Kinh tế Nhật lạm phát; Bệnh viện HQ chao đảo; Hun Sen trở lại chính trường; 4 kịch bản ở Ukraine; Cuộc cách mạng từ AI

Kinh tế Nhật Bản chuyển sang tình trạng lạm phát

Thống đốc BOJ nhận định, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, kinh tế Nhật Bản không còn trong tình trạng giảm phát mà là tình trạng lạm phát.

Sự quan tâm hiện nay của thị trường là khi nào Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Ueda Kazuo dự báo, các doanh nghiệp trong nước sẽ chủ động tăng lương cho nhân viên trong cuộc đàm phán tăng lương vào mùa xuân này khi thị trường đang thiếu lao động. Do đó, chu kỳ tăng lương và lạm phát bền vững có thể được tạo ra và sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang đặt ra mục tiêu nếu đạt được lạm phát ổn định 2% sẽ chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn đang thực hiện.

Trong cuộc họp chính sách gần nhất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, ban điều hành đã đưa ra những tuyên bố được xem là động thái mở đường cho việc bình thường hóa chính sách tiền tệ, có thể các tuyên bố rõ ràng hơn về việc chấm dứt lãi suất âm sẽ được công bố trong cuộc họp vào tháng 3 tới.

Ưu tiên của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tránh sự gián đoạn trong chính sách tiền tệ và duy trì môi trường tài chính phù hợp. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Ueda Kazuo cho biết sẽ thực hiện bình thường hóa thận trọng trên cơ sở theo dõi và đánh giá tổng hợp tác động từ xu hướng lạm phát, tiền lương cũng như chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn khác.

Các bệnh viện Hàn Quốc chao đảo do đình công hàng loạt

Hãng tin Yonhap đưa tin, ngày 24/2 hàng loạt bệnh viện lớn trên khắp Hàn Quốc đã tiếp tục bị gián đoạn hoạt động, do hàng nghìn bác sĩ thực tập vẫn đình công trong ngày thứ năm liên tiếp, nhằm phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y của chính phủ.

Theo thống kê, gần 100 bệnh viện đa khoa tại Hàn Quốc hôm qua đã hủy bỏ hoặc hoãn các thủ tục không cần thiết và từ chối các bệnh nhân không cấp cứu, ưu tiên dịch vụ cho các trường hợp nghiêm trọng nhằm giảm thiểu áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống y tế.

Nhiều bệnh viên đã phải vận động sự giúp đỡ của các bác sĩ trong những chương trình nghiên cứu sinh, giáo sư và y tá để lấp đầy khoảng trống. Chính phủ Hàn Quốc trước đó cũng đã nâng mức độ khủng hoảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe lên mức “nghiêm trọng” cao nhất từ “thận trọng”, khuyến nghị những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ nên đến các phòng khám thay vì bệnh viện đa khoa.

Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng tạm thời mở rộng các dịch vụ y tế từ xa, chẳng hạn như tư vấn và kê đơn, tại tất cả các bệnh viện và phòng khám cho đến khi kết thúc đợt đình công.

Tính đến hôm 23/02, gần 8.900, tương đương 78,5%, trong số 13.000 bác sĩ thực tập sinh từ 96 bệnh viện giảng dạy lớn ở thủ đô Seoul và các nơi khác đã nộp đơn từ chức, trong đó có gần 8.000 bác sỹ trong số này hiện không đi làm.

Dự kiến sẽ có thêm nhiều bác sĩ cấp dưới tham gia cuộc đình công, gây lo ngại vì họ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các ca phẫu thuật và dịch vụ cấp cứu.

Ông Hun Sen quay trở lại chính trường

Cựu thủ tướng Hun Sen tham gia cuộc đua Thượng viện Campuchia, mở đường để ông quay trở lại chính trường sau khi từ chức hồi năm ngoái.

Ông Hun Sen, 71 tuổi, sáng 25/2 bỏ phiếu gần nhà riêng ở thành phố Takhmao, tỉnh Kandal, để giành một ghế trong Thượng viện Campuchia. Cựu thủ tướng cho biết ông có ý định trở thành Chủ tịch Thượng viện.

Ủy viên Hội đồng Chhim Vanarith, bỏ phiếu tại cùng địa điểm, hoan nghênh động thái này. "Nếu ông ấy lãnh đạo Thượng viện, rõ ràng đất nước chúng ta sẽ phát triển và hòa bình hơn nữa", ông Vanarith nói.

4 đảng chính trị, trong đó có đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền của ông Hun Sen, đảng Funcinpec theo chủ nghĩa bảo hoàng và hai đảng đối lập nhỏ đều tham gia cuộc bầu cử.

Trong 62 ghế Thượng viện, 58 ghế sẽ được bầu bởi 125 nghị sĩ và hơn 11.000 chính quyền địa phương. Vua Norodom Sihamoni sẽ bổ nhiệm hai thượng nghị sĩ, trong khi quốc hội bổ nhiệm hai người còn lại.

Hầu hết các cử tri đủ điều kiện đều là thành viên của CPP, khiến chiến thắng của ông Hun Sen gần như là chắc chắn.

Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia dự kiến mất vài tuần để công bố kết quả cuối cùng. Dù vậy, các cử tri ở thủ đô Phnom Penh dường như đang rất mong muốn thấy ông Hun Sen trở lại chính trường.

"Ông ấy có nhiều kinh nghiệm nên nếu ông lãnh đạo Thượng viện, đất nước chúng tôi sẽ thịnh vượng", trưởng xã Oeu Siphon nói với AFP.

4 kịch bản cho xung đột Nga-Ukraine, kịch bản số 1 dễ xảy ra nhất

Điều tốt nhất có thể hy vọng là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ trở thành một cuộc xung đột có cường độ thấp hơn, ít khốc liệt hơn, và cục bộ hơn…

Vào sáng sớm ngày này cách đây 2 năm, truyền thông phương Tây đồng loạt đưa tin về tiếng nổ lớn được nghe thấy ở Kiev, Odessa, Kharkov và Donbass sau bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trên kênh truyền hình nhà nước về việc khai màn “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Hiện cuộc chiến trên bộ ngay giữa lòng châu Âu đã bước sang năm thứ 3. Sau sự chật vật trước các cuộc tấn công ban đầu, tiếp theo là hy vọng tăng cao về một sự “lật ngược tình thế” nhanh chóng, giờ đây thực tế trên tiền tuyến đang báo hiệu một năm bế tắc ở phía trước.

Điều quyết định quỹ đạo xung đột

Binh lính Ukraine đã kiệt sức và Quân đội Ukraine đang thiếu đạn pháo và tên lửa phòng không, trong khi các loại vũ khí như chiến đấu cơ F-16 và hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân MGM-140 (ATACMS) do Mỹ sản xuất vẫn chưa được cung cấp với số lượng đáng kể.

Năm nay sẽ là một năm “phục hồi và chuẩn bị cho cả 2 bên, giống như năm 1916 và 1941-1942 trong các cuộc Thế chiến I và II”, ông Marc Thys, người đã nghỉ hưu với tư cách là Thứ trưởng Quốc phòng Bỉ vào năm ngoái với cấp bậc Trung tướng, nói với trang Politico EU hôm 22/2.

Không ai có thể đưa ra lộ trình chính xác cho năm 2024, nhưng các chuyên gia và quan chức đều đồng ý rằng 3 điều cơ bản sẽ quyết định quỹ đạo của cuộc chiến trong những tháng tới.

Đầu tiên, cuối tháng 3 sẽ là thời điểm đặc biệt quan trọng đối với số phận của Quân đội Ukraine. Kiev sẽ không có đủ trang thiết bị cần thiết để tiến hành một cuộc phản công đúng nghĩa nếu Quốc hội Mỹ không thông qua dự luật viện trợ mới.

Một quan chức Mỹ nói với tờ National News có trụ sở tại UAE rằng sẽ khó xác định chính xác khi nào tình hình của Quân đội Ukraine có thể xấu đi, nhưng lưu ý rằng tình trạng thiếu hụt nguồn lực dự kiến sẽ còn nghiêm trọng hơn trong mùa xuân.

Thứ hai, Nga đã giành được ưu thế về pháo binh, và cùng với các cuộc tấn công trên bộ không ngừng, đang đánh vào các vị trí của Ukraine. Tình hình sẽ càng tệ hơn cho Ukraine khi Nga sử dụng nhiều hơn sức mạnh không quân của mình, bao gồm cả việc ném nhiều bom lượn dẫn đường bằng vệ tinh như đã làm ở thành phố Avdiivka thuộc khu vực tiền tuyến Donbass.

Thứ ba, nếu không có hệ thống phòng không và tên lửa tầm xa cũng như đạn pháo của phương Tây, Kiev sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng một hệ thống phòng thủ bền vững và đáng tin cậy.

Các quan chức Mỹ dự đoán những kịch bản tương tự sẽ xảy ra ở những nơi khác ở Ukraine khi chính quyền buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về nơi đặt các lực lượng phòng không ít ỏi còn lại của mình.

“Những thứ được bảo vệ ngày hôm nay – họ sẽ không thể bảo vệ tất cả những địa điểm này trong tương lai nếu nguồn cung thiết bị đánh chặn không được duy trì”, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói. Và nếu Nga giành được quyền kiểm soát bầu trời, “nó sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc chiến này”.

“Mục tiêu chính của chúng tôi là ngăn chặn hàng không Nga. Nếu chúng tôi không thể làm được điều đó thì đã đến lúc phải thu dọn đồ đạc”, một quan chức Ukraine nói thêm.

“Năm nay sẽ khó khăn. Không ai có thể đoán trước được Nga sẽ đi theo hướng nào, hay liệu chúng tôi có thể tiến lên trong năm nay hay không”, ông Taras Chmut, một nhà phân tích quân sự Ukraine và Trung sĩ thuộc Lực lượng Dự bị Thủy quân lục chiến của Lực lượng Hải quân, cho biết. Tuy nhiên, rõ ràng Ukraine đang ở thế yếu.

Kịch bản dễ xảy ra nhất

Các nhà phân tích tại Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist có trụ sở tại London, Anh, nhận định cuộc chiến ở Ukraine rất có thể sẽ phát triển thành một “cuộc chiến kéo dài nhưng ít khốc liệt hơn” trong năm thứ 3 này.

Các nhà phân tích cho rằng giao tranh kéo dài trong năm nay sẽ khiến công cuộc tái thiết Ukraine bị trì hoãn và khiến việc huy động số tiền cần thiết, ước tính lên tới gần 1.000 tỷ USD, trở nên khó khăn hơn.

“Điều tốt nhất có thể hy vọng là cuộc chiến sẽ trở thành một cuộc xung đột có cường độ thấp hơn và cục bộ hơn, ngăn ngừa thiệt hại thêm ở những khu vực cho đến nay chưa bị ảnh hưởng bởi chiến sự”, EIU cho biết trong một báo cáo nhân kỷ niệm dấu mốc 2 năm xung đột.

Trong số 4 kịch bản mà các chuyên gia của EIU đưa ra, thì kịch bản dễ xảy ra nhất là một năm “hai bên đều thua” nhưng “tiền tuyến không có thay đổi gì đáng kể”.

Một kịch bản như vậy – có xác suất 60% – có thể khiến kho vũ khí của cả 2 bên thêm cạn kiệt, nhưng được xây dựng dựa trên giả định rằng viện trợ phương Tây cho Ukraine sẽ không suy giảm đến mức có thể dẫn đến lợi thế cho Nga.

Ukraine vẫn không ngừng vận động hành lang để đảm bảo thêm viện trợ cho nỗ lực chiến tranh của nước này nhằm chống lại các lực lượng Nga.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của The Economist nhận thấy có 30% khả năng việc ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng sẽ khiến nguồn tài trợ của Mỹ giảm mạnh, dẫn đến việc Ukraine buộc phải đình chiến.

Trong kịch bản này, Kiev sẽ phải đàm phán “từ thế yếu” và sẽ có một thỏa thuận hòa bình “chính thức hóa quyền kiểm soát của Nga đối với một số vùng của Ukraine”, báo cáo dài 10 trang của EIU cho biết.

Sức hút của ông Trump đối với nền chính trị Mỹ đã làm đình trệ sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine tại Quốc hội “xứ cờ hoa” trước khi cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 11. Quan điểm của cựu Tổng thống là phản đối cung cấp viện trợ mới.

Các nhà phân tích cũng tin rằng bất kỳ lợi ích quân sự nào của Nga, chẳng hạn như ở miền Đông Ukraine, sẽ gây ra phản ứng từ Mỹ và châu Âu, khiến khả năng xảy ra sự sụp đổ hoàn toàn của sự hỗ trợ của phương Tây ít hơn.

“Chúng tôi tin rằng cả Mỹ và EU sẽ tìm ra cách để duy trì dòng viện trợ vì những gì xảy ra ở Ukraine có ý nghĩa địa chính trị to lớn”, EIU cho biết.

Kịch bản thứ ba của EIU, trong đó Nga giành thêm quyền kiểm soát ở miền Nam và miền Đông Ukraine trong một cuộc tấn công mùa hè, có khả năng xảy ra là 20%.

Điều này có thể thúc đẩy Mỹ và các đồng minh vội vã thông qua các gói viện trợ bổ sung, hoặc nó cũng có thể “gieo rắc sự chia rẽ về logic của việc duy trì một cuộc chiến lâu dài mà Ukraine khó có thể giành chiến thắng”.

Các chuyên gia của EIU chỉ nhìn thấy 10% cơ hội Ukraine có thể giành được lợi ích đáng kể, do các vấn đề kinh tế và bất đồng nội bộ cản trở nỗ lực đánh bật các lực lượng Nga.

Kịch bản này cũng có thể có nghĩa là Ukraine chiếm ưu thế trong việc hàn gắn sự chia rẽ ở phương Tây và dẫn đến nỗ lực hướng tới viện trợ bổ sung.

Dù giới phân tích bi quan về cơ hội đột phá của Ukraine nhưng bế tắc kéo dài “không phải là không có rủi ro cho Nga”, các chuyên gia tại EIU cho biết, đề cập đến các vấn đề như tình hình chính trị trong nước và lạm phát gia tăng

Cuộc cách mạng từ trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo đang ảnh hưởng sâu rộng đến nhân loại, bao gồm cả việc mở ra cuộc cách mạng toàn diện cho ngành chip bán dẫn.

Trong sự kiện Intel Foundry Direct Connect vừa diễn ra vào ngày 22.2 (theo giờ VN) tại TP.San Jose (bang California, Mỹ), trí tuệ nhân tạo (AI) được đánh giá là động lực then chốt tạo ra cuộc cách mạng cho ngành chip bán dẫn.

Thời đại của AI

Phát biểu tại sự kiện nói trên, ông Pat Gelsinger, Tổng giám đốc (CEO) của Intel, đã giải thích lý do quan trọng để tập đoàn này xây dựng nên Intel Foundry - công ty đúc chip hệ thống đầu tiên trên thế giới. Đấy chính là sự chi phối toàn diện của AI đối với hầu hết các lĩnh vực. Qua đó, AI hiện diện từ các hệ thống nội bộ, dịch vụ chăm sóc khách hàng, điện toán đám mây, xe điện… Ông dẫn một số kết quả nghiên cứu dự báo tổng nhu cầu thị trường AI đạt đến 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Cũng nhờ AI, kinh tế số đang chiếm tỷ trọng hơn 15% trong tổng nền kinh tế toàn cầu và sẽ tăng lên mức 33% vào năm 2030.

Qua đó, CEO Gelsinger cho rằng nếu trước đây, cuộc cạnh tranh phát triển chip bán dẫn hầu như xoay quanh vấn đề tăng nhân, tăng xung cho chip thì hiện nay đòi hỏi ở mức độ cao hơn, có tính hệ thống hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển AI. Vì vậy, Intel Foundry ra đời nhằm cung cấp hệ thống toàn diện cho các đối tác để phát triển chip bán dẫn đáp ứng các nhu cầu chuyên biệt trong kỷ nguyên AI hiện nay.

Cũng phát biểu tại sự kiện trên, ông Stu Pann, Phó chủ tịch Tập đoàn Intel kiêm CEO của Intel Foundry, dẫn chứng rằng để chạy một mô hình dạy cho máy học nhằm phát triển AI thì hiện có thể phải cần đến hàng trăm ngàn bộ xử lý trung tâm (CPU) và sắp đến đòi hỏi đến hàng triệu CPU cho mỗi mô hình phát triển máy học. Cho nên, nếu như thập niên 2000 với sự phát triển của công nghệ kết nối không dây giúp bùng nổ thị trường máy tính xách tay, thì kỷ nguyên AI thúc đẩy một sự bùng nổ toàn diện cho ngành chip bán dẫn.

Phát biểu tại Intel Foundry Direct Connect, ông Sam Altman, CEO kiêm đồng sáng lập OpenAI (đơn vị phát triển ChatGPT), cũng nhấn mạnh các hệ thống AI cần liên tục được "dạy" để có hiệu quả cao hơn.

Thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng

Thực tế, từ năm ngoái đến nay, NVIDIA đã đạt kết quả kinh doanh ấn tượng nhờ vào sản phẩm bộ xử lý đồ họa H100. Ban đầu, mức giá lên đến 35.000 USD của H100 dẫn đến lo ngại sản phẩm này sẽ khó tiêu thụ. Nhưng chính sự bùng nổ của ChatGPT đã khiến cho H100 được "săn hàng" để chạy các ứng dụng phát triển từ ChatGPT.

Hiện nay, những đại gia công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, Meta, Google… hay thậm chí là Amazon cũng nhập cuộc phát triển AI. Điều đó không chỉ khiến nhu cầu chip bán dẫn tăng lên mà còn dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc ngành bán dẫn khi Microsoft, Meta, Google… cũng hướng đến phát triển các dòng chip phù hợp với đặc điểm phát triển AI mà những công ty này đang theo đuổi.

Sau một thời gian lệ thuộc vào chip của NVIDIA, Microsoft cũng tăng cường tự chủ. Phát biểu dưới hình thức trực tuyến tại sự kiện Intel Foundry Direct Connect, Chủ tịch kiêm CEO Microsoft Satya Nadella tuyên bố Microsoft đã chọn một thiết kế chip mà họ dự định sản xuất trên quy trình Intel 18A để hợp tác với Intel. Ông Nadella chia sẻ: "Chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi nền tảng vô cùng thú vị. Điều này sẽ thúc đẩy tăng năng suất của mọi tổ chức, cũng như toàn bộ ngành". Quá trình chuyển đổi mà ông nói chính là sự phát triển bùng nổ của AI.

Vĩ mô hơn, ở tầm quốc gia, cũng phát biểu tại sự kiện trên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhấn mạnh việc củng cố năng lực cạnh tranh về AI đòi hỏi sự tự chủ về chuỗi cung ứng bán dẫn có vai trò then chốt đối với vị thế quốc gia. Điều này cũng mở ra sự đa dạng, cân bằng hơn về nguồn cung cấp bán dẫn, góp phần tái cấu trúc chuỗi cung ứng của ngành này.

Google tạm ngưng ứng dụng AI tạo hình

Hôm qua, CNN đưa tin Google đang tạm dừng ứng dụng Gemini, một công cụ AI chuyên tạo hình ảnh, sau khi công cụ này bị chỉ trích trên mạng xã hội vì tạo ra những hình ảnh không chính xác về mặt lịch sử. Điển hình, với câu lệnh "tạo một bức ảnh binh sĩ Đức vào năm 1943", Gemini cho ra hình ảnh người da màu mặc quân phục của Đức thời Thế chiến 2. Vì thế, Google tạm ngưng Gemini để rà soát và khắc phục sai sót.

Nguồn: CafeF; VOV; Vnexpress; Người Đưa Tin; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang