Thiếu tàu chở dầu; Nga cấm XK dầu; TQ & tham vọng không gian; Dân Myanmar từ chối làm 'lá chắn sống'; Israel tập kích Liban

Khủng hoảng Biển Đỏ gây ra tình trạng thiếu tàu chở dầu

Nhiều chủ sở hữu tàu chở dầu và nhiên liệu trên toàn cầu chọn cách tránh xa Biển Đỏ - tuyến đường vận tải huyết mạch giữa châu Á và Châu Âu.

Cuộc khủng hoảng vận chuyển đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy chi phí vận chuyển lên cao. Tuyến đường Biển Đỏ thường chiếm 15% tổng thương mại đường biển toàn cầu. Tuy nhiên, trong nỗ lực tránh bị Houthi nhắm đến, các tàu vận chuyển đã bị buộc phải rời khỏi Kênh đào Suez nối Biển Địa Trung Hải với Biển Đỏ và thay vào đó chọn đi đường vòng quanh mũi châu Phi. Những chuyến đi kéo dài 10-15 ngày hơn so với lịch trình thông thường khiến thương mại giữa châu Á và châu Âu trở nên tốn kém hơn, kèm theo những cảnh báo về tác động lạm phát sắp xảy ra ở châu Âu.

Giờ đây, một vấn đề khác nổi lên ảnh hưởng đến thương mại xăng dầu toàn cầu, đó là tình trạng thiếu tàu chở dầu.

Các tàu container thương mại là những tàu đầu tiên phản ứng trước nguy cơ bị Houthi tấn công và thừa nhận sự cần thiết phải chuyển đổi các tuyến đường thương mại. Tuy nhiên, sau khi các lực lượng của Mỹ và Anh bắt đầu ném bom Yemen trong nỗ lực dập tắt các sự cố ở Biển Đỏ, nhiều chủ sở hữu tàu chở dầu và nhiên liệu trên toàn cầu cũng chọn cách tránh xa khu vực này.

Theo dữ liệu dịch vụ vận chuyển của Banchero Costa, thế giới sẽ cảm nhận rõ mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu tàu chở dầu khi chỉ có hai siêu tàu chở dầu mới dự kiến gia nhập đội tàu cũ vào năm 2024.

Chỉ có 5 siêu tàu chở dầu mới dự kiến được giao vào năm 2025, một sự sụt giảm đáng chú ý so với 42 tàu gia nhập vào năm 2022.

Enrico Paglia, Giám đốc nghiên cứu tại Banchero Costa, cho biết: “Tình hình trên thị trường tàu chở dầu đang rất căng thẳng, đặc biệt là đối với tàu chở dầu thô”.

Phong trào Houthi, lực lượng kiểm soát phần lớn miền Bắc và miền Tây Yemen, tháng 11/2023 tuyên bố sẽ tấn công bất kỳ tàu nào liên quan đến Israel đi qua Biển Đỏ cho đến khi nước này dừng các hành động quân sự ở Dải Gaza. Điều này khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố thành lập một hoạt động đa quốc gia nhằm đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đỏ. Các lực lượng của Mỹ và Anh sau đó đã tiến hành các cuộc tấn công lớn vào các vị trí của Houthi nhằm làm suy giảm khả năng nhắm mục tiêu của lực lượng này.

Cho đến nay, các phương pháp quân sự của chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa giải quyết được triệt để cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đang diễn ra. Theo các báo cáo gần đây, ngay cả các quan chức chính quyền Tổng thống Biden cũng ngày càng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của cách tiếp cận vàđối phó của Washington đối với lực lượng Houthi.

Ngày 24/2, Houthi tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo chống hạm vào một tàu chở dầu ở Vịnh Aden. Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ ngày 25/2 thông báo tên lửa đã rơi xuống mặt nước và không gây thiệt hại cho tàu chở hóa chất và sản phẩm dầu Torm Thor, được gắn cờ và thuộc sở hữu của một công ty Mỹ.

Vào tối ngày xảy ra vụ việc, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cũng đã bắn rơi 2 máy bay không người lái (UAV) trên Biển Đỏ. Trong một tuyên bố ngày 26/2, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo nước này và các đồng minh tiến hành các cuộc tấn công chống lại Houthi, đánh vào 18 mục tiêu quân sự.

Người phát ngôn quân đội Houthi Yahya Saree xác nhận một số tên lửa chống hạm đã bắn vào tàu Torm Thor của Mỹ ở Vịnh Aden.

Nga cấm xuất khẩu xăng dầu trong vòng 6 tháng

Thủ tướng Liên bang Nga, ông Mikhail Mishustin ngày 26/2 đã phê chuẩn lệnh cấm xuất khẩu xăng trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1/3/2024.

Các nguồn thạo tin cho biết quyết định này được đưa ra nhằm tăng hạn mức bán dầu diesel trên sàn giao dịch lên 16%. Lệnh cấm xuất khẩu tạm thời không áp dụng đối với khối lượng cung cấp đã thỏa thuận cho các nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), Mông Cổ, Uzbekistan, Abkhazia và Nam Ossetia.

Phó Thủ tướng Alexander Novak đã đề nghị Thủ tướng tạm thời cấm xuất khẩu xăng dầu. Trong bức thư ngày 21/2, ông Novak lưu ý rằng mùa nhu cầu nhiên liệu tăng cao sẽ sớm bắt đầu trên thị trường nội địa, gắn liền với giai đoạn canh tác mùa xuân, sửa chữa theo lịch trình tại các nhà máy lọc dầu, cũng như kỳ nghỉ hè. Ông Novak viết: "Để giải quyết nhu cầu cao điểm đối với các sản phẩm xăng dầu, cần thực hiện các biện pháp giúp ổn định giá trên thị trường sản phẩm xăng dầu trong nước".

Giá trên sàn giao dịch đối với xăng AI-92 và AI-95, cũng như nhiên liệu diesel mùa hè, đã tăng 8–23% kể từ đầu năm, trong khi ở phân khúc bán buôn, tốc độ tăng giá xăng thấp hơn - 1,6 - 6% và giá dầu diesel rẻ hơn Giá bán lẻ xăng AI-92 và AI-95 đã giảm lần lượt 2 và 1 kopecks mỗi lít, theo đó, giá dầu diesel mùa hè giảm 0,1%, tương đương 7 kopecks/lít trong khi giá mùa đông vẫn ở mức tương tự (1 ruble = 100 kopecks).

Trong bối cảnh như vậy, các biện pháp ứng phó hiệu quả sẽ là tăng hạn mức giao dịch sản phẩm dầu mỏ trên sàn giao dịch và áp dụng lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu, ông Novak nói.

Chính phủ Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu năm ngoái. Tháng 9/2023, Nội các Liên bang Nga đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu tạm thời xăng và dầu diesel do giá bán buôn tăng mạnh. Biện pháp này đã được dỡ bỏ vào tháng 11. Bộ Năng lượng sau đó thông báo rằng trong hai tháng, thị trường trong nước đã hình thành tình trạng dư thừa nhiên liệu và giá bán buôn xăng trên sàn giao dịch đã giảm đáng kể.

Tham vọng chinh phục không gian của Trung Quốc năm 2024

Theo thông tin được công bố ngày 26/2 bởi Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), nước này dự kiến sẽ thực hiện khoảng 100 sứ mệnh không gian khác nhau trong năm 2024, thiết lập một kỷ lục mới.

Tập đoàn thuộc sở hữu Nhà nước CASC sẽ chịu trách nhiệm tiến hành các sứ mệnh bay đầu tiên của tên lửa Trường Chinh - 12, đồng thời hoàn thành 2 sứ mệnh liên quan tới tàu vũ trụ chở hàng, 2 sứ mệnh phóng có phi hành đoàn cũng như 2 sứ mệnh đưa phi hành đoàn trở về từ trạm vũ trụ của Trung Quốc.

Tên lửa Trường Chinh - 12 là phương tiện phóng nhiên liệu lỏng giai đoạn một lõi đầu tiên của Trung Quốc có đường kính 3,8m. Nó có cấu hình hai giai đoạn được vận hành bởi 6 động cơ oxy/dầu hỏa lỏng. Tên lửa mới này được thiết kế với sức chở không dưới 10 tấn trên quỹ đạo gần Trái đất và không dưới 6 tấn trên quỹ đạo đồng bộ mặt trời 700 km. Điều này sẽ giúp cải thiện khả năng vận chuyển của Trung Quốc trong khu vực các vệ tinh quỹ đạo thấp và quỹ đạo đồng bộ mặt trời.

Tên lửa Trường Chinh-12 sẽ được phóng tại địa điểm phóng tàu vũ trụ thương mại đầu tiên của nước này hiện đang được xây dựng tại thành phố Văn Xương, thuộc tỉnh đảo Hải Nam phía nam Trung Quốc.

Ngoài ra, danh sách các sứ mệnh không gian năm 2024 của CASC còn bao gồm các vụ phóng một vệ tinh quan sát độ mặn của đại dương, một vệ tinh giám sát điện từ và một tàu thăm dò thiên văn do Trung Quốc và Pháp đồng phát triển. Trong năm nay, CASC đang có kế hoạch liên tục thúc đẩy phát triển hơn 200 tàu vũ trụ khác nhau, bao gồm tàu vũ trụ có người lái thế hệ mới, tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga-7, tàu thăm dò Tianwen-2 để lấy mẫu tiểu hành tinh và một số loại tàu khác.

Riêng trong nửa đầu năm 2024, Trung Quốc chuẩn bị phóng Queqiao-2, một vệ tinh chuyển tiếp liên lạc giữa Mặt trăng và Trái đất cùng với tàu thăm dò mặt trăng Chang'e-6, một sứ mệnh nhằm thu thập các mẫu vật từ phía bên kia của Mặt trăng. Nếu thành công, đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người một sứ mệnh nghiên cứu như thế này được thực hiện.

Theo các thông tin ban đầu được Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc công bố, các thiết bị khoa học từ Pháp, Italy và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu/Thụy Điển sẽ được đưa lên tàu đổ bộ của sứ mệnh Chang'e-6.

Trước đó trong cả năm 2023, Trung Quốc đã thực hiện tổng cộng 67 sứ mệnh không gian và đưa 211 thiết bị vũ trụ vào không gian, thiết lập kỷ lục và đưa nước này trở thành nước có số vụ phóng nhiều thứ hai trên thế giới.

Myanmar: Người trẻ từ chối trở thành ‘lá chắn sống’ của chính phủ quân sự

Một vụ giẫm đạp khiến hai người chết bên ngoài văn phòng làm hộ chiếu, những đoàn người xếp hàng dài vô tận trước các đại sứ quán là những gì đang xảy ra ở Myanmar kể từ khi lệnh nhập ngũ bắt buộc được ban bố.

Chính phủ quân sự Myanmar đang phải đối mặt với sự phản kháng ngày càng hiệu quả chống lại sự cai trị của họ và đã để mất nhiều khu vực rộng lớn của đất nước vào tay các nhóm kháng chiến có vũ trang.

Vào ngày 1/2/2021, quân đội Myanmar đã lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính, bỏ tù các nhà lãnh đạo được bầu và đẩy phần lớn đất nước vào một cuộc nội chiến đẫm máu vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.

Hàng ngàn người đã thiệt mạng và Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 2,6 triệu người phải chạy nạn. Những người Myanmar trẻ tuổi, nhiều người trong số đó đóng vai trò lãnh đạo hoạt động phản đối và chống lại chính quyền, giờ đây được thông báo rằng họ sẽ phải nhập ngũ và chiến đấu cho chế độ.

Nhiều người tin rằng đây là kết quả của những thất bại mà quân đội chính phủ hứng chịu trong những tháng gần đây, khi các nhóm chống chính phủ đoàn kết lại để đánh bại họ ở một số khu vực then chốt.

"Thật vô nghĩa khi phải phục vụ trong quân đội vào thời điểm này, bởi vì chúng tôi đang không chiến đấu với quân xâm lược nước ngoài. Chúng tôi đang đánh nhau. Nếu tòng quân, chúng tôi sẽ góp sức vào sự tàn bạo của họ", Robert, nhà hoạt động 24 tuổi, nói với BBC.

Thay vào đó, nhiều người trong số họ đang tìm cách rời khỏi đất nước.

“Tôi đến vào lúc 3 giờ 30 sáng [giờ địa phương] và lúc đó đã có khoảng 40 người xếp hàng lấy số để xin thị thực,” một cô gái trẻ tuổi chen vào đám đông lớn bên ngoài Đại sứ quán Thái Lan ở Yangon hồi tháng Hai nhớ lại. Cô kể rằng chỉ sau một giờ, đám đông trước đại sứ quán đã lên tới hơn 300 người.

“Tôi sợ rằng nếu tôi chậm chân thì đại sứ quán sẽ ngưng xử lý thị thực trong bối cảnh hỗn loạn,” cô nói với BBC và cho biết thêm rằng một số người phải đợi ba ngày mới lấy được số xếp hàng.

Tại Mandalay, nơi xảy ra hai trường hợp tử vong bên ngoài văn phòng làm hộ chiếu, BBC nhận được tin cũng có những người bị thương nặng - một người gãy chân sau khi rơi xuống cống còn một người khác bị gãy răng, sáu người khác bị khó thở.

Justine Chambers, nhà nghiên về Myanmar tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, cho biết chế độ tòng quân bắt buộc là một cách loại bỏ những thường dân trẻ đang lãnh đạo cuộc cách mạng.

“Chúng ta có thể phân tích luật nhập ngũ bắt buộc là dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của quân đội Myanmar, nhưng cuối cùng luật này lại nhằm mục đích hủy hoại sinh mạng… Một số người sẽ tìm cách trốn thoát, nhưng nhiều người sẽ trở thành lá chắn sống chống lại đồng bào của chính họ,” bà nói.

Luật nghĩa vụ quân sự của Myanmar lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2010 nhưng mãi đến ngày 10/2/2024 mới được thi hành. Chính quyền quân sự cho biết họ sẽ bắt buộc tất cả nam giới từ 18-35 tuổi và nữ từ 18-27 tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự ít nhất hai năm.

Thiếu tướng Zaw Min Tun, người phát ngôn của chính phủ quân sự, cho biết trong một thông cáo rằng khoảng 1/4 trong số 56 triệu dân Myanmar đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự theo luật.

Chính quyền quân sự sau đó nói rằng họ không có kế hoạch đưa phụ nữ vào danh sách lính nghĩa vụ "trong thời điểm hiện tại" nhưng không nói rõ điều đó có nghĩa là gì.

Người phát ngôn của chính phủ quân đội nói với BBC News Miến Điện rằng việc tuyển quân sẽ bắt đầu sau lễ hội Thingyan đánh dấu năm mới của người Myanmar vào giữa tháng 4, với đợt đầu tiên là 5.000 người.

Thông báo của chế độ đã giáng một đòn nữa vào giới trẻ Myanmar.

Nhiều người đã bị gián đoạn việc học hành do cuộc đảo chính, khi các trường học phải đóng cửa vào thời cao điểm của đại dịch Covid-19.

Theo Liên đoàn Giáo viên Myanmar, vào năm 2021, chính quyền đã đình chỉ công tác của 145.000 giáo viên và nhân viên của các trường đại học vì ủng hộ phe đối lập, và một số trường học trong các khu vực do phe đối lập chiếm giữ đã bị tàn phá do giao tranh hoặc không kích.

Sau đó, có những người Myanmar đã vượt biên để tìm nơi ẩn náu, trong số đó có những người trẻ đang tìm việc làm để nuôi sống gia đình.

Phản ứng với luật nghĩa vụ quân sự, một số người đã nói trên mạng xã hội rằng họ sẽ đi tu hoặc kết hôn sớm để trốn lệnh tòng quân.

Chính quyền cho biết việc miễn nghĩa vụ quân sự vĩnh viễn được áp dụng với thành viên của các nhóm tôn giáo, phụ nữ đã kết hôn, người khuyết tật, những người được đánh giá là không phù hợp để phục vụ quân đội và "những người được hội đồng nghĩa vụ quân sự miễn trừ". Đối với những trường hợp khác, trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt tù từ ba đến năm năm và phạt tiền.

Nhưng Robert nghi ngờ rằng chính quyền sẽ không minh bạch về những trường hợp miễn trừ. “Chính quyền có thể bắt giữ và bắt cóc bất cứ ai họ muốn. Không có luật pháp và họ không phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ ai,” anh này nói.

Các gia đình giàu có trong xã hội đang cân nhắc việc chuyển ra nước ngoài sinh sống - Thái Lan và Singapore là những lựa chọn phổ biến, nhưng một số gia đình thậm chí còn nhìn xa hơn, tới tận Iceland - với hy vọng rằng con cái họ sẽ có được thẻ thường trú hoặc có quốc tịch ở đó trước khi đến tuổi nhập ngũ.

Có những người đã chọn gia nhập lực lượng kháng chiến, Aung Sett từ Liên đoàn Sinh viên Toàn Miến Điện, tổ chức có lịch sử chống lại sự cai trị của quân đội từ lâu, cho biết.

“Khi biết tin mình sẽ phải đi nghĩa vụ quân sự, tôi thực sự thất vọng, đồng thời thấy xót xa cho người dân, nhất là những người còn trẻ như tôi. Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đã đăng ký tham gia đấu tranh chống lại chính quyền," chàng trai 23 tuổi nói với BBC từ nơi anh đang sống lưu vong.

Một số nhà quan sát cho rằng việc thực thi luật nghĩa vụ quân sự hiện nay cho thấy quyền lực của chính quyền quân sự đối với đất nước đang giảm dần.

Vào tháng 10 năm ngoái, chế độ này đã chịu thất bại nghiêm trọng nhất kể từ cuộc đảo chính. Một liên minh các nhóm nổi dậy thuộc các nhóm dân tộc đã chiếm được hàng chục tiền đồn quân sự dọc biên giới với Ấn Độ và Trung Quốc. Chính quyền cũng đã mất nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn vào tay quân nổi dậy dọc biên giới Bangladesh và Ấn Độ.

Theo Chính phủ Thống nhất Quốc gia, tự xưng là chính phủ lưu vong của Myanmar, hơn 60% lãnh thổ Myanmar hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng kháng chiến.

“Bằng việc bắt đầu cưỡng bức tòng quân sau một loạt thất bại thảm hại và nhục nhã trước các tổ chức vũ trang người dân tộc, quân đội đang công khai chứng minh rằng họ đã trở nên tuyệt vọng đến mức nào,” Jason Tower, Giám đốc quốc gia phụ trách chương trình Miến Điện thuộc Viện Hòa bình Mỹ, cho biết.

Ông Tower dự đoán động thái này sẽ thất bại do sự phẫn nộ đối với chính quyền ngày càng tăng.

"Nhiều thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc trốn sang các nước láng giềng, làm gia tăng các cuộc khủng hoảng nhân đạo và tị nạn trong khu vực. Điều này có thể dẫn đến sự thất vọng ngày càng gia tăng ở Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh, tất cả những người đang ở các quốc gia này có thể không ủng hộ cho chính quyền," ông nói.

Ngay cả khi quân đội tìm cách tăng quân số bằng vũ lực, điều này cũng sẽ không giải quyết được vấn đề sa sút tinh thần trong quân ngũ. Ông nói rằng việc huấn luyện lực lượng mới sẽ mất nhiều tháng.

Chính quyền quân sự từ lâu đã thực hiện việc "tuyển quân cưỡng bức" ngay cả trước khi luật nghĩa vụ được ban hành, Ye Myo Hein, một thành viên tại Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson, cho biết.

“Luật pháp có lẽ chỉ đóng vai trò là bình phong cho việc ép buộc các tân binh vào quân đội. Với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, không có thời gian để chờ đợi quá trình tuyển mộ tân binh kéo dài và dần dần, thế là [các quan chức] khai thác pháp luật để nhanh chóng ép buộc mọi người phải nhập ngũ," ông nói.

Ngay cả đối với những người tìm cách trốn đi, nhiều người trong số họ sẽ mang theo vết thương và nỗi đau tinh thần trong suốt quãng đời còn lại.

“Việc này thực sự khó khăn đối với những người trẻ tuổi ở Myanmar, cả về thể chất lẫn tinh thần. Chúng tôi đã mất đi ước mơ, hy vọng và tuổi trẻ của mình. Mọi chuyện không thể giống như trước đây được nữa,” thủ lĩnh sinh viên Aung Sett nói.

"Ba năm trôi qua như không có gì. Chúng tôi đã mất đi bạn bè, đồng nghiệp trong cuộc chiến chống lại chính quyền và nhiều gia đình đã mất đi người thân. Đó là một cơn ác mộng đối với đất nước này. Chúng tôi đang chứng kiến những hành động tàn bạo do chính quyền quân sự gây ra mỗi ngày. Tôi không thể diễn tả bằng lời."

Israel tập kích 'sâu chưa từng thấy' vào lãnh thổ Lebanon

Quân đội Israel tấn công mục tiêu gần thành phố Baalbek ở miền đông Lebanon, đánh dấu cuộc tập kích sâu nhất vào lãnh thổ nước này trong nhiều năm.

"Israel đã tập kích trúng tòa nhà được một tổ chức dân sự thuộc Hezbollah dùng làm trụ sở" tại khu vực ngoại ô thành phố Baalbek và một nhà kho của nhóm vũ trang gần thành phố, một nguồn tin an ninh Lebanon ngày 26/2 cho biết.

Hình ảnh do truyền thông Lebanon và Israel chia sẻ cho thấy những đám khói lớn bốc lên từ khu vực thành phố Baalbek, dường như là hiện trường vụ tấn công.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cùng ngày xác nhận "đang tập kích các mục tiêu liên quan Hezbollah ở sâu trong lãnh thổ Lebanon", song chưa công bố chi tiết.

Đây là lần đầu tiên IDF tấn công mục tiêu ở miền đông Lebanon kể từ khi giao tranh giữa Israel và Hezbollah bùng phát tháng 10 năm ngoái, đồng thời là đòn tập kích sâu nhất vào lãnh thổ Lebanon trong nhiều năm qua.

Các đòn đánh trước đó của IDF trước đó chủ yếu nhắm vào miền nam Lebanon, khu vực giáp biên giới với Israel, dù lực lượng này vài tuần gần đây bắt đầu tập kích sâu hơn. Vụ tấn công hôm nay cho thấy quân đội Israel bắt đầu mở rộng quy mô chiến dịch trả đũa Hezbollah, một nguồn tin an ninh Lebanon cho hay.

Thành phố Baalbek ở thung lũng Bekaa được coi là thành trì chính trị của lực lượng Hezbollah, đồng thời là đầu mối giao thông và nông nghiệp quan trọng của Lebanon. Thành phố này cũng là nơi đặt nhiều di tích La Mã cổ đại.

Sau khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát hôm 7/10/2023, lực lượng Hezbollah thường xuyên dùng tên lửa, đạn pháo và máy bay không người lái (UAV) tấn công lãnh thổ Israel, nhằm thể hiện ủng hộ với nhóm vũ trang Hamas ở Dải Gaza, đồng minh trong "trục kháng chiến" chống Israel và phương Tây do Iran dẫn dầu ở Trung Đông. Israel cũng liên tục tiến hành các cuộc tập kích nhằm trả đũa Hezbollah.

Giao tranh giữa Hezbollah và Israel đã khiến ít nhất 278 người Lebanon thiệt mạng, phần lớn là thành viên nhóm vũ trang. IDF cho biết 10 binh sĩ nước này và 6 dân thường đã chết sau các cuộc tập kích của Hezbollah.

Nhóm vũ trang sáng ngày 26/2 thông báo đã phá hủy UAV Elbit Hermes 450 của Israel ở miền nam Lebanon bằng tên lửa phòng không. IDF sau đó xác nhận một trong những chiếc UAV của lực lượng này đã bị bắn hạ, thêm rằng Hezbollah đã phóng tổng cộng hai tên lửa vào chiếc phi cơ, trong đó phòng không Israel đánh chặn được quả đầu tiên, song để lọt quả tiếp theo.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Gallant ngày 25/2 tuyên bố Tel Aviv sẽ không dừng hoạt động chống nhóm Hezbollah ở Lebanon, ngay cả khi Israel đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin với Hamas.

Nguồn: CafeF; Soha; Mekong Asean; BBC; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang