021, công ty đổi tên thành Đầu tư Gia sản iWealth và chuyển trụ sở ra quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nhiều công ty tài chính lớn trên thị trường cũng vừa báo cáo lợi nhuận năm 2023 lao dốc trong bối cảnh nợ xấu và khó đòi gia tăng.

Theo HNX, Công ty Tài chính Mirae Asset Việt Nam - công ty tài chính tiêu dùng có vốn Hàn Quốc, thuộc tập đoàn Mirae Asset - báo lỗ 963 tỷ đồng năm 2023, trong khi lãi 127 tỷ đồng trong năm 2022.

Trước đó, FE Credit, Home Credit, Shinhan Finance, Mcredit... cũng là các công ty tài chính hoạt động ở Việt Nam báo lợi nhuận tụt giảm hoặc thua lỗ trong năm 2023.

Công ty tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) - thành viên của Shinhan Card - đến từ Hàn Quốc năm 2023 còn lỗ đậm 462 tỷ đồng, qua đó kéo tỷ lệ an toàn vốn giảm mạnh từ trên 26% hồi đầu năm xuống còn hơn 21,4%. Đây là khoản lỗ kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi tham gia vào thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam.

Công ty TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE Credit lỗ hơn 2.965 tỷ đồng trong năm ngoái, cao hơn mức lỗ hơn 2.376 tỷ đồng của năm 2022.

Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) năm 2023 báo lỗ giảm 75% so với 2022, xuống còn 240 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Home Credit Việt Nam cũng ghi nhận lợi nhuận năm 2023 lao dốc gần 70% so với năm trước đó, xuống còn hơn 375 tỷ đồng. Công ty tài chính này vừa về tay ngân hàng Thái Lan.

Sức cầu tiêu dùng thấp, các công ty tài chính gặp khó

Các công ty tài chính báo lỗ hoặc lợi nhuận lao dốc năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, dẫn đến thu nhập người lao động giảm. Mảng cho vay tiêu dùng gặp khó và nợ xấu tăng khiến lợi nhuận bị bào mòn.

Theo báo cáo của Fiingroup, nhóm công ty tài chính bị ảnh hưởng do suy thoái trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như sản xuất và xuất khẩu.

Tổng cục Thống kê cho hay, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong năm 2023 cao, ở mức 7,63%.

Nửa cuối năm 2023, thị trường lao động tích cực hơn nhưng nửa đầu năm tình hình khá xấu. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có hơn nửa triệu người lao động bị mất việc, giảm giờ làm trong 5 tháng đầu năm 2023, tập trung ở các khu khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thực tế này cũng thể hiện rõ trong báo cáo cáo của nhiều doanh nghiệp lớn như Vinhomes, Thế Giới Di Động, Novaland, CenLand, Đất Xanh,... Trong hai năm 2022-2023, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm rất mạnh số lượng người lao động trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, mảng bán lẻ ghi nhận doanh thu giảm khi sức cầu yếu.

Trên thực tế, năm 2023 là giai đoạn rất khó khăn đối với các công ty tài chính bởi nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ thị trường bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu khủng hoảng và những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Chi phí của các công ty tài chính thường rất lớn, với hàng triệu khoản vay nhỏ. Trong khi đó, lãi suất vay cao, khiến những người vay có tỷ lệ trả nợ thấp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng việc các công ty tài chính ghi nhận lỗ hoặc lợi nhuận giảm sâu là do tỷ lệ nợ xấu gia tăng và phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn.

Theo ông Hiếu, các công ty tài chính chủ yếu cho vay tín chấp, khách hàng là người lao động. Đối tượng này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ kinh tế suy yếu và doanh nghiệp khó khăn. Nhiều khoản cho vay còn mất trắng vì khách hàng mất khả năng trả nợ.

BÁN LẺ CAO CẤP ĐUA TÌM KIẾM MẶT BẰNG TẠI TP.HCM

Lĩnh vực bán lẻ cao cấp tại TP.HCM trong thời gian qua đã ghi nhận nhiều cái tên lớn của ngành hàng xa xỉ đến từ nhiều sản phẩm khác nhau như thời gian, trang sức, đồng hồ… đổ bộ vào Việt Nam cạnh tranh tìm kiếm mặt bằng tại trung tâm TP.HCM.

Dự kiến đạt doanh thu gần tỉ đô

Theo dữ liệu của Statista, trong năm 2023, lĩnh vực hàng hóa xa xỉ tại thị trường Việt Nam ghi nhận tổng mức doanh thu đạt 957,22 triệu USD chủ yếu đến từ nước hoa, mỹ phẩm cao cấp, thời trang, sản phẩm làm từ da cũng như đồng hồ và trang sức xa xỉ. Dự kiến, ngành hàng này sẽ thu về 992,20 triệu USD vào năm 2024.

Đơn vị này đánh giá thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định ở phân khúc xa xỉ phẩm, dự kiến 3,1%/năm. Sự phát triển của tầng lớp trung lưu và thu nhập khả dụng ngày càng tăng ở Việt Nam đã dẫn đến nhu cầu về hàng xa xỉ tăng vọt.

Statista cũng cho biết thị trường các sản phẩm xa xỉ trong thời gian qua đang chứng kiến sự chuyển dịch đáng kể sang bán hàng trực tuyến, dự kiến chiếm 8,6% tổng doanh thu vào năm 2024 song hơn 90% còn lại vẫn tại các cửa hàng.

Đánh giá trên cũng tương đồng với Báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2024 của Savills khi ghi nhận một số thương hiệu xa xỉ quốc tế gia nhập thị trường trong những tháng đầu năm như Fendi, Cartier, Loewe… Savills nhận định, ngành bán lẻ khu vực đang có những dấu hiệu phục hồi, với giá thuê mặt bằng tăng và tăng trưởng tích cực nhờ triển vọng kinh tế mạnh mẽ, doanh số bán lẻ tăng và du lịch phục hồi. Các nhà bán lẻ F&B, thể thao và mỹ phẩm dẫn đầu về hoạt động cho thuê trên toàn khu vực trong nửa cuối năm 2023. Các nhà bán lẻ trong lĩnh vực ngoài trời cũng mở rộng, trong khi các thương hiệu giải trí và hoạt động chiếm nhiều không gian hơn trong các trung tâm mua sắm.

Ở lĩnh vực xa xỉ, các thương hiệu xa xỉ khác đang đầu tư vào các cửa hàng ý tưởng và các cơ sở bán lẻ mang tính trải nghiệm hơn. Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cấp cao Dịch vụ cho thuê bán lẻ Savills TP.HCM cho biết, các thương hiệu cao cấp hiện nay đa số tìm kiếm mặt bằng tại các khu vực trung tâm đã tập trung nhiều thương hiệu. "Tuy nhiên, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại các khu vực luxury cluster hiện hữu đang khan hiếm, dẫn đến tình trạng cạnh tranh cao giữa các thương hiệu", bà Quyên nói.

Tỷ lệ lấp đầy đạt 92%

Theo ghi nhận của Báo Thanh Niên, xu hướng tìm kiếm mặt bằng co cụm tại khu trung tâm quận 1 trên các trục đường, vị trí chính đã phản ánh yếu tố "buôn có bạn, bán có phường" cao trong ngành bán lẻ. Các thương hiệu có xu hướng lựa chọn mặt bằng tại những khu vực có nhiều thương hiệu khác cùng phân khúc để hưởng lợi từ hiệu ứng đám đông và thu hút khách hàng.

Ngoài ra, việc phát triển các dự án mới tại khu vực ngoài trung tâm quận 1 để đáp ứng nhu cầu mặt bằng bán lẻ xa xỉ là một thách thức lớn. Các dự án mới cần có thời gian để xây dựng danh tiếng và thu hút khách hàng. Trong khi các thương hiệu thường ưu tiên lựa chọn những khu vực đã có sẵn lượng khách hàng nhất định.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, hoạt động diễn ra ổn định, mức độ lấp đầy không đổi theo quý, đạt 92%. Các chủ nhà đã loại bỏ chương trình giảm giá thuê. Trong quý vừa qua, các giao dịch thuê đạt tổng 1.688m2 sàn. Lượng tiêu thụ lớn nằm ở khu vực ngoại thành đạt 2.040m2 sàn chủ yếu đến từ khách thuê F&B và một số tòa nhà đã chuyển đổi công năng từ văn phòng sang bán lẻ.

Các thương hiệu mở rộng chiếm 67% tổng lượng giao dịch và những giao dịch vượt quá 1.000m2 sàn chiếm 8% giao dịch. Thời trang chiếm 50% giao dịch, tiếp theo là F&B với 20% thị phần và sức khỏe & sắc đẹp chiếm 15% thị phần.

Thị trường bán lẻ TP.HCM đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhờ vào nhiều yếu tố tích cực, bao gồm triển vọng thu nhập và dân số gia tăng, các dự án bán lẻ liên tục cải thiện chất lượng và sự phát triển kinh tế.

Thị trường khu vực cũng đang có những động lực thúc đẩy tăng trưởng tích cực. Tăng trưởng GDP của châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ đạt gần 4% trong năm nay, cao hơn gấp đôi so với dự báo của Mỹ và vượt xa hiệu quả hoạt động chậm chạp của Khu vực đồng euro. Trong khi Việt Nam cùng Malaysia và Philippines đang trên đà đạt mức tăng trưởng hơn 6% trong năm nay.

ĐẤT NỀN, BẤT ĐỘNG SẢN THẤP TẦNG KHU ĐÔ THỊ HẤP DẪN NHÀ ĐẦU TƯ

Đất nền, bất động sản thấp tầng khu đô thị đã cho thấy sức hấp dẫn của “kênh đầu tư vua” đã trở lại. Chỉ trong 3 tháng đầu năm thị trường đã xuất hiện nhiều nhóm đầu tư “cá mập” đi săn đất nền, thấp tầng số lượng lớn.

“Kênh đầu tư vua” trở lại

Lãi suất tiết kiệm liên tục giảm xuống thấp kỷ lục tiệm cận mức 2% đã kéo theo lãi suất cho vay giảm xuống mức 6% đối với các khoản vay mới. Dòng tiền rẻ đã kích thích mạnh mẽ người dân vay mua nhà, vay đầu tư bất động sản. Cùng với đó, mức lãi suất giảm khiến kênh đầu tư gửi tiết kiệm của người dân trở nên kém hấp dẫn. Nhiều chuyên gia dự báo dòng tiền nhàn rỗi có thể hướng sang các kênh khác mà bất động sản là một trong các thị trường tiềm năng.

Theo đánh giá của giới phân tích, sau sức nóng của thị trường chung cư tại Hà Nội, phân khúc đất nền đã bắt đầu “rã băng” và mức độ quan tâm sẽ gia tăng theo tháng. Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết: “Chúng tôi từng đưa ra dự báo đất nền, sản phẩm thấp tầng khu đô thị khả năng là phân khúc có sự cải thiện chậm nhất thị trường, sớm nhất phải từ cuối năm 2024 trở đi mới có tín hiệu. Tuy nhiên phân khúc này đã cho thấy sức hấp dẫn, “kênh đầu tư vua” đã trở lại. Trong 3 tháng đầu năm thị trường xuất hiện nhiều nhóm đầu tư “cá mập” đi săn đất nền số lượng lớn. Động thái này có thể đẩy chu kỳ tăng giá đất nền đến sớm hơn những dự báo trước đó, có thể là từ quý 2 năm nay”.

Quan sát thực tế hiện nay cho thấy, giá các sản phẩm đất nền, liền kề hiện vẫn đang ổn định, nhưng càng về cuối quý 1, số lượng các nhà đầu tư có sẵn tiền đi gom hàng và đi tìm mua đất nền đang tăng dần. Khi nhu cầu tăng rõ ràng hơn, giá theo đó cũng sẽ tăng. Nhiều đơn vị môi giới xác nhận là giá đất nền đang sự điều chỉnh ngay trong tháng 4 này.

Các chuyên gia nhận định, sau chung cư và biệt thự Hà Nội, sức nóng của dòng tiền đầu tư đang tỏa ra các tỉnh để săn lùng các sản phẩm bất động sản tốt, pháp lý đầy đủ và hạ tầng đã hoàn thiện. Vậy đâu sẽ là điểm đón dòng tiền đầu tư mạnh mẽ này?

Chỉ điểm vùng trũng cho nhà đầu tư

Là đô thị lớn thứ hai của tỉnh Quảng Ninh, sau hơn 10 năm lên thành phố, Cẩm Phả đã chứng minh sức hút của một vùng đất giàu tiềm năng với tiềm lực kinh tế vững mạnh. Đây cũng chính là lý do khi cơn sốt bất động sản Hà Nội ngày càng nóng đã xuất hiện dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư đổ về nơi đây.

Quan sát thực tế cho thấy, điểm nóng bất động sản tại Cẩm Phả đang được hút về dự án Vịnh Giải trí Safabay. Tọa lạc tại trung tâm thành phố Cẩm Phả, dự án Vịnh Giải trí Safabay nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư với vị trí đắc địa trải dài hơn 2,6km trên tuyến đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, sở hữu bãi biển riêng biệt dài 1,2km cùng tầm nhìn không giới hạn Vịnh di sản Bái Tử Long.

Lợi thế đặc biệt giúp Safabay lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư chính là pháp lý minh bạch và mức giá hấp dẫn. Hiện dự án đã hoàn thiện toàn bộ hạ tầng, sổ đỏ đã có từng lô đất, sẵn sàng sang tên cho khách hàng ngay khi hoàn thiện hợp đồng mua bán nhưng các sản phẩm tại dự án có giá chỉ 38 triệu đồng/m2.

Đây là mức giá cạnh tranh và được đánh giá là “vùng trũng” khi đặt lên so sánh với các sản phẩm đất ở lâu dài ven biển tại các đô thị biển khác. Theo quan sát, những vị trí tương tự tại Hạ Long đã vượt ngưỡng 200 triệu đồng/m2. Thậm chí mức giá tại Safabay Cẩm Phả chỉ bằng 1/10 mức giá đất ở lâu dài ven biển khu vực Đà Nẵng – Nha Trang.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư Vịnh Giải trí Safabay còn đưa ra các chính sách hỗ trợ khai thác, vận hành để mang tới dòng tiền hiện hữu cho khách hàng. Cụ thể, với những sản phẩm đã xây dựng, khách hàng sẽ được ân hạn gốc và lãi suất trong thời gian lên tới 24 tháng. Chủ đầu tư cũng sẽ miễn phí trả nợ trước hạn để khách hàng chủ động, linh hoạt với các kế hoạch tài chính.

Đối với các sản phẩm xây thô, chủ đầu tư dành tặng ưu đãi gói nội thất trị giá 1 triệu đồng/m2 sàn xây dựng cho khách hàng thanh toán bằng vốn tự có hoặc thanh toán sớm 95% và gói ưu đãi nội thất trị giá 500.000 đồng/m2 sàn xây dựng cho khách hàng sử dụng hình thức vay hỗ trợ lãi suất. Đồng thời hỗ trợ kinh doanh các sản phẩm xây thô ở mức 20 triệu đồng/tháng trong thời gian lên tới 2 năm.

Đặc biệt, trong tháng 4 này, tại Safabay Cẩm Phả sẽ tổ chức hàng loạt chương trình bốc thăm dành cho khách hàng có giao dịch thành công. Sự kiện sẽ trao tặng nhiều phần quà hấp dẫn với tổng giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Cụ thể, với mỗi 15 giao dịch thành công, khách hàng có cơ hội bốc thăm trúng thưởng giải đặc biệt là xe ô tô Mercedes – Benz C200; với 100 giao dịch thành công đầu tiên, khách hàng có cơ hội bốc thăm sở hữu xe ô tô Lexus ES 250. Ngoài các giải đặc biệt, chương trình rút thăm còn mang đến nhiều giải thưởng hấp dẫn khác.

Có thể nói, từ vị trí trung tâm thành phố, đối diện Vịnh di sản cùng pháp lý sở hữu lâu dài và chính sách giá hấp dẫn chỉ 38 triệu đồng/m2, Vịnh Giải trí Safabay đang mang tới tiềm năng tăng giá, đầu tư sinh lời lập tức cho các nhà đầu tư trong thời kỳ mới. Sở hữu bất kỳ sản phẩm nào tại Safabay khách hàng đều hưởng lợi kép khi vừa tận dụng được chính sách bán hàng ưu việt từ chủ đầu tư lại vừa có cơ hội đón đầu cơn sóng tăng giá bất động sản thấp tầng khu đô thị khi sốt đất đang lan rộng từ Hà Nội ra các tỉnh lân cận.

Nguồn: Người Đưa Tin; Vietnamnet; Thanh Niên; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang