Sầu riêng đắt giá nhất VN; Giảm rủi ro trong 'bão giá' café; Cảnh giác trước cơn sốt chung cư; Ông lớn BĐS & cuộc đua doanh thu

THÁI LAN ‘E DÈ’ VÌ SẦU RIÊNG TRỞ THÀNH LOẠI QUẢ ĐẶT GIÁ NHẤT VN

Sầu riêng nay trở thành loại quả đắt giá nhất Việt Nam, khiến Thái Lan phải dè chừng. Song, cùng với sự tăng trưởng thần tốc, loại quả tỷ USD này cũng nhận về nhiều cảnh báo.

Tăng trưởng thần tốc, thành loại quả đắt giá

Cách đây vài năm, sầu riêng chưa thể lọt top 10 trái cây có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất của nông nghiệp Việt Nam. Đến khi nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được ký kết vào giữa năm 2022, sầu riêng bắt đầu tăng trưởng thần tốc.

Chỉ hơn một năm, sầu riêng vượt qua hàng loạt trái cây để trở thành loại quả đắt giá nhất Việt Nam, thu về 2,24 tỷ USD trong năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong năm 2023 tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và gấp 10 lần so với năm 2021.

Đáng chú ý, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc trong năm 2023 tăng 1.036% về giá trị và tăng 1.107% về lượng so với năm 2022. Nhờ đó, thị phần sầu riêng của Việt Nam trong tổng lượng nhập Trung Quốc từ 5% năm 2022 tăng mạnh lên 34,6% năm 2023.

Trước đà tăng trưởng thần tốc của sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, người Thái cũng phải dè chừng. Bởi, trước khi Việt Nam được xuất chính ngạch sầu riêng vào thị trường 1,4 tỷ dân này, hàng Thái chiếm đến 95% thị phần. Năm 2023, sầu riêng Thái Lan chỉ còn chiếm 65,1% trong tổng lượng nhập của Trung Quốc.

Trong hai tháng đầu năm nay, theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 53.110 tấn sầu riêng tươi, với giá trị 283,6 triệu USD, tăng 0,4% về lượng nhưng giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc với khối lượng đạt 32.750 tấn, giá trị đạt 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại thị trường này tăng lên 57% trong hai tháng đầu năm nay.

Cục Xúc tiến Thương mại quốc tế Thái Lan nhận định, Việt Nam mới chỉ được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, trong khi Thái Lan được xuất khẩu cả sầu riêng tươi, đông lạnh và qua chế biến.

“Nếu Trung Quốc cho phép Việt Nam xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, khối lượng xuất khẩu còn tăng hơn nữa”, cơ quan này cảnh báo và kêu gọi các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cũng như phía nhà chức trách Thái Lan tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu và duy trì thị phần ở Trung Quốc.

Cuối năm 2022, truyền thông Thái Lan cũng liên tục đề cập việc sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch thành công vào thị trường Trung Quốc với giá cạnh tranh, khiến nông dân Thái Lan bất an. Khi đó, nước này đã chủ động nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng bằng đường bộ, đường sắt quá cảnh qua Lào nhằm giảm thời gian vận chuyển.

Loạt cảnh báo với trái sầu riêng Việt

Thành công của ngành hàng sầu riêng trong xuất khẩu là không thể phủ nhận. Nhờ thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, giá sầu riêng tăng vọt và neo ở ngưỡng cao, giúp người nông dân thu lãi tiền tỷ trên mỗi 1ha.

Theo đó, sầu riêng trở thành cây trồng tỷ USD “hot” ở nước ta. Người dân đua nhau phá bỏ hồ tiêu, cà phê... để trồng. Thậm chí, các doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp cũng tích cực mở rộng diện tích sầu riêng khi cây trồng này đạt tỷ lệ “1 vốn 5 lời”.

Số liệu thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho hay, năm 2023, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam ước tính đạt 131.000ha, tăng gần 20% so với năm 2022. Sản lượng sầu riêng lên đến hơn 1 triệu tấn dù chỉ 60% diện tích cho thu hoạch quả.

Rất nhiều chuyên gia khuyến cáo, với tốc độ tăng diện tích như hiện nay, nguy cơ cung vượt cầu hiện hữu trong vài năm tới. Lúc đó, hàng dội chợ và điệp khúc rớt giá có thể xảy ra giống như thanh long, cam, dưa hấu,... Và sầu riêng sẽ thành “sầu chung”.

Mới đây, 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo về việc nhiễm kim loại nặng cadimi vượt giới hạn quy định của quốc gia này.

Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các doanh nghiệp có lô hàng vi phạm phải tuân thủ các nội dung quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT.

Cơ quan chức năng tại Cần Thơ cũng cảnh báo người dân về tình trạng mua bán sầu riêng non. Bởi, trái chưa đủ tuổi, cơm sẽ rất nhạt, không có hương vị, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như thương hiệu sầu khi đưa đi tiêu thụ và xuất khẩu.

Thực tế, trong mùa sầu riêng năm ngoái, doanh nghiệp cho hay tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng tranh mua tranh bán, giá bị đẩy lên quá cao. Nhiều nhà vườn chạy theo lợi nhuận, thấy giá cao, hàng khan hiếm ép vựa mua cả hàng xấu, cắt hàng non chứ không có sự chọn lọc.

Một số thương lái thiếu hàng còn gom mua các loại sầu mà không phân biệt chất lượng. Tình trạng bẻ kèo cũng diễn ra khiến chuỗi cung ứng sầu ở nhiều nơi bị đứt gãy, doanh nghiệp khó khăn trong việc gom hàng xuất khẩu.

Quy mô sầu riêng tại thị trường Trung Quốc ngày càng lớn. Việt Nam có nhiều ưu thế để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Song, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn ở nước ta nhìn nhận, nếu vẫn giữ tư duy “buôn chuyến”, chất lượng sầu không đảm bảo thì sẽ đánh mất uy tín, mất đi thị trường mà nhiều năm chúng ta mới mở cửa được.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cũng lưu ý về tình trạng gian lận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, chất lượng hàng xuất khẩu,... Nếu không quản lý tốt sẽ khó mở rộng được thị phần tại thị trường Trung Quốc do các đối thủ cạnh tranh ngày càng mạnh.

CHUNG TAY GIẢM THIỂU RỦI RO GIỮA CƠN BÃO GIÁ CAFÉ

Giữa bối cảnh giá cà phê biến động lớn, các bên cần cùng nhau chia sẻ rủi ro, tránh thiệt hại dồn cho một phía. Đó cũng là cách hợp tác giữ uy tín cho ngành cà phê Việt Nam

Ngày 11-4, tại TP HCM, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã tổ chức hội nghị ban chấp hành mở rộng để lắng nghe những vấn đề khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp (DN) trong ngành gặp phải khi giá cà phê biến động mạnh như vừa qua.

Lo mất uy tín

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch VICOFA, thông tin tính đến hết tháng 3-2024 (tức là 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2023-2024), Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng hơn 956.000 tấn cà phê, giá trị đạt hơn 3 tỉ USD.

Hồi đầu vụ cà phê (tháng 10-2023), giá cà phê chỉ mới 58.000 đồng/kg thì nay đã lên 105.000 đồng/kg, tức cao gấp đôi. Giá tăng nhanh và quá cao tạo nhiều thách thức cho các DN khi DN cần phải có nguồn vốn lớn nhưng hạn mức tín dụng của các ngân hàng dành cho DN vẫn giữ nguyên. Tốc độ tăng nhanh của giá gắn liền với rủi ro cao đối với các DN thu mua hàng để xuất khẩu thông qua các đại lý, thương lái. Một số đại lý thu mua và DN đã không giao hàng đúng thời hạn quy định trong hợp đồng mua bán, gây thiệt hại lớn cho người mua và nguy cơ làm mất uy tín của ngành cà phê Việt Nam" - ông Đỗ Hà Nam nêu.

Tại hội nghị, đại diện Công ty TNHH Neumann Gruppe Việt Nam cho biết đã kinh doanh tại Việt Nam nhiều năm, chiếm 15% thị phần xuất khẩu cà phê Việt Nam. Năm nay, Neumann Gruppe Việt Nam gặp vấn đề nghiêm trọng khi đối tác chậm giao hàng hoặc không thực hiện hợp đồng. Điều này đang tác động dây chuyền đến các nhà rang xay là khách hàng của DN. "Với tình trạng này, các nhà rang xay trên thế giới có thể chuyển sang mua cà phê của các nước khác" - đại diện DN FDI này cảnh báo.

Đại diện Công ty JDE Việt Nam thì phản ánh một số nhà cung ứng không giao hàng cho DN mà bán cho đối tác khác với giá cao hơn, tạo tiền lệ xấu trên thị trường. Hiện nay, cà phê Việt Nam có giá quá cao, có thể bị thay thế bởi cà phê Indonesia đang rẻ hơn.

Tương tự, ông Nguyễn Đăng Miền, đại diện Công ty Nestlé Việt Nam, cũng cho biết dù DN đã xây dựng chương trình cà phê bền vững tại Việt Nam từ năm 2011 nhưng 2 năm qua, do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu nên Nestlé buộc phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác để ổn định sản xuất.

Về vấn đề này, ông Đỗ Hà Nam thông tin thêm, niên vụ cà phê 2022-2023, Việt Nam đã phải nhập khẩu 200.000 tấn cà phê do nguồn cung trong nước bị thiếu hụt. Năm nay, tình trạng này có thể gia tăng do tồn kho trong nước đang cạn dần trong khi còn đến 6 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch mới.

Bài học cho mùa vụ sau

Ông Đỗ Hà Nam cho biết trong "bão giá" cà phê, nhiều nhà cung ứng để giữ chữ tín đã phải bán nhà để mua hàng giá cao, thực hiện những hợp đồng giá thấp. "Tất nhiên, cũng có những đối tượng lợi dụng tình hình để trục lợi, là những "con sâu làm rầu nồi canh". Tôi được biết có những vụ tranh chấp thương mại đã được gửi ra tòa án, chờ xét xử" - ông Đỗ Hà Nam thông tin.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Daklak), ví von ngành cà phê vừa trải qua trận "đại hồng thủy". Phần lớn các DN xuất khẩu Việt Nam đã rất dũng cảm khi thực hiện các hợp đồng; tỉ lệ "xù" hợp đồng thấp, chủ yếu là các nguồn cung ứng nhỏ.

"Niên vụ cà phê 2023-2024 các DN FDI đã mua cà phê quá sớm, bắt đầu từ tháng 6-2023 (thời điểm giá cà phê còn thấp - PV) trong khi các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam mua vào từ sau khi thu hoạch, tức bắt đầu từ tháng 11-2023. Sự chênh lệch giá quá lớn giữa 2 thời điểm đã gây ra nhiều rủi ro và đây là bài học lớn cho vụ mùa tới" - ông Huy phân tích.

Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Phó Chủ tịch VICOFA, nói rằng trong 20 năm qua, giá cà phê luôn ở mức thấp, nông dân không có lãi nên việc chuyển đổi cây trồng rất mạnh. Điều này khiến cho nguồn cung bị thiếu hụt, đẩy giá lên cao. "Sản lượng cà phê trong dân hiện còn rất ít. Để nông dân gắn bó với cây cà phê thì họ phải có lợi nhuận tốt, nếu không họ sẽ còn tiếp tục chuyển đổi sang sầu riêng, chanh leo" - ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách phía Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay đơn vị đã có chuyến khảo sát vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên. Ông Tùng tin tưởng sản lượng cà phê vụ tới sẽ không thiếu hụt nhiều. "Tuy vậy, để phát triển ngành hàng cà phê bền vững các bên cần liên kết chặt chẽ với nhau để ổn định sản lượng, chất lượng, tránh biến động quá lớn như vừa qua" - ông Tùng gợi ý.

CẨN TRỌNG GIỮA CƠN 'SỐT' GIÁ CHUNG CƯ

Giá chung cư tại Hà Nội tăng không ngừng từ đầu năm đến nay khiến giấc mơ mua nhà của nhiều người ngày càng xa vời. Các chuyên gia cảnh báo cơn sốt chung cư lần này nếu không giải quyết sẽ dẫn đến nguy cơ “hỗn loạn” từ nay đến cuối năm.

Giá tăng 21 quý liên tiếp

Căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục lập mặt bằng giá mới trong nhiều năm gần đây. Tính đến quý 1/2024, giá chung cư mới đã đạt trung bình 59 triệu đồng/m2, tăng 21 quý liên tiếp. Theo ghi nhận của đơn vị nghiên cứu thị trường Savills, giá sơ cấp (chủ đầu tư) trung bình trong quý 1 năm nay cao hơn 40% so với giá thứ cấp, thúc đẩy nhiều dự án chung cư cũ tăng giá. Diễn biến này cũng được nhiều đơn vị nghiên cứu ghi nhận. CBRE cho biết, giá trung bình các dự án tại Hà Nội ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều tăng nhanh trong 3 tháng đầu năm nay và đang dần tiệm cận mức giá chung cư tại TPHCM.

Tại Hà Nội, phần lớn nguồn cung mới ở phân khúc cao cấp, từ 60-120 triệu đồng/m2 đã đẩy giá bán sơ cấp chung cư Hà Nội lên cao. Giá trung bình căn hộ mới ở thủ đô đã tăng 5% theo quý, thu hẹp đáng kể mức chênh lệch với thị trường TPHCM. Khoảng cách này giờ chỉ còn 10%, trong khi hai năm trước, giá chung cư trên thị trường sơ cấp TPHCM cao hơn Hà Nội 35%.

Đặc biệt, giá chung cư thứ cấp (người dân mua bán với nhau) tại Hà Nội trong quý I ghi nhận mức tăng theo năm cao nhất từ trước tới nay, tăng 17%. Giá chung cư cũ đạt trung bình hơn 36 triệu đồng/m2. Đà tăng này diễn ra ở hầu hết các quận ở Hà Nội, nhất là khu vực phía Tây.

Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP. Invest cho rằng, giá chung cư tại Hà Nội tăng suốt thời gian vừa qua xuất phát từ việc nguồn cung khan hiếm. Nguyên nhân là hiện nay các dự án đều ách tắc về vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng, giá chung cư phản ánh không đúng giá trị thật của nó.

“Khi các luật được đồng bộ với nhau, dự án bất động sản sẽ được tiến hành nhanh hơn, bệnh sợ trách nhiệm của cán bộ liên quan cũng giảm đi, các quyết định cho thuê đất, giao đất sẽ sớm hơn, từ đó tạo ra thêm nhiều nguồn cung hơn. Khi nguồn cung dồi dào, câu chuyện đẩy giá vô tội vạ sẽ không còn, những méo mó đang tồn đọng của thị trường bất động sản hiện nay cũng sẽ giảm bớt”. Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh

Cung - cầu đi ngược hướng

Tại tọa đàm “Cơ hội đầu tư bất động sản với Luật Đất đai sửa đổi” do tạp chí Vietnam Finance tổ chức ngày 12/4, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang “khủng hoảng phân khúc”. Theo đó, 2 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã nêu lên hiện trạng này và đưa ra phương án để “cứu” thị trường thông qua thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội với gói vay 120.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Nghĩa đánh giá: “Không thể dựa vào ngân hàng để thúc đẩy xây nhà ở xã hội. Gói tín dụng giải ngân chưa đạt 1% sau 1 năm. Phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ gần như thất bại, trong khi phân khúc chung cư thương mại có tốc độ tăng giá đáng sợ”. Ông Nghĩa cho rằng, thực trạng này cho thấy “một bước lùi về chiến lược của Chính phủ về xử lý thị trường nhà ở”.

Vị chuyên gia nhắc lại cảnh báo về thị trường bất động sản Việt Nam khi “một mình phân khúc chung cư có bong bóng”, cung cầu không còn cân đối hoặc đi ngược hướng vì nguồn cung giảm. Ông Nghĩa cho rằng, nếu không cảnh báo từ hiện tại và không sớm thực hiện Luật Đất đai để đưa các phân khúc khác vào, phân khúc chung cư sớm muộn cũng bị hỗn loạn. Điều này sẽ xảy ra từ nay tới cuối năm khiến chính sách, chiến lược của Chính phủ cũng bị ảnh hưởng.

Ông Nghĩa đánh giá, Luật Đất đai mới tạo ra những cơ hội để khắc phục các vấn đề tồn tại trong thị trường bất động sản Việt Nam, nhưng cần được truyền thông đúng đắn và mạnh mẽ về phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, làm phương án mới về chính sách nhà ở cho người nghèo để khắc phục hậu quả.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, giá chung cư thời gian qua đã tăng nóng 30-40%. Nhiều chủ đầu tư chuẩn bị ra hàng cũng nâng giá bán. Ông cảnh báo điều này sẽ dẫn đến tình trạng giá chung cư “bong bóng”, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng phân khúc đang diễn ra trên thị trường.

Ông Thịnh kiến nghị cơ quan quản lý cần tháo gỡ ách tắc về pháp lý triệt để, tăng số lượng sản phẩm ra thị trường, gia tăng sự cạnh tranh. “Nhà ở xã hội, nhà giá rẻ là giải pháp quan trọng để thay đổi tình trạng khủng hoảng phân khúc hiện nay”, ông Thịnh nói.

CÁC ÔNG LỚN ĐỊA ỐC & CUỘC ĐUA DOANH THU NGHÌN TỶ ĐỒNG

Thị trường bất động sản có nhiều chuyển biến, các doanh nghiệp như Vinhomes, Novaland, Nam Long, Khang Điền.... lên kế hoạch doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, ra mắt các dự án quy mô khác nhau.

Những con số bứt phá

Với kỳ vọng phục hồi của ngành bất động sản, nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng bắt đầu công bố kế hoạch kinh doanh năm nay cùng những con số doanh thu nghìn tỷ đồng, tăng trưởng mạnh mẽ so với năm trước.

Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 16% lên mức kỷ lục 120.000 tỷ đồng, tương đương hơn 4,77 tỷ USD. Lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 4,3% lên 35.000 tỷ đồng.

Bên cạnh các dự án đã mở bán trước đó tại Hà Nội, Hưng Yên, TPHCM, Quảng Ninh, năm nay công ty này tập trung mạnh mẽ vào việc triển khai các dự án mới tiềm năng đã hoàn thiện thủ tục pháp lý. Ngoài ra, công ty triển khai các dự án mới, nhất là nhà ở xã hội. Đầu tháng 1, công ty khởi công dự án nhà ở xã hội Tràng Cát - Hải Phòng. Tháng 3, công ty đã mở bán dự án ở Vũ Yên, Hải Phòng).

Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) công bố tài liệu họp cổ đông với doanh thu mục tiêu đạt 32.587 tỷ đồng, tăng 585% so với năm trước. Kế hoạch lãi sau thuế 1.079 tỷ đồng, tăng 122%.

Tập đoàn này dự kiến tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện 16 dự án ở nhiều phân khúc khác nhau, bao gồm nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài 3 dự án đang thực hiện thì công ty còn lên kế hoạch triển khai tiếp 5 dự án ở TPHCM. Doanh nghiệp cũng dự kiến bàn giao các sản phẩm thuộc 14 dự án, trong đó 50% tại TPHCM.

Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) đặt kế hoạch 6.657 tỷ đồng doanh thu và 506 tỷ đồng lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ, lần lượt tăng 111% và 5% so với thực hiện năm trước. Doanh thu dự kiến đến từ việc bàn giao các dự án nhà ở trọng điểm ở TPHCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An.

Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH) đặt kế hoạch doanh thu đạt 3.900 tỷ đồng, tăng gần 87% so với mức thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu 790 tỷ đồng, tăng 10%.

Công ty dự kiến hoàn tất xây dựng, bàn giao nhà và cấp sổ hồng cho cư dân tại dự án tại quận Bình Tân (TPHCM), lên kế hoạch xây dựng dự án tại quận Thủ Đức, dự kiến đưa vào kinh doanh cuối năm nay khi đủ điều kiện theo quy định.

Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) đặt mục tiêu doanh thu 2.982 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 880 tỷ đồng, gấp lần lượt 5 lần và 1,3 lần năm trước.

Ban tổng giám đốc Phát Đạt đánh giá cuối quý II là thời điểm tốt nhất để bắt đầu tung sản phẩm nên các kế hoạch bán hàng dự kiến được triển khai từ tháng 6, đẩy mạnh đến cuối năm. Công ty sẽ ưu tiên 4 dự án gồm 2 dự án nhà ở tại Bình Dương, Bình Định, 2 dự án căn hộ du lịch tại Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) đặt mục tiêu doanh thu 3.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 226 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 31% so với năm trước. Công ty xác định vẫn tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi gồm phát triển bất động sản và dịch vụ bất động sản, ngoài ra tìm kiếm phát triển quỹ đất.

Kế hoạch táo bạo nhưng còn đó các rào cản

Thị trường bất động sản dường như đang đi vào quỹ đạo hồi phục khi các doanh nghiệp có vẻ đã sẵn sàng cho đường đua mới, đón đầu chu kỳ mới. Sau thời gian dài án binh bất động, quý I vừa qua, nhiều chủ đầu tư đã kịp tung ra thị trường nhiều dự án thuộc các phân khúc khác nhau, đa dạng về quy mô.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) thống kê nguồn cung nhà ở phía Nam đứng đầu cả nước, chiếm khoảng 49%%, tương đương 22.000 sản phẩm. Các tỉnh lân cận và Hà Nội ghi nhận nguồn cung khoảng 15.000 sản phẩm, chiếm 33% toàn thị trường.

Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, nhiều dự án đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý trong quá trình triển khai dự án. TPHCM có 77 dự án được gỡ vướng, Hà Nội có 81 dự án được đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai, Hải Phòng gỡ vướng 11 dự án, Bình Định tháo gỡ khó khăn 26 dự án, Cần Thơ đã gỡ vướng cho 17 dự án…

Việc hàng loạt dự án được gỡ vướng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, giải quyết phần nào tình trạng khan hiếm nguồn cung mới, cũng như góp phần khôi phục dần niềm tin của các nhà đầu tư, bước đầu tác động tích cực đến việc dần "phá băng" thị trường bất động sản.

Xu hướng chung đang được ghi nhận trên thị trường là các chủ đầu tư tiếp tục duy trì chính sách tốt dành cho sản phẩm trong rổ hàng tồn của nhiều đợt mở bán trước đó; đồng thời cắt giảm dần chính sách ưu đãi đối với các sản phẩm thuộc rổ hàng mới, dự án mới.

Ông Phạm Anh Khôi - Viện trưởng DXS-FERI - cho rằng thị trường bất động sản hiện đang có nhiều dấu hiệu tích cực và được đánh giá là đang trên đà phục hồi. Dự báo thị trường sẽ dần phục hồi từ đáy chữ U, thời gian phục hồi nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào các yếu tố tác động cả vĩ mô và vi mô, trong đó quan trọng nhất vẫn là sự cải thiện niềm tin.

Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group - nhận định nhiều công ty bất động sản đặt kế hoạch doanh thu nghìn tỷ năm nay phản ánh sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp về những tín hiệu khởi sắc của ngành.

Giữa bối cảnh nhiều dự án được tháo gỡ pháp lý, lãi suất thấp, các luật liên quan vừa được thông qua, các doanh nghiệp cũng đặt kế hoạch táo bạo trong việc triển khai, bàn giao nhiều sản phẩm khác nhau nhằm đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường.

Tuy nhiên, ông Thắng lưu ý một số doanh nghiệp có quỹ dự án thuộc phân khúc bất động sản nhà ở như căn hộ, đất nền, nhà phố có mức giá hợp lý, phục vụ nhu cầu ở thực thì khả năng sẽ đạt mục tiêu nếu thị trường phục hồi như dự báo.

Còn nếu kế hoạch đến từ việc bán hàng đơn thuần nhưng quỹ dự án phần nhiều đến từ bất động sản nghỉ dưỡng thì "có vẻ căng", khi thị trường này còn đang trong cảnh "nghỉ dưỡng" dài hạn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản cũng còn phải đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu còn đè nặng. Năm nay, giới phân tích đánh giá là năm có áp lực đáo hạn trái phiếu cao nhất trong 3 năm, kể từ 2022. Theo báo cáo từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 9 tháng còn lại của năm nay, khoảng 101.000 tỷ đồng trái phiếu cần được đáo hạn đến từ ngành bất động sản, chiếm 42% toàn thị trường.

Vì thế, ông Thắng cho rằng doanh nghiệp cần thận trọng trong việc triển khai kinh doanh, cân nhắc xu hướng dòng tiền để có thể vừa giải được bài toán nguồn thu vào, vừa xử lý được nợ vay.

Nguồn: Vietnamnet; Người Lao Động; CafeF; Việt Báo

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang