Thế giới thiếu gạo; BĐS TQ 'thoi thóp'; Chuyện gì đang xảy ra ở Sudan; 'Giáo phái nhịn đói' ở Kenya; Thách thức bủa vây Ukraine

Lý do khiến thế giới đối mặt với tình trạng thiếu gạo trầm trọng

(Ảnh minh họa).

Các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu gạo lớn nhất trong 2 thập kỷ - đài CNBC đưa tin.

CNBC trích dẫn một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions cho biết, theo ước tính, niên vụ 2022-2023 sẽ chứng kiến sự thiếu hụt 8,7 triệu tấn trong nguồn cung toàn cầu. Đây là mức thiếu hụt lớn nhất kể từ niên vụ 2003-2004 với mức thiếu 18,6 triệu tấn.

Dữ liệu từ Statista.com cho thấy sản lượng gạo toàn cầu năm ngoái là 502,9 triệu tấn, trở thành loại ngũ cốc được sản xuất nhiều thứ 3 sau ngô và lúa mì.

Tuy nhiên, sản lượng gạo đã giảm trong những tháng gần đây do thời tiết xấu ở các nước sản xuất gạo như Trung Quốc và Pakistan.

Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất toàn cầu, cung cấp hơn 148 triệu tấn gạo xay xát cho thị trường trong niên vụ 2021-2022. Nước này đã hứng chịu mưa lớn và lũ lụt vào nửa cuối năm ngoái, ảnh hưởng đến phần lớn diện tích đất trồng lúa của mình.

Hiện tại, Trung Quốc đang “trải qua mức độ hạn hán cao nhất ở các vùng trồng lúa trong hơn 2 thập kỷ”. Các nhà phân tích cho biết cả 2 tình huống đều có thể nghiêm trọng đối với cây trồng dễ bị tổn thương.

Pakistan, chiếm gần 8% thương mại gạo toàn cầu, cũng phải đối mặt với lũ lụt nghiêm trọng trong năm nay, khiến sản lượng hàng năm giảm 31%.

Hơn nữa, các dự báo cho rằng Ấn Độ, nước sản xuất gạo lớn thứ 2 thế giới, có thể phải hứng chịu nắng nóng gay gắt trong quý 2 và quý 3 năm 2023. Điều này cũng có thể gây nguy hiểm cho năng suất cây trồng của Ấn Độ.

Theo các nhà phân tích, các nước trồng lúa ở châu Âu như Pháp, Đức và Anh cũng đang phải hứng chịu đợt hạn hán ở mức cao nhất trong 20 năm qua, điều này có thể gây nguy hiểm hơn nữa cho nguồn cung trong năm nay.

Do sự thiếu hụt, các nhà phân tích kỳ vọng giá gạo sẽ duy trì quanh mức cao hiện tại, từ 16-18 USD/50,8kg, cao hơn gấp đôi so với năm 2020 - trong thời gian còn lại của năm.

Các nhà phân tích lưu ý rằng, ngoài hạn chế về nguồn cung, giá gạo còn bị ảnh hưởng bởi hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Cuộc xung đột này đã gây nguy hiểm cho nguồn cung ngũ cốc của cả Ukraine và Nga cho thị trường toàn cầu, đẩy giá lúa mì tăng cao, khiến gạo trở thành một lựa chọn thay thế ngày càng hấp dẫn và thúc đẩy nhu cầu.

Các nhà phân tích cảnh báo, vì gạo là mặt hàng lương thực chính trên nhiều thị trường, giá của nó dự kiến sẽ làm tăng lạm phát giá lương thực toàn cầu.

Tuy nhiên, Fitch Solutions ước tính thị trường gạo toàn cầu có thể trở lại “trạng thái gần như cân bằng vào năm 2023/24” và thặng dư vào năm 2024-25, chủ yếu là do sản lượng dự kiến ở Ấn Độ tăng đột biến.

(Nguồn: Soha)

Trung Quốc tung một loạt các biện pháp giải cứu nhưng ngành bất động sản vẫn 'thoi thóp' từng ngày: Vì đâu nên nỗi?

Giới đầu tư lo ngại rằng nếu Bắc Kinh không đưa ra những chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn, thì các nhà phát triển bất động sản nước này vẫn khó có thể sống sót.

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đáng lẽ ra phải chứng kiến thị trường trở nên khả quan hơn, khi doanh số bán nhà được cải thiện và Bắc Kinh cũng nới lỏng quy định với cả ngành. Kể từ cuối năm ngoái, chính phủ nước này đã thúc đẩy việc bình ổn thị trường nhà ở, thực hiện chiến dịch “3 mũi tên” để giúp các nhà xây dựng tư nhân có thể tiếp cận nguồn vốn và huy động vốn từ trái phiếu, vốn cổ phần dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, nhà đầu tư lại đang tỏ ra lạnh nhạt với lĩnh vực này. Một số quỹ phòng hộ có thành tích tốt nhất Trung Quốc đã đóng các vị thế với trái phiếu bất động sản, vốn được cho là lãi lớn trước đó. Trong những ngày gần đây, đợt bán tháo tồi tệ chưa từng có lại xảy ra ở một số doanh nghiệp được đánh giá là an toàn, chẳng hạn như tập đoàn điều hành trung tâm thương mại lớn nhất Trung Quốc, Dalian Wanda Commercial Management Group Co.

Hiện tại, nhà đầu tư lo ngại rằng “3 mũi tên” được thực hiện song vẫn không được thúc đẩy mạnh mẽ. Họ cho biết, nếu Bắc Kinh không đưa ra những chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn, thì các nhà phát triển vẫn khó có thể sống sót, khi cuộc khủng hoảng tín dụng của họ vẫn đang ở trạng thái căng thẳng.

Đầu tiên, hãy xem xét biện pháp chính được đưa ra để giúp các nhà xây dựng tư nhân tiếp cận thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Tháng 8 năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu nhà cung cấp tín dụng thuộc sở hữu nhà nước - China Bond Insurance (CBICL), bảo lãnh cho các trái phiếu của một nhóm các nhà phát triển phát hành. Country Garden Holdings Co., Cifi Holdings Group Co., và Seazen Holdings Co. đều tận dụng cơ hội này ngay sau khi có sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, bước đi đầu tiên dường như lại không mấy hiệu quả. Theo dữ liệu của Bloomberg, các nhà phát triển tư nhân chỉ huy động được 5,9 tỷ NDT (857 triệu USD) từ trái phiếu được đảm bảo trong năm nay.

Cifi ban đầu nhắm mục tiêu phát hành trái phiếu này vào giữa tháng 1. Đợt phát hành được thực hiện theo kế hoạch, với tổng trị giá 1,5 tỷ NDT sau nhiều lần bị trì hoãn do Cifi gặp khó khăn trong việc thuyết phục Ngân hàng Công thương Trung Quốc (CBC) và Ngân hàng Trung Quốc (BOC) trở thành nhà đầu tư chính. Các nhà băng này thận trọng và chùn bước, sau khi Cifi bất ngờ vỡ nợ trái phiếu nước ngoài vào tháng 10 năm ngoái.

Trong khi đó, Country Garden đã thu về 2,5 tỷ NDT từ chương trình trên. Song, thương vụ bán 1,7 tỷ NDT trái phiếu mới nhất lại cho thấy việc nhận được sự bảo lãnh từ các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước không hề dễ dàng. Theo Debtwire, để kế hoạch này được thực hiện, một LGFV sẽ cung cấp hỗ trợ tín dụng cho CBICL để thực hiện đợt phát hành trái phiếu mới cho doanh nghiệp. Ngược lại, Country Garden phải cầm cố một số tài sản thương mại của mình cho LGFV đó.

Bloomberg nhận định, chương trình phát hành trái phiếu được nhà nước bảo lãnh thông qua CBICL không còn phù hợp nữa. Những khó khăn trong quá trình này cho thấy Bắc Kinh không còn tin tưởng vào bảng cân đối kế toán của các nhà phát triển và cũng không muốn vướng vào các khoản vay của họ.

Trong khi đó, việc tạo điều kiện tăng vốn chủ sở hữu, một “mũi tên” khác nhằm cải thiện dòng tiền cho các nhà phát triển, cũng đang đặt ra câu hỏi lớn. Dalian Wanda cho biết rằng đợt IPO của 1 công ty con quản lý tài sản của họ sẽ không sớm diễn ra, vì cơ quan giám sát chứng khoán cần xây dựng chính sách chi tiết cho ngành bất động sản trước, theo Detbwire.

Đây là một “đòn giáng” mạnh đối với Wanda khi họ đặt mục tiêu niêm yết Zhuhai Wanda Commercial Management Group Co. vào cuối năm nay. Nếu thương vụ này không thể thực hiện, các nhà phát triển sẽ phải hoàn trả cho các nhà đầu tư đã đổ vốn vào trước đợt IPO từ khoảng 2 năm trước, với tổng số tiền là 6 tỷ USD cùng lợi nhuận hàng năm 8%.

Một yếu tố khác cũng quan trọng đó là tín dụng ngân hàng. Trong những tháng gần đây, các nhà băng đã phê duyệt nhiều khoản vay hơn cho các nhà phát triển. Tuy nhiên, ngân hàng đã giải ngân bao nhiêu để các nhà phát triển có thể tiếp tục hoàn thiện dự án và bàn giao nhà cho người mua? Có thể thấy, các nhà phát triển vẫn hoàn thành dự án, nhưng không xây dựng mới.

Theo Bloomberg, chiến dịch “3 mũi tên” không phải là bước đi hiệu quả. Doanh số bán nhà trên khắp Trung Quốc không tăng đủ nhanh và bước đi mới cũng chỉ được thực hiện một cách nửa vời. Cuộc khủng hoảng thanh khoản của ngành bất động sản - vốn chiếm tới 1/4 GDP, cho đến nay vẫn chưa kết thúc.

(Nguồn: CafeF)

Chuyện gì đang xảy ra ở Sudan?

(Ảnh minh họa).

Giao tranh nổ ra ở thủ đô Khartoum của Sudan và các nơi khác trong nước là kết quả trực tiếp của một cuộc đấu tranh quyền lực trong giới lãnh đạo quân sự.

Các cuộc đụng độ diễn ra giữa quân đội chính quy và một lực lượng bán quân sự có tên Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF).

Sudan nằm ở phía đông bắc châu Phi, với diện tích 1,9 triệu km2.

Đây cũng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với 46 triệu người có thu nhập trung bình hàng năm là 750 USD /người.

Dân số Sudan chủ yếu theo đạo Hồi và ngôn ngữ chính thức của đất nước là tiếng Ả Rập và tiếng Anh.

Kể từ cuộc đảo chính năm 2021, Sudan được điều hành bởi một hội đồng tướng lĩnh, đứng đầu là hai quân nhân đang mâu thuẫn.

Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu lực lượng vũ trang và trên thực tế là tổng thống của đất nước

Cấp phó của ông và lãnh đạo RSF, Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, được biết đến với cái tên Hemedti.

Điểm mấu chốt chính là các kế hoạch đưa RSF gồm 100.000 quân vào quân đội, và ai sẽ lãnh đạo lực lượng mới sau đó.

Tại sao cuộc chiến ở Sudan bắt đầu?

Vụ nổ súng bắt đầu vào ngày 15 tháng 4 sau nhiều ngày căng thẳng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vẫn còn tranh cãi về việc ai là người nổ phát súng đầu tiên nhưng giao tranh nhanh chóng leo thang ở các vùng khác nhau của đất nước với hơn 400 dân thường thiệt mạng.

RSF được thành lập vào năm 2013 và có nguồn gốc từ lực lượng dân quân khét tiếng Janjaweed đã chiến đấu với phiến quân ở Darfur, nơi họ bị tố cáo thanh trừng sắc tộc.

Kể từ đó, tướng Dagalo đã xây dựng một lực lượng hùng mạnh từng can thiệp vào các cuộc xung đột ở Yemen và Libya. Ông cũng đã phát triển các lợi ích kinh tế bao gồm kiểm soát một số mỏ vàng của Sudan.

RSF đã bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, bao gồm cả vụ thảm sát hơn 120 người biểu tình vào tháng 6 năm 2019.

Một lực lượng mạnh như vậy bên ngoài quân đội đã được coi là một nguồn gây bất ổn trong nước.

Cuộc giao tranh này là giai đoạn mới nhất trong những đợt căng thẳng sau vụ lật đổ Tổng thống phục vụ lâu năm Omar al-Bashir năm 2019, người lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính năm 1989.

Sau đó, một chính phủ quân sự-dân sự chung được thành lập nhưng đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính khác vào tháng 10 năm 2021, khi Tướng Burhan lên nắm quyền.

Và kể từ đó, sự cạnh tranh giữa Tướng Burhan và Tướng Dagalo ngày càng gay gắt.

(Nguồn: BBC)

Kenya rúng động vì phát hiện 73 thi thể liên quan 'giáo phái nhịn đói'

Nhiều thi thể trong vụ “giáo phái nhịn đói” ở Kenya được cho là tín đồ của một nhà thờ. Mục sư đứng đầu nhà thờ này đang là tâm điểm trong cuộc điều tra.

Ngôi làng Shakahola bụi bặm, lộng gió và nắng cháy, cách thiên đường du lịch Malindi, ở hạt Kilifi (Kenya) khoảng 70 km, là nơi mục sư Paul Mackenzie xem như khu đất thiêng của mình.

Cuộc sống ở đây khá yên bình vì người dân địa phương chủ yếu chăn gia súc và trồng trọt. Ngôi làng xa xôi đến nỗi họ phải vật lộn để bắt được tín hiệu mạng điện thoại di động.

Vào tháng 8/2019, ông Mackenzie chuyển đến Shakahola cùng với một số tín hữu, những người cần bắt đầu cuộc sống mới sau khi đóng cửa nhà thờ Quốc tế Tin Lành (Good News International) ở Malindi.

Hôm 22/3, ngôi làng bị đảo lộn sau khi các thám tử đột kích và bắt giữ ông Mackenzie vì liên quan đến cái chết của hai đứa trẻ. Theo các cuộc điều tra, mục sư này đã khiến các tín đồ tin vào học thuyết nguy hiểm của mình. Trong đó, một số người đang bị điều tra với các cáo buộc khủng khiếp, bao gồm bỏ đói và giết con, theo Nation Africa.

Đến ngày 23/4, cảnh sát Kenya phát hiện thêm hàng chục thi thể tại rừng Shakahola. Số thi thể hiện đã tăng lên 73. Những nạn nhân này được cho là tín đồ “giáo phái nhịn đói” của ông Mackenzie.

Giáo lý nguy hiểm

Theo tuyên bố của Tổng thanh tra Japhet Koome, các nạn nhân được cho là tín đồ của Nhà thờ Good News International, một "giáo phái tôn giáo đang bị nghi ngờ".

Tổng thống Kenya William Ruto cũng chỉ trích những hành động tôn giáo nguy hiểm này tương tự tội ác “khủng bố”, trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 24/4. “Những kẻ khủng bố sử dụng tôn giáo để thúc đẩy các hành động tàn ác của chúng”, ông nói.

Ông Mackenzie bị cáo buộc thao túng người dân địa phương thông qua các giáo lý tôn giáo cực đoan, sai lệch, cùng nỗi sợ hãi về những điều chưa biết và mong muốn theo đuổi sự cứu rỗi. Ông có 7 người con và đang làm nông ở làng Shakahola.

Mục sư này bị bắt hôm 14/4 sau khi chính quyền giải cứu hơn 15 nạn nhân khỏi khu đất của ông. Bốn người trong số họ đang trong tình trạng nguy kịch và qua đời ngay sau đó, theo các phương tiện truyền thông địa phương. New York Times hiện chưa thể tiếp cận ông Mackenzie hoặc luật sư đại diện.

Vài ngày sau, ông Mackenzie bị buộc tội bởi một thẩm phán tại Tòa án Luật Malindi. Thẩm phán này cho biết mục sư sẽ bị giam giữ trong hai tuần khi cảnh sát tiến hành điều tra.

“Tôi bị sốc về những lời buộc tội. Tôi đã đóng cửa nhà thờ Quốc tế Tin Lành ở Malindi từ tháng 8/2019. Tôi thậm chí đã bán các thiết bị và cả những chiếc ghế. Nếu ai từng cùng tôi thờ phượng trước đây, bây giờ họ nên tự mình làm điều đó chứ không phải nhân danh tôi, không phải mục sư Mackenzie”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn trước khi bị bắt giữ.

Lạm dụng

Một quan chức thuộc Văn phòng Giám đốc Công tố Kenya cho biết “các cuộc khai quật vẫn đang tiếp diễn”. “Vì vậy, cho đến khi cảnh sát tuyên bố kết thúc khai quật và khẳng định không còn thi thể nào, vụ việc sẽ chưa được đưa ra tòa”, quan chức này nói thêm, với điều kiện giấu tên vì không được phép tiết lộ công khai.

Trong khi đó, theo ông Charles Kamau - người đứng đầu cơ quan điều tra tội phạm ở Malindi, các nhà chức trách đã tiếp cận khu đất của ông Mackenzie sau khi nhận được tin báo từ người dân về những người đang chết đói tại đây.

“Chúng tôi nhận được thông tin rằng một số người ở đó đang bị bỏ đói vì bị tín đồ nhà thờ cực đoan hóa. (Tín đồ này) nói rằng sứ mệnh của họ trên thế giới này đã hết, họ nên chết và đi gặp người tạo ra mình”, ông Kamau nói trong một cuộc phỏng vấn với Citizen TV sau khi ông Mackenzie bị bắt.

Số thi thể dự kiến tiếp tục tăng khi các nhà điều tra khai quật. Một số nạn nhân được tìm thấy vẫn may mắn sống sót nhưng không chịu ăn hoặc uống nước. Theo Hội Chữ thập đỏ, ít nhất 112 người đã được thông báo mất tích.

Các video từ hiện trường vụ án cho thấy cảnh sát đang kéo các túi đựng thi thể và lùng sục khắp khu rừng. Bộ trưởng Nội vụ Kenya Kithure Kindiki đã gọi trường hợp này là một “vụ thảm sát”, phơi bày “sự lạm dụng rõ ràng nhất quyền tự do tôn giáo được hiến định của con người”.

Ông Kindiki cho biết thêm Kenya đã triển khai các đội an ninh nhằm phong tỏa 323 hecta rừng phục vụ cuộc điều tra. Sở Cảnh sát Quốc gia cũng triển khai các nhà điều tra pháp y và thám tử điều tra án mạng.

Trong khi đó, Walid Sketty, 28 tuổi và là thành viên của nhóm nhân quyền Haki, cho biết anh đã cố gắng đến khu đất của ông Mackenzie cùng với một số đồng nghiệp sau khi mục sư này bị bắt vào cuối tháng 3.

“Chúng tôi nghi ngờ có những người khác trong khu đất và muốn xem liệu có ai đó cần sự giúp đỡ hay không”, Sketty kể lại. Tuy nhiên, anh đã bị một nhóm đàn ông mang dao rựa ngăn chặn khi đến địa điểm này.

“Chúng tôi cho rằng chính phủ có lỗi vì thiếu thông tin tình báo. Đây là vấn đề nhân quyền: Nhà nước có nhiệm vụ đảm bảo rằng mạng sống của họ không bị tước đoạt, bất kể tín ngưỡng hay hoàn cảnh”, anh nói thêm.

(Nguồn: Zing News)

Thách thức bủa vây Ukraine trước trận chiến quyết định

(Ảnh minh họa).

Ukraine chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công nhằm đẩy lùi các lực lượng Nga khỏi các mặt trận giao tranh, tuy nhiên Kiev cũng đối mặt với những rủi ro nhất định.

Các quan chức Mỹ nhận định, nếu Ukraine không giành được chiến thắng mang tính quyết định trong cuộc phản công sắp tới, sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev có thể suy yếu và chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ phải chịu sức ép ngày càng tăng về việc phải bước vào các cuộc đàm phán nghiêm túc nhằm chấm dứt hoặc đóng băng cuộc xung đột với Nga.

Mỹ và các đồng minh NATO đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại pháo và đạn dược cho cuộc phản công dự kiến diễn ra vào đầu tháng tới và các quan chức phương Tây hy vọng nguồn viện trợ này sẽ kéo dài. Điều này cho thấy sự thay đổi so với hai tháng trước khi vũ khí chỉ được đưa "nhỏ giọt" vào Ukraine và các quan chức Mỹ thậm chí lo ngại rằng nguồn cung vũ khí có thể cạn kiệt.

Mặc dù Ukraine không tiết lộ nhiều với các quan chức Mỹ về kế hoạch phản công, nhưng chiến dịch này nhiều khả năng sẽ diễn ra ở khu vực phía nam, bao gồm dọc theo bờ biển của Ukraine trên Biển Azov, gần bán đảo Crimea - khu vực sáp nhập vào Nga năm 2014.

Ông Alexander Vershbow, cựu đại sứ Mỹ tại Nga và là quan chức cấp cao của NATO, cho biết: "Mọi thứ đều xoay quanh cuộc phản công này".

"Mọi người đều hy vọng, thậm chí lạc quan quá mức. Nhưng cuộc phản công này sẽ quyết định liệu có một kết quả tốt đẹp cho Ukraine hay không, nếu xét về việc khôi phục lãnh thổ trên chiến trường và tạo ra đòn bẩy quan trọng hơn để đạt được một số giải pháp thương lượng", ông Vershbow nhận định.

Trong khi các quan chức Ukraine cho biết mục tiêu của họ là phá vỡ hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga và tạo ra sự sụp đổ trên diện rộng của quân đội Nga, các quan chức Mỹ đánh giá rằng cuộc phản công khó có thể dẫn đến một sự thay đổi đáng kể về động lực có lợi cho Ukraine.

Quân đội Ukraine phải đối mặt với nhiều thách thức và kịch bản bế tắc nhiều khả năng sẽ xảy ra. Các cuộc giao tranh ở thành phố Bakhmut trong mùa đông vừa qua đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ đạn dược và dẫn đến thương vong nặng nề ở một số đơn vị có kinh nghiệm chiến đấu của Ukraine.

Cơ hội tốt nhất để Ukraine có thể giành được lợi thế trong cuộc phản công cũng sẽ phụ thuộc vào tình báo Mỹ, NATO và Ukraine. Nếu Mỹ và các đồng minh có thể xác định những điểm yếu đáng kể trong hệ thống phòng thủ của Nga, Ukraine có thể tận dụng tốc độ và sức mạnh của xe tăng cũng như xe chiến đấu Bradley để khai thác những điểm yếu này.

Những câu hỏi lớn về đạn pháo của Ukraine cũng như các nguồn cung đạn dược khác vẫn còn để ngỏ. Nguồn cung tên lửa phòng không và đạn pháo đóng vai trò rất quan trọng để duy trì bất kỳ cuộc phản công nào, đồng thời giúp Ukraine đối phó với các cuộc không kích của Nga. Tuy nhiên, nguồn cung này có thể cạn kiệt tới mức nguy hiểm nếu các lực lượng Ukraine tiếp tục tiêu hao đạn dược với tốc độ hiện tại.

Các đồng minh phương Tây được cho là không đủ nguồn cung trong kho hiện tại để đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Các chuyên gia cho biết hoạt động sản xuất đạn dược của phương Tây cũng không thể lấp đầy khoảng trống cho đến năm sau. Quân đội Ukraine đã bắn hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày khi họ nỗ lực giữ thành phố Bakhmut. Các quan chức Mỹ và châu Âu cảnh báo tần suất này không bền vững và có thể gây nguy hiểm cho cuộc phản công sắp tới. Lầu Năm Góc thậm chí bày tỏ lo ngại với các quan chức ở Kiev, cảnh báo rằng Ukraine đang lãng phí đạn dược vào thời điểm quan trọng.

Mặc dù các lực lượng Ukraine có thể sử dụng máy bay không người lái (UAV) để tấn công phía sau chiến tuyến của Nga, nhưng Kiev không được cung cấp tên lửa có tầm bắn đủ xa để tấn công các trung tâm hậu cần của Nga, một chiến thuật đã được chứng minh là quan trọng trong các cuộc tấn công vào mùa hè năm ngoái ở Kharkov và Kherson.

Các lực lượng Nga cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong cuộc chiến ở Ukraine. Nga đã sử dụng hết nhiều tên lửa hành trình, mất hàng nghìn quân chỉ riêng ở mặt trận Bakhmut và cạn kiệt kho đạn dược nhanh hơn nhiều so với tốc độ sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, Nga đang nỗ lực để giải quyết những thách thức trên. Quân đội Nga tích cực sử dụng máy bay không người lái và pháo binh để nhắm mục tiêu hiệu quả hơn vào lực lượng Ukraine. Gần đây, Nga đã bắt đầu sử dụng bom lượn để tấn công các khu vực gần chiến tuyến. Điều này cho thấy Moscow vẫn có khả năng triển khai vũ khí mới trên chiến trường Ukraine.

Theo nguồn tin từ quan chức châu Âu, trong các cuộc gặp riêng, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã nói với các quan chức khác rằng, ông tin Nga có lợi thế về binh lực trên chiến trường vì nước này có nhiều máy bay, xe tăng, pháo và binh lính hơn Ukraine. Ông Shoigu cũng bày tỏ tin tưởng rằng Nga cuối cùng sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang