Thực hư 'cơn sốt' xác ve sầu; 'Đen đủi' như CEO Quốc Cường Gia Lai; Dự nợ tín dụng BĐS 2,9 triệu tỷ; Đất nền có 'nóng' như lời đồn?

THỰC HƯ ‘CƠN SỐT’ XÁC VE SẦU GIÁ TIỀN TRIỆU

Chuyên gia trong lĩnh vực Đông y cho biết xác ve sầu không phải thần dược. Tuy nhiên, hiện nay trên mạng xã hội đang rầm rộ thông tin thu mua xác ve sầu với giá cao ngất ngưởng.

Mấy ngày qua, trên các hội nhóm facebook đăng tải khá nhiều thông tin liên quan đến việc thu mua xác ve sầu . Mỗi bài đăng có giá thu mua khác nhau từ 600 nghìn đồng/kg đến vài triệu đồng/kg.

Phía dưới bình luận, nhiều người đặt nghi vấn bởi đây là lần đầu tiên xuất hiện thông tin thu mua xác ve sầu có giá cao đến vậy.

PV lần theo số điện thoại của một tài khoản đăng tải thu mua xác ve sầu với số lượng lớn để tìm hiểu. Người đàn ông tự nhận đang thu mua xác ve sầu khu vực huyện M’đrắk ( Đắk Lắk ) cho biết, đã mua hơn nửa tháng nay (từ khi ve sầu vào mùa). Người này nói đã hành nghề thu mua xác ve sầu từ nhiều năm, số lượng mỗi vụ lên đến hàng tấn.

Sở dĩ năm nay “sốt” như vậy là do cạnh tranh không lành mạnh trong làm ăn nên thổi giá cao để phá giá và gây xáo trộn. Những năm trước xác ve sầu chỉ có giá dao động từ 350-500 nghìn đồng/kg, sau đó bị thổi lên cao. Người đàn ông này khẳng định, hiện nay chỉ mua 900 nghìn đồng/kg, loại nào xác ve to và màu đẹp cao nhất cũng chỉ 1,5 triệu đồng/kg. Còn mức giá 3 triệu, 5 triệu, 7 triệu/kg đang được rao trên các hội nhóm là giá ảo. Theo người này, xác ve sầu sau khi thu mua, chủ yếu bán cho Trung Quốc.

Ông Nguyễn Thế Thập - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện M’rắk cho hay, đến thời điểm này qua theo dõi, ông chỉ thấy việc thu mua xác ve sầu được đăng tải trên các hội nhóm của mạng xã hội. Ông cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện và các xã, thị trấn nắm bắt tình hình xem có mua bán thực tế không. Nếu có thì cán bộ ngành nông nghiệp tìm hiểu xem họ bắt ve sầu bằng cách nào, làm sao để có được số lượng nhiều như thế, có nhập hàng từ nơi khác về không…

Theo ông Thập, ve sầu sinh sản và phát triển dưới lòng đất nên có tác dụng cải tạo đất, đến khi trưởng thành mới lên cây. Việc thu mua xác ve sầu rầm rộ, rất có khả năng sẽ lập lại trường hợp dùng xung kích điện để bắt giun đất. Vì để bắt được nhiều xác ve sầu, buộc họ phải tác động dưới lòng đất để kích động ve sầu lên khỏi mặt đất.

Ông Võ Thuận Hóa – Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk cho biết, xác ve sầu hay còn gọi là thuyền thoái , được sử dụng trong Y học cổ truyền như một vị thuốc thông thường, chủ yếu để điều trị một số bệnh ngoài da như ghẻ ngứa, mề đay. Ngoài ra xác con ve sầu còn được dùng để chấn kinh, an thần.

Ông Hóa cũng sử dụng xác ve sầu trong chữa bệnh Đông y nhưng mỗi năm chỉ dùng khoảng 0,5kg. Trước khi sử dụng, ông phải ngâm rửa thật kỹ, nếu không vi khuẩn bám trong xác ve sầu sẽ trở thành nguồn bệnh.

Về việc xác ve sầu được rao trên mạng xã hội với giá vài triệu đồng, ông Hóa cho rằng quá cao và có phần ảo. Bởi thực tế xác ve sầu chỉ là một vị thuốc thông thường, nhu cầu sử dụng không nhiều và không phải thần dược.

Theo ông Hóa, nhiều khả năng, xác ve sầu bị tuồn từ nước ngoài vào, sau đó bị thổi giá. Ông Hóa khuyến cáo cần cẩn trọng với đường đi của xác ve sầu, tránh đi theo “vết xe đổ” như việc thu mua ồ ạt lá điều khô, giun đất… trước đây.

'ĐEN ĐỦI' NHƯ CEO QUỐC CƯỜNG GIA LAI: BỊ 2 NGƯỜI LỪA 150 TỶ, GIAO NỘP 2.882 TỶ NHẬN TỪ TRƯƠNG MỸ LAN, DỰ ÁN PHƯỚC KIỂN CŨNG GẶP KHÓ

Phước Kiển – siêu dự án từng được ví như "con bò sữa" sẽ mang về 60.000-70.000 tỷ doanh thu/năm đến "rào cản" của QCGL.

Thông tin mới nhất liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, Hội đồng Xét xử tuyên án buộc Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCGL, mã chứng khoán QCG) phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan là 2.882,8 tỷ đồng, để đảm bảo thi hành án cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án.

Được biết, số tiền gần 2.883 tỷ đồng này do đối tác mua dự án Phước Kiển là CTCP Đầu tư Sunny Island (Sunny) giải ngân cho QCGL, đang bị phong toả tại Ngân hàng SCB.

Cụ thể sự vụ, tháng 3/2017, QCGL và Sunny ký với nhau Hợp đồng hứa mua và hứa bán liên quan đến Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển tại huyện Nhà Bè, Tp.HCM. Theo hợp đồng, Sunny sẽ phải chuyển cho QCG số tiền 4.800 tỷ đồng theo lộ trình được quy định trong hợp đồng và QCG có nghĩa vụ chuyển nhượng phần đất tương ứng với số tiền đã nhận.

Tuy nhiên, mâu thuẫn xảy ra khi Sunny chỉ giải ngân đến hơn 2.882 tỷ đồng thì dừng lại. Tại phiên ĐHĐCĐ thường niên gần nhất vào năm 2023 của QCGL, CEO Nguyễn Thị Như Loan cho biết Sunny đã giao hồ sơ đền bù, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích khoảng 65ha tại dự án Phước Kiển cho Ngân hàng SCB (không có sự đồng ý bằng văn bản hoặc ủy quyền của QCGL).

Phước Kiển – Từ "con bò sữa" hứa mang về 60.000-70.000 tỷ doanh thu/năm đến "rào cản" của QCGL

Không chỉ bị buộc hoàn trả lại số tiền lớn trên, dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển còn nằm trong danh sách 16 bất động sản bị kê biên tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Tp.HCM (diện tích khoảng 1ha thuộc Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển). HĐXX đề nghị giao C03 tiếp tục điều tra làm rõ để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.

Cần biết, Phước Kiển được ví như "con bò sữa" cho QCGL với quy mô đầu tư tương đối lớn. Giai đoạn đầu triển khai, lãnh đạo Tuyên bố Phước Kiển là dự án tâm huyết và bỏ rất nhiều vốn để đầu tư, nếu thành công sẽ mang về dòng tiền lớn cho QCGL (~60.000 - 70.000 tỷ doanh thu/năm).

Kỳ vọng là vậy, song do nhiều vướng mắc khiến Phước Kiển đã và đang trở thành rào cản của Công ty. Minh chứng là bức tranh kinh doanh Công ty liên tục sa sút những năm sau đó, tình hình tài chính cũng không mấy sáng sủa.

Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 của QCGL, khoản phải trả Sunny Island số tiền 2.882,8 tỷ đồng đang được hạch toán trong mục "Phải trả ngắn hạn khác". Số tiền này tương đương khoảng 30% tổng tài sản của Công ty tính đến cuối năm 2023.

Thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của QCGL đạt gần 9.600 tỷ đồng, trong đó phần lớn là tồn kho với số dư cuối kỳ hơn 7.000 tỷ (chiếm gần 75%). Đáng chú ý, doanh nghiệp này chỉ còn vỏn vẹn 28 tỷ đồng tiền mặt. Ngoài ra, QCGL còn vay nợ tài chính đến hơn 4.500 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nguồn vốn, chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Về tình hình kinh doanh năm 2023, Công ty ghi nhận 432 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 3,2 tỷ đồng, tương đương 1/10 kết quả đạt được năm trước. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 âm gần 33 tỷ đồng trong khi năm 2022 cũng âm hơn 121 tỷ đồng.

Đến nay, sau 7 năm triển khai, Phước Kiển còn dính 2 lần "hầu toà", phiên toà tranh chấp giữa QCGL và Sunny cũng như phiên toà Vạn Thịnh Phát.

Liên tiếp những "vận đen"

Không chỉ nhận "tin buồn" tại dự án Phước Kiển, hồi đầu năm CEO Nguyễn Thị Như Loan cũng gây chú ý khi gửi đơn tố cáo 2 cá nhân về hành vi lừa đảo 150 tỷ ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cụ thể, theo đơn tố cáo của bà Loan, vào ngày 5/4/2021, bà Nguyễn Thị Kim Liên và bà Ngô Thị Minh Phượng (đại diện bên A) đã ký hợp đồng thỏa thuận nguyên tắc, cam kết sẽ chuyển nhượng 125ha đất tại phường Kim Dinh và phường Long Hương (Tp.Bà Rịa) cho bà Loan (đại diện bên B) với tổng giá trị là 799,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chuyển nhượng đủ 125ha đất là 60 ngày, tính từ ngày 5/4/2021. Nếu 1 trong 2 bên vi phạm hợp đồng thì sẽ bị phạt gấp đôi tiền cọc (tiền cọc 20 tỷ đồng) hoặc chịu mất tiền cọc.

Theo thỏa thuận, bà Loan đã đặt cọc với số tiền 20 tỷ đồng và trước ngày ký hợp đồng bà Liên giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) với diện tích khoảng 10ha để làm tin. Đến ngày 6/5/2021 bà Loan đã chuyển 4 lần theo đề nghị chuyển tiền của Bà Liên tổng số tiền, bao gồm tiền đặt cọc là 130,05 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo bà Loan, đến hết thời hạn 60 ngày theo hợp đồng, bà Liên và bà Phượng không có đủ diện tích đất 125ha để ký công chứng chuyển nhượng theo hợp đồng. Do đó, ngày 1/7/2021 (sau khi quá hạn 26 ngày), bà Loan gửi thông báo vi phạm thời hạn hợp đồng cho bà Liên, đồng thời yêu cầu bà Liên, bà Phượng phải hoàn trả số tiền gốc bà Loan đã chuyển và bồi thường cọc và lãi vay chậm trả theo chế tài, do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

"Sau rất nhiều lần đòi nợ nhưng bên phía bà Phượng, bà Liên không hoàn trả tiền mà chặn cuộc gọi, chặn liên lạc, bên mua tìm hiểu thì được biết bà Liên chỉ sở hữu 7,9 ha đất chứ không phải sở hữu 110ha đất như trong cam kết ngày 29/4/2021", bà Loan cho biết.

Cũng theo bà Loan, những thông tin bên bà Liên và bà Phượng đưa ra như: cam kết sở hữu 125ha đất, không tranh chấp, không thuộc diện phải thi hành án… và hứa sẽ hoàn thành ký công chứng chuyển nhượng cho bên mua trong 60 ngày là "sự lừa dối ngay từ thời điểm ký kết hợp đồng cố ý chiếm đoạt tài sản".

Ngoài ra, trong đơn tố cáo, bà Loan còn cho biết, theo quy định tại hợp đồng, bà Liên phải hoàn trả lại toàn bộ tiền bà Loan đã thanh toán và phạt 1 lần tiền cọc (20 tỷ đồng). Tổng cộng số tiền bên A phải trả cho bên B đến ngày 5/6/2021 là 150 tỷ đồng. Thế nhưng, bà Liên không trả nợ và liên tục né tránh khất nợ. Đến ngày 1/11/2022, bà Phượng ký biên bản xác nhận công nợ cùng với các khoản nợ khác tổng là 897,4 tỷ đồng và cam kết thời hạn trả nợ chậm nhất là ngày 10/7/2023.

Tháng 10/2023 bà Loan đã gửi đơn tố cáo bà Phượng đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an để tố cáo hành vi của bà Ngô Thị Minh Phượng và bà Nguyễn Thị Kim Liên.

Hiện, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiếp nhận thụ lý vụ việc và tiến hành thu thập thông tin, xác minh điều tra làm rõ.

BẤT NGỜ CON SỐ 2,9 TRIỆU TỶ ĐỒNG DƯ NỢ TÍN DỤNG BẤT ĐỘNG SẢN

Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2023 khoảng 2,88 triệu tỷ đồng, trong đó vay kinh doanh bất động sản khoảng 1,09 triệu tỷ đồng, vay tiêu dùng 1,79 triệu tỷ đồng.

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thống kê tại báo cáo vừa gửi tới đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023.

Đánh giá về tình hình cấp tín dụng liên quan đến thị trường bất động sản, NHNN cho biết, giai đoạn 2015-2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đều có sự tăng trưởng.

Cụ thể, trong các năm 2015-2016, dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 400.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu bất động sản khoảng 4,2%.

Những năm tiếp theo tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản tăng nhanh.

Năm 2017, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản, xây dựng tăng lên 529.000 tỷ đồng, tăng 9,21%, tỷ lệ nợ xấu với bất động sản cũng tăng lên 4,58%.

Từ năm 2018 đến nay, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản bao gồm cả kinh doanh bất động sản và mục đích tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản luôn có tỷ lệ tăng trưởng cao.

Năm 2019, tín dụng cho vay bất động sản tăng 23,26%, đạt ngưỡng 1,6 triệu tỷ đồng.

Thời điểm dịch bệnh 2020-2021, dư nợ bất động sản hằng năm vẫn tăng lần lượt là 12,06% và 15,7%.

Tiếp đó, năm 2022, dư nợ bất động sản tăng mạnh trở lại, đạt mức 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2023, tín dụng cho vay bất động sản tiếp tục tăng 11,81%, đạt ngưỡng 2,88 triệu tỷ đồng.

Về cơ cấu cho vay, NHNN cho biết, tỷ lệ dư nợ tín dụng với bất động sản chủ yếu là dư nợ trung và dài hạn (chiếm trên 90% tổng dư nợ).

Giai đoạn 2015-2023, tín dụng với lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng từ 18-21% tổng dư nợ trong nền kinh tế.

Để kiểm soát dòng tiền vào bất động sản, NHNN đã ban hành các thông tư 36, 22, 41 trong những năm qua, quy định tỷ lệ vốn huy động cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng từ 24-34%.

Cũng theo NHNN, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng trên 30% trong tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Tỷ lệ này có sự giảm dần từ năm 2020 tới năm 2022 và đạt cao nhất vào năm 2023.

Dư nợ tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng/tự sử dụng trong lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 70%. Tỷ lệ này đạt cao nhất vào năm 2022 (68,72%) và thấp nhất vào năm 2023 (62,12%).

Về bảo lãnh bán nhà hình thành trong tương lai, theo NHNN, lũy kế trong giai đoạn 2015-2023 các tổ chức tín dụng đã cam kết bảo lãnh khoảng 307.000 tỷ đồng.

Đến thời điểm tháng 12/2023, số dư cam kết phát hành cho người mua nhà vay khoảng 35.600 tỷ đồng, chiếm hơn 4% dư nợ bảo lãnh nói chung.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đang mua khoảng 191.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tháng 12/2023.

Đánh giá về tình hình cấp tín dụng liên quan đến thị trường bất động sản, NHNN cho hay, các dự án bất động sản thường có thời gian thu hồi vốn dài, trong khi nguồn vốn của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn nên các tổ chức tín dụng phải đối mặt với rủi ro khi cho vay.

Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng có tỷ trọng tín dụng bất động sản trên tổng dư nợ còn cao, tiềm ẩn rủi ro tín dụng, an toàn của chính tổ chức tín dụng đó cũng như cho hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, dư nợ tín dụng đối với nhà ở xã hội còn chiếm tỷ trọng thấp.

Trước đó, Bộ Xây dựng có đề nghị NHNN tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, vừa tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát được rủi ro, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, nhất là xem xét cụ thể để cho vay với các dự án bất động sản đang dở dang, sắp hoàn thành.

NHIỀU NƠI VẪN ‘CẮT LỖ’, ĐẤT NỀN CÓ 'NÓNG’ NHƯ LỜI ĐỒN?

Đất nền liên tục xuất hiện một số nhà đầu tư đi gom đất. Ngay lập tức, có nhiều thông tin giá đất chỗ này, chỗ kia tăng khiến nhiều người có cảm giác đất nền vào "cơn sốt". Thực tế, thị trường đất nền có "nóng" như lời đồn thổi?

Anh Long (Hà Nội), một nhà đầu tư đất nền vẫn đang chật vật kiếm khách hàng để sang tay lại mấy lô đất tại Thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh), mua từ 2022 - đỉnh “sốt” đất. Giá mà nhà đầu tư này mua vào thời điểm sốt 25 triệu đồng/m2, giờ rao bán với giá 15 triệu đồng/m2, giảm 40% với mức giá gốc. Anh Long kỳ vọng sẽ sớm bán được vì từ đầu năm đến nay lượng tìm kiếm và quan tâm đất nền gia tăng.

Dù thị trường có nhiều thông tin tích cực nhưng môi giới báo rằng, thực tế không có nhiều khách hàng hỏi thăm. Thị trường đất nền dự án chưa có chuyển biến mạnh mẽ, giao dịch nhỏ giọt, giá vẫn giảm 30-40% so với đỉnh.

“Nhiều người khuyên tôi cố gắng cầm cự thêm khi thị trường đang ở chân sóng cuối của chu kỳ 10 năm bất động sản tăng giảm. Tuy nhiên, do gồng quá lâu, tâm lý đã chán nên tôi muốn bán”, anh Long cho biết.

Cũng đang bán đất nền ở Bắc Giang - tâm điểm sốt đất nền một thời, ông Thái - một nhà đầu tư ở Hà Nội chia sẻ, phấn khởi khi thấy thông tin đất nền rã băng và có giao dịch lại nhưng bản thân ông cho rằng, điều đó chỉ diễn ra cục bộ một vài điểm chứ không phải của toàn thị trường.

“Thực sự có xuất hiện một số nhà đầu tư đi gom đất, giúp thị trường bắt đầu được quan tâm trở lại. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều, nếu tính chung trong một thị trường bao gồm cả đầu tư và mua ở, con số khiêm tốn không đủ để đại diện cho thanh khoản chung. Chưa nói đến xu hướng đi săn này chỉ diễn ra cục bộ tại một vài nơi có thông tin quy hoạch, không có tính bao quát”, ông Thái chia sẻ.

Còn chị Hồng, một môi giới ở Bắc Ninh cho hay, trong tháng vừa qua chị đã bắt đầu có vài khách hàng liên hệ trở lại. Đa số, họ thấy thông tin thị trường tích cực nên muốn tìm hiểu thực tế giao dịch, giá cả có biến động gì không. Trong vòng 1 tháng qua, chị Hồng kể chốt thành công 2 giao dịch. Khách là dân địa phương mua để an cư.

“Đất nền mới chỉ là rục rịch có giao dịch so với thời “đóng băng”. Chứ bảo nóng hay giá tăng thì theo tôi còn phải chờ thêm”, môi giới này chia sẻ.

Ông Lê Quốc Long - Giám đốc chiến lược Batdongsan.com.vn chia sẻ, tâm lý người tiêu dùng theo khảo sát khách quan của Batdongsan thì có tích cực trở lại nhưng tổng thể thì còn cách xa với giai đoạn hưng phấn vào quý 1/2022. Do vậy dùng từ "sốt" thì nghe có phần hơi “thổi phồng”.

Vị này chia sẻ thêm, đầu năm nay và nhất là sau Tết, số liệu vào riêng trang Batdongsan vượt đỉnh 12 tháng. Mức độ quan tâm chắc chắn là tốt hơn rõ, nhưng vẫn quay về chuyện so với đỉnh chu kỳ trước thì chưa đâu.

“Trong báo cáo Batdongsan vẫn dùng từ rất thận trọng gọi giai đoạn này là "đảo chiều", tức là chuyển từ trạng thái tiêu cực sang dần có tín hiệu tích cực”, ông Long cho hay.

Theo Báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2024 của Batdongsan.com.vn công bố mới đây, thị trường đất nền đã có dấu hiệu tăng trở lại ở nhu cầu nhưng vẫn rất khiêm tốn nếu so sánh với các giai đoạn bình thường trước đó.

Cụ thể, so với mức độ quan tâm tìm kiếm đất nền quý 1/2022, lượt tìm mua đất nền quý 1/2024 vẫn giảm 52 điểm phần trăm. Ngay cả khi so sánh với quý 2/2023 vừa qua, tỷ lệ phục hồi của đất nền chỉ vào khoảng 1%.

Hầu hết các địa phương phía Nam từ TP.HCM cho đến Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước đều có nhu cầu mua giảm sâu 50-55% so với cao điểm quý 1/ 2022. So với quý 4/2023, nhu cầu mua đất nền hầu như chỉ đi ngang, thậm chí giảm ở một số thị trường từng “sốt đất” như Bình Phước, Lâm Đồng, Tây Ninh.

Giá đất nền dù đã ngừng đà giảm sâu nhưng hầu như vẫn duy trì xu hướng đi ngang trong quý đầu năm nay. Dù vậy, theo các chuyên gia, mức giá bán hiện tại của đất nền đang thấp hơn khá nhiều so với cao điểm 2022. Cụ thể, giá đất nền Đồng Nai vẫn thấp hơn 12%, đất nền Long An, Lâm Đồng, Bà Rịa -Vũng Tàu… thấp hơn mức cao điểm 2022 đến gần 20%.

Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, giá đất nền một số khu vực đã có điều chỉnh. Dù vậy thời gian hiện nay thị trường gặp phải rất nhiều những vấn đề liên quan đến nguồn vốn, lãi vay, nên chỉ những thị trường liên quan đến biến động hạ tầng có ghi nhận hồi phục nhanh hơn, các khu vực khác nhất là đất nền ở tỉnh vẫn còn chưa hết khó.

Nguồn: Kenh14; Soha; Vietnamnet; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang