Mỹ: Giá cả leo thang; Làn sóng sa thải nhân viên; Ngày đầu tiên xử Trump; Bỏ phiếu viện trợ Ukraine, Israel; Biểu tình ủng hộ Palestine

LẠM PHÁT GIẢM NHƯNG DÂN MỸ VẪN SỐNG CHẬT VẬT VÌ GIÁ CẢ LEO THANG

Giá cả không tăng nhanh như năm 2022 nhưng người tiêu dùng Mỹ có xu hướng đánh giá lạm phát trong khoảng thời gian rộng hơn.

Nhiều nhà kinh tế và bình luận chính trị thắc mắc tại sao người tiêu dùng Mỹ tiếp tục cảm thấy họ đang chịu cảnh lạm phát, mặc dù tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm mạnh trong năm 2023 và vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm vào mùa hè năm 2022.

Câu trả lời là người tiêu dùng đang đánh giá tình hình trong khoảng thời gian rộng hơn, tức là tốc độ tăng giá trong ba năm qua. Từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2024, chỉ số giá tiêu dùng của tất cả các mặt hàng đều tăng 17,96%.

Ví dụ: Một chiếc bánh mì kẹp cá ngừ tại một địa điểm ăn trưa có giá 10 USD (251.000 VND) vào đầu năm 2021, thì đến đầu năm 2024, giá đã tăng lên 11,88 USD (297.300 VND). Tình cảnh này trông giống như lạm phát nghiêm trọng.

Hơn nữa, vào năm 2021, không có ai yêu cầu tiền tip. Kể từ đại dịch, việc các màn hình thanh toán nhắc khách hàng đưa tiền tip – lên tới 25% tổng hóa đơn, đã trở nên phổ biến. Khách hàng có thể nói không, nhưng có nguy cơ bị nhân viên thu ngân cau có.

Các chuyên gia kinh tế có thể lập luận rằng người tiêu dùng nên hài lòng vì tiền lương của họ đã tăng trong ba năm qua. Tuy vậy, mức tăng chỉ là 15,3%, có nghĩa là mức tăng lương không theo kịp tốc độ tăng lạm phát.

Hơn nữa, khi đại dịch xảy ra, nhiều người tiêu dùng có thu nhập thấp và nhận được một số loại trợ cấp của chính phủ. Các khoản trợ cấp này giảm vào năm 2022 và kết thúc sau năm 2023.

Nhìn chung, giá cả tăng lên, tiền lương không theo kịp và bánh sandwich từng có giá 10 USD giờ có giá 13 USD, tính cả tiền tip. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi người tiêu dùng cảm thấy họ vẫn đang phải vật lộn với lạm phát giá cả.

CHUYỆN GÌ ĐÂY: LÀN SÓNG SA THẢI NHÂN VIÊN CÀN QUÉT HÀNG LOẠT LĨNH VỰC Ở MỸ?

Một loạt các công ty trong các lĩnh vực công nghệ, truyền thông, tài chính và bán lẻ của Mỹ đã cắt giảm mạnh việc làm trong năm 2023. Các tập đoàn công nghệ như IBM, Google, Microsoft, các tập đoàn tài chính như Goldman Sachs... đều đã thông báo sa thải lao động. Tình trạng này vẫn tiếp diễn trong năm 2024.

Các tập đoàn như Tesla, Google, Microsoft, Nike và Amazon đã công bố kế hoạch cắt giảm lao động trong năm nay.

Gần 40% số lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát của ResumeBuilder đề cập đến khả năng cắt giảm lao động trong năm 2024 và một nửa trong số đó cho biết doanh nghiệp của họ sẽ không tuyển dụng.

ResumeBuilder đã khảo sát khoảng 900 lãnh đạo của các doanh nghiệp có trên 10 lao động. Một nửa trong số này cho biết những lo ngại về suy thoái là nguyên nhân dẫn đến việc cắt giảm.

Một nguyên nhân khác được dẫn ra là trí tuệ nhân tạo (AI). 40% số người tham gia khảo sát nói rằng công ty của họ sẽ cắt giảm lao động khi thay thế con người bằng AI. Dropbox, Google, và IBM đều đã thông báo cắt giảm việc làm liên quan đến AI.

Nhà bán lẻ các sản phẩm thời trang thể thao Nike sẽ cắt giảm việc làm trong nỗ lực tiết kiệm chi phí. Nike đã công bố kế hoạch cắt giảm chi phí trong báo cáo lợi nhuận vào tháng 12/2023, khi tăng trưởng doanh số chậm.

Google đã cắt giảm thêm hàng trăm lao động trong năm nay, sau khi lực lượng lao động của tập đoàn đã giảm 6% trong năm ngoái, tương đương hàng nghìn người.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Citi hồi tháng 1/2024 cho biết sẽ cắt giảm 20.000 việc làm khi tái cơ cấu doanh nghiệp, đưa lực lượng lao động xuống 180.000 người. Trong báo cáo lợi nhuận công bố tháng 1/2024, Citi cho biết việc cắt giảm lao động có thể tiết kiệm cho ngân hàng này 2,5 tỷ USD, sau khi kết quả kinh doanh quý cuối năm ngoái rất đáng thất vọng.

Microsoft sẽ cắt giảm 1.900 lao động tại Activision, Xbox và ZeniMax. Việc cắt giảm số lao động này diễn ra một năm sau khi tập đoàn công nghệ này cho biết sẽ cắt giảm lực lượng lao động 10.000 người.

Trong khi đó, IBM thông báo cắt giảm lao động trong bộ phận tiếp thị và truyền thông. Giám đốc điều hành IBM, Arvind Krishna, năm ngoái cho biết 30% lực lượng lao động của tập đoàn này sẽ bị AI và tự động hóa thay thế trong 5 năm tới.

Amazon sẽ sa thải hàng trăm nhân viên của nền tảng điện toán đám mây Amazon Web Services trong đợt cắt giảm năm nay. Trong năm ngoái, tập đoàn này đã thực hiện một số đợt sa thải.

TOÀN CẢNH PHIÊN TÒA ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ XÉT XỬ CỰU TỔNG THỐNG

Ngày 15/4, phiên tòa hình sự đầu tiên xét xử một cựu Tổng thống Mỹ đã chính thức bắt đầu. Ông Trump sẽ chính thức hầu tòa 4 ngày/tuần với tư cách là bị cáo để phục vụ cho quá trình xét xử vụ án trả tiền bịt miệng ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels trước cuộc bầu cử năm 2016.

Bước vào phòng xử án tại Manhattan (New York) với ba luật sư, cựu Tổng thống Donald Trump, người liên tục từ chối nhận tội đối với 34 cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh, gần như im lặng khi tòa án tiến hành lựa chọn 12 bồi thẩm đoàn có khả năng quyết định số phận của ông. Đội ngũ biện hộ của ông Trump vẫn tiếp tục chiến thuật trì hoãn, một nhân chứng mới xuất hiện có khả năng thay đổi kết quả chung cuộc và văn phòng công tố Manhattan đưa ra án phạt 3.000 USD cho hành vi vi phạm lệnh cấm ngôn đối với cựu Tổng thống.

Ngay từ ngày đầu, cuộc chiến pháp lý của ông Trump đã vô cùng cam go. Ông Trump là cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử phải hầu tòa hình sự.

Không thể “công bằng và vô tư” khi xét xử cựu Tổng thống

Quá trình lựa chọn bồi thẩm đoàn trong phiên tòa hôm 15/4 gặp nhiều khó khăn khi bị cáo là ông Trump – một cựu Tổng thống Mỹ có lịch sử chính trường đầy tranh cãi. Trong số 96 người dân New York ngẫu nhiên được Thẩm phán Juan Merchan lựa chọn, hơn một nửa đã nhanh chóng rời tòa án vì cho rằng bản thân không thể “công bằng và vô tư” trong phiên xét xử.

Trước đó, ông Trump đã liên tục phàn nàn rằng ông “không thể có được một bồi thẩm đoàn công bằng ở Manhattan”, mặc dù Thẩm phán đã yêu cầu các ứng viên bồi thẩm đoàn phải gạt bỏ mọi thành kiến ​về bị cáo hoặc vụ án, bao gồm cả "định hướng chính trị".

Khi tòa bắt đầu yêu cầu bồi thẩm đoàn trả lời 40 câu hỏi về lý lịch cá nhân, các ứng viên đã liên tục phải rời đi vì không thể đáp ứng yêu cầu của Thẩm phán. Trong 40 câu hỏi, câu hỏi thứ 34: “Việc ông Trump đang là ứng cử viên Tổng thống có ảnh hưởng đến khả năng trở thành một bồi thẩm viên công bằng và vô tư của bạn không?” là câu hỏi gây tranh cãi và khiến nhiều ứng viên từ bỏ vụ án.

Thậm chí, một ứng viên đã tuyên bố từ chối phục vụ trong bồi thẩm đoàn của ông Trump trước cả khi bước vào phòng xử án. Hiện tượng này chưa từng có trong các phiên xét xử khác, khiến phiên tòa hình sự của cựu Tổng thống Trump trở thành “điểm nóng” truyền thông.

Cuối cùng, tòa án đã lựa chọn được 12 bồi thẩm đoàn đủ tư cách. Không ai trong số họ từng làm việc hoặc làm công tác tình nguyện cho cựu Tổng thống để đảm bảo tính công bằng cho buổi xét xử.

Đội ngũ biện hộ của ông Trump tiếp tục chiến thuật trì hoãn

Đội ngũ biện hộ của ông Trump vốn luôn trung thành với chiến thuật trì hoãn trước tòa, và trong vụ xét xử hình sự hôm 15/4 cũng không ngoại lệ.

Dù việc lựa chọn bồi thẩm đoàn dự kiến ​​sẽ kéo dài một tuần nhưng trong phiên xét xử, luật sư Todd Blanche của ông Trump đã yêu cầu thêm thời gian để lựa chọn các bồi thẩm viên tiềm năng. Ông Blanche yêu cầu gấp đôi thời gian thông thường cho các vòng thẩm vấn, bao gồm 30 phút cho vòng thẩm vấn đầu tiên và 20 phút cho các vòng tiếp theo, và tòa án đã đồng ý.

Ông Blanche cũng cố gắng chỉ ra các vấn đề tồn đọng trong hệ thống bồi thẩm đoàn hiện tại và yêu cầu có thêm 48 giờ để nộp các bản kiến nghị. Thẩm phán Merchan đã thông qua yêu cầu này trước tình trạng đội ngũ biện hộ của ông Trump “đang ngập trong các kiến nghị, nhiều trong số đó gần như vô căn cứ”.

Chiến thuật trì hoãn đã luôn được áp dụng trong suốt cuộc chiến pháp lý của ông Trump, và nhiều lần, chiến thuật này đã thực sự thành công. Đội ngũ biện hộ của ông Trump hi vọng kéo dài thời gian xử án khi cuộc bầu cử tháng 11 đang đến gần. Nếu tái đắc cử, nhiều khả năng, ông Trump có thể sử dụng quyền miễn trừ của Tổng thống để thoát án.

Ông Trump bị buộc tội vi phạm lệnh cấm ngôn, án phạt 3.000 USD

Văn phòng ông tố quận Manhattan đã đưa ra mức phạt 3.000 USD cho các hành vi vi phạm lệnh cấm ngôn do Thẩm phán Juan Merchan ban hành trước đó. Theo thẩm phán Merchan, lệnh cấm phát ngôn được đưa ra bởi ông Trump từng nhiều lần "đe dọa, kích động hoặc gièm pha" nhằm vào các quan chức pháp lý, bao gồm cả bồi thẩm đoàn.

Công tố viên Chris Conroy chỉ ra ba bài viết trên trang cá nhân Truth Social của ông Trump liên quan đến ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels và cựu luật sư Michael Cohen đã vi phạm lệnh cấm ngôn và yêu cầu tòa xử phạt Trump 1.000 USD cho mỗi bài đăng.

“Tòa án cần phải nhắc nhở ông Trump rằng ông ấy đang là bị cáo hình sự. Giống như các bị cáo hình sự khác, ông Trump phải chịu sự giám sát của tòa”, ông Conroy nói.

Ông Trump cho rằng bên công tố đang cố gắng chống lại ông “nhằm gây bối rối cho hệ thống pháp luật New York”. Thẩm phán Merchan sau đó đã lên lịch cho một phiên điều trần khác để thảo luận về đề nghị của văn phòng công tố quận vào hôm 17/4.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump bị phạt vì vi phạm lệnh cấm ngôn trên mạng xã hội. Cựu Tổng thống đã phải nộp tổng cộng 15.000 USD sau hai lần vi phạm lệnh cấm ngôn do Thẩm phán Arthur Engoron ban hành trong phiên tòa xét xử gian lận dân sự hồi cuối năm 2023.

Nhân chứng bất ngờ xuất hiện tại tòa án

Cuộc điều tra ông Trump tập trung vào khoản tiền "bịt miệng" diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels, song bên công tố viên còn nhắm tới bê bối với một ngôi sao Playboy khác – diễn viên Karen McDougal. Trong phiên xét xử, Thẩm phán Merchan đã đứng về bên công tố khi cho phép bà McDougal ra làm chứng trước tòa.

Theo các công tố viên, vào 5 tháng trước cuộc bầu cử năm 2016, công ty American Media đã đồng ý trả 150.000 USD để mua sự im lặng của nữ diễn viên trước những cáo buộc ngoại tình với ông Trump. Ông Trump đã phủ nhận cáo buộc này. Tuy vụ việc không nằm trong cáo buộc chống lại cựu Tổng thống đang được đưa ra xét xử trước tòa, nhưng các công tố tin rằng lời khai của bà McDougal sẽ mở ra một hướng đi mới cho vụ án.

Trong phiên tòa, ông Trump cũng có một chiến thắng quan trọng khi Thẩm phán Merchan từ chối phát đoạn băng “Access Hollywood” trước tòa vì cho rằng đoạn băng mang tính chất thành kiến. Được biết, đoạn băng này đã ghi lại cuộc trò chuyện có nội dung “kỳ thị nữ giới” giữa cựu Tổng thống với người dẫn chương trình Billy Bush. Các công tố viên sẽ không được phép đưa ra các cáo buộc tấn công tình dục khác chống lại ông Trump xuất hiện sau thời điểm tháng 10/2016 – thời điểm đoạn băng được công khai.

Thẩm phán Merchan cũng từ chối yêu cầu của các công tố viên về việc trình bày lời khai của của bà E. Jean Carroll – nữ nhà báo được cho là nạn nhân trong cáo buộc tấn công tình dục của ông Trump hồi năm 1999.

HẠ VIỆN MỸ SẮP BỎ PHIẾU THÔNG QUA GÓI VIỆN TRỢ CHO UKRAINE, ISRAEL

Hạ viện Hoa Kỳ sẽ xem xét các dự luật riêng rẽ về viện trợ cho Israel và Ukraine trong tuần này, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, người thuộc đảng Cộng hòa, nói hôm thứ Hai 15/4, hơn hai tháng sau khi Thượng viện đã thông qua dự luật bao hàm cả hai nội dung đó.

Ông Johnson nói rằng Hạ viện - với cán cân giữa hai đảng không chênh nhau nhiều - sẽ xem xét tổng cộng 4 dự luật trong đó cũng bao gồm vấn đề viện trợ cho Đài Loan, các đồng minh của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các ưu tiên an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Viện trợ của Mỹ đã bị trì hoãn do ông Johnson không sẵn lòng xem xét dự luật lưỡng đảng trị giá 95 tỷ đô la mà Thượng viện đã thông qua vào tháng 2, bao gồm 14 tỷ đô la cho Israel và 60 tỷ đô la cho Ukraine.

Ông Johnson cho hay các dự luật mới của Hạ viện cung cấp lượng viện trợ nước ngoài gần tương đương với dự luật của Thượng viện nhưng sẽ có một số điểm khác biệt, bao gồm một phần viện trợ sẽ dưới dạng tiền cho vay.

Đảng Cộng hòa đặt mục tiêu công bố nội dung sớm nhất là vào sáng 16/4 nhưng sẽ xem xét trong khoảng thời gian dài 72 giờ trước khi bỏ phiếu. Ông Johnson nói rằng cuộc bỏ phiếu thông qua có thể diễn ra trong tối thứ Sáu 19/4.

Sức ép đối với việc thông qua viện trợ trở nên cấp bách hơn sau khi Iran tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái hồi cuối tuần nhằm vào Israel, cho dù có sự phản đối gay gắt trong Quốc hội Mỹ bị chia rẽ sâu sắc.

3 trong số 4 dự luật mà ông Johnson đề cập đến sẽ bao gồm Ukraine, Israel và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hiện chưa rõ nội dung của dự luật thứ tư.

Ông Johnson hiện phải đối mặt với lời đe dọa từ những đảng viên Cộng hòa cực hữu là sẽ phế truất ông khỏi chức chủ tịch Hạ viện nếu ông để cho dự luận về viện trợ Ukraine có các bước tiến. Nhiều người cánh hữu, đặc biệt là những người liên minh chặt chẽ với cựu Tổng thống Donald Trump lâu nay vẫn hoài nghi về việc trợ giúp Kyiv trong cuộc chiến chống lại Nga, phản đối quyết liệt việc cấp thêm hàng tỷ đô la cho Ukraine.

Vấn đề này đang được ngành công nghiệp quốc phòng theo dõi chặt chẽ. Các nhà thầu quốc phòng của Hoa Kỳ có thể đang xếp hàng đợi nhận những hợp đồng lớn để cung cấp vũ khí, khí tài cho Ukraine và các đối tác khác của Hoa Kỳ nếu nguồn viện trợ bổ sung được thông qua. Những người ủng hộ viện trợ nhấn mạnh rằng việc thông qua dự luật về Ukraine sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ.

Ukraine hôm 15/4 lại kêu gọi các đồng minh thực hiện "những bước đi phi thường và táo bạo" để cung cấp các loại vũ khí phòng không nhằm giúp chống lại làn sóng không kích của Nga đánh vào hệ thống năng lượng của Ukraine trong những tuần gần đây.

NGƯỜI ỦNG HỘ PALESTINE CHẶN CAO TỐC BIỂU TÌNH

Đám đông biểu tình chặn loạt cao tốc ra sân bay và những cây cầu quan trọng khắp các thành phố Mỹ để bày tỏ ủng hộ Palestine trong chiến sự Gaza.

Người biểu tình ủng hộ Palestine hôm 15/4 dàn hàng ngang trên những tuyến đường trọng yếu ở các bang Illinois, California và New York, làm gián đoạn việc di chuyển tới các sân bay Mỹ. Đám đông cũng cản trở giao thông trên các cầu Golden Gate, Brooklyn và cao tốc West Coast.

Giao thông ở khu vực vịnh San Francisco tắc nghẽn nhiều giờ khi người biểu tình chặn toàn bộ phương tiện, người đi xe đạp và cả người đi bộ trên cầu Golden Gate. Họ còn tự trói mình vào những thùng phuy chứa đầy xi măng để chắn lối di chuyển trên cao tốc liên bang 880 ở Oakland.

Đám đông cũng chặn lối di chuyển tới Manhattan trên cầu Brooklyn. Tại Eugene, bang Oregon, nhóm ủng hộ Palestine chặn xa lộ liên bang 5, khiến giao thông trên cao tốc chính bị tê liệt trong khoảng 45 phút.

Tại thành phố Chicago, bang Illinois, người biểu tình khoác tay nhau chặn lối vào cao tốc liên bang 190 dẫn tới sân bay quốc tế O'Hare, kêu gọi ngừng bắn lập tức ở Dải Gaza. Rifqa Falaneh, người tổ chức biểu tình, gọi đây là một phần của cuộc "phong tỏa kinh tế toàn cầu để giải phóng Palestine".

Người biểu tình nói họ nhắm tới sân bay O'Hare một phần vì đây là một trong những sân bay lớn nhất nước Mỹ. Sân bay O'Hare đã phát cảnh báo rằng mọi người nên lựa chọn hình thức di chuyển khác thay vì đi ôtô để tránh cảnh tắc nghẽn vì biểu tình. Một số hành khách phải kéo theo hành lý, đi bộ nốt đoạn cuối tới sân bay.

Madeline Hannan, đến từ Chicago, đã bị chặn trên đường di chuyển tới sân bay O'Hare để đi công tác ở Florida. Hannan nói cô phải vừa chạy vừa đi bộ nốt quãng đường khoảng 1,6 km mới kịp giờ bay.

Theo Cơ quan Hàng không Chicago, dù một số hành khách bị ảnh hưởng vì biểu tình, hoạt động tại sân bay gần như không bị gián đoạn. Đoạn đường tới sân bay O'Hare lưu thông bình thường sau khoảng hai tiếng.

Cơ quan giao thông vận tải bang Washington cũng thông báo nhóm biểu tình ủng hộ Palestine đã chặn con đường chính dẫn tới sân bay quốc tế Seattle-Tacoma trong khoảng ba giờ.

Đội tuần tra cao tốc California đã bắt 20 người vì biểu tình ở cầu Golden Gate. Cảnh sát California cũng bắt một số người biểu tình tại hai điểm trên xa lộ liên bang, trong đó có một điểm gồm khoảng 300 người biểu tình không tuân lệnh giải tán.

Cảnh sát bang Oregon thông báo bắt 52 người biểu tình vì hành vi gây mất trật tự khi chặn xa lộ liên bang 5 ở Eugene. Cảnh sát New York và Chicago cũng bắt hàng chục người biểu tình vì cản trở giao thông.

Chiến sự ở Gaza bùng phát từ tháng 10/2023, sau khi Hamas tiến hành đột kích quy mô lớn vào lãnh thổ miền nam Israel. Sau hơn 6 tháng giao tranh, cuộc chiến đã khiến gần 34.000 người thiệt mạng. Israel và Hamas chưa thể nhất trí về một lệnh ngừng bắn để chấm dứt chiến sự.

Nguồn: CafeF; Báo Tin Tức; VOV; VOA; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang