Nợ công HQ kỷ lục; Phe đối lập HQ thắng lớn; Kiev tan mộng vào EU; Lính Ukraine đi 'mót' đạn; Hướng đi mới của Bình Nhưỡng

NỢ CÔNG CỦA HÀN QUỐC TĂNG LÊN MỨC CAO KỶ LỤC

Nợ công của Hàn Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2023 và tỷ lệ nợ công trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng lần đầu vượt 50%.

Hãng tin Yonhap dẫn báo cáo từ Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết nợ nhà nước, gồm doanh thu trái phiếu cùng với các khoản vay tài chính của chính phủ trung ương và các chính quyền địa phương, đã lên mức 1,126 triệu tỷ won (826,63 tỷ USD) trong năm 2023. Trong đó, nợ công chính phủ tăng 59.100 tỷ won lên 1,092 triệu tỷ won trong khi nợ công của các chính quyền địa phương ước tính tăng 300 tỷ won lên 34.200 tỷ won.

Nợ công của Hàn Quốc vẫn tăng lên mức cao kỷ lục kể cả khi chính phủ đã áp dụng các chính sách “thắt lưng buộc bụng” để kiềm chế nợ công ngày càng phình to trong những năm qua khi đại dịch COVID-19 hoành hành. Trong thời gian này, nợ công của Hàn Quốc tăng với tốc độ nhanh, từ khoảng 723.200 tỷ won năm 2019 lên 846.600 tỷ won năm 2021 và tiếp tục tăng lên 1,067 triệu tỷ won năm 2022.

Tỷ lệ nợ công/GDP của Hàn Quốc năm 2023 là 50,4% , cao nhất từ trước tới nay và lần đầu tiên tăng vượt 50% kể từ khi chính phủ bắt đầu thống kê dữ liệu liên quan năm 1982. Năm 2022, tỷ lệ nợ công/GDP của Hàn Quốc là 49,4%.

Báo cáo của Bộ Tài chính Hàn Quốc đã được Chính phủ thông qua ngày 11/4, sẽ được cơ quan kiểm toán quốc gia xem xét trước khi trình lên quốc hội nước này.

Chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol cam kết duy trì thâm hụt tài khóa trong khoảng 3% GDP và sẽ giảm về 2% nếu nợ công/GDP vượt 60%. Dù vậy, giới chuyên gia nhận định đây không phải mục tiêu dễ thực hiện trong thời gian ngắn bởi nhu cầu trong nước còn yếu do lạm phát cao. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang đương đầu với những thách thức dài hạn như tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa, đều là những vấn đề cần đến chi tiêu ngân sách.

CÁC ĐẢNG ĐỐI LẬP CỦA HÀN QUỐC GIÀNH CHIẾN THẮNG VANG DỘI TRONG CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI

Các đảng đối lập theo đường lối tự do của Hàn Quốc giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức hôm thứ Tư 10/4, giáng đòn mạnh vào Tổng thống Yoon Suk Yeol và đảng bảo thủ của ông, nhưng có xác suất cao là phe đối lập không giành được thế siêu đa số.

Đảng Dân chủ (DP) được tiên liệu sẽ chiếm hơn 170 trong số 300 ghế tại cơ quan lập pháp mới, dữ liệu của Ủy ban Bầu cử Quốc gia và các đài truyền hình cho thấy với hơn 99% số phiếu được kiểm tính đến 5h55 sáng thứ Năm 11/4 ( 20h55, giờ chuẩn quốc tế GMT, hôm 10/4).

Các tính toán đưa ra tiên liệu rằng một đảng nhỏ theo đường lối tự do được coi là có liên minh với đảng DP sẽ giành được ít nhất 10 ghế.

Một số nhà phân tích coi cuộc chạy đua quyết liệt này là một cuộc trưng cầu dân ý về ông Yoon. Sự ủng hộ giành cho ông đã bị ảnh hưởng vì tình trạng khủng hoảng về chi phí sinh hoạt và một loạt vụ bê bối chính trị.

Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của ông được dự báo chỉ giành được hơn 100 ghế, có nghĩa là ông Yoon sẽ tránh được tình trạng phe đối lập chiếm thế siêu đa số kiểm soát 2/3 quốc hội, một tình trạng có thể vô hiệu hóa quyền phủ quyết của tổng thống và giúp họ có đủ thẩm quyền thông qua các sửa đổi hiến pháp.

Nhưng khi gần kết thúc hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ 5 năm hiến định, ông Yoon có khả năng rơi vào tình trạng không còn mấy quyền hành, một số nhà phân tích nhận định.

Ủy ban bầu cử quốc gia (NEC) dự kiến sẽ công bố kết quả chính thức vào tối 11/4. Theo NEC, gần 29,7 triệu người, tương đương 67% số cử tri đủ điều kiện, đã bỏ phiếu, trong đó có 14 triệu người đã bỏ phiếu sớm vào tuần trước.

Con số đó đánh dấu tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất từ trước đến nay trong một cuộc bầu cử quốc hội, mặc dù không bằng con số của cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 vốn đã đưa ông Yoon lên nắm quyền với tỷ lệ thắng sít sao.

Ông Yoon, người nhậm chức vào tháng 5 năm 2022, không tham gia tranh cử lần này nhưng khả năng thông qua luật của ông có thể bị tổn hại nặng nề do đảng PPP của ông nhận được kết quả khá tệ.

Ông đã bị đánh giá có mức tín nhiệm thấp trong nhiều tháng và gặp khó khăn trong việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế, nới lỏng các quy định kinh doanh và mở rộng hỗ trợ gia đình trong xã hội có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.

”HÒN ĐÁ TẢNG” GIÁNG ĐÒN MẠNH VÀO GIẤC MỘNG GIA NHẬP EU CỦA UKRAINE

Khi nông dân Ukraine nhìn về viễn cảnh thời hậu chiến, họ thấy mình là một phần của EU, bán hàng hóa tự do trên thị trường chung của khối. Nhưng một "hòn đá tảng" đã xuất hiện.

EU siết chính sách nhập khẩu nông sản Ukraine

Theo Politico, tương lai đó có thể sẽ không xảy ra nếu các nước châu Âu như Ba Lan phản đối, hoặc để tương lai thành sự thật thì Ukraine phải buông bỏ ngành nông nghiệp trụ cột của mình.

Hiện nay, khi Ukraine chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công quân sự mới của Nga từ phía đông thì các nước láng giềng EU và các đồng minh quân sự ở phía tây một lần nữa đưa ra hạn chế nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Ukraine như ngô, gia cầm và đường.

Trong cuộc họp mới nhất vào ngày 8/4, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí thắt chặt hơn nữa đối với nhiều mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Ukraine.

Nghị sĩ Ba Lan Andrzej Halicki cho rằng, những hạn chế này là cần thiết để khắc phục "sự bất bình đẳng" trong cán cân thương mại giữa Ukraine và EU.

"Những sửa đổi này là vì lợi ích của Ukraine", ông Halicki giải thích rằng, hạn chế không nhằm mục đích ngừng hoàn toàn nhập khẩu nông sản từ Ukraine mà nhằm bảo vệ nông dân châu Âu khỏi sự cạnh tranh ngày càng gia tăng.

Nông dân tại các nước châu Âu bức xúc cho rằng, nông sản Ukraine đang tràn ngập thị trường châu Âu nhờ giá rẻ vì được miễn thuế, khiến họ không thể cạnh tranh.

Con đường chông gai phía trước

Trong khi đó, Ukraine gọi các biện pháp hạn chế của EU là vô căn cứ .

Alex Lissitsa, người đứng đầu nhóm vận động hành lang nông nghiệp của Câu lạc bộ doanh nghiệp nông nghiệp Ukraine, nói những hạn chế cho thấy sự trớ trêu khi các nước EU vừa cản trở xuất khẩu của Ukraine vừa thúc giục nước này tuân thủ các quy định của khối.

"Một mặt, chúng tôi được yêu cầu điều chỉnh hoạt động sản xuất của mình theo tiêu chuẩn EU, mặt khác… các nước EU đang chặn hoạt động xuất khẩu của chúng tôi và cố gắng áp dụng lại hạn ngạch", ông nói.

Lý giải về vấn đề trên, nhà lập pháp Andrzej Halicki cho biết, Ba Lan là nước đầu tiên ủng hộ Ukraine gia nhập EU.

Tuy nhiên, theo ông, hai bên cần bắt đầu các cuộc đàm phán về việc gia nhập nhưng trên các điều kiện thực tế.

Trong khi các nhà lập pháp như Halicki coi sự cạnh tranh ngày càng tăng từ ngành nông nghiệp đồ sộ của Ukraine đang đe dọa đến sự sống còn của nông dân châu Âu thì Kiev lại muốn EU cần tuân theo các quy tắc thị trường tự do.

"Chủ nghĩa bảo hộ sẽ không cứu được ngành nông nghiệp của EU", ông Alex Lissitsa nói. "Nông dân Ba Lan quá nhỏ để có thể trở thành người chơi thực sự trên thị trường ngũ cốc toàn cầu, nơi họ phải cạnh tranh với các nước như Ukraine, Brazil hay Nga".

GIỮA THỜI ĐIỂM KHỐC LIỆT, LÍNH UKRAINE PHẢI NHẶT ĐẠN GIỮA CHIẾN TRƯỜNG

Giữa cơn khát vũ khí, binh sĩ Ukraine buộc phải mạo hiểm đi nhặt đạn pháo mà lính Nga bỏ lại và gỡ mìn chống tăng lấy thuốc nổ chế bộc phá.

Bên rìa con suối chảy qua một ngôi làng, Max Polyukhovich dùng tay bới bùn và móc lên khối kim loại màu xám, dài vài chục cm. Đó là một quả đạn pháo vẫn còn nguyên vẹn mà lính Nga bỏ lại.

Quân đội Ukraine đang thiếu đạn pháo đến mức những binh sĩ đi mót đạn như Polyukhovich, 36 tuổi, trở thành nguồn cung quan trọng cho các lữ đoàn trên tiền tuyến.

Gói viện trợ quân sự 60 tỷ USD mắc kẹt tại quốc hội Mỹ cùng nguồn vật tư nhỏ giọt từ phương Tây gây ra tình trạng thiếu đạn nghiêm trọng, buộc Ukraine phải dùng các biện pháp tình thế để đối phó, trong đó có tăng cường sử dụng phương tiện bay không người lái (drone) mang thuốc nổ và tận dụng đạn pháo còn sót lại của lực lượng Nga để kìm hãm đà tiến của đối phương.

Polyukhovich vừa là người mót đạn trên chiến trường, vừa là chuyên gia về thiết bị nổ tự chế. Binh sĩ Ukraine này lội xuống đầm lầy và đi bộ hàng chục km qua các bãi mìn để tìm những quả đạn mà Nga bỏ lại khi rút lui.

Trong những thứ Polyukhovich tìm thấy có những quả đạn mà pháo binh Ukraine có thể sử dụng ngay lập tức, số còn lại được binh sĩ này mang về xưởng để lấy thuốc nổ cho drone.

Đồng đội đặt biệt danh "Mad Max" cho Polyukhovich, theo tên nhân vật chính trong bộ phim do Australia sản xuất. Polyukhovich ước tính đã nhặt được ít nhất 14.000 quả đạn pháo cung cấp cho các lữ đoàn Ukraine ở miền đông và chế tạo khoảng 4.000 quả bộc phá cho drone.

"Các chỉ huy ngày một yêu cầu nhiều hơn", Polyukhovich nói. "Nếu tôi chuyển 100 quả đạn, hôm sau họ sẽ gọi điện để đề nghị thêm".

Nhiều sĩ quan của Lữ đoàn Xung kích số 92 Ukraine, đang tác chiến quanh làng Andreevka ở tỉnh Donetsk, cho biết đạn pháo thiếu nghiêm trọng đến mức họ không thể khai hỏa bất cứ khi phát hiện lính Nga.

"Chúng tôi luôn phải tiết kiệm, để đề phòng nguy cơ hết đạn nếu lực lượng Nga mở một đợt tấn công quy mô lớn", thiếu tá với biệt danh Angel thuộc lữ đoàn số 92 cho biết.

Dù số đạn mà Polyukhovich mót được giúp ích phần nào, chúng không thể bù đắp hoàn toàn thiếu hụt đạn pháo quy mô lớn của quân đội Ukraine. Các chỉ huy nước này ước tính pháo binh Nga khai hỏa nhiều gấp 5 lần Ukraine mỗi ngày.

Polyukhovich tham chiến suốt 8 năm ở miền đông Ukraine sau khi xung đột giữa phe ly khai và quân chính phủ bùng phát năm 2014. Binh sĩ này chủ yếu làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, song đôi khi tham gia các đợt tiến công sau khi xung đột bùng phát tháng 2/2022.

Vào mùa hè năm ngoái, Polyukhovich trúng đạn và thoát chết nhờ chiếc áo giáp mặc trên người. Trong quá trình hồi phục, Polyukhovich nhận thấy nhu cầu đạn pháo của quân đội Ukraine ngày càng tăng. Binh sĩ này sau đó bắt đầu đi mót đạn và tự chế bộc phá.

Polyukhovich tập trung tìm kiếm những nơi mà Nga kiểm soát trong giai đoạn đầu của xung đột. Binh sĩ này đã nhặt khoảng 2.500 quả đạn pháo mà lính Nga vứt xuống các đầm lầy quanh Izyum, tỉnh Kharkov, trước khi rút khỏi khu vực vào tháng 9/2022.

"Khi giành lại một khu vực, chúng ta nên kiểm tra các đầm lầy", Polyukhovich nói và nhận định đây là chiến lược phổ biến mà lính Nga sử dụng để ngăn lực lượng Ukraine sử dụng số đạn họ bỏ lại.

Đạn pháo thường không hỏng khi ngâm nước trong thời gian dài. Nhưng nếu phát hiện vết lõm nhỏ trên quả đạn, Polyukhovich sẽ vứt đi bởi nó có thể làm thay đổi quỹ đạo bay, khiến pháo binh Ukraine nguy cơ bắn trúng đơn vị bạn.

Polyukhovich từng hàng chục lần tới Kamenka, một ngôi làng ở tỉnh Kharkov nơi pháo binh Nga đóng quân trong giai đoạn đầu của chiến sự, lùng sục từng ngôi nhà và nhặt về khoảng 1.000 quả đạn pháo.

Binh sĩ này đang chuyển hướng tìm kiếm những địa điểm mà lính Nga thường cất trữ đạn pháo khi họ kiểm soát khu vực. "Phải có thêm đạn pháo", Polyukhovich nói. "Với số lượng pháo họ đưa tới đây, ngôi làng này phải có đến 10.000 quả đạn".

Trên cánh đồng, gần nơi pháo binh Nga bố trí trận địa, Polyukhovich tìm thấy vài tấm ván gỗ. "Có thể còn nhiều thứ bên dưới", binh sĩ này nói và cho biết sẽ quay lại với thiết bị dò kim loại để kiểm tra.

Các sĩ quan lữ đoàn số 92 Ukraine cho biết Polyukhovich đã chuyển cho họ hơn 8.000 quả đạn, nhưng không đủ bù đắp do thiếu hụt vì viện trợ quân sự nhỏ giọt từ phương Tây. Quân đội Ukraine đang bắn khoảng 2.000 quả đạn mỗi ngày, giảm mạnh so với thời điểm diễn ra chiến dịch phản công quy mô lớn năm ngoái.

Polyukhovich chủ yếu tìm thấy đạn pháo cỡ nòng 152 mm chuẩn Liên Xô và Nga, loại đạn mà Ukraine đang tăng năng suất chế tạo. Tuy nhiên, pháo phương Tây của lữ đoàn 92 sử dụng đạn 155 mm chuẩn NATO và nguồn cung từ nước ngoài đang giảm dần.

"Vấn đề nằm ở chỗ chúng tôi có lượng pháo cỡ nòng 155 mm nhiều gấp ba lần 152 mm", sĩ quan Angel nói, đồng thời thừa nhận phần lớn pháo của đơn vị không còn hoạt động vì đói đạn.

Ngoài tìm kiếm đạn pháo Nga, Polyukhovich còn chế tạo bộc phá cho drone. Quân đội Ukraine gần đây ngày càng phụ thuộc nhiều vào drone trong lúc họ cạn dần đạn pháo.

Polyukhovich thường rời nhà trước bình minh, lái xe về phía tiền tuyến rồi đi bộ vào vùng đất giữa khu vực Ukraine và Nga kiểm soát. Binh sĩ này gỡ các quả mìn chống tăng tại khu vực rồi mang về nhà, cắt lấy thuốc nổ rồi đổ vào nồi nấu chậm. Sau khi thuốc nổ hóa lỏng, Polyukhovich đổ vào bình nhựa để chế bộc phá.

Do tình trạng thiếu đạn pháo ngày càng trầm trọng, các lữ đoàn Ukraine bắt đầu điều lính công binh đến với Polyukhovich để binh sĩ này dạy họ cách mót đạn. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ nguy hiểm.

Vài tháng trước, khi Polyukhovich vắng nhà, nhóm binh sĩ này cố gắng vô hiệu hóa một quả mìn sát thương với độ nhạy cao hơn mìn chống tăng. Quả mìn phát nổ khiến một người thiệt mạng và làm thủng nhà Polyukhovich.

Polyukhovich đang huấn luyện một trung sĩ 40 tuổi có biệt danh Tikhy. Người này sống cùng nhà với Polyukhovich và giúp binh sĩ 36 tuổi vận hành xưởng chế bom.

Trong vài tuần trước, Polyukhovich bắt đầu cho Tikhy đi cùng để nhặt đạn và mìn, đôi khi họ thu được drone trinh sát Nga bị bắn rơi. Các chỉ huy Ukraine đang săn lùng chúng để phân tích và tìm cách gây nhiễu.

BÌNH NHƯỠNG TÌM LỐI RA CHO CÁC VẤN ĐỀ BẾ TẮC

Bình Nhưỡng đang tìm “lối ra” cho bế tắc trên bán đảo Triều Tiên thông qua hợp tác chặt chẽ hơn với Nga. Mặc dù cả Mỹ, Hàn Quốc và Nga đều có các cuộc bầu cử quan trọng trong năm 2024, cục diện bán đảo sẽ ít có thay đổi và đà phát triển quan hệ Nga-Triều nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì.

Ngày 28/3 vừa qua, Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm gia hạn ủy quyền hoạt động của một nhóm chuyên gia độc lập (PoE) có nhiệm vụ theo dõi việc thi hành các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên.

Nghị quyết được 13 nước ủy viên của Hội đồng Bảo an (trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản) ủng hộ, 1 phiếu trắng từ Trung Quốc. Với phiếu chống của Nga – một ủy viên thường trực, nghị quyết không được thông qua, đồng nghĩa rằng PoE sẽ chấm dứt hoạt động vào cuối tháng 4/2024. Diễn biến này không chỉ cho thấy quan hệ hợp tác Nga-Triều ngày càng chặt chẽ mà còn thể hiện thay đổi lớn trong chiến lược của Triều Tiên.

Đối thoại Mỹ-Triều đổ vỡ

Hiện nay, Triều Tiên đang phải đối mặt với thế lưỡng nan. Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Yoon Suk Yeol đang tích cực thúc đẩy hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn. Khi Triều Tiên càng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc phát triển các chương trình hạt nhân, thử tên lửa, bắn đạn pháo, phóng vệ tinh…, Mỹ và Hàn Quốc lại tiếp tục áp đặt thêm một số lệnh trừng phạt nhằm chặn các nguồn tài chính của Bình Nhưỡng, làm trầm trọng hơn các vấn đề kinh tế của nước này.

Để giải bài toán hóc búa này, lựa chọn lý tưởng cho Triều Tiên là đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân với Mỹ nhằm giảm nhẹ hoặc thậm chí gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un từng kiên trì theo đuổi hướng đi này, thể hiện qua 27 lá thư trao đổi với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời gian 2018-2019. Chính quyền của cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng đã nỗ lực để tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều.

Tuy nhiên, sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội kết thúc mà không có tuyên bố chung nào được đưa ra, tiến trình đàm phán đã lâm vào bế tắc cho đến hiện tại. Với việc các chính quyền kế nhiệm ở Mỹ và Hàn Quốc ưu tiên củng cố quan hệ đồng minh giữa hai nước thay vì cố gắng tạo đột phá trong đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, khả năng để Triều Tiên tiếp tục theo đuổi phương án nói trên càng thu hẹp dần.

Hợp tác Nga-Triều “hồi sinh”

Trước tình hình đó, Triều Tiên đã đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn với cả Nga và Trung Quốc. Khi Triều Tiên đóng cửa biên giới vì đại dịch Covid-19, việc hai quan chức cấp cao của Nga và Trung Quốc tham dự buổi diễu hành quân sự của Triều Tiên tại Quảng trường Kim Il-sung hồi tháng 7/2023 đã cho thấy ý định đó. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay chưa can dự sâu vào vấn đề Triều Tiên, chủ yếu kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và nối lại đối thoại bởi Trung Quốc vẫn cần tập trung cho việc giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước và muốn tránh thúc đẩy hợp tác Mỹ-Nhật-Hàn ngày một chặt chẽ hơn.

Về phía Nga, sau hai năm chiến sự tại Ukraine, cả Nga và Ukraine đều đang dần cạn kiệt đạn pháo. Trong khi Ukraine có viện trợ quân sự từ các nước phương Tây, Nga không có nhiều lựa chọn từ các đối tác do bị áp đặt nhiều lệnh trừng phạt khác nhau. Trong khi đó, Triều Tiên đang cần có viện trợ lương thực, nhiên liệu và công nghệ quân sự tiên tiến về vệ tinh do thám, tàu ngầm hạt nhân; và Nga có khả năng và kinh nghiệm để hỗ trợ Triều Tiên trong những vấn đề này. Tháng 9/2023, hai nhà lãnh đạo Nga-Triều đã có cuộc gặp Thượng đỉnh tại Nga, một dấu hiệu cho thấy sự “hồi sinh” trong hợp tác giữa hai nước kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mặc dù cả Nga và Triều Tiên đều không tiết lộ các thỏa thuận hai bên đạt được tại Thượng đỉnh hồi tháng 9/2023, động thái phủ quyết việc gia hạn hoạt động của PoE tại Hội đồng Bảo an đã cho thấy chia rẽ giữa các nước ủy viên về vấn đề Triều Tiên, cũng như thể hiện phối hợp ngày càng khăng khít của quan hệ Nga-Triều.

Tiếp tục gắn kết

Hồi tháng 3/2024, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Nga Sergei Naryshkin đã đến thăm Bình Nhưỡng để thảo luận về hợp tác chống gián điệp. Trong thời gian tới, mặc dù chưa ấn định thời điểm cụ thể, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin sẽ thăm Triều Tiên trong năm 2024 với nhiều thỏa thuận hợp tác “rất tốt” giữa hai bên được ký kết. Nếu diễn ra như kế hoạch, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin đến Triều Tiên sau gần 23 năm qua.

Sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, Triều Tiên hiểu rằng việc đàm phán với Mỹ nhằm giảm nhẹ các lệnh trừng phạt không còn là lựa chọn khả thi. Do đó, hiện tại Nga vẫn đang là “tia hy vọng” của Bình Nhưỡng nhằm tìm ra hướng đi chiến lược mới ở bán đảo Triều Tiên. “Mùa xuân” trong quan hệ Nga-Triều có thể tiếp tục tiến triển cho đến khi có những đột phá mới trong tình hình chiến sự ở Ukraine và cục diện bán đảo Triều Tiên.

Đáng chú ý, Hàn Quốc đã tiến hành bầu cử Quốc hội khóa mới ngày 10/4 với tỷ lệ bỏ phiếu sớm ngày 5-6/4 đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử (31,28%). Sáng sớm ngày 11/4, kết quả kiểm gần hết số phiếu cho thấy đảng đối lập chính DPK đã giành được 161/254 ghế được bầu theo hình thức trực tiếp, và được dự đoán sẽ giành được 176/300 ghế tại Quốc hội cùng với các đảng vệ tinh khác. Với kết quả này, DPK sẽ tiếp tục kiểm soát đa số ghế trong Quốc hội Hàn Quốc như khóa trước. Như vậy, giống như 2 năm qua, các nỗ lực triển khai chính sách đối nội của Tổng thống Yoon sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Tuy nhiên, về cơ bản, ảnh hưởng của Quốc hội Hàn Quốc đối với chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống đương nhiệm là tương đối thấp nên chiều hướng chính sách của ông Yoon nhiều khả năng vẫn được duy trì đến hết nhiệm kỳ Tổng thống là tháng 5/2027.

Về phía Mỹ, mặc dù bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 11/2024 nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cầm quyền đến tháng 1/2025. Còn về phía Nga, Tổng thống Putin cũng đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử 15-17/3 vừa qua và sẽ tiếp tục nắm quyền đến năm 2030. Bên cạnh đó, giới quan sát cũng đánh giá triển vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine trong năm 2024 vẫn còn mờ nhạt, dự kiến chiến sự tiếp tục kéo dài. Xét các nhân tố này, có thể dự báo hợp tác Nga-Triều nhiều khả năng tiếp tục phát triển.

Nguồn: Báo Tin Tức; VOA; CafeF; Vnexpress; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang