Rủi ro tiềm ẩn; Kinh tế thế giới bất an; Canada tăng thuế người giàu giúp người trẻ; Ukraine lại huy động quân; Israel thề đáp trả Iran

BẤT CHẤP DẤU HIỆU HỒI PHỤC, KINH TẾ VẪN TIỀM ẨN RỦI RO

Hồi tháng 1, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá “nền kinh tế thế giới đã được chứng minh là có khả năng phục hồi đáng kể” và năm 2024 sẽ có thêm động lực nhờ hiệu quả hoạt động tốt hơn một chút so với dự đoán vào năm ngoái. Đúng như nhận định này, báo cáo triển vọng kinh tế mà IMF công bố ngày 16/4 đã nâng nhẹ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay lên 3,2%, so với 3,1% trước đó, nhờ hoạt động kinh tế mạnh mẽ ở Mỹ và một số thị trường mới nổi.

Trong buổi công bố báo cáo, bà Georgieva đã phải thốt lên: “Thật là muốn thở phào. Chúng ta đã tránh được nguy cơ suy thoái toàn cầu và cũng là một giai đoạn lạm phát đình trệ”. Tuy nhiên, bên cạnh sự nhẹ nhõm vẫn còn có những thất vọng, bà nói: “Thực tế đáng lo ngại là hoạt động kinh tế toàn cầu đang yếu so với các tiêu chuẩn lịch sử”. Tăng trưởng toàn cầu năm ngoái là 3,2%. Và không chỉ trong năm nay, mà còn trong năm tới, IMF dự kiến mức tăng trưởng cũng là 3,2% - con số không cao so với tiêu chuẩn toàn cầu với mức trung bình trong lịch sử là 3,8%.

Kinh tế Mỹ được dự báo tích cực hơn cả với mức tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 2,7% cao hơn so với 2,1% hồi tháng 1. Điều này cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng tốc trở lại sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 2,5% vào năm 2023. “Sức khoẻ” của kinh tế Mỹ bù đắp cho sự “ốm yếu” của những khu vực khác, như Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone). IMF hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone xuống 0,8%, từ mức 0,9%, chủ yếu do nền kinh tế đầu tàu là Đức yếu kém.

Hàng loạt nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển như Ấn Độ và Brazil cũng cho thấy sức bền và khả năng phục hồi mạnh mẽ trước tình hình ảm đạm của kinh tế toàn cầu năm 2023. Mặc dù tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm nay có thể giảm nhẹ so với năm ngoái do sự sụt giảm của kinh tế Trung Quốc, song khu vực này vẫn được coi là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

Tuy nhiên, trong báo cáo này, các chuyên gia IMF liệt kê một số rủi ro đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu. Thứ nhất, đó là chiến tranh và xung đột, cụ thể là cuộc chiến ở Ukraine và xung đột ở Gaza cùng nguy cơ leo thang căng thẳng tại Trung Đông, có thể gây ra hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế toàn cầu. Nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, IMF lo ngại lạm phát có thể tăng trở lại.

Rủi ro thứ hai là triển vọng lạm phát chưa rõ ràng. Thoạt nhìn, diễn biến giá dường như không còn là rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu. Người đứng đầu IMF cho biết: “Lạm phát đang giảm nhanh hơn chút ít so với dự báo trước đây”. Trong khi tỷ lệ lạm phát toàn cầu nam 2022 là 9,4%, theo dự báo mới của IMF, tỷ lệ này sẽ giảm xuống 2,8% vào cuối năm nay và xuống còn 2,4% trong năm tới. Tuy nhiên, các nhà kinh tế của IMF đang lo lắng về những số liệu mới nhất từ Mỹ, nơi có giá tiêu dùng tăng cao hơn dự kiến. Lạm phát giảm là do giá năng lượng giảm và hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn, trong khi lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ vẫn ở mức cao. Vì vậy, ưu tiên của các ngân hàng trung ương vẫn phải là giảm lạm phát xuống mức mục tiêu. Nếu lãi suất cơ bản không giảm như kỳ vọng trong vài tháng tới thì có thể gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế.

Rủi ro thứ ba mà các chuyên gia IMF lo ngại chính là nền kinh tế đầu tàu thế giới có nguy cơ tăng trưởng quá nóng. Trong năm nay, IMF kỳ vọng Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 2,7% - cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi mùa Thu. Và năm tới, mức tăng trưởng có thể là 1,9%. Các chuyên gia đánh giá “thành tích phi thường của Mỹ” là “động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu”, nhưng Mỹ cũng là "nền kinh tế có nguy cơ tăng trưởng quá nóng và trên hết là lạm phát gia tăng trở lại." Sự gia tăng này là do biện pháp kích thích của chính phủ như Đạo luật Giảm lạm phát, trong đó ưu tiên thúc đẩy đầu tư vào công nghệ thân thiện với khí hậu thông qua giảm thuế. Việc các bang vay tiền để triển khai nhiều chương trình khiến nợ công của Mỹ tiếp tục tăng và IMF đánh giá chính sách nợ này là “không bền vững”. Điều này cũng tiềm ẩn rủi ro đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu. Đặc biệt Mỹ không phải là cá biệt khi nợ của nhiều nước khác cũng tăng đáng kể trong đại dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng. IMF đang cảnh báo các nước rằng hiện là thời điểm thích hợp để giảm thâm hụt và tăng cường nguồn đệm tài chính của chính phủ.

Với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc, báo cáo của IMF kỳ vọng nước này sẽ tăng trưởng 4,6% trong cả năm nay. Hiện cường quốc châu Á này vẫn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản. Theo các chuyên gia, nhu cầu trong nước sẽ vẫn yếu trong một thời gian nếu chính phủ không hành động quyết liệt để giải quyết triệt để gốc rễ của vấn đề. Giới phân tích nhận định nếu nhu cầu trong nước vẫn ở mức thấp do khủng hoảng bất động sản, Bắc Kinh có thể cố gắng bù đắp bằng cách tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, IMF đánh giá chính sách này có nguy cơ làm gia tăng “căng thẳng thương mại trong môi trường địa chính trị vốn đã căng thẳng” và đây là rủi ro thứ tư mà tổ chức này tính đến. IMF lo ngại nguy cơ xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng gia tăng, trong khi Liên minh châu Âu đang cân nhắc việc đáp trả hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc và dựng lên các rào cản thuế nếu cần thiết.

Vấn đề quan ngại cuối cùng đối với nền kinh tế thế giới là tăng trưởng thấp của Đức. Theo dự báo của IMF, năm nay kinh tế Đức chỉ tăng trưởng 0,2%, thấp hơn tới 0,7 điểm phần trăm so với dự báo mùa Thu năm ngoái và thấp nhất trong các nước công nghiệp lớn. Ông Alfred Kammer, Giám đốc khu vực châu Âu của IMF, nêu rõ môi trường kinh doanh và tiêu dùng suy giảm trong quý đầu tiên của năm cùng các vấn đề mang tính cơ cấu của Đức là nguyên nhân khiến các chuyên gia hạ mức dự báo. Tuy nhiên, IMF vẫn kỳ vọng mức tăng trưởng năm tới của nền kinh tế lớn nhất châu Âu là 1,3%.

Nhiều chuyên gia IMF nhận định nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới "cú hạ cánh mềm" dù tăng trưởng và thương mại toàn cầu vẫn thấp. Mặc dù vậy, những rủi ro tiềm ẩn khiến các nhà phân tích cũng như giới hoạch định chính sách phải thận trọng.

TRUNG ĐÔNG CĂNG THẲNG, KINH TẾ THẾ GIỚI PHẬP PHỒNG

Cả thế giới đang chờ đợi quyết định của Israel về việc sẽ đáp trả thế nào với cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ của Iran

Giá dầu được giao dịch quanh ngưỡng 90 USD/thùng hôm 16-4 trong bối cảnh căng thẳng Trung Đông gia tăng, sau khi Iran lần đầu tiên tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel đêm 13-4, bằng cách phóng đi hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) từ chính lãnh thổ của mình.

Biến động không ngừng

Một số nhà phân tích tại khu vực hoài nghi khả năng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng cường thực thi các lệnh trừng phạt hiện có nhằm bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran.

Theo Reuters, tác động tiềm năng lên giá xăng là lý do khiến chính quyền ông Biden sẽ không có bước đi mạnh mẽ nói trên, đặc biệt là trong năm bầu cử tổng thống. Bà Kimberly Donovan, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), chỉ ra các lệnh trừng phạt liên quan đến dầu mỏ thực ra đã không được thực thi nghiêm ngặt trong vài năm qua.

Thêm vào đó, hãng theo dõi các tàu chở dầu Vortexa Analytics (Anh) ước tính Trung Quốc đã mua kỷ lục 55,6 triệu tấn dầu, tương đương 1,11 triệu thùng dầu/ngày từ Iran hồi năm ngoái. Con số này tương đương khoảng 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran và chiếm 10% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc.

Một nguồn thạo tin nhận định nếu Mỹ quyết theo đuổi lệnh cấm xuất khẩu dầu của Iran, điều này đồng nghĩa việc đối đầu với Trung Quốc.

Cũng biến động liên tục trong những ngày qua là giá vàng. Hôm 16-4, giá vàng xoay quanh ngưỡng 2.369 USD/ounce, tức tiến gần mức cao kỷ lục thời gian gần đây. Chuyên gia Aakash Doshi tại Công ty Nghiên cứu Citi Research dự báo vàng sẽ đạt mức 3.000 USD/ounce trong vòng 6-18 tháng tới.

Trong khi đó, ông Bartosz Sawicki, nhà phân tích thị trường tại Công ty Dịch vụ tài chính Conotoxia, dự báo nếu Israel trả đũa mạnh mẽ thì xung đột sẽ lan rộng hơn, châm ngòi làn sóng thu gom vàng mới, đồng thời đẩy giá dầu và chỉ số đồng USD đi lên.

Không dừng lại ở đó, ông Christian Roeloffs, nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Container xChange (Đức), cảnh báo tình hình Trung Đông khiến thị trường vận tải biển thêm bất ổn.

Sau eo biển Bab-al-Mandab và biển Đỏ, eo biển Hormuz hiện trở thành tâm điểm mới. Những diễn biến tại eo biển Hormuz sẽ tác động mạnh đến Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đặc biệt là Jebel Ali, trung tâm trung chuyển chính trong khu vực.

Theo ông Roeloffs, giá cước vận tải biển có thể còn tăng nữa, qua đó góp phần kéo dài cuộc chiến chống lạm phát. Lạm phát tại Mỹ đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng 3, làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu vào tháng 9 thay vì tháng 6 và chỉ còn 2 đợt giảm lãi suất thay vì 3 đợt.

Nếu FED và ngân hàng trung ương các nước khác tập trung trở lại vào nhiệm vụ chống lạm phát, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục u ám.

Căng thẳng treo lơ lửng

Lúc này, cả người dân Israel lẫn thế giới đều đang chờ đợi quyết định của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc sẽ đáp trả thế nào với cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ của Iran.

Sau cuộc họp của nội các thời chiến Israel, Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi ngày 16-4 khẳng định nước này sẽ đáp trả. Tuy nhiên, ông không cung cấp chi tiết. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Israel Katz đã gửi thư cho 32 nước vận động trừng phạt chương trình tên lửa của Iran.

Đáp lại những tuyên bố từ phía Israel, trong cuộc gặp ngày 16-4 với Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nhấn mạnh "bất cứ hành động dù là nhỏ nhất nào đi ngược lại lợi ích của Iran đều sẽ gặp phải sự đáp trả nghiêm trọng, rộng khắp và đau đớn".

Kênh Al Jazeera (Qatar) dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Ali Bagheri Kani nói thêm nước ông sẽ không chờ tới 12 ngày mới đáp trả như vừa rồi; nếu Israel tấn công thêm lần nữa, Iran sẽ trả đũa "trong vòng vài giây".

Nguyên nhân Iran tấn công Israel đêm 13-4 là để phản ứng lại cuộc không kích vào cơ quan lãnh sự của Iran ở thủ đô Damascus - Syria hôm 1-4 mà Iran quy trách nhiệm cho Israel. Chuẩn tướng Abolfazl Shekarchi, người phát ngôn quân đội Iran, đồng thời cảnh báo Mỹ, Anh, Pháp và Đức ngừng hỗ trợ Israel.

Nhờ sự tiếp sức của các đồng minh, Israel đã đánh chặn hầu hết số tên lửa và UAV của Iran đêm 13-4. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định vẫn ủng hộ Israel song nói rõ Mỹ ưu tiên ngăn chặn xung đột lan rộng. Nhà Trắng cũng tuyên bố không tham gia cùng Israel đáp trả Iran. Hàng loạt quốc gia khác liên tiếp kêu gọi Israel và Iran kiềm chế.

CANADA MUỐN “LẤY TIỀN NGƯỜI GIÀU HỖ TRỢ NGƯỜI TRẺ”

Chính quyền Canada có đề xuất tăng tiền thuế của người giàu để có ngân sách chi cho các chương trình hỗ trợ người trẻ.

Canada cân nhắc việc yêu cầu những người giàu có nộp thuế cao hơn khi chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau tìm cách củng cố sự ủng hộ của cử tri trẻ tuổi trước cuộc bầu cử dự kiến vào năm tới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Chrystia Freeland cho rằng những người Canada giàu nhất cần đóng thuế nhiều hơn để khoản ngân sách này sẽ được đầu tư vào giáo dục, nhà ở, việc làm và các dịch vụ sức khỏe tinh thần.

Ngân sách đề xuất 53 tỷ đô la Canada (38 tỷ USD) trong 5 năm, phần lớn hướng tới thế hệ trẻ ở quốc gia Bắc Mỹ, dưới dạng nhà ở giá phải chăng, trợ cấp và cho vay sinh viên, hỗ trợ tiền thuê nhà và các chương trình giới thiệu việc làm.

Theo đề xuất, các khoản lãi vốn trên 250.000 đô la Canada (180.804 USD) sẽ bị đánh thuế ở mức 66,7%, tăng từ mức 50%. Kế hoạch này sẽ giúp Canada tăng thu ngân sách gần 20 tỷ đô la Canada (14,5 tỷ USD) trong vòng 5 năm.

Bà Freeland cho biết cơ hội để những người trẻ tuổi có một cuộc sống trung lưu thoải mái "luôn là lời hứa của Canada".

Bà nói: "Nhưng ngày nay, những người trẻ Canada có thể kiếm được một công việc tốt, họ có thể làm việc chăm chỉ, họ có thể làm mọi thứ mà cha mẹ họ đã làm và hơn thế nữa. Tuy nhiên, họ luôn cảm thấy những gì họ nhận được (khi chăm chỉ lao động) là chưa xứng đáng. Họ nhìn bố mẹ họ và tự hỏi rằng khi nào họ mới kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống như vậy".

Bà Freeland thừa nhận rằng việc tăng thuế sẽ có một số trở ngại nhưng cho biết mức tăng này sẽ đảm bảo rằng những người giàu nhất sẽ phải đóng góp công bằng.

"Nhưng trước khi họ phàn nàn, tôi muốn nhóm 1% và 0,1% (người giàu nhất Canada) hãy tự hỏi điều này: Bạn muốn sống ở một đất nước Canada như thế nào?", bà nhấn mạnh.

Hội đồng Kinh doanh Canada (BCC) đã chỉ trích đề xuất là động thái chính trị tốt với một số người nhưng là chính sách kinh tế không tốt với tất cả.

UKRAINE LẠI TIẾP TỤC HUY ĐỘNG QUÂN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký luật huy động quân với những thay đổi mới về quy tắc huy động quân.

Theo website của Quốc hội Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký ban hành luật về động viên nhập ngũ. Luật sẽ có hiệu lực 1 tháng sau khi chính thức được công bố.

Nội dung luật huy động quân sự mới giảm độ tuổi động viên từ 27 xuống 25. Người thuộc diện tàn tật sau ngày 24/2/2022 (trừ binh sĩ) sẽ phải kiểm tra y tế lại để đánh giá mức độ thích hợp phục vụ trong quân đội.

Trong kho đó, nhân viên một số nhà máy bị loại khỏi diện được xét hoãn nhập ngũ. Luật cũng loại bỏ quy định cho giải ngũ đối với binh sĩ sau 36 tháng phục vụ trong quân đội, bao gồm 18 tháng ở tiền tuyến.

Trước đó, hôm 11/4, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự luật nói trên với 283 nghị sĩ ủng hộ trong tổng số 450 nghị sĩ. Luật huy động quân mới của Ukraine được cho là có thể giúp nước này gọi nhập ngũ thêm hàng trăm nghìn người. Động thái mới này cũng sẽ cho phép Chính phủ Ukraine có nhiều quyền lực hơn trong việc huy động xã hội tham gia vào chiến tranh, cũng như việc trừng phạt đối tượng trốn quân dịch.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký luật huy động mới diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa nước này với Nga kéo dài sang năm thứ ba. Ukraine được hiểu đang gặp nhiều khó khăn trước Nga, từ vũ khí cho tới số lượng binh sĩ.

Cả Nga và Ukraine đều giữ kín con số thương vong trong cuộc xung đột đang diễn ra, nhưng các quan chức Mỹ ước tính rằng hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng và bị thương ở cả hai phía.

Phía Ukraine cho biết chỉ có 31.000 quân nhân nước này thiệt mạng trong hai năm qua. Thế nhưng, ước tính không chính thức cho thấy con số cao hơn gấp nhiều lần. Theo truyền thông phương Tây, các đơn vị tiền tuyến của Kiev đang hoạt động chỉ với 1/3 lực lượng tính đến đầu tháng 2.

Hiện tại chưa có số liệu về quy mô quân đội Ukraine nhưng con số này được ước tính vào khoảng 1 triệu quân. Về phía Nga, nước này đã mở rộng quy mô quân đội lên 1,5 triệu binh lính.

So với giai đoạn đầu xung đột, việc tuyển quân của Ukraine giờ đây khó khăn hơn nhiều nhất là sau các chiến dịch quân sự không thành công vào mùa hè.

MẶC KỆ THẾ GIỚI KÊU GỌI, ISRAEL THỀ ĐÁP TRẢ IRAN

Người Israel đang chờ đợi thông tin về cách Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ phản ứng trước cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran khi áp lực kiềm chế quốc tế ngày càng tăng trong bối cảnh lo ngại về tình trạng leo thang xung đột ở Trung Đông.

Một nguồn tin chính phủ cho biết ông Netanyahu hôm 15/4 đã triệu tập nội các chiến tranh của mình lần thứ hai trong vòng chưa đầy 24 giờ để cân nhắc phản ứng trước cuộc tấn công lớn bằng máy bay không người lái và tên lửa vào cuối tuần qua của Iran.

Mặc dù cuộc tấn công không gây tử vong và ít thiệt hại, nhờ hệ thống phòng không và các biện pháp đối phó của Israel và các đồng minh, nhưng nó đã làm gia tăng mối lo ngại rằng bạo lực bắt nguồn từ cuộc chiến ở Gaza đang lan rộng và mối lo sợ về sự mở rộng chiến tranh giữa những quốc gia thù địch lâu nay.

Tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi hôm 15/4 nói “việc phóng rất nhiều tên lửa, tên lửa hành trình và máy bay không người lái vào lãnh thổ Israel sẽ vấp phải phản ứng”, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani nói với truyền hình nhà nước vào tối ngày 15/4 rằng phản ứng của Tehran trước bất kỳ sự trả đũa nào của Israel sẽ có ngay “chỉ trong vài giây, vì Iran sẽ không đợi thêm 12 ngày nữa để đáp trả”.

Nhưng viễn cảnh trả đũa của Israel đã làm nhiều người Iran, vốn đang phải chịu đựng nỗi đau kinh tế cũng như các biện pháp kiểm soát chính trị và xã hội chặt chẽ hơn kể từ các cuộc biểu tình năm 2022-2023, phải lo sợ.

Iran đã tiến hành cuộc tấn công để trả đũa cuộc không kích do Israel tiến hành nhằm vào khu đại sứ quán của nước này ở Damascus hôm 1/4 và đưa ra tín hiệu rằng họ không tìm cách leo thang thêm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần qua nói với ông Netanyahu rằng Mỹ, nước đã giúp Israel ngăn chặn cuộc tấn công của Iran, sẽ không tham gia vào một cuộc phản công của Israel.

Kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu vào tháng 10, nhiều cuộc đụng độ đã nổ ra giữa Israel và các nhóm liên kết với Iran có trụ sở tại Lebanon, Syria, Yemen và Iraq.

Israel cho biết 4 binh sĩ của họ đã bị thương ở khu vực cách hàng trăm mét bên trong lãnh thổ Lebanon chỉ sau một đêm. Đây vụ xâm nhập đầu tiên của Israel vào Lebanon được biết tới kể từ khi chiến tranh Gaza nổ ra, mặc dù nước này đã giao tranh với lực lượng dân quân Hezbollah của Lebanon.

Phản ứng quốc tế

“Chúng ta đang ở bên bờ vực và chúng ta phải tránh ra khỏi đó,” ông Josep Borrell, người đứng đầu bộ phận đối ngoại của Liên minh châu Âu, nói với đài phát thanh Tây Ban Nha Onda Cero.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự. Washington và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi kiềm chế.

Người phát ngôn về an ninh quốc gia của Nhà Trắng, John Kirby, hôm 15/4 từ chối cho biết liệu Tổng thống Biden trong các cuộc đàm phán vào tối ngày 13/4 có thúc giục Thủ tướng Netanyahu kiềm chế đáp trả Iran hay không.

“Chúng tôi không muốn chứng kiến một cuộc chiến tranh với Iran. Chúng tôi không muốn chứng kiến một cuộc xung đột khu vực”, ông Kirby nói trong một cuộc họp báo, đồng thời cho biết thêm rằng chính Israel là bên quyết định “liệu họ có phản ứng hay không và phản ứng như thế nào”.

Bộ trưởng Ngoại giao Israel Katz cho biết ông đang “dẫn đầu một cuộc tấn công ngoại giao” cùng với phản ứng quân sự của Israel, bằng cách viết thư cho 32 quốc gia để áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với chương trình tên lửa của Iran và coi Quân đoàn Vệ binh Cách mạng của nước này là một tổ chức khủng bố.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen nói hành động của Iran đe dọa sự ổn định ở Trung Đông và có thể gây ra tác động lan tỏa về kinh tế. Bà nói thêm rằng Mỹ sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt và hợp tác với các đồng minh để tiếp tục ngăn chặn “hoạt động ác tính và gây bất ổn” của Iran.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng chính quyền Biden khó có thể tìm cách tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Iran do lo ngại về việc tăng giá dầu và nguy cơ khiến nước mua hàng đầu là Trung Quốc nổi giận.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong cuộc điện đàm giữa ngoại trưởng Trung Quốc và Iran, Trung Quốc nói họ tin Iran có thể “xử lý tốt tình hình và tránh cho khu vực thêm bất ổn” trong khi bảo vệ chủ quyền và phẩm giá của mình.

Nga đã kiềm chế không công khai chỉ trích đồng minh Iran nhưng cũng cảnh báo không nên leo thang căng thẳng hơn nữa.

Cuộc tấn công trả đũa của Iran, liên quan đến hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái, đã gây ra ít thiệt hại ở Israel và làm bị thương một bé gái 7 tuổi. Hầu hết tên lửa và máy bay không người lái đều bị hệ thống phòng thủ Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel bắn hạ với sự trợ giúp của Mỹ, Anh, Pháp và Jordan.

Tại Gaza, nơi hơn 33.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel – theo số liệu của Bộ Y tế Gaza, hành động của Iran đã thu hút sự tán thưởng.

Israel bắt đầu chiến dịch chống lại Hamas, nhóm chiến binh Palestine do Iran hậu thuẫn đang điều hành Gaza, sau khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7 tháng 10, giết chết 1.200 người và bắt 253 con tin, theo thống kê của Israel.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết Nhóm Bảy nền dân chủ lớn đang nghiên cứu một gói các biện pháp phối hợp chống lại Iran.

Ý, nước giữ chức chủ tịch luân phiên G7, cho biết họ sẵn sàng cho các biện pháp trừng phạt mới và đề xuất rằng bất kỳ biện pháp mới nào cũng nên nhắm vào các cá nhân.

Cuộc tấn công của Iran đã khiến ít nhất một chục hãng hàng không phải hủy hoặc định tuyến lại các chuyến bay, trong lúc cơ quan quản lý hàng không châu Âu vẫn khuyến cáo nên thận trọng khi sử dụng không phận của Israel và Iran.

Nguồn: Báo Tin Tức; CafeF; Dân Trí; Soha; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang