Siêu đám cưới ở Ấn Độ; Thảm sát ở Gaza; COP28 vất vả 'tìm đường'; Moscow đang hưởng lợi; Moldova cầu cứu Nga

Người giàu khắp thế giới đổ về Ấn Độ dự tiệc trước đám cưới con trai đại gia giàu nhất châu Á

Nhiều nhân vật có ảnh hưởng nhất trên thế giới đã có mặt tại bang Gujarat của Ấn Độ để tham dự bữa tiệc trước đám cưới của con trai tỷ phú giàu nhất châu Á.

Mark Zuckerberg, Rihanna và Bill Gates là những khách mời tham dự buổi tiệc do Chủ tịch tập đoàn Reliance Industries, ông Mukesh Ambani tổ chức cho con trai út của mình.

Con trai ông, Anant Ambani, 28 tuổi, dự tính sẽ kết hôn với cô Radhika Merchant vào tháng 7 tới.

Các ngôi sao Bollywood như Shah Rukh Khan và Amitabh Bachchan cũng có mặt tại sự kiện sẽ diễn ra trong ba ngày ở thành phố Jamnagar này.

Với khối tài sản ròng 115 tỷ USD, ông Mukesh Ambani, 66 tuổi, hiện là người giàu thứ 10 thế giới, theo Forbes.

Ông là chủ của Reliance Industries, tập đoàn khổng lồ được cha ông thành lập năm 1966, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ lọc dầu, bán lẻ đến dịch vụ tài chính và viễn thông.

Anant Ambani là con út trong số ba người con của ông Mukesh.

Người đàn ông 28 tuổi này tham gia vào hoạt động kinh doanh năng lượng của Reliance và là thành viên hội đồng quản trị của Reliance Foundation.

Cả ba người con của ông Mukesh đều nằm trong hội đồng quản trị của tập đoàn Reliance Industries.

Bữa tiệc hoành tráng trước đám cưới này tiếp nối những tiệc cưới xa hoa của gia đình Ambani trước đó.

Năm 2018, siêu sao nhạc Pop Beyoncé từng biểu diễn tại bữa tiệc trước đám cưới của cô Isha Ambani, con gái ông Mukesh, ở thành phố Udaipur.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton và ông John Kerry, cũng nằm trong những khách mời tham dự sự kiện.

Bài viết trên Bloomberg vào thời điểm đó trích dẫn các nguồn tin đã ước tính chi phí đám cưới của cô Isha lên tới 100 triệu USD .

Tuy nhiên, một "người thân cận với gia đình" đã phủ nhận thông tin này, cho biết chi phí là khoảng 15 triệu USD.

Chuỗi sự kiện đã bắt đầu khi gia đình Ambani phục vụ đồ ăn cho người dân địa phương tại thành phố Jamnagar từ đầu tuần.

Tổng cộng khoảng 1.200 vị khách đang tới tham dự bữa tiệc trước đám cưới, được tổ chức tại một khu dân cư ở Jamnagar, gần nhà máy lọc dầu chính của Reliance.

Reuters cho biết danh sách khách mời bao gồm các tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani và Kumar Mangalam Birla.

Giám đốc điều hành Disney, ông Bob Iger, cũng dự kiến tham dự bữa tiệc, diễn ra vài ngày sau khi công ty ông tuyên bố sáp nhập tài sản ở Ấn Độ với Reliance.

Mark Zuckerberg, người đang bận rộn trong chuyến đi công tác châu Á, đã đến Jamnagar vào ngày 29/2.

Bill Gates, người đã đến Ấn Độ vài ngày trước đã đăng tải một video uống trà do một người bán hàng địa phương pha chế - video này sau đó đã lan truyền rộng rãi.

Những người khác được trông thấy tại buổi tiệc hôm 1/3 bao gồm các vận động viên cricket Mahendra Singh Dhoni và Dwayne Bravo, cũng như ông Murray Auchincloss - Giám đốc điều hành BP, một tập đoàn hóa dầu lớn của Anh.

Cựu Thủ tướng Canada Stephen Harper, cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd và bà Ivanka Trump cũng tham dự sự kiện.

"Danh sách khách mời dường như có nhiều lời xác nhận tham dự từ các ông trùm doanh nghiệp khắp thế giới hơn so với đám cưới của hai người con lớn của ông Ambani vào năm 2018 và 2019, thể hiện rõ tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Reliance và vai trò cầu nối đến nền kinh tế Ấn Độ cho các công ty công nghệ, truyền thông và năng lượng toàn cầu," theo Bloomberg.

Các tiết mục giải trí có sự góp mặt của ca sĩ Rihanna và nhà ảo thuật David Blaine.

Các khách mời dự kiến sẽ tham quan một trung tâm cứu hộ ở Jamnagar, nơi được cho là có hơn 2.000 động vật.

Theo một lịch trình Reuters có được, chủ đề trang phục cho chuyến đi này là "cơn sốt rừng rậm".

Kinh tế Ấn Độ vượt kỳ vọng với mức tăng trưởng 8,4%

Ấn Độ đã giữ vững danh hiệu nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới với mức tăng trưởng 8,4% trong ba tháng cuối năm 2023, so với cùng kỳ năm ngoái.

Quốc gia này được dự báo sẽ vượt Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong vài năm tới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2024, cao hơn so với mức 4,6% của Trung Quốc.

Bắc Kinh đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc công bố các biện pháp kích thích nhằm hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với một số thách thức bao gồm khủng hoảng thị trường bất động sản, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao.

Dồn dập phản ứng về cáo buộc thảm sát ở Dải Gaza

AFP hôm qua đưa tin Cơ quan Y tế Gaza đã lên án vụ "thảm sát" ở TP.Gaza thuộc phía bắc Dải Gaza vào ngày 29.2, nói rằng có 112 người thiệt mạng và hơn 750 người bị thương.

Cơ quan Y tế Gaza đã cáo buộc binh sĩ Israel nổ súng vào những người Palestine đang chờ các xe tải chở hàng viện trợ ở TP.Gaza vào sáng 29.2 (theo giờ địa phương).

Trong khi đó, quân đội Israel nói rằng nhiều người Palestine bị thương do "xô đẩy và giẫm đạp", và binh sĩ Israel cũng đã nổ súng vào đám đông đang di chuyển trong khu vực theo cách "gây nguy hiểm" cho họ, theo tờ The Times of Israel. Sau đó, Mỹ đã không ủng hộ một tuyên bố được đưa ra tại HĐBA LHQ nhằm cáo buộc lực lượng Israel nổ súng vào những người Palestine đang chờ hàng viện trợ.

Mặt khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng vụ chết người hàng loạt ngày 29.2 sẽ làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán ngừng bắn mong manh trong cuộc xung đột Hamas - Israel đã kéo dài gần 5 tháng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller khẳng định Mỹ đang "khẩn trương tìm kiếm thêm thông tin về chính xác những gì đã xảy ra".

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đã lên án vụ việc trên, cho rằng cần phải tiến hành một cuộc điều tra độc lập. Ngoài việc lên án, Qatar, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Úc, Tây Ban Nha và Ý còn kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức trong xung đột Hamas - Israel.

Hành trình dài tìm đường

Chuyển đổi năng lượng là xu thế không thể đảo ngược, song lộ trình thực hiện lại gặp không ít thách thức để biến cam kết thành hành động đạt mục tiêu. Sau những nhất trí đạt được tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) năm ngoái, nhiều nước đang lao vào công cuộc tìm kiếm hướng đi phù hợp cho hành trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Và cuộc tìm kiếm này cũng là nội dung bao trùm Hội nghị Tuần lễ Năng lượng quốc tế 2024 vừa diễn ra tại London.

Nhìn lại bức tranh năng lượng toàn cầu, có thể điểm lại những “mảng màu sáng, tối” nổi lên rõ nét: Sự bùng nổ năng lượng tái tạo ở Bỉ; Ấn Độ đứng thứ tư thế giới về công suất lắp đặt năng lượng tái tạo; Đức lắp đặt hơn 1 triệu hệ thống pin năng lượng Mặt Trời mới trong năm 2023, tương đương công suất 14 GW, tăng 85% so với năm 2022… Bất chấp những con số ấn tượng trên, lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hoá thạch tăng lên mức kỷ lục mới. Theo Báo cáo Dự án carbon toàn cầu, lượng phát thải khí nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới năm 2023 lên tới 36,8 tỷ tấn, cao hơn 1,1% so với năm trước đó.

Một trong những cam kết lịch sử đạt được tại COP28 là dần dần “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch”. Cam kết này làm dấy lên hy vọng về bước khởi đầu của tương lai năng lượng sạch. Thế nhưng, tương lai ấy dường như vẫn còn mù mịt, khi năng lượng hóa thạch vẫn giữ “vị trí thống trị” trong “kim tự tháp năng lượng”. Tại Tuần lễ Năng lượng quốc tế London vừa qua, ông David Whitehouse – Giám đốc điều hành của Offshore Energies UK, Hiệp hội thương mại ngành công nghiệp năng lượng ngoài khơi của Vương quốc Anh, thừa nhận dầu khí vẫn chiếm 75% tổng nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Nhiều dữ liệu cho thấy thế giới đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng, song hành trình “cai nghiện” năng lượng hóa thạch còn gặp nhiều trở ngại. Dễ nhận ra hơn cả là sự khác biệt lớn trong hành trình chuyển dịch giữa các nước. Những quốc gia đi tiên phong thường có lợi thế về sản xuất năng lượng tái tạo và họ đã khai thác thế mạnh này cùng với tiềm lực tài chính. Trong khi đó, nhiều nước khác, chủ yếu là các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, vẫn đang loay hoay giải bài toán chuyển đổi năng lượng.

Đi đầu là những nước ở châu Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Anh, Phần Lan và Mỹ. Theo Chỉ số hiệu quả môi trường 2022, Đan Mạch được đánh giá là một trong những nền kinh tế xanh có mức độ thành công lớn nhất thế giới trong chuyển đổi năng lượng để bảo vệ môi trường. Đứng thứ hai và ba lần lượt là Anh và Phần Lan. Kinh nghiệm cho thấy Đan Mạch đã phát triển năng lượng điện gió trong các kế hoạch phát triển năng lượng của nước này từ năm 1976. Cho đến nay, hơn 40% sản lượng điện năng của Đan Mạch đến từ điện gió.

Nếu như lĩnh vực điện gió đang tạo ra động lực đạt các mục tiêu năng lượng xanh của nhiều nước châu Âu, thì không ít nước châu Phi vẫn đang loay hoay huy động vốn đầu tư cho nỗ lực chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và hydro xanh cho những tiềm năng chưa được khai thác. Chẳng hạn như Kenya, để huy động vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm thúc đẩy nền kinh tế xanh, quốc gia Đông Phi này đang đẩy mạnh hợp tác với Liên minh châu Âu (EU).

Cũng có không ít tín hiệu tích cực. Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) ghi nhận năm 2023 đánh dấu “sự lên ngôi” của năng lượng tái tạo và năng lượng sạch ở cấp độ toàn cầu. Năng lượng tái tạo được bổ sung vào các hệ thống năng lượng trên toàn thế giới đã tăng gần 50%, đạt gần 510 GW, chủ yếu nhờ hơn 130 quốc gia thúc đẩy chính sách năng lượng phù hợp với xu hướng toàn cầu. Công suất năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới, nhất là ở châu Âu và Mỹ.

Những số liệu ấn tượng này chính là động lực làm dấy lên hy vọng rằng con đường hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C là khó khăn nhưng vẫn còn cơ hội.

Để đi tiếp trên hành trình này, thế giới cần vượt qua những thách thức, gồm khác biệt về chính sách giữa các nước gây trở ngại cho việc áp dụng rộng rãi các giải pháp năng lượng tái tạo, chi phí vốn ban đầu cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, khiến các cá nhân và doanh nghiệp khó chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Ngoài ra, tính không liên tục của các nguồn năng lượng tái tạo có thể khiến việc cung cấp một nguồn năng lượng đáng tin cậy trở nên thách thức

Trước tình hình này, các cuộc thảo luận tại London đánh giá lại vai trò “bước đệm” của khí phát thải ít carbon như khí hydro, khí sinh học, khí tự nhiên hoá lỏng, trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Vấn đề đặt ra là quá trình khoan khai thác, chiết xuất và vận chuyển khí tự nhiên lại gây phát thải metan – một loại khí gây ấm lên toàn cầu gấp nhiều lần so với CO2.

Tại COP26, các nước đã ký Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu ở mức 30% vào năm 2030 so với mức năm 2020. Đến COP28, 50 công ty dầu khí chiếm 40% sản lượng toàn cầu đã cam kết khử carbon và giảm lượng khí metan trong hoạt động từ nay đến năm 2050. Thế nhưng, tốc độ thực hiện cam kết chưa đạt kỳ vọng.

Giám đốc điều hành của Offshore Energies UK David Whitehouse giải thích việc các công ty năng lượng chậm chuyển đổi là do vẫn cần nguồn thu từ dầu khí để đầu tư vào năng lượng mới. Cuộc tranh luận nóng lên khi vấp phải luồng ý kiến phản biện.

Trong khi thế giới vẫn đau đầu cân bằng phương trình “bước đệm” trong chuyển đổi năng lượng và cắt giảm khí thải metan từ các loại khí, thì một số nước chưa có nguồn đầu tư mạnh đã chọn cách tăng tiêu thụ khí tự nhiên. Ví dụ, Ấn Độ coi khí đốt tự nhiên là nhiên liệu chuyển tiếp trong quá trình hướng tới mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2070.

Trong bối cảnh đó, những giải pháp “công nghệ” đã được xướng tên, mà trước hết là công nghệ thu giữ CO2. Lâu nay, có hai luồng ý kiến trái chiều về công nghệ thu hồi và lưu giữ CO2. Những người ủng hộ tin rằng công nghệ lưu giữ CO2 là "phao cứu sinh" giúp giảm thiểu lượng phát thải, song một số nhà nghiên cứu, nhà vận động và nhóm vận động môi trường cho rằng những công nghệ này không phải là một giải pháp.

Ông Jim Skea - thành viên Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu đánh giá công cuộc triển khai công nghệ thu hồi và lưu trữ CO2 vẫn là thách thức, so sánh việc thu giữ CO2 "chẳng khác nào nỗ lực đẩy nước lên đồi cao”. IEA cũng kêu gọi ngành dầu khí từ bỏ "ảo tưởng" rằng thu hồi carbon là một giải pháp cho biến đổi khí hậu, thay vào đó thúc đẩy các công ty năng lượng tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch.

Vậy là các nước lại chuyển sang đặt cược vào “yếu tố làm thay đổi cuộc chơi” khác. Đó là công nghệ sản xuất nhiên liệu có hàm lượng carbon thấp hơn, như hydro, amoniac và nhiên liệu tổng hợp, được kỳ vọng thay thế cho dầu mỏ và khí đốt. "Ván cược" khiến cuộc đua trong lĩnh vực công nghệ này trở nên rầm rộ. Saudi Arabia đang xây dựng nhà máy hydro xanh lớn nhất thế giới với vốn đầu tư khổng lồ 8,4 tỷ USD, công suất dự kiến 600 tấn hydro xanh mỗi ngày khi hoạt động vào cuối năm 2026.

Trong khi chờ đợi những kết quả hữu hình, cuộc tranh luận tại London tập trung vào thị trường giao dịch và cơ chế định giá carbon, như một công cụ chính sách để giảm phát thải khí nhà kính. Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu khuyến khích sử dụng các cơ chế thị trường như vậy, song vẫn còn những quan ngại về thị trường carbon tự nguyện, cách thức định giá và tính minh bạch trong giao dịch. Chính những vấn đề phức tạp này mà COP28 vừa qua đã “lỡ nhịp” khi không thể đạt được thỏa thuận về những quy định mới cho phép triển khai thị trường giao dịch carbon giữa các nước và giữa các doanh nghiệp.

Rõ ràng hành trình tìm đường thực hiện các mục tiêu năng lượng vẫn còn khá gập ghềnh, song các quốc gia đều phải quyết tâm vượt qua, bởi những cam kết chống biến đổi khí hậu là điều không thể từ bỏ.

Con lắc đang xoay theo hướng có lợi cho Moscow

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã được hai năm, và con lắc dường như đang xoay theo hướng có lợi cho Moscow.

Ông Fyodor Lukyanov - một trong những chuyên gia nổi tiếng nhất của Nga trong lĩnh vực quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại, mới đây đã có những phân tích, nhận định về cuộc chiến Nga-Ukraine rằng, con lắc dường như đang xoay theo hướng có lợi cho Moscow.

Tình thế đang nghiêng về Nga

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine hiện đã được hai năm. Tuyên bố của phương Tây rằng, mọi thứ sẽ được quyết định trên chiến trường đã trở thành tiên đề, nhưng việc đánh giá kết quả đã thay đổi.

Một năm rưỡi trước, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Liên minh châu Âu (EU), Josep Borrell, đã phát biểu đầy lạc quan. Nhưng bây giờ ông ấy giao tiếp với sự sợ hãi.

Rất có thể một thời điểm rất quan trọng đang đến gần, không chỉ về mặt quân sự, mà trên hết là về mặt chính trị.

Ngay từ đầu, động cơ cho hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine đã kết hợp hai vấn đề, khác nhau về bản chất nhưng được liên kết bởi hoàn cảnh lịch sử gần đây.

Thứ nhất, các nguyên tắc an ninh quốc tế xuất hiện sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và thứ hai, vấn đề Ukraine như một phần của bản sắc dân tộc. Nền tảng cho cách tiếp cận theo hai hướng này được trình bày trong bài viết “Về sự thống nhất lịch sử giữa người Nga và người Ukraine” của Tổng thống Vladimir Putin, được xuất bản sáu tháng trước khi bùng nổ chiến sự.

Trong đó, ông Putin liên kết những lo ngại về an ninh quân sự và chính trị của đất nước với sự phá hủy sự thống nhất này.

Quan hệ Nga-Ukraine và Nga-Mỹ là một vấn đề giống nhau

Vấn đề “hạ cấp” NATO và xây dựng các mối quan hệ an ninh khác trên cơ sở này đóng vai trò là khúc dạo đầu cho việc bắt đầu hoạt động quân sự của Nga - các yêu cầu liên quan đã được nêu trong một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao vào tháng 12/2021.

Điều tương tự cũng đã được thảo luận tại các cuộc đàm phán ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa xuân năm 2022.

Tình trạng trung lập đối với Ukraine (tức là khối phương Tây đồng ý không mở rộng thêm) và việc hạn chế tiềm năng quân sự của nước này rõ ràng là nhằm mục đích làm điểm khởi đầu cho các bước tiếp theo.

Tổng thống Putin cũng nói điều tương tự trong cuộc phỏng vấn gần đây với nhà báo Mỹ Tucker Carlson: Chiến tranh có thể đã kết thúc ở Istanbul nếu người ngoài không ngăn cản các bên đạt được thỏa thuận vào thời điểm đó.

Điều này một lần nữa cho thấy rằng, mục tiêu ban đầu được xây dựng dựa trên tình hình chung của châu Âu chứ không phải lợi ích lãnh thổ.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi trong hai năm qua, và đây là thành phần động lực thứ hai đã xuất hiện.

Trong hai lời kêu gọi của Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 2/2022, ngay trước khi bắt đầu chiến sự, người ta nhấn mạnh vào sự bất công lịch sử và sự không phù hợp của việc chia một quốc gia thành công dân của hai quốc gia khác nhau và tính nhân tạo của các đường biên giới được vẽ ra.

Do kế hoạch ban đầu của chiến dịch (một sự thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng về tình hình chiến lược quân sự của Ukraine) không được thực hiện và nó kéo dài, nên vấn đề kiểm soát lãnh thổ và vượt qua chiến tuyến trở thành vấn đề chính.

Và việc sáp nhập các vùng lãnh thổ mới vào Liên bang Nga vào mùa thu năm 2022 đã loại trừ khả năng đạt được những thỏa hiệp đáng lẽ có thể được thảo luận vào mùa xuân năm đó (trở lại các vị trí đã chiếm giữ trước khi bùng nổ chiến sự toàn diện).

Điệp khúc thường xuyên là bất kỳ cuộc đàm phán nào kể từ bây giờ sẽ phải tính đến thực tế “trên thực địa”, và vì những điều này liên tục thay đổi nên kết quả không được xác định trước.

Theo quan điểm của Điện Kremlin, việc Ukraine không thể chiến đấu nếu không có nguồn cung cấp khổng lồ liên tục từ nước ngoài chỉ càng khẳng định luận điểm được trình bày trong bài báo của ông Putin về bản chất lấy cảm hứng từ bên ngoài của dự án quốc gia Ukraine.

Do đó, hai thành phần – an ninh châu Âu và thành phần/bản sắc lãnh thổ Ukraine – cuối cùng có mối liên hệ với nhau. Nói cách khác, mối quan hệ của Nga với Ukraine và mối quan hệ của Nga với Mỹ/NATO là một vấn đề giống nhau.

Việc Mỹ quay lưng lại với Ukraine giờ đây sẽ được khắp thế giới coi là dấu hiệu cho thấy sự suy thoái của Mỹ, điều mà Washington không thể chấp nhận được.

Và đây không chỉ là vấn đề uy tín hay sự không sẵn sàng nhượng bộ trước Moscow, quốc gia đã không thắng trong Chiến tranh Lạnh.

Nếu tư cách thành viên của Ukraine trong khối NATO được thông qua, sẽ buộc Nga phải thận trọng hơn nhiều, vì Moscow sẽ nhận ra rằng, hậu quả quân sự sẽ chuyển sang một cấp độ khác về chất. Đồng thời, bản thân việc Kiev tham gia liên minh sẽ trở thành một biện pháp răn đe.

Tuy nhiên, với thái độ đối với liên minh đã phát triển trong ba mươi năm qua và sự thiếu tin tưởng nghiêm trọng, Nga chắc chắn sẽ coi việc Ukraine gia nhập NATO là sự chuẩn bị bàn đạp cho một cuộc xung đột mới.

Hơn nữa, tình trạng như vậy sẽ trở thành sự tái hiện ảo của Chiến tranh Lạnh (với một Ukraine bị chia cắt giống như một nước Đức bị chia cắt).

Đến điểm sôi

Trước mắt chắc chắn không có sự thỏa hiệp nào: Vấn đề NATO là vấn đề nguyên tắc của cả hai bên.

Nga hy vọng có thể buộc Mỹ và các nước đồng minh nhận ra sự cần thiết phải rút lui chính trị trong vấn đề này. Washington và các đồng minh coi đây là điều không thể chấp nhận được.

Các điều kiện để leo thang là có. Nga có ý định chuyển lợi thế hiện tại của mình thành những lợi ích lớn hơn nữa bằng bất cứ giá nào, chứng tỏ rằng đối phương đang cạn kiệt nguồn lực để đối đầu.

Tuy nhiên, sự trục trặc trong viện trợ của Mỹ cho Kiev, nếu được giải quyết, sẽ không chỉ dẫn đến kết quả về số lượng mà còn về chất lượng - dẫn đến việc giải phóng các quỹ và bắt đầu cung cấp vũ khí tầm xa mạnh hơn để gây thiệt hại tối đa cho đối phương.

Sức nóng của cuộc đối đầu đã đến mức nếu nhiệt độ tiếp tục tăng sẽ khiến nó đạt đến điểm sôi hoàn toàn, tức là gần đến mức đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Và những thành công quân sự của Moscow, không hề đáng lo ngại, có thể có tác động ngược lại trong việc nâng cao nguy cơ.

Khi xem xét mô hình này, điều quan trọng là phải tính đến hoàn cảnh trong nước, điều mà ngày nay có thể quan trọng hơn bất kỳ tính toán địa chính trị nào.

Sự chia rẽ ngày càng sâu sắc ở Mỹ trong năm bầu cử, sự chia cắt của Tây Âu và tình hình chính trị - xã hội ngày càng không rõ ràng ở Ukraine.

Về mặt này, Nga có vẻ ổn định nhất, nhưng không thể loại trừ các tình huống bất ngờ. Một lần nữa, có thể bùng phát sự đối đầu bên ngoài bối cảnh trực tiếp của Ukraine – ở Á-Âu, ở châu Á nói chung, hoặc trong sự căng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông. Tất cả những điều này có thể trở thành đầu vào quan trọng.

Năm thứ ba của chiến dịch dự báo sẽ mang tính quyết định về mọi mặt. Và trong bối cảnh tính phức tạp của cuộc xung đột cũng như quy mô của lợi ích đang bị đe dọa, một giải pháp trong tương lai gần rất đang được mong đợi,

Thế khó khiến vùng ly khai Moldova cầu cứu Nga

Xung đột ở Ukraine đẩy chính quyền ly khai Transnistria ở Moldova vào tình thế khó khăn khi chịu áp lực từ nhiều bên, thúc đẩy họ tìm kiếm sự bảo vệ từ Nga.

Từ tuần trước, điện thoại của Alexandru Flenchea, chủ tịch Hiệp hội Hòa bình 4 Sáng kiến tại Chisinau, thủ đô Moldova, liên tục đổ chuông. Những người quen hỏi ông rằng liệu có an toàn nếu ở lại Moldova trong tình hình hiện nay hay không. "Thật điên rồ", ông nói.

Người dân Moldova ngày càng lo lắng kể từ khi Ghenadie Ciorba, thành viên phe đối lập ở Transnistria, gần đây cho rằng vùng ly khai này có thể tổ chức trưng cầu dân ý về khả năng sáp nhập vào Nga. Nỗi lo này tăng lên khi các quan chức chính quyền ly khai Transnistria triệu tập một hội nghị đặc biệt hôm 28/2.

Họ chỉ thở phào khi hội nghị này không thảo luận về việc sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, các quan chức Transnistria đã thông qua nghị quyết kêu gọi Nga bảo vệ khu vực này trước sức ép từ Moldova.

"Transnistria đang chịu nhiều áp lực kinh tế và xã hội, điều này mâu thuẫn trực tiếp với nguyên tắc và cách tiếp cận của châu Âu trong việc bảo vệ nhân quyền và tự do thương mại", nghị quyết có đoạn.

Dù chính phủ Moldova cho rằng căng thẳng ở khu vực không có nguy cơ leo thang sau nghị quyết yêu cầu Nga bảo vệ của chính quyền Transnistria, nhiều người lo ngại động thái này có thể dẫn đến nhiều bất ổn trong tương lai, khi chiến sự ở nước láng giềng Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp.

Transnistria là dải đất hẹp, dài khoảng 400 km, nằm kẹp giữa bờ đông sông Dniester ở Moldova và biên giới Ukraine, với hơn 465.000 người sinh sống, trong đó phần lớn nói tiếng Nga.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Transnistria tuyên bố ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột với quân đội nước này vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7 năm đó.

Nga là thành viên duy nhất của Liên Hợp Quốc công nhận Transnistria là một thực thể độc lập và triển khai 1.500 lính gìn giữ hòa bình tới đây từ năm 1993. Nga cũng cung cấp khí đốt miễn phí cho Transnistria để hỗ trợ chính quyền ly khai, song khu vực này ngày càng bị cô lập khỏi Moskva kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát.

"Những người ở Transnistria có hộ chiếu riêng, song nó không có giá trị ở bất kỳ đâu ngoài Nga", Cristina Afinoghenova, người gốc Transnistria và hiện sống ở Chisinau, nói. Hệ quả là phần lớn người Transnistria đều xin thêm hộ chiếu Moldova, một số được cấp giấy thông hành của Nga hoặc Ukraine.

Ukraine từng duy trì mối quan hệ đặc biệt với Transnistria. Năm 1992, tổng thống Ukraine khi đó là Leonid Kravchuk từng tuyên bố Kiev sẽ "đảm bảo độc lập" cho Transnistria nếu Moldova sáp nhập vào Romania.

Tuy nhiên, quan hệ song phương xấu đi từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và phong trào ly khai nổ ra ở miền đông Ukraine. "Ukraine từ lúc đó thay đổi thái độ với Transnistria, coi quân đội Nga đồn trú ở khu vực là mối đe dọa với an ninh quốc gia của họ", Anatoli Dirun, người đứng đầu Trường Nghiên cứu Dịch vụ công ở thủ phủ Tiraspol của Transnistria, nói.

Sau khi Nga tấn công Ukraine hồi cuối tháng 2/2022, Kiev đã đóng cửa biên giới với Transnistria, trong khi Moldova cũng thể hiện quan điểm cứng rắn với vùng ly khai. "Transnistria bị kẹp giữa Chisinau và Kiev", Dirun nói.

Chiến dịch của Nga ở Ukraine đã ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán ở khu vực, theo người phát ngôn chính phủ Moldova. "Hiện tại, các cuộc đàm phán không thể tổ chức vì hai trong số các bên quan trọng là Nga và Ukraine không thể cùng ngồi xuống nói chuyện", quan chức này cho hay.

Afinoghenova cho biết những người sống ở Transnistria "có quan điểm khác nhau về xung đột Ukraine" đã ngừng gặp gỡ và nói chuyện với nhau.

Xung đột Ukraine đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế của Transnistria. Quyết định đóng cửa biên giới Ukraine với vùng ly khai đã cắt đứt 1/4 hoạt động thương mại của Transnistria. Dù vùng ly khai vẫn nhận được khí đốt miễn phí của Nga, thỏa thuận cho phép vận chuyển nguồn khí đốt này qua lãnh thổ Ukraine sẽ hết hạn vào tháng 12 và không có gì đảm bảo rằng nó sẽ được gia hạn.

Cuộc chiến ở Ukraine không chỉ tác động mạnh tới nền kinh tế Transnistria, mà còn buộc giới lãnh đạo vùng ly khai phải có lập trường "kiềm chế hơn" và "không thể hiện quan điểm thân Nga", theo Dirun.

Giới quan sát cho biết xung đột ở nước láng giềng cũng thúc đẩy Moldova tìm cách giải quyết mâu thuẫn kéo dài hàng thập kỷ với Transnistria. Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6/2022 cấp tư cách ứng viên cho Moldova và bật đèn xanh cho quá trình đàm phán gia nhập vào tháng 12/2023.

Trong khi Tổng thống Moldova Maia Sandu cho biết bà sẵn sàng gia nhập EU mà không cần Transnistria, việc giải quyết căng thẳng với vùng ly khai có thể giúp đơn giản hóa quá trình này. Một blog gần đây của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế lập luận rằng "chiến lược của Moldova là đẩy nhanh quá trình bằng cách khiến cuộc sống của Transnistria khó khăn nhất có thể".

Theo hướng này, Chisinau hồi tháng 1 bất ngờ bãi bỏ các biện pháp giảm thuế hải quan cho các doanh nghiệp Transnistria, buộc họ phải trả thuế cho cả vùng ly khai và Moldova.

Dumitru Minzarari, giảng viên nghiên cứu an ninh tại Đại học Quốc phòng Baltic, nói rằng quyết định tổ chức hội nghị đặc biệt của Transnistria "được kích hoạt trực tiếp" bởi quy định áp thuế của Moldova.

"Bằng cách áp dụng chính sách miễn giảm thuế cho Transnistria trước đây, chính phủ Moldova trên thực tế đã tài trợ cho sự tồn tại của chính quyền ly khai ở Tiraspol", Minzarari nhận định, thêm rằng chính quyền Tổng thống Sandu giờ đây cảm thấy họ không còn phải chịu đựng điều đó thêm nữa.

Trong nghị quyết ngày 28/2, các quan chức vùng ly khai Transnistria đề nghị Hội đồng Liên bang Nga và Duma Quốc gia, tức Hạ viện Nga, thực hiện "các biện pháp bảo vệ Transnistria trước áp lực gia tăng từ Moldova".

Đây không phải lần đầu vùng ly khai ở Moldova yêu cầu Nga giúp đỡ. Hồi tháng 5/2023, quan chức chính quyền ly khai Transnistria từng cho biết họ muốn Nga tăng lực lượng đồn trú tại khu vực, nhằm đối phó với quân đội Moldova.

Nga đã không tăng binh sĩ gìn giữ hòa bình đồn trú ở Transnistria, khi nước này phải dồn nguồn lực cho cuộc chiến ở Ukraine. Hiện chưa rõ Moskva sẽ đáp ứng đề nghị giúp đỡ của Transnistria như thế nào, trong bối cảnh Nga cũng đang phải chật vật đối phó với loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây, trong khi cuộc chiến hao người tốn của ở Ukraine chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.

Nguồn: BBC; Thanh Niên; Báo Tin Tức; Soha; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang