2.240 tỷ đô chi tiêu quân sự; Khartoum tàn lụi; Ấn-Nga tăng hợp tác; Hạm đội bóng đêm Nga; Thách thức hậu cần Ukraine

Thấy gì từ 2.240 tỷ USD chi tiêu quân sự toàn cầu?

(Ảnh minh họa).

Với việc tổng chi tiêu quân sự toàn cầu tăng năm thứ 8 liên tiếp, năm 2022 có thể chỉ là điểm khởi đầu của quá trình tái vũ trang hàng loạt ở khắp nơi trên thế giới.

Chi tiêu quân sự thế giới đã tăng 3,7% lên thành 2.240 tỷ USD vào năm 2022, mức cao nhất mọi thời đại, trong bối cảnh chiến dịch của Nga ở Ukraine đã thúc đẩy chi tiêu quân sự trên khắp châu Âu tăng vọt, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết hôm 24/4.

Trong báo cáo thường niên về chi tiêu quân sự toàn cầu, tổ chức tư vấn quốc phòng hàng đầu cho biết, việc chi tiêu quân sự ở châu Âu tăng 13% – mức tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua – phần lớn do xung đột Nga-Ukraine thúc đẩy.

“Sự gia tăng liên tục trong chi tiêu quân sự toàn cầu trong những năm gần đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng bất an”, ông Nan Tian, nhà nghiên cứu cấp cao tại chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI, cho biết. “Các quốc gia đang củng cố sức mạnh quân sự để đối phó với môi trường an ninh đang xấu đi, mà không có xu hướng được cải thiện trong tương lai gần”.

Xu hướng tăng chi tiêu quân sự

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, bắt đầu từ cuối tháng 2/2022, đã khiến các quốc gia khác có chung biên giới với Nga hoặc từng là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô cảm thấy bất an, dẫn đến chi tiêu quốc phòng của Phần Lan tăng tới 36%, và của Litva (Lithuania) tăng tới 27%, theo SIPRI.

Hồi đầu tháng này, Phần Lan, quốc gia có khoảng 1.340 km (833 dặm) biên giới chung với Nga, đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO. Thụy Điển, quốc gia đã tránh liên minh quân sự trong hơn 200 năm, cũng đang trong quá trình chờ phê duyệt tư cách thành viên của liên minh quân sự này.

Tuy nhiên, xu hướng tăng chi tiêu quân sự đã nằm trong kế hoạch của một số chính phủ trong nhiều năm nay, và xung đột Nga-Ukraine chỉ càng thúc đẩy xu hướng đó phát triển mạnh mẽ hơn. “Kết quả là, chúng ta có thể sẽ thấy chi tiêu quân sự ở Trung và Tây Âu sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới”, ông Diego Lopes da Silva, một nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI, cho biết.

Ở Tây Âu, Đức là một trong những quốc gia phá vỡ các quy tắc trong quá khứ. Zeitenwende – bước ngoặt mà Thủ tướng Olaf Scholz đã tuyên bố năm ngoái – đã mở ra cuộc tái vũ trang lớn nhất cho nước Đức kể từ sau Thế chiến II.

Ngân sách quân sự của Đức lớn thứ 7 trên thế giới vào năm ngoái, đứng sau Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Ả Rập Xê-út và Vương quốc Anh, và các khoản chi tiêu lớn hơn nữa đã được lên kế hoạch.

Các nước Pháp, Hàn Quốc và Nhật Bản đứng sau Đức và nằm trong top 10 quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới năm 2022.

Châu Âu nói chung, bao gồm cả Nga và Ukraine, đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 13%/năm, theo SIPRI. Mức tăng này được mô tả là “mức tăng hàng năm lớn nhất trong tổng chi tiêu của châu Âu trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh”.

Những “ông lớn” trong chi tiêu quốc phòng

Chi tiêu quân sự ở Ukraine đã tăng 640%, lên 44 tỷ USD vào năm 2022 - mức tăng chi tiêu quân sự trong một năm cao nhất của một quốc gia từng được ghi nhận trong dữ liệu SIPRI. Tính theo tỉ lệ % của tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chi tiêu quân sự của quốc gia Đông Âu này đã tăng lên 34% vào năm 2022, so với 3,2% của năm trước đó.

Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Nga ước tính tăng 9,2% vào năm 2022, lên khoảng 86,4 tỷ USD, theo SIPRI. Con số đó tương đương với 4,1% GDP năm 2022 của Nga, tăng từ 3,7% vào năm 2021.

Mỹ vẫn là quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới – tăng 0,7% lên 877 tỷ USD vào năm 2022, và chiếm 39% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Mức tăng này phần lớn được thúc đẩy bởi mức độ viện trợ quân sự chưa từng có mà Washington cung cấp cho Kiev. Theo SIPRI, tổng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine vào năm 2022 là 19,9 tỷ USD.

Nước có chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, với con số phân bổ được ước tính lên tới 292 tỷ USD vào năm 2022. Con số này cao hơn 4,2% so với năm 2021 và là mức tăng hàng năm thứ 28 liên tiếp của quốc gia Đông Á.

Cũng nằm ở Đông Á, Nhật Bản đã chi 46 tỷ USD cho quân đội vào năm 2022, tăng 5,9% so với năm trước đó. Đây là mức chi tiêu quân sự cao nhất của Nhật Bản kể từ năm 1960, SIPRI cho biết.

Nhật Bản và Trung Quốc dẫn đầu chi tiêu quân sự ở châu Á và châu Đại Dương, lên tới 575 tỷ USD. Chi tiêu quân sự trong khu vực đang trên đà tăng, ít nhất là kể từ năm 1989.

Ấn Độ là nước chi tiêu quân sự lớn thứ tư thế giới với 81,4 tỷ USD vào năm 2022, tăng 6% so với năm 2021 và 47% so với năm 2013, phản ánh căng thẳng biên giới tiếp diễn với cả Trung Quốc và Pakistan.

Quốc gia Nam Á đã dành 23% tổng số chi tiêu này để nâng cấp thiết bị và cơ sở hạ tầng quân sự của lực lượng vũ trang dọc các khu vực biên giới có tranh chấp.

Với việc tổng chi tiêu quân sự toàn cầu tăng năm thứ 8 liên tiếp, năm 2022 có thể chỉ là điểm khởi đầu của quá trình tái vũ trang hàng loạt ở khắp nơi trên thế giới, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI Diego Lopes da Silva kết luận

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Khu giàu có Khartoum tàn lụi vì hai tướng quyết đấu 'một mất một còn'

Từng sống ở các con phố sầm uất và sang trọng tại thủ đô Sudan, người dân giờ đây đang chờ đợi bất kỳ cơ may nào để rời khỏi Khartoum nhằm tránh cuộc giao tranh đẫm máu.

Hơn một tuần trước, những khu phố tại thủ đô Khartoum, Sudan là những quán cà phê, nơi nhiều doanh nhân và chính khách thưởng thức các món sinh tố và bánh mỳ. Những căn biệt thự sang trọng và căn hộ với những chiếc đèn chùm là biểu tượng của sự giàu có xuất hiện tại thủ đô của quốc gia Bắc Phi.

Mọi thứ đã thay đổi. Những khu phố ở trung tâm Khartoum từng là nơi được tìm đến nhiều nhất, nay nguy hiểm đến mức người dân đang chờ từng giây phút để thoát khỏi đây, theo Guardian.

“Khartoum đã trở thành một thành phố ma”, Atiya Abdalla Atiya, thành viên của Tổ chức Bác sĩ Sudan, chia sẻ với Guardian từ thủ đô Khartoum.

Chỉ trong một tuần, tiếng ồn nhộn nhịp từ người qua lại đã bị thay bằng tiếng bom, đạn pháo và súng trường, khiến hàng chục nghìn người mắc kẹt trong nhà.

Omer Belal, cư dân của Khartoum 2, khu vực gần trụ sở các bộ quan trọng và gần sân bay quốc tế đang giao tranh căng thẳng của thủ đô, đã gửi gia đình cho họ hàng tại khu ngoại ô al-Hajj Yousif.

“Tôi có thể là người cuối cùng nơi này rời đi. Tôi đang chờ các vụ nổ hạ nhiệt một chút”, Omer Belal nói. “Có các đợt pháo kích ngẫu nhiên và nhà hàng xóm tôi đã trúng một quả đạn lớn. Toàn bộ khu dân cư và các khu vực xung quanh chúng tôi đều trống rỗng… Không còn ai ở đây”.

Đã có hơn 400 người chết kể từ khi giao tranh nổ ra vào ngày 15/4. Nhưng các nhân viên y tế cho biết thương vong thực tế có thể lớn hơn nhiều.

Viễn cảnh về một Khartoum vắng bóng người đã ít nhiều được chỉ huy lực lượng bán quân sự RSF Mohamed Hamdan Dagalo (còn được gọi là Hemedti) đề cập vào năm 2019. Vài ngày sau khi lực lượng RSF tấn cuộc biểu tình ôn hòa vào năm đó, khiến hơn 200 người chết, ông nói rằng nếu biểu tình kéo dài, binh lính của ông sẽ biến Khartoum thành “thị trấn ma”, như những gì thành phố Darfur trải qua sau hàng chục năm xung đột.

“Những tòa nhà xa xỉ sẽ chỉ còn mèo sinh sống”, ông nói.

Người dân thủ đô tuyệt vọng

Căng thẳng giữa tướng quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan và tướng Hemedti đã biến khu dân cư giàu có tại Khartoum thành nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nơi đây gần các địa điểm chiến lược quan trọng như trụ sở quân đội - được cho là có boong ke chỉ huy của ông Burhan - dinh tổng thống và sân bay.

Với nhiều người sơ tán khỏi Khartoum, họ đang trải qua những đêm đầu tiên trong ôtô trên những con đường ngoại ô thủ đô.

“Mọi người cố tận dụng mọi thứ có thể để chạy khỏi Khartoum, từ xe tải hay xe buýt nhỏ. Nhiều người trong chúng tôi không có tiền mặt”, Majid Maalia, cư dân ở Khartoum 2, cho biết. Căn hộ ông Maalia ở đã bị trúng các đòn không kích ngay khi ông vừa rời đi vào ngày 20/4.

Trước tình cảnh giao tranh tiếp diễn, mọi nỗ lực của quốc tế nhằm thúc đẩy hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn dường như đi vào ngõ cụt. Một lệnh ngừng bắn tạm thời để hỗ trợ nhân đạo cũng được xem là xa vời, khi các thỏa thuận trước đó đã sụp đổ chỉ trong vài phút.

“Không có giải pháp nào khác ngoài giải pháp quân sự”, ông Burhan nói với đài Al Jazeera.

Giao tranh liên tục đã khiến nhiều quốc gia phải sơ tán công dân cùng những nhà ngoại giao. Song, hành lang sơ tán cũng không thật sự dễ dàng, khiến nỗ lực đưa công dân rời khỏi đây của các nước càng thêm phức tạp.

Chưa có câu trả lời

Hiện không rõ khi nào máu sẽ ngừng đổ tại Sudan. Song, đã có những tín hiệu chỉ ra hai vị tướng ở hai đầu chiến tuyến sẽ đấu tới "một mất một còn".

Mới chỉ một thời gian ngắn trước đây, tướng al-Burhan và Hemetti còn là đồng minh. Năm 2019, họ từng chung tay lật đổ cựu Tổng thống Omar al-Bashir - người đứng đầu chính phủ Sudan trong 30 năm. Năm 2021, họ lại cùng nhau lật đổ Thủ tướng dân sự Abdalla Hamdok. Tuy nhiên, liên minh giữa hai phe đầy rẫy những nghi kỵ.

Lực lượng của hai bên cũng mang đến những sự khác biệt. Trái ngược với quân đội chính quy của ông Burhan, các thành viên gia nhập RSF phần lớn đến từ quê nhà của ông Hemedti - Darfur. Những người này từ lâu đã bất mãn với giới tinh hoa đã không chú ý đến đời sống của họ.

Tiến sĩ Nick Westcott từ Đại học London cho biết ông Bashir trước đây muốn giành sự ủng hộ từ giới tinh hoa, và ông Burhan giờ đây đang cố làm điều tương tự. Trong khi đó, ông Hemedti dường như không quan tâm đến nhóm này, và không bận tâm đến thương vong hay thiệt hại thực địa.

“Những binh lính RSF có ít thứ để mất. Họ là những chiến binh giàu kinh nghiệm và cứng rắn. Trong khi đó, quân đội Sudan đã quen việc cuộc sống trong doanh trại, do đó ông Hemedti cảm thấy rằng mình có thể thắng thế”, tiến sĩ Westcott nói.

(Nguồn: Zing News)

Ấn Độ và Nga tăng cường quan hệ thương mại

(Ảnh minh họa).

Phái đoàn doanh nghiệp Ấn Độ gồm 50 thành viên bắt đầu chuyến thăm 4 ngày tới Nga hôm 24/4 trong khi cả hai nước tìm cách thắt chặt quan hệ kinh tế, vốn đã phát triển sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Ấn Độ và Nga cũng đang đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do, các bộ trưởng của hai nước cho biết hồi đầu tuần này trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng Nga Denis Manturov tới New Delhi.

Trong những tháng gần đây, Moscow đã trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Ấn Độ trong khi Nga bị áp đặt lệnh trừng phạt và tìm cách giao thương nhiều hơn với các nước châu Á.

New Delhi đã không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đối với Moscow hoặc lên án thẳng thừng cuộc xâm lược Ukraine của Nga nhưng đã kêu gọi một giải pháp thương lượng cho cuộc xung đột.

Nước này cũng đang tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế với Nga bất chấp những lời kêu gọi của phương Tây về việc dần xa rời Moscow.

Phái đoàn doanh nghiệp Ấn Độ đến Nga dự kiến sẽ gặp người mua ở Moscow và St. Petersburg.

“Chúng tôi nhìn thấy các cơ hội ở Nga và đó là lý do tại sao chúng tôi tập hợp phái đoàn này. Nó sẽ khám phá các thị trường thực phẩm và nông sản”, ông Ajay Sahai, Tổng giám đốc Liên đoàn các Tổ chức Xuất khẩu Ấn Độ nói với VOA.

Ông nói rằng mục tiêu là tăng gấp đôi xuất khẩu của Ấn Độ sang Nga lên khoảng 5 tỷ USD trong năm nay.

Các nhà phân tích thương mại nhận định rằng Ấn Độ đang cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu sang Nga để bù đắp thâm hụt thương mại đang trở nên nghiêm trọng do nhập khẩu dầu thô của New Delhi từ Moscow tăng theo cấp số nhân.

Trong khi nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga đã tăng gấp 4 lần lên hơn 46 tỷ USD kể từ năm 2021, thì xuất khẩu của Ấn Độ sang Moscow chỉ tăng chưa đến 3 tỷ USD.

Nhưng khi thương mại của Nga với phương Tây cạn kiệt, nước này đã tìm kiếm các sản phẩm từ Ấn Độ, bao gồm hàng hóa sản xuất, thiết bị điện tử và linh kiện ôtô.

(Nguồn: VOA)

Hiểm hoạ từ “hạm đội bóng đêm” của Nga

“Hạm đội bóng đêm” không ngừng lớn mạnh của Nga đã làm dấy lên những lo ngại về sự cố tràn dầu.

Vùng nước của Vịnh Lakonikos, nằm ở phí Đông Nam bán đảo Peloponnese của Hy Lạp đang trở thành trung tâm trung chuyển của các tàu chở dầu và hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga ra thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu S&P Global, việc vận chuyển dầu thô của Nga diễn ra sôi động trong những tháng gần đây và đạt mức cao kỷ lục trong 3 tháng đầu năm 2023.

Tại vùng biển gần Hy Lạp hơn 3,5 triệu thùng gasoil của Nga - một sản phẩm tinh chế được sử dụng trong hệ thống sưởi ấm và vận chuyển, đã được vận chuyển giữa các tàu vào tháng 3. Theo thống kê của S&P Global con số này cao hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Matthew Wright, nhà phân tích hàng hóa cao cấp tại Kpler cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến ​​sự gia tăng lớn mạnh trong việc chuyển tàu ở Địa Trung Hải. Các tàu nhỏ hơn đến từ các cảng của Nga và họ chuyển hàng hóa lên các tàu lớn, sau đó các tàu lớn hơn này sẽ đi đến châu Á”.

Nhiều tàu trong số này là một phần của “Hạm đội bóng đêm” – thuật ngữ để chỉ các tàu chở dầu của Nga trong năm qua. Rất ít người biết đến chủ sở hữu thực sự của đội tàu này, chủ yếu là các công ty dưới dạng vỏ bọc. Sự xuất hiện của mạng lưới này đã làm giảm tính minh bạch trong thị trường dầu thô, khiến các nhà quản lý khó theo dõi hơn.

Fred Kenney, giám đốc pháp lý và đối ngoại của IMO chia sẻ với CNN rằng, va chạm có nhiều khả năng xảy ra trong những trường hợp như vậy, làm tăng khả năng xảy ra sự cố tràn dầu nghiêm trọng. Đồng thời, ông cũng cho rằng khó có thể biết liệu các tàu thuộc “hạm đội bóng đêm” có tuân thủ các quy tắc nghiên ngặt về vấn đề vận chuyển dầu trên biển hay không”.

Nỗi lo “hạm đội bóng đêm”

Theo dữ liệu của Kpler, nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong quý I/2023 đã tăng 38% so với một năm trước đó. Trong khi Ấn Độ tăng vọt gần gấp 10 lần.

Khi hoạt động buôn bán dầu của Nga trở nên phức tạp hơn, nhiều chủ hàng phương Tây đã rút lui. Còn những người chơi mới lại góp phần hình thành “hạm đội bóng đêm”.

Theo VesselsValue, một công ty tình báo thị trường có trụ sở tại Anh, các vụ giao dịch tàu chở dầu cho các công ty mới thành lập hoặc người mua không được tiết lộ chiếm khoảng 33% các giao dịch tàu chở dầu từ đầu năm đến nay. Con số này cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ 10% vào năm 2022 và 4% vào năm 2021.

Theo dõi hành trình của “hạm đội bóng đêm”, hình ảnh vệ tinh từ Công ty công nghệ vũ trụ Maxar cho thấy, những tàu chở dầu nhỏ hơn cập cảng St. Petersburg, Nga để nhận hàng, sau đó di chuyển xung quanh Tây Âu đến biển Địa Trung Hải rồi chuyển hàng lên những đội tàu lớn hơn. Đội tàu này lại tiếp tục di chuyển qua kênh đào Suez, tuyến đường biển chính trung chuyển hàng hóa từ châu Âu đến châu Á.

Mặc dù việc chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác không phải là điều bất thường, nhưng ông Kenney thuộc IMO cho biết các tàu “hạm đội bóng đêm” - khó giám sát hơn nếu không rõ ai sở hữu chúng - có thể không tuân theo các thông lệ tốt nhất.

Ông nói: “Có vô số khả năng có thể xảy ra sai sót trong quá trình chuyển giao từ tàu này sang tàu khác, đây là lý do tại sao cần có một bộ quy tắc toàn diện nhằm điều chỉnh các hoạt động vận chuyển dầu”. Đồng thời cũng lưu ý đến khả năng xảy ra sự cố tràn dầu.

Không chỉ dấy lên những lo ngại về sự cố tràn dầu, mới đây, Australia, Canada và Mỹ đã đệ trình lên IMO về việc ngày càng có nhiều tàu vận chuyển tắt trái phép bộ phát sóng liên lạc, hoặc “âm thầm đi trong bóng tối” trước khi chuyển dầu trong vùng biển quốc tế. Việc tắt các bộ tiếp sóng, truyền dữ liệu vị trí được xem là một cách để các đội tàu này trốn tránh các biện pháp trừng phạt.

(Nguồn: Soha)

Thách thức hậu cần Ukraine đối mặt trước chiến dịch phản công

(Ảnh minh họa).

Ukraine nhận nhiều vũ khí phương Tây, song việc chuyển chúng tới các đơn vị tiền tuyến trước chiến dịch phản công vấp trở ngại lớn về hậu cần.

Quyết tâm kháng cự của Ukraine suốt nhiều tháng qua được phương Tây nhận định là nguyên nhân chính khiến Nga không giành được chiến thắng nhanh chóng, dù áp đảo đối phương về quân số và vũ khí. Tuy nhiên, thành công tiếp theo trong chiến dịch phản công tương lai của Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vũ khí hiện đại từ phương Tây.

Liên minh hàng chục quốc gia phương Tây đã cung cấp hoặc cam kết viện trợ quân sự gần 60 tỷ USD cho Ukraine, trong đó Mỹ dẫn đầu với các gói hỗ trợ có tổng trị giá hơn 35,4 tỷ USD. Trong số những vũ khí phương Tây chuyển cho Ukraine có các hệ thống hiện đại như xe tăng chiến đấu chủ lực, pháo phản lực HIMARS cùng hàng triệu viên đạn pháo, rocket.

Phương Tây đã nỗ lực vượt qua nhiều thách thức về hậu cần để đưa số vũ khí đó đến Ukraine, song cách chuyển chúng đến tiền tuyến ra sao lại là vấn đề hoàn toàn khác, theo Michael Kofman, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Hải quân, trụ sở tại Mỹ.

Ngay cả những vũ khí phương Tây hiện đại nhất cũng không thể mang lại lợi ích cho quân đội Ukraine nếu chúng không được chuyển giao tới các đơn vị tương ứng một cách nhanh chóng. Trong khi đó, vận chuyển vũ khí ra tiền tuyến và phân bổ cho các đơn vị lại đang là một trong những thách thức lớn nhất mà Kiev đối mặt.

"Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ phải vượt qua rất nhiều rào cản về hậu cần, khi tìm cách chuyển vũ khí ra chiến trường", chuyên gia Kofman nói. "Quân đội Mỹ từng gặp vấn đề tương tự, ngay cả trong những chiến dịch tốt nhất, khi các đơn vị không được cấp vũ khí đều nhau".

Thiếu tướng Steven Edwards, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt tại châu Âu của Mỹ, từng thừa nhận thách thức về hậu cần mà Ukraien đối mặt. "Việc chuyển khí tài và cung cấp tới tay các đối tác của chúng tôi được chứng minh là vô cùng khó khăn", tướng Edwards đánh giá.

Môi trường tác chiến hạn chế càng khiến thách thức với công tác hậu cần của Ukraine tăng lên.

Trong chiến dịch tại Afghanistan và Iraq, Mỹ chiếm hoàn toàn ưu thế trên không và có thể tự do điều vận tải cơ hoặc trực thăng tiếp tế cho lực lượng mặt đất. Nhưng Ukraine không có ưu thế đó, khi họ không thể kiểm soát hoàn toàn bầu trời.

Điều này khiến quân đội Ukraine khó chuyển hàng tiếp tế cho các đơn vị tiền tuyến bằng đường không, khi phòng không và không quân Nga có thể bắn rơi máy bay của họ bất cứ lúc nào.

Phần lớn vấn đề hậu cần Ukraine gặp phải bắt nguồn từ việc xác định các đơn vị tiền tuyến đang cần thứ gì. Kofman, người vừa trở về từ một chuyến thực tế tại Ukraine, cho hay các binh sĩ nước này không phàn nàn về vật tư quân sự mà phương Tây cung cấp, thay vào đó là nỗi thất vọng về việc không được cấp phát chúng một cách kịp thời.

"Mọi thứ không còn là 'Mỹ không chuyển cho chúng tôi đủ vũ khí', thay vào đó là 'làm thế nào chúng tôi tiếp cận những thứ lẽ ra đã được nhận'", ông Kofman nói. "Họ không bao giờ nhận đủ khí tài, vật tư cần thiết".

Một binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ nhận định đưa đúng vũ khí và trang thiết bị tới tiền tuyến "là tiến trình phức tạp mà nhiều bộ phận cần phối hợp với nhau".

"Những người làm công tác hậu cần phải đảm bảo cung cấp những gì mà đơn vị tiền tuyến cần. Điều này nói dễ hơn làm, bởi bên cung cấp và các đơn vị sử dụng phải liên tục trao đổi với nhau", binh sĩ này cho biết.

Tình hình càng trở nên phức tạp khi Ukraine theo đuổi xây dựng lực lượng cơ động cao, sau một số cải cách và thay đổi trong nhiều năm qua. Sau khi chiến sự với Nga bùng phát, Ukraine biên chế thêm nhiều lữ đoàn mới, trang bị các loại vũ khí mới.

Tuy nhiên, việc trang bị vũ khí cho các đơn vị mới, đồng thời phải đảm bảo nguồn cung cho những đơn vị đang chiến đấu, là nỗ lực cân bằng khó khăn. Các sĩ quan hậu cần và chỉ huy Ukraine sẽ phải đảm bảo giữa các đơn vị tham gia chiến dịch phản công không có chênh lệch quá lớn về khí tài cũng như nhân sự, để không tạo ra bất cứ điểm yếu nào có thể ảnh hưởng đến cục diện chiến sự.

Tổng thống Volodymyr Zelensky hồi cuối tháng 3 thừa nhận Ukraine đối mặt với tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược, do đó chưa thể mở chiến dịch phản công quy mô lớn.

Tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ gần đây cho thấy tình báo nước này lo ngại thiếu sót trong huấn luyện quân và cung cấp đạn dược có thể khiến Ukraine chịu thương vong nặng nề khi phản công.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 21/4 cho rằng Ukraine có thể giành được nhiều lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát khi phản công. Ông Stoltenberg thừa nhận các bên cần thảo luận về nền tảng mới để cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, cũng như đảm bảo vũ khí phương Tây đã chuyển tới nước này phát huy hiệu quả tốt nhất.

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang