Dân đổ xô mua quạt tích điện sớm; 'Vỡ mộng' với cua lột giá rẻ; 'Cơn sốt' vàng nhẫn 24k; Chủ đầu tư 'chây ì' làm sổ hồng

MỚI CHỚM HÈ, DÂN HÀ NỘI ĐÃ ĐỔ XÔ MUA QUẠT TÍCH ĐIỆN VÌ SỢ MẤT ĐIỆN

Để ứng phó với những tình huống mất điện trong mùa nắng nóng sắp tới, người dân Hà Nội chủ động tìm mua quạt tích điện sớm khiến thị trường đồ điện này đã sôi động trở lại dù chỉ mới chớm hè.

Những ngày đầu hè, nhiệt độ thời tiết Hà Nội đang nắng nóng dần lên. Lo sợ tình trạng cắt điện đột ngột và nắng nóng tái diễn như năm ngoái, nhiều người tìm đến giải pháp mua quạt tích điện, khiến thị trường này sôi động sớm hơn mọi năm.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có con gái đang trong kỳ ôn thi tốt nghiệp THPT. Tuy thời tiết Hà Nội những ngày qua chưa nắng nóng lắm nhưng ba hôm trước cả khu phố bị cắt điện. Thời gian này, việc ôn tập của con rất quan trọng, tôi mua thêm quạt tích điện và máy phát điện để đảm bảo việc học của con không bị gián đoạn”.

Cũng cùng nhu cầu cho con sử dụng, anh Khánh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết anh muốn mua loại quạt tích điện có 10-12 mức gió, có thể sử dụng được từ 8-10 tiếng. Anh phải đi mua từ sớm do lo ngại mấy hôm nữa đông người mua sẽ không còn hàng chất lượng.

Sau khi khu nhà mình ở bị cắt điện đúng ngày cuối tuần, Bảo Anh (sinh viên tại Hà Nội) đã tham khảo bạn bè và quyết định mua mẫu quạt sạc có thể dùng được 5-7 tiếng liên tục. “Thời tiết cuối tháng 5 hàng năm thường nắng nóng và cắt điện. Mình đã phải mua sẵn một chiếc quạt tích điện cầm tay với giá 450.000 đồng để dự phòng”, Bảo Anh chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của anh Đức Quang (Cầu Giấy, Hà Nội), khi mua đồ điện qua các trang thương mại điện tử nên cẩn thận bởi hàng không hẳn như quảng cáo. Năm ngoái, anh Quang mua một chiếc quạt có bình ắc quy thương hiệu của Trung Quốc, giá 600.000 đồng. Theo giới thiệu của người bán, quạt có thể dùng được 7-8 tiếng sau khi nạp đầy pin. Thực tế, thiết bị chỉ chạy được tối đa 4-5 tiếng.

Giá cả có ‘mềm’ khi mặt hàng ‘sốt’ sớm?

Khảo sát các cửa hàng kinh doanh thiết bị điện trên phố Phùng Hưng (Hà Nội) thời điểm này, nhu cầu mua các thiết bị tích điện của người dân tăng dần lên. Chị Lan (chủ hàng đồ điện) trên phố này cho biết, số lượng sản phẩm quạt tích điện bán ra từ đầu tháng đến nay tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường.

“Như các ngày nắng nóng cuối tháng 5, cửa hàng tôi bán ra hơn 40-50 chiếc quạt tích điện. Kho thường xuyên phải nhập thêm hàng và gọi những cơ sở khác để cung cấp cho khách. Nhìn thời tiết đang nóng dần lên như này, tôi nghĩ năm nay người dân tiêu thụ mặt hàng này sẽ nhiều hơn năm ngoái”, chị nói.

Chị Phạm Thị Nhàn (nhân viên cửa hàng trên phố Phùng Hưng, Hà Nội) cho biết, cửa hàng chủ yếu bán quạt tích điện hãng Kangaroo, Povena, Koreno, Dusiha. Mức giá dao động từ 800.000-1.500.000 đồng/sản phẩm. Cửa hàng đang nhập về số lượng lớn thiết bị tích điện và cũng ‘tung’ ra nhiều khuyến mãi để thu hút khách hàng như thu cũ đổi mới, giảm từ 30-50% tùy theo số lượng khách mua.

Theo anh Bình, một chủ cửa hàng gần đó, quạt tích điện rất đa dạng mẫu mã, chủng loại, hãng sản xuất, thường có suất tiêu thụ khoảng 12-30W, khi sạc đầy sẽ sử dụng được từ 5-10 giờ. Đối với quạt tích điện mini kích thước nhỏ sẽ sử dụng pin sạc bằng cổng USB, công suất vận hành thấp dưới 12W. Các loại này có giá dao động từ 200.000-2.500.000 đồng/sản phẩm.

THẤT VỌNG TRÀN TRỀ VÌ CUA LỘT GIÁ RẺ

Cua lột đang được rao bán với giá hấp dẫn chỉ 25.000 đồng/con khiến nhiều người đua nhau mua về ăn nhưng sau đó thất vọng tràn trề.

Cua lột vốn là mặt hàng hải sản tương đối hiếm gặp vì khó đánh bắt, do phải chờ đúng lúc cua tự lột vỏ (lột xác) để trưởng thành.

Thế nhưng, những ngày gần đây, cua lột lại liên tục được rao bán trên các "chợ" hải sản online hoặc trên các chợ khu dân cư thuộc khu chung cư ở Hà Nội với số lượng không đếm xuể và giá siêu rẻ chỉ từ 25.000 - 40.000 đồng/con.

Tuy nhiên, người bán sẽ giao hàng khi khách mua từ 1 hộp (khoảng 10 con), với tổng giá tiền phải trả trên dưới 250.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị T., một người bán cua lột qua facebook cho biết, cua lột được nhập khẩu từ Myanmar, vì là hàng đông lạnh nên hạn sử dụng rất lâu, có thể để được đến năm 2025. Cua càng to giá càng đắt. Giá thấp nhất là loại cua lột có trọng lượng khoảng 60g/con, giá 25.000 đồng/con. Loại đắt nhất là loại lớn, có trọng lượng khoảng 100 - 120g/con, giá 40.000 đồng/con.

Những lời quảng cáo cua lột cũng rất hấp dẫn: “Cua lột vỏ mềm oặt, ăn được 100% từ chân tới càng, không bỏ đi tí nào. Cua thịt thơm, gạch son béo ngậy, giàu chất dinh dưỡng” .

Những người bán cua lột trên chợ mạng khuyến cáo, người mua nên chế biến bằng cách lăn bột chiên giòn, chiên bơ tỏi hoặc sốt trứng muối.

Thấy cua lột giá rẻ liên tục được rao bán trên các nhóm chợ hải sản, nhóm khu chung cư nên anh Đỗ Lâm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đặt mua 5 con về ăn và thất vọng vì mùi vị của loại cua này không ngon như mong đợi. "Chúng có vị quá mặn, khi ăn cảm nhận rõ những lớp vỏ thô ráp, xào xạo trong miệng" , anh Lâm chia sẻ.

Chị Thiên Lý (Đống Đa, Hà Nội) cũng vừa định đặt mua khoảng chục con về để cả nhà ăn thì được nhiều người ngăn lại và cảnh báo rằng loại cua này rất khó ăn. “Mọi người nói với tôi rằng loại cua này rất mặn và rất mùi, nên cân nhắc trước khi mua kẻo phí tiền, làm tôi đắn đo không biết có nên mua nữa hay không" , chị Lý nói.

Chị Thanh Tuyết (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi bỏ ra 165.000 đồng để mua 5 con cua lột được rao bán trên mạng về ăn thử. Rã đông xong cua chảy ra thành nước, hầu như chỉ còn mỗi vỏ không. Tốn thêm cả tiền mua bột chiên về tẩm, chiên ngập dầu, cuối cùng nấu xong thì ăn không được vì quá mặn, lại còn có mùi khó chịu nên tôi đành phải đổ đi" .

Trong khi đó, anh Vũ Phong (Cái Nước, Cà Mau) - một người chuyên nuôi và buôn bán cua - cho biết, cua lột hàng thương phẩm phải là loại cua đã lớn, tích lũy đủ năng lượng, ít nhất đạt đến trong lượng 200g trở lên, thịt ngon, gạch vàng béo ngậy. Loại cua này thường có giá cả triệu đồng mỗi kg.

Còn cua lột nhỏ, lại còn cấp đông thì khi rã đông ra rồi chỉ còn lại nước, không có thịt nên không thể bán.

Ngoài ra, theo anh Phong, cua khó bảo quản vì khi ướp đá sẽ bị hao thịt, biến chất và có mùi khó chịu. Cua đã để đông lạnh lại có hạn sử dụng cả năm như vậy chắc chắn không ngon, người tiêu dùng nên mua ít để ăn thử, nếu hợp khẩu vị mới nên mua nhiều.

'CƠN SỐT' VÀNG NHẪN 24K KÉO DÀI

Nhu cầu đầu tư vàng nhẫn 24K tăng mạnh trong khi doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, khiến "cơn sốt" kéo dài.

Một tháng trở lại đây, giá thế giới liên tục xác lập mức đỉnh mới, lượt khách giao dịch nhẫn trơn 24K tại các thương hiệu lớn trở nên nhộn nhịp.

Ghi nhận của VnExpress tại một số cửa hàng tại TP HCM của SJC, DOJI hay Mi Hồng, có những thời điểm khách xếp hàng dài chờ mua vàng nhẫn.

Nhân viên quầy nhẫn trơn của cửa hàng SJC Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP HCM) gần đây tất bật vì lượng khách tăng mạnh so với trước. Cửa hàng phân luồng thành hai nơi giao dịch nhẫn 24K riêng biệt, bằng tiền mặt và chuyển khoản và phải kê thêm ghế cho khách ngồi chờ.

Nhu cầu mua tăng vọt, SJC giới hạn mỗi khách được mua tối đa 5 chỉ trong một lần giao dịch. Nhưng mức này là quá ít với nhiều người có nguyện vọng tích trữ và đầu tư.

Một khách hàng nữ cho biết, chị phải ghé cửa hàng tới 3 lần để mua được đủ số lượng mong muốn. Vì mua làm tài sản tích trữ nên chị nói "không quá quan tâm kể cả giá đi xuống".

"Mỗi lần giá vàng nhẫn giảm thấp, cùng lắm là triệu đồng, nhưng sau đó lại tăng mạnh", người này nói và tin rằng loại vàng này vẫn tăng theo đà của thế giới.

Tương tự, tại thương hiệu Mi Hồng, quầy nhẫn trơn những ngày gần đây cũng thường xuyên có khách hàng tới hỏi mua. Nhu cầu tăng lên trong khi lượng hàng có sẵn không nhiều, cửa hàng thường xuyên rơi vào tình trạng "cháy hàng" cục bộ trong ngày.

"Giá càng tăng, người dân kéo tới càng đông", nhân viên cửa hàng vàng cho biết.

Lãnh đạo của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - hãng kinh doanh nữ trang top đầu thị trường, đánh giá có sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Người dân hiện nay chuộng mua vàng 24K với mục tiêu phòng thủ và đầu tư. Nhu cầu này cao hơn hẳn và khác những năm trước khi họ tìm đến PNJ chủ yếu qua trang sức.

Thực tế, vàng là kênh tích lũy dành cho số đông, đặc biệt với người không rành về tài chính. Lực cầu kim loại quý này tăng lên trong bối cảnh các kênh đầu tư khác trong nước giảm hấp dẫn với số đông, lãi suất gửi ngân hàng thấp kỷ lục. Đặc biệt, kỳ vọng vào giá thế giới lên cao càng khiến nhiều người có nhu cầu nắm giữ tài sản này.

Trong bối cảnh nhu cầu tích lũy đầu tư kim loại quý tăng, nhiều người dân lựa chọn bỏ tiền vào nhẫn trơn 24K thay vì vàng miếng SJC - vốn đang đối diện với những rủi ro chính sách và chênh quá cao so với thế giới.

Vì thế, nhẫn trơn trước nay là lựa chọn để mua biếu, tặng, của để dành cho con cháu, giờ trở thành hình thức để tích lũy, đầu tư. Về bản chất, nhẫn 4 số 9 có cùng hàm lượng với vàng miếng SJC, nhưng giá rẻ hơn, do không bị "đóng mác" độc quyền.

Hiện, nhẫn trơn neo quanh 76-77 triệu đồng mỗi lượng, tùy thương hiệu. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này ghi nhận hiệu suất sinh lời trên 20%, tốt hơn so với vàng miếng (13-15%).

Tuy nhiên, mặt hàng này đang trở nên khan hiếm trên thị trường. Các hệ thống như PNJ, DOJI... thường xuyên rơi vào tình trạng "cháy hàng".

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ, cho biết doanh nghiệp gặp khó về nguồn cung nguyên liệu. "Có những lúc chúng tôi không có vàng để chế tác và bán hàng", bà nói.

Lãnh đạo PNJ nói thêm diễn biến giá lên xuống thất thường thời gian qua gây áp lực cho họ trong mua dự trữ nguyên liệu. "Cái khó của công ty là tính toán thời điểm mua vào để có giá phù hợp. Có những ngày nhà máy buộc phải tạm dừng sản xuất vì giá nguyên liệu quá cao, công ty không thể mua vào", Chủ tịch PNJ chia sẻ.

Hơn 10 năm từ khi thực hiện Nghị định 24, các doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu, họ chỉ thu mua trên thị trường. Đây được coi là nguồn nguyên liệu duy nhất để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Các phương thức họ thu mua trong nước, gồm mua lại vàng theo hóa đơn bán ra của doanh nghiệp, đơn vị khai thác hoặc mua theo bảng kê hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn.

Trong kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước vào năm ngoái, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng (VGTA), ông Nguyễn Thành Long cho biết, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn để xác định nguồn gốc vàng nguyên liệu. Họ không có cơ sở, điều kiện và nghĩa vụ xác minh nguồn gốc nguyên liệu thu mua. Vì thế, các đơn vị lo ngại rủi ro về pháp lý sau loạt động thái siết buôn lậu, cũng như thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý.

Từ những lo ngại trên, ông Long cho biết, doanh nghiệp giảm nhu cầu hoặc dừng thu mua vàng nguyên liệu, khiến sản xuất trang sức gặp khó khăn.

Thực tế, nhiều tiệm vàng gần đây đóng cửa, dừng hoạt động do tâm lý bất an trước các cuộc thanh tra của quản lý thị trường. Việc này, theo lãnh đạo PNJ, càng khiến doanh nghiệp lớn khó khăn hơn trong thu mua nguyên liệu đầu vào, bởi các tiệm vàng là một trong ba nguồn cấp cho họ.

Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép nhập khẩu nguyên liệu cho một số doanh nghiệp, nhưng đến nay chưa được duyệt.

Tình trạng thiếu nguyên liệu kéo dài, theo chuyên gia, có thể tiếp tục tạo sự khan hiếm với nhẫn trơn, vốn không phải mặt hàng có biên lợi nhuận cao và được doanh nghiệp ưu tiên trong bối cảnh thiếu nguồn cung.

NGƯỜI MUA CĂNG BĂNG RÔN ĐÒI SỔ HỒNG DÙ DỰ ÁN KHÔNG VƯỚNG MẮC GÌ

Tại TP.HCM, hình ảnh căng băng rôn “đòi” sổ hồng tại các chung cư không còn xa lạ. Khách hàng bức xúc vì đã bỏ tiền mua căn hộ nhưng mãi vẫn chưa nhận được sổ hồng.

Tại TP.HCM, có hơn 20.000 hồ sơ đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu gắn liền với đất (sổ hồng) nhưng chủ đầu tư và người mua nhà chưa nộp. Đây là một bất cập cần được quan tâm tháo gỡ để đẩy nhanh công tác này.

Xử phạt hành chính 24 dự án

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong số 30.061 hồ sơ đủ điều kiện, các chủ đầu tư đã nộp 9.278 hồ sơ, còn lại 20.783 hồ sơ chưa nộp. Có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này, đó là chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính bổ sung và thế chấp dự án.

Cụ thể, một số dự án có thay đổi điều chỉnh quy hoạch nên chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung. Còn với tình trạng thế chấp dự án, chủ đầu tư phải giải chấp quyền sử dụng đất thì mới làm thủ tục nộp giấy chứng nhận lên cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, Nghị định 91/2019 đã sửa và nâng mức phạt lên rất lớn. Sở đã xử phạt rất nhiều trường hợp chậm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận, nếu không nộp sẽ có các chế tài khác đối với chủ đầu tư.

Từ khi Nghị định 91/2019 có hiệu lực đến nay, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 21 dự án, số tiền thu ngân sách hơn 7,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã lập hồ sơ xử phạt, và đang trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 3 dự án. Như vậy, đến nay đã xử lý vi phạm hành chính tổng cộng 24 dự án.

Cần có chế tài với chủ đầu tư

Để đẩy nhanh công tác cấp sổ hồng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, với trường hợp chủ đầu tư dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung, đây là quan hệ giữa chủ đầu tư dự án với cơ quan nhà nước, không liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của khách hàng mua nhà. Vì vậy, nên tách ra xử lý riêng để giải quyết cấp sổ hồng trước cho khách hàng, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư thực hiện trách nhiệm của mình.

“Đề nghị TP nên quyết định trong trường hợp người dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo hợp đồng thì chủ đầu tư phải làm thủ tục cấp chủ quyền cho người mua căn hộ. Còn việc chủ đầu tư đem thế chấp dự án với ngân hàng thì giữa chủ đầu tư và ngân hàng tự giải quyết với nhau”, ông Châu nói.

Tại TP.HCM, hình ảnh căng băng rôn “đòi” sổ hồng tại các chung cư không còn xa lạ. Khách hàng bức xúc vì đã bỏ tiền mua căn hộ nhưng mãi vẫn chưa nhận được sổ hồng. Ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành kiến nghị, chủ đầu tư phải cam kết cấp ít nhất 50% giấy chủ quyền tại các dự án cho hộ dân đang có nhu cầu, đang bức xúc như có nhu cầu cần vay tiền ngân hàng,... Diện tích còn lại, chủ đầu tư cam kết khi có hồ sơ đóng tiền sử dụng đất sẽ đóng.

Tình trạng chủ đầu tư chây ỳ với việc thực hiện thủ tục để “trả” sổ hồng cho cư dân cần phải được xử lý nghiêm. Có như vậy, người mua nhà mới được đảm bảo quyền lợi chính đáng, đồng thời tiến tới giảm bớt các chủ đầu tư vô trách nhiệm với khách hàng.

Nguồn: Vietnamnet; Soha; Vnexpress; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang