Mỹ: Gia hạn chương trình do thám; Trump mất dần vị thế; Cuộc đua so kè từng điểm; Sức ép từ Trung Đông; Điều tra xe điện TQ

MỸ GIA HẠN ĐẠO LUẬT DO THÁM TÌNH BÁO NƯỚC NGOÀI FISA

Với 273 phiếu thuận và 147 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 12/4 đã phê chuẩn việc gia hạn Điều khoản 702 của Đạo luật Do thám tình báo nước ngoài (FISA) - chương trình do thám được đánh giá là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ, dự kiến hết hạn vào ngày 19/4 tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Điều khoản 702 cho phép Chính phủ Mỹ thu thập thông tin liên lạc của công dân nước ngoài ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ mà không cần xin lệnh của tòa án. Điều khoản này đã bị một số nhà lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng như một số tổ chức phản đối vì đôi khi chính phủ cũng thu thập dữ liệu của công dân Mỹ liên lạc với những người nước ngoài bị theo dõi.

Một điểm sửa đổi được đưa ra nhằm bổ sung quy định xin lệnh của tòa trong một số tình huống, nhưng điểm sửa đổi này đã không được thông qua trong cuộc bỏ phiếu sát sao với tỷ lệ 212-212. Phe Cộng hòa bảo thủ và phe Dân chủ cấp tiến ủng hộ xin lệnh của tòa vì theo họ, điều này là cần thiết để bảo vệ quyền riêng tư của công dân Mỹ. Tuy nhiên, Nhà Trắng và giới chức tình báo cảnh báo rằng việc xin lệnh của tòa sẽ làm hỏng FISA và khiến nước Mỹ “mù” tin tình báo giúp phát giác nguy cơ khủng bố và những rủi ro khác cho an ninh quốc gia.

Trước đó hai ngày, 19 hạ nghị sĩ Cộng hòa cứng rắn đã bỏ phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu mang tính thủ tục về dự luật này. Tuy nhiên, đến ngày 12/4, nhóm nghị sĩ này đã ngừng phản đối, cho phép dự luật được đưa ra bỏ phiếu sau khi đạt thỏa thuận với Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson của đảng Cộng hòa, đại diện cho bang Louisiana, cùng với nhóm của ông. Theo thỏa thuận, FISA chỉ được gia hạn 2 năm chứ không phải 5 năm như đề nghị ban đầu.

Phía đảng Cộng hòa cho biết việc chỉ kéo dài FISA thêm 2 năm là để cựu Tổng thống Donald Trump có cơ hội xem lại đạo luật này nếu ông tái đắc cử vào tháng 11 tới. Ngay trước cuộc bỏ phiếu ngày 10/4, ông Trump đã lên mạng xã hội kêu gọi các hạ nghị sĩ Cộng hòa “ngăn chặn FISA” vì theo ông, dự luật này bị lợi dụng để theo dõi chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông.

Sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật này sẽ được chuyển lên Thượng viện xem xét phê chuẩn.

NGƯỜI DÂN BẮT ĐẦU HOÀI NGHI, TRUMP MẤT DẦN VỊ THẾ TRƯỚC BIDEN

Theo trang the Gazette (Mỹ), cựu Tổng thống Donald Trump đã mất gần như toàn bộ vị trí dẫn đầu trước Tổng thống Joe Biden trong một cuộc thăm dò mới được công bố ngày 13/4.

Về mặt kỹ thuật, ông Trump vẫn đang dẫn đầu với cách biệt 1 điểm trong kết quả thăm dò mới nhất của báo New York Times (NYT) và Đại học Siena, với sự ủng hộ của 46% số người được hỏi, so với 45% của Biden nếu cuộc bầu cử chỉ diễn ra giữa hai ứng cử viên của đảng lớn. Nhưng các con số này đã cho thấy khoảng cách thu hẹp lại, gần hơn đáng kể so với kết quả trước đó, đặc biệt so với cuộc thăm dò hồi tháng 2 khi đó ông Trump vẫn dẫn trước 5%.

Khi được hỏi những người tham gia khảo sát sẽ bỏ phiếu cho ai trong bối cảnh bao gồm các ứng cử viên bên thứ ba, ông Trump vẫn dẫn trước 2% với 42% phiếu bầu so với 40% của ông Biden. Ông Robert F. Kennedy Jr. là ứng cử viên có số phiếu bầu cao thứ ba với 2%, và 7% cho biết sẽ không bỏ phiếu.

Kết quả sát nút được đưa ra khi cả hai chiến dịch tranh cử đều chuẩn bị cho một cuộc bầu cử chặt chẽ vào tháng 11, dự kiến diễn ra ở một số bang xung đột. Arizona, Nevada, Pennsylvania, Wisconsin và Michigan là một trong những bang đóng vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử gần đây và cũng sẽ đóng vai trò quan trọng vào năm 2024.

Cuộc thăm dò cho thấy hơn một nửa số người được hỏi (69%) tin rằng ông Biden “quá già” để trở thành một tổng thống làm việc hiệu quả và 48% hoàn toàn đồng tình. Con số này được so sánh với chỉ 41% số người được hỏi tin rằng ông Trump đã quá già để có thể nắm quyền và chỉ 21% hoàn toàn đồng ý. Ông Trump hiện 77 tuổi nhưng sẽ là 78, còn ông Biden sẽ là 82 tuổi khi nhậm chức vào tháng 1 tới.

Kết quả thăm dò cũng cho thấy quan điểm của người dân Mỹ đối với tình trạng đất nước hầu như không thay đổi. Phần lớn cử tri (64%) vẫn cho rằng Mỹ đang đi sai hướng, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Biden vẫn thấp (38% ủng hộ, 59% không ủng hộ), trong khi đánh giá về nền kinh tế vẫn tồi tệ (79% đánh giá tình trạng kinh tế hiện nay là khá hoặc tệ).

New York Times-Siena công bố kết quả thăm dò mới giữa lúc Tổng thống Biden chuẩn bị vận động tranh cử khắp bang “chiến địa” Pennsylvania để làm rõ sự khác biệt về kinh tế với cựu Tổng thống Trump, nhấn mạnh kế hoạch tăng thuế với giới nhà giàu và tập đoàn. Thời gian qua, ban vận động tranh cử của Tổng thống Biden đã cố nêu bật điểm sáng về kinh tế, như tỉ lệ thất nghiệp thấp, lương tăng và lạm phát giảm dần từ mức cao kỷ lục năm 2022.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump cũng chú trọng vấn đề kinh tế khi vận động tranh cử. Trong buổi gây quỹ tranh cử mới đây ở Florida, ông Trump tuyên bố, nếu tái đắc cử, một trong những vấn đề cốt lõi của ông là mở rộng chính sách cắt giảm thuế rộng rãi được phe Cộng hòa tại Quốc hội phê chuẩn năm 2017.

Theo kế hoạch, cựu Tổng thống Trump sẽ tham dự buổi vận động và gây quỹ tranh cử ở Pennsylvania trong bối cảnh ông chuẩn bị hầu tòa xét xử vụ chi tiền “bịt miệng” một ngôi sao phim khiêu dâm vào ngày 15/4.

Kết quả thăm dò cũng cho thấy, 54% cử tri cho biết cảm thấy ông Trump phạm tội ác liên bang nghiêm trọng, trong khi 37% cảm thấy ông không phạm tội. Hai con số này hầu như không thay đổi so với kết quả thăm dò hồi tháng 2.

CUỘC CHIẾN SO KÈ TỪNG ĐIỂM GIỮA BIDEN-TRUMP

Kết quả thăm dò mới nhất của báo New York Times (NYT) và Đại học Siena công bố ngày 13-4 cho thấy Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump vẫn đang so kè từng điểm trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Cụ thể, Tổng thống Biden nhận được 45% cử tri ủng hộ, trong khi ông Trump nhận được 46%. Kết quả thăm dò này còn sít sao hơn kết quả thăm dò lần trước của NYT/Sienna hồi cuối tháng 2, khi ông Trump hơn ông Biden 5 điểm.

Kết quả thăm dò cũng cho thấy, quan điểm của người dân Mỹ đối với tình trạng đất nước hầu như không thay đổi. Phần lớn cử tri (64%) vẫn cho rằng, Mỹ đang đi sai hướng, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Biden vẫn thấp (38% ủng hộ, 59% không ủng hộ), trong khi đánh giá về nền kinh tế vẫn tồi tệ (79% đánh giá tình trạng kinh tế hiện nay là khá hoặc tệ).

NYT/Siena công bố kết quả thăm dò mới giữa lúc Tổng thống Biden chuẩn bị vận động tranh cử khắp bang "chiến địa" Pennsylvania để làm rõ sự khác biệt về kinh tế với cựu Tổng thống Trump, nhấn mạnh kế hoạch tăng thuế với giới nhà giàu và tập đoàn.

Thời gian qua, ban vận động tranh cử của Tổng thống Biden đã cố nêu bật điểm sáng về kinh tế, như tỷ lệ thất nghiệp thấp, lương tăng và lạm phát giảm dần từ mức cao kỷ lục năm 2022.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump cũng chú trọng vấn đề kinh tế khi vận động tranh cử. Trong buổi gây quỹ tranh cử mới đây ở Florida, ông Trump tuyên bố, nếu tái đắc cử, một trong những vấn đề cốt lõi của ông là mở rộng chính sách cắt giảm thuế rộng rãi được phe Cộng hòa tại Quốc hội phê chuẩn năm 2017.

Theo kế hoạch, cựu Tổng thống Trump sẽ tham dự buổi vận động và gây quỹ tranh cử ở Pennsylvania trong bối cảnh ông chuẩn bị hầu tòa xét xử vụ chi tiền "bịt miệng" một ngôi sao phim khiêu dâm vào ngày 15-4. Theo kết quả thăm dò của NYT/Siena, 54% cử tri cho biết cảm thấy ông Trump phạm tội ác liên bang nghiêm trọng, trong khi 37% cảm thấy ông không phạm tội. Hai con số này hầu như không thay đổi so với kết quả thăm dò hồi tháng 2.

MỸ GẶP SỨC ÉP KHỦNG KHIẾP TẠI TRUNG ĐÔNG

Một khi Iran đánh trực tiếp vào lãnh thổ Israel, nước này sẽ đối mặt hỏa lực đáp trả phối hợp của Israel và Mỹ

Hai nguồn tin tình báo Mỹ của đài CNN cho biết Iran đang di chuyển vũ khí trong nước, bao gồm máy bay không người lái và tên lửa hành trình. Hai quan chức Mỹ nói với đài ABC rằng Iran có thể sử dụng hơn 100 tên lửa hành trình trong cuộc tấn công sắp tới. Trong khi đó, Mỹ đang "điều thêm lực lượng đến Trung Đông" để tăng cường năng lực răn đe cũng như bảo vệ lực lượng Mỹ trong khu vực.

Ở phía Đông Địa Trung Hải hiện có 2 tàu khu trục Mỹ, được trang bị hệ thống Aegis chống tên lửa đạn đạo. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight Eisenhower đang di chuyển về phía Bắc thông qua biển Đỏ hướng Israel, theo trang Times of Israel. Lực lượng điều thêm của Mỹ "bao gồm cả tàu và máy bay chiến đấu", bên cạnh hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ hiện có ở Trung Đông (trong đó khoảng 3.400 binh sĩ đồn trú tại Iraq và Syria).

Trong sáng 13-4 (giờ địa phương), Israel tiến hành nhiều đợt không kích vào Đông Nam Lebanon, khu vực vốn là một trong số thành trì của Hezbollah, sau khi nhóm vũ trang này dội rốc-két vào miền Bắc Israel trước đó cùng ngày. Trong khi đó, Hà Lan đóng cửa đại sứ quán ở thủ đô Tehran của Iran trong ngày 14-4 và chưa cho biết ngày mở lại. Hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Pháp, Ba Lan, Nga… đã cảnh báo công dân không đến Trung Đông.

Tất cả những diễn biến cấp tập, đáng lo ngại trên cảnh báo một cuộc tấn công tiềm tàng của Iran nhằm vào Israel, với mục đích đáp trả vụ không kích tòa nhà lãnh sự của Iran ở thủ đô Damascus - Syria hôm 1-4. Vụ không kích làm chết 13 người, bao gồm 2 viên tướng của lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Hiện chưa rõ Iran có tấn công từ lãnh thổ của mình hay không, cũng như mục tiêu của họ có nằm bên trong lãnh thổ Israel hay không. Ông Mohamad Elmasry, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Doha (Qatar), nhận định Iran đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. "Nếu đáp trả quá yếu, chính phủ Iran sẽ bị người dân công kích. Nếu quá mạnh, Israel sẽ phản ứng dữ dội, dẫn đến xung đột toàn diện" - ông Elmasry nói với đài Al Jazeera. Trao đổi với tờ Daily Mail, giáo sư Wyn Bowen của Trường King's College London (Anh), cho rằng nhiều khả năng Iran sẽ không tấn công trực tiếp vào bên trong lãnh thổ Israel, thay vào đó Iran sẽ yêu cầu các lực lượng ủy nhiệm của mình ra tay.

Nằm trong vòng ảnh hưởng của Iran là hàng loạt nhóm vũ trang thiện chiến và quan trọng không kém là đều vây quanh Israel; trong đó phải kể tới Hamas ở Dải Gaza (phía Nam Israel), Hezbollah ở Lebanon (phía Bắc Israel), nhóm Kata'ib Hezbollah ở Iraq, Lực lượng Phòng vệ quốc gia (NDF) ở Syria… Cuối cùng là Houthi, nhóm vũ trang ở Yemen đang làm mưa làm gió trên biển Đỏ. Trong tay các nhóm này đều có kho vũ khí đáng gờm, từ các loại truyền thống đến tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, máy bay không người lái… Dù Israel có các hệ thống phòng không lừng danh, bao gồm Iron Dome (Vòm Sắt) và David's Sling, nhưng vẫn có thể bị xuyên thủng nếu quá nhiều tên lửa cùng tập kích.

Tấn công Israel bằng lực lượng ủy nhiệm có thể giúp Iran tránh được khả năng Mỹ trực tiếp tham gia xung đột. Cũng để tránh kịch bản này mà vẫn trả đũa được, Iran có thể tấn công các mục tiêu Israel bên ngoài lãnh thổ Israel hoặc tấn công một cơ sở của Mỹ. "Iran từng làm tương tự khi trả thù cho tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng Quds. Vài ngày sau khi viên tướng này bị máy bay không người lái Mỹ sát hại ở sân bay Baghdad (Iraq) hồi tháng 1-2020, hơn 10 tên lửa đạn đạo đã được phóng đi từ lãnh thổ Iran nhắm tới 2 căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở Iraq. Không có mục tiêu nào trong nước Mỹ bị nhắm tới" - ông Bowen chỉ ra.

Một khi Iran đánh trực tiếp vào lãnh thổ Israel, theo chuyên gia an ninh người Mỹ Mark Toth, Israel và Mỹ có thể phối hợp hỏa lực đáp trả. Khi đó, khí tài tầm xa của Israel sẽ được huy động, bao gồm máy bay ném bom tàng hình F-35, tên lửa liên lục địa và tàu ngầm trang bị hạt nhân; còn phía Mỹ có thể sử dụng các loại tên lửa hành trình, pháo đài bay B-52, tàu ngầm, tàu sân bay…

Thế khó của Mỹ

Khi được hỏi về khả năng Iran đáp trả Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời bằng một từ đơn giản: "Đừng". Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng là người rất thực tế, ông hiểu rằng Iran không thể không đáp trả. Sức ép lúc này đang đè nặng lên Mỹ, đồng thời cho thấy các giới hạn trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông: Một mặt phải ủng hộ Israel vô điều kiện, mặt khác muốn ngăn chặn xung đột Gaza lan rộng.

NHÀ TRẮNG MỞ CUỘC ĐIỀU TRA Ô TÔ ĐIỆN TRUNG QUỐC

Nhà Trắng cho biết đang mở cuộc điều tra liệu ô tô điện Trung Quốc có đe dọa an ninh Mỹ hay không và sẽ có các hành động cứng rắn, bao gồm việc cấm xe điện từ đất nước tỷ dân được nhập vào Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Sherrod Brown nhận thấy xe điện Trung Quốc là mối đe dọa trước mắt với ngành công nghiệp ô tô Mỹ.

Đây được xem là phát biểu mạnh mẽ nhất của các nhà lập pháp Mỹ về vấn đề này. Trước đó, họ đã kêu gọi áp thuế cao để ngăn xe điện Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Vào tháng 2, Nhà Trắng đã mở một cuộc điều tra xem liệu xe hơi Trung Quốc có đe dọa an ninh quốc gia hay không.

Thượng nghị sỹ Brown chia sẻ trong một video trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) rằng: "Chúng ta không thể cho phép Trung Quốc đưa sự gian lận có hỗ trợ của chính phủ vào ngành công nghiệp ô tô Mỹ".

Thượng nghị sĩ Brown đến từ bang Ohio chuyên sản xuất ô tô, đang tìm cách tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư vào tháng 11 này.

Tổng thống Biden cho biết các chính sách của Trung Quốc "có thể khiến xe Trung Quốc tràn ngập tại thị trường Mỹ, đe dọa an ninh quốc gia" và ông chủ Nhà Trắng nói rằng "sẽ không để điều đó xảy ra trong nhiệm kỳ này".

Washington cho biết có thể áp dụng các hạn chế do lo ngại công nghệ trong xe hơi Trung Quốc có thể "thu thập một lượng lớn dữ liệu nhạy cảm về người lái xe và hành khách".

Họ cũng cảnh báo rằng các xe kết nối internet "thường xuyên sử dụng camera và cảm biến để ghi lại thông tin về cơ sở hạ tầng của Mỹ và có thể được điều khiển hoặc vô hiệu hóa từ xa".

Trung Quốc là nhà sản xuất ô tô lớn nhất và đang cạnh tranh với Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu xe lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, số lượng xe Trung Quốc trên đường phố Mỹ rất thấp do, Mỹ hiện đánh thuế 27,5% đối với các loại xe đến từ quốc gia này.

Trong chuyến thăm Trung Quốc tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo Bắc Kinh rằng Washington sẽ không cho phép tình trạng "sốc Trung Quốc" của đầu những năm 2000 tái diễn, khi hàng hóa Trung Quốc ồ ạt vào Mỹ.

Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Liao Min, bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hạn chế mà Mỹ đã áp đặt lên thương mại và đầu tư.

Ông Liao cho biết, lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc đến từ "quy mô thị trường lớn, hệ thống công nghiệp toàn diện và nguồn nhân lực dồi dào".

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ở trong một cuộc chiến thương mại từ năm 2018 khi chính quyền ông Donald Trump đã đánh thuế lên hơn 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng trả đũa bằng việc áp thuế lên hơn 110 tỷ USD sản phẩm của Mỹ.

Tổng thống Joe Biden giữ nguyên hầu hết các mức thuế này.

Năm ngoái, tổng lượng hàng hóa Mỹ nhập từ Trung Quốc đã giảm hơn 20% xuống còn 427 tỷ USD. Cùng lúc đó, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 4% xuống còn chỉ gần 148 tỷ USD.

Nguồn: Báo Tin Tức; Báo Quốc Tế; Quân Đội Nhân Dân; Soha; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang