Đại chiến sầu riêng ở TQ; Nạn tống tiền ở Mỹ Latin; Trẻ em ở Gaza đói ăn; Nga ra đòn tất tay; Ukraine liên tiếp mất thêm đất

Đại chiến sầu riêng ở Trung Quốc: Người dân mong ngóng nguồn nhập khẩu mới, Thái Lan sắp mất ngôi vương vào tay Việt Nam?

Biểu đồ cho thấy tăng trưởng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vào Trung Quốc cao gấp nhiều lần so với Thái Lan.

Tờ SCMP cho hay cuộc cạnh tranh sầu riêng tại Trung Quốc đang diễn ra cực kỳ sôi động. Thị trường sầu riêng lớn nhất thế giới trên đang khiến sản lượng nông sản này dự kiến tăng tới 10% vào năm 2030, trong bối cảnh người tiêu dùng Trung Quốc săn lùng sầu riêng.

Trong khi Philippines và Malaysia đang chuẩn bị để đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc thì ngôi vương Thái Lan lại có nguy cơ bị Việt Nam chiếm mất.

Năm 2021, Thái Lan xuất khẩu hơn 800 nghìn tấn sầu riêng sang Trung Quốc thì Việt Nam chỉ có 5 nghìn tấn. Thế nhưng trong năm 2023, Thái Lan xuất khẩu hơn 900 nghìn tấn thì Việt Nam đã đạt 500 nghìn tấn, chiếm 32% thị phần.

Trong cả năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu đến 1,4 triệu tấn sầu riêng từ nước ngoài.

Tờ SCMP thậm chí cho hay trong 5 năm tới, cả 3 nước là Việt Nam, Philippines lẫn Malaysia có khả năng sẽ tranh giành ngôi vị xuất khẩu sầu riêng số 1 vào Trung Quốc thay Thái Lan.

Báo cáo của USD Analytics cho thấy thị trường sầu riêng quốc tế dự kiến tăng trưởng 7,51% trong khoảng 2023-2030. Trong khi đó báo cáo của Research and Markets thì nhận định thị trường nông sản này sẽ tăng trưởng 9,77% mỗi năm từ nay đến năm 2030.

Số liệu của Tổ chức nông lương quốc tế (FAO) cho thấy Trung Quốc hiện chiếm đến 95% thị phần sầu riêng quốc tế, một lợi thế cực kỳ lớn cho các nước láng giềng Châu Á.

Dẫu vậy, nhu cầu sầu riêng ở Trung Quốc vẫn vô cùng lớn khi giá bán lẻ nông sản này được cho là còn quá cao so với nhiều người tiêu dùng.

"Cho đến hiện tại thì giá sầu riêng vẫn khá cao, chứng tỏ thị trường chưa hề bão hòa. Nếu Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu thì giá sẽ còn hạ thấp nhằm đáp ứng nhu cầu người dân", giáo sư tài chính Zhao Xijun của trường đại học Renmin University nhận định.

Vua trái cây

Theo SCMP, nhu cầu sầu riêng ở Trung Quốc lớn đến mức nông sản này được mệnh danh là "vua trái cây" mới ở thị trường này, thay thế cho đào, nho trước đây trong các rỏ quà biếu.

Dù có mùi nặng nhưng mỗi phần sầu riêng tại Trung Quốc có giá lên đến 200 Nhân dân tệ, tương đương 28 USD hoặc 700 nghìn đồng.

Thậm chí có trường hợp như bà Zhao Yu, một giáo sư tài chính 37 tuổi ở Thượng Hải đã phải trả 400 Nhân dân tệ, tương đương 1,4 triệu đồng cho một hộp sầu riêng hạng sang.

"Nếu giá sầu riêng rẻ hơn thì có lẽ tôi sẽ mua thử chúng, nhưng mức giá hơi cao này thì có nhiều lựa chọn rẻ hơn", bà Zhao nói.

Đồng quan điểm, bà Wang Hui sống tại Bắc Kinh cho biết mức giá sầu riêng hiện khá cao và chất lượng không ổn định tùy theo mùa. Bởi vậy khi nghe tin Trung Quốc nhập khẩu thêm sầu riêng từ Việt Nam, Malaysia, Philippines, người phụ nữ 44 tuổi này đã rất vui mừng.

"Giá sầu riêng hiện quá cao nên nếu chọn nhầm quả hỏng thì tâm trạng người mua sẽ rất tệ", bà Wang nói.

Hiện Việt Nam, Philippines và Malaysia đang nhắm đến chiếm 68% thị phần sầu riêng ở Trung Quốc từ tay Thái Lan.

Mặc dù sầu riêng trở thành vua trái cây trong các rỏ quà tặng mẹ mới sinh, mua nhà mới hay các dịp lễ tết nhưng SCMP nhận định thị trường Trung Quốc còn nhiều tiềm năng và chưa phát triển hết. Chuỗi cung ứng, vận chuyển sầu riêng sang Trung Quốc từ Đông Nam Á chưa được hoàn thiện để giảm giá hiệu quả khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng.

Malaysia mới chỉ được bán sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc và nước này đang cố đàm phán trong năm 2024 để được bán sầu riêng tươi như Việt Nam.

Bộ nông nghiệp Malaysia cho biết họ dự kiến tăng sản lượng xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc từ 236 tấn năm 2018 lên 22.000 tấn năm 2030.

Tại Philippines, chính phủ cũng đang cố gắng mở rộng quy mô trồng sầu riêng từ 1.200 ha lên 3.000 ha ở Mindanao. Hiện sầu riêng nước này chỉ chiếm chưa đến 1% thị phần xuất khẩu vào Trung Quốc năm 2023.

Theo SCMP, miền bắc Trung Quốc vẫn có thể hấp thụ thêm sầu riêng nhập khẩu và thị trường còn rất lớn với các nhà cung ứng Đông Nam Á. Đó là chưa kể đến việc mở rộng sang các mảng chế biến sầu riêng thành đồ ăn vặt, nước uống... để phục vụ 1,4 tỷ người tiêu dùng.

Giáo sư Zhao của đại học Renmin cho hay thị trường Trung Quốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa khai phá hết với nguồn cung ứng từ Đông Nam Á, qua đó tạo sức hút cho nhiều nước tăng cường phát triển nông sản này.

Đồng quan điểm, phó chủ tịch Victor Gao của Trung tâm quốc tế Trung Quốc (CCG) nhận định mạng lưới thương mại điện tử (TMĐT) và giao hàng phát triển ở Trung Quốc sẽ khiến lượng tiêu thụ sầu riêng tăng mạnh trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cả nước.

Nạn tống tiền bảo kê bủa vây người dân Mỹ Latin

Trước khi mở phòng tắm hơi ở phía đông thủ đô Lima của Peru, Eduardo bắt đầu nhận được tin nhắn tống tiền từ một băng đảng địa phương nhưng anh phớt lờ.

Một buổi tối nọ, một tay súng lái xe máy bắn vào cơ sở tắm hơi đang được lắp đặt và gửi video vào điện thoại của Eduardo. Anh bị đòi phí bảo kê ban đầu là 13.300 USD, sau đó mỗi tháng phải nộp 1.300 USD mới được yên ổn làm ăn.

Kiểu tống tiền này đang trở thành gánh nặng với người dân từ Mexico tới Trung Mỹ, Colombia, Ecuador và Peru. Theo các nguồn tin tình báo, lợi nhuận của hoạt động bảo kê sinh lời hơn buôn ma túy, buôn người, thậm chí khai thác mỏ trái phép. Các cơ sở kinh doanh lớn và nhỏ, công ty vận tải, khu dân cư, thậm chí toàn thị trấn đều bị ép trả phí bảo kê.

"Tôi luôn cảnh giác mỗi khi đi đâu làm gì, bởi tôi luôn tưởng tượng họ theo dõi mọi thứ, biết nơi tôi sống, nơi tôi thường ăn sáng, ăn trưa, hay ngủ đêm", Eduardo, 40 tuổi, nói.

Ở Peru, nạn tống tiền ảnh hưởng tới cả bóng đá. Tiền đạo nổi tiếng Paolo Guerrero tháng này ngỏ ý rời câu lạc bộ ở Trujillo, nơi đang tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì băng đảng hoành hành, sau khi gia đình bị đe dọa.

Giới chức cho hay các băng đảng tống tiền bảo kê lớn ở Peru là Los Pulpos, ở Colombia là Clan del Golfo, ở Ecuador là Tiguerones. Băng Trend de Aragua ở Venezuela cũng mở rộng hoạt động sang các nước láng giềng trong những năm gần đây.

Các băng nhóm đã trở thành "công ty tội phạm" chuyên tìm kiếm "thị trường và đối tác ở những nước khác", theo Jorge Chavez, công tố viên chống tội phạm ở Peru.

Dù sợ hãi, nhiều người dân vẫn nộp đơn khiếu nại các hành vi tống tiền. Peru ghi nhận hơn 19.400 vụ trình báo năm 2023, tăng gấp 5 lần trong hai năm qua. Ecuador, quốc gia đang trong tình trạng khẩn cấp vì hoạt động băng đảng, cũng ghi nhận tình hình gia tăng tương tự.

Còn tại Mexico, theo hiệp hội doanh nghiệp Coparmex, cứ mỗi giờ lại có một vụ trình báo tống tiền. Các băng nhóm sử dụng cách thức tương đồng ở khắp khu vực châu Mỹ Latin.

"Chúng tao biết mày là ai, biết thời gian mày mở cửa làm ăn, biết khi nào mày đi chợ, con cái mày học trường nào", là lời cảnh cáo gửi qua ứng dụng WhatsApp đến Andres Choy, chủ tịch Hiệp hội Chủ cửa hàng Peru.

Hiệp hội có 22.000 thành viên và có tới 13.000 người bị tống tiền mỗi năm, theo Choy. Tiếp theo, có thể ông sẽ nhận tin đe dọa kèm "ảnh một người trong gia đình đang đi bộ". Nhiều người đã quyết định đóng cửa cơ sở kinh doanh hoặc đưa con cái sang nước ngoài.

Anita, 43 tuổi, góa phụ có hai con gái, cho hay những kẻ tống tiền đã ném chất nổ và bắn vào cửa hàng tạp hóa của cô ở Lima hồi tháng 1. "Những kẻ dọa nạt đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi phải trốn cùng con gái trong 4 bức tường", bà nói.

Các băng đảng đã tạo ra một "nhà nước song song", kiểm soát các vùng lãnh thổ và tự lập "hệ thống thu thuế", theo Roberto Santamaria, đại tá người Ecuador, cảnh sát trưởng Nueva Prosperina, một trong những quận bạo lực nhất tại thành phố cảng Guayaquil.

Họ thường chiêu mộ trẻ vị thành niên đi thu tiền bởi trẻ em không bị truy tố. Một nhóm khác thực thi các vụ tấn công vào những người không làm theo yêu cầu của họ. Đôi khi, một băng đảng có thể nhường quyền quản lý khu vực của mình cho nhóm khác để đổi lấy dòng tiền định kỳ.

Santamaria cho hay ở vùng ngoại ô có 2.000 ngôi nhà tại Nueva Prosperina, mỗi hộ phải trả "thuế" hai USD một ngày.

Tại thị trấn Buenaventura ở Colombia, nơi có 3.000 người sinh sống, "ai cũng phải trả tiền" dù mở cửa hàng kinh doanh, xây nhà hay cải tạo nhà cửa, theo Elizabeth Dickinson, chuyên gia phân tích của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế ở Colombia.

Ở Peru, ngoài các chiêu tống tiền thông thường, các nhóm tội phạm còn cho vay nóng với lãi suất theo tuần lên tới 20%. "Khi khách hàng không trả được nợ, chúng bắt đầu tống tiền bằng hình thức dọa đốt cửa hàng, bắt cóc người nhà, chị em gái hoặc con cái của họ rồi dọa làm nhục, dọa giết", công tố viên Chavez cho hay.

Họ còn tăng cường mời vay lãi suất thấp qua điện thoại. Để vay tiền, người ta cần chia sẻ thông tin cá nhân và thông tin này sẽ được sử dụng để tống tiền cả gia đình.

Tội phạm còn sử dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) để ghép mặt phụ nữ lên ảnh khỏa thân, tống tiền nạn nhân bằng hình thức đe dọa phát tán ảnh.

Sống giữa nỗi sợ nhưng người dân vẫn phải tiếp tục làm ăn. Eduardo cuối cùng cũng mở cửa cơ sở tắm hơi và cửa hàng tạp hóa của Anita vẫn hoạt động. Cả hai đều không cho biết họ cuối cùng có trả tiền bảo kê hay không.

Thiếu lương thực, trẻ em tại Gaza đói ăn trầm trọng

Nạn đói đã bao trùm dải Gaza và trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas.

Tình trạng thiếu lương thực đã lan rộng khắp vùng đất của người Palestine kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas bắt đầu vào ngày 7/10/2023, nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở phía Bắc Gaza, nơi viện trợ đã trở nên khan hiếm hơn.

Liên hợp quốc cảnh báo trẻ em Gaza bị suy dinh dưỡng ở mức nghiêm trọng nhất trên thế giới, với tỷ lệ cứ 6 trẻ em dưới 2 tuổi thì lại có 1 em bị suy dinh dưỡng cấp tính.

Các nhân viên cứu trợ cho biết mọi người ở đây đều gầy gò và đói khát. Ở miền Trung Gaza, tình hình có tốt hơn một chút nhưng vẫn không hề dễ dàng.

Warda Mattar cùng đứa con hai tháng tuổi của mình đang trú ẩn tại trại tị nạn Al-Nuseirat, ngay phía Bắc Deir al-Balah. Cô không có sữa cho đứa con đầu. Cô phải quấn khăn xô vào quả chà là rồi nhúng nước để cho con mút thay sữa.

Seraj Shehada 8 tuổi cùng các anh trai Ismail 9 tuổi và Saad 11 tuổi đã mất mẹ và vài người thân trong chiến tranh. Mấy đứa trẻ hầu như không có gì để ăn ngoài những ổ bánh mì làm từ thức ăn chăn nuôi. Chúng đã bí mật bỏ trốn để đến trú ẩn cùng người dì trong căn lều ở Deir al-Balah tại miền Trung Gaza, vì ở Thành phố Gaza không có gì để ăn.

Bọn trẻ kể: “Khi bọn cháu ở Thành phố Gaza, chúng cháu thường không ăn gì. Chúng cháu sẽ ăn hai ngày một lần. Chúng cháu ăn thức ăn cho chim và lừa. Nó đắng lắm. Chúng cháu không muốn ăn. Cứ hai ngày bọn cháu mới được ăn một ổ bánh nhỏ".

Mấy đứa trẻ phải uống nước biển và bị ốm. Không có cách nào để tắm rửa hoặc giặt quần áo.

Dì của các cậu bé là Eman Shehada đã chăm sóc chúng tốt nhất có thể. Cô mang bầu nặng nề và đã mất chồng trong chiến tranh, bị bỏ lại một mình với đứa con gái còn nhỏ. Cô nói: “Tôi không đủ dinh dưỡng cần thiết nên luôn cảm thấy mệt mỏi và chóng mặt".

Eman thậm chí không đủ tiền để mua một kg khoai tây. “Tôi không biết phải giải quyết thế nào với ba đứa cháu này, con gái tôi mà tôi còn đang mang thai, tôi có thể sinh con bất cứ lúc nào", Eman nói.

Quĩ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo tình trạng thiếu lương thực đáng báo động, tình trạng suy dinh dưỡng và bệnh tật gia tăng có thể dẫn đến bùng nổ về số ca tử vong ở trẻ em tại Gaza.

Chiến tranh đã khiến phần lớn 2,3 triệu người dân ở Gaza phải di dời và gây ra nạn đói, bệnh tật lan rộng.

Người dân buộc phải ăn những phần ngô thiu, thức ăn gia súc không phù hợp cho con người và thậm chí ăn cả lá cây để đỡ đói.

Trong một diễn biến khác, vào ngày 27/2, Phó Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Carl Skau đã cảnh báo nạn đói tại Gaza là "gần như không thể tránh được" nếu như không tăng quy mô viện trợ ngay lập tức.

Theo ông Carl Skau, nạn đói có thể diễn ra trước tháng 5 với khoảng 500.000 người đối mặt với nguy cơ thật sự và hiện nay hầu như toàn bộ 2,2 triệu người tại Gaza cần được cứu trợ lương thực.

Đòn “tất tay” của Nga trước bầu cử và kế hoạch đối phó của Ukraine

Nga có thể tiến hành những cuộc tấn công quyết liệt, cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào tháng 3/2024, còn Ukraine đang nỗ lực tìm cách đối phó.

Nga đã tiến hành các hoạt động tấn công dọc chiến tuyến dài 1.500km kể từ cuối năm 2023, giành quyền kiểm soát thành phố Avdiivka và một số khu định cư nhỏ. Giới phân tích cho rằng, ưu thế trên chiến trường đang nghiêng về phía Nga và với động lực hiện có, Moscow dường như không có ý định dừng lại.

Trong khi đó, quân đội Ukraine đang ở trong tình thế khó khăn nhất kể từ mùa Hè năm 2022 khi kho vũ khí, đạn dược cạn kiệt. Các cuộc tấn công của Nga dọc theo nhiều hướng khác nhau khiến việc đối phó gặp khó khăn. Bên cạnh đó, là mối lo ngại về khả năng phương Tây dừng viện trợ.

Ngay sau khi được bổ nhiệm, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine (AFU), Tướng Oleksandr Syrskyi nói rằng, Ukraine đang chuyển từ hoạt động tấn công sang phòng thủ. Xét cho cùng, đây là kế hoạch hành động chính mà họ phải thực hiện cho đến cuối mùa xuân. “Chúng tôi chủ yếu sử dụng hoạt động tác chiến phòng thủ. Đây là điều bắt buộc vì chúng tôi phải tìm cách thích nghi với tình trạng thiếu đạn dược, cũng như ưu thế của Nga về số lượng binh sỹ, phương tiện cơ giới”.

Theo ông Ihor Romanenko, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Ukraine, hoạt động phòng thủ này sẽ có 3 nhiệm vụ trọng tâm. Đầu tiên là ngăn chặn bước tiến của Nga. Thứ hai là tìm cách hạ thật nhiều binh sỹ và trang thiết bị của đối phương. Thứ ba là cố gắng tận dụng thời gian để tích lũy, khôi phục lực lượng. Sau khi hoàn thành chiến dịch phòng thủ và có sẵn các nguồn lực dự trữ thích hợp, Ukraine có thể tiến hành một chiến dịch mới để giành lại các vùng lãnh thổ đã mất.

Đòn “tất tay” của Nga trước bầu cử

Giới phân tích cho rằng, quân đội Nga đang tiến hành các cuộc tấn công trên nhiều hướng khác nhau và những hoạt động này không phải khi nào cũng liên kết với nhau. Khác với việc tập trung lực lượng vào một khu vực, cách tiếp cận này không dẫn đến bước đột phá nhanh chóng. Nga từng áp dụng cách tiếp cận tương tự vào mùa đông năm 2023. Do Ukraine thiếu đạn dược và lực lượng dự bị, Moscow đã đạt được những bước tiến mới.

“Sau khi giành quyền kiểm soát Avdiivka, Nga đã tìm cách san phẳng tiền tuyến và củng cố lực lượng. Mặt trận tấn công của họ đang thu hẹp dần. Do địa hình ở phía Tây Avdiivka thấp hơn nên Nga sẽ thuận lợi hơn khi tấn công các tuyến phòng thủ của chúng tôi’, cựu tướng Romanenko của Ukraine giải thích.

Theo một số nguồn tin tình báo của Ukraine, mục tiêu và kế hoạch trong tương lai gần của Nga bao gồm việc tiếp cận ranh giới hành chính của vùng Donetsk và Luhansk, củng cố quyền kiểm soát hàng rào dọc sông Chornyi Zherebets ở vùng Kharkov và giành lại các vùng lãnh thổ do quân đội Ukraine kiểm soát trong chiến dịch mùa hè và mùa thu năm 2023.

Một trong những thành công mới nhất của Nga là giành quyền kiểm soát thành phố Avdiivka, nằm gần giới tuyến từ năm 2014. Việc chiếm thành phố này cũng khiến Moscow chịu tổn thất lớn, nhưng họ vẫn tiếp tục tiến về phía Tây. Thời gian gần đây, Nga đã giành quyền kiểm soát ngôi làng Lastochkine. Trong khi đó, tình hình ở Stepove, Orlivka và Severne rất khó khăn.

Một khu vực khác mà Nga tăng cường hoạt động trong thời gian gần đây là làng Robotyne nằm ở vùng Zaporizhzhia thuộc phía Nam, cách thị trấn tiền tuyến Orikhiv khoảng 10km về phía Nam.

Nga đã chuyển giao nhiệm vụ của các đơn vị hoạt động ở hướng Zaporizhzhia-Orikhiv cho Tập đoàn quân Dnepr, trước đây hoạt động ở vùng Kherson, gần biên giới với Crimea. Lực lượng này hiện có 130.000 binh sỹ. Ngoài đảm nhận nhiệm vụ mới, Tập đoàn quân Dnepr sẽ tiếp tục thực hiện việc phá hủy đầu cầu đổ bộ của Ukraine ở Krynky, tả ngạn sông Dnipro. Ukraine đang duy trì một số lượng tương đối nhỏ các binh sỹ tại đầu cầu ở Krynky, được sự hỗ trợ của pháo binh và máy bay không người lái ở hữu ngạn con sông.

Các cuộc tập kích liên tiếp của Nga khiến Ukraine không thể mở rộng đầu cầu đổ bộ. Nhiều chỉ huy quân sự của Ukraine thừa nhận việc vận chuyển xe bọc thép và trang thiết bị hạng nặng khác sang hữu ngạn là điều cực kỳ khó khăn đối với họ.

Song song với đó, Nga tiếp tục gây sức ép tại Bakhmut, cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ của Ukraine tại Chasiv Yar và đẩy lùi quân đối phương khỏi Klishchiivka và Andriivka.

Tình hình ở khu vực Maryinka ngày càng leo thang. Tại đây, Nga đang nỗ lực giành các khu vực Pobeda và Novomykhailivka. Những hoạt động này là một phần trong kế hoạch tiến hành cuộc tấn công mới vào Vuhledar. Trước đây, Nga đã thực hiện ít nhất hai nỗ lực đáng kể và không thành công nhằm tấn công thành phố Vuhledar từ phía Nam. Giờ đây, Moscow dường như có ý định tiếp cận từ phía Bắc.

“Nga có ý định phát động làn sóng tấn công mới vào Vuhledar. Để làm được điều đó, họ cần tạo điều kiện thích hợp để cô lập Vuhledar không chỉ từ phía Nam mà còn từ phía Bắc. Nhưng họ khó có khả năng thành công trong việc này nên buộc phải đi qua Novomykhaidivka hoặc Pobeda”, ông Kovalenko nhận định.

Điều gì diễn ra tiếp theo?

Giới quan sát cho rằng, nhiều khả năng trong những tháng tới, Nga sẽ cố gắng tấn công tất cả các khu vực trên, nhưng vẫn còn phải xem xét liệu họ có đủ lực lượng hay không. Moscow đang nỗ lực thăm dò điểm yếu của Ukraine dọc theo giới tuyến và cố gắng vượt qua. Theo ông Kovalenko, ưu tiên của Nga có lẽ là rìa Robotyne và các hướng Krynky, Bakhmut và Avdiivka. Sau đó, Nga nhiều khả năng sẽ tái phân bổ nguồn lực sang các khu vực khác, rất có thể là Lyman hoặc Kupiansk.

Trang tin RBC-Ukraine dẫn các nguồn tin tình báo cho rằng, Nga sẽ tiến hành những cuộc tấn công quyết liệt, thậm chí đẩy lên cao trào, cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào tháng 3/2024 vì Điện Kremlin cần thể hiện một số thành công trên tiền tuyến trước ngày bầu cử. Vào nửa cuối mùa xuân, hoạt động tấn công của Nga có thể giảm bớt.

Vào cuối mùa xuân, số phận các khoản viện trợ bổ sung mà Mỹ và Liên minh châu Âu dành cho Ukraine sẽ rõ ràng. Nhưng đến thời điểm đó, Kiev vẫn phải đối mặt với việc thiếu vũ khí và đạn dược nghiêm trọng. Dự kiến đến tháng 3/2024, Liên minh châu Âu chỉ có khả năng cung cấp 520.000 trong số 1 triệu quả đạn pháo mà khối này cam kết dành cho Ukraine.Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel mới đây cho biết ông đã tìm được nguồn cung cấp thêm khoảng 800.000 quả đạn pháo cho Ukraine và số đạn này có thể được giao trong vài tuần nữa. Tuy nhiên, giải pháp đưa ra cần có nguồn tài trợ, có thể liên quan đến việc mua đạn dược bên ngoài EU.

Trong khi đó, Mỹ - nhà tài trợ chính của Ukraine, vẫn bế tắc trong việc xem xét các gói viện trợ quân sự bổ sung khi cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần. Theo giới phân tích, các sự kiện ở mặt trận có thể xảy ra theo 2 kịch bản, tùy thuộc vào nguồn tài trợ bổ sung của Mỹ. Nếu Quốc hội bỏ phiếu phân bổ 60 tỷ USD viện trợ, quân đội Ukraine sẽ có thể tiến hành phòng thủ hiệu quả trong nửa đầu năm 2024 và bắt đầu chuẩn bị cho các hoạt động phản công trong nửa cuối năm. Nếu viện trợ được phân bổ muộn hơn, Ukraine sẽ phải dành cả năm 2024 cho chiến lược phòng thủ.

Cạn kiệt đạn dược, Ukraine liên tiếp mất thêm lãnh thổ vào tay Nga

Sau khi mất thành trì Avdiivka, Ukraine liên tiếp đón nhận tin tức bất lợi trên chiến trường do đạn dược cạn kiệt khi họ liên tiếp mất thêm lãnh thổ trong những ngày qua.

Cộng đồng tình báo nguồn mở DeepState có liên kết với quân đội Ukraine ngày 27/2 đưa tin, quân đội Nga đang đạt được đà tiến ở phía tây và tây bắc Avdiivka, Donetsk.

Theo nền tảng này, Nga đã kiểm soát thành công 2 ngôi làng Stepove và Sieverne sau khi giành được Lastochkyne trước đó.

"Nga đã tiến gần Horlivka, Berdychi và Tonenke, đồng thời kiểm soát thành công Stepove và Sieverne. Liệu tuyến phòng thủ được tăng cường mà Bộ chỉ huy Nhóm Chiến lược Tác chiến Tavriia từng tuyên bố sẽ nằm ở đâu tiếp theo?", DeepState viết trên Telegram.

Trước đó, DeepState ngày 24/2 đưa tin quân đội Nga đã giành được làng Lastochkyne. Một ngày sau đó, Dmytro Lykhovii, phát ngôn viên của Nhóm chiến lược tác chiến Tavriia cho biết, Kiev đã rút về vùng ngoại ô phía tây của Lastochkyne, nơi họ có các vị trí phòng thủ đã được chuẩn bị sẵn.

Tuy nhiên, vào ngày 26/2, Ukraine xác nhận đã mất quyền kiểm soát Lastochkyne và Kiev đã bố trí lực lượng phòng thủ dọc theo phòng tuyến Horlivka - Tonenke - Berdychi.

Trong một diễn biến khác có liên quan, Bộ Quốc phòng Nga ngày 27/2 tuyên bố đã đạt đà tiến ở miền đông Ukraine khi giành quyền kiểm soát ngôi làng Sieverne gần Avdiivka.

Nga tuyên bố đã kiểm soát các tuyến và vị trí thuận lợi hơn để tấn công các điểm tập trung nhân lực và thiết bị của Ukraine gần 3 khu định cư khác.

Việc giành được Avdiivka sau nhiều tháng giao tranh là bước tiến đáng kể nhất của Nga kể từ khi nước này giành được Bakhmut vào tháng 5 năm ngoái.

Sau những thành công lớn vào năm 2022 khi phản công thành công và giành lại Kharkov cùng Kherson, Ukraine trong những tháng qua đã phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Ukraine phản công bất thành vào giữa năm ngoái, đồng thời đối mặt với tình trạng cạn kiệt đạn dược, khiến họ bị Nga áp đảo trên tiền tuyến. Nga vẫn đang kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ của Ukraine.

Trong báo cáo ngày 27/2 của Nga, Moscow tuyên bố Ukraine mất 485 binh sĩ, 2 xe tăng, 3 xe chiến đấu bộ binh ở Avdiivka trong 24 giờ qua, bao gồm cả thiết giáp Bradley và 2 khẩu pháo D-30.

Ngoài ra, Nga cũng xác nhận đã phá hủy thành công siêu tăng M1 Abrams mà Mỹ viện trợ cho Ukraine ở gần Avdiivka. Đây là chiếc Abrams đầu tiên bị phá hủy trong 31 chiếc mà Mỹ đã bàn giao cho Kiev vài tháng trước. Thông tin về việc chiếc xe tăng này bắt đầu xung trận mới chỉ xuất hiện vào cuối tuần trước.

Nga cho hay, kể từ đầu năm tới nay, họ đã giành được 327km2 lãnh thổ từ Ukraine trên toàn bộ tiền tuyến. Nga tuyên bố đang nã pháo dữ dội vào các cơ sở quân sự của Ukraine, khiến Kiev không thể hồi phục năng lực chiến đấu.

Nga cũng tập kích lực lượng dự bị của Ukraine bằng vũ khí có độ chính xác cao, ngăn cản lực lượng Kiev luân chuyển quân và tước đi cơ hội phản công của họ. Nga ước tính, Ukraine mất trung bình 800 binh sĩ, 120 đơn vị vũ khí mỗi ngày kể từ đầu năm tới nay.

Ukraine chưa bình luận về các tuyên bố của Nga. Rất khó để một bên thứ 3 xác minh thông tin do một phía cung cấp trong tình trạng chiến sự khốc liệt, do đây có thể là một phần trong chiến thuật tâm lý chiến.

Nguồn: CafeF; Vnexpress; Báo Tin Tức; Soha; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang