Giá nông sản lập đỉnh; Các chuyến bay 30-4, 1-5 đang cạn vé; Ứng phó hàng giá rẻ TQ; Chục nghìn tấn ngô từ Lào đổ bộ

GIÁ NÔNG SẢN LIÊN TỤC LẬP ĐỈNH

Giá cà phê, sầu riêng, ca cao... tăng mạnh, liên tục lập đỉnh mới đã giúp người trồng lãi lớn.

Đầu năm, giá cà phê chỉ neo ở mức 70.000 đồng một kg nhưng tới nay đã tăng 63% lên 114.000 đồng. Mức này gấp 2, 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất từ trước tới nay.

Tương tự, sầu riêng, ca cao cũng lập kỷ lục giá mới trong quý I với mức tăng gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, sầu riêng trong tháng 3 đã có thời điểm tăng lên 230.000 đồng một kg với hàng Monthong, sau đó quay đầu hạ nhiệt do vào chính vụ. Với ca cao, giá mỗi kg quả tươi đang được mua là 7.000-8.000 đồng một kg, tăng 60% so với cùng kỳ 2023.

Trên thị trường thế giới, giá các mặt hàng này đang tăng cao chưa từng có. Trong đó, cà phê Robusta trên sàn London đã đắt thêm gần 1.000 USD một tấn từ đầu năm đến nay lên 4.003 USD trong phiên giao dịch 16/4 cho kỳ hạn giao tháng 5. Giá cà phê Arabica New York lên 5.100 USD một tấn - cao kỷ lục. Hiện giá ca cao, tiêu trên thị trường thế giới cũng đã tăng 30-40%.

Theo nông dân các địa phương, xuất khẩu tăng vọt đẩy giá các nông sản liên tục lập đỉnh giúp họ có lãi cao. Mỗi ha, người dân có lãi 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng (tùy loại nông sản). Trong đó, sầu riêng và cà phê mang lại lãi cao nhất khi giá liên tục lập đỉnh mới trong nửa đầu năm.

"Năm nay, mỗi ha cà phê của gia đình tôi cho thu hoạch 6 tấn nhân. Với mức giá tốt như thời gian qua, tôi thu lãi khoảng 400 triệu đồng", chị Loan ở Gia Lai cho hay.

Ông Hoàng Anh Tuấn - thương lái chuyên thu mua nông sản ở các tỉnh Tây Nguyên - cho biết 2023-2024 là năm nông dân trồng cà phê, sầu riêng đạt lãi cao nhất. 5 năm trước, những tháng đầu năm, nhiều nông sản thường rớt giá nhưng nay ngược dòng tăng đột biến.

"Cà phê, sầu riêng, ca cao tăng liên tục trong quý I và vượt hoàn toàn mọi dự báo của cơ quan chuyên ngành", ông Tuấn chia sẻ

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), cũng cho rằng cơn sốt giá nông sản năm nay khác với mọi năm. Nếu năm ngoái, hàng vào chính vụ giá sẽ quay đầu giảm, còn nay thì không. Nguyên nhân là do bắt đầu từ niên vụ 2022-2023, lượng tồn kho cà phê của Việt Nam ở mức thấp nhất từ trước tới nay. Tình trạng thiếu hụt tiếp tục kéo dài đến hiện nay và xảy ra ở nhiều nước sản xuất cà phê khác khiến giá tăng phi mã và chưa có điểm dừng.

Thống kê từ Cục trồng trọt cũng cho thấy, diện tích trồng cà phê, ca cao Việt đang dần bị thu hẹp do nhiều năm cà phê rớt giá. Số liệu thu thập đến hết năm 2022, Việt Nam có 656.000 ha cà phê, trong đó diện tích già cỗi tăng cao. So với 2019, diện tích cà phê năm 2022 đã giảm 5%. Với ca cao, tính đến 2022, cả nước có 3.481 ha, trong khi trước đó năm 2013 là 10.000 ha. Tương tự, diện tích tiêu của Việt Nam cũng đã thu hẹp dần từ 4 năm nay. Nhiều bà con ở các vùng Tây Nguyên, miền tây đã chặt bớt ca cao, cà phê, tiêu để chuyển đổi sang trồng sầu riêng và các cây trồng khác.

Ngoài thu hẹp diện tích, theo ông Hải, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê, ca cao, tiêu toàn cầu. Xung đột địa chính trị, căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ khiến giá các nông sản này ngày càng đắt đỏ.

Với sầu riêng, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng trong tháng 3, nguồn cung sầu riêng của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc ở thế "một mình một chợ" nên giá tăng cao. Giá trái vụ năm nay đạt lỷ lục mới vì hạn hán gây mất mùa, giảm sản lượng.

Theo các hiệp hội, xu hướng giá các loại nông sản trên sẽ tiếp tục duy trì mức cao vì nhu cầu trên thị trường thế giới lớn, trong khi cung trong nước và toàn cầu đồng loạt giảm. Khủng hoảng Biển đỏ, giá dầu tăng có thể khiến nhiều nông sản tiếp tục lập đỉnh mới và phá vỡ mọi kế hoạch đặt ra đầu năm.

Với mặt hàng sầu riêng, hàng sắp rộ vụ từ tháng 5 nên giá sẽ quay đầu giảm nhưng cũng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Đặc biệt, nếu Việt Nam sớm được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh, giá mặt hàng này sẽ tiếp tục có nhiều bứt phá.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Lăk cho rằng xu hướng tăng giá sẽ còn duy trì khi tình trạng hạn hán, thiếu nước sẽ xảy ra trong mùa hè năm nay. Hiện, tỉnh này đã chỉ đạo công ty thủy lợi, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có kế hoạch điều tiết nước cho cây trồng, nhất là những vùng trồng cây chủ lực, đang có giá cao.

CÁC CHUYẾN BAY 30-4, 1-5 ĐANG CẠN VÉ

Các chuyến bay từ Hà Nội, TP HCM đến địa phương vào thời gian bắt đầu kỳ nghỉ 30-4, 1-5 đã bán từ 75-100% số vé, tính chất di chuyển "lệch đầu" thể hiện rõ nét

Kết quả thống kê tình hình đặt chỗ của các hãng hàng không Việt Nam trên các đường bay nội địa trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5, đến thời điểm ngày 19-4, tức 1 tuần trước ngày bắt đầu kỳ nghỉ cho thấy, tính chất di chuyển "lệch đầu" của vận tải hàng không vào các giai đoạn cao điểm và lễ Tết đã hình thành rõ nét.

Theo đó, các chuyến bay từ hai thành phố trung tâm ở hai đầu đất nước là Hà Nội và TP HCM đến các địa phương có tỉ lệ đặt chỗ cao vào thời gian bắt đầu kỳ nghỉ, và trạng thái tương tự sẽ xuất hiện trên các đường bay từ các địa phương đến Hà Nội/TP HCM vào thời gian kết thúc kỳ nghỉ.

Cụ thể, vào giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ lễ, trong ngày nghỉ chính thức đầu tiên 27-4, tỉ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ Hà Nội và TP HCM đến các địa phương đa phần đã đạt mức trên 75%; trong đó một số đường bay đã đạt trên 90% đến 100% tỉ lệ đặt chỗ, như: Hà Nội - Huế, Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Quảng Bình, Hà Nội - Nha Trang, Hà Nội - Tuy Hòa, Hà Nội - Điện Biên, TP HCM - Đà Lạt, TP HCM - Tuy Hòa, TP HCM - Phú Quốc, TP HCM - Điện Biên…

Con số này tăng khá nhanh so với trước đây một tuần, đến này 14-4, tỉ lệ này đạt từ 40 - 70%

Trên đường bay từ các địa phương đến Hà Nội/ TP HCM, tỉ lệ đặt chỗ vào giai đoạn đầu kỳ nghỉ lễ đang ở mức trung bình, dao động 50%; có một số đường bay với tỉ lệ cao hơn là Hải Phòng - TP HCM, Điện Biên - TP HCM, Điện Biên - Hà Nội, Đà Lạt - Hà Nội…

Các ngày 26-4 và 28-4, tức 1 ngày trước và sau ngày nghỉ đầu tiên, dù chưa rõ nét như ngày 27-4 nhưng tỉ lệ đặt chỗ cũng đã thể hiện xu hướng tương tự.

Với ngày giữa kỳ nghỉ là 29-4, tỉ lệ đặt chỗ chưa thể hiện mức độ gia tăng hay có biến động đặc biệt trên đường bay nội địa, hiện đa phần dao động ở mức 30%-50%. Hành khách vẫn có nhiều lựa chọn di chuyển chuyến bay phù hợp trong ngày này.

Vào cuối kỳ nghỉ lễ, đặc biệt với ngày kết thúc kỳ nghỉ (1-5), tỉ lệ đặt chỗ đã thể hiện mức tăng cao rõ rệt trên các đường bay từ địa phương đi Hà Nội và TP HCM, trung bình cũng đã trên 75%; trong đó, một số đường bay có tỉ lệ đặt chỗ đã đạt và xấp xỉ 100% như: Huế - Hà Nội, Phú Quốc - Hà Nội, Điện Biên - Hà Nội, Đồng Hới - Hà Nội, Nha Trang - Hà Nội, Pleiku - TP HCM, Phú Quốc - TP HCM, Tuy Hòa - Hà Nội/TP HCM, Quy Nhơn - Hà Nội/TP HCM ….

Các đường bay từ Hà Nội/ TP HCM đến địa phương trong giai đoạn này đã "hạ nhiệt" hơn trước và tỉ lệ đặt chỗ đang ở mức vừa phải, trung bình dưới 50%.

Đường bay Điện Biên đắt khách

Ngoài ra, kết quả thống kê tỉ lệ đặt chỗ trên các đường bay nội địa cũng chỉ ra một điểm nổi bật trong giai đoạn này được thể hiện trên đường bay kết nối đến Điện Biên khi thời điểm gần đến dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5). Theo đó, các đường bay Hà Nội - Điện Biên và TP HCM - Điện Biên đều nằm trong nhóm các đường bay có tỉ lệ đặt chỗ cao, xuyên suốt cả kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5, và dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong những ngày kế tiếp.

Hiện tại, có 2 hãng hàng không là Vietnam Airlines và Vietjet Air đang khai thác đường bay kết nối Hà Nội/TP HCM với Điện Biên. Cả hai hãng đều đã tăng chuyến dịp này. Trong đó, Vietnam Airlines sẽ khai thác 3 chuyến bay mỗi ngày từ Hà Nội đi Điện Biên và chiều ngược lại trong thời gian từ ngày 3-5 đến 8-5 tới, tăng gần gấp đôi so với lịch bay hiện tại.

Còn Vietjet tăng tần suất bay giữa Hà Nội và TP HCM với Điện Biên lên 28 chuyến bay/ tuần.

Theo đó, đường bay Hà Nội - Điện Biên sẽ tăng lên 14 chuyến bay trong tuần từ 3 đến 11-5 bên cạnh 14 chuyến bay giữa TP HCM và Điện Biên mỗi tuần mà hãng đang khai thác.

LÀN SÓNG HÀNG GIÁ RẺ TRUNG QUỐC ĐE DỌA NỀN SẢN XUẤT

Làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn ra nước ngoài đang đe dọa nền sản xuất của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cường, Giáo sư danh dự tại Trường Kinh tế Paris (PSE), Đại học Paris 1 Pantheon-Sorbonne, Giám đốc nghiên cứu danh dự tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), xung quanh vấn đề này.

- Ông đánh giá ra sao về làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đang đe dọa nền sản xuất của nhiều quốc gia. Việt Nam cần có giải pháp gì để ứng phó với làn sóng này?

Với các nền kinh tế nhỏ như Việt Nam, làn sóng này liên quan tới chuyện cạnh tranh qua giá cả và chất lượng. Việt Nam nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc, trong đó có những mặt hàng Việt Nam có thể sản xuất được nhưng lại không sản xuất mà nhập từ Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là vì sao giá hàng Trung Quốc lại rẻ? Giá thành phụ thuộc vào chi phí lao động và phương thức sản xuất. Tôi không nghĩ chi phí lao động ở Việt Nam lại cao hơn nhiều so với Trung Quốc. Nếu không phải thì có thể Trung Quốc đã có những phương thức sản xuất hiệu quả hơn. Vậy thì Việt Nam phải cải thiện những phương thức sản xuất của mình để tăng năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, có thể còn có những chuyện khác như trợ giá. Các cơ quan chuyên môn của Việt Nam phải tìm hiểu xem khi xuất khẩu hàng sang Việt Nam, Trung Quốc có cách gì trợ giá cho hàng xuất khẩu không? Cũng phải nghiên cứu xem những sản phẩm đó ở thị trường nội địa Trung Quốc có giá bao nhiêu? Nếu có bằng chứng rõ ràng Trung Quốc trợ giá cho hàng xuất khẩu, thì Việt Nam phải khiếu nại, ví dụ như vi phạm về luật thương mại.

- Có những bài học kinh nghiệm nào từ các quốc gia trên thế giới trong việc đối phó với làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, thưa ông?

Đây thực sự là một điều rất khó giải quyết. Châu Âu cũng là một nơi chứng kiến điều tương tự khi xe ô tô của Trung Quốc, đặc biệt là xe điện, đang tràn ngập thị trường châu Âu.

Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, Việt Nam phải đi theo một chiến lược dài hơi, đó là nâng cao chất lượng nhân lực để cải tiến kỹ thuật và tạo ra năng suất lao động tốt hơn. Nói cách khác, cần tăng tỷ lệ hàm lượng chất xám trong các sản phẩm của quốc gia.

Để có được điều đó, không có cách nào khác là đi từ giáo dục. Như nói tới châu Âu, cần nhấn mạnh Đức và Pháp. Theo tôi, nền giáo dục của Pháp đang đi xuống trong khi Đức vẫn giữ chất lượng tốt. Do đó, hàng hóa Trung Quốc đi vào Đức không phải là một vấn đề lớn, trong khi Pháp lại tương đối chật vật đối phó với vấn đề này.

Ngay bản thân nước Pháp có chính sách thương mại linh hoạt với các nền kinh tế yếu hơn nên họ vẫn xuất khẩu được. Tuy nhiên, Pháp vẫn đang trong tình trạng nhập siêu, trong khi Đức không bị vấn đề này mà vẫn xuất siêu. Bởi chính sách của Đức giúp làm ra các hàng hóa chất lượng cao, nên hàng hóa của họ vẫn rất được ưa chuộng.

Do đó, Việt Nam phải xây dựng được nội lực như vậy mới có thể cạnh tranh được. Có nội lực rồi thì phải có chiến lược phù hợp.

- Để có sức cạnh tranh thì ngoài đầu tư dài hạn vào giáo dục, Việt Nam nên thực hiện thêm những giải pháp nào để cải thiện chất lượng hàng hóa, thưa ông?

Theo tôi, cần phải nhìn vào từng mặt hàng, nếu muốn đề ra một chiến lược hiệu quả. Một trong những mặt hàng mà tôi nghĩ tới có thể là thủ công mỹ nghệ. Đây là một ngành hàng mà Việt Nam mạnh không kém gì Trung Quốc. Nhưng ở thị trường châu Âu thì chủ yếu là hàng Trung Quốc mà không thấy hàng Việt Nam. Về Việt Nam hỏi thì các nhà sản xuất bảo do giá thành cao. Do đó, Việt Nam phải điều tra xem vì sao giá hàng thủ công mỹ nghệ lại cao khi mình có đầy đủ mọi yếu tố để cạnh tranh.

Trong ngành điện tử, Việt Nam đang làm tốt ở khâu gia công cho điện thoại thông minh thì hãy tiếp tục. Tuy nhiên, để thoát ra khỏi mác công xưởng thì phải có hướng đi lên trong chuỗi giá trị đó; nếu không, sẽ mãi chỉ là một mắt xích nhỏ thâm dụng lao động trong chuỗi giá trị đó.

Điều quan trọng là Việt Nam phải yêu cầu rõ ràng về việc các công ty nước ngoài phải đào tạo con người; đồng thời yêu cầu họ phải chuyển giao công nghệ. Đây là câu chuyện hết sức bình thường ở các nước khi chuyển giao công nghệ luôn là một phần thỏa thuận.

Cũng chính Nhật Bản và Hàn Quốc vươn lên được nhờ nhận chuyển giao công nghệ kỹ thuật từ Mỹ và châu Âu. Các nước này cũng tích cực gửi người đi học hoặc đào tạo kỹ sư ở nước ngoài, cho họ làm việc một thời gian và sau đó về nước để tiếp tục phát triển. Đây là điều mà Việt Nam phải xem xét nghiên cứu.

Theo tôi, Trung tâm Đổi mới sáng tạo (NIC) có một vai trò lớn trong việc giúp Việt Nam cạnh tranh với bên ngoài. Trung tâm này phải tìm ra cách đổi mới tư duy về phương pháp đào tạo, nghiên cứu, để đào tạo ra nguồn nhân lực có thể đưa ra những phương thức mới, dẫn đến những sản phẩm mới.

Hiện nay, có lẽ Việt Nam phải nhập những công nghệ mới của bên ngoài là “cái ngọn”. Nhưng đổi mới rồi sáng tạo ra “cái gốc” để tạo ra những “cái ngọn” do Việt Nam làm ra. Như thế, NIC phải cộng tác chặt chẽ với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong nước và ngoài nước, cũng như các công ty ở Việt Nam để biết nhu cầu của họ, và gợi ý cho họ sản xuất những sản phấm có giá trị cao.

SẢN LƯỢNG GẤP 8,5 LẦN VIỆT NAM VẪN NHẬP HÀNG NGHÌN TẤN NGÔ TỪ LÀO, VÌ SAO?

Nước ta tổng cộng đã nhập khẩu hơn 2,7 triệu tấn trong quý 1.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2024, nước ta đã nhập khẩu 871.741 tấn ngô với trị giá hơn 215 triệu USD, giảm 6,5% về lượng và giảm 9,1% về kim ngạch so với tháng trước đó. Giá nhập khẩu trong tháng 3 đạt 247 USD/tấn, giảm 2,8% so với tháng 2/2024.

Lũy kế trong quý 1/2024, nước ta đã nhập khẩu hơn 2,78 triệu tấn ngô với trị giá hơn 702 triệu USD, tăng mạnh 27,1% về lượng nhưng giảm 4,8% về kim ngạch. Giá bình quân đạt 252 USD/tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2023.

Xét về thị trường, ngô nhập khẩu về Việt Nam đều đang có xu hướng giảm giá. Brazil tiếp tục là thị trường cung cấp ngô lớn nhất cho Việt Nam với hơn 1,9 triệu tấn, tương đương hơn 381 triệu USD, tăng mạnh 22,5% về lượng nhưng giảm 5,8% về kim ngạch. Giá nhập khẩu bình quân đạt 252 USD/tấn, giảm đến 25% so với cùng kỳ năm trước.

Arghentina là nhà cung cấp lớn thứ 2 của Việt Nam với 728.759 tấn, tương đương hơn 178 triệu USD, tăng đến 80% về lượng và tăng 31,6% về kim ngạch. Giá nhập khẩu đạt 245 USD/tấn, giảm 26%.

Đáng chú ý, một nhà cung cấp chủ chốt của Việt Nam trong nhiều năm qua cũng đang chứng kiến giá giảm – sản lượng tăng trong quý 1/2024 là láng giềng Lào. Cụ thể nước ta nhập 66.033 tấn ngô từ Lào, tương đương hơn 16,5 triệu USD, tăng 11% về lượng nhưng giảm 20,3% về kim ngạch. Giá nhập khẩu đạt bình quân 250 USD/tấn, giảm 29% và là mức giảm mạnh nhất trong số các nhà cung cấp chủ đạo cho Việt Nam.

Trong năm 2023, nước ta đã nhập khẩu từ Lào 104.970 tấn ngô với trị giá hơn 34 triệu USD, tăng mạnh 35% về lượng và tăng 19% về trị giá. Tuy nhiên chỉ chiếm tỷ trọng hơn 1% về cả lượng lẫn kim ngạch.

Đáng chú ý, sản lượng ngô của Việt Nam và Lào lại ghi nhận một sự chênh lệch lớn. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết sản lượng ngô của Lào đạt 510.000 tấn trong niên vụ 2022-2023. Trung bình trong 5 năm 2018-2022, sản lượng ngô của Lào đạt 597.000 tấn. Còn đối với Việt Nam, số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết năm 2022 sản lượng ngô đạt 4,41 triệu tấn, giảm 0,8% so với năm trước. Như vậy nếu so trong năm 2022, sản lượng ngô của Việt Nam gấp đến 8,5 lần so với thị trường Lào.

Việt Nam là một trong hai quốc gia có khối lượng nhập khẩu ngô tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á và cũng nhà nhập khẩu ngô lớn nhất trong khu vực kể từ niên vụ 2018/19. Từ năm 2012, Việt Nam đã chuyển từ nước nhập khẩu ngô lớn thứ 19 lên vị trí thứ 5 thế giới.

Vì nguồn cung từ ngành trồng trọt trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 37% lượng nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, bởi vậy nước ta vẫn phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi.

Theo khảo sát của Statista, Việt Nam vừa nằm trong nhóm 30 quốc gia trồng ngô lớn nhất trên thế giới, vừa ở nhóm các quốc gia nhập khẩu bắp nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, châu Âu, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ai Cập…

Tổng kết năm 2023, nước ta nhập hơn 9,7 triệu tấn ngô với trị giá hơn 2,8 tỷ USD, tăng 1,1% về lượng nhưng giảm 14,1% về trị giá so với năm 2022.

Nguồn: Vnexpress; Kenh14; Diễn Đàn Doanh Nghiệp; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang