Nghèo đói ở Ethiopia; HQ tiến thoái lưỡng nan; Đòn hiểm của Ukraine đã ngấm; Thái Lan cấm cần sa; Cơn sốt Taylor Swift

Ethiopia đối mặt với nạn nghèo đói nghiêm trọng

Ngày 28/2, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo tác động của biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, căng thẳng xã hội và xung đột ở Ethiopia.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển (CCDR) công bố tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, WB cho biết phần lớn người dân nghèo ở Ethiopia đang phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu và thiếu nguồn lực để quản lý. WB nêu rõ, trong những năm gần đây, nỗ lực giảm nghèo của quốc gia Đông Phi này đã chậm lại do nhiều cú sốc, bao gồm đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine dẫn đến giá lương thực và năng lượng trên thế giới tăng cao, hạn hán kéo dài cũng như các cuộc xung đột ở vùng Tigray và gần đây nhất là ở vùng Amhara.

Theo WB, tăng trưởng kinh tế của Ethiopia đã giảm xuống khoảng 6%/năm. Mức tăng trưởng này không đủ để giúp Ethiopia đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình, trong đó có mục tiêu giảm đói nghèo cùng cực đang ảnh hưởng đến gần 25% dân số nước này.

CCDR cho thấy đợt hạn hán hiện nay ở Ethiopia đang gây ra những tác động nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua, với 6 mùa mưa có lượng mưa thấp liên tiếp, ảnh hưởng nặng nề đến cư dân ở các vùng đồng cỏ khô cằn của nước này.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, trong những thập niên tới, biến đổi khí hậu còn có thể làm giảm năng suất của ngành nông nghiệp, hiện đang sử dụng khoảng 60% lực lượng lao động của Ethiopia, trong đó có cả những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất.

Nhiệt độ tăng cao và những thay đổi về lượng mưa cũng có thể làm trầm trọng thêm tỷ lệ mắc các bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết. Nhiệt độ gia tăng có thể tạo ra những tác động bất lợi, làm giảm năng suất làm việc và triển vọng tích lũy vốn con người, hai chỉ số cần thiết để duy trì tăng trưởng.

Tác động của biến đổi khí hậu cũng sẽ được thể hiện qua tình trạng lũ lụt ngày càng nghiêm trọng, năng suất cây trồng và vật nuôi giảm, sản xuất thủy điện không ổn định, thiệt hại về cơ sở hạ tầng và tổn thất về sức khỏe con người.

Hàn Quốc tiến thoái lưỡng nan với cuộc khủng hoảng y tế

Để có nhân lực chăm sóc dân số ngày càng già hóa, Hàn Quốc cần tăng đào tạo sinh viên ngành y, nhưng kế hoạch khó thành khi bị các bác sĩ nội trú phản đối.

Khi đang ngồi trong văn phòng tuần trước, Kim Sung-ju, chủ tịch Hội đồng Quyền của bệnh nhân ung thư Hàn Quốc, đã vô cùng thất vọng khi thấy truyền hình đưa tin về cuộc đình công tập thể của hàng nghìn bác sĩ nội trú và sinh viên y khoa.

"Hôm sau, tôi nhận được điện thoại từ một bệnh nhân ung thư sắp chết. Anh ấy nói với tôi rằng lịch hẹn điều trị đã bị hoãn vô thời hạn", Kim, người cũng đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư thực quản trong gần 10 năm qua, kể.

"Làm sao các bác sĩ nội trú có thể mong đợi đất nước và những bệnh nhân như tôi ủng hộ việc đồng loạt xin nghỉ của họ, trong khi họ bỏ mặc chúng tôi chết dần", ông hỏi.

Hơn 10.000 bác sĩ nội trú đã nộp đơn xin nghỉ việc kể từ ngày 20/2, bất chấp yêu cầu quay lại nơi làm việc để chăm sóc bệnh nhân của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc. Các bác sĩ này tham gia cuộc đình công tập thể trên toàn quốc để yêu cầu chính phủ đảo ngược kế hoạch tăng số lượng sinh viên tuyển vào các trường y mỗi năm.

Nếu kế hoạch diễn ra theo dự kiến, đây sẽ là lần đầu tiên Hàn Quốc tăng số lượng sinh viên y khoa kể từ năm 2006. Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ tăng số lượng sinh viên y khoa từ 3.058 lên 5.058 mỗi năm, bắt đầu từ 2025. Nhiều chính trị gia cho rằng động thái này là cần thiết để giảm bớt tình trạng thiếu bác sĩ nghiêm trọng của đất nước, trong bối cảnh dân số Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng.

"Hàn Quốc hiện là xã hội già hóa nhanh nhất thế giới. Chúng tôi sẽ trở thành 'xã hội siêu già' vào năm tới", Andrew Eungi Kim, giáo sư văn hóa và xã hội học tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, nói.

Xã hội siêu già là những nước có hơn 20% dân số trên 65 tuổi. "Hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác, người cao tuổi cần được chăm sóc y tế nhiều hơn, đồng nghĩa cần nhiều bác sĩ hơn", Kim nói.

Nhưng các bác sĩ nội trú Hàn Quốc lo ngại về nguy cơ cạnh tranh gia tăng khi số lượng sinh viên y khoa nhiều lên. Một số cho rằng đất nước cần thêm bác sĩ, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh mà chính phủ đưa ra không dựa trên cơ sở khoa học nào.

Theo các bác sĩ nội trú, chính phủ Hàn Quốc cần giải quyết vấn đề thu nhập chưa tương xứng với điều kiện làm việc của họ, trước khi tính tới việc tăng số lượng nhân viên y tế.

Bác sĩ nội trú Hàn Quốc thường làm việc 80-100 giờ trong 5 ngày mỗi tuần, khiến nhiều người cảm thấy bị quá tải. Họ cho rằng tình trạng này chỉ có thể được cải thiện bằng cách tuyển thêm bác sĩ nhiều kinh nghiệm, không phải tăng thêm số sinh viên và bác sĩ mới ra trường.

"Có những người đã thức suốt đêm làm việc hơn 80 giờ mỗi tuần, nhưng rất vui khi thấy bệnh nhân tiến triển tốt. Chúng tôi rất tiếc khi phải làm cách này để dư luận chú ý đến tiếng nói của các bác sĩ trẻ", Hiệp hội Bác sĩ nội trú Hàn Quốc tuyên bố.

Chính phủ Hàn Quốc có một số dấu hiệu nhượng bộ, như cam kết không truy cứu trách nhiệm các bác sĩ nội trú tham gia đình công tập thể nếu họ quay lại làm việc trước 29/2. Nhưng hàng nghìn người đã phớt lờ tối hậu thư của chính phủ.

Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Lee Sang-min nhấn mạnh hành động nghỉ việc tập thể của các bác sĩ nội trú đang làm trầm trọng hơn tình trạng hỗn loạn trong các bệnh viện, đe dọa tính mạng và sức khỏe người bệnh. Thông tin về những bệnh nhân lớn tuổi tử vong trong khi chờ đợi được chăm sóc y tế đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc.

Tại Hàn Quốc, trung bình 2,6 bác sĩ phải chăm sóc 1.000 bệnh nhân, tỷ lệ thấp nhất trong nhóm nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Tuy nhiên, bác sĩ Hàn Quốc cũng là nhóm có thu nhập cao nhất so với lương trung bình toàn quốc trong OECD. Các bác sĩ chuyên khoa tự mở phòng khám có thu nhập cao hơn gần 7 lần, trong khi bác sĩ làm công ăn lương cũng có thu nhập cao hơn khoảng 4,4 lần.

Theo báo cáo năm 2023 của Bộ Y tế Hàn Quốc, các bác sĩ làm công ăn lương có thể có thu nhập trung bình một năm khoảng 255 triệu won (khoảng 192.000 USD).

Bác sĩ nội trú phải làm việc trung bình 77 giờ mỗi tuần trong môi trường rất nhiều áp lực, nhưng cũng kiếm được trung bình 3,97 triệu won (khoảng 3.000 USD) mỗi tháng sau thuế, cao hơn mức lương trung bình ở Seoul, theo khảo sát năm 2022 của Hiệp hội Bác sĩ nội trú Hàn Quốc.

Andrew Eungi Kim, giáo sư Đại học Hàn Quốc, cho hay các bác sĩ nội trú muốn được chính phủ cải thiện điều kiện làm việc, nhưng cũng phản đối tăng số lượng sinh viên y khoa, xuất phát từ nỗi lo sợ về thu nhập và địa vị xã hội của họ bị sụt giảm khi cạnh tranh trong lĩnh vực này tăng lên.

"Nếu số lượng bác sĩ tăng trong vòng 10 năm tới, điều đó tất nhiên sẽ làm giảm vị thế nghề nghiệp vốn rất được kính trọng và trả lương cao nhất trong nước của họ. Tôi tin rằng các bác sĩ trẻ đang nghĩ về điều này. Họ muốn duy trì địa vị đặc biệt đó", ông nói.

Năm 2020, giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch tăng số lượng sinh viên y khoa, nhưng phải gác lại khi đối mặt cuộc đình công kéo dài nhiều tháng của các bác sĩ nội trú.

Trong lần đình công này, khoảng 80% bác sĩ nội trú Hàn Quốc đã nộp đơn xin nghỉ việc, theo Bộ Y tế. Dù các bệnh viện không chấp nhận những lá đơn này, cuộc đình công của họ đã khiến 15 bệnh viện lớn nhất Hàn Quốc phải cắt giảm khoảng 50% số ca phẫu thuật.

Tổng thống Yoon Suk-yeol tuần trước cảnh báo dịch vụ y tế ở các vùng nông thôn đang sụp đổ và Bộ Y tế đã nâng cảnh báo thảm họa về y tế lên mức nghiêm trọng. "An toàn và sức khỏe của người dân ở những khu vực này đang gặp nguy hiểm", ông Yoon nói.

Park Dan, bác sĩ nội trú 33 tuổi, cho biết những người tham gia đình công không hoàn toàn phản đối ý tưởng tăng số lượng sinh viên y khoa. Tuy nhiên, Dan nói rằng anh không nghĩ kết luận cần tăng thêm 2.000 sinh viên y khoa mỗi năm "đã được cân nhắc kỹ lưỡng và khách quan".

Theo anh, chính phủ Hàn Quốc nên tạo thêm động lực để các bác sĩ trẻ mới ra trường sẵn sàng tới làm việc tại các bộ phận thiếu hụt nhân lực như khoa nhi và phòng cấp cứu, thay vì đổ xô mở phòng khám tư trong các lĩnh vực "béo bở" như phẫu thuật thẩm mỹ.

"Các bác sĩ đình công không xem nhẹ hậu quả có thể xảy ra", Dan nói.

Giáo sư Kim cũng cho rằng để cải thiện tình hình, chính phủ Hàn Quốc sẽ phải đảm bảo các bác sĩ nội trú không phải làm việc liên tục quá 12-16 giờ hoặc hơn một ngày. "Vấn đề đó cần được giải quyết", ông nói.

Tuy nhiên, đây sẽ là tình thế tiến thoái lưỡng nan với các nhà hoạch định chính sách, bởi trong bối cảnh dân số già hóa và ngày càng nhiều người cần chăm sóc y tế, để giảm thời gian làm việc cho bác sĩ, họ phải có thêm nhân lực được đào tạo bài bản. Nhưng kế hoạch này đối mặt nguy cơ tiếp tục bị gác lại trước cuộc đình công quy mô lớn, dù chính phủ đã thể hiện quan điểm rất cứng rắn.

Khi các cuộc đình công kéo dài, Kim Sung-ju cho biết ông lo lắng cho số phận của những bệnh nhân ung thư. Một số bệnh viện ở Hàn Quốc đã buộc phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

"Tôi trân trọng đề nghị các bác sĩ nội trú quay lại chăm sóc bệnh nhân và tiếp tục biểu tình chống chính phủ tại các bệnh viện, thay vì bỏ mặc người bệnh và kéo ra đường", ông nói.

Từ hôm nay, lệnh cấm "rúng động" của Nga trở lại và khắc nghiệt hơn: Đòn hiểm của Ukraine đã ngấm?

Theo Reuters, giá xăng dầu nội địa có ý nghĩa rất quan trọng đối với người điều khiển các phương tiện và nông dân, bởi Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.

Nga cấm hoàn toàn xuất khẩu xăng dầu trong 6 tháng

Nga sẽ tạm ngừng xuất khẩu xăng dầu trong 6 tháng kể từ ngày 1/3 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nhiên liệu nội địa và cho phép các nhà máy lọc dầu thực hiện việc bảo trì theo kế hoạch.

Như vậy, việc ngừng xuất khẩu xăng dầu mới ban hành sẽ kéo dài hơn cả lệnh cấm tương tự đã được Nga thực thi trong khoảng tháng 9-11/2023 - vốn đã gây ra chấn động lớn cho thị trường toàn cầu.

Hãng thông tấn Anh Reuters đưa tin rằng lệnh cấm này đầu tiên được nhóm Truyền thông Tư vấn Doanh nghiệp Nga báo cáo và đã được người phát ngôn của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak xác nhận.

Các thành viên khác của Liên minh Kinh tế Á-Âu (Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan), Mông Cổ, Uzbekistan và các khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia từ Gruzia không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm mới.

Phó Thủ tướng Novak hôm 28/2 (giờ địa phương) tuyên bố rằng Nga có thể dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu bất cứ lúc nào nếu thị trường bão hòa.

Ngày 27/2, kênh truyền hình Russia Today đã trích dẫn lời Igor Yushkov - chuyên gia phân tích chính của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga và là chuyên gia tại Đại học Tài chính và Kinh tế của Chính phủ Nga - nói rằng mục đích của động thái của Nga là để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt xăng dầu trên thị trường, ngăn chặn việc tăng giá nhiên liệu mạnh mẽ trong nước.

Ông Yushkov nhận định trong giai đoạn giữa đến cuối mùa xuân, tiêu thụ nhiên liệu ở Nga sẽ tiếp tục tăng lên do các yếu tố như việc canh tác đồng áng và bắt đầu kỳ nghỉ lễ. Đồng thời, các nhà máy lọc dầu thường tiến hành bảo trì định kỳ, khiến nguồn cung nhiên liệu giảm. Kết quả là, có thể xuất hiện tình trạng thiếu hụt xăng dầu trên thị trường nội địa, đẩy giá xăng dầu lên cao.

Bằng cách hạn chế xuất khẩu trước, chính phủ Nga có thể dự trữ lượng xăng dầu dư thừa để khi nhu cầu bắt đầu tăng lên, sẽ có đủ năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu và tránh tăng giá bán lẻ - chuyên gia Yushkov nêu.

"Tôi nghĩ đây là một giải pháp tốt cho thị trường và người tiêu dùng, đặc biệt vào mùa hè khi khủng hoảng Biển Đỏ có thể dẫn đến việc tăng giá xăng dầu ở Châu Âu và Châu Phi," Phó Giám đốc Khoa Kinh tế Viện Nghiên cứu Năng lượng và Tài chính Nga Sergei Kondratyev phân tích với tờ Độc lập của Nga.

Natalia Peryeva, nhà phân tích tại Công ty Môi giới Kỹ thuật số của Nga, cho biết lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu của Nga sẽ không ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu và các biện pháp mới chủ yếu nhằm duy trì sự ổn định của thị trường nhiên liệu trong nước.

Ukraine nhắm vào hạ tầng dầu khí của Nga

Reuters chỉ ra, giá xăng dầu nội địa rất nhạy cảm đối với người lái xe và nông dân ở Nga - quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới - trong thời điểm trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 15-17/3 tới, giữa bối cảnh một số nhà máy lọc dầu của Nga đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine trong những tháng gần đây.

Giá nhiên liệu bán buôn ở Nga đã tăng kể từ đầu năm. Theo giá ngày 26/2 trên sàn giao dịch thương mại quốc tế St Petersburg (SPIMEX), giá xăng 92 đã tăng 22% kể từ ngày 1/1, trong khi xăng 95 tăng giá 32%. Kể từ khi có lệnh cấm xuất khẩu, giá xăng 92 đã giảm 3,3%.

Giá xăng 95 ở Nga là khoảng 0,62 USD/lít (khoảng hơn 15.000 VNĐ), so với hơn 2,05 USD/lít ở Tây Âu.

Nga và Ukraine đã nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau trong nỗ lực làm gián đoạn các đường dây cung cấp và hậu cần và làm suy giảm tinh thần của đối thủ khi họ tìm kiếm lợi thế trong cuộc xung đột đã kéo dài sang năm thứ ba.

Tờ Ukrainska Pravda (Ukraine) hôm 25/2 trích lời Trung tướng Vasyl Maliuk - lãnh đạo Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) - tuyên bố rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của nước này vào các cơ sở lọc dầu Nga đã làm sụt giảm 1/3 sản lượng xuất khẩu dầu của Nga.

"Nếu nhìn vào chỉ hai tháng gần nhất và số lượng cơ sở lọc dầu của đối thủ đã bị trúng đòn thì trên thực tế, chúng ta đã làm sụt giảm 1/3 sản lượng dầu của Nga. Có đến 55% ngân sách quân sự của họ đến từ nguồn thu ngoại tệ nhờ xuất khẩu các sản phẩm từ dầu. Và đó là những mục tiêu hợp pháp của chúng ta," ông Maliuk nói.

Ukraine tuyên bố các máy bay không người lái của SBU hôm 9/2 đã tấn công hai cơ sở lọc dầu ở Krasnodar Krai. Trước đó, nhà máy lọc dầu lớn ở tỉnh Volgograd của Nga bốc cháy vào hôm 3/2 sau khi trúng đòn tập kích của UAV Ukraine, song không có thương vong.

Xuất khẩu dầu thô, sản phẩm dầu mỏ và khí đốt là nguồn xuất khẩu lớn nhất của Nga, mang lại nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la của Nga, và đảm bảo cho vị thế của Moscow trên các bàn đàm phán năng lượng toàn cầu.

Điện Kremlin đã làm việc với nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới Ả Rập Saudi để giữ giá cả ở mức cao, trong khuôn khổ hoạt động của của nhóm OPEC+.

Nga đã tự nguyện cắt giảm xuất khẩu dầu và nhiên liệu 500.000 thùng/ngày trong quý 1/2024 như một phần nỗ lực của OPEC+ để hỗ trợ giá cả.

Cần sa: Thái Lan sẽ cấm sử dụng cho mục đích giải trí

Thái Lan sẽ cấm sử dụng cần sa cho mục đích giải trí vào cuối năm nay, nhưng vẫn tiếp tục cho phép sử dụng để phục vụ y tế, Bộ trưởng Y tế nước này nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.

Từ khi Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa cần sa cho mục đích y tế vào năm 2018 và cho mục đích giải trí vào năm 2022, hàng vạn cửa hàng bán loại chất kích thích này đã mọc lên. Ngành công nghiệp cần sa ở Thái Lan dự kiến sẽ đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2025.

Chính phủ Thái Lan đã thảo một dự luật mới để chấn chỉnh việc sử dụng cần sa, dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Y tế Cholnan Srikaew cho biết dự thảo luật sẽ được đệ lên nội các để phê duyệt vào tháng tới, trước khi trình quốc hội thông qua vào cuối năm nay.

Ông Cholnan giải thích: “Nếu không có luật quản lý cần sa, nó sẽ bị sử dụng sai mục đích.”

Ông nói thêm: “Việc lạm dụng cần sa có tác động tiêu cực đến trẻ em Thái Lan. Về lâu dài, có thể dẫn đến lạm dụng các loại chất kích thích khác."

Chính phủ tiền nhiệm đã thất bại trong việc thông qua luật tại quốc hội trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 5 năm ngoái, khiến cho đến nay Thái Lan vẫn chưa có luật bao quát để quản lý việc sử dụng cần sa.

Các cửa hàng cần sa trái phép sẽ không được tiếp tục hoạt động, ngoài ra trồng cần sa tại nhà cũng sẽ không được khuyến khích, Bộ trưởng Cholnan cho hay. Ông ước tính số lượng cửa hàng cần sa có đăng ký hợp pháp hiện ở mức 20.000.

Ông tiếp tục: “Theo luật mới, cần sa sẽ là một loại cây bị kiểm soát, vì vậy việc trồng nó sẽ cần được cho phép. Chúng tôi vẫn sẽ ủng hộ [trồng cần sa] cho ngành y tế và sức khỏe."

Dự thảo luật quy định mức phạt lên tới 60.000 baht (khoảng 41 triệu đồng VN) đối với hành vi sử dụng cần sa để giải trí, trong khi những người bán cần sa cho mục đích đó và tham gia quảng cáo hay tiếp thị các sản phẩm như nụ, nhựa, chiết xuất hoặc thiết bị hút thuốc từ cần sa phải đối mặt với án tù lên tới một năm, hoặc phạt tiền lên tới 100.000 baht (khoảng 69 triệu đồng), hoặc cả hai.

Luật mới cũng tăng hình phạt đối với việc trồng cần sa không giấy phép, với mức phạt tù từ một đến ba năm và phạt tiền từ 20.000 baht (14 triệu đồng) đến 300.000 baht (206 triệu đồng).

Vị bộ trưởng cho biết việc nhập khẩu, xuất khẩu, trồng trọt và sử dụng cần sa cho mục đích thương mại cũng sẽ yêu cầu có giấy phép.

Theo ông Cholnan, chính phủ Thái Lan ghi nhận lợi ích kinh tế của ngành công nghiệp cần sa và sẽ để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh theo quy định mới.

Ông nói thêm những cửa hàng cần sa hiện tại có thể tiếp tục hoạt động cho đến lúc giấy phép hết hạn, sau đó chuyển đổi thành cơ sở y tế hợp pháp theo quy định mới, đồng thời bổ sung rằng quy định mới này sẽ không gây ảnh hưởng đến du lịch.

Cơn sốt Taylor Swift tràn vào các lớp học ở Philippines

Cơn sốt Taylor Swift đã tràn đến các lớp học ở thủ đô Philippines, khi một trường đại học hàng đầu triển khai khóa học nghiên cứu về người nổi tiếng, tìm hiểu về nữ ca sĩ và tác động của cô đối với văn hóa đại chúng toàn cầu.

Khi Taylor Swift đến lưu diễn ở châu Á trong tuần này, hơn 300 sinh viên đã đăng ký khóa học tự chọn tại Đại học Philippines, kín hết các ghế với số lượng có hạn trong vòng vài phút và khiến chính quyền phải tổ chức một lớp học thêm.

“Chúng ta sẽ coi Taylor Swift như một người nổi tiếng, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ nhìn cô ấy từ lăng kính của nhiều cách suy nghĩ khác nhau, chẳng hạn như sự giao thoa giữa giới tính, giới và giai cấp,” Cherish Brilon, giáo sư bộ môn truyền thông phát thanh nói sau bài giảng đầu tiên của bà tại ĐH Philippines trong khóa học.

Bản thân là một "Swiftie", tên gọi dành những người hâm mộ Taylor Swift, bà Brilon cho biết khóa học cũng sẽ nghiên cứu về chân dung của nữ ca sỹ trên các phương tiện truyền thông và cách cô được nhìn nhận ở Philippines như một nhân vật "vượt phạm vi quốc gia".

Một vài trong số hai chục sinh viên mặc đồ theo phong cách Taylor Swift và trang trí sổ ghi chép và máy tính xách tay của họ bằng nhãn dán có hình nữ ca sỹ đã thắng giải Grammy 14 lần.

“Tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề xã hội mà chúng ta phải đối mặt liên quan đến Taylor Swift,” sinh viên Shyne Cañezal, một "Swiftie" từ khi còn là học sinh tiểu học, cho biết.

Các trường đại học ở Mỹ như Harvard, Stanford và Đại học Âm nhạc Berklee đã cung cấp các khóa học về Taylor Swift, nghiên cứu về việc sáng tác nhạc của cô và khía cạnh văn học trong catalog âm nhạc của cô, cùng các chủ đề khác.

Taylor Swift chuẩn bị biểu diễn sáu buổi trong "Eras Tour" đã bán hết sạch vé tại Singapore – điểm dừng chân duy nhất của cô ở Đông Nam Á – từ ngày 2-9 tháng 3. Hơn 300.000 vé đã được bán cho những người hâm mộ xếp hàng qua đêm dưới cái nóng nhiệt đới như thiêu đốt.

Nguồn: Báo Tin Tức; Vnexpress; Soha; BBC; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang