XK TQ giảm; Cuộc đua trung tâm sản xuất mới; Dân Myanmar chạy sang Thái Lan; Ukraine 'đi trên dây'; Gaza đến thời điểm quyết định

KINH TẾ TRUNG QUỐC GẶP KHÓ, XUẤT KHẨU GIẢM 7,5%

Xuất khẩu tháng 3 của Trung Quốc giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8/2023.

Tốc độ này cũng cao hơn dự báo giảm 2,3% trong cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế của Reuters. Trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn còn tăng trưởng 7,1%.

Song song đó, nhập khẩu cũng giảm 1,9%. Kết quả, thặng dư thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt 58,55 tỷ USD trong tháng 3, so với 125 tỷ USD vào hai tháng đầu năm.

Xuất khẩu sụt giảm một phần do cơ sở so sánh cao khi cùng kỳ năm trước tăng đến 14,8% sau khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại hậu đại dịch. Zichun Huang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho rằng xuất khẩu tăng chậm hơn trong năm nay do chi tiêu tiêu dùng ở các nền kinh tế tiên tiến đang hạ nhiệt và lợi ích từ giá xuất khẩu giảm mạnh trong năm ngoái đang phai nhạt.

Nền kinh tế Trung Quốc năm nay có khởi đầu tương đối vững chắc sau khi các nhà hoạch định chính sách đưa ra các biện pháp hỗ trợ nhằm vực dậy tiêu dùng, đầu tư tư nhân và niềm tin thị trường kể từ nửa cuối năm 2023.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn không đồng đều và các nhà phân tích không mong đợi sự hồi sinh toàn diện sớm, chủ yếu do cuộc khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản kéo dài. Cuộc thăm dò của Reuters dự báo kinh tế nước này sẽ tăng 4,6% trong quý đầu tiên. Năm nay, Trung Quốc đặt mục tiêu GDP tăng 5%.

Bruce Pang, Kinh tế trưởng tại JLL cho rằng ngoài khó khăn về biến động tỷ giá, xuất - nhập khẩu kém trong tháng 3 cho thấy Bắc Kinh cần các biện pháp kích thích chính sách toàn diện và có mục tiêu hơn. "Sẽ mất một chặng đường dài để ngoại thương của Trung Quốc một lần nữa cung cấp động lực tăng trưởng", ông nói.

Có lo ngại rằng Trung Quốc có thể tìm cách tăng xuất khẩu để giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, theo bà Huang, các nhà xuất khẩu của nước này đã giảm giá để tăng doanh số thời gian qua. Với tình trạng thua lỗ ngày càng tăng, khả năng họ tiếp tục giảm giá đang thu hẹp.

Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực kích cầu nội địa. Nước này có kế hoạch phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ (138,18 tỷ USD) trái phiếu kho bạc siêu dài hạn đặc biệt để hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng. Họ cũng tăng hạn ngạch phát hành trái phiếu đặc biệt năm 2024 cho các chính quyền địa phương lên 3.900 tỷ nhân dân tệ từ mức 3.800 tỷ nhân dân tệ vào năm 2023.

Tháng trước, nội các đã phê duyệt kế hoạch nâng cấp thiết bị quy mô lớn và thúc đẩy tiêu dùng. Ứớc tính kế hoạch này có thể tạo ra nhu cầu thị trường hơn 5.000 tỷ nhân dân tệ mỗi năm. Khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3 tại nước này cho thấy hoạt động sản xuất lần đầu tiên mở rộng sau 6 tháng.

NHIỀU NƯỚC NỔI LÊN NHẰM THAY THẾ TRUNG QUỐC THÀNH TRUNG TÂM SẢN XUẤT MỚI CỦA CHÂU Á

Ấn Độ muốn trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu châu Á thay thế Trung Quốc, nhưng trước tiên họ cần giảm thuế và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng để cạnh tranh với Việt Nam.

Kênh CNBC ngày 2/4 đưa tin, Mỹ đã theo đuổi chương trình nghị sự "kết bạn" khi cạnh tranh với Trung Quốc ngày càng gia tăng. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã khuyến khích các công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất công nghệ và điện tử ra khỏi Trung Quốc, sang các nước thân thiện hơn, đặc biệt là Việt Nam và Ấn Độ ở Châu Á-Thái Bình Dương.

"Cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều coi Trung Quốc là một thách thức. Và trong mọi cuộc họp ở Mỹ đều hỏi giám đốc điều hành rằng chiến lược giảm rủi ro của họ trước Trung Quốc là gì", Mukesh Aghi - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn Độ - cho biết.

Việt Nam khởi đầu thuận lợi

CNBC đưa tin, Ấn Độ và Việt Nam là những lựa chọn sản xuất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và công ty nước ngoài, một phần do chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, giữa hai quốc gia này, Việt Nam vẫn dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt tổng cộng 96,99 tỷ USD, so với 75,65 tỷ USD của Ấn Độ.

"Việt Nam được biết đến với khả năng sản xuất thiết bị điện tử. Ấn Độ mới tham gia vào cuộc chơi đó nên điều này mang lại cho Việt Nam lợi thế cạnh tranh", Samir Kapadia - Giám đốc điều hành của India Index và quản lý trưởng của Vogel Group - cho biết.

Trong khi mối quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ ngày càng nồng ấm, đặc biệt là sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhà Trắng của Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 6/2023, Việt Nam đã có thỏa thuận thương mại và đầu tư với Washington kể từ năm 2007.

Một lợi thế quan trọng khác của Việt Nam là chính sách thông thoáng hơn so với Ấn Độ. Chủ tịch Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn Độ Aghi lưu ý rằng Ấn Độ có "29 bang và mỗi bang lại có chính sách có thể khác nhau".

Nari Viswanathan - Giám đốc cấp cao về chiến lược chuỗi cung ứng tại công ty phần mềm Coupa có trụ sở tại California (Mỹ) - cho biết: "Việt Nam chiếm thế thượng phong khi nói đến lợi thế kinh tế nhờ quy mô sản xuất."

Thuế nhập khẩu của Ấn Độ vẫn ở mức cao

Một trở ngại đối với tham vọng trở thành trung tâm sản xuất của Ấn Độ là thuế nhập khẩu 10% đối với công nghệ thông tin và truyền thông. Theo Andy Ho - giám đốc đầu tư của VinaCapital - mức này cao hơn thuế nhập khẩu trung bình của Việt Nam khoảng 5%.

Thuế nhập khẩu của Ấn Độ nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, nhưng việc giảm thuế sẽ là một phần trong nỗ lực của chính phủ Ấn Độ nhằm thu hút các công ty nước ngoài sản xuất hàng hóa trong nước.

Kapadia của India Index nói: "Năm 2024 sẽ là năm Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dỡ bỏ nhiều mức thuế này, nhưng ông ấy sẽ thực hiện điều đó tập trung vào từng ngành chứ không phải theo từng quốc gia."

Ví dụ, Ấn Độ vào tháng 1 đã giảm thuế nhập khẩu đối với một số bộ phận kim loại và nhựa được sử dụng trong sản xuất điện thoại di động từ 15% xuống 10%. Điều đó mang lại lợi ích cho các công ty như Apple và Dixon Technologies - nhà sản xuất điện thoại cho Xiaomi, Samsung và Motorola.

"Với thế mạnh của Việt Nam về sản xuất điện tử và xuất khẩu sang Mỹ, đó là nơi chúng ta sẽ sớm thấy lực kéo mạnh nhất khi Ấn Độ cố gắng chiếm thị phần. Điều này bao gồm tất cả các loại nhựa, thành phần kim loại và các mặt hàng cơ khí", Kapadia cho biết.

Theo bài đăng trên LinkedIn của Pankaj Mahindroo - Chủ tịch Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ, xuất khẩu đồ điện tử của Ấn Độ sang Mỹ từ tháng 1 đến tháng 9/2023 đạt 6,6 tỷ USD, so với 2,6 tỷ USD của cùng kỳ năm 2022.

Nhưng Ho của VinaCapital cảnh báo rằng, việc giảm thuế nhập khẩu "không phải là lợi thế bền vững trong việc thu hút đầu tư FDI về lâu dài".

"Điều mà các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng quan tâm hơn là các vấn đề về kinh doanh dễ dàng - đặc biệt là tính linh hoạt trong việc tuyển dụng nhân công - hơn là thuế và thuế quan. Đây là nguồn lợi thế lâu dài chính của Việt Nam so với Ấn Độ", ông Ho nói với CNBC trong một email.

Hiệu quả là chìa khóa

Mặc dù Ấn Độ muốn trở thành một nền kinh tế phát triển vào năm 2047 nhưng cơ sở hạ tầng của nước này vẫn còn thiếu sót, dẫn đến thời gian vận chuyển và giao hàng bằng đường bộ kéo dài.

"Một tàu biển ở Singapore có thể được dỡ hàng trong vòng 8 giờ và được đưa lên xe tải đến các nhà máy tiềm năng, nhưng con tàu tương tự ở Ấn Độ sẽ bị mắc kẹt trong một nhà kho trong nhiều ngày", Aghi của Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn Độ cho biết, đồng thời cảnh báo những sự chậm trễ này làm giảm sức hấp dẫn của quốc gia Nam Á này đối với các công ty nước ngoài.

Ông nói thêm: "Trung Quốc có thể đi trước Ấn Độ 10 năm về cơ sở hạ tầng, vì vậy nước này cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo cơ sở hạ tầng tiếp tục được xây dựng."

Ngân sách tạm thời của Ấn Độ ước tính rằng, chính phủ liên bang sẽ chi 2,55 nghìn tỷ rupee (30,7 tỷ USD) để cải thiện hệ thống đường sắt của Ấn Độ.

"Ấn Độ đang đi đúng hướng trên con đường hiện đại hóa hệ thống hậu cần để tăng cường chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu của các nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu, ở tất cả các loại đường và cảng mới. Tôi nghĩ đó sẽ là ưu tiên hàng đầu trước khi tự động hóa", Kapadia nói.

KHỦNG HOẢNG Ở MYANMAR GIA TĂNG, DÒNG NGƯỜI CHẠY SANG THÁI LAN LÁNH NẠN

Hàng ngàn người dân Myanmar ùn ùn xếp hàng ở biên giới Thái Lan, sau khi thị trấn Myawaddy thất thủ vì đợt tấn công của phe nổi dậy.

Những ngày qua, chính quyền quân sự Myanmar chật vật đối phó đợt nổi dậy của các nhóm vũ trang trên nhiều mặt trận, hứng hàng loạt thất bại ở những vùng biên giới.

Việc lực lượng của chính quyền rút lui ở Myawaddy báo hiệu nguy cơ chính quyền quân sự sẽ chịu thêm một thất bại nữa ở tiền đồn biên giới quan trọng, nơi có tuyến cao tốc chạy thẳng về trung tâm Myanmar.

Vài ngày nay, hàng ngàn người dân Myanmar đã vượt qua biên giới sông giữa Myanmar và Thái Lan sau khi thị trấn biên giới chiến lược thất thủ trước quân nổi dậy.

Một số người cho biết họ lo ngại các cuộc không kích của quân đội Myanmar sau khi phiến quân chiếm được Myawaddy, một thị trấn có khoảng 200.000 dân nằm bên kia sông Moei từ thành phố Mae Sot của Thái Lan.

"Đó là lý do tại sao tôi chạy trốn đến đây. Họ không thể ném bom Thái Lan", Moe Moe Thet San, một cư dân Myawaddy đang đứng xếp hàng tại trạm kiểm soát biên giới cùng nhiều người khác trong tình trạng nóng bức, nói. Cô đã nỗ lực vượt biên cùng với đứa con trai nhỏ của mình để tìm đến sự an toàn.

Ít nhất 2.000 người Myanmar đã phải đi sơ tán trong đợt xung đột mới nhất giữa lực lượng nổi dậy với quân đội Myanmar, theo số liệu của Mạng hỗ trợ hòa bình Karen.

"Thông thường có khoảng 2.000 người từ Myawaddy sang Mae Sot mỗi ngày, nhưng trong 3 ngày qua số lượng đã lên đến khoảng 4.000 người/ngày", người phát ngôn lực lượng biên phòng Thái Lan khu vực biên giới giáp Myanmar cho biết.

Chính phủ Thái Lan cho biết đã chuẩn bị để tiếp nhận tới 100.000 người sơ tán từ Myanmar sang nước này.

Ngoại trưởng Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara hôm 11/4 cho biết Chính phủ nước này đang chuẩn bị cho làn sóng người tị nạn và kêu gọi chính quyền Myanmar giảm bớt bạo lực.

Ông Nukara cũng thông báo đang làm việc với các quốc gia thành viên ASEAN để khôi phục kế hoạch hòa bình cho Myanmar.

Quân đội Thái Lan gần đây tăng cường tuần tra biên giới, triển khai các xe quân sự được trang bị súng tự động.

Từ khi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021, quân đội Myanmar vấp phải hàng loạt thất bại trước liên minh nổi dậy và phong trào dân quân.

TẤN CÔNG VÀO CÁC NHÀ MÁY LỌC DẦU NGA, UKRAINE ĐANG “ĐI TRÊN DÂY”

Thời gian đần đây, Ukraine liên tục sử dụng UAV tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, đặc biệt là nhắm vào các nhà máy lọc dầu và cơ sở lưu trữ dầu ở nhiều khu vực. Điều này có thể đe dọa đến nguồn cung nhiên liệu và doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga, cũng như khiến giá dầu toàn cầu tăng cao.

Ukraine đánh vào huyết mạch kinh tế Nga

Vào đầu tháng 4, máy bay không người lái Ukraine đã tấn công nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của Nga ở khu vực Tatarstan của Nga, cách biên giới nước này khoảng 1.300km. Cơ quan tình báo Ukraine cũng xác nhận thực hiện thêm vụ tấn công khác nhằm vào đến một nhà máy sản xuất UAV tấn công tầm xa Shahed của Nga. Cuộc tấn công vào khu vực Tatarstan của Nga chỉ là một trong nhiều cuộc tấn công của Kiev nhằm vào các nhà máy lọc dầu của Moscow kể từ đầu năm nay.

Theo S&P Global Commodity Insights, các cuộc tấn công của Ukraine đã làm gián đoạn 16% công suất lọc dầu của Nga vào cuối tháng 3. Điều này tương đương với việc Nga mất đi một triệu thùng sản phẩm tinh chế mỗi ngày, từ nhiên liệu máy bay phản lực đến dầu diesel và xăng.

Giới phân tích đánh giá, việc công suất lọc dầu của Nga bị gián đoạn là một vấn đề lớn đối với Điện Kremlin. Điều này không chỉ làm giảm nguồn nhiên liệu của Nga mà còn khiến Moscow có ít sản phẩm hơn để xuất khẩu sang các quốc gia đối tác thương mại như Ấn Độ và Trung Quốc, từ đó đặt ra mối đe dọa đối với nguồn thu của Điện Kremlin.

“Một số người cho rằng những lệnh trừng phạt từ phương Tây và các đòn tập kích của Ukraine vẫn chưa đủ để thực sự gây ảnh hưởng đến Nga. Nhưng với những diễn biến hiện tại, sớm hay muộn Nga cũng sẽ cảm nhận được sự ảnh hưởng”, Craig Kennedy, cộng tác viên tại Trung tâm Nghiên cứu Nga và Á-Âu của Đại học Harvard, cho biết.

Theo Telegraph, Tổng thống Putin dường như lo ngại về nguy cơ thiếu nhiên liệu và đang nỗ lực tăng cường nguồn cung.

Từ ngày 1/3, Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu bên ngoài liên minh kinh tế Á-Âu trong vòng 6 tháng nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường nội địa ở giai đoạn nhu cầu cao. Moscow đang nhanh chóng tăng cường nhập khẩu xăng từ Belarus, vốn đã tăng từ con số 0 trong tháng 1 lên 3.000 tấn xăng trong nửa đầu tháng 3.

Reuters tuần trước đưa tin, Nga đã yêu cầu Kazakhstan sẵn sàng cung cấp 100.000 tấn xăng dầu trong trường hợp Moscow có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng.

“Tình trạng thiếu xăng tạm thời có thể xảy ra nếu Ukraine tiến hành đồng thời các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào nhiều nhà máy lọc dầu của Nga”, Tatiana Orlova, chuyên gia kinh tế về thị trường mới nổi tại Oxford Economics, cho biết.

Cách Nga đối phó với lệnh trừng phạt

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine diễn ra trong bối cảnh các nhà máy lọc dầu của Nga đang đối mặt với các vấn đề khác. Nhiều nhà máy lọc dầu được sản xuất với các bộ phận của phương Tây để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường châu Âu trước khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát. Trong khi đó, chuyên gia Kennedy cho biết, hiện nay các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đối với Nga đang cản trở quá trình bảo trì nhà máy lọc dầu. Ngoài ra, lũ lụt lớn ở Nga cũng buộc nhà máy lọc dầu Orsk ở Urals phải tạm dừng sản xuất vào tuần trước.

“Nhập khẩu nhiên liệu từ các đồng minh như Kazakhstan và Belarus sẽ tốn kém và khó có thể lấp đầy khoảng trống. Năng lực sản xuất của họ nhỏ hơn nhiều so với Nga nên họ sẽ không thể bù đắp toàn bộ sự thiếu hụt nếu có Moscow cần nguồn cung nhiên liệu lớn”, ông Kennedy cho hay.

Nga hiện có khả năng lọc khoảng 5 triệu thùng dầu thành phẩm mỗi ngày và khoảng một nửa được tiêu thụ trong nước.

Dầu khí là nền tảng của nền kinh tế Nga. Theo phân tích của chuyên gia Vitaly Yermakov tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, lĩnh vực này đóng góp 42% doanh thu vào ngân sách liên bang của Nga trong năm 2022. Giá năng lượng giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến tỷ lệ này giảm xuống còn 32% vào năm 2023, nhưng tổng giá trị vẫn là 108 tỷ USD.

Giờ đây, việc một số nhà máy lọc dầu tạm ngừng hoạt động có nguy cơ làm con số đó có thể tiếp tục giảm. Nếu Nga không thể lọc dầu, nước này sẽ dư thừa dầu thô để xuất khẩu. Trong khi đó, Ấn Độ là quốc gia duy nhất có thể giải quyết vấn đề này một cách thực tế.

Ấn Độ là nước mua dầu thô đường biển Nga lớn nhất. Trong năm 2023, dầu thô Nga chiếm gần một nửa lượng mua của Ấn Độ. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến một số hàng hóa bị mắc kẹt.

Ukraine sẽ tiến được bao xa?

Giới quan sát đặt ra một câu hỏi rằng liệu Ukraine sẽ tiến xa hơn như thế nào trong các cuộc tập kích vào cơ sở năng lượng của Nga?

“Đây là điểm khởi đầu hay kết thúc của cuộc chiến nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Nếu Ukraine tiếp tục các cuộc tấn công, điều này có thể gây ra thách thức nhiều hơn đối với Nga”, Helima Croft, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, nói.

Khoảng 3/4 nhà máy lọc dầu của Nga nằm trong tầm bắn của máy bay không người lái và tên lửa Ukraine. Hơn 60% cơ sở xuất khẩu dầu của Nga nằm trong tầm bắn của tên lửa Ukraine, nếu Kiev quyết định tăng cường tấn công.

Mặc dù vậy, Ukraine có thể đang “đi trên dây” khi tấn công vào các cơ sở năng lượng của Nga . Việc này có thể khiến giá dầu toàn cầu tăng cao, điều mà Mỹ hay các nước châu không mong muốn. Giá dầu Brent đã tăng hơn 10% kể từ đầu năm và hiện đang dao động ở mức gần 90 USD/thùng. Nếu Ukraine gia tăng các đòn tập kích nhằm vào kho dầu của Nga, giá dầu có thể tăng cao hơn nữa.

“Các thị trường đang nhận thức được thực tế rằng có nhiều sự gián đoạn trong việc xuất khẩu dầu từ Nga. Tôi nghĩ rằng giá dầu Brent có thể lên tới 100 USD/thùng”, bà Croft cho hay.

Phương Tây đã đưa ra các lệnh trừng phạt nặng nề nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhưng họ đã cơ cấu chúng để đảm bảo xuất khẩu dầu khí của Nga có trên toàn thế giới nhằm ngăn chặn giá hàng hóa tăng vọt.

Theo Financial Times, các quan chức cấp cao của cơ quan an ninh nhà nước Ukraine đã nhận được nhiều lời kêu gọi từ chính phủ Mỹ yêu cầu ngừng tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga.

“Ukraine nên theo đuổi các mục tiêu quân sự, vì các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga có thể làm tăng giá dầu toàn cầu. Những cuộc tấn công đó có thể gây tác động dây chuyền đến tình hình năng lượng toàn cầu. Ukraine nên theo đuổi các mục tiêu chiến thuật và tác chiến có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc xung đột hiện tại”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho hay.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine sẵn sàng tuân theo Mỹ về vấn đề này. Đầu tuần này, Cơ quan tình báo quân sự Ukraine thông báo rằng các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu ở Nga sẽ tiếp tục mở rộng.

Ukraine ban đầu tuyên bố các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm mục đích làm gián đoạn việc cung cấp nhiên liệu cho quân đội Nga và “gây ra một đòn mang tính tượng trưng bằng cách đưa cuộc xung đột đến gần Moscow hơn”.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Tổng thống Zelensky khẳng định đó là một hình thức răn đe vì Ukraine sắp cạn kiệt tên lửa cho hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp.

GAZA ĐANG ĐI ĐẾN THỜI ĐIỂM QUYẾT ĐỊNH

Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Gaza được đánh giá là đang đi đến thời điểm quyết định khi bước sang tháng thứ 7, kéo theo khủng hoảng nhân đạo thảm khốc.

Israel bắt đầu không kích nhắm vào Gaza sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của lực lượng Hamas. Chiến dịch trả đũa của Israel cho đến nay đã khiến ít nhất 33.000 người thiệt mạng và 75.000 người khác bị thương, trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ em.

Trong tuyên bố đưa ra vào cuối tuần trước, Giám đốc Ban điều phối của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc - ông Ramesh Rajasingham cho biết, người dân Gaza đã phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp kể từ khi chiến sự bùng nổ.

Và sau 6 tháng bước ngoặt với tình cảnh thảm khốc, người dân Gaza đang trông chờ vào những giải pháp cụ thể giúp chấm dứt thảm cảnh mà họ đang phải gánh chịu.

Theo các chuyên gia, có dấu hiệu của thời điểm quyết định cho tình hình chiến sự Gaza.

Hôm 7/4, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết, sư đoàn đặc công số 98 của họ, bao gồm các lực lượng mặt đất đặc biệt, đã "kết thúc nhiệm vụ" ở miền nam Gaza và sẽ rời khỏi vùng đất này "để hồi phục và chuẩn bị cho các hoạt động trong tương lai".

IDF cho biết sẽ chỉ còn một lữ đoàn ở lại miền nam Gaza, đóng quân trên hành lang phân chia miền bắc và miền nam Gaza. Đồng thời với việc rút quân này, Israel đã chuyển sang mở các điểm tiếp cận bổ sung tới phía bắc Gaza nhằm cho phép dòng viện trợ chảy vào. Quyết định này, ít nhất về mặt lý thuyết là bỏ qua các rào cản hậu cần vốn đã khiến hàng viện trợ bị mắc kẹt gần các cửa khẩu biên giới ở phía nam Gaza trong suốt thời gian qua.

Israel cho biết đang nỗ lực tăng số lượng xe tải viện trợ vào Gaza, trong khi IDF thông báo 468 xe tải chở hàng viện trợ đã được "kiểm tra và chuyển đến Gaza" hôm 9/4, đánh dấu con số xe tải đến Gaza lớn nhất trong một ngày kể từ khi bắt đầu chiến sự.

Đằng sau những tín hiệu "ánh sáng le lói cuối đường hầm" này là các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Cairo (Ai Cập), nơi các quan chức đã tích cực nói về khả năng đạt được một thỏa thuận có thể giúp một số trong hơn 100 con tin còn lại bị Hamas giam giữ ở Gaza được trả tự do để đổi lấy các tù nhân Palestine bị Israel giam giữ.

Ngoại trưởng Israel Israel Katz hôm 8/4 cho biết các cuộc đàm phán đang ở "thời điểm quan trọng", trong khi Hamas cho biết họ sẽ xem xét các đề xuất.

Áp lực từ cộng đồng quốc tế

Những bước ngoặt thay đổi này diễn ra trong bối cảnh Israel đối mặt áp lực quốc tế dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ, nhằm chấm dứt chiến sự ở Gaza.

Thậm chí, đồng minh thân cận Mỹ cũng đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn và nhấn mạnh Israel nên cho phép thêm dòng viện trợ vào Gaza để ngăn chặn nạn đói. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng phản đối ý tưởng tấn công thành phố Rafah ở phía nam, nơi Israel cho là thành trì lớn cuối cùng của Hamas.

Hồi tuần trước, Tổng thống Biden cảnh báo Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng ông có thể mất sự hỗ trợ của Mỹ cho cuộc chiến nếu không thay đổi hướng đi.

Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 10/4, Tổng thống Biden cho rằng, Tel Aviv vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn mà ông yêu cầu. "Chúng ta sẽ xem ông ấy (Thủ tướng Netanyahu) làm gì trong việc đáp ứng những cam kết mà ông ấy đã đưa ra với tôi", ông Biden nói.

Các quan chức Mỹ coi những thay đổi trong chính sách của Israel là dấu hiệu cho thấy họ đang đi đúng hướng.

Trong cuộc họp của Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 9/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với nghị sĩ rằng, áp lực của Washington với Tel Aviv đang có hiệu quả. "Rõ ràng nó đã có tác dụng. Chúng tôi đã thấy những thay đổi trong hành động và chúng tôi đã thấy dòng viện trợ nhân đạo đến Gaza đã tăng lên", Bộ trưởng Austin nói. "Hy vọng xu hướng đó sẽ tiếp tục", ông nhấn mạnh.

Nhưng đòn bẩy mạnh nhất đối với Israel vẫn chưa được áp dụng. Các quốc gia phương Tây như Mỹ và Đức đang đối mặt với lời kêu gọi phải "ngừng hoàn toàn hoặc hạn chế bán vũ khí cho Israel".

Theo một phân tích của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm được công bố vào tháng 3, Mỹ và Đức đã cung cấp khoảng 99% tổng số vũ khí nhập khẩu cho Israel từ năm 2019-2023. Hiện tại, một số quốc gia nhỏ hơn đã chuyển sang chặn xuất khẩu vũ khí sang Israel.

Trong khi đó, ở trong nước, Thủ tướng Netanyahu đang phải đối mặt với áp lực của những người biểu tình yêu cầu từ chức vì cách ông điều phối chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza. Những người tham gia phong trào biểu tình bao gồm nhiều thành viên gia đình của các con tin, vốn đang chỉ trích ông Netanyahu đặt ưu tiên tương lai chính trị của mình hơn là giải cứu những người thân yêu của họ.

Vì vậy, nhà lãnh đạo này cũng đang phải đối mặt với áp lực phải đạt được một thỏa thuận có thể giải thoát những con tin còn lại bị Hamas bắt giữ giữa lúc không rõ có bao nhiêu người còn sống hay đã chết.

Ở mốc 6 tháng, vẫn chưa rõ cuộc xung đột Gaza sẽ đi theo hướng nào. Thủ tướng Netanyahu và các quan chức Israel khác vẫn tuyên bố, tiêu diệt Hamas vẫn là mục tiêu cuối cùng của họ, với một cuộc tấn công vào Rafah, một thành phố hiện có đông dân thường phải di tản, vẫn đang được lên kế hoạch, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và các đồng minh khác.

Hamas vẫn đang hoạt động ở Gaza, nơi các nhà lãnh đạo quan trọng nhất của lực lượng này đang ẩn náu, trong khi nhóm này đang phản đối các đề xuất ngừng bắn của Mỹ. Họ tiếp tục kêu gọi chấm dứt hoàn toàn chiến tranh, báo Wall Street Journal đưa tin hôm 10/4.

Có rất ít bằng chứng về sự rút lui, nhất là sau khi thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh xác nhận thông tin về việc 3 người con trai và ít nhất 2 cháu của ông đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel ở phía tây thành phố Gaza. Hiện chưa rõ vụ việc này có thể ảnh hưởng như thế nào đến các cuộc đàm phán ngừng bắn kéo dài nhiều tháng qua do các bên hòa giải quốc tế làm trung gian, mặc dù ông Haniyeh cho biết Hamas sẽ không nhượng bộ trước áp lực.

Ở Gaza, người Palestine, hiện có thể trở về nhà sau khi lực lượng Israel rút quân, đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan khi những ngôi nhà cũ đã bị hư hại còn nơi ẩn náu mới lại không an toàn.

"Tôi không thể nhận ra nơi này", một nhân viên nhân đạo người Palestine nói. "Ngay cả đường phố cũng không còn nữa".

Nguồn: Vnexpress; CafeF; VTV; Soha; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang