Dùng AI 'hồi sinh' người chết; Dân Tajikistan chạy khỏi Nga; Dân Israel biểu tình; Liên quân Ả Rập tiến vào Gaza; Tương lai nào của Gaza

SỬ DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO 'HỒI SINH' NGƯỜI ĐÃ CHẾT

Gần đây, ở Trung Quốc đã xuất hiện các sản phẩm “hồi sinh AI”, tức là sử dụng công nghệ AI để tái tạo giọng nói, hình ảnh, hành vi... của người đã khuất dựa trên dữ liệu lịch sử như ảnh, video, hành vi để tạo ra sản phẩm giống hệt người quá cố.

Nghề kinh doanh mới

Trương Trạch Vĩ có duyên tiếp xúc với nghiệp vụ “AI phục sinh”. Anh khởi nghiệp năm 2012, đầu tiên là trong ngành game, năm 2016 chuyển sang lĩnh vực thực tế ảo. Khởi nghiệp thất bại, năm 2020 anh trở lại Nam Kinh để tham gia nghiên cứu liên quan đến AI, với hướng đi chính là đào tạo AI.

Có lần, một người bạn tới tìm, bố anh ta đột ngột qua đời, cả gia đình giấu tin này với bà nội vì sợ bà không chịu nổi. Người bạn hỏi anh liệu có thể sử dụng AI khôi phục lại hình ảnh của cha để giúp người bà 90 tuổi sống bình an hay không. Trương Trạch Vĩ đã dốc sức làm và đã thành công… người mẹ già vui mừng nhìn thấy và trò chuyện với con trai đã khuất mà không hề hay biết…

Dần dần, ngày càng có nhiều người tìm đến Trương Trạch Vĩ. Có người muốn che giấu gia đình sự thật cái chết của những người thân yêu, trong khi những người khác làm điều đó để chữa lành nỗi đau và bù đắp cho sự tiếc nuối của họ. Ví dụ, một cô cháu gái được bà ngoại nuôi dưỡng hy vọng người bà đã khuất có thể xuất hiện trong lễ cưới của mình. Dựa trên những tài liệu cô cung cấp, nhóm đã khôi phục lại giọng nói và nụ cười của bà khi còn sống, để bà gửi lời chúc phúc cháu trong đám cưới.

Có một cô bé bị trầm cảm vì cái chết bất ngờ của cha, mẹ cô rất lo lắng tìm đến nhờ tạo ra người kỹ thuật số của người bạn đời, cuối cùng đã thành công giúp cô bé thoát khỏi chứng trầm cảm.

“AI hồi sinh” thực sự đã hình thành một tập hợp các quy trình giống như một dây chuyền lắp ráp. Ví dụ: khách hàng cần điền trước vào một biểu mẫu gồm các thông tin cơ bản của người chết, cuộc sống liên quan, các mối quan hệ cá nhân, các sự kiện lớn và các khía cạnh khác và một thỏa thuận ràng buộc được sử dụng để làm rõ các rủi ro pháp lý. Đồng thời, khách hàng cũng cần chuẩn bị một video dài hơn 10 giây trong đó có hình ảnh chính diện của người đã khuất hoặc ít nhất là bức ảnh chính diện và chuẩn bị file âm thanh dài hơn 15 giây.

Sau đó, các thông tin tương ứng sẽ được đưa vào cơ sở dữ liệu để huấn luyện mô hình lớn, toàn bộ quá trình sản xuất mất khoảng một tuần. Tùy theo nhu cầu của người dùng, phí cho mỗi đơn hàng dao động từ 5.000 đến 10.000 NDT (17,5 đến 35 triệu VND).

Kể từ năm ngoái, Trương Trạch Vĩ đã nhận được hơn 5.000 đơn đặt hàng trước, nhưng cuối cùng chỉ có hơn 1.000 đơn được hoàn thành, khoảng 40% đơn phải hủy bỏ do không đủ dữ liệu và hơn một nửa trong số đó thậm chí không có dữ liệu âm thanh của người đã khuất.

Tương lai và những tranh cãi

Trương Trạch Vĩ khá lạc quan về nghề này. Ông cho rằng với sự tiến bộ của công nghệ, khái niệm “AI phục sinh” sẽ tiếp tục được nâng cấp. So với video, chatbot…, trong tương lai sẽ có nhiều sản phẩm AI kỹ thuật số dành cho con người như bản sao kỹ thuật số bất tử và bạn kỹ thuật số. Đồng thời, anh cũng có ý định “sao chép” chính mình, bình thường chú ý lưu giữ nhiều thông tin khác nhau, hy vọng xây dựng được một con người kỹ thuật số hoàn hảo hơn.

“Trước đây, khi nhớ ai đó, chúng ta xem album ảnh và tìm video. Bây giờ chúng ta có thể tương tác với họ. Chẳng phải tốt hơn sao?”. Trong tưởng tượng của ông, “ AI hồi sinh ” có thể trở thành một cách tưởng nhớ những người thân đã khuất mới, giống như việc tảo mộ và đặt hoa.

Một số người không đồng ý với quan điểm này. Có ý kiến nói: “Nhiều người chỉ bày tỏ tưởng nhớ những người thân yêu vào những thời điểm cụ thể như tết Thanh Minh, nhưng nếu họ phải giao tiếp như thế này hàng ngày, điều đó có thể không mang lại sự an ủi mà sẽ khiến nỗi đau trở nên sâu sắc hơn”.

Ngoài ra, “AI hồi sinh” cũng phải đối mặt với sự giám sát pháp lý. Việc “hồi sinh” trên mạng những người nổi tiếng đã qua đời như Coco Lee, Kiều Nhiệm Lương đã gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là sự phản đối từ phía gia đình họ.

Bộ luật Dân sự Trung Quốc quy định mọi tổ chức, cá nhân không được sử dụng công nghệ thông tin để giả mạo hoặc xâm phạm quyền về ảnh chân dung của người khác nếu không có sự đồng ý của người nắm giữ bản quyền về hình ảnh; nếu hình ảnh của người quá cố bị xâm phạm, vợ, chồng, con, cha, mẹ họ có quyền yêu cầu người vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.

Cần lưu ý, có sự khác biệt cơ bản giữa “AI hồi sinh người thân” và “AI hồi sinh người nổi tiếng”, cái trước là sáng kiến ​​của người thân, cái sau là hành vi xâm phạm.

Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ ra rằng “hồi sinh người thân” cũng có thể gây ra khủng hoảng đạo đức. “Không phải thành viên nào trong gia đình cũng có thể chấp nhận và hiểu được điều mới này, dễ dẫn đến rủi ro đạo đức trong mối quan hệ giữa những người thân và ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình”.

LÀN SÓNG NGƯỜI TAJIKISTAN CHẠY KHỎI NGA

Đang có làn sóng lao động nhập cư rời Nga đến Tajikistan sau vụ tấn công phòng hòa nhạc ngày 22/3 gần Moscow khiến hàng chục người thiệt mạng, theo Bộ Lao động, Di trú và Việc làm Tajikistan cho biết hôm 30/3.

Các tay súng đã dùng vũ khí tự động bắn vào những người tham dự buổi hòa nhạc hơn một tuần trước trong vụ tấn công tồi tệ nhất ở Nga trong hai thập kỷ qua, khiến ít nhất 144 người thiệt mạng.

Bốn trong số các tay súng bị tình nghi là công dân Tajikistan và đã bị bắt cùng với bảy nghi phạm khác. Một số người trong số họ cũng đến từ quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ.

"Chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi. Rất có thể đây không phải là những lời phàn nàn về việc quấy rối mà là nỗi sợ hãi của công dân chúng tôi, sự hoảng loạn, nhiều người muốn rời đi. Chúng tôi hiện đang theo dõi tình hình, số người đến (đến Tajikistan) nhiều hơn là rời đi," bà Shakhnoza Nodiri, thứ trưởng Bộ Lao động, Di trú và Việc làm Tajikistan được hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn lời cho biết.

Một nguồn tin an ninh Tajikistan nói với Reuters rằng nước này trong tuần qua đã bắt giữ 9 người bị nghi ngờ có liên quan đến vụ xả súng hàng loạt và đến nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo mà đã nhận trách nhiệm vụ tấn công.

Tình trạng thiếu lao động trong nền kinh tế Nga có thể còn trở nên tồi tệ hơn do dòng lao động nhập cư tràn ra ngoài, với mức thâm hụt trong ngành xây dựng tăng 36% trong năm nay so với năm 2022, ông Anton Glushkov, chủ tịch Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia Nga (NOSTROY), cho hãng tin Interfax biết hôm 29/3.

Theo Ngân hàng Trung ương Nga, tình trạng thiếu nhân viên và tiền lương tăng vọt theo hệ quả là một trong những rủi ro đối với lạm phát, buộc họ phải giữ lãi suất cơ bản ở mức cao.

Bộ lao động Tajikistan cho rằng dòng người di cư từ Nga sẽ chỉ là tạm thời.

Theo trang web của Bộ, số lượng lao động di cư rời khỏi đất nước này vào năm 2023 là 652.014, so với 775.578 người vào năm 2022.

NGƯỜI DÂN ISRAEL BIỂU TÌNH TẠI NHIỀU THÀNH PHỐ

Hàng chục nghìn người Israel biểu tình tại nhiều thành phố để yêu cầu chính phủ giải cứu toàn bộ con tin ở Gaza và Thủ tướng Netanyahu phải từ chức.

Người dân xuống đường tham gia những cuộc biểu tình ở Tel Aviv, Jerusalem, Caesarea, Raanana và Herzliya tối 30/3, trở thành một trong những đợt biểu tình lớn nhất kể từ khi chiến sự ở Dải Gaza bùng phát gần 6 tháng trước. Họ yêu cầu chính phủ giải cứu toàn bộ con tin đang bị giữ ở Dải Gaza.

Tại phố Kaplan ở Tel Aviv, đám đông kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử ngay lập tức. Cảnh sát nỗ lực đẩy lùi người biểu tình ở Cổng Begin, một trong những cổng vào trụ sở quân sự Kirya trong thành phố.

"Không ai rời đi! Chúng tôi sẽ diễu hành đến Jerusalem và ở lại đó cho đến khi chính phủ giải tán", theo nội dung trên một biểu ngữ.

Trong cuộc biểu tình tại Quảng trường Con tin ở Tel Aviv, những người sống sót sau khi bị Hamas bắt cóc kêu gọi chính phủ Israel lập tức đưa tất cả con tin còn lại trở về nhà.

Aviva Siegel và chồng là Keith Siegel đều bị bắt cóc đến Dải Gaza sau cuộc đột kích của Hamas vào miền nam Israel ngày 7/10/2023. Cô được trả tự do sau thỏa thuận trao đổi con tin hồi tháng 11 năm ngoái, song Keith vẫn bị giữ ở Gaza. Trong cuộc biểu tình, Aviva kêu gọi chính phủ "chịu trách nhiệm" và nỗ lực nhiều hơn để giải cứu chồng cô và các con tin khác.

"Xin hỏi Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, tôi đang chết dần ở đây nhưng các ông có hiểu điều đó không? Chúng tôi đang chết dần ở đây", Siegel nói.

Tại Jerusalem, khoảng 200 người xông qua hàng rào do cảnh sát thiết lập để biểu tình gần dinh thự của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Einav Zangauker, mẹ của con tin Matan Zangauker, gọi cách xử lý vấn đề con tin của Thủ tướng Netanyahu là "tội lỗi và không thể hiểu nổi".

"Thủ tướng Netanyahu, sau khi ông bỏ rơi gia đình tôi ngày 7/10/2023 và sau 176 ngày không đạt được thỏa thuận nào để đưa con tin trở về, đồng thời liên tiếp phá hoại thỏa thuận, tôi nhận ra ông chính là người gây trở ngại cho thỏa thuận", bà nói. "Kể từ bây giờ, chúng tôi sẽ nỗ lực để khiến ông bị loại. Đó là cách nhanh nhất để đạt thỏa thuận. Chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình và yêu cầu ông rời ghế".

Tại thành phố ven biển Caesarea, người biểu tình đi vòng quanh hàng rào cảnh sát để tuần hành về phía nhà riêng của ông Netanyahu, chặn đường và hô "Không tha thứ cho những thất bại và ruồng bỏ". Cảnh sát đã bắt một số người ở Caesarea.

Người biểu tình Hannah Zissel nói các cuộc biểu tình nhằm "tăng áp lực lên Thủ tướng Netanyahu".

Ở các thành phố Sderot, Or Akiva, và Beersheba, người biểu tình gọi Thủ tướng Netanyahu là "trở ngại đối với thỏa thuận" thả con tin và yêu cầu ông từ chức.

Cảnh sát cho biết 16 người người biểu tình bị bắt ở Tel Aviv "vì gây gián đoạn giao thông và tắc nghẽn đường phố". "Lượng lớn người biểu tình gây rối loạn trật tự công cộng bằng cách đốt lửa, xô đổ hàng rào cảnh sát, cản trở giao thông và xô xát với cơ quan hành pháp", cảnh sát cho hay.

Video trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát dùng vòi rồng để giải tán người biểu tình trên đường cao tốc Ayalon ở Tel Aviv và bắt ít nhất một người. Một số người biểu tình đứng trước vòi rồng và hô "Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc cho đến khi mọi việc tốt hơn".

Thủ tướng Israel nhiều lần tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến ở Gaza, bất chấp áp lực từ cộng đồng quốc tế. Ông khẳng định mục tiêu hàng đầu của cuộc chiến là giải cứu toàn bộ con tin và loại bỏ hoàn toàn Hamas.

Hôm 27/3, ông Netanyahu nói nước này cần thêm "vài tuần" để đạt được chiến thắng ở Dải Gaza. Ông tái khẳng định quyết tâm tiến đánh thành phố Rafah, được xem là thành trì cuối cùng của Hamas tại Dải Gaza.

ISRAEL LẬP LIÊN QUÂN TIẾN VÀO DẢI GAZA

Israel đang thúc đẩy kế hoạch thành lập lực lượng quân sự của 3 quốc gia Ả rập, nhằm đảm bảo cung cấp viện trợ cho người dân ở dải Gaza của Palestine.

Sự cấp thiết của viện trợ nhân đạo cho Gaza

Israel đang thúc đẩy việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế để bảo vệ Dải Gaza và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo tại đây, nhiều cơ quan truyền thông Do Thái đồng loạt đưa tin vào tối ngày 28/3, cho thấy có khả năng xảy ra một vụ “rò rỉ thông tin” được dàn dựng.

Các báo cáo từ giới truyền thông Israel cho biết, Tel Aviv đã nhất trí và đang nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng một lực lượng hòa bình được đề xuất biên chế bởi quân đội từ 3 quốc gia Ả Rập giấu tên đang có quan hệ tốt với Israel, có nhiệm vụ bảo vệ các đoàn xe viện trợ khỏi bị cướp bóc.

Các nhóm viện trợ cho biết, toàn bộ Gaza đang sa lầy trong một cuộc khủng hoảng nhân đạo, trong đó tình hình ở phía bắc phần lớn bị cô lập đang trở nên nghiêm trọng. Theo một số báo cáo, nhiều người trong số khoảng 300.000 người vẫn sống ở phía bắc Gaza đã phải ăn thức ăn gia súc để tồn tại.

Nhiệm vụ ban đầu của lực lượng quốc tế sẽ là bảo vệ các đoàn xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo khỏi sự cướp bóc của những kẻ cực đoan ở Dải Gaza, cũng như bảo vệ bến tàu viện trợ do Mỹ xây dựng ngoài khơi Dải Gaza, dự kiến sẽ sẵn sàng trong khoảng một tháng.

Liên Hiệp Quốc cho biết, cứ sáu trẻ em dưới hai tuổi ở miền Bắc thì có một em bị suy dinh dưỡng cấp tính. Tổng cộng, khoảng 1,1 triệu người, chiếm khoảng một nửa dân số Palestine, được cho là đang phải trải qua “nạn đói thảm khốc”.

UAE và Ai Cập sẽ tham gia liên quân Ả rập?

Ban đầu, các đồng minh Ả Rập của Mỹ không sẵn sàng tham gia kế hoạch gìn giữ hòa bình này vì họ đã nhiều lần khẳng định rằng sẽ không tham gia quản lý Gaza sau chiến tranh, trừ khi đó là một phần của sáng kiến rộng lớn hơn bao gồm việc thành lập “Cơ quan quản lý Gaza” - con đường dẫn đến một nhà nước Palestine trong tương lai - điều mà chính phủ hiện tại kiên quyết bác bỏ.

Tuy nhiên, tất cả các báo cáo hôm 28/3 đều cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đã thông báo cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng ông đã đạt được tiến bộ về vấn đề này trong chuyến thăm Washington hồi đầu tuần.

Các báo cáo cho biết, ý tưởng này được chính quyền của ông Joe Biden ủng hộ. Lực lượng này có thể sẽ sớm được trang bị vũ khí để duy trì luật pháp và trật tự, đồng thời sẽ làm việc với những người Gaza không có liên hệ với Hamas, những nhân vật có liên hệ với Chính quyền Palestine.

Lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ bao gồm quân đội từ ba quốc gia Ả Rập giấu tên khác nhau, nhưng không phải là đồng minh Saudi Arabia hay Qatar - quốc gia là người bảo trợ lâu năm của Hamas, một trong những trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán về con tin để đình chiến.

Một số báo cáo cho rằng, Ai Cập và UAE là hai trong số các quốc gia trong nhóm nòng cốt của liên quân Ả rập và quốc gia thứ ba cũng có hiệp ước hòa bình với Israel. Lực lượng này sẽ do Mỹ thống nhất quản lý, nhưng điều đặc biệt là không có lực lượng của Mỹ trực tiếp tham gia.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Ynet đưa tin, tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và các quốc gia Ả Rập giấu tên là kết quả của các chuyến thăm của quan chức quốc phòng Israel tới các quốc gia đó và đàm phán với chính phủ Mỹ và CENTCOM (“Bộ Tư lệnh Chiến trường Trung tâm” của Mỹ).

Một báo cáo của Politico trong tuần này cho biết, Lầu Năm Góc đang sớm đàm phán về các kế hoạch tiềm năng nhằm tài trợ cho lực lượng gìn giữ hòa bình, nhưng theo tờ Haaretz của Israel, vẫn chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào về cách trang bị vũ khí cho lực lượng này.

Trong khi đó, Kênh 12 đưa tin ông Netanyahu ban đầu phản đối ý tưởng này, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant cho rằng, đây là lựa chọn tốt nhất hiện có và cuối cùng, chính quyền Tel Aviv đã chấp thuận kế hoạch này.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc Israel bắt đầu thực hiện kế hoạch tái thiết Gaza sau chiến tranh, chẳng hạn như kế hoạch “Ngày hôm sau” (“Day after”) của Gallant mà ông đã trình bày cách đây 3 tháng.

Kế hoạch này chưa nhận được sự ủng hộ từ liên minh, bởi nó đề xuất ý tưởng cho phép Israel duy trì toàn quyền kiểm soát quân sự đối với Gaza trong thời điểm hiện tại nhưng không có sự hiện diện dân sự ở đó, các vấn đề dân sự ở dải đất này sẽ do người Palestine không thù địch với Israel quản lý.

Hơn nữa, kế hoạch kêu gọi ổn định về an ninh ở Dải Gaza thời hậu chiến, với sự hỗ trợ từ lực lượng đa quốc gia.

DẢI GAZA & DẤU HỎI VỀ TƯƠNG LAI

Gần sáu tháng kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát, tương lai cho lệnh ngừng bắn lâu dài để tiến tới hòa bình tại Dải Gaza vẫn rất mong manh.

Bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nhà trung gian hòa giải chủ chốt như Mỹ, Ai Cập, Qatar, quan điểm của Israel và Hamas về giải pháp cho cuộc xung đột vẫn còn khoảng cách rất lớn.

Trong khi Israel tuyên bố các mục tiêu khi phát động tấn công trả đũa nhằm vào Hamas đạt được vẫn còn hạn chế và tiếp tục các cuộc không kích, thậm chí ngay trong tháng lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo, thì hàng triệu người dân ở Dải Gaza vẫn đang phải đối mặt với bom đạn và khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng.

Tại Dải Gaza, hầu hết cơ sở hạ tầng dân sự đã bị phá hủy khiến khoảng 1 triệu người dân không còn nơi trú ngụ trong khi 1,9 triệu người, chiếm tới 85% dân số Gaza đã phải di dời. Đáng buồn hơn, xung đột khiến hơn 32.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó khoảng 70% là phụ nữ và trẻ em. Theo ước tính của Liên hợp quốc, ngay cả khi sự ổn định trở lại thì quá trình tái thiết Gaza cũng phải cần nhiều thập kỷ để phục hồi với hàng chục tỷ USD.

Nhiều vòng đàm phán nhằm kiếm tìm giải pháp cho cuộc xung đột, mà trước mắt là một lệnh ngừng bắn lâu dài đã thất bại. Israel và Hamas luôn cáo buộc lẫn nhau vi phạm cam kết và đưa ra những yêu cầu mà đối phương khó chấp nhận.

Thế khó của Mỹ

Trong bối cảnh đó, một tia sáng dường như đã le lói cuối đường hầm. Ngày 25/3 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza trong tháng lễ Ramadan.

Ngay lập tức, Israel đã phản ứng gay gắt. Tel Aviv cáo buộc việc bỏ phiếu trắng, không dùng quyền phủ quyết để ngăn thông qua Nghị quyết của Washington là dấu hiệu thay đổi chính sách nhất quán của Mỹ với Israel, cho rằng động thái của Mỹ đã làm tổn hại đến cuộc chiến của Israel chống Hamas và kế hoạch giải cứu hơn 300 con tin đang bị Hamas giam giữ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hủy chuyến thăm của cố vấn an ninh quốc gia Tzachi Hanegbi và Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Ron Dermer đến Washington, bất chấp phía Mỹ cho biết đã liên hệ với Israel trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu để giải thích đây không phải là thay đổi chính sách của Washington đối với Tel Aviv.

Trái ngược với phản ứng giận dữ của Israel, Hamas hoan nghênh Nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Dải Gaza lần đầu tiên được Hội đồng Bảo an thông qua. Hamas tuyên bố, việc thông qua Nghị quyết cho thấy sự cần thiết phải đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài, tiến tới việc Israel rút hoàn toàn lực lượng khỏi Dải Gaza và người dân Palestine được trở về nhà. Trớ trêu, đây lại là điều mà Tel Aviv luôn phản đối, cho rằng đó là một sự thất bại của Israel.

Đáng chú ý, Nghị quyết được thông qua trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đang có mặt ở Washington. Trong các cuộc gặp với cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Ngoại trưởng Antony Blinken và người đồng cấp Lloyd Austin ngày 25 và 26/3, ông Gallant yêu cầu Mỹ bán thêm vũ khí, thiết bị hỗ trợ cuộc xung đột và ủng hộ Israel tiếp tục tấn công vào Dải Gaza. Thế nhưng, nhiều nhà quan sát cho rằng, những yêu cầu từ Tel Aviv đối với Washington trong lúc này là “cực kỳ tế nhị”, gây khó cho chính quyền của Tổng thống Biden.

Gần đây, việc ông Netanyahu cân nhắc về một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn vào Rafah, nơi có hơn 1 triệu người Palestine đang trú ẩn, đã gây ra tranh cãi trong chính quyền Biden. Là đồng minh chủ chốt của Israel, nhưng hiện Mỹ cũng đang phải tính toán đến nhiều vấn đề trong nước, đặc biệt là cuộc bầu cử tổng thống đang cận kề.

Điều này khiến Mỹ có những động thái gây áp lực, buộc Israel giảm quy mô và kết thúc chiến dịch quân sự, đặt trọng tâm vào các hoạt động ngoại giao. Tuy nhiên, Mỹ cũng chưa đưa ra được giải pháp thuyết phục nào cho cách tiếp cận của Israel.

Con đường trước mắt

Dưới áp lực quốc tế, Thủ tướng Israel Netanyahu đã khẳng định Israel không tìm cách “tái chiếm đóng” Gaza. Tel Aviv cho rằng, để có thể đảm nhận trách nhiệm về giữ trật tự và an ninh nội bộ ở Dải Gaza, các lực lượng an ninh Palestine cần được đào tạo, tài trợ, hợp pháp hóa (được chấp nhận ở Palestine) và được triển khai trong khuôn khổ chính trị. Tuy nhiên, Israel cho rằng cách duy nhất có thể bảo đảm an ninh cho Dải Gaza là sự hiện diện của lực lượng quốc tế dưới sự lãnh đạo của Mỹ.

Trong bối cảnh Mỹ đang phải dàn trải lực lượng ở nhiều điểm nóng và hướng tới giảm số quân hiện diện tại khu vực, việc này rất khó thành hiện thực. Vì vậy, tình hình an ninh trong và xung quanh Dải Gaza vẫn cực kỳ mong manh, nhất là khi các bên chưa đạt thỏa thuận ngừng bắn và kế hoạch cụ thể hậu xung đột.

Để có được hòa bình bền vững ở Dải Gaza, giải pháp khả thi là phải bảo đảm được cả bốn khía cạnh chính gồm quản trị, an ninh, tái thiết và khuôn khổ chính trị. Thành công ở bất kỳ khía cạnh nào đều phụ thuộc lớn vào sự đồng thuận của cả Israel và Palestine cũng như các bên liên quan.

Cho đến nay, chưa có bất kỳ khía cạnh nào được bảo đảm, các bên mới dừng lại ở việc phản ứng và thỏa thuận có tính toán trước áp lực dư luận. Việc Hội đồng Bảo an lần đầu tiên ra Nghị quyết yêu cầu ngừng bắn là điều đáng hoan nghênh, nhưng con đường đến hòa bình lâu dài và bền vững ở Dải Gaza còn nhiều chông gai.

Nguồn: CafeF; VOA; Vnexpress; Soha; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang