Sức mạnh xe điện TQ; Nhân dân tệ 'lên ngôi' ở Nga; Đình công ở HQ tăng nhiệt; Bỗng dưng 'bốc hơi' ở Nhật; Căng thẳng Trung Đông

XE ĐIỆN TRUNG QUỐC THỂ HIỆN SỨC MẠNH, PHƯƠNG TÂY BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU

Có hay không nên tăng tốc sản xuất xe điện là một quyết định quan trọng, cực kỳ then chốt với nhiều hãng ô tô.

Khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện toàn cầu chậm lại, các nhà sản xuất ô tô và cơ quan quản lý đang đặt ra một câu hỏi mang tính sống còn: Liệu sự suy thoái hiện tại có phải chỉ là một vệt sáng lướt qua?

Trong kịch bản đầu tiên, những người mua trên thị trường đại chúng vốn đang chùn bước trước mức giá cao của xe điện cuối cùng sẽ quay lại và bị hấp dẫn bởi những công nghệ mới. Xe điện chạy êm, tăng tốc như xe thể thao và có thể tiết kiệm tiền về lâu dài. Một khi xe điện rẻ hơn xe chạy xăng và có đủ cơ sở hạ tầng sạc, hầu hết người tiêu dùng sẽ không bao giờ từ chối.

Kịch bản thứ 2 đáng lo ngại hơn. Nếu giá xe điện không giảm hoặc những lo ngại chính đáng về cơ sở hạ tầng sạc không được đáp ứng, các tài xế có thể phản đối xe điện vô thời hạn. Chưa kể, nếu không loại bỏ được tất cả ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel ra khỏi đường, việc đáp ứng mục tiêu khử cacbon trong dài hạn là không thể.

Nhưng nếu các chính trị gia không thể thuyết phục người tiêu dùng mua xe điện, liệu họ có hủy bỏ cam kết phát thải ròng = 0 hay chuyển sang các biện pháp khác để thúc đẩy doanh số bán xe điện? Theo lời của chuyên gia Jim Ratcliffe, bạn không thể ép người tiêu dùng thừa nhận xe điện. Na Uy đã trở thành điểm nóng trên thế giới về việc áp dụng xe điện bằng cách phạt ô tô chạy xăng thông qua mức thuế cao hơn. Nhưng các cuộc biểu tình phản đối thuế nhiên liệu cao hơn của Pháp cho thấy cách tiếp cận này sẽ không hiệu quả ở mọi nơi.

Việc chuyển sang xe điện sẽ mất thời gian. Giá sẽ giảm khi các mẫu xe mới được bán ra, trong khi công việc lắp đặt các trạm sạc vẫn tiếp tục. "Hai năm tới sẽ rất chao đảo", một cựu cố vấn xe điện cho chính phủ Anh thừa nhận. Người này cũng dự đoán nhu cầu xe điện sẽ không tăng cho đến cuối thập kỷ này.

Các nhà sản xuất ô tô phải chuẩn bị cho cả hai kịch bản. Trên thực tế, khi hỏi các giám đốc điều hành cấp cao của ngành, đã xuất hiện nhiều sự chia rẽ. Người đứng đầu một nhà sản xuất ô tô vốn trước đây đã cam kết sẽ loại bỏ dần việc bán xe chạy động cơ trong hai thập kỷ tới hiện cho biết: "Xe điện đắt hơn và không tốt bằng".

Chưa kể, các nhà sản xuất ô tô, giống như tất cả các công ty, chỉ có một ngân sách nhất định. Việc quyết định đầu tư vào đâu sẽ dẫn đến những hậu quả trực tiếp - chẳng hạn như một chiếc hatchback mới đồng nghĩa với việc không có tiền cho một mẫu xe thay thế. Sự trỗi dậy của kỷ nguyên điện càng làm cho vấn đề này trở nên rõ ràng hơn. Volvo Cars tuần trước đã sản xuất mẫu động cơ diesel cuối cùng của mình sau khi chọn đầu tư vào 1 mẫu chạy pin thay thế.

Tốc độ tăng cường sản xuất xe điện là một quyết định quan trọng - có thể là then chốt - hiện đang được đưa ra trong các phòng họp của nhiều hãng ô tô. Từ Ford và General Motors cho đến Bentley, các nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu đã rút lại kế hoạch tập trung vào các mẫu xe hybrid, nhằm mục đích "vắt kiệt" cỗ máy tin tiền là mảng sản xuất xe động cơ đốt trong thêm một thời gian nữa.

Theo dữ liệu tổng hợp từ các nhà cung cấp và nhà dự báo của một nhà đầu tư ô tô, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đã sản xuất 10,5 triệu xe điện vào năm ngoái - và dự kiến sẽ sản xuất 13,5 triệu xe trong năm nay.

Các dự báo cho thấy vào năm 2025, sản lượng sẽ còn tăng hơn nữa lên 18 triệu - tăng 70% sản lượng xe điện toàn cầu chỉ trong hai năm. Tuy nhiên, doanh số bán hàng, cùng một bộ dữ liệu dự đoán, sẽ còn tụt hậu hơn nữa. Sự quan tâm đến xe điện năm ngoái đã mang lại doanh số 9,5 triệu xe, nhưng con số này dự kiến chỉ là 9,8 triệu trong năm nay.

Một số nhà đầu tư hiện đang cảnh báo riêng về "sự phân bổ vốn sai lầm nghiêm trọng" trong toàn ngành. Một nhà đầu tư đã nghiên cứu dữ liệu cho biết: "Thật khó để thấy điều gì có thể khiến nhu cầu tăng tốc rõ rệt vào năm 2025".

"Có thể cho rằng ô tô điện cần phải rẻ hơn xe động cơ tương đương để thúc đẩy việc áp dụng, nhưng với việc nhiều nhà sản xuất ô tô đã lỗ hàng tỷ USD cho xe điện, mong muốn giảm giá thêm nữa để thúc đẩy chuyển đổi của họ sẽ rất hạn chế".

Ngay cả BYD - hãng xe điện mới đáng sợ nhất đến từ Trung Quốc - cũng chứng kiến việc giảm giá làm giảm lợi nhuận của chính họ.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô của Mỹ đang lo lắng rằng nếu ông Donald Trump dành chiến thắng lần 2 trong cuộc đua vào Nhà Trắng, điều này sẽ dẫn đến việc bãi bỏ các quy định về xe điện. Mặc dù điều này giúp tăng lợi nhuận ngắn hạn nhưng lại bảo vệ ngành khỏi sự cần thiết phải tìm ra thứ gì đó để đánh bại các đối thủ Trung Quốc.

Như một giám đốc điều hành cấp cao của một công ty ô tô toàn cầu đã nói, nếu người Trung Quốc bán một chiếc xe điện tốt như ô tô phương Tây nhưng rẻ hơn thì đó là một chuyện. Nhưng nếu họ bán một chiếc xe tốt hơn với giá rẻ hơn phương Tây thì khó ai có thể bắt kịp.

NGA CHỈ CÓ THỂ DỰ TRỮ NHÂN DÂN TỆ

Ngân hàng trung ương Nga (BoR) đang cảm nhận sức nóng của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây do sự liên quan của Nga với tình hình ở Ukraine.

Trong một báo cáo công bố tuần trước, BoR cho biết họ có ít lựa chọn dự trữ ngoài đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Ngân hàng này đánh giá đồng tiền tệ của các quốc gia "không thân thiện" với Nga là kém ổn định và kém thanh khoản hơn đồng nhân dân tệ.

Ngân hàng trung ương Nga cho biết trong một báo cáo: “Tỷ giá hối đoái của những loại tiền tệ này rất biến động, thị trường có tính thanh khoản thấp và ở một số quốc gia có những hạn chế về di chuyển vốn. Đây là một trở ngại đối với việc sử dụng những đồng tiền này”. Tuy nhiên, BoR không nêu rõ loại tiền tệ hoặc quốc gia nào mà họ đang đề cập đến.

Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga vào đồng nhân dân tệ cho thấy nền kinh tế nước này ngày càng "cô đơn" trong hệ thống tài chính và thương mại quốc tế. BoR cũng cho rằng đồng nhân dân tệ sẽ là một thách thức ngày càng tăng đối với đồng USD trong vai trò của một đồng tiền dự trữ và thương mại quốc tế.

BoR cho biết vai trò của đồng tiền Trung Quốc như một loại tiền tệ quốc tế và tính thanh khoản của đồng tiền này đã tăng “đáng chú ý” trong những năm gần đây.

Các quốc gia trên thế giới đã quan ngại phương Tây sẽ sử dụng hệ thống tài chính toàn cầu dựa trên đồng USD để trừng phạt Nga. Điều này đã khiến một số quốc gia chuyển sang sử dụng các loại tiền tệ thay thế, bao gồm cả đồng nhân dân tệ, để đa dạng hóa.

Kinh tế Nga đã kiên cường để trụ vững sau 2 năm nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, bằng cách định hình lại thương mại từ phương Tây sang phương Đông và các thị trường thay thế khác một cách hiệu quả, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đang thúc đẩy giao dịch bằng đồng nội tệ nhằm lách lệnh cấm của phương Tây đối với việc một số ngân hàng Nga sử dụng SWIFT, dịch vụ nhắn tin cho phép các ngân hàng trên toàn thế giới liên lạc về các giao dịch xuyên biên giới.

Mặc dù vậy, sự phụ thuộc của Nga vào đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng đi kèm với nhiều rủi ro. Các công ty Nga vay bằng đồng nhân dân tệ đang phải đối mặt với chi phí cho vay tăng cao.

KHÔNG CÓ NHƯỢNG BỘ, ĐÌNH CÔNG Y TẾ CÀNG THÊM PHỨC TẠP TẠI HÀN QUỐC

Từ ngày mai (2/4), nếu các bác sĩ thực tập Hàn Quốc tham gia đình công phản đối kế hoạch tăng tuyển sinh ngành y không trở lại bệnh viện, họ sẽ bị cấm đào tạo trong nửa đầu năm nay.

Đây được xem là tối hậu thư được chính phủ Hàn Quốc đưa ra đối với cuộc đình công của bác sĩ,, cùng tuyên bố mới nhất của Tổng thống Hàn Quốc bác bỏ khả năng điều chỉnh kế hoạch về tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y thêm 2.000 người từ năm 2025.

Hôm nay, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có bài phát biểu được truyền hình trực tiếp tới người dân, nói về về cuộc đình công của các bác sĩ thực tập, khẳng định kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y thêm 2.000 là hợp lý, song cũng bày tỏ việc sẵn sàng đàm phán với những người biểu tình.

“Nếu các bác sĩ muốn tranh luận việc nên giảm quy mô tăng tuyển sinh vào trường y từ 2.000 người, thì họ nên đề xuất một ý tưởng thống nhất với bằng chứng khoa học vững chắc, thay vì thực hiện hành động tập thể. Tôi muốn nói lại một lần nữa rằng việc tăng thêm 2.000 người vào trường y là mức tăng tối thiểu, bắt buộc, để thực hiện các trách nhiệm theo hiến pháp là bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân, cũng như để ứng phó với sự thay đổi nhanh chóng của một xã hội đang già đi. Nếu các bác sĩ đưa ra giải pháp đúng đắn và hợp lý hơn, chúng ta có thể thảo luận bao nhiêu tùy ý. Chính sách của chính phủ luôn cởi mở. Nếu họ đưa ra những quan điểm tốt hơn với những căn cứ hợp lý, chính sách của chính phủ có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.”

Tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định quyết tâm theo đuổi kế hoạch mở rộng cơ sở đào tạo ngành y, cải cách y tế của chính phủ. Ông tuyên bố những chính sách được đưa ra theo lộ trình, đúng thủ tục, không thể bị cản trở bởi các nhóm lợi ích.

Tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc được đưa ra trong bối cảnh gần 13.000 bác sỹ tập sự trên toàn quốc đã đồng loạt nghỉ việc hơn 5 tuần qua để phản đối việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh y khoa của chính phủ.

Cách đây ít ngày, Bộ Y tế Hàn Quốc thông báo sẽ đình chỉ tạm thời việc đào tạo đối với các bác sĩ tập sự tham gia đình công nếu những người này không trở lại làm việc trước ngày mai (2/4).

Tuy nhiên, các bác sĩ thực tập Hàn Quốc tham gia đình công vẫn khẳng định, việc tăng tuyển sinh cho ngành y sẽ dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống y tế.

Kim Chang-soo, chủ tịch Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc cũng đồng tình với quan điểm này: “Rõ ràng là việc tăng số lượng tuyển sinh vào trường y sẽ không chỉ hủy hoại nền giáo dục của trường y, mà còn khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước sụp đổ. Nếu hình phạt đối với các bác sĩ thực tập sinh được thực hiện, việc tự nguyện từ chức của các giáo sư y khoa đã và sẽ còn tiếp tục xảy ra”

Trên thực tế, để ủng hộ cuộc đình công của các bác sĩ trẻ, các giáo sư y khoa Hàn Quốc - tức những bác sĩ cấp cao tại các bệnh viện đại học lớn - cũng nộp đơn từ chức từ đầu tuần này. Ngoài ra, các giáo sư y khoa và bác sỹ cộng đồng cũng tuyên bố bắt đầu giảm giờ làm việc xuống 52 giờ/tuần bắt đầu từ hôm nay (1/4).

KINH HOÀNG NHỮNG NGƯỜI ĐỘT NHIÊN “BỐC HƠI” TẠI NHẬT

Nhật Bản mỗi năm ghi nhận hàng nghìn jouhatsu, những người đột nhiên "bốc hơi" không để lại dấu vết, cắt đứt mọi liên lạc xã hội.

Tại thành phố cảng Osaka của Nhật Bản, khu ổ chuột Kamagasaki, còn được gọi là Airin Chiku, nổi tiếng là nơi ẩn náu của những người không muốn ai tìm thấy mình. Tại đây, những người mới đến có thể thuê nhà với giá rất rẻ, kiếm sống bằng những công việc lao động chân tay.

Khu ổ chuột này được coi là thiên đường của các "jouhatsu", nghĩa là những người "bốc hơi, biến mất không dấu vết" trong tiếng Nhật. Thuật ngữ xuất hiện từ những năm 1960, khi nhiều người chọn biến mất để bỏ vợ hoặc chồng nhanh chóng và dễ dàng, thay vì phải trải qua các thủ tục ly hôn phức tạp.

Qua thời gian, ngày càng nhiều người chọn "bốc hơi" ở những khu vực như Kamagasaki, nơi họ có thể đổi tên họ, cắt mọi liên lạc với gia đình và bạn bè, biến mất khỏi cuộc sống cũ theo đúng nghĩa đen để bắt đầu cuộc đời mới.

Nhà xã hội học Hiroki Nakamori nói với BBC rằng vì người Nhật rất coi trọng quyền riêng tư, các "jouhatsu" có thể sống náu mình hoàn toàn mà không ai phát hiện được. Khi gia đình trình báo có người mất tích, cảnh sát sẽ không cung cấp cho họ bất kỳ thông tin nào.

"Cảnh sát sẽ không can thiệp trừ khi có lý do khác, như người mất tích phạm tội hay tai nạn", Nakamori nói. "Tất cả những gì người thân có thể làm là trả thật nhiều tiền thuê thám tử tư, hoặc chờ đợi".

Một người "bốc hơi" như vậy là Masashi Tanaka, 49 tuổi, người quyết định biến mất sau thời gian thụ án tù vì tội ma túy. Ông kể rằng sau khi vào tù, mẹ ông nói: "Mẹ coi con như đã chết rồi, đừng viết thư cho mẹ nữa". Không lâu sau khi ra tù, Tanaka đến khu ổ chuột Kamagasaki và sống một mình.

Trong báo cáo thường niên công bố tháng 6/2023, cảnh sát Nhật Bản cho hay gần 85.000 người Nhật mất tích vào năm 2022. Trong 10 năm trước đó, Nhật ghi nhận trung bình 83.283 người mất tích mỗi năm, trong đó số lượng đàn ông luôn cao hơn phụ nữ.

Rất nhiều người mất tích ở Nhật chọn cố tình "bốc hơi", không để ai biết. Nhiều trường hợp liên quan đến chuẩn mực văn hóa, vai trò giới, kỳ vọng xã hội.

Cách đây 40 năm, khi Kazuko Yamamoto đang học năm cuối đại học, bố dượng của cô đã âm thầm bán nhà, xe. Trong đêm, gia đình chất đồ đạc lên xe tải, nói với hàng xóm rằng Yamamoto sẽ chuyển tới một căn hộ gần trường.

Nhưng không chỉ Yamamoto chuyển đi, cả gia đình đã lặng lẽ biến mất trong đêm. Bố dượng đã dẫn cô cùng ông và mẹ bí mật chuyển đến nơi ở mới tại khu vực khác trong thành phố.

Nhiều người biến mất vì nợ nần, trốn khỏi tay yakuza, có người lại muốn cắt quan hệ với gia đình do bị người nhà chì chiết, lạm dụng. Sugimoto, 42 tuổi, đột ngột rời thị trấn quê nhà trước áp lực tiếp quản công việc kinh doanh gia đình. Anh tới Tokyo thuê căn hộ tại khu nhà được điều hành bởi Saita, một phụ nữ cũng biến mất cách đây 17 năm để thoát khỏi người chồng bạo hành.

Cũng có người chọn "biến mất" vì trượt một kỳ thi, mất việc, gặp rắc rối tài chính, những điều cho thấy mặt trái trong văn hóa làm việc của người Nhật, khét tiếng với hiện tượng "karoshi" - tử vong do làm việc quá sức. Theo Perspective, hiện tượng này phản ánh cảm giác xấu hổ mạnh mẽ của người Nhật khi không đạt kỳ vọng cao từ xã hội.

Bố dượng của Yamamoto từng điều hành một công ty kiến trúc ăn nên làm ra, nhưng rồi vỡ nợ do bảo lãnh giấy nợ cho một người họ hàng.

"Ông ấy quyết định nộp đơn xin phá sản công ty và bỏ đi cùng cả nhà, không ai biết chúng tôi ở đâu", Yamamoto kể, cho hay có thời điểm các chủ nợ còn tìm đến trường cô để đòi nợ bố dượng.

Nhu cầu "biến mất" như vậy dẫn tới sự xuất hiện của các dịch vụ chuyển nhà ban đêm, đặc biệt nở rộ khi bong bóng kinh tế Nhật Bản vỡ vào những năm 1990. Một công ty chuyển nhà ban đêm cho hay giá dịch vụ khoảng 300-2.000 USD tùy vào thời điểm và khoảng cách. Giá chuyển nhà sẽ cao hơn nếu khách hàng đi cùng trẻ em hoặc trốn nợ.

"Ban đầu, tôi nghĩ khó khăn tài chính là nguyên nhân duy nhất khiến người ta biến mất, nhưng sau này phát hiện ra rằng còn nhiều lý do xã hội. Những gì chúng tôi làm là hỗ trợ mọi người bắt đầu cuộc sống thứ hai", Sho Hatori, người điều hành một công ty chuyển nhà phục vụ các "jouhatsu", nói.

Paul O'Shea, nhà nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Lund, Thụy Điển, nhận định nhiều người Nhật luôn có cảm giác bị kỳ thị khi "không thể tự lo cho bản thân".

Các nhà quan sát thậm chí cho rằng chính phủ Nhật sử dụng tâm lý này như một chiến thuật để tiết kiệm ngân sách an sinh xã hội, bởi trước khi xem xét đơn xin trợ cấp, giới chức sẽ tiếp cận gia đình người nộp đơn để hỏi liệu họ có thể tiếp tục hỗ trợ về kinh tế hay tinh thần cho người này hay không.

"Phải sống dựa vào trợ cấp ở Nhật Bản bị xem là thất bại, vô cùng nhục nhã", chuyên gia Paul giải thích. Điều này thúc đẩy nhiều người tìm đến biện pháp "bốc hơi" để giải tỏa áp lực.

Theo ông, quan niệm về vai trò giới tính truyền thống trong xã hội có thể là nguyên nhân thúc đẩy nỗi kỳ thị này. Dù xã hội Nhật đang dần thay đổi, nhưng đàn ông luôn được coi là trụ cột gia đình và phải đảm bảo chu cấp cho các thành viên trong nhà.

"Nhiều nam giới Nhật làm những công việc lương thấp, không ổn định, không đáp ứng được kỳ vọng chăm lo cho gia đình", ông Paul nói, cho biết đây có thể là lý do số nam giới biến mất thường cao hơn phụ nữ.

Trong khi nhiều "jouhatsu" không bao giờ được tìm thấy, gia đình Yamamoto cuối cùng bị chính quyền phát hiện sau khi bố dượng cô yêu cầu giới chức địa phương không công khai địa chỉ gia đình. Bố dượng Yamamoto bị xử phạt và tước quyền bầu cử trong hai năm.

Người đàn ông này cuối cùng đã trả xong nợ, dù hiện họ hàng, bạn bè, láng giềng vẫn không biết tung tích của ông ở đâu. "Chúng tôi đã bốc hơi, nhưng không ai mới tiếp xúc với gia đình biết điều đó. Đối với họ, chúng tôi chỉ là một gia đình bình thường, chuyển đến sống cạnh nhà", Yamamoto nói.

Nhưng đối với nhiều người có thân nhân biến mất, quá trình tìm kiếm rất mệt mọi và đau khổ.

"Tôi bị sốc kể từ khi con trai 22 tuổi bỏ đi và cắt mọi liên lạc. Nó biến mất sau hai lần bỏ việc, chắc hẳn cảm thấy xấu hổ vì thất bại của mình. Cảnh sát nói chỉ can thiệp nếu họ nghi ngờ thằng bé tự sát, nhưng con tôi không để lại bất cứ tin nhắn nào", một phụ nữ giấu tên nói. "Với luật hiện tại, tất cả những gì tôi có thể làm là chờ xem liệu con trai đã chết hay chưa".

CĂNG THẲNG TRUNG ĐÔNG TĂNG NHIỆT: ISRAEL-IRAN SẴN SÀNG ĐỐI ĐẦU TRỰC DIỆN

"Lò lửa" Trung Đông một lần nữa dậy sóng khi chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, tướng Mohammad Reza Zahedi cùng nhiều nhân vật quan trọng khác thiệt mạng, nghi do bị Israel tấn công ở Syria.

Truyền thông nhà nước Iran ngày 2/4 xác nhận chỉ huy cấp cao của lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Chuẩn tướng Mohammad Reza Zahedi, cùng nhiều nhân vật quan trọng khác đã thiệt mạng trong vụ tấn công nghi do Israel thực hiện nhằm vào tòa nhà lãnh sự Iran ở thủ đô Damascus (Syria).

Tehran đã thề sẽ trả đũa. Vụ việc khiến hai nước đang chạm tới mốc ranh giới đỏ chiến tranh. Kịch bản nào có thể sẽ được Iran lựa chọn: Một cuộc tập kích trực diện nhằm vào Israel để khơi mào cho một cuộc chiến toàn khu vực hay những đòn đánh ủy nhiệm do Tehran đã xây dựng được lực lượng thân hữu hùng mạnh ở khu vực, vây quanh nhà nước Do Thái?

Kịch bản xung đột toàn diện: Không ai được lợi

Khi đánh giá về những khả năng Iran có thể thực hiện các đòn trả đũa, hãy cùng xem lại một tiền lệ. Đó là vụ Tư lệnh lực lượng Quds của Iran, tướng Qasem Soleimani, thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Iraq năm 2020. Vai trò và tầm ảnh hưởng của tướng Qasem Soleimani quan trọng hơn nhiều so với người đồng nghiệp vừa thiệt mạng.

Ngay sau vụ ám sát tướng Soleimani, Iran đã tấn công trả đũa bằng cách phóng nhiều tên lửa vào các căn cứ của Mỹ ở tỉnh Erbil và Al Anbar tại Iraq. Tuy nhiên, sự việc chỉ dừng lại ở đó và không leo thang thêm nữa.

Theo nhà phân tích chính trị từ Đại học Tehran, Mohammed Marandi, hơn một năm sau khi ông Soleimani thiệt mạng, người dân Iran vẫn thương tiếc vị tướng quá cố.

Tuy nhiên, rõ ràng khi đặt lên bàn cân, sinh mệnh của một số yếu nhân không thể quan trọng bằng vận mệnh quốc gia. Tehran chắc chắn sẽ phải cân nhắc các kịch bản xảy ra khi tung ra đòn trả đũa và những phản ứng tiếp theo của Tel Aviv.

Israel thực tế không phải là đối thủ dễ dàng. Những bằng chứng là trong lịch sử từng chứng minh Nhà nước Do Thái luôn đứng vững trong 4 cuộc xung đột quy mô lớn với khối Ả rập. Không những thế, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày nay còn được đánh giá là có quy mô và thiện chiến bậc nhất khu vực Trung Đông và có khả năng đã sở hữu vũ khí hạt nhân.

Với đối thủ như Israel, việc Iran leo thang quân sự rất dễ dẫn tới cuộc xung đột toàn diện kéo theo nhiều quốc gia trong khu vực tham chiến. Kịch bản như vậy ở thời điểm hiện tại không có lợi cho Tehran bởi các lý do sau:

Thứ nhất, Israel đang có phần "sa lầy" trong cuộc xung đột tại Dải Gaza, làn sóng phản đối ít nhiều đang dâng cao trong nước. Nếu xảy ra một động thái quân sự của Iran có thể khiến dư luận trong nước Israel chuyển hướng về một đối thủ truyền kiếp. Điều này không khác gì "giúp hổ thêm cánh".

Thứ hai, Iran đã và đang xây dựng được lực lượng thân hữu đáng kể trong khu vực và gây ảnh hưởng tới các quốc gia Ả rập trong quan hệ với Israel. Trật tự này có thể bị phá vỡ nếu chiến tranh Iran và Israel xảy ra. Đây là điều Tehran hoàn toàn không muốn.

Thứ ba, không chỉ Israel có lực lượng quân sự mạnh mẽ, mà thực tế các đồng minh của Tel Aviv, đặc biệt là Mỹ cũng đang duy trì lực lượng đông đảo tại Trung Đông. Việc phát động một cuộc chiến như vậy là không khôn ngoan, thậm chí ảnh hưởng tới sự tồn vong của nhà nước Iran.

Chính vì những lý do trên, ngọn lửa chiến tranh toàn diện giữa hai nước khó xảy ra vì kết cục "lưỡng bại câu thương" đã hiện diện trước mắt.

Chiến tranh ủy nhiệm?

Thực tế cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Hamas và Thánh chiến Hồi giáo từ Dải Gaza nhằm vào Israel hồi tháng 10/2023 dù không chứng minh có sự liên hệ của Iran, nhưng đã chỉ ra sự thật rằng Israel đang bị các đối thủ bao quanh, không chỉ là từ các thực thể nhà nước, mà còn là các phong trào Hồi giáo vũ trang.

Dù trong nội bộ các phong trào Hồi giáo vũ trang có những bất đồng về ý thức hệ, nhưng khi nói về đối thủ Israel, tất cả đều đồng lòng. Điều này đã được thể hiện khi Israel mở chiến dịch quân sự trả đũa nhằm vào Dải Gaza năm 2023 và đang kéo dài tới hiện tại.

Trong khi đó, Iran đang có ảnh hưởng rất lớn tới các phong trào Hồi giáo vũ trang, đặc biệt là dòng Shitte trong khu vực. Tehran không cần ra mặt, mà chỉ cần hỗ trợ họ trong cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Israel. Bài học từ phong trào Houthi tại Yemen là điển hình rõ ràng.

Một cuộc chiến không có đối thủ cụ thể, dai dẳng sẽ mang lại tổn thất đáng kể hơn là một cuộc chiến chớp nhoáng.

Vậy một cuộc chiến âm thầm, ủy nhiệm do Iran phát động thông qua các phong trào Hồi giáo vũ trang như Hamas, Hezbollah, Houthi bao vây Israel kéo dài nhiều năm sẽ ra sao? Cuộc chiến như vậy sẽ bào mòn nhân lực, vật lực của Israel hiệu quả hơn nhiều so với cuộc chiến nóng và trực tiếp giữa hai nước.

Bản thân Israel cũng nhận ra vấn đề này và các cuộc không kích nhằm vào các vị trí của lực lượng thân Iran tại Syria đã minh chứng cho điều đó. Nhà nước Do Thái không muốn bản thân bị bao vây bởi các lực lượng thân Iran và sa lầy trong một cuộc chiến trường kỳ không có hồi kết.

Có thể nói, xung đột hiện hữu giữa Iran và Israel đã có truyền thống lâu dài và khó có thể giải quyết trong tương lai gần. Có thể so sánh họ như những võ sĩ trên võ đài đang thủ thế chờ sơ hở của đối phương để ra đòn, nhưng chưa sẵn sàng tung đòn knock-out.

Nguồn: CafeF; Soha; VOV; Vnexpress; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang