Thế giới thiếu thuốc; Sức mạnh của TQ; Cuộc chiến TQ-Úc kết thúc; ĐNA bùng nổ tội phạm mạng; Nỗi ám ảnh khủng bố

THẾ GIỚI THIẾU THUỐC TRẦM TRỌNG: NHÀ SẢN XUẤT CHỈ ‘ĐÂM ĐẦU’ LÀM DÒNG SINH LỜI CAO, CHỈ 1 GIÁN ĐOẠN NHỎ TẠI TRUNG QUỐC CŨNG KHIẾN NGUỒN CUNG ĐIÊU ĐỨNG

Khủng hoảng thuốc diễn ra do thế giới quá phụ thuộc vào các nhà máy ở Ấn Độ, Trung Quốc.

Trong quá trình hóa trị cho cậu con trai 23 tuổi, bà Kristin Caparra được thông báo rằng methotrexate - một trong những loại thuốc vô cùng quan trọng với việc điều trị ung thư xương ác tính sắp hết. Sự thiếu hụt khiến chàng trai bỏ lỡ một liều methotrexate tại Bệnh viện Pennsylvania, Philadelphia.

Ngay sau khi biết tin, bà Caparra lập tức liên hệ với các tổ chức hỗ trợ để thu xếp nguồn cung thay thế. Đối với những bệnh nhân khác, thiếu methotrexate đồng nghĩa với việc họ phải chuyển sang các loại thuốc kém hiệu quả hơn.

“Tôi biết con trai tôi là một trong số hàng ngàn người sử dụng phương pháp điều trị này. Thật là khủng khiếp khi biết được rằng trẻ em sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu thuốc”, bà Kristin Caparra nói.

Theo FT, thiếu hụt thuốc đang diễn ra ở mức cao kỷ lục trên khắp các quốc gia châu Âu, thậm chí cao nhất trong 10 năm ở Mỹ vào năm ngoái. Các công ty dược phẩm lớn tập trung phát triển dòng thuốc cải tiến với tỷ suất lợi nhuận cao để bù đắp chi phí nghiên cứu, trong khi các loại thuốc gốc không bằng sáng chế như methotrexate lại tạo nên xương sống cho ngành chăm sóc dược phẩm. Được biết, 91% thuốc kê đơn ở Mỹ và 70% ở châu Âu là thuốc gốc.

Bất chấp vai trò thiết yếu trong hoạt động chăm sóc sức khỏe toàn cầu, chuỗi sản xuất, cung ứng yếu kém khiến thuốc gốc không còn hấp dẫn để sản xuất, đồng thời dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc về nguồn cung. Rob Moss, nhà tư vấn dược bệnh viện ở Utrecht, Hà Lan, cho biết: “Bất kỳ sự gián đoạn nào đều gây ra tình trạng thiếu hụt ở hạ nguồn”.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất thuốc gốc Anh, trong tháng 1, nước này thiếu 99 loại thuốc gốc, tức gấp đôi con số được tổng hợp 2 năm trước đó. Điều này đã ảnh hưởng đến nguồn cung các loại thuốc như liệu pháp thay thế hormone và thuốc điều trị ADHD.

Có rất ít dữ liệu để theo dõi tình trạng thiếu hụt tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Họ không thể cạnh tranh về giá với các quốc gia giàu có hơn. “Nơi nào nguồn cung sản phẩm khan hiếm, người trả giá cao nhất sẽ được lợi”, Claudia Martinez, người đứng đầu nghiên cứu tại Access to Medicine Foundation, một tổ chức phi chính phủ châu Âu, cho biết.

Đối với bệnh nhân, sự thiếu hụt khiến chi phí điều trị trở nên tốn kém và không hiệu quả, thậm chí dẫn đến biến chứng và nguy cơ tử vong cao. 3/4 các tập đoàn dược phẩm quốc gia châu Âu được khảo sát hồi năm ngoái cho biết tình trạng thiếu hụt đã trở nên tồi tệ và gây ra nhiều tác dụng phụ.

Dario Trapani, một bác sĩ tại Viện Ung thư Châu Âu khi nghe tin thuốc paclitaxel sắp hết hàng ở Ý đã vô cùng sợ hãi. Ông cho biết trong 6 tháng qua, các thành viên ESMO đã báo cáo tình trạng thiếu “loại thuốc rất rẻ” mà “họ sử dụng hàng ngày” trên khắp lục địa.

Giai đoạn đầu tiên của quá trình sản xuất thuốc bao gồm việc tạo ra các hoạt chất dược phẩm (API) thông qua quá trình xử lý và tinh chế. API sau đó được chuyển đổi thành liều lượng thành phẩm trong giai đoạn sản xuất thứ hai, thường diễn ra tại các cơ sở riêng biệt. Thuốc thành phẩm cuối cùng sẽ được chuyển đến các trung tâm phân phối.

Đối với cả 2 giai đoạn, thế giới phụ thuộc nhiều vào các nhà máy Ấn Độ và Trung Quốc, một phần do chi phí sản xuất thấp và nền tảng kỹ năng cao. FT cho biết các nhà sản xuất Ấn Độ và Trung Quốc sở hữu hơn 50% chứng chỉ chất lượng cần thiết cho API và 48% chứng chỉ cần thiết dành cho những loại thuốc được sử dụng trong điều trị ung thư.

“Càng phụ thuộc vào nhà sản xuất ở xa, bạn càng có nguy cơ thiếu thuốc”, Mujaheed Shaikh, giáo sư quản lý y tế tại Trường Hertie ở Berlin, nói và cho biết sự phụ thuộc đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt kháng sinh kéo dài ở châu Âu vào năm 2022.

Lần đầu tiên được sử dụng để điều trị ung thư ở trẻ em vào năm 1949, methotrexate hỗ trợ điều trị bệnh vẩy nến, viêm khớp dạng thấp và Crohn. Liều cao nhất thường xuyên bị thiếu hụt là dành cho điều trị ung thư, bao gồm bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính và ung thư hệ bạch huyết.

Intas - công ty sản xuất dược phẩm Ấn Độ là nhà cung cấp methotrexate thành phẩm chính cho Mỹ thông qua công ty con Accord Healthcare. Vào năm 2022, Accord đã đóng góp 35% nguồn cung methotrexate tại Mỹ cũng như hơn một nửa nguồn cung cấp các loại thuốc trị ung thư quan trọng khác, trong đó có carboplatin và cisplatin.

Tuy nhiên, một cuộc điều tra vào năm 2022 đã khiến Intas phải tạm dừng sản xuất. Trong vòng sáu tháng, điều này đã gây ra một cuộc chiến tranh giành các loại thuốc trị ung thư chính do nhà máy sản xuất. Sự thiếu hụt sau đó lan rộng khắp thị trường toàn cầu.

Vào tháng 8 năm ngoái, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu báo cáo tình trạng thiếu methotrexate ở 11 quốc gia EU. Monica Dias, người đứng đầu cơ quan cung cấp thuốc và thiết bị y tế, cho biết vấn đề nằm ở tình trạng thiếu hụt chứ không phải do Intas ngừng hoạt động. Vụ việc đã bộc lộ “những điểm yếu cố hữu” trên thị trường.

Theo FT, giá của một mũi tiêm methotrexate ở Mỹ là 21,80 USD khi thanh tra FDA đến thăm nhà máy Intas vào tháng 12 năm 2022, giảm so với 26,30 USD vào đầu năm 2019. Giá niêm yết của Methotrexate kể từ đó đã tăng lên 28,40 USD/mũi.

Ngay cả khi Intas đã nối lại việc cung cấp thuốc điều trị ung thư cho Mỹ, Valerie Jensen, phó giám đốc nhân viên phụ trách tình trạng thiếu thuốc của FDA, vẫn cho rằng tình trạng thiếu hụt sẽ không thể giải quyết trong vài tháng.

Pfizer, nhà cung cấp methotrexate cho 40 quốc gia, đang tăng cường sản xuất tại Úc, song quá trình này đòi hỏi đầu tư rất nhiều cho nhân viên, thiết bị chuyên dụng và năng lực sản xuất. Các biện pháp có thể mất từ 12 đến 18 tháng để tác động đến nguồn cung.

Trong khi đó, giá thấp đẩy cao sự cạnh tranh và ngăn cản những người mới tham gia thị trường. Richard Saynor, giám đốc điều hành của Sandoz, một nhà sản xuất thuốc thuốc tách ra từ Novartis năm ngoái, cho biết: “Bởi vì mức giá quá kinh khủng nên không ai bận tâm đầu tư vốn để thâm nhập vào lĩnh vực đó nữa. Thị trường không hề hấp dẫn”.

Ủy ban Thương mại Liên bang vào tháng trước đã phát động một cuộc điều tra về vai trò của các tổ chức mua thuốc theo nhóm, vốn mua thuốc gốc cho bệnh viện và các trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe. FTC sẽ đánh giá xem liệu những “người trung gian” này có minh bạch hay không.

Trong khi các bác sĩ nêu lên mối lo ngại về tác động của tình trạng tắc nghẽn nguồn cung đối với bệnh nhân và các nhà sản xuất nhấn mạnh tính kém hấp dẫn của thuốc gốc, phía hoạch định chính sách lại thảo luận về rủi ro địa chính trị của nguồn cung từ Trung Quốc và Ấn Độ. Mục tiêu của Đạo luật Thuốc sắp tới là khôi phục nguồn cung và khuyến khích dự trữ thuốc.

Hiện có rất ít động lực để các nhà sản xuất dừng tìm kiếm nguồn hàng từ các nhà máy giá rẻ tại châu Á. Diederik Stadig, nhà kinh tế chăm sóc sức khỏe tại ngân hàng ING của Hà Lan, cho biết: “Tôi ngạc nhiên khi có rất nhiều cuộc thảo luận về quyền tự chủ chiến lược xung quanh chip và tất cả các loại công nghệ kỹ thuật số ở châu Âu nhưng lại không ai nhắc đến thuốc cả”.

Để khôi phục hoạt động sản xuất, các hệ thống chăm sóc sức khỏe cuối cùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn, vào đúng thời điểm ngân sách quốc gia ngày càng căng thẳng. Bank, từ Excella, nhà sản xuất API methotrexate của Đức, nghi ngờ rằng điều này sẽ sớm xảy ra.

“Trong thời gian Covid-19, chúng tôi đã thảo luận về việc đưa hoạt động sản xuất trở lại châu Âu để tránh tình trạng thiếu hụt như thế này”, ông nói.

SỨC MẠNH KHÔNG TƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC: CÓ KHẢ NĂNG 'CHIA THẾ GIỚI' LÀM 2, MỸ KHÔNG CÓ CỬA ĐỊCH LẠI

Trung Quốc đang chia thế giới làm 2.

Mùa xuân năm ngoái, một nhóm các giám đốc điều hành Nissan tập trung tại trụ sở chính của công ty ở Yokohama, Nhật Bản. Họ nhìn chằm chằm vào chiếc bản đồ thế giới đang được đánh dấu màu chằng chịt.

Màu đỏ ám chỉ những quốc gia chặn ô tô xuất khẩu từ Trung Quốc. Màu vàng cho những nơi có nguy cơ chặn trong tương lai. Màu xám có thể đặt ra một số hạn chế, còn màu xanh lá chỉ những nước không giới hạn.

Mục đích của cuộc họp hôm đó nhằm tìm hiểu xem Nissan có nên nỗ lực xuất khẩu ô tô sản xuất tại Trung Quốc hay không, ngay cả khi căng thẳng địa chính trị gia tăng. Các giám đốc điều hành nhận ra khoảng 60% các quốc gia nằm trong vùng “xanh” hoặc “xám”.

“Nhìn vào bản đồ, bạn có thể thấy rằng 80% thị trường có thể chấp nhận ô tô do Trung Quốc sản xuất”, Masashi Matsuyama, người đứng đầu đơn vị đầu tư của Nissan tại Trung Quốc, cho biết.

Và thế là, Nissan quyết định thực hiện kế hoạch xuất khẩu của mình. Vào tháng 11, nhà sản xuất ô tô thông báo sẽ bắt đầu vận chuyển xe sản xuất từ Trung Quốc vào năm 2025, bao gồm cả xe hybrid và xe điện.

Cùng với Nissan, Ford, Tesla và BYD cũng đang tăng cường xuất khẩu từ Trung Quốc. Động thái của họ nhấn mạnh căng thẳng địa chính trị đang định hình lại ngành công nghiệp ô tô như thế nào, từ đó thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô cập nhật chiến lược về nơi họ sẽ sản xuất và mua bán.

Thế giới ngày càng trở nên phân cực. Nhiều nhà sản xuất ô tô toàn cầu xem xét tăng cường xuất khẩu từ Trung Quốc chứ không phải Mỹ. Một số quốc gia tại Đông Nam Á và Trung Đông nằm trong danh sách được quan tâm.

Volkswagen, nhà sản xuất ô tô nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc, có kế hoạch giữ một số công nghệ do Trung Quốc phát triển để hạn chế hậu quả từ căng thẳng địa chính trị. Gần đây hãng đã phải ngừng nhập khẩu hàng nghìn chiếc ô tô có chứa linh kiện Trung Quốc bị trừng phạt vào Mỹ.

Các hạn chế có thể là tin buồn đối với người tiêu dùng bởi xe Trung Quốc rẻ, mẫu mã đẹp. Phần còn lại, có thể đến từ Mỹ, đa phần đều đắt tiền và chính sách áp dụng cho xe điện cũng chậm hơn.

“Công nghệ mới khó có thể mở rộng với tốc độ tương tự tại các thị trường trưởng thành như Mỹ, nơi sẽ ngày càng bị cô lập. Công nghệ mới sẽ được phân phối ở mức giá cao”, Bill Russo, giám đốc điều hành của Auto Mobility, một công ty có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết.

Được biết tại Mỹ, do nhu cầu với xe điện mất đà, một số công ty buộc phải trì hoãn kế hoạch. Trong khi đó, tại Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới, phần lớn vẫn đang đầu tư mạnh mẽ ngay cả khi cạnh tranh trở nên quá khắc nghiệt.

Nỗi lo thế giới tràn ngập hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc đang gia tăng ở một số khu vực. Năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất khi vận chuyển khoảng 5 triệu xe ra nước ngoài. Các điểm đến lớn nhất bao gồm Mexico, Úc và Ả Rập Xê-Út.

Tất nhiên, ô tô Trung Quốc hiếm khi được nhìn thấy ở Mỹ do mức thuế áp đặt quá cao. Vào tháng 2, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho Bộ Thương mại mở một cuộc điều tra phần mềm do nước ngoài sản xuất nhằm ngăn chặn xe điện Trung Quốc tràn ngập thị trường.

Hiện tại, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đều muốn định vị Trung Quốc như một trung tâm xuất khẩu. Tesla xuất khẩu ô tô sản xuất tại Thượng Hải sang rất nhiều khu vực, bao gồm cả châu Á-Thái Bình Dương. Dữ liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc cho thấy hãng đã xuất khẩu khoảng 344.000 xe ra nước ngoài vào năm ngoái, tăng 27% so với một năm trước đó. Ford, vốn đang vật lộn với doanh số bán hàng sụt giảm ở Trung Quốc, hiện đang nhắm tới thị trường Đông Nam Á và châu Mỹ. Họ cho biết đã xuất khẩu hơn 100.000 xe từ Trung Quốc vào năm ngoái.

Tại Thái Lan, thị phần của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản truyền thống bao gồm Toyota và Nissan đã giảm xuống 78% vào năm 2023 từ mức 85% một năm trước đó. Nguyên nhân phần lớn do các thương hiệu Trung Quốc chiếm doanh số áp đảo. Thành công chủ yếu đến từ chính sách giá rẻ bất ngờ.

Cụ thể, một trong những loại xe điện phổ biến nhất là Wuling Hong Guang Mini chỉ có giá 5.000 USD. Tại triển lãm ô tô Thượng Hải trước đó, BYD cũng đã tung ra một chiếc hatchback có tên là Seagull chỉ với giá dưới 11,000 USD.

“Tôi đã thử lái một số thương hiệu EV của Trung Quốc, và trời ơi, châu Âu chắc chắn sẽ gặp rắc rối”, Tu Le, giám đốc điều hành của Sino Auto Insights, một công ty tư vấn chuyên về ô tô Trung Quốc, nói.

Các thương hiệu Mỹ, bao gồm cả Tesla, từ lâu đã muốn sản xuất những chiếc xe điện giá rẻ – “chén thánh” trong công cuộc giúp nó trở thành người dẫn đầu. Chúng đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời thuyết phục thành công nhà đầu tư phố Wall đẩy mạnh sản xuất. Dẫu vậy, gần 20 năm trôi qua, chiếc xe rẻ nhất của Tesla, Model 3 sedan, vẫn có giá tới 43.000 USD.

“Liệu các công ty Trung Quốc có thể làm nên chuyện chỉ nhờ xe điện? Câu trả lời là có. Ai mà không muốn những xe giá cả phải chăng chứ?”, Bill Russo, cựu giám đốc điều hành của Chrysler kiêm CEO của Automobility, một công ty tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải, nói với Insider.

TRUNG QUỐC DỠ BỎ THUẾ QUAN ĐỐI VỚI RƯỢU VANG ÚC, CHẤM DỨT 3 NĂM ĐÓNG BĂNG THƯƠNG MẠI

Trung Quốc sẽ dỡ bỏ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với rượu vang Úc từ ngày 29 tháng này, Bộ thương mại Trung Quốc cho biết hôm 28/3, chấm dứt ba năm áp thuế trừng phạt mà các nhà sản xuất rượu vang Úc mong đợi lâu nay.

Mức thuế lên tới 218,4% được áp dụng lần đầu tiên vào tháng 3 năm 2021 trong thời hạn 5 năm cùng với một loạt rào cản thương mại khác đối với hàng hóa của Úc khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng sau khi Canberra kêu gọi điều tra nguồn gốc của Covid-19.

Mối quan hệ đã được cải thiện đáng kể bắt đầu từ năm ngoái, dẫn đến việc Trung Quốc dần dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với hàng hóa của Úc, từ lúa mạch đến than đá, đồng thời làm dấy lên hy vọng các mức thuế trừng phạt đối với các chuyến hàng đến thị trường xuất khẩu rượu vang hàng đầu của Úc sẽ sớm được dỡ bỏ.

“Do tình hình thị trường rượu vang Trung Quốc đã thay đổi, thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với rượu vang nhập khẩu từ Úc không còn cần thiết nữa,” Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.

Trước đây, rượu vang Úc nhập khẩu vào Trung Quốc được hưởng mức thuế bằng 0 sau khi hiệp định thương mại tự do được ký kết vào năm 2015, mang lại cho họ lợi thế thuế quan 14% so với nhiều quốc gia sản xuất rượu vang khác.

Theo tuyên bố của Bộ Thương mại, trong nửa đầu năm 2023, rượu vang Úc chỉ chiếm 0,14% lượng rượu vang nhập khẩu của Trung Quốc so với 27,46% vào năm 2020 trước khi bị áp mức thuế cao.

Chính phủ Úc cho biết trong một tuyên bố rằng họ “hoan nghênh kết quả này, được đưa ra vào thời điểm quan trọng đối với ngành công nghiệp rượu vang Úc”.

"Kể từ năm 2020, thuế của Trung Quốc đối với rượu vang Úc đã khiến các nhà sản xuất Úc không thể xuất khẩu rượu đóng chai sang thị trường đó. Xuất khẩu rượu vang của Úc sang Trung Quốc trị giá 1,1 tỷ USD vào năm 2019."

Ông Campbell Thompson, Giám đốc điều hành của nhà nhập khẩu và phân phối rượu vang The Wine Republic có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng “đây là một tin tuyệt vời”. "Chúng tôi rất vui mừng và mong sớm được giới thiệu lại một số loại rượu vang tuyệt vời đến Trung Quốc."

Các nhà sản xuất rượu vang Úc đã chuẩn bị cho việc giảm thuế của Trung Quốc trong nhiều tháng. Dữ liệu thương mại cho thấy gần 2,5 triệu lít rượu vang từ Úc nhập vào Hong Kong trong tháng 12, tăng từ khoảng 685.000 lít mỗi tháng trong những năm gần đây và nhiều nhất kể từ tháng 9 năm 2019.

Bắc Kinh bắt đầu áp thuế đối với các sản phẩm của Úc vào năm 2020, khiến Canberra phải khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Khi thuế quan đối với rượu vang Úc được áp dụng vào năm 2021, Canberra đã kêu gọi WTO phân xử tranh chấp.

Người phát ngôn Bộ thương mại Trung Quốc Hà Á Đông nói với các phóng viên hôm 28/3 rằng dưới với nỗ lực chung của cả hai bên, Trung Quốc và Úc đã đạt được sự đồng thuận về giải quyết tranh chấp hợp lý trong khuôn khổ WTO.

Theo tuyên bố của Úc, việc loại bỏ thuế quan của Trung Quốc có nghĩa là Úc sẽ ngừng các thủ tục pháp lý tại WTO.

Nhà sản xuất rượu vang đầu của Úc Treasury Wine Estates nói họ hoan nghênh thông báo này và sẽ bắt đầu hợp tác với khách hàng ở Trung Quốc để mở rộng doanh số bán hàng và tiếp thị cũng như quản lý thương hiệu.

“Thông báo ngày hôm nay là một tín hiệu tích cực đáng kể không chỉ đối với Treasury Wine Estates mà còn đối với cả ngành công nghiệp rượu vang Úc và người tiêu dùng rượu vang ở Trung Quốc,” Giám đốc điều hành Tim Ford cho biết trong một tuyên bố.

Việc dỡ bỏ thuế quan cũng sẽ là một động thái đáng hoan nghênh đối với những người trồng nho ở Úc khi hàng triệu cây nho đang bị phá hủy để hạn chế tình trạng sản xuất quá mức trong bối cảnh mức tiêu thụ rượu vang trên toàn thế giới giảm.

ĐÔNG NAM Á BÙNG NỔ TỘI PHẠM MẠNG

Thống kê mới ở Thái Lan cho thấy chỉ trong năm 2023, người dân nước này đã nhận được tới 79 triệu tin nhắn và cuộc gọi lừa đảo

Theo báo The Bangkok Post, thống kê từ ứng dụng nhận diện cuộc gọi Whoscall cho thấy số tin nhắn lừa đảo mà người dân Thái Lan phải chịu đựng là 58 triệu, tăng 17% so với năm 2022; còn số cuộc gọi lừa đảo là 20,8 triệu, tăng 22% so với năm trước.

Các con số trên khiến Thái Lan trở thành quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi tin nhắn SMS lừa đảo nhất tại châu Á năm 2023, mỗi người dân nước này nhận được trung bình 20,3 tin nhắn như vậy. Các báo cáo cũng chỉ ra những tin nhắn này thường chứa các liên kết giả mạo và phần mềm độc hại.

Tính chung trên toàn châu Á, tổng số cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo được ghi nhận năm 2023 là 347,3 triệu, tuy giảm 14% so với một năm trước đó nhưng vẫn còn cao.

Tổng thư ký Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), ông Jurgen Stock, cho biết các đường dây lừa đảo qua mạng ở Đông Nam Á đã trở thành một mạng lưới toàn cầu thu về tới 3.000 tỉ USD mỗi năm, trong đó mỗi nhóm tội phạm như vậy có thể kiếm tới 50 tỉ USD/năm.

"Lợi dụng tính ẩn danh trực tuyến, lấy cảm hứng từ các mô hình kinh doanh mới và được tăng tốc bởi đại dịch COVID-19, các nhóm tội phạm có tổ chức này đang hoạt động ở quy mô không thể tưởng tượng được so với 1 thập kỷ trước đó" - hãng tin Reuters dẫn lời ông Stock trong cuộc họp báo tại Singapore hôm 27-3.

"Ngày nay, ngân hàng - hay nói đúng hơn là bất cứ ai - có khả năng bị cướp bằng bàn phím hơn là bị chĩa súng. Tội phạm mang tính khu vực ở Đông Nam Á đã trở thành một cuộc khủng hoảng buôn người toàn cầu với hàng triệu nạn nhân, bao gồm cả những người đang phải làm việc trong các trung tâm lừa đảo trực tuyến lẫn những người nhận cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo" - ông Stock nói.

Interpol cho biết thêm họ đã thực hiện gần 3.500 vụ bắt giữ, tịch thu khoảng 300 triệu USD tài sản bất hợp pháp ở 34 quốc gia châu Á kể từ năm 2021.

Một báo cáo độc lập từ Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồi năm ngoái trích dẫn "các nguồn đáng tin cậy" rằng ít nhất 120.000 người tại Myanmar và 100.000 người tại Campuchia "có thể đang lâm vào các tình huống buộc phải lừa đảo trực tuyến".

Tại Singapore, chính quyền đã thực hiện các bước đi mới để ứng phó sau khi công dân nước này ước tính bị thiệt hại ít nhất 633,3 triệu SGD (tương đương 469 triệu USD) trong năm 2021 vì loại tội phạm ngày càng gia tăng này.

Trong đó, ứng dụng có tên ScamShield do Hội đồng Ngăn chặn lừa đảo quốc gia giới thiệu có khả năng kiểm tra các tin nhắn SMS và cuộc gọi đến dựa trên danh sách số lừa đảo đã biết, sau đó chuyển thẳng SMS lừa đảo vào thư rác và chặn luôn các cuộc gọi có trong "danh sách đen".

Cơ quan Phát triển truyền thông Infocomm của Singapore cũng bắt buộc tất cả tổ chức phải đăng ký với Cơ quan Đăng ký ID người gửi SMS (SSIR) của nước này.

Trong khi đó, Philippines báo cáo thiệt hại 155 triệu peso do lừa đảo trực tuyến chỉ trong 8 tháng đầu năm 2023 - theo cổng tin tức Rappler.

Để giải quyết, ngân hàng trung ương nước này đã yêu cầu mọi tổ chức tài chính phải có hệ thống phát hiện và giám sát lừa đảo tự động. Philippines cũng đang xem xét thông qua một luật mới nhằm hình sự hóa các cuộc tấn công vào các tài khoản tài chính bằng cuộc gọi, SMS lừa đảo...

Còn tại Malaysia, Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số đang làm việc với Văn phòng Thủ tướng để tiến tới thành lập Lực lượng đặc nhiệm chống lừa đảo quốc gia tại Ngân hàng Negara Malaysia (ngân hàng trung ương Malaysia) để hạn chế nạn lừa đảo trực tuyến.

Về phía người dùng, các chuyên gia khuyên họ chỉ nên tiếp nhận thông tin từ các nguồn đáng tin cậy.

"Hai mặt" AI

Các công ty an ninh mạng và chuyên gia đang nhận thấy sự gia tăng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động tội phạm ở Đông Nam Á, dẫn đến các "thủ đoạn lừa đảo phức tạp hơn".

Một thủ đoạn đáng chú ý là sử dụng AI để giả mạo người nổi tiếng và nhắm đến các nhóm dễ bị tổn thương, như người cao tuổi và không rành công nghệ. Theo một báo cáo của Sumsub (một nền tảng xác thực của Anh), số lượng nội dung deepfake ở châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 1.530% trong giai đoạn 2022-2023. Báo cáo không cho biết con số cụ thể. Deepfake là kỹ thuật sử dụng AI để tạo ra video hoặc hình ảnh giả mạo một cách chân thực với mục đích truyền bá thông tin sai lệch.

Theo đài ChannelNewsAsia, AI cũng tạo ra diện mạo mới đáng lo về bắt nạt trên mạng ở khu vực. Trong chỉ vài phút, AI tạo sinh có thể phân tích các bài đăng trên mạng xã hội, hoạt động trực tuyến hoặc thông tin cá nhân của mục tiêu để tạo ra các nội dung đe dọa.

Trước khi có AI, cá nhân nào muốn tấn công người khác trên mạng sẽ phải dành thời gian viết bài và thông điệp, đồng thời đối mặt nguy cơ bị xác định danh tính và chịu trách nhiệm về hành động của họ. Với AI, hành vi bắt nạt trực tuyến giờ đây diễn ra nhanh, nghiêm trọng và ở quy mô lớn hơn.

Trong nỗ lực đối phó, các công ty an ninh mạng và chính phủ đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính AI. Chẳng hạn, Cơ quan Khoa học và Công nghệ Home Team của Singapore đang phát triển bộ công cụ sử dụng AI để phát hiện các trang web và nội dung độc hại, video và âm thanh giả mạo.

Một số công ty bảo mật dùng AI để đối phó nạn tấn công mạng, như phân tích kiểu hành vi để phát hiện điều bất thường có thể báo hiệu một cuộc tấn công tiềm tàng.

Ngoài ra, các hệ thống AI có thể được huấn luyện để bảo vệ hệ thống trực tuyến, như tự động phát hiện mối đe dọa, xác định phần mềm độc hại mới và bảo vệ dữ liệu nhạy cảm. Một điều cần làm nữa là ban hành các quy định để ngăn chặn tình trạng lạm dụng AI.

KHỦNG BỐ - NỖI ÁM ẢNH CHƯA DỨT

Vụ khủng bố tại Nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô thủ đô Moscow cuối tuần qua khiến cả thế giới bàng hoàng và phẫn nộ, tiếp tục rung lên hồi chuông cảnh tỉnh về chủ nghĩa khủng bố ngày càng lan rộng.

Khoảng 8 giờ tối ngày 22/3, bốn kẻ khủng bố đã dùng súng máy bắn thẳng vào những người đang tiến vào Nhà hát để thưởng thức buổi biểu diễn của nhóm nhạc rock Picnic khá tên tuổi từ thời Liên Xô cũ.

13 phút, 137 người thiệt mạng

Vụ xả súng kéo dài trong vòng 13 phút. Trước khi rời đi chúng đã tưới các chai bom xăng (cocktail Molotov) nhằm thiêu rụi nhà hát và gây thêm thương vong. Theo nhà chức trách, khoảng 6.200 khán giả đang có mặt tại Trung tâm biểu diễn khi vụ khủng bố diễn ra, đa số là những người trung tuổi.

Theo số liệu mới nhất của Ủy ban điều tra Liên bang Nga, đến ngày 26/3, có 139 người thiệt mạng, trong đó có ba trẻ em. Trong số này, có 137 người chết tại hiện trường vụ tấn công, hai người trong bệnh viện. Ngoài ra, hơn 180 người bị thương, trong đó có 9 người (gồm 1 trẻ em) trong tình trạng nguy kịch.

Bốn thủ phạm quốc tịch Tajikistan bị lực lượng an ninh Nga bắt giữ ngay sáng 23/3 trên đường chạy trốn tại vùng Bryansk, gần biên giới với Ukraine cách Moscow 400 km. Ngoài ra, 11 đồng phạm bị an ninh Nga bắt giữa những ngày tiếp theo.

Vụ xả súng ở Nhà hát Crocus City Hall là vụ khủng bố đẫm máu nhất tại nước Nga trong vòng 20 năm qua, sau vụ bắt giữ con tin tại Nhà hát Dubrovka ở Moscow tháng 10/2002 khiến 170 người chết, trong số đó có 40 kẻ khủng bố và vụ tấn công vào trường học ở thị trấn Beslan, Bắc Ossetia trong ngày khai giảng năm học 1/9/2004 làm 334 con tin thiệt mạng, trong đó có 183 trẻ em.

Thế giới chia buồn

Ngay sau vụ việc, các tổ chức quốc tế và lãnh đạo các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Cuba, Pháp, Mỹ… đã gửi điện chia buồn tới lãnh đạo và người dân Nga, lên án chủ nghĩa khủng bố, bày tỏ tình đoàn kết với chính phủ và người dân Nga, đồng thời tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Moscow.

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres lên án mạnh mẽ vụ tấn công trong khi Hội đồng Bảo an LHQ khẳng định “chủ nghĩa khủng bố là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế” và “các thủ phạm, những kẻ tổ chức, tài trợ cho hành động khủng bố ghê tởm này phải chịu trách nhiệm và phải bị đưa ra trước công lý”.

Truy tìm thủ phạm

Một ngày sau vụ xả súng, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trên truyền hình khẳng định, đây là vụ giết người hàng loạt có tổ chức nhằm vào những dân thường không có khả năng tự vệ. Nhà lãnh đạo Nga cam kết sẽ trừng phạt thích đáng những kẻ khủng bố gây ra vụ thảm sát kinh hoàng nhắm vào những người dân vô tội. Ông Putin đồng thời cho biết, những kẻ tấn công hướng về phía Ukraine trên đường chạy trốn và “một cánh cửa mở sẵn bên kia biên giới Ukraine để chờ đón những kẻ này”.

Trước đó, ngay sau khi vụ tấn công, một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm một cách khá nhanh chóng. Theo tờ New York Times, từ những thông tin tình báo mà Mỹ thu thập được, rất có thể nhóm Nhà nước Hồi giáo-Khorasan (IS-K) ở Afghanistan là thủ phạm đứng đằng sau vụ việc.

Các nước phương Tây đều cho rằng, chính Nhóm Hồi giáo cực đoan này là thủ phạm gây ra vụ việc chứ Ukraine không liên quan.

Ngày 24/3, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nói với truyền thông rằng, “không có bất kỳ bằng chứng nào về sự liên quan của Ukraine. Theo những gì chúng tôi biết, IS-K sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm về những gì đã xảy ra”. Bà Harris cũng lưu ý, trước vụ tấn công, Washington đã chia sẻ thông tin về âm mưu này với Moscow.

Giống như Mỹ, các đại diện của Liên minh châu Âu có những phát biểu với nội dung tương tự về việc ai phải chịu trách nhiệm. Ông Peter Stano, đại diện chính thức của bộ phận chính sách đối ngoại EU bác bỏ cáo buộc nhằm vào Ukraine và nói rằng không có bằng chứng cho thấy Kiev có liên quan đến vụ tấn công. Về phía Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky phủ nhận ám chỉ của Moscow và tuyên bố Ukraine không liên quan đến vụ tấn công tàn bạo này.

Trong khi đó, sau các cuộc thẩm vấn những kẻ tấn công và điều tra, ngày 25/3, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, “những kẻ Hồi giáo cực đoan” đứng đằng sau vụ tấn công. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng, vụ việc có thể là một mắt xích trong một loạt âm mưu của những kẻ chống lại nước Nga kể từ năm 2014 và có thể có “những kẻ đã đặt hàng” mới thực sự đứng sau vụ việc. Tổng thống Putin khẳng định, sẽ tìm ra và trừng phạt đích đáng thủ phạm đồng thời cũng yêu cầu các cơ quan chức năng Nga phải tiến hành điều tra khách quan.

Liệu IS-K có thực sự là chủ mưu đến nay vẫn chưa được xác định. Hiện các cơ quan chức năng của Nga đang tích cực điều tra. Có điều chắc chắn rằng, chủ nghĩa khủng bố và các xung đột đang làm cho thế giới mất an toàn trầm trọng.

Nguồn: CafeF; Soha; VOA; Người Lao Động; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang