Đơn hàng XK thực phẩm tăng trở lại; Xét xử cựu chủ tịch Vimedimex; NĐT 'săn' đất Bình Thuận; Có dấu hiệu 'thổi giá' BĐS

XUẤT KHẨU THỰC PHẨM ĐÓN TIN VUI, ĐƠN HÀNG TĂNG TRỞ LẠI

Chưa quay về giai đoạn tăng ca bận rộn trước dịch nhưng đơn hàng xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm chế biến có tín hiệu tích cực.

"Chúng tôi đã có sẵn đơn hàng hàng chục triệu USD năm nay", bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch công ty Thực Phẩm Bình Tây nói tại một diễn đàn xúc tiến thương mại đầu tháng này ở TP HCM. Đơn hàng này là đầu ra cho nhà máy sản xuất miến dong mà công ty sắp vận hành.

Cùng với thực phẩm đóng gói, thủy sản chế biến cũng có tín hiệu tích cực. Sau hai năm áp lực vì suy thoái kinh tế, Thủy sản Minh Phú ghi nhận xuất khẩu thêm 30% nhờ Mỹ và EU tăng mua. Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng trên 50% so với năm ngoái.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP HCM cũng xác nhận đơn hàng nhóm thủy hải sản và các mặt hàng thực phẩm đang cải thiện, tăng trên 30%.

Theo bà Chi, từ sau Tết Nguyên đán đơn hàng xuất khẩu các doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm nói chung có đủ để duy trì sản xuất đều đặn. Tuy nhiên, nhà máy cũng chưa bận rộn đến mức tăng ca như các năm trước. "Hàng Việt đang được các nhà mua quốc tế ưu tiên", bà Chi nói sáng 16/4, thêm rằng doanh nghiệp vẫn cần mở rộng tìm thị trường mới.

Để tìm thêm đơn hàng, gần 400 doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội trong nước và quốc tế sẽ quy tụ tại TP HCM vào tháng sau, trong triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP HCM 2024. Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM (IPTC) cho biết bên cạnh sự kiện này, trung tâm sẽ tổ chức các đoàn doanh nghiệp dự các hội chợ, triển lãm thực phẩm quốc tế lớn năm nay.

Tính chung cả nước, xuất khẩu thủy sản quý I ước đạt gần 2 tỷ USD, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm 2023. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) dự báo đơn hàng của các doanh nghiệp sẽ khởi sắc và giá tốt dần lên thời gian tới.

Tuy vậy, bức tranh xuất khẩu của nhóm ngành nông sản, thực phẩm vẫn nhiều thách thức, theo các chuyên gia. "Hiện, giá bán trong nước không tăng được vì phải kích cầu, trong khi đầu vào tại chỗ lẫn nhập khẩu đều đắt đỏ, nên lợi nhuận không nhiều", bà Chi nói.

Ngoài ra, tồn kho tăng và biên lợi nhuận cũng thu hẹp. Chi phí vận tải chưa rẻ dù hạ nhiệt so với giai đoạn cuối tháng 1, ảnh hưởng tới giá, khả năng cạnh tranh của hàng Việt khi xuất khẩu. Theo Chỉ số container thế giới (WCI) của hãng dịch vụ tư vấn Drewry Shipping Consultants giảm còn 2.795 USD mỗi container 40 feet nhưng vẫn cao hơn 64% so với cùng kỳ 2023.

Trong trung và dài hạn, áp lực sản phẩm phải xanh, tức tuân thủ các quy định về phát triển bền vững đang ngày càng cao. Các quy định về bền vững của thị trường xuất khẩu, nhất là châu Âu, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ, như tiêu thụ năng lượng, nước; phát thải khí nhà kính, hay các chỉ số về môi trường, xã hội trong chuỗi cung ứng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Dịch vụ Môi trường công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng cho rằng đáp ứng các tiêu chuẩn này đem lại cơ hội tiếp cận nguồn vốn, mở rộng thị trường và giá trị cho sản phẩm nông nghiệp sạch, bền vững. Ở chiều ngược lại, việc này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đưa ra chiến lược cắt giảm, tránh tác động với sản xuất, cạnh tranh.

MỞ LẠI PHIÊN XÉT XỬ CỰU CHỦ TỊCH VIMEDIMEX

Sau một ngày xét xử, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Loan (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn dược phẩm Vimedimex) mức án 30- 36 tháng tù treo.

Chiều 17/4, phiên tòa xét xử sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất ở huyện Đông Anh, Hà Nội chuyển sang phần tranh luận. Đại diện VKS trình bày quan điểm luận tội và đưa ra mức án đề nghị đối với các bị cáo.

Quan điểm luận tội của đại diện VKS cho rằng, việc truy tố các bị cáo về các tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng pháp luật. Hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước...

Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo mức án như sau:

Đối với nhóm bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” theo quy định tại Điều 218, khoản 2, điểm c - Bộ luật Hình sự:

Nguyễn Thị Loan (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn dược phẩm Vimedimex): 30- 36 tháng tù treo.

Nguyễn Quang Hưng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Thanh Trì, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex): 20-24 tháng tù treo.

Tạ Thị Vân (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Bắc Từ Liêm): 24- 30 tháng tù treo.

Nguyễn Xuân Đức (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Mỹ Đình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex 2): 18-24 tháng tù treo.

Nguyễn Thị Diệu Linh (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội - viết tắt là Công ty Vvai): 18-24 tháng tù treo.

Nguyễn Ngọc Thắng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Vvai): 9-12 tháng tù treo.

Nguyễn Đức Phương (Thẩm định viên Công ty Vvai): 9- 12 tháng tù treo.

Trần Công Tuyên (Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng và giải phóng mặt bằng thuộc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh, Hà Nội): 18-20 tháng tù treo.

Vương Thị Thu Thủy (chuyên viên Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh): 9-12 tháng tù treo.

Đối với nhóm bị cáo bị đưa ra xét xử về tội tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360, khoản 3, điểm c - Bộ luật Hình sự:

Bùi Thanh Huyền (nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội): 30- 36 tháng tù treo.

Nguyễn Thị Cẩm Lê (cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội): 18-24 tháng tù treo.

Đại diện VKS đề nghị HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.

'SỐT' ĐẤT Ở BÌNH THUẬN, NHÀ ĐẦU TƯ RỤC RỊCH TRỞ LẠI

Những lô đất có giá từ 6-8 triệu đồng/m2 (trên dưới 1 tỉ đồng/lô) tại khu vực Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) hiện đã có giao dịch khá tốt. Trong đó, lượng nhà đầu tư đến từ Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh lân cận chiếm khoảng 60% nhu cầu.

Đất nền phân lô được “săn đón”

Theo ghi nhận, những lô đất nền pháp lý hoàn chỉnh, có vị trí đẹp, giá mềm tại khu vực Bình Thuận đang được nhà đầu tư quan tâm. Số liệu phân tích từ một sàn giao dịch tại Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho thấy, khoảng 60% nhu cầu đến từ lượng khách hàng là dân địa phương, Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh lân cận. Khách hàng khu vực phía Bắc chiếm gần 40%.

Trong đó, lượng khách hàng có mục đích mua để xây dựng ở/nghỉ dưỡng chiếm 10%; đầu tư phát triển nông nghiệp là 15%; đầu tư xây dựng phát triển du lịch chiếm 25%; đầu tư dài hạn và ngắn hạn chiếm 50% so với tổng thể lượng giao dịch.

Nguồn cung khan hiếm, giá còn mềm, kết nối hạ tầng giao thông thuận tiện, kì vọng tăng giá khi sân bay Phan Thiết hoàn thiện… được xem là lý do khiến sức cầu đất nền Bình Thuận có dấu hiệu tăng nhịp trở lại.

Nếu dòng sản phẩm biệt thự, nhà phố shophouse hay condoetel tại Bình Thuận còn chậm nhịp thì những lô đất nền có vị trí gần biển, sổ đỏ, xây dựng tự do lại được nhà đầu tư “săn đón”. Nhu cầu mua để đầu tư trung - dài hạn chờ sóng quy hoạch, hạ tầng vẫn chiếm phần lớn trong các giao dịch.

Theo một môi giới khu vực Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, từ cuối năm 2023 đến nay, lượng khách là nhà đầu tư đổ về tìm hiểu đất nền tăng rõ nét. Thời điểm sau Tết nguyên đán, khách mua đến từ Tp.HCM và khu vực phía Bắc chiếm phần lớn. Sản phẩm nhà đầu tư quan tâm chủ yếu là đất sào (1 sào =1000m2 Nam Bộ) và đất phân lô có pháp lý hoàn thiện.

Nam môi giới này cho biết, hiện lượng khách quan tâm tìm hiểu đất nền phân lô và đất sào tại khu vực Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) trội hơn các khu vực khác. Nhu cầu của người mua khá đa dạng, từ người mua ở/nghỉ dưỡng đến đầu tư. Trong đó, mua làm của để dành (kèm mục đích đầu tư lâu dài) chiếm khoảng 20-25%; mua để xây ở ngay chỉ chiếm 5%, còn lại mua đầu tư trung – dài hạn chiếm phần lớn. Thậm chí, có một số nhà đầu có sẵn tiền mặt mua một lúc 2-3 nền để đó.

Theo ghi nhận, hiện đất nền dự án quy mô vừa và nhỏ tại Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) khá khan hiếm. Nếu các quỹ đất vài chục đến hàng trăm héc-ta phát triển dự án quy mô của các ông lớn như Sun Group, TTC, Rạng Đông… còn đa dạng thì các dự án đất nền phân lô, diện tích vừa phải, giá mềm, pháp lý chuẩn, nằm gần các dự án quy mô lớn lại có nguồn cung ít ỏi. Lượng giao dịch gần đây tăng trưởng ở loại hình này nhờ mức giá còn phù hợp với số đông người mua.

Theo khảo sát, hiện một lô đất nền tại KDC Hàm Minh nằm ở km số 21 gần trạm thu phí Sông Phan có giá từ 6 đến 7,5 triệu đồng/m2 tương đương khoảng 650 – 850 triệu đồng/lô ghi nhận sức mua khá tốt. Với mức giá này, những nhà đầu tư cá nhân có số vốn tích lũy nhỏ vẫn có thể tham gia thị trường.

Được biết, quy mô của KDC Hàm Minh gồm 38 nền đất phân lô, hiện còn 20 nền có diện tích hơn 100m2. Do có vị trí đẹp gần đường quốc lộ, giá mềm, pháp lý đầy đủ, gần các tiện ích như trường học, chợ, siêu thị,… nên được người mua quan tâm. Đối tượng mua không chỉ là dân địa phương mua làm của để dành hoặc xây nhà ở mà nhà đầu tư ở các khu vực khác cũng đổ về tìm hiểu và xuống tiền.

Mặc dù giao dịch đất nền ở Bình Thuận hiện tại chưa sôi động hẳn nhưng sức cầu tăng ở một số phân khúc đã cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ nét sau khoảng thời gian im ắng. Quan sát các phòng công chứng ở thị trấn Hàm Thuận Nam, hay các PCC như Phạm Văn Bắc, Trần Văn Toản… lượng khách ngồi chờ đến lượt, hoặc đến tìm hiểu thông tin pháp lý dự án đã đông đúc trở lại so với thời điểm đầu năm 2023.

Một số sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn đã có từ 7-10 giao dịch/tháng thay vì chậm nhịp như trước kia. Cùng với đó, các sàn bắt đầu vào giai đoạn tuyển quân để bán hàng trong bối cảnh thị trường có tín hiệu về sức mua.

Theo các môi giới, giao dịch hiện tại tăng rõ nét so với năm 2023 nhưng người mua thận trọng hơn rất nhiều. Một số khách hàng được môi giới tư vấn, đi thực tế dự án và nắm đầy đủ thông tin nhưng cả tháng sau mới liên hệ lại để chốt cọc. Một số khác vẫn băn khoăn về mức giá dù rất thích vị trí, sản phẩm. Điều này cho thấy người mua hiện nay tìm hiểu rất kỹ càng thị trường mới đưa ra quyết định.

“Việc khách mua thận trọng cũng dễ hiểu khi thị trường nhà đất trải qua giai đoạn nóng sốt. Hiện khách hàng không ồ ạt mua “đại” một sản phẩm rồi bán ra hưởng chênh như thời điểm thị trường sôi động. Họ chỉ quyết định xuống tiền khi an tâm nhiều yếu tố cùng lúc như vị trí đất, đường sá, nhu cầu sử dụng, mục đích khai thác, yếu tố thanh khoản, pháp lý, tiện ích xung quanh…”, một nam môi giới chia sẻ.

Nhà đầu tư kì vọng giá tăng nhờ loạt biến động mới từ hạ tầng, sân bay

Việc nhiều nhà đầu tư tìm đến bất động sản ở Bình Thuận gần đây thể hiện kì vọng giá sẽ “bật tăng” khi loạt yếu tố về quy hoạch, hạ tầng, sân bay hiện hữu hoặc sắp đi vào hoạt động.

Cụ thể, vừa qua, lượng khách du lịch đổ Bình Thuận tăng rõ nét kể từ khi cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết; Vĩnh Hảo – Phan Thiết đi vào hoạt động. Nhu cầu mua bất động sản cũng bắt đầu tăng trưởng trở lại khi khoảng cách từ Tp.HCM đến Phan Thiết chỉ 2 tiếng đồng hồ di chuyển qua cao tốc. Những lô đất giá trị vừa phải, gần biển được người mua quan tâm với kì vọng giá trị sẽ gia tăng trong thời gian tới.

“Đa số nhà đầu tư kì vọng thị trường sẽ có bước nhảy về giá vào năm 2025 khi các thông tin hạ tầng, quy hoạch đang diễn biến khá tốt. Môi giới tìm khách hàng cũng bớt khó khăn hơn so giai đoạn trước”, anh Mai Văn Nam, một môi giới khu vực cho biết.

Cùng với đó, sân bay Phan Thiết đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đưa vào hoạt động trong năm 2025 là thông tin tích cực hỗ trợ cho thị trường bất động sản Bình Thuận. Nhiều nhà đầu tư có độ “nhạy bén” với thông tin đã đi “săn” bất động sản từ giữa năm 2023.

Ngoài ra, thông tin quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ năm 2021 năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; động thái các ông lớn bất động sản đang đổ về tìm quỹ đất để khai mở nhiều loại hình dịch vụ du lịch ven biển, nhà máy sản xuất, phát triển các dự án KCD nhiều tiện ích sống.... đang tạo động lực cho thị trường bất động sản nơi đây.

Báo cáo thị trường mới đây của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) chỉ ra, nhiều khu vực tỉnh lân cận Tp.HCM ghi nhận lượng giao dịch đất nền tăng "đột biến", nhất là những lô đất đã tách thửa. Xuất hiện nhiều hơn nhà đầu tư đi săn đất ở những khu vực vùng ven các thành phố lớn, các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao.

Hiện mức giá đất nền đã đi vào ổn định, không còn dấu hiệu giảm giá, thậm chí có dấu hiệu tăng khoảng 5% so với quý 4/2023. Theo Vars, đất thổ cư tiếp tục nhộn nhịp với nhiều hơn thông tin tìm mua từ khách hàng. Các sản phẩm phục vụ nhu cầu ở, có giá bán từ 3-5 tỷ đồng tại trung tâm thành phố và trên dưới 1- 2 tỷ đồng tại các vùng ven được săn đón nhiều nhất.

Tuy vậy, về cơ bản trên thị trường, người mua đang chia thành 2 nhóm chính. Một, nhóm cơ hội - tận dụng thời cơ: Khách hàng quyết định giao dịch nhanh chóng để tận dụng dòng tiền rẻ và chính sách bán hàng tốt. Hai, nhóm cẩn trọng, khách hàng lựa chọn kỹ phân khúc, loại hình bất động sản trước khi xuống tiền, đa phần là khách hàng mua ở thực.

BẤT ĐỘNG SẢN VỪA HỒI PHỤC, 'THỔI GIÁ' ĐÃ XUẤT HIỆN

Trong khi thị trường bất động sản vẫn khó khăn thì nhiều nơi giá căn hộ, đất nền tăng bất thường. Theo các chuyên gia, thị trường có dấu hiệu của thổi giá, nhiễu loạn thông tin.

Nhiều nơi tăng giá, riêng nhà ở xã hội ít giao dịch

Ngày 15.4, trong báo cáo về thị trường bất động sản (BĐS) quý 1/2024 và dự báo quý 2/2014 của Hội Môi giới BĐS VN (VARs) cho thấy tổng nguồn cung quý 1/2024 đạt 20.541 sản phẩm. Trong đó có 4.626 sản phẩm mới hoàn toàn, còn lại là hàng tồn của các giai đoạn mở bán trước đó. Tổng giao dịch đạt 6.200 sản phẩm, tăng 8% so với quý 4/2023 và tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu nguồn cung với nhiều hơn các sản phẩm chất lượng, phù hợp với nhu cầu để ở và đầu tư, thúc đẩy giao dịch, đặc biệt là loại hình đất nền dự án.

Theo VARs, tỷ lệ hấp thụ căn hộ đạt gần 50%. Các dự án mới ra hàng đều có tình hình giao dịch tốt. Các dự án có giá dưới 50 triệu đồng/m2 gần như "ra là hết". Còn các dự án căn hộ ở phân khúc hạng sang có độ hấp thu chậm hơn. Phân khúc nhà ở xã hội ít giao dịch. Kỳ vọng luật mới sớm có hiệu lực sẽ khắc phục tình trạng vừa thiếu vừa ế này. Trong khi đó, sản phẩm thấp tầng, đất nền ấm trở lại với hơn 2.500 giao dịch, gấp 5 lần so với quý trước và 3 lần so với quý 1/2023.

Giao dịch chủ yếu đến từ khu vực miền Bắc. Một số dự án đất nền ghi nhận tỷ lệ hấp thụ 100% bên cạnh lượng giao dịch tăng đều đến từ các dự án đại đô thị ở vùng ven trung tâm Hà Nội. Nhu cầu đầu tư bắt đầu được cải thiện trên thị trường thứ cấp. Tuy nhiên, người mua phần lớn vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu, chỉ có khoảng 40% quyết định "xuống tiền". Các sản phẩm đất nền dự án pháp lý hoàn chỉnh, hạ tầng đã được xây dựng đồng bộ, đất nền tại xung quanh khu dân cư có giá trị xung quanh 2 tỉ đồng đã tách thửa được các nhà đầu tư "săn đón", với mức giá tăng khoảng 5% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, các lô đất to đang được các nhà đầu tư rao bán "cắt lỗ" để thoát hàng giữa bối cảnh luật mới siết chặt hoạt động phân lô, bán nền.

Công ty nghiên cứu thị trường CBRE cũng nhận định giá chung cư tại Hà Nội liên tục leo thang. Trong đó giá bán căn hộ mới tại Hà Nội tăng 19%, đạt trung bình 56 triệu đồng/m2, chưa gồm VAT và phí bảo trì. Giá nhiều tòa chung cư cũ cũng nâng giá, tăng 17%, mức cao nhất từ trước đến nay. Tại TP.HCM ghi nhận mức tăng 3% so với cuối năm 2023. Điều này khiến chênh lệch giữa chung cư Hà Nội và TP.HCM thu hẹp đáng kể, từ mức 35% hồi 2 năm trước thì nay về còn 10%.

Tăng không có cơ sở

Bà Cẩm Tú, một nhà đầu tư BĐS tại Hà Nội, xác nhận: Sau kỳ nghỉ tết âm lịch giá BĐS đặc biệt là nhà phố và đất nền tại Hà Nội tăng mạnh có khi hơn 30% so với cuối năm 2023. Giá chung cư cũng tăng mạnh, nhất là những căn hộ đã bàn giao và đã có sổ hồng. Thậm chí, đang có hiện tượng mua bất chấp. "Điều này cũng khó lý giải trong bối cảnh thị trường BĐS cả nước vẫn còn khó khăn. Không chỉ mua BĐS ở HN, các nhà đầu tư ở đây còn tỏa đi các nơi để săn BĐS, nhất là TP.HCM và các tỉnh phụ cận", bà Tú nói.

Chủ đầu tư một dự án chung cư ở Hà Nội khẳng định: Dự án do doanh nghiệp của ông đầu tư ở Hà Nội bán rất tốt, trong khi thị trường TP.HCM vẫn khá chậm chạp. Vị này lý giải nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn còn rất lớn trong khi nguồn cung thì hạn chế. Bên cạnh đó, trong năm 2023, những người có nhu cầu mua BĐS để an cư hoặc đầu tư vẫn chờ giảm giá, thì nay, khi thấy thị trường có dấu hiệu hồi phục nhiều người bắt đầu "xuống tiền".

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa tại buổi tọa đàm đầu tư BĐS mới đây cũng đã đưa ra dẫn chứng nhiều khu vực tại Hà Nội ghi giá chung cư tăng hơn 30%, thấp nhất cũng tăng 15%. Điển hình như chung cư tại khu đô thị Ciputra (Q. Tây Hồ) hiện có giá hơn 100 triệu đồng/m2. Một số tòa mới ở Khu đô thị Smart City (Q.Nam Từ Liêm) cũng từ 60 - 80 triệu đồng/m2. Tốc độ "tăng giá đáng sợ trên", theo ông Nghĩa, là do cung cầu không còn cân đối, thậm chí đi ngược hướng vì cung liên tục giảm. Hàng mới khan hiếm khiến nhu cầu dồn nén và kết quả là giá nhà liên tục tăng.

Trong khi nguồn hàng sơ cấp hạn chế cũng kéo nguồn cung trên thị trường thứ cấp sụt giảm bởi nhóm người có nhà không muốn bán vì kỳ vọng còn lên nữa. Do vậy, ông Nghĩa mong luật Đất đai mới tạo ra những cơ hội để khắc phục khó khăn đã tồn tại nhiều năm qua trên thị trường BĐS. Chính phủ, các địa phương cần đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, xây dựng chương trình ưu đãi tín dụng mới với nhà ở xã hội, nhà giá rẻ để cân bằng thị trường, góp phần hạ giá chung cư.

Chủ tịch VARs Nguyễn Văn Đính cũng ghi nhận giá BĐS nhiều dấu hiệu tăng trưởng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.HCM tiếp tục duy trì xu hướng tăng dần qua các quý; phân khúc thấp tầng, đất nền cũng đã được cải thiện. Đặc biệt, có hiện tượng giá căn hộ chung cư, đất nền thổ cư tăng chóng mặt cục bộ ở một số khu vực. Không thể phủ nhận, việc tăng giá có xuất phát từ thực tế thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Đính, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, thu nhập, việc làm của người dân chưa thực sự ổn định trở lại mà giá lại tăng mạnh là bất thường. Mức giá tăng "nóng" trong thời gian ngắn, không có cơ sở, được nhận định có dấu hiệu tác động, tạo thông tin nhiễu loạn từ các nhóm đầu cơ đẩy giá, thổi giá nhằm trục lợi.

"Khách hàng mua và các nhà đầu tư BĐS cần phải tỉnh táo. Bên cạnh đó, để không gây ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của thị trường, chủ đầu tư cũng phải nghĩ đến tình hình thị trường chung, điều chỉnh giá bán ở mức hợp lý và kiểm soát chặt chẽ các kênh phân phối", ông Đính kiến nghị.

Đánh giá chung cư ở Hà Nội tăng không hợp lý, té nước theo mưa, thậm chí có thể có tình trạng lợi dụng khan hàng để tăng giá, tăng lợi nhuận, nên Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu đề nghị cần tháo gỡ pháp lý để tăng nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà giá rẻ.

Nguồn: Vnexpress; Vietnamnet; CafeF; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang