Những nhà máy ma hồi sinh; HQ cắt giảm giáo viên; Vụ Iran tấn công Israel; Lựa chọn khó khăn; Thách thức bủa vây NATO

NHỮNG NHÀ MÁY MA HỒI SINH: LỢI NHUẬN KHỔNG LỒ TỪ MẶT HÀNG TƯỞNG NHƯ ĐÃ BỊ BỎ QUÊN

Một số nhà máy rượu whisky đang vận hành trở lại sau nhiều năm chìm trong quên lãng.

‘Hồ whisky’

Nhà máy chưng cất rượu Port Ellen, thuộc sở hữu của gã khổng lồ đồ uống quốc tế Diageo, đã đóng cửa vào năm 1983 do suy thoái kinh tế toàn cầu và sản xuất quá mức. Lượng rượu dư thừa đến độ mà người ta còn dùng cụm từ “Hồ whisky” để chỉ giai đoạn này, tức là số rượu không ai mua có thể đủ để lấp đầy một cái hồ.

Giờ đây, Port Ellen đang được hồi sinh. Đây là một trong số các nhà máy chưng cất “ma”, vốn bị đóng cửa lâu năm nhưng giờ đây lại hưng thịnh trở lại do nhu cầu bùng nổ.

Trong bốn thập kỷ kể từ khi đóng cửa đến khi mở cửa trở lại, Port Ellen đã thu hút một lượng lớn tín đồ rượu whisky. Những người tới đây có nhu cầu tìm hiểu những điều thú vị với rượu mạnh, nhất là ở những thùng có độ mạnh cao bất thường.

Roy Duff, biên tập viên của Dramface.com, một trang web và podcast đánh giá rượu whisky độc lập, cho biết: “Đó đơn thuần là sự tình cờ. Điều kỳ diệu đã xảy ra vì rượu whisky đã bị lãng quên và bỏ lại trong nhiều năm. Việc bị bỏ quên như vậy đồng nghĩa với việc rượu có thể tỏa sáng. Ủ càng lâu trong khí hậu Scotland thì rượu càng ngon”.

Là một nhà máy chưng cất được thành lập vào năm 1825 ở ven biển vùng Islay, nơi hành hương của những người “nghiện rượu mạch nha” trên toàn thế giới, Port Ellen là một nhà máy nổi tiếng trong số những nhà máy chưng cất bị lãng quên.

Nhiều nhà máy khác cũng đã hồi sinh, bao gồm nhà máy chưng cất Highland ở Brora - cũng là một phần của hãng Diageo - và Rosebank, gần Falkirk ở vành đai trung tâm Scotland.

Một huyền thoại rượu whisky khác của Islay, Ardbeg, đã bị bỏ quên trong hầu hết những năm 1980 và đã hồi sinh một cách ngoạn mục kể từ khi nó được nhà máy chưng cất Glenmorangie mua lại vào năm 1997. Năm 2022, một thùng Ardbeg năm 1975 đã được bán cho một đại gia ở Hồng Kông với giá 16 triệu bảng Anh (20 triệu USD), nhiều hơn gấp đôi số tiền Glenmorangie trả cho nhà máy chưng cất và cổ phiếu của nó.

Dù mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ như vậy nhưng cần nguồn vốn đầu tư khổng lồ đối với các nhà máy rượu. Mặc cho kế hoạch hồi sinh được công bố lần đầu tiên vào năm 2017, Port Ellen phải chờ hơn ba năm cho tới khi đại dịch Covid-19 đi qua, chờ xử lí các vấn đề hậu Brexit về chi phí và nguồn cung cấp vật liệu xây dựng cũng như tình trạng thiếu năng lực vận tải.

Các nỗ lực đã được đền đáp thích đáng.

Các tòa nhà cũ và mới, sau này được trang trí với phong cách nghệ thuật đương đại theo chủ đề rượu whisky, đã hoạt động trở lại với tư cách là nhà máy chưng cất hoạt động thứ 10 của Islay.

Những dịch vụ sang trọng

Port Ellen đang hy vọng sẽ thu hút những người hâm mộ rượu whisky cao cấp đến nếm thử những hương vị chỉ dành cho người đặt hẹn trước.

Ví dụ, nhà máy cung cấp một trải nghiệm được thiết kế cho các nhóm tối đa tám người, đi kèm với một mức giá khổng lồ - dù không được tiết lộ, nhưng được cho là vào khoảng 1.120 USD - bao gồm bữa trưa có nguồn gốc địa phương và nếm thử Port Ellen Gemini, hai loại whisky Port Ellens 44 năm tuổi được ủ trong hai thùng khác nhau, mỗi thùng đều có những câu chuyện đặc biệt riêng để chia sẻ với du khách.

Chỉ có 274 cặp rượu loại Gemini được tạo ra để đánh dấu việc mở cửa trở lại của nhà máy chưng cất. Các cặp này được bán lẻ ở mức 45.000 bảng Anh (khoảng 57.000 USD) mỗi bộ.

Mức giá đầy tham vọng như vậy có thể được coi là chuẩn mực cho sự thành công đáng kinh ngạc của nhà máy rượu mạch nha. Nhưng một số người trong cộng đồng rượu whisky lo ngại rằng nó sẽ được coi là một lời cảnh báo về một “bong bóng rượu” sắp vỡ.

Giá cổ phiếu của công ty đa quốc gia Diageo đã giảm 1/4 kể từ đầu năm 2022. Sau cảnh báo lợi nhuận vào tháng 11, do doanh số bán hàng ở Châu Mỹ Latinh chậm lại, kết quả mới nhất của công ty cho thấy doanh số bán mạch nha đơn sang Mỹ đã giảm 27% trong nửa năm sau 2023.

Emily Burnham, chủ nhà máy chưng cất tại Port Ellen, cho biết công ty đã cân nhắc kỹ lưỡng về ưu đãi dành cho du khách, bao gồm trải nghiệm ngắn hơn khoảng 250 USD cho nhóm tối đa 12 người (có thể đặt trước từ tháng 6), cũng như miễn phí một lần- ngày mở cửa trong tháng.

Bà nói: “Chúng tôi cần phải cẩn thận để không định giá quá cao cho những người yêu thích rượu whisky thông thường. Đồng thời, vẫn có nhu cầu về những trải nghiệm xa xỉ hơn”.

“Hiện tại, rượu Port Ellen đắt đỏ vì nó quá cũ và quá hiếm. Điều đó sẽ không xảy ra khi chúng tôi bắt đầu tung ra thị trường (loại rượu mới được sản xuất trong vài năm nữa) - không phải lúc nào nó cũng có giá hàng chục nghìn bảng Anh cho một chai”.

TỶ LỆ SINH GIẢM, KHÔNG CÓ HỌC SINH, HÀN QUỐC CẮT GIẢM GIÁO VIÊN TIỂU HỌC

Chỉ tiêu tuyển sinh giáo viên tiểu học năm tới sẽ giảm 12%, từ 3.847 xuống còn 3.390 suất. Hơn 150 trường tiểu học trên toàn Hàn Quốc năm nay không có học sinh lớp 1 nhập học.

Chỉ tiêu của các trường sư phạm ở Hàn Quốc vốn không thay đổi trong 13 năm qua. Tuy nhiên, Bộ giáo dục Hàn Quốc mới đây cho biết chỉ tiêu tuyển sinh sắp tới sẽ giảm 12%.

Hiện nay, 13 trường đại học đào tạo giáo viên tiểu học tuyển sinh 3.847 sinh viên mỗi năm. Ngoài Đại học Nữ sinh Ewha, trường tư thục duy nhất trong danh sách, 12 trường còn lại sẽ bị ảnh hưởng bởi kế hoạch cắt giảm, khiến chỉ tiêu hàng năm sẽ giảm xuống còn 3.390 suất vào năm 2025.

Kế hoạch cắt giảm được đưa ra trong bối cảnh số lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường có chuyên ngành sư phạm vượt quá số vị trí giảng dạy hiện có ở các trường tiểu học.

Số lượng giáo viên mới được tuyển dụng năm 2024 đã giảm hơn 50% so với năm 2014, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường đại học liên quan vẫn ổn định so với cùng kỳ. Tỷ lệ chấp nhận bổ nhiệm giáo viên mới giảm xuống 43,6% trong năm 2024, con số này năm 2018 là 63,9%.

"Cuộc khủng hoảng tuyển sinh" này xảy ra khi hơn 150 trường tiểu học trên toàn Hàn Quốc năm nay không có học sinh lớp 1 nhập học.

Năm 2024, có khoảng 369.000 trẻ em báo danh học tiểu học, đây là số lượng học sinh mới vào lớp 1 thấp nhất kể từ khi chính phủ nước này bắt đầu thống kê từ năm 1970.

Ban đầu, chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ có kế hoạch cắt giảm 20%, tuy nhiên, xét đến số lượng sinh viên năm nhất ngành sư phạm bỏ học trong năm học, chính phủ đã chấp nhận yêu cầu của các trường đại học về việc giữ mức cắt giảm là 12%. Vào năm 2022, 8,5% sinh viên sư phạm đã bỏ học trong năm đầu đại học.

Ngay cả khi cắt giảm, "khủng hoảng" vẫn có khả năng xảy ra, vì chỉ tiêu sinh viên trong các trường đào tạo dự kiến ​​sẽ cao hơn số suất làm việc tại trường học.

Theo kế hoạch cung ứng giáo viên của Bộ giáo dục, từ năm 2026 - 2027, số lượng giáo viên tiểu học mới sẽ vào khoảng 2.600 - 2.900 mỗi năm.

Mặc dù vẫn chưa tiết lộ kế hoạch từ năm 2028 trở đi, nhưng với tốc độ giảm dân số trong độ tuổi đi học ở Hàn Quốc như hiện tại, con số này khó có thể tăng lên.

TÁC ĐỘNG KHÔNG TƯỞNG TỪ CUỘC TẤN CÔNG CỦA IRAN VÀO ISRAEL

Israel đang cân nhắc các biện pháp đáp trả cuộc tấn công với hàng trăm drone và tên lửa mà Iran thực hiện hôm 13/4, trong bối cảnh càng có nhiều lời kêu gọi kiềm chế từ cộng đồng quốc tế để tránh làm nổ ra một cuộc chiến tranh.

Bộ trưởng không bộ Benny Gantz, lãnh đạo phe đối lập tại Israel, tuyên bố nước này sẽ buộc Iran phải “trả giá thích đáng” khi thời cơ chín muồi.

Hơn 300 drone và tên lửa đã được phóng vào Israel trong đêm 13/4. Iran gọi đây là sự đáp trả cuộc tấn công hôm 1/4 nhằm vào lãnh sứ quán nước này tại thủ đô Damascus của Syria, khiến một số cố vấn quân sự thiệt mạng, bao gồm chuẩn tướng Mohammad Reza Zahedi của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Iran đã cáo buộc và lên án Israel về vụ tấn công lãnh sứ quán. Iran cho biết hành động này tương đương một cuộc tấn công nhằm vào chính lãnh thổ của Iran.

Israel không thừa nhận đã thực hiện vụ tấn công tại Damascus hôm 1/4, nhưng nhiều người cho rằng chính quốc gia này đã đứng đằng sau vụ việc.

Màn tấn công bằng tên lửa và drone nhằm vào Israel hôm 13/4 được coi là đòn trả đũa của Iran.

Hầu hết tất cả drone và tên lửa (99%) của Iran phóng đi đã bị Israel, Mỹ và lực lượng đồng minh bắn hạ trước khi rơi trúng mục tiêu.

Cuộc tấn công của Iran và khả năng Israel trả đũa đã làm tăng nguy cơ hai quốc gia thù địch này lâm vào thế đối đầu trực diện.

Nội các chiến tranh của Israel gồm 5 thành viên – bao gồm Bộ trưởng không bộ Benny Gantz – đã thảo luận về biện pháp đáp trả, nhưng không có quyết định nào được đưa ra trong bối cảnh có sự không thống nhất liên quan đến thời điểm và quy mô của hành động đáp trả, theo hãng tin Reuters.

Tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri, cảnh báo nếu Israel trả đũa, sự đáp trả của Iran “sẽ còn lớn hơn hành động quân sự vừa qua [hôm 13/4]”.

Dù thế, các quan chức Iran đã ngụ ý rằng họ không muốn xung đột leo thang.

Mỹ kêu gọi Israel 'thận trọng'

Chụp lại hình ảnh,Qua điện đàm, Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về cam kết “vững chắc” của Mỹ đối với nền hòa bình của Israel, nhưng tuyên bố Washington sẽ không hậu thuẫn một cuộc tấn công trả đũa.

Nhà Trắng cảnh báo Israel rằng Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc tấn công trả đũa nào nhằm vào Iran.

Giới chức Mỹ cho hay Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Israel cân nhắc "cẩn trọng” việc đáp trả, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay sau khi Iran thực hiện đợt tấn công bằng drone và tên lửa vừa qua.

Phát biểu trước báo giới hôm Chủ nhật 14/4, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói ông Biden kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hãy “suy nghĩ cẩn trọng và mang tính chiến lược” về cách Israel đáp trả đối với hành động chưa từng có tiền lệ này - một cuộc tấn công trực diện đầu tiên của Iran nhằm vào Israel.

Trong cuộc điện đàm, ông Biden cũng tái khẳng định với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về cam kết “vững chắc” của Mỹ đối với nền hòa bình của Israel, nhưng tuyên bố Mỹ sẽ không hậu thuẫn một cuộc tấn công trả đũa.

Quan chức này từ chối đưa ra bình luận về khả năng Nhà Trắng phản đối việc Israel có hành động đáp trả "đáng kể". Người này chỉ cho biết “đây là một tính toán mà người Israel phải đưa ra”.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby và cả vị quan chức trên đều nói Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ Israel, nhưng bác bỏ việc tham gia vào bất kỳ hành động đáp trả nào của Israel.

Trong khi đó, ông John Bolton, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ thời Donald Trump, tuyên bố Mỹ nên cùng tham gia với Israel nếu lựa chọn tiến hành một cuộc tấn công trả đũa nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran.

"Tôi nghĩ [Israel] có thể phá hủy hoặc vô hiệu hóa một phần rất đáng kể [của chương trình này], nếu không phải là toàn bộ," ông trả lời NewsNation. "Thành thật mà nói, nếu Israel sẵn sàng triệt phá chương trình hạt nhân của Iran, Mỹ nên sẵn lòng cùng tham gia."

Dự báo thị trường dầu sẽ có biến động

Giá dầu thế giới sụt giảm trong phiên giao dịch sáng thứ Hai 15/4 tại các thị trường châu Á sau cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel.

Giá dầu Brent tuy thấp hơn nhưng vẫn được giao dịch quanh mốc 90 USD một thùng trong sáng hôm nay.

Giá dầu trước đó ghi nhận đã tăng trước khả năng Iran tiến hành tấn công. Khi đó, giá dầu Brent gần đạt mức cao nhất trong 6 tháng qua hồi tuần rồi.

Các nhà phân tích cho biết phản ứng của Israel về vụ tấn công sẽ đóng vai trò quan trọng trong thị trường toàn cầu trong những ngày, những tuần tới.

Iran là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 7 trên thế giới và là quốc gia sản xuất dầu lớn nhất trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (US Energy Information Administration).

Các chuyên gia đánh giá vấn đề quan trọng đối với tình hình giá dầu sắp tới là liệu vận tải biển qua eo biển Hormuz sẽ bị ảnh hưởng hay không.

Eo biển này nằm giữa Oman và Iran – là tuyến vận tải quan trọng, và khoảng 20% lưu lượng dầu mỏ toàn thế giới di chuyển qua đây.

Nhà báo Jeremy Bowen của BBC đánh giá, hiện chuyện mà các nhà ngoại giao trong khối G7 phải thực hiện sẽ là ngăn chặn Trung Đông rơi vào một cuộc xung đột lan rộng hơn.

Dù căng thẳng leo thang chậm, nhưng đang có xu hướng tăng lên, sau 6 tháng kể từ ngày Hamas tấn công Israel.

Nếu Israel nghe theo lời khuyên của ông Biden là không trả đũa, Trung Đông có thể thở phào. Nhưng không có điều gì đảm bảo rằng chương sử nguy hiểm này sẽ kết thúc.

VỤ TẤN CÔNG CHẤN ĐỘNG SẼ ĐẶT RA NHIỀU LỰA CHỌN KHÓ KHĂN

Cuộc tấn công ngày 14/4 đã phá bỏ một khuôn khổ đối đầu không công khai lâu nay giữa Iran và Israel, mà giới quan sát vẫn gọi là “cuộc chiến trong bóng tối”.

Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa rạng sáng 14/4 là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên do Iran thực hiện từ lãnh thổ nước này nhằm vào Israel để đáp trả vụ tòa nhà của phái đoàn ngoại giao Iran ở Syria bị không kích hôm đầu tháng mà Tehran cho rằng Israel là thủ phạm. Tuy nhiên, với việc cuộc tấn công dường như chủ đích nhắm vào các vị trí quân sự, thay vì khu dân cư đông đúc, Iran cũng tuyên bố đã “đạt được các mục tiêu” và chấm dứt chiến dịch sau vài giờ, có vẻ Tehran không muốn bị lôi kéo vào vòng xoáy xung đột khu vực. Quả bóng giờ đang ở phần sân của Israel với một lựa chọn khó khăn.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết Tehran đã thông báo cho các nước láng giềng về cuộc tấn công 72 giờ trước khi tiến hành để hạn chế tối đa mọi bất ngờ cũng như tình huống xấu. Iran cũng tuyên bố hành động trả đũa này liên quan tới việc phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, đã không lên án vụ tấn công tên lửa nhằm vào tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus (Syria) hôm 1/4, khiến 2 tướng Iran cùng 5 sĩ quan thiệt mạng.

Giới phân tích cho rằng trong nhiều năm qua, nước CH Hồi giáo đã duy trì chính sách “kiềm chế chiến lược” trước các vụ tấn công gây thiệt hại lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng, hay các vụ ám sát các nhà khoa học và tướng lĩnh quân sự nước này. Tuy nhiên, vụ tấn công ngày 1/4 vừa qua ở Syria đã vượt quá giới hạn khi nhằm vào khuôn viên đại sứ quán của Iran ở nước ngoài, theo Công ước Vienna là bất khả xâm phạm. Hành động tấn công trả đũa Israel có thể đẩy Iran vào một tình huống căng thẳng leo thang không mong muốn, nhưng dù sao cũng là một lựa chọn “ít tồi tệ hơn” trước sức ép trong nước. Là quốc gia có thế mạnh về UAV và tên lửa, cuộc tấn công chóng vánh cho thấy dường như Iran vẫn thể hiện một sự kiềm chế nhất định.

Tiến sĩ Raz Zimmt, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu An ninh quốc gia Israel (INSS), đánh giá: “Vụ tấn công trực tiếp vừa qua của Iran nhằm vào Israel, vốn trước đây chỉ dựa vào các lực lượng khác, đã đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chiến lược của Iran. Vụ sát hại sĩ quan chỉ huy của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ở Syria đã làm leo thang căng thẳng. Iran chọn biện pháp răn đe thay vì né tránh xung đột, nhưng không tìm kiếm một cuộc chiến tranh tổng lực. Xung đột có leo thang hơn nữa hay không phụ thuộc vào phản ứng của Israel, nếu có thì khả năng sẽ là xung đột khu vực rộng hơn, liên quan đến Hezbollah ở Liban".

Về phía Israel, trên thực tế cuộc tấn công của Iran đã được cảnh báo trước hàng tuần, và khi xảy ra, có vẻ giúp Tel Aviv lôi kéo trở lại các đồng minh phương Tây sau thời gian bị chỉ trích về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Israel bị một lực lượng quân đội chính quy của một quốc gia tấn công trực tiếp. Và cũng là lần đầu tiên hệ thống phối hợp phòng thủ giữa Israel và các đồng minh được kích hoạt thành công. Xét về góc độ này, đây là một thắng lợi chiến lược giúp Israel thể hiện sức mạnh răn đe với bên ngoài. Ngày 15/4, Israel cũng đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp phòng ngừa được áp dụng trước cuộc tấn công của Iran, trong đó có lệnh cấm các trường học và cơ sở giáo dục hoạt động và cấm tụ tập ngoài trời.

Tuy nhiên, cuộc tấn công ngày 14/4 đã phá bỏ một khuôn khổ đối đầu không công khai lâu nay giữa Iran và Israel, mà giới quan sát vẫn gọi là “cuộc chiến trong bóng tối”. Đây có thể coi là diễn biến nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên tại một khu vực không bao giờ ngưng tiếng súng. Quyết định phản ứng của Israel giờ phụ thuộc vào nội các chiến tranh có 3 thành viên gồm Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và cựu Tổng Tư lệnh quân đội Benny Gantz.

Chiều tối 14/4, Nội các chiến tranh của Israel đã nhóm họp để bàn các biện pháp trả đũa Iran. Trước thềm cuộc họp, thành viên Nội các, ông Benny Gantz tuyên bố Israel sẽ buộc Iran trả giá vào một thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, cuộc họp kết thúc mà không ra được quyết định cuối cùng với những bất đồng nội bộ sâu sắc.

Giới quan sát cho rằng chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang chịu hai sức ép lớn. Ở trong nước, các thành viên cực hữu kêu gọi chính phủ hành động trả đũa Iran mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, đồng minh số một Mỹ không muốn chứng kiến một cuộc đối đầu leo thang giữa hai quốc gia hàng đầu ở Trung Đông, tiềm ẩn nguy cơ biến thành một cuộc chiến tranh tổng lực hoặc lôi kéo các quốc gia láng giềng vào cuộc xung đột khu vực, nơi Washington đang rút dần sự hiện diện vì không muốn và cũng không đủ sức để can dự. Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực và nhiều nước đã kêu gọi các bên chấm dứt hành động thù địch và hết sức kiềm chế, tránh dẫn đến đối đầu quân sự quy mô lớn trên nhiều mặt trận.

Chuyên gia Eldad Shavit, trưởng bộ phận nghiên cứu về quan hệ Israel - Mỹ tại INSS, nhận định Tổng thống Mỹ Joe Biden một mặt đánh giá cao năng lực phòng không đánh chặn của Israel và các đồng minh, một mặt “khuyến khích một phản ứng phối hợp về mặt ngoại giao”, đồng thời nêu rõ quan điểm “Mỹ sát cánh với Israel, nhưng phản đối việc tấn công trả đũa và chắc chắn sẽ không tham gia” nếu Israel lựa chọn hướng đi này.

Nhiều chuyên gia về Trung Đông cho rằng cuộc tấn công của Iran đã đẩy khu vực đến bờ vực của một cuộc chiến tranh rộng hơn, nhưng đó là cuộc chiến mà gần như không bên nào mong muốn khi Mỹ, các nước Arab và cả lực lượng Hezbollah tại Liban đều muốn tránh xung đột lan rộng suốt 6 tháng chiến sự vừa qua giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Gaza. Kịch bản có thể coi là lý tưởng nhất mà các bên có thể chấp nhận là Israel thực hiện một cuộc phản công giới hạn tại Iran mà không gây phản ứng thêm, do thiệt hại từ cuộc tấn công ngày 14/4 của Tehran được cho là không đáng kể.

Trung Đông có tránh được nguy cơ của vòng xoáy bạo lực mới hay không, lúc này phụ thuộc vào lựa chọn hành động tiếp theo của Israel, một lựa chọn không dễ dàng.

NATO & NHỮNG THÁCH THỨC CHƯA TỪNG CÓ

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 giữa nỗi lo Mỹ thay đổi chính sách sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Ngày 4/4/1949, tại Washington (Mỹ), 12 quốc gia phương Tây đặt bút ký vào bản Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, qua đó chính thức thành lập NATO. Mục tiêu ban đầu của khối là kiềm chế Liên Xô trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh bắt đầu nhen nhóm.

75 năm sau, dù Liên Xô không còn nữa, NATO vẫn tiếp tục phát triển: Số lượng thành viên của khối đã tăng gấp gần ba lần, bao gồm cả một số quốc gia Liên Xô cũ như Estonia, Latvia và Litva. Tuy nhiên, khối quân sự Bắc Đại Tây Dương cũng phải đối mặt với hàng loạt thách thức cả cũ lẫn mới, đe dọa cả sự gắn kết và tầm ảnh hưởng của NATO trong khu vực.

"Sự thống nhất trong đa dạng có cái giá của nó. Hơn thế nữa, hầu hết nước thành viên đã quên cách tiến hành chiến tranh - nền công nghiệp của họ khó thích nghi với điều này. Tài chính cũng là vấn đề: Ngân sách quốc phòng đã phải đối mặt với quá nhiều đợt cắt giảm", báo De Standaard của Bỉ viết.

"Liên minh thành công nhất lịch sử"?

Theo giáo sư John R. Deni, chuyên gia tại Trường Chiến tranh Lục quân Mỹ (USAWC), NATO có thể được coi là liên minh thành công nhất trong lịch sử.

Trong Chiến tranh Lạnh, cùng với khối Warsaw ở Đông Âu, NATO là một trong hai tổ chức quân sự mang tính răn đe của hai phe, góp phần giúp châu Âu không nổ ra "chiến tranh nóng". Đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tưởng chừng NATO sẽ rơi vào quên lãng khi đối thủ chính của khối đã không còn tồn tại. Tuy nhiên, NATO vẫn tìm ra cách thức phát huy vai trò trong tình hình mới.

Ngay trong thập niên 90 của thế kỷ trước, khối quân sự này đã hai lần can thiệp vào Bosnia và Kosovo. NATO cũng mở rộng phạm vi can dự ra ngoài châu Âu như các chiến dịch tại Afghanistan hay Libya. Sự "bành trướng" của NATO cũng chỉ thật sự diễn ra sau Chiến tranh Lạnh: Hàng loạt quốc gia Đông Âu đã được kết nạp, biến NATO trở thành khối quân sự có tầm bao phủ rộng lớn tại châu Âu.

Những diễn biến gần đây dường như càng khiến NATO thêm gắn kết. Cuộc xung đột tại Ukraine buộc châu Âu tạm gác lại mong muốn tăng cường tự chủ về quân sự và nhận ra nhu cầu duy trì khả năng răn đe của khối. Sườn phía Đông của NATO đang ngày càng được củng cố. Hợp tác công nghiệp quốc phòng và đổi mới công nghệ cũng được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, lịch sử 75 năm của NATO không chỉ có thành công. Một số chiến dịch của khối như tại Libya và Afghanistan không đạt kết quả như mong muốn. NATO cũng từng phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng, từ khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956, Pháp rút khỏi cơ cấu chỉ huy khối, tới bất động xoay quanh cuộc chiến tại Iraq.

Bên cạnh đó, bất chấp sức ép từ Mỹ, đa số thành viên NATO cũng không đạt mức chi tiêu quốc phòng 2% GDP. Theo cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst, điều này đang ảnh hưởng tới khả năng viện trợ cho Ukraine.

"Có một điều gần như chắc chắn: Nếu các đồng minh châu Âu - cụ thể là Đức - đạt mục tiêu 2%, chúng ta sẽ có thể cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Ukraine mà không làm suy yếu năng lực tự vệ của mình", ông Herbst nói với CNN.

Con đường phía trước

Trong bài viết kỷ niệm 75 năm NATO trên trang web của Viện Carnegie châu Âu, giáo sư Deni cho rằng thách thức cơ bản đối với NATO là nguy cơ Mỹ không còn giữ cam kết với các đồng minh trong khối sau cuộc bầu cử năm nay.

"Nếu cam kết của Mỹ với liên minh thay đổi sau ngày 20/1/2025 - có thể do thay đổi chính sách rõ ràng như chính thức rút quân, nhưng cũng có thể chỉ là việc Mỹ đặt điều kiện với cam kết của mình - NATO sẽ chỉ còn là lịch sử", ông viết, đề cập tới ngày tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo sẽ nhậm chức.

Giáo sư Deni lập luận nhân tố quyết định đối với những thành công của NATO lại nằm ở điện Kremlin: NATO chỉ phát huy hiệu quả khi Nga tin rằng Mỹ sẽ can thiệp mạnh mẽ nếu một thành viên của khối bị tấn công. Kho hạt nhân của Anh và Pháp, tiềm lực quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan phần nào có thể khiến Nga lo ngại. Tuy nhiên, Mỹ mới là nhân tố có sức răn đe lớn nhất với Moscow.

Theo các khảo sát mới nhất, đa số người Mỹ vẫn ủng hộ NATO. Tuy nhiên, nếu phe ủng hộ "biệt lập" trong lòng nước Mỹ có thể gia tăng ảnh hưởng, chính sách của Washington với NATO sẽ có thể thay đổi theo hướng giảm cam kết.

"Nếu như vậy, lễ kỷ niệm 75 năm NATO có thể là khởi đầu cho bi kịch", giáo sư Deni dự báo.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - người nhiều khả năng sẽ trở thành ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay - từng dọa sẽ không bảo vệ các đồng minh NATO nếu các nước này không chấp nhận bỏ thêm chi phí. Tháng 3 năm nay, ông cũng từng tuyên bố Mỹ sẽ vẫn ổn nếu nằm ngoài NATO do nước này "có cả một đại dương" ngăn cách, theo Axios.

Lợi ích của các thành viên NATO không phải lúc nào cũng tương đồng, do đó, bản thân NATO cũng phải đối phó với hàng loạt vấn đề nội bộ. Thực tế này được thể hiện rõ qua quá trình gia nhập khối của Thụy Điển và Phần Lan vừa qua. Bất chấp sức ép từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary liên tục trì hoãn quá trình phê duyệt, khiến Thụy Điển chỉ có thể chính thức trở thành thành viên sau gần hai năm.

NATO cũng bị coi là cơ chế cồng kềnh, quan liêu và tốn kém. Mỗi năm, cơ chế này tiêu tốn gần 4 tỷ USD của các nước thành viên. Tuy nhiên, đây chỉ là số tiền trực tiếp chi trả cho các hoạt động chung của khối như quản lý, liên lạc, hệ thống chỉ huy và cảnh báo chung…, còn tổng số tiền mà mỗi nước phải chi ra để đáp ứng nhu cầu phòng vệ chung sẽ lớn hơn nhiều.

Nhìn về tương lai, một số chuyên gia nhận định NATO không nên tự bó buộc mình trong phạm vi châu Âu - Đại Tây Dương mà cần mở rộng ra các khu vực khác, nhất là châu Á - Thái Bình Dương - nơi được coi là trọng tâm cạnh tranh giữa các nước lớn trong những thập niên tới.

Năm 2022, lần đầu tiên lãnh đạo bốn nước châu Á - Thái Bình Dương - bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO. NATO thậm chí từng có ý định mở văn phòng tại Nhật Bản nhưng kế hoạch này hiện tạm thời bị hoãn lại.

"An ninh châu Á đang đan xen với an ninh châu Âu. Do đó, châu Á và Thái Bình Dương quan trọng đối với chúng tôi", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trả lời báo giới trước thềm hội nghị ngoại trưởng NATO tại Brussels (Bỉ) ngày 3/4.

Nguồn: Soha; VOH; BBC; Báo Tin Tức; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang