Mỹ: Vụ rò rỉ chấn động; Trump thắng kiện ở Colorado; 'Siêu thứ ba' định hình bầu cử; Sức nóng từ cuộc đua

Vụ rò rỉ chấn động Lầu Năm Góc: cựu binh Jack Teixeira nhận 6 tội danh

Cựu nhân viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Mỹ Jack Teixeira chấp nhận mức án tù giam tối đa 16 năm sau khi nhận tội làm rò rỉ tài liệu mật của Lầu Năm Góc.

Tờ The Washington Post ngày 5.3 đưa tin bị cáo Jack Teixeira, cựu nhân viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Mỹ làm rò rỉ nhiều tài liệu mật về cuộc chiến tại Ukraine và các bí mật khác, vừa thừa nhận toàn bộ các tội danh liên quan.

Cựu quân nhân 23 tuổi này chấp nhận mức án lên đến 16 năm tù giam, sau khi ra tòa án liên bang tại Boston và thừa nhận về toàn bộ 6 tội danh lưu giữ và gửi thông tin quốc phòng mật.

Để đổi lấy việc nhận tội, các công tố viên đã đồng ý không buộc tội bị cáo này vi phạm thêm Đạo luật Gián điệp.

Bị cáo Teixeira cũng đồng ý tham gia cuộc thẩm vấn với các thành viên của cộng đồng tình báo, Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Tư pháp và giao nộp bất kỳ tài liệu mật nào mà anh ta có thể vẫn đang sở hữu.

Teixeira đã bị FBI bắt giữ tại nhà riêng ở Massachusetts (Mỹ) vào ngày 13.4 và bị buộc tội vi phạm đạo luật gián điệp và đã bị Bộ Tư pháp truy tố tội tiếp cận và phân tán trái phép thông tin mật về quốc phòng.

Sau khi bị lộ trên Discord, một số tập tin sau đó có xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội khác như Twitter, 4Chan và Telegram.

Các tài liệu sau đó lan truyền trên mạng, chỉ ra lo ngại của Mỹ về năng lực quân sự của Ukraine và nghi vấn Mỹ lén theo dõi các đồng minh như Israel và Hàn Quốc, bên cạnh những thông tin nhạy cảm khác.

Đây là vụ rò rỉ lớn nhất kể từ vụ các tài liệu của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ bởi ông Edward Snowden tiết lộ hồi năm 2013, và làm dấy lên những thắc mắc về việc một nhân viên cấp thấp như Teixeira có thể tiếp cận các tài liệu mật cấp độ cao.

Cựu nhân viên Teixeira thuộc cấp thấp thứ 3 trong nhân sự thuộc Không quân Mỹ và được cấp quyền tiếp cận các tài liệu an ninh tối mật từ năm 2021.

Ông Trump thắng vụ kiện loại tên ông khỏi phiếu bầu ở Colorado tại Tối cao Pháp viện Mỹ

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã trao cho ông Donald Trump một chiến thắng lớn hôm 4/3 khi ông đang vận động tranh cử giành lại chức tổng thống. Điều này đảo ngược quyết định tư pháp vốn đã loại ông Trump khỏi cuộc bỏ phiếu ở Colorado theo một điều khoản hiến pháp liên quan đến cuộc nổi dậy vì kích động và ủng hộ cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 tấn công vào Điện Capitol.

Các thẩm phán đã nhất trí đảo ngược quyết định ngày 19/12 của tòa án tối cao Colorado về việc loại ông Trump ra khỏi cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Cộng hòa tại bang này, sẽ diễn ra vào ngày 5/3, sau khi nhận thấy rằng Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ đã loại ông khỏi việc giữ chức vụ công một lần nữa.

Ông Trump là ứng cử viên hàng đầu cho đề cử của Đảng Cộng hòa để thách thức Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử ngày 5/11 năm nay ở Mỹ.

Đối thủ duy nhất còn lại của ông Trump trong cuộc đề cử của đảng mình là cựu Thống đốc South Carolina, Nikki Haley.

Ông Trump cũng bị loại khỏi lá phiếu bầu ở Maine và Illinois dựa trên Tu chính án thứ 14, nhưng những quyết định đó đã bị hoãn lại trong khi chờ phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ kiện ở Colorado.

Khả năng hội đủ điều kiện của ông Trump đã bị thách thức trước tòa bởi một nhóm sáu cử tri ở Colorado – gồm bốn đảng viên Đảng Cộng hòa và hai đảng viên độc lập – những người miêu tả ông là mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ và tìm cách buộc ông phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 bởi những người ủng hộ ông.

Các nguyên đơn được hỗ trợ bởi nhóm giám sát tự do có tên Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức ở Washington.

Phán quyết được đưa ra ngay trước ngày Siêu Thứ Ba, ngày trong chu kỳ bầu cử sơ bộ tổng thống Hoa Kỳ với hầu hết các bang cùng tổ chức các cuộc tranh cử cho đề cử của đảng. Điều quan trọng là việc ứng cử của ông Trump phải vượt qua mọi rào cản để xuất hiện trên lá phiếu ở tất cả 50 tiểu bang, trong khi các vụ kiện tìm cách loại ông được đưa ra trên khắp nước Mỹ.

Tòa án Tối cao đã nhanh chóng giải quyết tranh chấp về lá phiếu ở Colorado, một mốc thời gian trái ngược với việc xử lý chậm hơn những nỗ lực miễn trừ truy tố hình sự đối với ông Trump trong một vụ án liên bang mà ông phải đối mặt với cáo buộc cố gắng lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020. Phiên tòa xét xử ông Trump đã bị tạm dừng chờ kết quả quyết định của Tòa án Tối cao – một lợi thế cho ông khi vận động chống lại Tổng thống Biden.

Trong vụ tranh chấp ở Colorado, các thẩm phán đã đồng ý thụ lý vụ việc chỉ hai ngày sau khi ông Trump nộp đơn kháng cáo, các lập luận được tiến hành nhanh chóng và đưa ra ý kiến bằng văn bản chỉ trong hơn hai tháng.

Các thẩm phán trong vụ kiện miễn trừ truy tố vào tháng 12 đã từ chối nỗ lực đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề trước khi tòa án cấp dưới cân nhắc, và sau đó vào tuần trước đã đồng ý giải quyết vấn đề sau khi các tòa án cấp dưới ra phán quyết. Việc này khiến cho thời gian dẫn tới việc tranh luận, dự kiến vào cuối tháng 4, kéo dài hơn nhiều.

Tòa án Tối cao, vốn áp đảo bởi số thành viên thuộc phe bảo thủ, bao gồm ba người được ông Trump bổ nhiệm. Kể từ khi ra phán quyết trong vụ kiện mang tính bước ngoặt Bush v. Gore, vốn đã trao chiến thắng của cuộc bầu cử gây tranh cãi ở Mỹ năm 2000 cho ông George W. Bush thuộc đảng Cộng hòa thay vì cho ông Al Gore của đảng Dân chủ, Tối cao Pháp viện mới đóng vai trò trung tâm như vậy trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ.

Mục 3 của Tu chính án thứ 14 cấm bất kỳ "quan chức Hoa Kỳ" nào đã tuyên thệ "ủng hộ Hiến pháp Hoa Kỳ" mà sau đó lại "tham gia nổi dậy hoặc nổi loạn chống lại chính hiến pháp đó, hoặc viện trợ hoặc an ủi kẻ thù" được nắm giữ chức vụ.

Trong nỗ lực ngăn cản Quốc hội chứng nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020 cho ông Biden, những người ủng hộ ông Trump đã tấn công cảnh sát, vượt rào chắn và tràn vào Điện Capitol. Ông Trump đã có một bài phát biểu gây kích động trước những người ủng hộ, lặp lại những tuyên bố không đúng của ông về gian lận bầu cử tràn lan và nói với họ hãy đến Điện Capitol và "chiến đấu chết thôi". Sau đó trong hàng giờ đồng hồ, ông Trump đã từ chối yêu cầu buộc ông kêu gọi đám đông dừng lại.

Tu chính án 14 được phê chuẩn sau cuộc Nội chiến 1861-1865 ở Mỹ, trong đó các bang miền Nam ly khai vốn cho phép thực hành chế độ nô lệ đã nổi dậy chống lại chính phủ Hoa Kỳ.

Trong phán quyết chống lại ông Trump, tòa án cấp cao của Colorado nêu ra "bầu không khí bạo lực chính trị chung mà Tổng thống Trump đã tạo ra" và cho rằng ông Trump đã hỗ trợ "mục đích bất hợp pháp chung của những kẻ nổi dậy nhằm ngăn chặn việc chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa ở đất nước này."

Tòa án Tối cao đã nghe các tranh luận vào ngày 8/2. Luật sư của ông Trump lập luận rằng ông không phải chịu bị truất quyền vì tổng thống không phải là "quan chức của Hoa Kỳ". Họ cho rằng điều khoản này không thể được thực thi bởi các tòa án nếu không có luật của quốc hội, và rằng những gì xảy ra vào ngày 6 tháng 1 thật đáng xấu hổ, mang tính tội ác và bạo lực nhưng không phải là một cuộc nổi dậy.

Nhiều đảng viên Cộng hòa đã chỉ trích động thái loại bỏ tên ông Trump khỏi phiếu bầu là can thiệp vào cuộc bầu cử, trong khi những người ủng hộ hành động này cho rằng việc buộc ông Trump phải chịu trách nhiệm về mặt hiến pháp đối với một cuộc nổi dậy là ủng hộ các giá trị dân chủ.

"Siêu thứ ba" định hình bầu cử tổng thống Mỹ

Với 16 bang và một vùng lãnh thổ bang tiến hành bầu cử sơ bộ, hôm nay (5/3) được coi là "Siêu thứ ba" trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Siêu thứ ba là gì?

Hôm nay, 5/3, nước Mỹ sẽ bước vào ngày bầu cử sơ bộ lớn nhất với gần 20 bang tiến hành bầu cử sơ bộ nhằm chọn ra ứng viên sẽ đại diện đảng Cộng hòa hoặc đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống.

Cụ thể, cử tri đã đăng ký ở 13 bang gồm Alabama, Arkansas, California, Colorado, Maine, Massachusetts, Minnesota, North Carolina, Oklahoma, Tennessee, Texas, Vermont và Virginia sẽ đi bỏ phiếu bầu sơ bộ.

Hai bang gồm Alaska and Utah sẽ bầu cử sơ bộ theo hình thức bỏ phiếu kín. Cử tri Dân chủ ở vùng lãnh thổ Samoa cũng bỏ phiếu kín vào ngày này trong khi cuộc bỏ phiếu kín ở phía đảng Cộng hòa dự kiến diễn ra vào ngày 8/3.

Ngoài ra, kết quả bỏ phiếu kín sau cuộc họp đảng của Đảng Dân chủ tại bang Iowa cũng sẽ được công bố.

Do bầu cử sơ bộ Siêu thứ ba diễn ra ở các bang và vùng lãnh thổ nằm trải khắp 6 múi giờ, nên có thể mất vài giờ hoặc thậm chí vài ngày để xác định ứng viên giành chiến thắng của mỗi đảng.

Về cơ bản, trên lá phiếu của đảng Cộng hòa sẽ có tên cựu Tổng thống Donald Trump và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley. Tên các ứng viên đã bỏ cuộc có thể vẫn còn trên lá phiếu, nhưng thực tế những người này không còn tham gia vào đường đua. Ở phía đảng Dân chủ, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden gần như là lựa chọn duy nhất mặc dù nghị sĩ Dean Phillips vẫn chạy đua tranh cử.

Lý do khiến Siêu thứ ba quan trọng

Sở dĩ Siêu thứ ba có ý nghĩa quan trọng, thậm chí góp phần định hình bầu cử tổng thống Mỹ là bởi dịp này sẽ có khoảng 1/3 số phiếu đại biểu mà mỗi ứng viên đảng Dân chủ hay Cộng hòa cần có để giành được đề cử của đảng ra tranh cử.

Đối với đảng Dân chủ, các cuộc bầu cử Siêu thứ 3 có 1.420 trong tổng số 3.979 phiếu đại biểu toàn quốc, tương đương 36%. Một ứng viên cần giành 1.968 phiếu đại biểu để được đề cử đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống vào cuối năm nay.

Ở đảng Cộng hòa, dịp bầu cử Siêu thứ ba có sự hiện diện của 865 trong số 2.429 đại biểu. Một ứng viên cần ít nhất 1.215 phiếu đại biểu để được nhận được đề cử tại Đại hội đảng diễn ra vào tháng 7 tới.

Sau một số cuộc bầu cử đầu tiên của đảng Cộng hòa, ông Trump đã giành được 247 phiếu đại biểu, trong khi ông Biden giành 206 phiếu. Trang tin CBS ước tính, sớm nhất phải đến giữa tháng 3 này ông Trump mới có thể giành đủ số phiếu đại biểu để giành được đề cử của đảng Cộng hòa.

Thông thường, Siêu thứ ba được coi là thời điểm quyết định ứng viên nào nhiều khả năng giành được đề cử của đảng mình nhất. Tuy nhiên, năm nay, yếu tố kịch tính và bất ngờ thấp do ông Biden và ông Trump gần như nắm chắc đề cử này.

Sau Siêu thứ ba, các ứng viên sẽ tiếp tục vận động tranh cử khi các bang còn lại sẽ lần lượt tiến hành bầu cử sơ bộ cho đến tháng 6. Những bang bầu cử sơ bộ cuối cùng gồm Montana, New Jersey, New Mexico, South Dakota và Washington D.C.

Sức nóng từ cuộc đua

Ngày 5-3 (giờ Mỹ) là ngày “Siêu thứ ba”, ngày quan trọng đối với các kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ.

Thuật ngữ trên được sử dụng lần đầu tiên năm 1988 khi lãnh đạo đảng Cộng hòa tại các bang miền Nam nước Mỹ quyết định tổ chức bỏ phiếu trong cùng một ngày để tạo uy thế cho ứng cử viên mà họ ủng hộ.

Lãnh đạo cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sau đó nhận ra rằng việc tổ chức sớm, đồng thời một số lượng lớn các cuộc họp đảng và bầu cử sơ bộ sẽ giúp cử tri xác định đâu là ứng cử viên tổng thống sáng giá nhất của mỗi đảng, qua đó tăng tính đoàn kết và thống nhất trong nội bộ đảng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Việc thu được kết quả tốt trong ngày “Siêu thứ ba” thường là liều “doping” mạnh cho chiến dịch tranh cử của mọi ứng cử viên tổng thống.

Song song với sự quan tâm dành cho ngày “Siêu thứ ba”, báo chí Mỹ cũng tập trung vào những vấn đề mà cử tri xứ cờ hoa quan tâm. Kết quả cuộc thăm dò dư luận do Hãng Gallup tiến hành trong tháng 2 cho thấy ngày càng nhiều người Mỹ trưởng thành cho rằng nhập cư là vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay. Điều này được minh chứng khi cả hai ứng cử viên hàng đầu là Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã đến thăm biên giới phía Nam của nước Mỹ hôm 29-2 vừa qua, trong bối cảnh vấn đề biên giới và nhập cư bất hợp pháp đang là điểm nóng.

Tiếp đến là củng cố nền kinh tế. Theo báo cáo do Trung tâm nghiên cứu Pew mới công bố, gần 75% số người Mỹ được hỏi coi củng cố nền kinh tế là ưu tiên hơn bất kỳ mục tiêu chính sách nào khác. Ngoài ra, dư luận tiếp tục có những tranh luận sôi nổi về chủ đề nóng khác là độ tuổi của các ứng cử viên tổng thống. Báo The Hills cho rằng, trên thực tế, người dân Mỹ ngày càng có xu hướng thích các ứng cử viên lớn tuổi và thực tế này diễn ra qua hàng chục cuộc bầu cử tổng thống.

Bên cạnh những vấn đề cử tri Mỹ quan tâm, các cơ quan chức năng của Mỹ cũng đang nỗ lực phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng đối với cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới tại nước này, từ thao túng cử tri, bạo lực phá hoại cho đến tấn công mạng nhằm đe dọa tính hợp pháp của cuộc bầu cử… Dù còn hơn nửa năm nữa mới đến ngày bầu cử chính thức nhưng ngay từ bây giờ đã có thể cảm nhận được sức nóng của cuộc chạy đua đầy căng thẳng này.

Nguồn: Thanh Niên; VOA; Dân Trí; Sài Gòn Giải Phóng

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang